Tiểu Thuyết Tâm Lý Xã Hội: Mầm Xanh

Chương 21



21.

Hà trở về nhà, cùng một lúc khi điện thoại bên túi trái con bé reo lên.

"Tại sao định vị lại thể hiện thằng Phương ở khách sạn Riverrain?"

Đầu bên dây kia là ông Tấn. Chất giọng ấy rất đặc trưng, là thứ con bé không bao giờ nhầm lẫn với kẻ khác. Nó trầm, khàn, lạnh lùng... như nốt nhạc từ cây dương cầm, vang lên giữa đêm mưa. Khi đấy, cả không gian đơn giản giật mình. Lắng sâu hẳn vào bên trong. Thêm nữa, Hà nhận thấy đôi khi nó giống như có lưỡi cưa rỉ sét nhưng lại cứ kéo dài một đường. Bởi ông Tấn khi tức giận thì sẽ nghiến răng.

"Nó đi chơi với bạn thôi." Con bé lẳng lặng trả lời, chân thì cứ đi về phía trước. Đẩy cửa tiến vào, căn nhà vẫn là trống trơn. Bây giờ đã là tối muộn, và khoảng không chung quanh vẫn vắng lặng như sáng sớm. Tất nhiên, Hà biết thằng nhóc chẳng quay trở về nữa. Có thể là không bao giờ.

"Khi nào nó về?" Ông Tấn hỏi. Và rồi tiếng cưa kéo đã xuất hiện.

Hà lơ đãng trả lời, "Vài ngày. Nó không nói... Nhưng ông không gọi được cho nó à?"

Nếu Phương nghe thấy cuộc hội thoại này, hẳn thằng bé sẽ rất ngạc nhiên. Tại sao Hà không gọi ông Tấn bằng tiếng "ba"? Bất kỳ đứa trẻ nào khác thì sẽ làm như vậy. Ngoan ngoãn xưng hô ba-con với người đã sinh thành nên mình. Tuy nhiên, Hà lắc đầu. Ép chiếc điện thoại vào tai bằng vai mình, con bé đang rót ly nước lạnh ngắt.

"Nếu mày trốn nhà đi chơi thì khi người lớn gọi đến mày sẽ nói sự thật à?"

Ở đây, con bé không trả lời. Đó không phải là một câu hỏi cần trả lời. Cả ông Tấn lẫn đứa trẻ nhỏ biết rõ ý tứ đằng sau. Vì chẳng kẻ nào thành thật cả.

"Nó là con trai." Hà tìm một cái cớ vớ vẩn để biện hộ. Chẳng thể nào nó giải thích được chuyện vừa xảy ra hôm qua với ông ta cả. Còn sự thật sẽ làm Tấn phát điên. "Đi chơi một vài đêm có làm sao?"

Trong phút chốc, người đàn ông trụ cột im lặng. Mà Hà thì lúc này đang cầm ly nước đi lên những bậc cầu thang. Cứ thế, nó chẳng ăn uống gì mà lập tức theo thói quen đã từng trước đây là trở về phòng. Mông lung những suy nghĩ bề bộn, tôi chắc mẩm con bé đang nghĩ đến việc đánh một giấc. Bởi vì, cuối cùng, trời bên ngoài cũng đã mưa. Những giọt nước đang rơi.

"Tao đang đi công tác ở Thăng Long." Ông ta lên tiếng vào lúc con bé vừa đẩy cửa bước vào phòng mình. Cùng với âm thanh róc rách khi nước vỡ tan, lần này thì chất giọng của Tấn rất nhẹ. Dẫu sự nghiêm khắc thì không đổi. "Nên nói với nó, hết ngày mai là phải về."

Giây lát, Hà chẳng trả lời lại. Bởi, nó đâu có ý định đó. Chưa nói đến chuyện thằng nhóc kia có nghe mình hay không, con bé chẳng muốn là người mở lời trước. Cớ vì sao lại là Hà, khi Phương kia mới chính là kẻ bỏ đi? Nhưng mà, trong tiềm thức đột ngột gợi lại. Con bé biết tại sao. Chuyện sẵn là vậy.

"Hiểu rồi." Nó nói mà chẳng thật tâm. Nó nói chỉ để ông ta không rầy rà nữa.

Rõ ràng, hai người đàn ông và đàn bà kia chỉ quan tâm đến cậu con trai. "Sẽ bảo với nó."

Sống giữa bầy đàn nhưng Hà là con vịt hoang. Trái ngược câu chuyện cổ tích hồi còn bé, rằng chú thiên nga mỹ miều bị lạc giữa bầy vịt thấp kém. Rằng cuối cùng, sau ngần ấy năm chịu đựng lời chỉ trích cùng chê bai của người đời, nó hóa thành đẹp đẽ. Với bộ lông trắng muốt, cái cổ cao ngòng. Đời chẳng màu nhiệm mà trớ trêu, Hà lại là con vịt bị bắt sống cùng bầy thiên nga. Và rồi, chẳng có một trời mai tươi mới nào cả, sự cô lập cứ thế sẽ đeo chân. Nó không thể thoát mà cũng chẳng thể trở lại về chốn cũ. Sẽ chẳng có nơi nào thu nhận lấy. Hoàn toàn trở thành một kẻ ngoài luồng cô đơn.

"Nếu Ly có hỏi..." Ông Tấn nói những lời thừa. "Thì giấu nhẹm đi. Đừng để mẹ mày lo."

Chốt cùng là ông ta vẫn luôn lo lắng cho người phụ nữ ấy nhất. Vì bà ta mà tát Hà, đứa trẻ của tôi chẳng còn gì để thắc mắc. Mà cả hai lần đều là vì vậy, tương tự như nhau. Từ bốn năm trước, Hà đã bị sự thật này giày vò. Rằng việc Tấn đã làm chỉ là vì tình cảm riêng tư của ông ta cho người vợ thân thương. Ngoài ra, đứa trẻ chẳng là gì.

"Hiểu rồi."

