Thiên Hạ Truyền Kỳ

Chương 20: Kim gia trang cố nhân hội diện hàm cốc quan hài tử thoát nguy



Thành Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, mấy ngày nay bỗng trở nên náo nhiệt khác thường. Khắp nơi đâu đâu cũng thấy có quan quân đi lại tuần tra, việc canh phòng vô cùng cẩn mật.

Kim gia trang tọa lạc ở phía bắc thành cũng được sửa sang lại, trang hoàng lộng lẫy. Các võ sư hộ viện được sắp đặt canh gác nghiêm ngặt xung quanh trang.

Bọn Lăng Tiêu cũng rất nóng lòng chờ được yết kiến điện hạ, một nhân vật địa vị cao quý tuyệt luân nhưng cũng thần bí vô cùng.

Riêng Lăng Vân Phượng lại tơ tưởng đến một mối tình tuyệt vọng. Hình dáng phong lưu anh tuấn của chàng Bạch công tử đã khiến nàng nhớ mãi không sao quên được. Ngay từ buổi đầu gặp mặt, nàng đã khắc sâu trong tâm trí hình bóng của chàng. Nhưng nàng cũng biết rằng mối tình này không thể nào thành tựu được, vì thế nên nàng mới đau khổ.

Vào một buổi chiều tà, ánh dương quang dần khuất nơi cuối nẻo trời xa. Ráng hồng rực rỡ phía chân trời. Lăng Vân Phượng đang thẫn thờ dạo bước trong hoa viên, tâm trí nàng đang bay bổng tận đâu đâu. Mấy hôm nay, tinh thần nàng không sao tập trung được. Ai! Hỏi thế gian tình là vật gì?

Bỗng nhiên, nàng nghe thấy đâu đây có tiếng đàn văng vẳng bên tai. Âm giai khi trầm khi bổng, lúc nhặt lúc khoan, cung điệu nhẹ nhàng thanh thoát, lại hiền hòa sâu lắng như lời tự sự của người quân tử. Nàng bị tiếng đàn cuốn hút, liền nổi tính hiếu kỳ, lặng lẽ theo tiếng đàn tìm đến.

Chợt có giọng ca trầm ấm cất lên:

“Thủy, trúc, vân, sơn, địa,

Phong, hoa, tuyết, nguyệt, thiên,

Hữu danh nhàn phú quý

Vô sự tiểu thần tiên

Xử thế nhược đại mộng

Hồ lao vi kỳ sinh

Hải đường vương ngọc nữ

Đào kiểm lộng giai nhân

Vũ trụ giai ngô phận sự

Hành tàng bất nhị kỳ quan

Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất

Yên hà khước thị xuất nhân gian.”

Giọng ca trong trẻo nhẹ nhàng, thanh thoát cao nhã nghe thật vui tai, nhưng Lăng Vân Phượng lại nhận thấy thanh âm kia rất quen thuộc. Đó chính là thanh âm của chàng Bạch công tử, mà tiếng nói giọng cười của chàng lúc nào cũng luôn hiện hữu trong trái tim nàng.

Nàng lặng lẽ đến gần, thì thấy chàng đang ngồi gảy đàn trong tòa lương đình tọa lạc bên một cái hồ nhỏ. Xung quanh chàng có bốn nàng thiếu nữ vận cung trang đứng hầu. Một nàng vận áo tím, một nàng vận áo xanh, một nàng vận áo vàng, còn nàng kia vận áo màu hồng phấn. Cả bốn nàng đều xinh đẹp kiều diễm, thiên tư linh tú, khí độ cao khiết, đều là những trang tuyệt sắc giai nhân.

Nàng thấy tê tái cả cõi lòng khi chợt nghĩ đến câu nói của Bạch Thiếu Huy khi trước: “Tiểu sinh đã quen gần gũi quá nhiều tuyệt sắc giai nhân nên cũng chẳng có cảm giác gì”. Nàng cũng tự nhận thấy mình không thể nào sánh được với bốn cung trang thiếu nữ kia. Bỗng dưng nước mắt nàng chảy dài xuống đôi gò má.

Trong lúc nàng đang lặng người theo dòng suy nghĩ, tiếng đàn chợt dừng lại, rồi Bạch Thiếu Huy mỉm cười lên tiếng:

- Lăng cô nương đã đến rồi đấy ư.

Lăng Vân Phượng nghe chàng gọi, liền gạt nước mắt, từ sau bụi hoa bước ra, tiến đến trước tòa lương đình, chăm chú nhìn chàng không chớp mắt, nhưng dưới vành mi nàng long lanh, dường như vẫn còn ẩn ướt đôi dòng lệ.

