Tổ Ấm Nơi Tận Cùng Thế Giới

Chương 1-2



BOBBY

Một hôm, bố tôi mua một chiếc xe mui trần. Đừng hỏi tôi. Tôi mới năm tuổi. Ông ngẫu hứng mua và lái nó về nhà như thể ông mang về một hộp kem sô-cô-la hạnh nhân vậy. Hãy hình dung sự ngạc nhiên của mẹ tôi. Bà hay buộc dây chun trên tay nắm cửa. Bà thường giặt túi bóng cũ và treo chúng trên dây phơi để hong khô, một chuỗi sứa nhuốm màu tằn tiện uể oải phất phơ trong ánh mặt trời. Hãy tưởng tượng cảnh bà đang tẩy mùi pho mát ở một cái túi bóng, trong lần quay vòng thứ ba hay thứ tư của nó, khi bố tôi đỗ chiếc Chevy mui trần lại. Tuy là xe cũ nhưng nó vẫn là một kì quan di động – với những thanh hãm xung bằng chrome và phần thân trông như một thực thể sống màu bạc đồ sộ. Ông đã thấy nó được đỗ trên phố kèm theo tấm biển đề ĐỂ BÁN, và quyết định biến mình thành kiểu người mua xe theo ý thích nhất thời. Chúng tôi có thể nhận ra khi ông dừng xe, niềm hứng khởi trong ông đã bắt đầu phai nhạt. Chiếc xe quả là một vật đáng xấu hổ. Ông đi chầm chậm vào lối xe chạy với nụ cười gượng gạo trông y như cái lưới sắt bảo vệ bộ tản nhiệt của chiếc Chevy.

Dĩ nhiên chiếc xe phải được vận hành. Mẹ tôi không bao giờ đặt chân lên xe. Anh Carlton của tôi và tôi được đưa đi một vòng. Carlton rất phấn khích. Tôi thì hoài nghi. Một khi bố tôi đã mua xe trên đường phố, ông còn có thể làm những gì nữa? Điều này sẽ biến ông thành người như thế nào?

Ông đưa chúng tôi về miền quê. Các quán hàng ven đường bày cơ man nào là táo. Đám bí ngô tỏa sáng lên bãi cỏ quanh những căn nhà chính ở nông trai. Carlton, đầy khích động, đứng bật dậy từ băng ghế trước và bị kéo trở lại. Tôi giúp bố một tay. Bố tôi túm lấy một bên thắt lưng cao bồi đính hạt của Carlton còn tôi túm lấy bên kia. Tôi thích làm thế. Tôi thấy mình có ích khi giúp bố kéo Carlton xuống.

Chúng tôi đi qua một trang trai lớn. Những căn nhà phụ của nó neo trên một biển lúa mì dập dờn, và những tấm ván ốp tường màu trắng đang tan vào ánh nắng nhạt nhòa của buổi chiều muộn. Ba người chúng tôi, ngay cả Carlton, đều im lặng. Nơi đây mang vẻ gì đó thật thân thuộc. Những đàn bò gặm cỏ, những đám cây mùa thu đổ bóng dài. Tôi tự nhủ rằng chúng tôi là nông dân, và bằng cách nào đó vẫn đủ giàu để lái một chiếc mui trần. Trên đời này thiếu gì những khả năng như thế. Khi tôi đi trên một chiếc ô tô vào ban đêm, tôi tin rằng mặt trăng cũng đang đi theo tôi.

“Về đến nhà rồi,” tôi hét tướng lên khi chúng tôi đi qua trang trại. Tôi không biết mình đang nói gì. Đó là do sự kết hợp của gió và tốc độ tác động lên não tôi. Nhưng cả Carlton lẫn bố tôi đều không hề thắc mắc. Chúng tôi băng qua một sự im lặng sống động. Vào lúc đó, tôi chắc chắn rằng chúng tôi đều có chung một giấc mơ. Tôi ngẩng lên để thấy mặt trăng, trong trẻo và gắn trên một bầu trời xanh nhờ nhờ, đang thực sự đi theo chúng tôi. Không lâu sau Carlton lại bật dậy, hét vào luồng không khí trước mặt, và tôi cùng bố lại kéo anh xuống, về đúng chỗ ngồi của anh.

JONATHAN

Lúc hoàng hôn, chúng tôi tập trung trên bãi cỏ đang dần thẫm màu. Tôi mới năm tuổi. Không khí thoảng mùi cỏ mới cắt, và những hố cát đang lấp lánh. Bố tôi kiệu tôi trên vai. Tôi vừa là phi công vừa là tù nhân của dáng vẻ to lớn của ông. Đôi chân trần của tôi run rẩy chạm vào hai bên má ông ram ráp, và tôi bám vào tai ông, cặp vỏ sò lớn mềm mại bao phủ bởi lớp lông tơ nhỏ li ti.