Vì thế nên, ngay sau đó, người đàn ông đã cúp máy. Bất giác, Hà cảm thấy lạnh hơn bình thường. Hiện tại, giữa không gian lặng lẽ của trời mưa, nó đang đứng ở chiếc bàn làm việc. Bầu không khí buốt giá ôm lấy đứa trẻ nhỏ, thấm sâu đến tận xương. Như vậy, đôi vai con bé run rẩy. Thành một cơn... rồi khi nó lấy lại hơi sức thì thêm một cơn nữa. Lạ lùng là thành phố này không có lạnh. Nằm ở miền Nam đất nước, trái ngược với thủ đô Thăng Long, Nguyễn Tất Thành là nơi bao năm nóng bức. Nơi này oi ả nắng như mùa hạ thống trị suốt bao năm, đến nỗi thành giai thoại "thành phố hai mùa", một mùa nóng và mùa còn lại nóng hơn. Vậy mà tự dưng Hà lại cảm thấy lạnh lẽo. Hơi từ lồng ngực con bé bật ra hổn hển. Lạnh. Đến mức, nó phải cắn răng. Giữa buốt giá, Hà tự ôm lấy mình. Lúc này, nó nhìn quanh căn phòng quen thuộc luôn đóng kín cửa, kéo rèm. Nước mưa vẫn chảy, sau đó vỡ trên mặt đất. Chẳng có thanh âm nào cất lên. Muôn loài chìm cứ thế lắng nghe tiếng nước rơi. Giọt đấy lạnh tanh mà mặn chát. Hà cũng nín thin. Tay nó bấu lên cơ thể. Lại vừa trải qua một đợt rùng mình. Với tay lấy lọ thuốc màu trắng đặt tại góc bàn, Hà cầm nó đi cùng với bước chân nối liền nhau. Chẳng chậm rãi, con bé lật đật đến mức đầu óc tại phút này không nhận thức được gì. Cứ như vừa chạy trong bóng đêm. Và rồi, dừng lại khi tay mở toang cửa. Đó là một căn phòng trống, hoàn toàn vắng lặng. Lúc bấy giờ, Hà đang ở nơi không dành cho mình. Đấy không phải là phòng của nó. Trước mắt ảm đạm trong bóng tối là chiếc giường ngủ leo tầng của thằng nhóc. Ngay từ lúc nhìn những người thợ lắp ráp vật này, đôi lông mày của con bé đã cau có lên. Cớ vì gì phải đặc biệt đến như thế? Thật khác người. Một thanh niên mười tám tuổi lại đi ngủ trên cái khung giường tầng đơn. Ở bên dưới, là tủ kệ để đồ, tất nhiên, chỉ mình Phương ở đây. Kể từ khi bắt đầu, mọi vật trong căn phòng là đều dành riêng cho nó. Từ vật trang trí hình tròn độc lạ, Hà thật sự không biết đấy là thứ gì, đến dàn máy vi tính, tivi hay... trở lại là chiếc giường kia. Căn phòng của thằng nhóc có cửa sổ luôn mở toang rèm. Nên giờ, Hà đã nhìn thấy toàn bộ khung cảnh.

Cành cây trước mắt đang run lên vì gió, ướt sũng tại mưa.

Bấy giờ, chẳng có Phương ở căn phòng đó. Hà chỉ đứng một mình, bước vào một mình,.. giữa cả không gian không có một ai. Khi đến điểm giữa, tại chiếc thảm nhiều sắc màu, đôi chân con bé đột ngột dừng lại. Và rồi, cổ họng ướt át nuốt xuống một viên thuốc màu trắng. Hiện tại, nước vẫn đang rơi. Thấm đẫm trong sự ẩm ướt là lặng im. Hít một hơi sâu, ấy vậy mà nó vô tình thả rơi lọ thuốc. Không biết thứ đó đã tuột ra khỏi tay, cả chiếc túi xách nặng trĩu... khỏi bờ vai nhỏ bé. Cơn rùng mình cùng lúc như vậy mà biến tan đi. Bần thần, tay Hà lúc đấy bám vào bậc thang ngang. Rồi, nó đã nhanh chóng trèo lên chiếc giường tại chỗ cao. Hà quỳ thẳng được, nhưng con bé lại gục mình xuống. Nó giống thằng Phương chỉ cong lưng, rồi cứ thế nằm xuống rơi vào giấc nồng. Chỉ đôi chân cảm nhận được sự mềm mại của lớp chăn bông. Con bé khó khăn hơn kẻ khác. Kể cả khi nó nằm hẳn người xuống chiếc giường, co ro, thu mình, đầu gối áp lên lồng ngực phập phồng.

Cứ vậy, một lúc sau, khi thoải mái hẳn, Hà mới nằm ngửa mình ra.

Tôi thấy lúc này, trời đã không còn mưa. Còn con bé, trông cơn ảm đạm xấu xí, nhận ra bên cạnh mình là một chú gấu bông. Khá cũ kỹ, có vết vải vá và chỉ may tay... đứa bé rất ngạc nhiên khi nhìn thấy vật đó. Sự ngỡ ngàng đánh ấp Hà. Đã từ rất lâu, nó mới gặp lại món đồ chơi này. Vốn trước đây, con bé cũng không để ý gì nhiều đến con gấu bông đó mấy. Nhưng tại thời điểm này, khi chạm vào vật ấy, Hà lại thấy như có mũi kim châm.

Đấy là vết đau sâu hoắc. Không được yêu chiều. Chẳng mấy ai mến thương.

Hà ôm chầm lấy con gấu.

Lần nữa, nó nghiêng mình, cuộn tròn cơ thể trên chiếc giường của người ta.

Bấy giờ, khuôn miệng con bé lẩm bẩm bài ca dao cũ. Tự đưa bản thân vào giấc ngủ sâu.

Mày đẹp nhờ mẹ mày lo,Đâu đâu cũng kẻ thập thò ước ao.Chứ rằng xấu xí như tao,Đêm nằm khuất xó ngắm sao bể này,

Bể này ít cá ít tôm Rong hư tảo hỏng cứ xôm tụ đầy.

Cá bơi cá lội theo bầy,

Ở chi cái bể đã đầy vết nhơ?

Lấm lem lớp đất bùn dơ,

Vì nên đời để đơn sơ một mình.

Cớ sao không tiếc cho mình,

Trôi sông dạt chợ cũng mình mình thôi.Tình cha nghĩa mẹ như vôi, Lúc trong không thấy, bạc rồi lại trao.

Thôi thì cũng chỉ trăng sao,

Bắc thang không tới, ngã nhào trách ai?

.

Tuy đã ở Sài Gòn sáu năm, nhưng tôi vẫn chưa đi Thảo Cầm Viên ở Đề Nắm(*) bao giờ. Mà nói chi bản thân, con Thư sinh ra tại đây mà cũng có đi lần nào đâu? Chẳng người dân Sài Gòn nào thật sự đi Thảo Cầm Viên cả, hay bất kỳ chốn vui chơi lành mạnh như công viên giải trí, Động Tiên... cùng mấy thứ tương tự khác. Đề Nắm được chọn trở thành nơi phát triển du lịch cho thành phố. Đó là ý nghĩa của khu có nhiều hoạt động ngoài trời nhất, lành mạnh, vui vẻ và ánh đầy nắng mặt trời. Bản chất Đề Nắm như vậy, không dành cho người dân.

