Thiên Hạ Truyền Kỳ

Chương 11: Giang thượng thuyền trung thu thủy khấu thiên đài sơn hạ quyết thư hùng



Nói về Ngọc Diện Lang Quân Dương Lâm sau khi rời Trung Châu, mang theo bốn thủ hạ là Sưu Hồn Kiếm Trương Thiên, Bôn Lôi Kiếm Tạ Minh, Trường Thanh Kiếm Nhạc Mẫn và Xảo Thiên Kiếm Đồ Lôi phụng ý chỉ điện hạ lên đường đến Quân Sơn gây dựng sự nghiệp.

Trên đường đi, chàng đem một số tuyệt kỹ vừa học được truyền thụ cho bọn thủ hạ. Bốn người họ trước đây vốn là thủ hạ thân tín đã được Bách Độc Chân Quân đích thân đào luyện, nay lại được luyện thêm Lư Lăng Kiếm Pháp nên công phu tăng tiến vượt bậc.

Ngày đi đêm nghỉ, mất gần nửa tháng cả bọn mới tới được Nhạc Dương.

Nhạc Dương nằm bên cạnh Động Đình Hồ, từ xưa đã là một thành thị lớn. Trên bờ thì phố xá ngang dọc, nhà cửa đông đúc, hàng ăn quán xá dày đặc, ngựa xe nhộn nhịp, người qua kẻ lại chen vai thích cánh vô cùng náo nhiệt. Dưới bến thì thương thuyền chen chúc neo đậu.

Năm người ghé vào một khách điếm sang trọng nhất thành, thuê nguyên cả khu hậu viện làm chỗ nghỉ ngơi. Việc bọn tiểu nhị tíu tít phục thị thượng khách tưởng không cần phải thuật chi tiết.

Sau đó, Dương Lâm phái Trương Thiên ra ngoài thăm dò tình hình.

Đến gần tối, họ Trương mới trở về báo cáo. Theo những gì y tìm hiểu được thì hiện trong vùng có hai thế lực luôn kình chống nhau để tranh giành ảnh hưởng là Động Đình thủy trại và Quân Sơn thủy trại.

Khác với vùng Trung Châu, nơi đây hầu như thiếu vắng các đại môn đại phái, nhưng số độc hành hào khách thì nhiều vô số. Bọn người này độc lai độc vãng, ung dung tự tại, chẳng chịu sự ước thúc của ai.

Ngoài ra, suốt dải thượng hạ du Trường Giang còn bao gồm rất nhiều tiểu trại chia nhau kiểm soát con đường chuyên chở bè gỗ. Cả hai thế lực Động Đình thủy trại và Quân Sơn thủy trại đều ra sức khuếch trương ảnh hưởng nhằm thu phục trại chủ các tiểu trại này để thu tóm các lãnh địa, mở rộng địa bàn thế lực.

Thế của hai thủy trại trước nay như nước với lửa. Thủ hạ song phương thường xuyên nảy sinh tranh chấp, và có thể gây xung đột bởi bất kỳ nguyên nhân nhỏ nhặt nào. Những cuộc chém giết hầu như ngày nào cũng có. Và những cuộc hỗn chiến cũng thường xuyên diễn ra.

Hiện thời Quân Sơn thủy trại thực lực có phần yếu hơn, nhân số cũng ít hơn, nên thường kém thế trong các tranh chấp giữa song phương.

Sau khi suy tính, Dương Lâm quyết định hãy khoan hành động. Tạm thời chàng vừa du sơn ngoạn thủy vừa chờ đợi thời cơ. Tình thế hai thủy trại như đang kiếm tuốt cung giương, sớm muộn gì cũng phát sinh biến cố.

Bấy giờ, chàng trở thành một thế gia công tử không hiểu võ công, thuê một chiếc du thuyền sang trọng đi dọc Trường Giang ngoạn cảnh. Bọn Trương Thiên thì giữ vai trò vệ sĩ. Lúc bấy giờ cũng có nhiều đại phú dư tiền lắm của thường thuê du thuyền dạo chơi các nơi nên hành động của chàng cũng chẳng khiến giới võ lâm địa phương chú ý.