Son môi và những chiếc móng tay màu đỏ của mẹ tôi trông sẫm đi trong ánh chiều nhập nhoạng. Bà đang mang thai, bụng mới chỉ nhú lên, và đám đông rẽ ra nhường đường phố cho bà. Chúng tôi dựng lều trên đường lăn bóng số hai, cùng với hai cái ghế nhôm gấp. Đám đông đang tập trung cho buổi lễ. Khói bốc lên từ những chiếc bếp nướng di động làm không khí thêm ngột ngạt. Tôi ngồi yên trong lòng bố tôi và được ông cho hớp một ngụm bia. Mẹ tôi ngồi tự quạt cho mình bằng tờ Biếm họa Chủ nhật. Những con muỗi lượn lờ quanh đầu chúng tôi dưới vòm trời tím biếc.

Ngày mồng Bốn tháng Bảy[1] đó, thành phố Cleveland đã thuê hai anh em nổi tiếng người Mexico đến đốt pháo hoa trên sân golf thành phố. Hai anh em này đã biểu diễn khắp thế giới, ở các sự kiện tôn giáo hoặc các sự kiện quốc gia. Họ đến từ sâu trong Mexico, nơi bánh mì được làm thành hình những chiếc đầu lâu và gái đồng trinh, còn pháo hoa được coi là hình thức biểu diễn nghệ thuật cao cấp nhất của con người.

[1] Ngày lễ Độc lập của Mỹ. (Các chú thích trong cuốn sách là của người dịch.)

Màn trình diễn bắt đầu trước khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện. Nó mở đầu khá nhạt nhẽo. Hai anh em họ đang trêu đùa khán giả, bắn lên vài kiểu đơn giản: từng chùm hoa theo bộ đôi và bộ ba thông thường, những cú pháo thăng thiên xoắn ốc, những chùm tia sặc sỡ tạo nên những bông phong lan bằng khói màu tẻ nhạt. Thứ tầm thường. Rồi, sau một lúc ngừng, họ bắt đầu nghiêm túc. Một quả pháo thăng thiên vọt lên, kéo theo sợi ánh sáng màu bạc trong lằn khói, và ở đầu mũi tên của nó bung ra một bông huệ tây năm nhánh rực màu tía, mỗi cánh lại nở ra một bông hoa riêng. Đám đông xuýt xoa khen ngợi. Bố tôi ôm lấy bụng tôi bằng bàn tay lớn rám nắng, và hỏi tôi có thích màn trình diễn hay không. Tôi gật đầu. Bên dưới họng ông, một đám lông vàng sẫm trồi lên, cố thoát ra khỏi cổ chiếc áo sơ mi madras.

Thêm nhiều bông huệ tây nở bung ra, màu vàng pha đỏ và màu hoa cà, với những cái cuống màu bạc nấn ná bên dưới chúng. Rồi đến những con rắn, rực màu cam, được bắn phụt lên một tá một lần. Những thân hình cong cong to lớn đỏ cứ tha thẩn giao nhau, quyện vào rồi lại tách ra, tạo nên những tiếng kêu xèo xèo không ngớt. Tiếp nối chúng là những bông hoa tuyết vô thanh khổng lồ, những vật thể trong suốt như pha lên mang thứ màu trắng tinh khiết nhất, và kế đến là một chòm sao trong hình dạng Nữ thần Tự do, với đôi mắt xanh và làn môi hồng ngọc. Hàng nghìn người há hốc miệng và vỗ tay hoan hô. Tôi vẫn nhớ cái cổ họng lốm đốm máu khô của bố tôi, một cơ quan gồ ghề đồ sộ dùng để nốc bia được bao bọc lỏng lẻo bởi làn da xù xì. Mỗi khi tôi rên rỉ trước những tiếng nổ lớn thỉnh thoảng phát ra, hay trước những chùm than hồng rực rỡ như sắp gieo thẳng xuống đầu chúng tôi, ông lại trấn an tôi rằng chúng tôi không việc gì phải sợ cả. Tôi có thể cảm thấy giọng nói ồm ồm của ông trong bụng và chân tôi. Đôi cánh tay chắc nịch của ông, mỗi cánh tay được chia đôi bởi một tĩnh mạch, mạnh mẽ giữ chặt lấy tôi.