Nên chỉ khi có Mi thì chúng tôi mới phải đến chỗ này. Là cái vườn bách thú tọa lạc giữa phố thị, hay tôi nên gọi nó là một nhà tù? Con người có thể dùng bao nhiêu mỹ từ để nói về nó - nơi bảo tồn của hàng trăm động thực vật tại thành phố Nguyễn Tất Thành. Nhưng, đối với lũ vật, những kẻ thực sự sống tại nơi này, thì đây là cái khám Trí Hoài(*) trá hình dành riêng cho chúng. Mà ở đây, còn phải mua vui cho kẻ đến viếng. Vươn mình thức dậy từ lúc sáng sớm, đón tốp người đi qua chiếc cổng lớn. Từng lớp này đến lớp khác, lũ động vật đến nay đã chây lì. Chúng còn chẳng thèm thuồng cái nhìn trầm trồ nữa. Và đặc thù hơn chúng biết mình sẽ không bao giờ thoát ra. Một bản án chung thân cho mọi con vật khi bước vào đây, dưới lớp tán cây um tùm này. Dù sao thì cũng phải nói, muôn thú ở đây đang được hưởng thụ. Chúng bị giam cầm để bảo vệ chính mình, vì kẻ thù đã thống trị khắp mọi nơi. Không rừng sâu hay hang động nào bị bỏ ngỏ, một khi loài người đã thật sự đặt chân lên mặt trăng. Hưởng thụ cái nhà tù xa xỉ mà kẻ thù đưa mình vào, trốn tránh được cái nóng oi bức của Sài Gòn mà mọi người dân phải chịu,... thế mà coi lũ chúng nó có phần lời. Tất cả những việc chúng cần làm là ăn uống cùng đẻ đái. Thế thôi và là bộ mặt đẹp cho những kẻ từ nơi khác đến xem.

Theo báo cáo chính qui, Vườn Bách Thú bị lỗ đến hơn hai mươi tỷ đồng vào năm ngoái. Còn nhiều nữa, vậy mà người ta vẫn chưa dọn sạch chỗ này đi. Nhân đạo cũng chỉ là lớp khẩu trang màu xanh.

Tuy cùng nhau là lần đầu tiên đến, nhưng chỉ Mi háo hức. Bông hoa bé nhỏ hôm nay vận một bộ quần áo tuy bình thường hơn ngày thường,... Nhưng lại rất phù hợp. Điểm xuyết trên lớp trang phục quần jean dài áo thun là dăm ba đóa hoa nhí cài tóc, cùng chiếc balo màu hồng nhạt đồng màu, hình thỏ con. Tôi nghĩ Phúc đang dắt theo Thố, vì tay thằng này đang nắm lấy đứa trẻ nhỏ. Cô bé non nớt hay nhìn vạn vật bằng đôi mắt ngây thơ. Khỏi phải miêu tả nữa về giọng nói dịu dàng cùng nụ cười lúc nào cũng tươi tắn, Mi là đứa trẻ đi lạc. Nhất là khi thấy nó đang tay với bạn mình, khoác thêm lớp áo rồng thêu.

Thư nhìn mình khi chúng tôi thấy Mi mặc chiếc áo khoác ngoài ấy. Cái áo khoác y hệt trên người kẻ đối diện, thêu tay chỉ may hình ảnh rồng phụng hung hăng. Đấy là cái áo của thằng Phúc. Và nó để Mi mặc, như thể thuộc về cô ta. Lúc này, Thư không nói gì về suy nghĩ chợt chớm trong đầu cả. Cứ thản nhiên tiến tới, chào hỏi cô bé con kia. Con nít không biết thì không có tội. Chính tôi cũng giữ lại những suy nghĩ đó ở trong mình. Khó làm sao bật thành lời mà không gây tổn thương ai. Dẫu vậy, tôi sẽ nói khi cần thiết. Phúc nên biết rằng Mi không hợp với những thứ này. Và cô ta chỉ xem nó là một thứ trang trí mua vui.

"Hà chưa đến ạ chị?" Mi cất tiếng hỏi về đứa bí ẩn nhất nhóm tôi.

Hà không thường đến trễ. Thực chất, nó đến đúng cái giờ mà bản thân dự liệu chứ không phải theo ước hẹn đã giao. Hà biết vai trò của mình ngày hôm nay.

"Nó sẽ đến ngay thôi." Tôi nói khi nhấc điếu thuốc ra khỏi mồm.

(*) Thảo Cầm Viên ở Đề Nắm: lấy phỏng theo Thảo Cầm Viên, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Đề Nắm là tên của một vị lãnh tụ khởi nghĩa vào thời kháng chiến chống pháp, cha của Đề Thám. Vậy nên, khác với thực tế, Thảo Cầm Viên sẽ nằm ở phường Đề Nắm, quận 1, thành phố Nguyễn Tất Thành.(*)Khám Trí Hoài: viết trại lại từ Khám Chí Hòa, một nhà tù thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối lập, Mi nhỏ nhẹ nhắc nhở, "Anh Ân đừng hút thuốc mà." Bên cạnh, Thư lườm nguýt mình. Có thứ còn hơn cái liếc dài. Tôi hiểu lũ bạn thân mình. Điếu thuốc rời tay, bị dày vò dưới chân. Cùng lúc ấy, chiếc xe bán tải màu đen của con Hà vừa đỗ tới. Nó đến vừa kịp thời, như đã nói. Mà tôi có lẽ sẽ cần một chuyến quá giang. Bấy giờ, Hà bước xuống xe, vận trên mình lớp áo khoác dài màu đen. Dù Sài Gòn có nóng thì nó vẫn mặc như vậy, với chiếc áo chemise xanh ở trong cùng. Lấp ló là lớp áo blouse trắng, Hà lẳng lặng bước đến chỗ cả đám. Nó không cần cất lời chào vì nó biết Mi là ai.

"Hẹn bảy giờ mà mày?" Thư bắt đề cuộc trò chuyện.

Hà đáp vớ vẩn, "Ngủ quên." Và rồi, tôi biết khi nhìn vào đôi mắt hẹp hòi của con bạn, sau cặp kính dày. Nó vừa nhăn nhó, hai tay đặt vào tại túi áo. Giọng nói không ngữ điệu của Hà cất lên:

"Mi mặc cái áo của Phúc à?"

Không giống tôi, Mi chẳng biết bí mật đằng sau câu nói đó của Hà. "Anh Phúc cho Mi giữ hộ."

Đâu nói gì, con bạn tôi lẳng lặng gật đầu. Chúng tôi đều chú ý rằng những ngón tay nhỏ của cô bé phía trước đang vô thức nắm vào cổ tay áo. Mi tỏ ra cho tất cả biết suy nghĩ của mình. Ai mà không có ghen tuông. Ai chẳng nghi ngờ dù người tay nắm tay? Mi hiểu đúng đằng sau cái áo chắc chắn có điều gì bí ẩn. Nhưng lại lầm sang nghi ngờ con Thư với thằng Phúc. Tiếc thay cho một cô gái mộng mơ, chẳng có gì mập mờ lãng mạn ở đây. Đã nghe Thư kể việc Mi nhầm cả hai hẹn hò nhau. Phút chốc đó làm liên tưởng tới mẹ. Bà nghĩ tôi với Hà yêu nhau.