Tuy nhiên, vì chàng rộng rãi vung vãi tiền tài nên vẫn có nhiều kẻ quan tâm.

Một hôm, chàng đang cùng bốn thủ hạ ngồi uống rượu trong khoang thì chợt nghe có tiếng hô hoán rất khẽ ở bên ngoài. Chàng thính lực tinh tường, đã nghe thấy có một chiếc thuyền con đang áp sát mạn du thuyền, rồi có bảy người nhảy lên. Lượng định công phu của bọn kia cũng không có gì đặc sắc, chàng vẫn điềm nhiên ngồi uống rượu, không lý gì đến sự xuất hiện của bọn chúng.

Sau một lúc, cửa khoang thuyền đột ngột bung ra. Bảy người bọn lạ mặt cùng với lão chủ thuyền và gã tài công song song tiến vào, trên tay lăm lăm đại đao sáng loáng, sát khí đằng đằng. Thì ra lão ta cũng là quân thủy khấu, chuyên dùng du thuyền để câu nhử những hào phú đại gia, khi gặp đối tượng thì báo cho đồng đảng đến hạ thủ.

Một tên trong bọn có vẻ là thủ lĩnh hất hàm hỏi:

- Các ngươi muốn sống hay muốn chết.

Dương Lâm khẽ cười hỏi:

- Muốn sống thì sao, mà muốn chết thì thế nào?

Tên kia cũng bất ngờ trước thái độ bình tường của đối phương, gằn giọng nói:

- Muốn sống thì mau giao nộp hết kim ngân tài vật cho bọn ta. Bằng như muốn chết thì ta cho một đao rồi quẳng thây xuống sông làm mồi cho cá.

Trương Thiên khẽ nói với Dương Lâm:

- Gã là Hỗn Giang Long Phương Kiệt, cũng có chút thế lực, đang kiểm soát đoạn sông thuộc phủ Thường Đức ở phía thượng du Trường Giang so với thành Nhạc Dương. May nhờ Động Đình thủy trại và Quân Sơn thủy trại đang có xung đột nên gã mới có thể yên ổn làm ăn.

Dương Lâm gật đầu, ra hiệu cho họ Trương đối đáp. Y lạnh lùng nói:

- Bọn tiểu khấu các ngươi quả là đã đến hồi tận số nên mới dám giở giọng đó trước mặt công tử của chúng ta. Mau quỳ xuống thỉnh tội, may ra sẽ được sinh tồn.

Tưởng đâu sau khi ra oai thì đối tượng sẽ sợ chết khiếp, riu ríu dâng nộp tài vật, nào ngờ lại nhận được câu trả lời như vậy, Hỗn Giang Long Phương Kiệt gằn giọng quát:

- Các ngươi muốn chết. Tất cả huynh đệ hãy mau xông lên cho chúng biết tay.

Tiếng quát của gã hãy còn chưa dứt thì đã thấy bóng nhân ảnh thấp thoáng, rồi những tiếng phịch phịch, loảng xoảng vang lên không ngớt. Tám tên thuộc hạ của Phương Kiệt, kể cả lão chủ thuyền và gã tài công, đều đã bị bốn người bọn Trương Thiên dùng thân pháp Thần Ảnh Cửu Thức Bộ cực kỳ linh diệu áp sát điểm huyệt khiến cả bọn ngã lăn xuống sàn thuyền, hôn mê bất tỉnh.

Sự việc diễn ra quá nhanh. Gã họ Phương còn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra thì bọn thủ hạ đều đã lăn lóc trên sàn thuyền bất tỉnh.

Quá kinh ngạc trước thủ pháp linh diệu và cực kỳ thần tốc của đối phương, Phương Kiệt đứng đờ ra như khúc gỗ, ngẩn ngơ hồi lâu.

Trước sau vẫn ngồi lặng yên, bấy giờ Dương Lâm mới đưa mắt nhìn gã mỉm cười, khẽ hỏi:

- Giờ thì ai biết tay ai?

