Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 9: Muốn ăn chơi hãy làm hoàng đế



Lại nói Anh Minh hoàng đế Mãn Châu một mặt liên minh với Mông Cổ, một mặt cho người vào quan nội thám thính tình hình triều Minh, rồi mới ban sư về Hưng Kinh huấn luyện quân sĩ Bát Kỳ chuẩn bị cuộc ác chiến trong tương lai.

Một hôm, giữa lúc Kim đế đang cùng bọn bối lặc đại thần nghiên cứu và thảo luận sách lược thôn tính đất nước triều Minh tại Tây Thiền điện, thì có Thừa tuyên quan lên điện tâu trình:

- Hiện đã có thám mã dò xét được tình hình Minh triều, đợi chờ chỉ ý của bệ hạ ngoài triều môn.

Anh Minh hoàng đế nghe xong liền truyền chỉ cho thám tử vào điện. Tức thì tên thám tử chạy vào quỳ trước điện ngọc, miệng tâu:

- Hiện nay, Thần Tông hoàng đế nhà Minh phong Trương Cư Chính làm tể tướng, chỉnh lý triều cương so với xưa khác hẳn.

Anh Minh hoàng đế bèn hỏi:

- Chỉnh lý như thế nào?

Thám tử tâu tiếp:

- Trương Tể tướng cách chức bọn gian thần, dùng toàn người chính nhân quân tử để phụ chính tại triều. Lại sai người tới Giang Nam, Giang Bắc kiểm tra hộ khẩu, đo đạc ruộng đất, điều tra ra nhiều mối tệ về thuế má, do đó mỗi năm triều đình còn thu thêm được đến hơn trăm vạn lạng bạc. Ông ta giảm bớt hơn một ngàn viên quan thuế vô dụng. Tháng Giêng năm nay, ông lại ra lệnh miễn thu hơn hai trăm vạn lạng bạc thuế thiếu, khiến trăm họ ai cũng đều cảm kích đối với triều đình và đem hết trung can để phục vụ hoàng thượng của họ. Trương Tể tướng lại còn dặn dò Binh bộ thượng thư tuyển mộ binh mã dụng tâm huấn luyện, chuẩn bị cùng ta chiến chinh. Một mặt họ Trương cho Thích Kế Quan thống lĩnh đại binh đồn trú tại biên cảnh Mông Cổ nơm nớp đề phòng, mặt khác điều động những đoàn quân tinh nhuệ đóng giữ Sơn Hải quan. Thần Tông hoàng đế thấy Trương Tể tướng trung trinh ái quốc như vậy, hết sức kính trọng, và cũng hết sức sợ hãi.

Anh Minh hoàng đế nghe tới chỗ này, hết sức ngạc nhiên bèn hỏi:

- Kính trọng họ Trương là phải, chứ tại sao lại sợ hãi?

Tên thám tử lại tâu:

- Bệ hạ không rõ chỗ này là phải. Bởi vì Trương Tể tướng tỏ ra rất nghiêm khắc đối với Thần Tông hoàng đế. Nghe nói họ Trương tiến cử rất nhiều danh sĩ miền Giang Nam để làm nhật giảng quan cho nhà vua. Bất cứ cử chỉ nào của nhà vua như đứng ngồi cười nói, bọn này đều phải ghi vào sổ hàng ngày rồi đưa cho họ Trương xem xét. Thảng hoặc có những hành động không hợp đạo lý, họ Trương bèn phê phán ngay. Do đó Thần Tông hoàng đế chẳng bao giờ dám lười nhác hay sai quấy, lầm lẫn. Họ Trương lại còn gọi nhiều bậc đại thần ngày ngày ở bên cạnh đọc sách cho vua nghe. Chính bản thân Trương, cũng có nhiều lần hầu cận bên vua. Khi có cuộc giảng thuyết, Trương Tể tướng luôn luôn có mặt, nhiều hôm lâu đến nỗi lưng nhà vua mồ hôi toát ra nhễ nhại. Một hôm Thần Tông hoàng đế đọc sách luận ngữ khi tới cậu "Sắc bột như dã", ngài đọc trật chữ "bột" ra chữ "bội". Trương Tể tướng bỗng đứng phắt dậy, mặt đuột thẳng ra, tỏ vẻ bực bội, lớn tiếng bảo nhà vua: "Chữ đó đâu phẩi là chữ "bội". Đó là chữ "bột nhiên đại nộ" đấy chứ!". Thần Tông hoàng đế giật mình đến thót một cái, ngay cả nhật giảng quan cả bọn biến sắc mặt.