Lúc này, tôi thấy Hà hít một hơi sâu. Tay nó đẩy gọng kính, rồi vừa nói vừa bước trở lại sau đuôi xe. Bấy giờ thì cái nắp thùng xe đang tự động mở.

"Tuy không mặc nhưng lúc nào cũng giữ kỹ."

Như vậy, cả bốn đứa nhìn theo lưng Hà. Nó leo lên cái thùng xe. "Để nó ở đây."

Được đặt trên cốp xe bán tải, là một cái thùng gỗ đậy kín. Có ổ khóa chìa ngăn giữa nắp và bụng đáy. Hà đang mở chiếc thùng ra. Như là một cái hộp Pandora. Và rồi, nhấc ra từ bên trong, là chiếc áo thêu rồng phụng thứ ba tại Sài Gòn. Không phải chỉ có hai cái, Hà đang giữ quả áo còn lại. Không chút sứt mẻ, lành lặn, bằng thật rõ hình.

Hà giơ về phía trước cho Mi xem. Khi vẫn cầm trên tay, nó nhảy xuống khỏi thùng xe. Rồi chẳng phải là ảo ảnh, con này còn để em bé nhỏ sờ vào chiếc áo quý. Ba đứa còn lại đứng vòng chung quanh cả hai.

"Bây giờ thì Mi tin rồi chứ?" Tôi nói kháy Mi. "Đây là áo nhóm của bọn tôi."

Chúng tôi đã mua bốn chiếc áo này vào bốn năm trước, cái lúc đang lưng chừng lớp mười hai. Phải đặt hàng tuốt tận bên Nhật, bảo đảm rằng khó tìm thấy mẫu tương tự lạc bầy tại Việt Nam.

"Vậy tại sao Ân không mang theo chứ?"

Mi hỏi làm tôi im bặt. Ngay lúc này, tôi có thể nhận được tín hiệu trách móc từ Hà. Nếu tôi mang ra thì đâu đến lượt nó. Con này sẽ không phải lặn lội tận đây, đứng mười phút xong rồi đi về.

"Tôi... để đâu rồi ấy nhở?" Lần cuối nhìn thấy có lẽ là năm ngoái. Tôi không thể nhớ được đâu.

"Nhưng mà...Sao mọi người lại chọn họa tiết hung tợn thế này... trong khi..."

"Trong khi cái gì Mi?" Thư nghiêng đầu. Cả bốn đứa ngẩn ngơ khi nghe sự dịu dàng của Mi.

Như Mi thỏ thẻ với bọn tôi, "Trong khi anh Phúc lại rất hiền lành nè, chị Thư thì dễ thương. Mà Hà lại tốt bụng..."

Tôi thấy Mi dừng ở chỗ mình. Đúng rồi, tôi là kẻ như vậy đó.

"Là tôi đặt mua đó." Mi không cần phải ngại khi nói cho tôi về chính mình. "Nghĩ rằng nó sẽ rất ngầu."

Hà thở dài hơi, "Vậy là Mi đã bớt lo lắng rồi nhỉ. Chúng tôi đều là bạn thôi." Nó vẫn đang cầm cái áo của bản thân. Ở phía đối diện, Mi gật đầu. Nụ cười của ban mai tỏa bừng ngay lúc đó:

"Hay hôm nay đi chơi Hà cũng mặc đi? Cả nhóm với nhau mà."

"Không hợp lắm." Con bạn thân tôi lập tức trả lời.

Tay nó để hé cái áo blouse bên trong. "Lỡ rồi. Lần sau đi."

Ắt hẳn, Mi rất trầm trồ khi nhận ra con Hà là bác sĩ. Chúng tôi không thật sự nói về nhau trước mặt người khác, ngoài nhắc cái tên. Có nhiều điều Mi chưa biết gì về Hà, về tất cả bọn tôi.

Hiện tại, tôi xem đồng hồ đã sắp bảy giờ rưỡi. Đến nay Hà đã hoàn thành xong nhiệm vụ chính. Nó cũng vừa gấp cuộn cái áo trong tay. Con bé đến đây là sẽ rời đi.

"Vậy mọi người đi chơi vui nhé." Tôi biết Hà sẽ liền nói. Tại lúc này, giọng nó vẫn trầm ổn nhưng nhanh chóng. Hai chân đã muốn xoay bước. "Bệnh viện còn nhiều việc lắm."

"Ủa vậy là giải tán hả mọi người?" Đầu con Thư có lẽ là nghĩ đến trà sữa. "Quán trà sữa giờ này chưa mở nữa mà."

Đôi ngọc ngà của Mi vừa mở to long lanh hơn. Ngay lập tức, tôi liền lén cười.

"Ơ chị Hà không đi à? Sao lại về thế?" Em bé ở giữa mè nheo. "Chị bận gì sao? Mới tới thôi mà..."

Có đi đâu Phúc cũng không thoát kiếp trông trẻ. Từ Thố sang cô bé này. Phúc sẽ chiều Mi. Chưa trả lời lại ngay, con bạn tôi lại đặt cái nhìn sang ở gã anh lớn. Nó tưởng vai trò của nó đến thế là hết rồi. Thật vui. Để xem Hà thoát làm sao.

Thư gỡ rối cho Hà, "Nó vậy đó Mi. Nếu Mi không còn gì muốn hỏi nữa thì nó sẽ đi."

Tôi hùa theo với đứa cao chưa đến mét rưỡi. "Đâu thường gặp từ điển sống. Mi đừng bỏ lỡ nghen."

Càng kích thích xem ai sẽ thành công. Hà liếc xéo tôi.

"Chị Hà có bận lắm không? Ở lại chơi tí cũng được mà..." Mi nài nỉ Hà.

Bấy giờ, đột nhiên thằng Phúc lúc này mới cất lời: "Mi à, Hà nhỏ hơn em đấy."

Cô bé con ngơ ngác liền luôn. Ôi, biểu cảm thường thấy. Ánh sáng ở mắt lại càng trong hơn.

"Đúng rồi!" Thư bổ sung vô ý thằng bạn. "Con Hà mới mười chín tuổi thôi."

Hà luôn là kẻ nhỏ nhất trong số chúng tôi.

Mi ngỡ ngàng lập luận, "Nhưng hôm bữa, anh nói là Hà học cùng lớp cấp ba với mọi người mà?"

Cô em bé quay sang nhìn chàng người yêu. Phúc lại quên giới thiệu bé Hà của nhóm rồi.