Bạch Thiếu Huy khẽ thở dài, đoạn chàng quay sang bốn thị nữ khẽ nói:

- Các người hãy về trước đi.

Bốn nàng cung kính vâng dạ, rời khỏi lương đình. Nơi đây giờ chỉ còn lại hai người. Bạch Thiếu Huy nhìn Lăng Vân Phượng hỏi:

- Cô nương có điều gì muốn nói với quả nhân chăng?

Lăng Vân Phượng ngập ngừng hỏi:

- Công tử … công tử chính là … điện hạ.

Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu, nhưng không lên tiếng. Lăng Vân Phượng cũng lặng lẽ đứng yên, hay tay vân vê tà áo, cúi mặt nhìn xuống đất chẳng nói lời nào.

Không gian thật nặng nề.

Bạch Thiếu Huy lại buông tiếng thở dài, dạo lại đàn, khe khẽ ngâm nga:

“Thiên Đài Sơn đạo quan tĩnh mịch

Vạn Tú Viên hoa lạc vô thanh

Bách Cầm Cốc không sơn tịch tịch

Vong Tình Nhai lãnh nguyệt minh minh.”

Mỗi người đang theo một dòng suy nghĩ thì bỗng nghe có thanh âm vọng đến:

- Thần Kim Chấn Sơn xin được triệu kiến.

Bạch Thiếu Huy ngừng dạo đàn, nhẹ nhàng nói:

- Khanh bất tất phải đa lễ. Có việc chi thế?

Từ phía xa có người đi đến, chính là Vạn Lý Tài Thần Kim Chấn Sơn. Kim Tài Thần đến trước Bạch Thiếu Huy cung kính trình lên một phong thư, nói:

- Khải tấu điện hạ. Có biểu chương từ Quan Đông đưa đến. Xin trình điện hạ ngự lãm.

Bạch Thiếu Huy cầm lấy phong thư, mở ra xem, rồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Sau cùng, chàng khẽ thở dài, nói:

- Phong ba sắp khởi. Quả nhân không thể ngồi yên được nữa rồi.

Đoạn chàng quay sang nhìn Lăng Vân Phượng, nói với Kim Tài Thần:

- Khanh nên xem xét giúp đỡ cho Lăng gia khai bang lập phái để rạng rỡ tông môn Lăng thị.

Kim Chấn Sơn cung kính tuân chỉ. Lăng Vân Phượng nhìn chàng hỏi:

- Điện hạ … phải đi ngay ư?

Bạch Thiếu Huy gật đầu nói:

- Giang hồ sắp khởi phong ba. Quả nhân tuy không muốn nhúng tay vào chuyện giang hồ, nhưng lại không nỡ nhìn cảnh sinh linh thọ hại.

Dứt lời, chàng từ từ đứng dậy, nhẹ bước rời khỏi hoa viên. Kim Tài Thần kính cẩn theo sau. Để lại Lăng Vân Phượng một mình ngẩn ngơ lẩm nhẩm lời ca của chàng:

“… Vạn Tú Viên hoa lạc vô thanh …

… Vong Tình Nhai lãnh nguyệt minh minh …”

Màn đêm đã phủ xuống khắp mặt đất. Đây đó trong hoa viên lấp lánh mấy ngọn phong đăng, ánh sáng nhạt nhòa mờ ảo lung linh.

Quan đạo nối liền Hà Nam và Thiểm Tây cũng rộng thênh thang như bao quan đạo khác, nhưng vì phải vượt qua nhiều đồi núi nên có những đường đèo hiểm trở. Nổi tiếng nhất là các đèo Vũ Quan nằm trên quan đạo phía nam, và Hàm Cốc, Đồng Quan nằm trên quan đạo phía bắc, hai cửa ngõ chính dẫn vào đất Quan Trung.

Từ thời Chiến Quốc, nước Tần đã xây dựng những quan ải kiên cố trên đỉnh những ngọn đèo ấy. Những quan ải hiểm trở này đã bảo vệ nước Tần khỏi những cuộc tấn công của sáu nước phía đông.

Ngày nay, thiên hạ thái bình nên các quan ải không còn quân trú đóng, người xe tấp nập qua ải, nhưng địa hình hiểm tuấn phi thường cũng là một mối lo cho khách hành nhân. Chỉ cần một chút sơ suất là hậu quả rất thảm khốc.