Phương Kiệt giật mình tỉnh trí, xoay chuyển ý nghĩ, nghiêng mình cung kính nói:

- Tại hạ hết lòng khâm phục khí độ của công tử, xin cho theo phò tá.

Dương Lâm dịu giọng nói:

- Thế cũng được. Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn. Ngươi đã chân tâm quy phục thì chuyện hôm nay bỏ qua không nhắc đến nữa.

Phương Kiệt sụp lạy tạ ân. Dương Lâm bảo Trương Thiên giải huyệt cho bọn thủ hạ của họ Phương. Nhân đấy, chàng trao cho lão chủ thuyền một vạn lượng bạc, lệnh cho lão sửa sang lại chiếc thuyền cho thật lộng lẫy, để từ nay dùng làm thuyền ngự. Còn chàng thì cùng bọn Trương Thiên dời đến ngụ tại Phương gia trang.

Sau đó, chàng truyền thụ công phu cho bọn Phương Kiệt, đồng thời lệnh cho gã phái người theo dõi tình hình biến động trong Động Đình Hồ.

Nửa tháng sau …

Hôm nọ, Phương Kiệt đột nhiên dẫn mười mấy người đến bái kiến Dương Lâm. Bọn họ đều là trại chủ của các tiểu trại trong vùng lân cận, đến xin quy thuận để mong được che chở trước cuộc xung đột ngày càng khốc liệt giữa hai thủy trại trong Động Đình Hồ.

Nguyên họ Phương sau khi được truyền thụ tuyệt học, võ công tăng tiến nhanh chóng thì vô cùng đắc ý, nghĩ cách lập công. Gã liền đến các tiểu trại lân cận khuyến dụ bọn họ quy phục Dương Lâm.

Các tiểu trại này trước giờ thường xuyên bị hai thủy trại trong Động Đình Hồ thi nhau chèn ép, bị kẹt giữa hai thế lực hùng mạnh, khôn bề xoay sở nên lúc nào cũng thấp thỏm không yên. Nay cả bọn tận mắt chứng kiến võ công họ Phương đột nhiên tăng gia vượt bậc, chưa chắc đã thua mấy vị đầu lĩnh hai thủy trại trong Động Đình Hồ thì rất bất ngờ, liền gặng hỏi ngọn ngành. Mà người võ lâm có ai lại không thích võ công tăng tiến. Do vậy mà khi đã tỏ tường tự sự, cả bọn đua nhau kéo đến bái kiến Dương Lâm xin quy phục để được che chở và truyền thụ tuyệt học.

Dương Lâm đã thu nhận tất cả, rồi giao cho Trương Thiên, Tạ Minh, Nhạc Mẫn, Đồ Lôi chia nhau huấn luyện.

Trải qua mấy tháng, số tiểu trại quy phục ngày càng đông. Và theo thời gian, công phu cả bọn đều dần dần tăng tiến không ít thì nhiều.

Trong thời gian đó, Dương Lâm ngày ngày ngồi thuyền du ngoạn xuôi ngược khắp các nẻo sông hồ. Bề ngoài là du ngoạn danh thắng, nhưng thực chất là bí mật thu phục hào kiệt các nơi.

Chỉ trong vòng ba tháng mà các tiểu trại từ Lư Khê đến Thường Đức đều quy về một mối. Tuy nhiên, do Dương Lâm hành sự thận trọng, bí mật nên người ngoài chẳng ai hay biết về một thế lực mới đã xuất hiện ở Giang Nam.

Một hôm, Dương Lâm đang nghị sự cùng đầu lĩnh các trại về việc bố trí nhân lực và mở rộng địa bàn thì có tin hồi báo:

- Động Đình thủy trại và Quân Sơn thủy trại do việc tranh chấp ngư trường trong Động Đình Hồ mà nảy sinh hiềm khích nghiêm trọng. Song phương cùng ước hẹn sẽ hội nhau ở một vị trí trung lập là đồi Yên Vũ cách chân núi Thiên Đài không xa để giải quyết tranh chấp.

Dương Lâm hỏi quần hào:

- Đối với sự kiện này, mọi người có ý kiến gì không?