"Nó là thiên tài mà." Thư giải thích ngay. "Cứ thế học nhảy lớp. Năm mười lăm tuổi đã tốt nghiệp cấp ba rồi..."

"Sau đó được tuyển thẳng vào trường Y." Phúc nói đệm tiếp quãng đời huy hoàng của con Hà.

Tôi kết thúc câu chuyện, "Rồi đặc cách nhảy cấp thêm lần nữa. Giờ đã là nghiên cứu sinh."

Từ lâu, cả nhóm đã quen với sự trầm trồ ngưỡng mộ của kẻ khác một khi nói về Hà.

"Ô thật à?" Cô em bé dõi theo kẻ nhỏ tuổi hơn mình. "Hà giỏi vậy sao?"

Phía đối lập Hà không bao giờ nhìn ngược lại về chốn lấp lánh. Nó né tránh bằng cách cúi đầu hoặc nhìn sang tôi. Hở? Sao, Hà? Mày chẳng phải tự cao tự đại lắm? Nói gì đi. Chẳng lẽ lại không thích làm gương cho kẻ khác noi theo? Biết bao nhiêu người khâm phục mày. Muốn được là mày, mà không nhìn thấy vết đục ngầu ẩn náu.

"Dẫu vậy tuổi thì vẫn nhỏ hơn Mi. Nên gọi Mi bằng chị là đúng." Phúc bây giờ không nhả vụ này ra.

Thư băn khoăn hỏi, "Mà nó nhỏ hơn bao nhiêu tuổi?"

Cả bọn thấy thằng Phúc chỉ giơ ngón trỏ tại bàn tay.

"Một tuổi thì cũng là lớn hơn." Tôi đổ dầu vào lửa. Mặc kệ Hà nhăn nhó với mình. "Nên gọi đi thôi."

Thư thích vui nên nó chèo cùng thuyền với mình, "Đúng đúng. Nhờn hoài vô lễ."

"Gọi chị đi bé Hà ơi." Tôi kéo dài âm cuối cùng.

Hà chẳng thoát nổi khi cả nhóm đã hiệp sức. Dẫu vậy, con nhỏ vẫn mím chặt môi. Lạ gì? Tôi còn lớn hơn Hà đến tận ba tuổi. Thư với Phúc cũng thế, mà nó có gọi đâu. Đã thành cái thói quen.

Lúc này, điều duy nhất cản trở là sự tốt bụng của Mi.

"Thôi không. Không. Không cần đâu." Mi lên tiếng gỡ rối cho đứa trẻ khác. "Hà không cần phải gọi Mi là chị đâu mà. Cứ gọi bình thường thôi."

Thư cãi ngang, "Mi hiền quá nó leo lên đầu ngồi giờ." Chẳng phải mày leo trước rồi hả?

"Hà dễ thương mà. Mọi người đang ăn hiếp Hà đấy à?"

Tôi nhướng mày, chứ làm sao? Con này nó lì lắm. Phải dạy vài đường cơ bản mới được. Giờ thì Phúc vừa tìm được gỗ để lửa bắt cháy to hơn. Nó nói trực tiếp với Hà:

"Mày nên gọi đi thôi. Mi đâu có học cùng lớp với mày đâu."

Trả lại ngay lập tức nhưng lén lút, Hà vừa lẩm bẩm. Tôi có thể nghe thấy giọng nói lầm bầm: "Nhưng nó học dưới tao..." Lính lác chèn ép tổng tư lệnh. Chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi nó nói to ra.

"Gọi đi. Gọi đi. Gọi đi." Tôi vỗ tay to thành tiếng. Cả bọn thôi thúc Hà.

Nhưng rồi, giọng Mi đã cắt ngang liền đi. "Thôi mà!"

Cả bọn ngạc nhiên khi cô em bé vừa ôm châm lấy Hà. Càng hơn nữa khi đôi mắt biếc thành đỏ âu. Hà bần thần đứng yên. Mà giờ đây cặp má lúm đồng tiền cũng đã biến mất.

"Mi hông cho ai bắt nạt Hà hết." Kẻ đáng sợ thế mà dược cô bé con bảo vệ. "Tụi mình là bạn bè mà. Đừng có ai ép Hà phải làm gì. Hà cứ gọi Mi là Mi thôi!"

Trước sự ngạc nhiên của cả bọn, lẫn Hà, Mi nói xong thì chớp chớp mắt nhìn lên. Bóng tối vừa vặn vậy mà đối diện với ngọn đèn lung linh.

"Được hông Hà?" Mi phụng phịu đôi gò má ửng hồng đầy đặn. Tay vẫn vòng qua lưng con bạn tôi.

Hà đang nghĩ gì lúc nhìn xuống thấy cô bé thỏ con?

"Hà gật đầu đi."

Chỉ thấy nhúc nhích vẻ mặt, mà cuối cùng Hà gật nhẹ đầu. "Ừ... Mi."

Hóa ra, Mi là ngôi sao sáng bầu trời đêm. Sự lạnh lẽo đã vì cô bé mà xua tan đi. Ngay tức thì, đôi mắt xanh ở đối diện Hà cong tít lên thành hai vầng bán nguyệt quý báu. Và chúng đấy là ngọc ngà, luôn luôn bừng lên nét hân hoan.

Cả bốn đứa nghe cô bé khúc khích cười, "Vậy là tốt quá rồi. Vui thật đó."

Tự dưng, tôi thấy lớp áo khoác lại hợp với nụ cười của Mi. Cảm xúc gì đây?

"Từ giờ mọi người sẽ thành bạn tốt của nhau nha! Mi thích như vậy lắm!"

Nó thật lạ lẫm. Tôi thấy lồng ngực mình nghẹn thắt đi. Bấy giờ, Hà liếc cả ba đứa bạn, rồi nhanh chóng đáp lời với Mi: "Ừ... Mi." Nhăn mày, đấy có lẽ cảm giác lấy làm bất ngờ khi nhìn thấy cô em bé bảo vệ cho Hà. Phải, đúng vậy. Đứa nào bảo vệ cho con nhỏ trông cũng vô cùng dễ thương. Trong sáng, ngây thơ.

Hà là vị tổng tư lệnh. Nó tấn công và bảo vệ. Nó chỉ huy mọi điều. Vốn không cần sự bảo vệ của ai.

"A!" Mi đột nhiên reo lên, như chiếc chuông nhỏ leng keng. "Mi có quà cho mọi người đó!"

Từ trong chiếc balo màu hồng, cô bé nhỏ lấy ra ba chiếc hộp con màu xanh nhạt, to chỉ bằng lòng bàn tay. Tôi không biết đấy là gì cả. "Đây là quà cho lần đầu tiên đi chơi cả nhóm với nhau."