Anh Minh hoàng đế nghe tâu đến đây, không khỏi thở dài:

- Thật là một viên Tể tướng xứng đáng. Minh triều có tên Trương Cử Chính ấy thì ta còn làm gì được họ nữa.

Nói đoạn, ông sai người thông báo tin tức đó cho Lâm Đan Hãn biết, mặt khác, ông lại sai tên thám tử trở vào quan nội dò la tiếp.

Ai ngờ Trương Tể tướng không được bao lâu thì mất. Thần Tông hoàng đế tuy mừng thoát được cái cùm kìm hãm nhưng từ đó mọi việc coi như hỏng bét. Khắp triều toàn một bọn gian thần thao túng. Nhà vua lại sinh ra biếng nhác, chẳng để ý đến việc triều chính. Suốt ngày vua chỉ ở lỳ trong cung cấm cùng bọn phi tần vui đùa ca hát. Đại sự của triều đình đều do mấy tên thái giám tha hồ tác oai tác phúc.

Triều chính đổ nát tất sinh loạn. Cam Túc, Ninh Hạ nhiều nơi nổi dậy. Đại tướng Nhật Bản tên Phong Thảnh Tú Cát thống lĩnh mười ba vạn lục quân, chín ngàn hai trăm thuỷ sư tới đánh Triều Tiên. Vua Triều Tiên là Lý Chiêu chạy trốn tới Nghĩa Châu, sai người tới Minh triều cầu cứu. Mặt khác Anh Minh hoàng đế nhân cơ hội đó bắt hai thái tử con Lý Chiêu đem về, rồi đánh phá mặt Bắc Triều Tiên.

Tin tức đó đến tai Thần Tông hoàng đế. Ông vội sai tướng quân Tổ Thừa Huấn thống suất đại đội binh mã đi tiếp viện.

Hành quân đến nửa đường, Huấn gặp tiền đội tiên phong Nhật Bản Tiểu Tây Hành Trương. Hai bên tiếp chiến, Huấn đại bại trốn về. Lý Như Bá lúc đó đồn trú quan ngoại, thường khoe khoang quân Minh tinh luyện hùng tráng, điều động đại đội binh mã ác chiến với tướng Nhật là Tiểu Hán Xuyên ở Bích Đế nhưng cũng đại bại, phải trốn về Bình Nhưỡng.

Tể tướng mới của Minh triều là Thạc Tinh được tin đó hết sức hoảng sợ, lập tức sai Thẩm Duy Kích đi giảng hoà. Lần này Minh triều ở Ninh Hạ dùng tới hơn một triệu tám trăm bảy mươi tám ngàn lạng bạc binh phí, còn tổng cộng ở Triều Tiên trong bảy năm trời đã hết tất cả hơn bảy triệu tám trăm hai mươi hai ngàn lạng bạc. Những chi phí khổng lồ đó làm cho kho tàng trong nước rỗng tuếch, nhân tâm rối loạn. Thần Tông hoàng đế lo lắng, suốt ngày đêm đứng ngồi không yên mà vẫn không tìm ra giải pháp nào.

Thần Tông hoàng đế có một tên thái giám hầu cận tính rất xảo quyệt. Hắn thấy nhà vua gặp lúc quá lo lắng, bèn nhân cơ hội đó khuyên ngài cho phép dân khai thác các mỏ khoáng sản để lấy thuế, như vậy quốc khố sẽ thu vào được nhiều, có thể bù đắp chỗ hống gây ra vì chiến phí. Nhà vua nghe xuôi tai liền chấp thuận đề nghị và hạ chỉ cho dân chúng địa phương khai mỏ.

Bọn thái giám thừa gió bẻ măng, lợi dụng thông đồng với bọn quan nha địa phương, thôi thì tha hồ sách nhiễu trăm họ. Những miền nào có nhiều khoáng sản đều bị chúng chiếm đoạt làm của riêng. Chúng lại còn mượn thế lực triều đình, chỗ nào khai không được bèn bắt dân bồi thường phí tổn cho chúng.