Sách Huyết Kiếm Trần Trấn Giang thuộc thủy trại Lư Khê lên tiếng:

- Hồi bẩm công tử. Từ trước đến giờ bọn chúng luôn ỷ thế hà hiếp chư huynh đệ. Nay nhân việc này, chúng ta nên tập họp đại lực lượng thảo phạt bọn chúng. Nhân tiện dạy bọn chúng một bài học.

Hỗn Giang Long Phương Kiệt góp lời:

- Thượng sách là chúng ta nên phục sẵn quanh đồi Yên Vũ, đợi đến khi song phương giao đấu đến sức cùng lực kiệt sẽ tiến ra làm ngư ông đắc lợi.

Tất cả đồng thanh khen là diệu sách, mỗi người một lời lần lượt nói vào, đốc thúc Dương Lâm chấp thuận kế sách ấy. Mỹ Diện Tiên Hồ Nguyên Linh Vân nhoẻn miệng cười tươi, nũng nịu nói:

- Công tử nên nhân cơ hội này mà thu phục lưỡng trại luôn thể.

Dương Lâm gật đầu khen phải. Chàng bỗng nhớ đến lời dặn của điện hạ, liền nói:

- Ý kiến của Nguyên cô nương rất hữu lý. Tạ Minh, Nhạc Mẫn, Đồ Lôi, Phương Kiệt tứ vị huynh đệ chia nhau thống lĩnh nhân mã bố trí xung quanh đồi Yên Vũ, chờ hiệu lệnh hành sự. Sau khi đã bố trí xong thì lên Tảo Diệp Lâu trên Thiên Đài Sơn họp mặt. Riêng Trương huynh đệ và Nguyên cô nương theo ta đến Huyền Đô Bát Cảnh Cung.

Mọi người nghe nói đến Huyền Đô Bát Cảnh Cung nhất thời chấn động. Phương Kiệt bật thốt:

- Huyền Đô Bát Cảnh Cung.

Dương Lâm nói:

- Thiên Đài Sơn vốn là địa phận của Huyền Đô Bát Cảnh Cung. Chúng ta muốn cử sự tại đó thì cũng nên nói qua với họ một tiếng.

Nguyên Linh Vân hỏi:

- Huyền Đô Bát Cảnh Cung gần đây danh tiếng lẫy lừng, nghe nói lợi hại lắm, mà cũng vô cùng thần bí. Lai lịch của bọn họ cũng chính là một trong Võ lâm tam đại bí ẩn. Công tử có quen biết bọn họ ư?

Dương Lâm mỉm cười hỏi lại:

- Võ lâm tam đại bí ẩn là gì?

Nguyên Linh Vân đáp:

- Hồi bẩm công tử. Thứ nhất là lai lịch vị tiền bối đã từng đuổi chạy Hồng Phát Ma Vương tại Thiếu Lâm Tự. Thứ hai chính là lai lịch của Huyền Đô Bát Cảnh Cung. Còn thứ ba chính là lai lịch của hai vị giáo chủ Thiên Nhất Giáo và Bách Độc Giáo.

Dương Lâm khẽ cười:

- Người võ lâm thật đa sự.

Nguyên Linh Vân hỏi:

- Vậy là công tử có biết về ba đại bí ẩn đó phải không?

Dương Lâm cười nói:

- Biết chút ít.

Nguyên Linh Vân lại hỏi:

- Đó là gì thế ạ?

Dương Lâm nói:

- Bí ẩn thứ nhất thuộc về thiên cơ, ta không tiện tiết lộ. Nhưng ta cũng có thể cho mọi người biết là chính ta cũng hiểu Đàn Chỉ Thần Thông

Mọi người ồ lên, xuýt xoa kinh ngạc và càng thêm kính phục Dương Lâm. Trong bọn quần đạo có kẻ đã từng hiện diện tại Tung Sơn lúc đó, sau phút hồi tưởng, bật nói:

- Lúc đó thuộc hạ nhớ là có thấy công tử tại trường. Bọn Nam Xương Kiếm Khách đối với công tử cung kính lắm.