Tôi muốn nói về vẻ đẹp của bố tôi. Tôi biết đó không phải là chủ đề thường dành cho đàn ông – khi chúng ta nói về bố mình, chúng ta thường có xu hướng kể những câu chuyện về lòng can đảm hay cơn thịnh nộ dữ dội của họ, thậm chí cả sự hiền từ. Nhưng tôi muốn nói về vẻ đẹp cương trực, hoàn hảo của bố tôi: Ông có đôi cánh tay cân đối, rắn chắc, với nước da sáng và cơ bắp dẻo dai như thể chúng được tạc nên từ tro thô, cùng dáng đi thanh lịch, nhịp nhàng và khoan thai. Ông là người đàn ông lực lưỡng, cân đối; ông chủ một rạp chiếu phim có đôi mắt sẫm màu, lặng lẽ yêu thích những bộ phim điện ảnh. Mẹ tôi thường bị đau đầu và hay nói bóng gió mỉa mai, còn bố tôi luôn vui vẻ, luôn tất bật, luôn tin chắc rằng mọi thứ sẽ đâu vào đấy.

Khi bố tôi đi làm, chỉ còn lại hai mẹ con tôi ở nhà với nhau. Bà thường nghĩ ra những trò chơi trong nhà cho chúng tôi chơi, hoặc cùng tôi làm bánh quy. Bà không thích ra ngoài, đặc biệt là vào mùa đông, vì cái lạnh khiến bà đau đầu. Bà là con gái miền New Orleans, nhỏ nhắn và tỉ mỉ trong từng động tác. Bà lấy chồng từ rất sớm. Thi thoảng, bà dỗ tôi đến ngồi cạnh bà bên cửa sổ, nhìn ra phố, chờ đợi một khoảnh khắc khi khung cảnh băng giá có thể chuyển mình thành thứ gì đó bình thường mà bà mong đợi, bình thản như những bà mẹ Ohio sôi nổi, cứng rắn vẫn hay lái những chiếc xe khổng lồ chở thực phẩm, trẻ con cùng những người thân lớn tuổi. Những chiếc xe hơi kiểu station wagon[2] chạy ầm ầm trên con phố của chúng tôi, như những chiếc xe tăng được trang hoàng đang ăn mừng chiến thắng trong những cuộc chiến tranh ngoại quốc.

[2] Kiểu xe có phần đuôi được thiết kế để tăng thể tích chứa bên trong, ghế sau có thể tháo ra hoặc gập lại để tăng diện tích chất hành lý, và có cửa sau.

“Jonathan,” bà thì thầm. “Con trai ơi. Con đang nghĩ gì vậy?”

Đó là câu mà bà hay hỏi. “Con không biết,” tôi nói.

“Kể cho mẹ chuyện gì đó đi,” bà nói. “Hãy kể mẹ nghe một câu chuyện nào.”

Tôi thấy mình cần phải nói. “Mấy anh kia đang mang xe trượt tuyết của họ ra sông mẹ ạ,” tôi bảo bà, khi hai anh chàng hàng xóm đang đội những cái mũ lưỡi trai sọc vuông – những người mà tôi vừa ngưỡng mộ vừa sợ - đi qua nhà tôi, kéo theo một cái xe trượt mòn vẹt. “Họ sẽ dùng cái ván đó để trượt băng. Nhưng họ phải để ý đến những cái hố. Có đứa từng bị ngã xuống đó và chết đuối rồi đấy.”

Nó không giống một câu chuyện lắm. Tôi chỉ nghĩ được đến thế trong khoảnh khắc quan sát ngắn ngủi.

“Làm sao con biết?” Bà hỏi.

Tôi nhún vai. Tôi nghĩ rằng mình đã bịa chuyện. Đôi khi thật khó để phân biệt điều gì đã thực sự xảy ra với điều gì tưởng như đã xảy ra.

“Chuyện đó có làm con sợ không?” Bà hỏi.

“Không ạ,” tôi bảo bà. Tôi tự hình dung ra cảnh mình đang lướt trên một khoảng băng rộng, khéo léo tránh những cái hố lồi lõm, nơi những đứa trẻ đáng thương khác đã ngã xuống với một tiếng “tõm” sầu thảm.

“Ở đây con sẽ được an toàn,” bà nói, vuốt ve tóc tôi. “Đừng lo con ạ. Ở đây mẹ con mình hoàn toàn bình an vô sự mà.”

