Tra Công Quỳ Xin Quay Lại Nhưng Tôi Chỉ Muốn Phát Tài

Chương 9: Nhập hàng lần hai



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

CHUYỂN NGỮ: TRẦM YÊN

.--.- - -.--..- -.. /.--.-.......- --- -. --. -....- --- -. --....-.- -. --..---- ----. ---..

Lận Thành Duật biết Khương Tiêu không phải người tỉnh Hoài Hải mà đến từ Vinh Tương - một tỉnh thuộc vùng trung bộ cách rất xa, nhưng là nơi cụ thể nào thì y không rõ lắm. Y chưa từng nghe đối phương nhắc về địa danh "Hậu Lâm" này.

Khương Tiêu cực hiếm khi về quê. Mối quan hệ giữa anh và họ hàng ở quê thậm chí có thể nói là rất tệ, chỉ về quê một lần nhân dịp kiếm được khoản tiền lớn, dời mộ cha mẹ tới nghĩa trang công cộng tốt nhất ở Liễu Giang để tiện cúng bái. Chẳng qua lúc đó Lận Thành Duật còn bận học, y biết chuyện này, song không hề trải qua, Khương Tiêu cũng không đề cập với y. Anh cực kỳ ghét những ký ức rối ren nhất thời niên thiếu, chỉ thích kể chút chuyện vui cho Lận Thành Duật.

Khỏi cần nghĩ cũng biết, nếu gia đình bình yên thì sao mới mười mấy tuổi đã phải ra đời làm công đây?

Xưa nay Lận Thành Duật chưa một lần nghĩ rằng mình sẽ chết đi sống lại. Theo tuyến thời gian đời trước, bốn năm sau y mới gặp Khương Tiêu, y nào chờ được lâu đến vậy, càng không nỡ để đối phương đào bới kiếm ăn gian khổ tại tầng chót xã hội lúc nhỏ tuổi như vậy.

Nhưng rốt cuộc Khương Tiêu tới Liễu Giang từ bao giờ? Hiện giờ rốt cuộc anh ấy đang ở đâu? Kiếp trước Lận Thành Duật không hiểu biết đủ, y chỉ biết do cha mẹ đều qua đời nên Khương Tiêu chưa học hết cấp ba đã rời ghế nhà trường. Vì vậy lúc mới sống lại, y mới muốn tới tỉnh Vinh Tương tìm thử.

Tuy nhiên công nghệ thông tin thời này không phát triển, muốn tìm người cực kỳ khó. Mặc dù gia đình y có tiền, song lại tập trung làm ăn ở vùng ven biển, nhất thời không thể duỗi tay nghìn dặm tới tỉnh Vinh Tương được.

Y bị ông cụ nhà mình ép ở nước ngoài chờ đến khi cơ thể hoàn hảo. Vất vả lắm mới về được, thấp thỏm không yên, lòng như lửa đốt, kết quả vừa về đã thấy tấm ảnh kia của Lận Dung Giai.

Có lẽ đây chính là duyên phận ông trời ban cho, nếu không sao có thể đúng lúc như vậy. Lận Dung Giai tiện tay chụp cũng ra tấm ảnh này, lúc ảnh bị xóa còn được y phát hiện kịp thời tìm về.

Ông trời đã thấy những hối tiếc muộn màng đớn đau tột độ của y kiếp trước nên mới cho y và Khương Tiêu cơ hội gặp nhau lần nữa.

Khương Tiêu trên ảnh có dáng vẻ Lận Thành Duật chưa từng gặp. Anh ấy mới mười lăm tuổi, còn nhỏ như vậy mà đã phải đeo hai cái túi lớn chừng đó, tóc tai bù xù, đúng lúc quay mặt nhìn vào ống kính. Đôi mắt khẽ mở to tròn xoe, một gương mặt thật sự tạo thiện cảm cho người ta. Bộ quần áo đang mặc có vẻ là đồ cũ đã được giặt sạch rất nhiều lần, như một chú cún rơi vào bụi đất.

Y ngắm Khương Tiêu trên tấm ảnh không biết bao nhiêu lần, vừa quý trọng vừa thương xót, cảm giác mừng vui khôn xiết khi tìm lại được điều đã mất đi khiến Lận Thành Duật sốt ruột không chịu nổi, chỉ muốn mau mau tìm được đối phương.