Thảng có kẻ không chịu, chống lại, chúng liền bảo dưới nhà họ, dưới ruộng đất họ có khoáng sản, để tịch thu luôn ruộng đất, để đào xới cả nền móng cửa nhà cho bõ ghét. Dân chúng không một ai không oán hận tận xương tận tuỷ. Ấy thế mà bọn thái giám này vẫn nhơn nhơn coi khinh. Chúng đã cướp bóc dân lành vô khối, nhưng vẫn chưa cho là đủ. Chúng tâu xin Thần Tông hoàng đế nạ dụ cho thu thuế phố xá ở Thiên Tân, thu thuế châu ngọc ở Quảng Châu, thu thuế muối ở Lưỡng Hoài, thu thuế chợ, thuế thuyền ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, thu thuế gỗ quý ở Trùng Khách, thu thuế thuyền ở Tràng Giang, thu thuế khách điếm ở Minh Châu, thu thuế cá ở Bảo Đệ vân vân…

Tiếp tay bọn thái giám, có bọn tham quan ô lại. Tụi này cũng nhờ lửa đánh cướp, mặc sức bóc lột dân lành. Trong xóm làng nhà nào có nuôi một con gà, một con heo cũng bị thuế, không chạy thoát được một cắc. Dân tình đo đó ngày càng khánh kiệt đói khổ mười nhà đã tới chín không đủ manh áo miếng cơm. Thế mà Thần Tông hoàng đế chẳng biết gì cả. Ngài chỉ biết ngày đêm nằm liệt trong cung cấm mà mua vui với bọn cung tần mỹ nữ.

. Bọn thái giám lộng hành sợ rằng ngài một hôm nào đó lâm trào tra ra điều bất minh của chúng nên thông đồng với tên Tổng quản cung cấm là Nguy thái giám phỉnh gạt ngài rằng:

- Quốc gia đại sự đã có trăm quan lo liệu. Thiên tử ngọc thực vạn thượng, đương nhiên hưởng thụ mọi vui thú cõi trần gian. Người đời thường nói: đời sống được bao năm. Bệ hạ nếu không nhân lúc trẻ trung khoẻ mạnh này mà hành lạc thì rồi đây trăm năm một nấm, thân nát theo cây cỏ há chẳng đáng tiếc lắm sao?

Câu nói phỉnh gạt khôn khéo đó quả thực đã khêu gợi được lòng dục của Thần Tông hoàng đế, thế là từ đó ngài buông mình vào khoái lạc, suốt ngày thâu đêm tha hồ ăn chơi phóng đãng. Kim Loan điện đã lâu lắm chẳng thấy ngài thiết triều. Tiếng chuông, tiếng trống không còn ngân vang nơi Cạnh Đường cung như trước. Đền đài miếu mạo làm bạn với cỏ cây hoang vắng mặc cho dơi bay én liệng, cáo chuột kết đàn kéo lũ trong các lau lách tốt quá đầu người, coi nơi cung đình như tổ ấm an toàn của chúng.

Nguy thái giám thấy nhà vua ăn chơi đã đến lúc sướng khoái bèn bắt chước cực chế của triều Nguyên xây cất ngay trong đại nội nào là cung Đức Thọ, cung Thuý Hoa nào là lầu Liên Thiên điện, Hồng Loan, điện Nhập Tiêu, điện Ngũ Hoa với một chương trình kiến trúc vĩ đại.

Hồi đó vào giữa mùa hè, khí trời nóng bức, Nguy Thái giám bèn chọn một nơi cây cối xum xuê bóng rợp, xây cất một toà Thanh Lâm Cát, bốn chung quanh trồng thông, trồng trúc, cành lá rườm rà.

Mỗi khi gió nam thổi qua kẽ lá, một tiếng nhạc vi vu êm dịu trỗi dậy y như một bản hoà tấu với muôn ngàn đàn sáo tiêu hồ: Phía đông có đình Tùng Thanh, phía tây có đình Trúc Phong. Phía nam có gác Thanh Thuỷ. Dưới chân núi Vạn Thọ dựng một toà Xuân Hải đường, trên vách vẽ toàn cành hoa tiêu, bốn mặt treo toàn màn gấm. Cột gác trên đều bằng gỗ thơm. Bình phong toàn bằng ô cốt. Trướng kết toàn bằng lông công. Dưới đất trải nệm gấm vừa dày vừa êm, vừa mướt, trong các phòng luôn toả một mùi hương thơm ngào ngạt. Thần Tông hoàng đế vừa mới đặt chân tới, thần hồn ngài bỗng điên đảo, mắt xuýt bị choá, mũi như muốn nghẹt thở. Nguy thái giám còn tuyển năm, bảy trăm mỹ nữ tuyệt sắc tại miền Giang Nam để trong các cung phòng cho hoàng đế ngài dùng. Họ Nguy lại còn bắt chước nhà Nguyên lấy một số danh từ thực đẹp để chỉ các cuộc đại yến tuỳ theo thời tiết. Ví dụ vào lúc hoa Bích đào nở rộ, trong bày yến thì gọi là Ái Kiều yến; vào lúc hoa Hồng mai bắt đầu cười gió, thì gọi là Ô Hồng yến; vào lúc hoa Hải đường khoe thắm thì gọi là Noãn Trang yến; vào lúc hoa Thuỷ hương rải hương thơm nức thì gọi là Bát Hàn yến: vào lúc hoa Mẫu đơn đua màu đỏ rực thì gọi là Tá Xuân yến, vào lúc hoa chưa nở thì gọi là Đoạt Tú yến. Ngoài ra, còn có Lạc Mao yến, Đao Thanh yến, Bội Lan yến, Thái Liên yến: Tóm lại không có một việc gì mà không có yến, không chỗ nào là không có yến. Ngày nào cũng có yến, nơi nào cũng có yến. Tiếng đờn ca vang lừng khắp chốn, mùi hương phấn thơm nức cung đình. Tất cả mọi thứ đều quyến rũ, mê ly, khiến vị phong lưu thiên tử của Minh triều mê mệt suốt ngày đêm như mộng như mơ.