Mi phát cả ba đứa Hà, Thư, tôi mỗi người một cái. Trái với Hà cầm khư khư chiếc hộp bằng hai tay, cả hai đứa còn lại đã mở. Là một cái bánh quy chocolate nhỏ, vừa vặn như người làm ra. Tôi biết nó được ai làm ra.

"Tự tay Mi làm cho mọi người đó."

Không ai nói gì ngoài bản thân. "Vậy ăn thử nhé... Á đù má! Cái gì cứng ngắc vậy!"

Ngay tức khắc, bốn đôi mắt còn lại trợn tròn nhìn tôi. Chết mẹ! Rủi xui thế nào! Quên béng lời con Thư! Nó ở bên cạnh tôi nói bằng ánh mắt: "Mày đéo nhớ lời tao." Về cái chuyện hồi tựu trường đã thành sự cố... Hóa ra có sức công phá khủng khiếp thế này. Tôi đau điếng, tay vịn lấy hàm. Mẹ bà nó, suýt gãy cả răng.

Chết mẹ thật rồi. Thằng Phúc đang trừng mắt nhìn tôi, mà Mi thì là kẻ mềm mỏng hơn:

"Ơ? Bị cứng ạ? Anh Ân có sao không?"

"À đâu... không..." Tôi tìm lẹ cách lấp liếm. "Do răng tao yếu quá... Chắc là vậy."

Mi khó mà tin. Cô bé vẫn đang bàng hoàng nhìn tôi. Thôi cú này chết dở. Ai ngờ nó lại tệ thế này.

"Thằng Ân nó hút thuốc nhiều mà. Ngày mấy điếu liền." Lúc này Hà lên tiếng gỡ rối. Một tay đẩy gọng kính, còn lại vẫn cầm khư khư hộp quà đóng kín. "Những người hút thuốc có nguy cơ bị viêm lợi nhiều hơn. Với trường hợp người trẻ, hút thuốc nhiều có nguy cơ bị viêm lợi hoại tử loét. Đây là một loại bệnh nặng, nhanh chóng dẫn đến viêm quanh răng, cuối cùng là mất răng."

Không hổ danh bác sĩ Hà... à không, không hổ danh cô-bạn-gái-giả-tạo của tôi! Hà vừa cứu người yêu nó một cái mạng rất lớn.

"Vậy thôi anh Ân đừng hút thuốc nữa. Độc hại cho anh mà..."

"Nghiện rồi khó bỏ lắm Mi." Thư nói thay tiếng lòng của tôi.

Tới đây thì cả bọn thấy Mi lưng tròng nước mắt. Hẳn cô em bé thấy tội cho tôi. Tội lỗi thì có. Mi đâu biết những thứ độc hại ngấm vào cơ thể không chỉ mỗi tôi thèm muốn. Thư là đứa nghiện bạo lực, đá trắng và đường ngọt. Hà cùng với những lọ thuốc của mình, hít hà hay nuốt thẳng. Còn Phúc,... thứ đấy tanh nồng hơn.

"Đưa tao giữ hết đi."

Bấy giờ Hà đổi hướng câu chuyện bằng cách hất cằm về phía tôi và Thư. "Lát nữa ăn sau."

"Ơ, Hà không thử bây giờ à?" Mi không bỏ qua cho đứa nào. Chúng tôi đã vào tầm ngắm của bé em. "Chị Thư cũng thử bây giờ đi mà. Nha nha?"

Lúc này, thì Thư liền nơm nớp lo sợ. Hai mắt con bé cao phân nửa ba mét đang trông chờ vào cô bạn thân. Đã lâu rồi, Thư không dùng ánh nhìn này nữa, kể từ sau khi thi tốt nghiệp đến giờ. Nó đang chờ đứa bạn thiên tài của mình cho chép ké bài.

"Thôi để lát sau đi Mi. Ăn đứng không tốt đâu."

Lần nữa, thật đáng ngợi khen. Biết vậy, chúng tôi đã không chèn ép Hà.

"Đứng ăn trong tâm trạng không thoải mái vì không có chỗ ngồi. Hoạt động đi tới đi lui nhiều khiến máu không tập trung cung cấp cho nội tạng, mà phải chia sẻ thêm cho cả hai chân. Như thế thì hệ tiêu hóa sẽ hoạt động không tốt, tăng nguy cơ bệnh dạ dày."

Dù không rút lại những lời nói trước, tôi buộc phải thừa nhận Hà vừa quăng một cái phao cứu sinh cho cả bọn. Như tất cả mọi lần.

"Vậy nên để sau nhé Mi." Hà an ủi cô em bé.

Đến đây, Mi tất nhiên thông cảm cho cả nhóm. Đóa hoa tí hon cứ thế nở tươi sắc, hồng hào nụ non: "Ừa. Lát trưa mọi người cùng nhau ăn nhé." Phút giây ấy, tôi thấy Hà nheo mắt hướng về Mi.

Và thế, những chiếc hộp nhỏ chuyển về chỗ Hà. Con Thư bấy giờ bước lẹ đến, khoác vai cô bé em nhỏ, kéo người đi một nước về phía chỗ mua vé. "Mình đi mua vé cho mọi người thôi nào Mi."

Chỉ còn lại ba đứa đứng ở trước cổng Thảo Cầm Viên. Sau khi thôi nhìn theo Mi, Phúc mới cất lời. Cuối cùng anh chàng người yêu ít nói cũng lên tiếng:

"Đưa tao cái bánh của thằng Ân."

Hà có hơi khó hiểu, nhưng nó không ngần ngại. Khuôn mặt Phúc chẳng biến chuyển gì nhiều, như mặt hồ đen của Biển Chết. Không có sắc thái nào thật sự hiện ở đó, kể cả khi nó cầm chiếc bánh quy nhỏ trong tay. Và rồi, Phúc bẻ cái bánh thành từng vụn nhỏ. Tiếng rắc rắc kêu lên. Ở trước mặt tôi với Hà, cứ thế nó ăn từng miếng bé tí một. Chậm rãi nhai một hồi lâu. Khi đấy, nếu hai mắt không nhắm lại thì Phúc cũng trừng lên nhìn cả hai đứa tôi. Chẳng ai nói gì cả, Hà thì khoanh cả hai tay vào. Khi thấy bạn mình nuốt xuống xong, con này mới lên tiếng: "Nhất thiết như vậy sao?"

Đổi lại Phúc chỉ gật đầu. "Lần sau cứ làm như tao."

"Mình mày chiều Mi là đủ rồi." Ngay tức khắc, tôi liền trề môi.

Tay vò vầng thái dương, Hà thở dài, "Tao ở đây cũng chỉ được một tiếng thôi. Đã có hẹn với bên công an chín giờ đến lấy lời khai rồi. Còn nộp hồ sơ, bằng chứng nữa..."