Tôi gật đầu, dù có thể cảm thấy cái vẻ không chắc chắn trong giọng nói của mẹ tôi. Khuôn mặt với cái mũi nhỏ và hàm nở rộng của bà thu lấy thứ ánh sáng mùa đông lạnh lẽo được hắt lên từ mặt phố đóng băng và nẩy thia lia từ phòng này sang phòng khác, len lỏi vào đám đồ bạc trong tủ kính, tạo cảm giác như chiếc đèn bàn nho nhỏ hình lăng trụ đang chiếu sáng.

“Sao không kể một câu chuyện vui?” Bà nói. “Có lẽ lúc này mẹ con mình nên nghe một câu chuyện hài hước.”

“Vâng,” tôi nói, dù tôi không biết câu chuyện vui nào. Hài hước là một bí ẩn với tôi… tôi chỉ có thể thuật lại những gì mình đã thấy. Bên ngoài cửa sổ, bà Heidegger, bà lão hàng xóm không chồng, đang từ trong nhà bước ra, khoác trên mình chiếc áo choàng có vẻ như được làm từ da chuột. Bà nhặt một tờ báo được ném vào sân nhà bà và đi cà nhắc trở lại bên trong. Tôi biết, từ những lời bình phẩm riêng tư của cha mẹ tôi, rằng bà Heidegger rất buồn cười. Bà buồn cười vì luôn giữ cho nhà cửa vườn tược của mình được sạch như lau như ly, và khăng khăng kết tội những người Cộng sản, vốn đang điều hành trường học, công ty điện thoại, và nhà thờ của những người theo thuyết Luther. Bố tôi thường nói với giọng eo éo: “Những người Cộng sản đó lại gửi hóa đơn tiền điện cho chúng ta rồi. Hãy nghe tôi, họ đang cố tống chúng ta ra khỏi nhà đấy.” Khi ông nói kiểu đó mẹ tôi luôn cười, ngay cả lúc trả tiền hóa đơn, khi mà nỗi lo lắng khắc nét rõ ràng nhất quanh khóe miệng và mắt bà.

Ngày hôm đó, ngồi bên cửa sổ, tôi cố giả làm bà Heidegger. Trong một giọng run rẩy the thé không hoàn toàn khác biệt với giọng thường ngày của tôi, tôi nói: “Ôi, những người Cộng sản tồi tệ đó đã quẳng tờ báo vào thẳng sân nhà tôi.” Tôi đứng dậy và đi cà nhắc đến giữa phòng khách, nhặt tờ tạp chí Time trên bàn uống cà phê lên và vẫy vẫy trên đầu.

“Những người Cộng sản kia,” tôi rền rĩ thốt lên. “Các người hãy tránh xa khỏi đây ngay. Đừng cố tống bọn ta ra khỏi nhà nữa.”

Mẹ tôi cười thích thú. “Con thật tinh quái,” bà nói.

Tôi đi đến chỗ bà, và bà trìu mến gãi đầu tôi. Ánh nắng từ ngoài phố làm sáng bừng lên những tấm rèm sa mỏng và rót đầy đĩa kẹo xanh sẫm trên chiếc bàn kê sát tường. Chúng tôi thực sự an toàn.

Bố tôi làm việc cả ngày, về nhà ăn tối, rồi quay lại rạp vào buổi đêm. Đến tận lúc này, tôi không biết ông làm những gì vào khoảng thời gian đó – theo như tôi hiểu, hoạt động của một rạp chiếu phim đơn lẻ, không mấy thành công, không nhất thiết cần đến sự có mặt của người chủ suốt từ sáng sớm đến tận đêm khuya như thế. Dù vậy, bố tôi vẫn làm việc từng đấy giờ đồng hồ, và cả mẹ lẫn tôi đều không hề thắc mắc. Ông đang kiếm tiền, duy trì ngôi nhà vốn vẫn che chở cho chúng tôi khỏi những mùa đông của Cleveland. Đó là tất cả những gì chúng tôi cần biết.

Khi bố tôi về nhà ăn tối, một mùi băng giá còn lưu lại trên áo choàng của ông. Ông to lớn và vững chãi như một cái cây. Khi ông cởi áo choàng ra, đám đông nhỏ xíu trên cẳng tay ông lập tức dựng đứng lên trong không khí ấm cúng dịu dàng của ngôi nhà.

Mẹ tôi dọn bữa tối mà bà đã nấu. Bố tôi vỗ nhẹ lên bụng bà, lúc đó nó đã tròn căng như một quả bóng rổ.

“Dễ sinh ba lắm đây,” ông nói. “Chúng ta sẽ cần một ngôi nhà lớn hơn. Hai phòng ngủ thì không thể nào đủ nữa.”

“Nên bận tâm về hóa đơn tiền dầu cái đã,” bà nói.