Trời đã chập choạng tối, ánh hoàng hôn rực hồng cuối nẻo chân trời.

Gió đêm se lạnh thổi đùa. Những tàn cây rung động, cành lá khua xào xạc. Lúc này, Bạch Thiếu Huy đã đến dưới chân đèo Hàm Cốc.

Nhìn lên đoạn đèo hiểm trở, Hoa Nhi nói:

- Điện hạ. Trời tối không nên vượt ải. Cũng đã muộn quá rồi. Hay là chúng ta quay trở lại tìm chỗ nghỉ ngơi.

Bạch Thiếu Huy ngước nhìn trời, chợt cau mày nói:

- Ta xem bên kia sát khí rất nặng, chẳng lẽ là cường đạo chặn bắt hành nhân. Chúng ta sang đó xem thử.

Năm người giục tuấn mã tiến lên đèo. Thiểm Tây nằm trên cao nguyên nên địa hình cao hơn Hà Nam. Nghĩa là đoạn đèo phía Tây ngắn hơn phía bên kia nhiều. Chẳng bao lâu là năm người đã lên đến quan ải trên đỉnh.

Địa thế quan ải hiểm trở phi thường, thật xứng với câu: “Nhất phu đương quan, vạn nhân nan quá”. Đường đèo phía Đông có độ dốc khá lớn, hai bên là vách đá sừng sững, khách hành nhân đi vào đấy chẳng khác nào chui vào rọ nếu như gặp phải phục binh trên đỉnh đèo.

Lên đến đỉnh đèo, Bạch Thiếu Huy chợt ngửi thấy mùi máu. Tứ phía vẫn im lìm. Màn đêm đen phủ trùm mọi nẻo. Chàng khẽ thở dài:

- Muộn mất rồi.

Mọi người cho tuấn mã xuống đèo, nhưng không còn vội vã như lúc lên đèo.

Đi đến lưng chừng, nhãn quang tinh tường của chàng nhìn thấy gần chục thi thể nằm la liệt vắt ngang đường. Nhiều kẻ thịt nát xương tan, chỉ còn một đống máu thịt bầy nhầy. Xung quanh còn sót lại vài tảng đá to bị vướng lại. Xem ra đám người này đã bị phục kích khi lên đèo, bị đối phương từ trên cao lăn đá xuống mà uổng mạng.

Bạch Thiếu Huy khẽ thở dài, xuống ngựa đến gần xem xét. Ánh sáng từ những viên minh châu trên y phục chàng cũng đủ soi sáng thảm trạng.

Xem qua từng thi thể, chàng chợt chú ý đến một đồng tử nằm bên dưới thi thể một đại hán. Đồng tử hãy chưa chết, vẫn còn thoi thóp thở. Có lẽ nhờ đại hán dùng thân mình che chở nên đồng tử mới giữ được sinh mạng, tuy hơi thở yếu ớt như tơ nhưng vẫn còn chút sinh cơ. Xem y phục thì có lẽ đại hán là một gia nhân, đã liều thân cứu chủ. Chàng cả mừng, cúi xuống bế cậu bé lên. Hoa Nhi hỏi:

- Điện hạ. Hài tử này thế nào?

Nhìn cậu bé tuổi chừng mười hai, mười ba, xinh đẹp đáng yêu đang nằm bất động trên tay, chàng khẽ thở dài. Hoa Nhi kinh hãi hỏi:

- Điện hạ. Chẳng lẽ không cứu được sao?

Bạch Thiếu Huy nói:

- Hãy còn chút sinh cơ lẽ nào không cứu được. Chỉ tội nghiệp hài tử này bị tiên thiên bất túc, nếu không gặp quả nhân thì chỉ có thể sống đến mười sáu tuổi mà thôi.

Hoa Nhi nói:

- Vậy là hài tử này trong cái không may vẫn còn có cái may.

Bạch Thiếu Huy hơi mím môi, ra chiều suy nghĩ. Sau khi quan sát kỹ hiện trường, Tiêu Nhi bỗng nói:

- Điện hạ. Tiền bạc vẫn còn ở đây. Vậy là không phải bọn cường đạo giết người đoạt của.

Bạch Thiếu Huy khẽ gật đầu. Có lẽ kẻ gian sau khi hạ độc thủ xong thì bỏ đi ngay, không kịp phi tang các tử thi. Hay là bọn chúng cố ý lưu lại để thị chúng, nhằm hăm dọa ai đó. Tiêu Nhi lại nói:

- Gã này liều thân cứu chủ, thật đáng khen. Chúng ta mai táng cho họ chứ ạ?