Người đẹp được Thần Tông hoàng đế sủng ái nhất phải kể Trịnh quý phi. Nhà vua ở đâu là có Trịnh quý phi ở đấy.

Mỗi khi không thấy bóng nàng nhà vua mặt ủ mày ê, chẳng còn gì khiến ngài vui lên được.

Trịnh quý phi cùng một phe với Nguy thái giám, cả hai luôn luôn phát minh nhiều lối chơi hết sức tân kỳ độc đáo để phỉnh nịnh nhà vua.

Hồi đó tháng hè oi bức, trời đã vào khuya mà còn nóng nực. Mặt trăng gần treo sát trên không, Thần Tông hoàng đế vẫn còn mê mải trong cuộc truy hoan nơi Thanh Lâm các thì Trịnh quý phi bỗng nảy sinh một chủ ý: nàng mời đức vua sang Thái Dịch trì để thưởng nguyệt.

Nguy thái giám được lệnh gọi đi sửa soạn. Nơi đây Thần Tông hoàng đế cùng Trịnh quý phi dắt tay đến bên Thái Dịch trì, bước lên thuyền hoa từ từ chèo tới giữa hồ.

Trên trời lúc đó, ánh trăng vàng chiếu xuống đáy nước long lanh. Mặt hồ, những đoá sen tươi nào trắng, nào hồng, toả mùi hương thơm ngát. Quay nhìn bốn phía, nhà vua đều thấy có những chiếc thuyền hái sen nhỏ. Trên thuyền nào cũng có đội nữ quân. Chỉ huy toàn đội ở phía xa là một trang cung nữ tuyệt sắc, mặt đẹp như hoa, người xinh như liễu, đầu đội một chiếc mũ lông vũ màu đỏ, toàn thân mặc một bộ áo giáp vải pha màu, trong tay cầm một cây Nê Kim hoạ kích. Ở mũi thuyền nàng đứng có cắm một cây cờ đuôi phượng mỗi khi gió thổi bay tung, người ta thấy lộ ra hai chữ "Phượng đội" (đội chim phượng).

Còn ở phía hữu người ta cũng thấy một trang cung nữ đứng chỉ huy toàn đội. Nàng cũng đẹp cũng xinh chăng thua gì nàng kia, nàng cũng có một nhan sắc chim sa cá lặn, đổ nước nghiêng thành. Trên đầu nàng đội một cái mũ Tất chu đỏ thắm, toàn thân nàng mặc một bộ áo giáp bằng lông mao trắng như tuyết, trong tay nàng cầm một cây Lịch Phấn điêu qua. Ở mũi thuyền nàng đứng có cắm một lá cờ cánh hạc. Dưới bóng trăng, người ta nhìn rõ trên lá cờ có hai chữ "Hạc đoàn" (đoàn chim hạc). Ngoài ra còn có nào mủng hái sen, nào mủng hái súng. Thuyền mủng nào cũng đều kết hoa thắt gấm, chở đầy cung nữ xinh đẹp như mộng, hoạt bát lẹ làng, chèo lướt như bay trên mặt nước.

Trời đã khuya, mặt trăng đã đứng bóng. Mây ngũ sắc trên trời lơ lửng treo dưới trăng.

Trịnh quý phi dặn bảo nội thị bày tiệc thưởng trăng, cùng hoàng đế sánh vai hoà tấu bản nhạc tình muôn thuở.