Phương Kiệt khi đó cũng có đến Tung Sơn quan chiến nên đã nhớ lại, nói:

- Phải rồi. Lúc đó công tử đã hiển lộ thần oai, dạy cho bọn Điểm Thương Song Tuyệt Kiếm một bài học. Nhớ lại bộ mặt của chúng lúc đó, thuộc hạ thật không nhịn được cười.

Nguyên Linh Vân nói:

- Vậy bí ẩn thứ nhất là chỉ công tử rồi.

Dương Lâm chỉ khẽ mỉm cười, không bình luận, nói tiếp:

- Còn về phần Huyền Đô Bát Cảnh Cung thì chủ trương của họ là bế quan tịnh tu, không hành tẩu giang hồ. Chỉ vì đệ tử của Hắc Sát Ma Vương vô cớ đến sinh sự với họ mà bị giết chết nên mới bị cuốn vào vòng ân oán. Chưởng giáo sư tôn của họ là Linh Huyền Thượng Nhân, năm nay cũng đã hơn bát thập, đạo cao đức trọng, và các đệ tử cũng có không ít vị tài giỏi hơn người.

Nguyên Linh Vân nói:

- Nghe nói võ công của bọn họ lợi hại lắm.

Phương Kiệt nói:

- Đương nhiên rồi. Lần trước ở Thiếu Lâm Tự, mấy tiểu đạo sĩ theo hầu Nhất Trần đạo trưởng chỉ mới xuất một chiêu là đã bắt được gã đệ tử của Hắc Sát Ma Vương rồi. Thử nghĩ xem nếu như mấy vị đạo trưởng đích thân xuất trận thì sẽ lợi hại đến mức nào.

Dương Lâm cười nói:

- Các tiểu đạo sĩ đó chỉ là đệ tử đời thứ tư của Huyền Đô Bát Cảnh Cung. Nhất Trần Tử là đệ tử đời thứ ba, sư phụ là Thông Nguyên đạo trưởng chính là đại đệ tử của Linh Huyền Thượng Nhân. Mà gia sư lại ngang hàng với Thượng Nhân. So ra, Nhất Trần còn phải gọi ta bằng sư thúc.

Mọi người lại một phen ồ lên kinh ngạc. Dương Lâm lại nói tiếp:

- Còn vấn đề thứ ba, Thiên Nhất Giáo chủ là Chấn Thiên Kiếm Khách Hà Long, và Bách Độc Giáo chủ là sư huynh của ta, Lãnh Diện Kim Cương Lỗ Trọng Hùng.

Tất cả lại ồ lên lần nữa. Đến giờ bọn họ mới biết Dương Lâm là sư đệ của Bách Độc Giáo chủ. Uy danh của Bách Độc Giáo gần đây ngày càng lừng lẫy. Ai nấy đều ngấm ngầm tự hào vì được theo phò tá chàng. Có một gốc cây to lớn đến như thế che chở thì dù cho giang hồ hiểm ác cũng đâu còn có gì đáng sợ.

Giây lâu, Dương Lâm lại nói:

- Thôi được rồi. Thời gian cũng đã muộn. Chúng ta hãy chia đường hành sự.

Thế rồi, mọi người chia tay nhau, ai đi lo chuyện nấy. Dương Lâm dẫn theo Sưu Hồn Kiếm Trương Thiên và Mỹ Diện Tiên Hồ Nguyên Linh Vân lên đường đến Huyền Đô Bát Cảnh Cung ở Thiên Đài Sơn.

Lại nói, thủ lĩnh của Động Đình thủy trại là Động Đình Bát Yêu và thủ lĩnh của Quân Sơn thủy trại là Quân Sơn lục quái cùng ước hẹn hội nhau tại đồi Yên Vũ để giải quyết tranh chấp giữa song phương.

Trước đây, do nhân số ít hơn nên Quân Sơn Lục Quái thường phải chịu thiệt thòi mỗi khi đối địch với Động Đình Bát Yêu. Vì vậy mà lần này bọn họ có mời thêm Ngư Tiều Song Tẩu đến trợ chiến.