Bạch Thiếu Huy nhìn hài tử đang bế trên tay, nói:

- Cứu người quan trọng hơn. Chúng ta xuống tiểu trấn dưới kia tìm chỗ trọ để quả nhân chữa trị cho hài tử này. Còn các thi thể ở đây, khi xuống dưới trấn, cho ai đó ít bạc bảo họ mai táng là được.

Mọi người lên ngựa, gấp rút xuống đèo. Đưa mắt nhìn hiện trường lần cuối Bạch Thiếu Huy khẽ thở dài.

Chân đèo phía đông có một tiểu trấn, tập trung nhiều khách điếm, tửu quán, và có cả thanh lâu, đổ trường để phục vụ những lữ khách, thương đoàn lỡ độ đường, đến đây khi trời vừa tối nên chẳng dám qua đèo.

Vào trấn, mọi người đi thẳng đến khách điếm có vẻ sang trọng hơn hết để thuê phòng trọ.

Quang cảnh trong trấn có vẻ khác thường. Dù trời đã tối nhưng trên đường phố hiện có khá nhiều người tụ tập bàn tán, chỗ thì sôi nổi, nơi chỉ thì thầm với nhau, nhưng tóm lại đều có vẻ khác lạ. Bọn họ thấy mọi người từ trên đèo đi xuống đều nhìn với vẻ tò mò.

Bỗng đâu, từ trong một ngôi tửu điếm có một gã đại hán trên dưới ba mươi bước ra chắp tay nói:

- Chủ nhân của tại hạ có lời mời công tử.

Bạch Thiếu Huy đưa mắt nhìn gã, cau mày nói:

- Chúng ta còn phải cứu người, không rảnh đi lo những chuyện không đâu.

Nói đoạn chàng vẫn rảo bước đi tới. Từ trong tửu quán lại có một người chạy ra, nói lớn:

- Công tử. Xin hãy lưu bộ. Lão phu mạo muội có đôi lời muốn hỏi.

Bạch Thiếu Huy dừng bước, quay nhìn lại. Người kia là một lão già lối ngoại lục tuần, vận y phục theo lối người làm nghề bảo tiêu, chắp tay thi lễ, hỏi:

- Công tử từ trên ấy xuống chẳng hay có thấy chuyện gì lạ hay không?

Bạch Thiếu Huy nói:

- Trên ấy có gần chục thi thể do bị phục kích bằng loạn thạch mà chết. Chỉ có hài tử này được một người lấy thân mình che chở cho nên còn được chút sinh cơ. Chúng ta còn phải lo việc cứu chữa cho hài tử. Nếu các ngươi có lòng thì hãy lên đó mai táng cho bọn họ.

Lão già giật mình hỏi:

- Chẳng còn ai sống sót ư?

Bạch Thiếu Huy nói:

- Trừ hài tử này thì chẳng thấy ai cả.

Lão ta nghe chàng nói thế liền vội vái tạ rồi lập tức quay vào tửu quán gọi một đám người cùng lão lên đèo. Tất cả đều là người của tiêu cục.

Chàng lại cùng bọn Hoa Nhi tiếp tục đi đến khách điếm. Tại các trấn thành trên những trục đường chính, những nơi thường xuyên có nhiều lữ khách qua lại thường vẫn có những khách điếm chuyên để phục vụ khách hạng sang, người bình thường không dám ghé chân. Bình An lữ điếm là một khách điếm như thế, hiện vẫn còn phòng trống. Chàng thuê hẳn một gian lớn có cả phòng khách.

Trong lúc bọn Hoa Nhi lo thu xếp việc ăn ở thì chàng lo cứu chữa cho cậu bé. Cậu bé trông rất đáng yêu. Chàng rất thương mến nên dốc sức chữa trị, chẳng ngại hao tổn nguyên khí. Bọn Hoa Nhi lo lắng nói:

- Điện hạ. Xin hãy bảo trọng ngọc thể.

Bạch Thiếu Huy nói:

- Không sao đâu.

Chẳng mấy chốc mà hơi thở cậu bé đã trở lại bình hòa, sắc diện hồng hào hơn trước, đang chìm vào giấc ngủ say. Vẻ mặt tuấn tú thông minh, mũi thẳng, môi hồng, mái tóc đen mượt, hai má bầu bĩnh xinh đẹp dễ thương. Ngắm nhìn cậu bé, chàng mỉm cười nói:

- Hài tử thật khả ái.