"Hể? Nhanh vậy sao?" Tôi lờ mờ nhớ lại nguyên do vụ việc. "Mày gọi ông luật sư tao chỉ chưa?"

Hai tay Hà đút vào túi áo, "Rồi. Lát hồi tụi tao cũng sẽ cùng nhau trao đổi với bên kiểm sát viên." Rồi nó quay sang Phúc. "Nên tao chỉ ở đây nhất định được một tiếng thôi. Không hơn được đâu."

Phúc gật đầu, "Được bao nhiêu thì nhiêu."

"Tao nghĩ Mi không làm khó con Hà đâu..." Tôi nhún vai, tay thì chỉ thằng bạn thân. "Mày thì có."

Tất nhiên Phúc không thể chối cãi. Đứng giữa hai thằng con trai, Hà khó chịu nhăn mặt. Nó hẹp hòi cằn nhằn: "Vẫn cái tính chiều gái." Con này nói chưa từng có sai.

"Nó chiều con Mi dữ lắm. Thậm chí kể cả khi Mi cắm sừng thằng Phúc."

Tức thì, Phúc trợn mắt nhìn tôi. Nhưng tôi nói đúng mà! Cũng không phải do buột miệng mà nói ra đâu.

"Cái gì cơ?" Hà nhăn mày.

"Thì... con Mi nó nhắn tin với thằng ở trên mạng đấy. Cái thằng nó quen ở cái cộng đồng đọc sách gì đó. Cũng là người mà con này thích." Tôi giải thích rõ ràng hơn. Hẳn Phúc rất tức giận nhưng tôi đâu nói gì sai. Quay sang thằng bạn thân, môi tôi bĩu lên. Mi nghĩ rằng Phúc lừa dối mình. Nhưng đâu phải, kẻ bắt cá hai tay là con bé kia mà. "Mày giận cái gì?"

Chỉ thấy thằng Phúc thở dài. "Ai mượn mày kể?"

"Tao tưởng tụi mình kể nhau nghe tất cả mọi thứ."

Ngoài những lời đùa bỡn, tôi giống Hà cũng chỉ nói những điều đúng. Tất cả chúng tôi đều biết là vậy. Rằng cả đám có đứa kia là bạn thân. Chúng tôi nói cho nhau bất kể chuyện gì.

Bấy giờ, con Hà hơi cúi thấp người khi thở dài. Và rồi nó liếc mắt nhìn sang thằng kia.

"Cũng là tao thôi. Tụi tao quen qua mạng nhờ như vậy." Phúc giải thích cái đống hỗn độn cho Hà. "Nhưng Mi không biết đấy là tao."

Lạnh ngắt. Đột nhiên bầu không khí se lại. Con Hà ngửa lên trời, thở hắt một hơi rồi, trừng mắt nhìn hai bọn tôi. "Ra chỗ Mi với Thư đi. Tao đi đỗ xe." Nó nói rồi nó quay lưng đi.

Sau khi đi dạo tại Thảo Cầm Viên trong vòng một tiếng đồng hồ, Hà gấp rút đến Tòa Án tại khu quận trung tâm. Cũng không cách nhau xa lắm, nhưng con bé cần đúng giờ. Ngay khi bước vào cổng, Hà gặp Bảo đầu tiên. Như giao ước, những đứa trẻ hỗ trợ nhau. Bảo đi cùng với con bé của tôi vào trong một căn phòng họp kín của bên công tố. Đóng kín cửa ngăn cách khỏi bên ngoài, giờ thì Hà thuộc diện nhân chứng trọng tâm.

Kéo ghế ngồi xuống đối diện nhau, Bảo lập tức nói với đứa nhỏ tuổi hơn:

"Hà có mang đầy đủ hồ sơ rồi đúng không? Bên công tố sẽ gặp Hà ngay."

Bày ra bàn những thứ mình đã chuẩn bị, Hà cũng nhận lấy từ tay cậu thanh niên kia tờ điền lời khai. Là thứ mà con bé đã tập viết trước ngày hôm bữa. Hơn hết, ngoài chồng hồ sơ bệnh án, thông tin sức khỏe của cả hai anh em nhà nọ... Nó còn chuẩn bị sẵn một chiếc usb. Đặt tờ giấy mẫu sẵn trước mặt, và rồi nét chữ con bé lại nắn nót viết nên. Tất cả mọi thứ giờ đây phải càng thêm kỹ càng, chi tiết và thành thật hơn nữa. Với sự thận trọng của chính mình, đứa trẻ của tôi vừa viết vừa đọc lại thành in hằn. Ngồi khoanh tay đối diện Hà, Bảo đột nhiên để ý đến hai chiếc hộp màu xanh nhạt bé xíu. Không hỏi gì, nó liền với tay nhấc lên. Bên trong có một cái bánh quy tròn vành. Hà lúc này lại không nói gì cả. Con bé không thèm để ý Bảo đang định làm gì, ngoài tập trung vào tờ giấy và cây viết trong tay.

"Hình như hơi cứng..." Bảo đưa ra nhận định sau khi thăm dò. Bóp vào là nhận thấy ngay.

Hà biết mình nên nói gì cho đỡ phiền phức, "Thư làm đấy." Cứ như vậy là Bảo nín thin.

Rơi vào không gian kín đáo, im lặng, chẳng đứa trẻ nào cất tiếng thành lời nữa. Ít nhất là, cho đến khi có người đẩy cửa bước vào. Là hai người đàn ông trung niên, một mặc âu phục, một mặc quân phục. Lúc bước vào họ có nhìn nhau.

"Em là Nguyễn Hải Hà đúng không?"

Người đàn ông có quân hàm trên vai lên tiếng, Màu áo của ông ta là màu xanh nước biển cùng cái bảng tên tại ngực mình. "Tôi là kiểm sát viên Nguyễn Lê Thanh Phước. Sẽ đại diện cho Tòa Án Nhân Dân."

Trong phút chốc, Hà ngừng viết và ngẩng mặt lên. Con bé có gật đầu cúi chào. Bấy giờ, người đàn ông còn lại cũng lên tiếng, chìa tay ra trước mặt thân chủ của mình:

"Còn tôi là luật sư Trần Chính." Đứa trẻ của tôi bắt tay ông ta. "Như cậu Ân đã nói trước rồi nhỉ?"

Sau khi làm quen với nhân chứng quan trọng, cả hai người đàn ông lại lần nữa nhìn nhau. Hà biết, có lẽ họ sẽ không ngờ rằng có một ngày sẽ cùng phối hợp. Một người buộc tội và một kẻ bào chữa. Và họ ở đây vì mình.

"Em đang viết lời khai nhỉ?" Vị kiểm sát viên chú ý đến tờ giấy ở tại chỗ Hà. "Còn đây là hồ sơ bệnh án của cả nạn nhân lẫn bị can?"