Hai thủy trại mỗi bên dẫn theo gần nghìn thủ hạ, dàn thành trận thế đối lập nhau. Thủ lĩnh mỗi bên tiến ra trước trận, mặt đối mặt. Nhất Yêu trong bọn Động Đình Bát Yêu cất tiếng sang sảng:

- Hôm nay, tại đồi Yên Vũ, Động Đình Bát Yêu cùng quyết đấu với Quân Sơn Lục Quái vì việc tranh chấp trong Động Đình Hồ. Nhị vị Ngư Tiều Song Tẩu là người vô can, xin hãy đứng ngoài quan chiến, không nên can thiệp vào để khỏi phạm đến quy củ võ lâm.

Kim Câu Ngư Tẩu nói:

- Chỉ cần Bát Yêu các ngươi giữ đúng quy củ giang hồ mà đơn đả độc đấu với Lục Quái, không thị chúng hiếp cô thì bọn lão phu cũng chẳng cần phải nhúng tay vào làm gì.

Nhất Yêu cười lớn nói:

- Đối phó với bọn người như Động Đình Bát Yêu thì cần gì phải cậy đông người mới có thể thủ thắng.

Đại Quái trong Quân Sơn Lục Quái hừ lạnh nói:

- Cái đó còn phải chờ xem rồi mới biết được.

Nhất Yêu bỗng cười ha hả, vung chưởng đánh tới. Đại Quái cũng vội cử song thủ đối địch. Cả hai xông vào nhau dốc sức so tài.

Cuộc chiến càng lúc càng kịch liệt. Song phương đánh nhau càng lúc càng hăng. Quần hùng bên ngoài đều chăm chú theo dõi song phương giao đấu.

Nhưng cũng như mọi khi, song phương công phu vốn không hơn kém nhau bao nhiêu, nếu đơn đả độc đấu thì bất phân thắng bại.

Thấy đã lâu rồi mà hai người họ vẫn chưa phân thắng bại. Nhị Yêu, Tam Yêu nóng nảy xông tới tấn công Nhị Quái, Tam Quái. Thế rồi mọi người đều lần lượt xông vào, chia làm tám cặp giao tranh khốc liệt.

Thủ lĩnh đã xuất thủ thì thủ hạ cũng chẳng ở yên. Thuộc hạ song phương ào ạt lao tới đối phương chém giết. Tiếng gào thét quát tháo vang dội khắp toàn trường.

Song phương đang giao tranh khốc liệt. Những kẻ thương vong kêu la thảm thiết.

Máu chảy thịt rơi đầy nội.

Bỗng đâu, giữa lúc cuộc chiến đang hồi khốc liệt, chợt nghe có tiếng tù và rúc lên lanh lảnh. Rồi tiếp ngay đó là tiếng trống trận trầm hùng vang vọng khắp cả bốn phương, báo hiệu một biến cố cực kỳ trọng đại sắp diễn ra.

Toàn trường chấn động, hốt hoảng đình thủ, đảo mắt nhìn quanh. Khi đó, tiếng trống trận hùng dũng vẫn đang nổi ầm ầm, hòa lẫn cùng tiếng tù và vang vọng.

Sau đó, tứ bề im ắng giây lát, rồi Đại Cổ nổi ba hồi chín tiếng vang lừng. Tiếp đó, tiếng reo hò dậy lên khắp nẻo. Từng đoàn nhân thủ kiếm tuốt cung giương từ khắp bốn phương tám hướng lũ lượt kéo đến, chia nhau chiếm lĩnh các yếu địa quanh đồi Yên Vũ.

Quần đạo hai trại còn chưa hết bàng hoàng thì lại nghe thấy tiếng đàn sáo trỗi khúc nhịp nhàng, cung âm dặt dìu uyển chuyển. Sau đó, một đám đông cao thủ áo gấm mão vàng hộ vệ một vị công tử oai nghi lẫm liệt tiến bước lên đồi. Tiếng tung hô vang dội tứ phương:

- Cung nghênh công tử gia đại giá quang lâm.

- Công tử gia văn thành võ đức, uy chấn tứ phương.

- Công tử gia danh lừng vũ nội, đức trải càn khôn.