Hoa Nhi hỏi:

- Điện hạ định an bày cho hài tử này thế nào ạ?

Bạch Thiếu Huy nói:

- Hài tử này gặp quả nhân ở đây cũng là do duyên phận. Quả nhân rất yêu thích. Kể từ giờ, hài tử sẽ là thiếu quân của bản cung.

Thiếu quân là truyền nhân của chàng, sẽ có địa vị rất cao cả, có thể ngang hàng với bọn Cửu U Diêm Quân, Ngạo Thiên Đế Quân, Bách Độc Chân Quân. Bọn Hoa Nhi giật mình:

- Điện hạ …

Bạch Thiếu Huy nói:

- Quả nhân chẳng có huynh đệ, được tiên vương hết lòng chăm sóc thương yêu, lòng nhớ mãi không quên. Có một hài tử khả ái để chăm sóc vỗ về là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao. Năm xưa tiên vương cũng từng nói vậy.

Đoạn chàng lại bảo Hoa Nhi:

- Quả nhân xem vụ phục kích này ngầm chứa âm mưu trọng đại. Khanh hãy truyền chỉ của quả nhân cho hai trấn Hà Nam, Thiểm Tây cùng phối hợp tra xét.

Hoa Nhi phụng mệnh đi ra ngoài. Nơi này khá gần Đồng Quan thuộc địa phận Thiểm Tây, do đó nàng sẽ đi thẳng đến đấy truyền chỉ cho quân binh trong thành, rồi họ sẽ truyền về cho Kim Tổng Đốc. Với khinh công của nàng thì chỉ cần hơn canh giờ đi lại.

Bạch Thiếu Huy ngồi xuống bên giường ngắm nhìn hài tử đang say ngủ. Trong lòng chàng dâng lên một cảm giác khác lạ, vừa háo hức vừa vui vẻ.

Lát sau, bên ngoài đường phố nghe có nhiều tiếng quát tháo ồn ào, chàng khẽ cau mày. Kiếm Nhi vâng mệnh ra ngoài xem xét, lát sau trở vào bẩm báo:

- Điện hạ. Bọn ngoài kia là người của Phi Long Tiêu Cục ở Lạc Dương. Trong số những người chết trên kia có cả người của bọn họ nữa.

Ngắm nhìn cậu bé tướng mạo quý phái, y phục lại sang trọng, chàng nói:

- Quả nhân xem hài tử này không thể là người của tiêu cục được. Vì sao có sự liên quan này.

Kiếm Nhi nói:

- Lúc trời mới chập choạng tối, bọn họ nghe trên đèo có tiếng nhiều quát tháo nên cử người lên xem xét, không ngờ số người đó cũng đồng chịu thảm cảnh. Hiện bọn họ đang tìm mua áo quan để khâm liệm cho người của họ.

Bạch Thiếu Huy nói:

- Khanh ra trao cho lão chưởng quầy ít bạc nhờ lão lo mai táng cho số người kia thật đàng hoàng.

Kiếm Nhi vâng mệnh đi ngay. Chàng lại bảo Tiêu Nhi:

- Khanh đi tìm trong trấn một thợ may khéo tay bảo họ gấp rút may y phục cho hài tử, sáng mai phải xong. Kiểu dáng cứ theo như y phục của quả nhân.

Tiêu Nhi vâng dạ thi hành. Chỉ còn lại Cầm Nhi, thấy chàng vẫn ngồi bên giường liền nói:

- Điện hạ. Xin điện hạ hãy nghỉ ngơi. Hài tử này cứ để thần chăm sóc cho.

Bạch Thiếu Huy nói:

- Không sao. Quả nhân không thấy mệt. Khanh bảo bọn tiểu nhị chuẩn bị ít món ăn mang vào đây. Đợi lát nữa Tiêu Nhi, Hoa Nhi, Kiếm Nhi về chúng ta sẽ cùng ăn.

Cầm Nhi vâng dạ đi dặn dò bọn tiểu nhị. Trong khi đó, chàng bế cậu bé đi tắm rửa. Cầm Nhi, Kiếm Nhi trở vào cũng xúm lại giúp chàng. Cậu bé không có y phục. Chàng cho cậu mặc y phục của chàng. Với bộ y phục dài rộng quá khổ, trông cậu bé thật ngộ nghĩnh nhưng cũng thật đáng yêu.