Con bé vừa viết vừa gật đầu. Sự tập trung khóa miệng nó nói chuyện với ai. Ở phía đối lập, vị luật sư trong bộ âu phục tối màu lên tiếng nhắc nhở đứa trẻ:

"Em có thể lựa chọn những gì mình muốn khai. Không nên tự làm khó bản thân."

Thoáng thấy, ông Phước cau mày. Cái khoảng cách đã được tạo ra bao năm đối đầu khiến hai người đàn ông khó mà tin tưởng nhau, dù họ phải vậy. Bấy giờ đây thì sự cạnh tranh đó làm đứa trẻ phân tâm.

"Ngày hôm qua, em đã nói rõ muốn được bảo vệ quyền lợi thế nào với chú Chính luật sư." Hà cau mày khi vừa viết vừa tìm câu từ. "Cả về bảng câu hỏi của bên kiểm sát viên. Nên hai chú hãy bàn luận với nhau về vấn đề đó đi."

Không ngập ngừng, hai người đàn ông hiểu chuyện gật đầu. Họ biết mình phải nên đã cùng nhau rời đi. Ông Phước là người nói câu cuối cùng:

"Vậy bọn chú sẽ ở bên phòng kế bên. Cần gì Bảo có thể chạy sang nhé."

Đáp lại lời, chàng thanh niên dạ vâng.

Căn phòng lần nữa trở lại là khoảng không im lặng, chỉ còn lại hai đứa trẻ. Nhưng, chẳng được lâu. Đáng lý ra là không được phép, nhưng làm sao mà bà ta có thể không tiến vào?

Ngay tức thì, Bảo đứng dậy khỏi ghế, "Bác ơi, bác không được vào đây đâu."

Ở đứa trẻ của tôi, nó biết người phụ nữ này sẽ đến. Bà ta sẽ tất bật cái cơ thể gầy gò, khuôn mặt khắc khổ của mình... Như lần trước, nhờ vả người quen để gặp được vị nhân chứng mấu chốt. Bà ta đã làm điều này một lần với vị bác sĩ kia. Tất nhiên, sẽ cố gắng luôn lần thứ hai. Hay dù có bao nhiêu lần nữa, vì đứa con mình đẻ đứt ruột. Nhưng may thay, lần này, bà gặp Hà của tôi.

"Để bà ấy vào."

Khác với lần trước ở bệnh viện, Hà giờ đây không ngần ngại đối diện với người phụ nữ. Dừng nét bút, con bé ngẩng mặt lên. Nó dùng ánh mắt hẹp, ích kỷ của mình nhìn người phụ nữ đầy tình thương kia. Mắt của bà đã bắt đầu mờ dần rồi.

"Thì ra lại là cô."

Hà biết người đàn bà nhớ mình.

"Cái cô bác sĩ thực tập hôm trước đã nói điều xấu về thằng Hoàng ở sảnh bệnh viện."

Nhìn hình ảnh người mẹ bước vào căn phòng đáng lẽ không được phép, nó nghiêng đầu. Đây là kiểu ba mẹ máy cấy cỏ phổ biến mà con bé luôn gặp kể từ khi còn rất nhỏ. Rằng vị phụ huynh có thể làm bất kỳ điều gì để loại bỏ trở ngại cho đứa con. Những mầm lúa cứ vậy mà hồn nhiên được nuôi lớn. Đứa trẻ không cần phải chạy dưới trời mưa.

"Cô nên biết điều đi, cô gái trẻ. Thanh niên như cô làm sao hiểu được hậu quả đằng sau việc mình sẽ làm? Cô đâu có hiểu nỗi đau bị chia cắt của gia đình người khác. Chỉ chăm chăm vào những gì nông cạn mình nghĩ được."

Bảo định nói điều gì đó nhưng Hà đã ngăn lại. Đứa trẻ của tôi muốn ngồi để nghe.

"Dừng lại trước khi quá muộn đi."

Khi người mẹ im lặng, con bé mới cất lời: "Bà đang lạm dụng quyền lực."

Bà ta đốp chát trở lại:

"Khi nãy tôi nhìn thấy cả kiểm sát viên và luật sư nổi tiếng ra vào căn phòng này. Cô như vậy mới là kẻ lạm dụng chức quyền."

"Không." Hà nhẹ nhàng khẳng định lời nói của mình. "Quyền lực của người mẹ cơ."

Tới đây, người phụ nữ nín lặng. Ở trên khuôn mặt đầy vết chân chim khắc khổ, đôi mắt đỏ sưng kia đã lưng tròng. Bà ta lại sắp khóc. Như thế, nước mắt lại càng khiến tầm nhìn vốn hạn hẹp mà bị mù lòa. Đối nghịch lại, đôi mắt của đứa trẻ lại rất sáng. Nó tinh anh, sắc bén và vững mạnh. Công lý là Bắc Đẩu không thể thế thay.

"Mà tôi không phải là bác sĩ thực tập."

Tôi nghĩ đứa trẻ của mình đã muốn nói những lời này từ cái ngày hôm kia.

"Tôi là bác sĩ chính phụ trách ca cấp cứu của con gái bà. Tôi là một nghiên cứu sinh. Mẹ tôi là phó giám đốc viện, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung."

Chỉ thế, đứa trẻ của tôi đã khiến người phụ nữ kia rùng mình. Tiếc thay, bà ta đã trông mặt mà bắt hình dong. Như trong quá khứ cũ mèm đáng đốt thành tro bụi, những kẻ như họ đã luôn đánh giá thấp đứa trẻ. Cho đến khi, nó phô bày sự thật của mình ra.

Lấy được thế thắng, đứa trẻ của tôi nheo mắt.

"Bà sẽ không làm gì được tôi đâu. Kể cả là thuyết phục để thay đổi tình hình."

Người phụ nữ chỉ có thể lặng người đi. Và rồi, sự ngạo mạn tột cùng nhất là không nhìn nữa. Con bé cúi mặt trở lại tờ giấy trên bàn, tay lại cầm chắc bút viết lên.

"Tôi xong nói chuyện với bà rồi." Hà nói lời này với Bảo: "Đuổi bà ta ra ngoài đi."

Cậu thanh niên công an làm theo lời của người quyền lực hơn. Cứ như vậy, cánh cửa gỗ khổng lồ đóng kín lại trước mặt người mẹ. Đối diện với thứ vô cảm sẽ không có tình thương. Có lý do tại sao vị nữ thần công lý luôn bị bịt chặt mắt, tay cũng chỉ cầm thanh gươm tàn bạo cùng cán cân công bình. Hà sẽ phải cắt một nhát quyết đoán, như khi giết nhanh một con vật nào đó. Chỉ một nhát dứt khoát, không ngần ngại. Rồi cứ để đấy cho máu chảy ùa ra.