...

Bọn Động Đình Bát Yêu và Quân Sơn Lục Quái thấy vị công tử kia tuy lạ mặt nhưng những cao thủ đang vây quanh hộ vệ chàng ta lại chẳng phải ai xa lạ, chính là bọn trại chủ các tiểu trại tại lưu vực Trường Giang. Do vậy mà bọn họ cũng bớt phần lo lắng.

Nhất Yêu cất giọng ồm ồm:

- Các ngươi trống rong cờ mở kéo đến đây là có ý gì?

Hỗn Giang Long Phương Kiệt cao giọng nói:

- Giang hồ tứ hải các trang các động, các sơn các trại hãy kính cẩn lắng nghe lệnh dụ. Công tử gia văn thành vũ đức nhân nghĩa anh minh truyền rằng: Thiên Đài Sơn là Huyền Môn thánh tích. Mở trận đồ sát tại đây sẽ làm hư hại thắng tích và tổn thương đến đức hiếu sinh của thiên địa. Nay công tử gia đã thân chinh đến đây. Tất cả hãy hạ khí giới mà tuân phục dưới cờ. Bằng trái mệnh vương sư, sẽ bị nghiêm trị. Nay... truyền... thượng... dụ....

Đại Quái trong bọn Quân Sơn Lục Quái tức khí cao giọng quát:

- Loạn ngôn. Công tử gia của các ngươi là thần thánh phương nào?

Mỹ Diện Tiên Hồ Nguyên Linh Vân dõng dạc nói:

- Công tử gia là Đại Thống lĩnh Võ lâm Giang Nam, Tổng lĩnh các trại quần hùng thủy lộ Trường Giang. Bản cô nương khuyên các ngươi nên theo gió trở cờ, buông đao quy thuận, sẽ được trọng dụng. Nhược bằng ngoan cố chống lại hùng sư, sẽ bị nghiêm trị, chết chẳng toàn thây.

Đại Quái hừ lạnh nói:

- Cần phải xem thử tài đức của hắn ta có xứng đáng không đã.

Nói rồi lão ta ngửa mặt lên trời lớn tiếng cười dài, khiến quần hào các trại vô cùng tức giận, đều nhìn Dương Lâm chờ lệnh. Nhưng chàng chỉ khe khẽ mỉm cười, không nói gì. Còn Ngân Phủ Tiều Tẩu thì tiến thẳng đến trước Dương Lâm, cất giọng lạnh lùng:

- Nghe bọn chúng xưng tụng tiểu tử ngươi như thế, lão phu cũng muốn được lĩnh giáo cao chiêu.

Nguyên Linh Vân cả cười:

- Công tử gia thân phận tôn quý, lẽ đâu lại đi tranh hơn thua với lũ các ngươi.

Ngân Phủ Tiều Tẩu lửa giận bừng bừng, nhưng còn chưa kịp phát tác thì bỗng đâu từ phía xa có thanh âm hiền hòa theo gió đưa lại:

- Vô lượng thọ phật. Thiên Đài Sơn vốn là thắng tích. Bần đạo mong rằng chư vị thí chủ nể mặt Huyền Đô Bát Cảnh Cung mà không để xảy ra cảnh máu chảy thây phơi trước chốn Huyền Môn.

Người kia đã sử dụng tuyệt kỹ Thiên Lý Truyền Âm để đưa tiếng nói đi xa, chứng tỏ công phu võ học chẳng phải tầm thường. Dương Lâm cũng dùng công phu Thiên Lý Truyền Âm đáp lại:

- Ta sẽ cố gắng thu xếp. Đạo trưởng cứ yên tâm.

Tiếng nói từ xa lại vọng đến:

- Nếu công tử đã nói thế thì bần đạo xin được cảm tạ trước.

Danh hiệu Huyền Đô Bát Cảnh Cung đã khiến ai nấy chấn động tâm thần, lại thêm công phu Thiên Lý Truyền Âm chứng tỏ công phu của Dương Lâm vô cùng lợi hại. Quần đạo hai thủy trại càng thêm kinh hãi bàng hoàng.