Lát sau, Tiêu Nhi trở về, dắt theo một phụ nhân làm nghề thợ may để bà ta đo kích cỡ y phục cho cậu bé. Bạch Thiếu Huy thưởng cho bà ta trăm lượng, dặn bà ta cố gắng may cho nhanh. Với người bình thường, trăm lượng bạc là một tài sản lớn nên bà ta cảm tạ rối rít, hứa sẽ thức suốt đêm may cho kịp, sáng mai sẽ có cả hai bộ y phục cho chàng.

Trong tiểu trấn này vốn không có sẵn những loại gấm lụa thượng hạng. Cũng may trong số các thương đoàn trú trong trấn có cả bọn lái buôn gấm lụa, nhờ đó mà Tiêu Nhi đã mua được mấy khúc gấm trắng loại tốt nhất.

Sau đó, Hoa Nhi cũng trở về, thức ăn cũng được đưa vào. Bạch Thiếu Huy đối với Tứ Đại Thị Nữ rất ưu ái, trước nay vẫn cho phép bọn họ cùng ngồi ăn uống với chàng.

Sáng hôm sau …

Phụ nhân đã may xong hai bộ y phục, đích thân mang đến. Bà ta quả khéo tay, cả hai bộ y phục đều rất đẹp, đường may khéo léo tinh xảo. Bạch Thiếu Huy rất hài lòng, thưởng cho bà ta trăm lượng bạc nữa khiến bà ta hớn hở khom lưng sát đất mà vái tạ.

Sau khi cho bà ta lui, ngắm nhìn hai bộ y phục, chàng lại bảo Hoa Nhi:

- Còn phải kết minh châu vào nữa.

Hoa Nhi vốn khéo tay, xưa nay vẫn đảm nhận việc may vá nên vâng dạ làm ngay. Y phục của chàng có kết minh châu thì y phục của cậu bé không thể không có. Mà minh châu thì chàng vốn có sẵn, lại rất nhiều.

Lát sau, khi đã kết xong, chàng đích thân mặc vào cho cậu bé. Vận y phục sang trọng hoa lệ, minh châu lấp lánh, trông cậu bé càng thêm xinh đẹp đáng yêu. Cũng như nghĩa phụ khi xưa, nay chàng nhìn cậu bé mà cảm thấy khoan khoái trong lòng.

Hồi lâu …

Cậu bé khẽ cử động, đôi môi hơi mấp máy, rồi thở nhẹ một hơi dài, từ từ mở mắt. Người đầu tiên cậu bé nhìn thấy là Bạch Thiếu Huy.

Chàng khẽ mỉm cười, đỡ cậu bé ngồi dậy, ôm vào lòng, dịu dàng nói:

- Hài tử đã tỉnh rồi.

Cậu bé ngơ ngác:

- Hài nhi …

Bạch Thiếu Huy nói:

- Tối qua quả nhân tìm thấy hài tử trên ải quan. Hài tử nhà ở đâu?

Cậu bé ngập ngừng hỏi:

- Mọi người …

Bạch Thiếu Huy thở dài:

- Mọi người đều chết cả. Quả nhân chỉ cứu được một mình hài tử thôi.

Cậu bé quá thương tâm òa lên khóc. Bạch Thiếu Huy khẽ thở dài, ôm cậu bé trong lòng, vỗ về:

- Ngoan. Ngoan. Còn có quả nhân đây. Quả nhân sẽ chăm lo cho hài tử. Đừng khóc nữa.

Chàng dỗ dành một hồi cậu bé mới bớt thương tâm, cố gạt nước mắt, nhưng vẫn gục đầu vào ngực chàng khóc thút thít, nghẹn ngào:

- Các vị thúc thúc tốt lắm. Các vị ấy …

Bạch Thiếu Huy an ủi:

- Người chết thì đã chết rồi. Hài tử đừng quá thương tâm mà có hại cho sức khỏe.

Cậu bé khóc một hồi, đột nhiên đưa tay lau nước mắt, nhổm dậy, nói:

- Hài nhi phải đi ngay mới được.

Bạch Thiếu Huy hỏi:

- Hài tử định đi đâu?

Cậu bé nói:

- Hài nhi phải đến Tây An. Nơi đây là đâu ạ? Có xa Tây An lắm không?

Bạch Thiếu Huy nói:

- Từ đây đến Tây An còn mấy ngày đường nữa. Nhưng hài tử làm sao để đến đó?

Cậu bé ngẩn người, rồi lại òa khóc:

- Hài nhi … Hài nhi đi bộ đến đó, rồi cũng sẽ đến thôi. Chỉ lo …

Bạch Thiếu Huy xúc động, ôm chặt cậu bé trong lòng.