“Một năm nữa thôi,” ông nói. “Sang năm chúng ta có thể tìm kiếm một căn nhà khác.”

Bố tôi hay nhắc đến sự thay đổi địa vị của chúng tôi. Nếu chúng tôi tự thu xếp theo một cách nào đó, những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Chúng tôi phải lưu ý về việc chúng tôi có vị trí thế nào, chúng tôi mong đợi những gì.

“Mẹ con em sẽ chờ xem,” mẹ tôi nói, giọng nhỏ nhẹ.

Ông đứng dậy và xoa bóp vai bà. Đôi bàn tay ông che lấp hoàn toàn vai bà. Ông gần như có thể bao quanh cổ bà bằng ngón cái và ngón giữa.

“Em chỉ cần chú tâm vào đứa bé,” ông nói. “Hãy giữ cho mình được khỏe mạnh. Anh sẽ lo phần còn lại.”

Mẹ tôi quy thuận những cái vuốt ve của ông, nhưng không hứng thú gì với chúng. Tôi có thể nhận thấy điều đó trên khuôn mặt bà. Khi bố tôi ở nhà, bà mang ánh nhìn thận trọng tương tự như khi chúng tôi quan sát đường phố. Sự hiện diện của ông khiến bà lo lắng, như thể vài thành phần nào đó từ bên ngoài đã đột nhập vào.

Bố tôi chờ mẹ tôi nói, để dẫn dắt chúng tôi theo cuộc trò chuyện đang bỏ dở về cuộc sống của gia đình mình. Nhưng bà vẫn ngồi im bên bàn, vai căng lên dưới sự săn sóc của ông.

“Ôi, bố nghĩ đã đến lúc bố phải quay lại làm việc rồi,” cuối cùng ông nói. “Khá lâu đấy, chàng trai. Hãy trông nhà nhé.”

“Vâng,” tôi nói. Ông vỗ nhẹ vào lưng tôi và hôn thật kêu lên má tôi. Mẹ tôi đứng dậy và bắt đầu rửa bát đĩa. Tôi ngồi ngắm bố tôi khi ông giấu đôi cánh tay cơ bắp trong tay áo choàng và quay trở ra nhà.

Đêm đó, sau khi tôi đã được đặt lên giường để đi ngủ, mẹ tôi thì đang ngồi xem ti vi dưới nhà, tôi lén vào phòng bà và thử tô son của bà lên môi tôi. Ngay cả trong bóng tối, tôi cũng có thể nhận ra rằng nó khiến tôi có vẻ khôi hài hơn là quyến rũ. Tuy nhiên, nó vãn làm thay đổi ngoại hình của tôi. Tôi lấy phấn hồng của bà để bôi lên má và kẻ chì đen lên đôi lông mày hoe vàng của mình.

Tôi nhón chân bước vào phòng tắm. Tiếng cười và tiếng nhạc tinh tang bay bổng qua thanh lan can cầu thang. Tôi đặt chiếc ghế đẩu ở phòng tắm vào chỗ bố tôi thường đứng cạo râu buổi sáng, và leo lên đó để có thể soi mình trong gương. Đôi môi tô son của tôi trông thật bự và không ra hình thù gì, những đốm phấn hồng đỏ thẫm bị bôi toe toét. Tôi không đẹp, nhưng tôi tin là tôi mang vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong. Tôi sẽ phải lưu ý về vị trí cùng những suy nghĩ của mình. Cẩn thận với cái bản lề cọt kẹt, tôi từ từ mở tủ thuốc và lấy ra lọ bọt cạo râu sọc vằn hiệu Barbasol của bố tôi. Tôi biết mình phải làm gì: lắc cái lọ thật mạnh, xịt một đống bọt trắng lên lòng bàn tay trái và xoa bừa vào hàm và cổ. Trang điểm đòi hỏi tất cả sự tỉ mỉ mà người ta có thể có khi tháo ngòi nổ một quả bom; còn cạo râu là một hành động hấp tấp và thiếu chính xác, nó tạo ra những vết máu đỏ tươi và để lại từng mảng vụn râu – đã mất hết sức sống như da rắn lột – trong bồn rửa mặt.

Sau khi đã xoa bọt lên mặt, tôi nhìn thật lâu vào trong gương, xem xét kết quả. Đôi mắt được bôi đen của tôi long lanh như những con nhện trên lớp bọt trắng um tùm. Tôi không giống phụ nữ, cũng chẳng ra đàn ông. Tôi là một thứ gì đó hoàn toàn khác. Có rất nhiều cách khác nhau để trở thành một người đẹp.