Khương Tiêu trên ảnh rõ ràng không giống như tới để du lịch, bên cạnh anh ấy còn không có người giống phụ huynh. Anh ấy tới một mình.

Kết hợp thông tin bức ảnh này đem đến với ký ức đời trước, Lận Thành Duật bắt đầu nghi ngờ liệu có phải Khương Tiêu mười lăm tuổi bây giờ cũng đã đến Liễu Giang làm công hay không? Mặc dù anh ấy đang ở độ tuổi vị thành niên, nhưng ở Liễu Giang này có rất nhiều công xưởng nhỏ, trong khâu quản lý có lỗ hổng, để cậu nhóc choai choai tới làm công cũng không hề hiếm lạ.

Thậm chí tin tức về sau gấp rút tra cũng vô cùng phù hợp với phỏng đoán này. Người bán vé trên xe bus cũng có chút ấn tượng với Khương Tiêu khiêng túi lớn túi nhỏ, nhớ rõ lộ trình của Khương Tiêu là từ một khu công nghiệp đến một khu công nghiệp khác.

Theo logic, dù có thể lợi dụng sơ hở đi làm công, trẻ vị thành niên cũng bị hạn chế đôi chút, thường chỉ được làm ngắn hạn, không thể ký hợp đồng dài hạn, do đó phải thường xuyên đổi chỗ làm.

Nhưng thời buổi bây giờ không giống sau này có camera lắp đặt khắp nơi, ngoại trừ manh mối ở xe bus, còn lại đều rất thiếu hụt.

Hai khu công nghiệp có biết bao người chen chúc nhau, ai mà nhớ nổi một người lạ mới gặp thoáng qua. Khương Tiêu đã về Hậu Lâm từ lâu, dẫu Lận Thành Duật lật tung trời nơi này lên cũng không tìm tài nào được người.

Hành vi của y quá khoa trương, ông cụ nhà họ Lận cũng phải tới hỏi.

Từ lần tai nạn giao thông trước, ông cụ luôn cảm thấy đầu óc thằng cháu lớn của mình gặp chút vấn đề. Ngốc thì không ngốc, chỉ là bỗng nhiên thay đổi rất nhiều.

Tuy ông cụ cưng chiều Lận Thành Duật nhưng thực sự cũng đặt kỳ vọng lớn vào y. Bình thường ngoại trừ đi học còn có giáo viên được mời riêng tới dạy y các chương trình học khác. Lớn lên cháu ông sẽ tiếp quản công ty, dĩ nhiên bây giờ phải tốn sức hơn chút.

Lận Thành Duật có đủ năng khiếu thật, song dù sao y cũng mới chỉ mười bốn tuổi mà thôi, không ít lúc không nghe lời. Có điều kể từ khi bị thương trở về, sự bướng bỉnh thường tới bỗng không còn tung tích, học gì cũng nhanh, giáo viên khen y rất nhiều, nói y ngoan ngoãn và thông minh.

Dù vui vì điều này nhưng đôi khi ông cụ Lận cũng cảm thấy hơi là lạ. Thỉnh thoảng ngồi với đứa trẻ kia, bốn mắt chạm nhau, ông lại không khỏi sững sờ.

Ông chỉ cảm thấy ánh mắt Lận Thành Duật đã thay đổi hẳn. Trở nên ngoan ngoãn chẳng qua là biểu hiện bên ngoài, ông thấy được sự lắng đọng quá sâu sắc trong cặp mắt kia, tựa dáng dấp của một người trưởng thành không ai bắt chẹt được.

Nhưng nói thế nào thì... ngoan ngoãn vâng lời phải là chuyện tốt... chứ nhỉ?

Do gần đây y xử sự tốt nên mấy hôm trước tìm cớ thay đổi bác sĩ gia đình cũng rất thuận lợi. Hiện giờ ông cụ cũng kệ cho y tìm người. Ông từng thấy người trên ảnh rồi, đó là một đứa trẻ lớn tầm tuổi Lận Thành Duật.

"Cháu tìm cậu bé đó làm gì?" Ông cụ thuận miệng hỏi: "Các cháu là bạn học cũ sao?"

"... Xem như vậy ạ." Lúc này Lận Thành Duật không thể nói thêm gì với ông nội. Y thở dài một hơi, không ngăn được biểu đạt chút lòng chân thành ở câu sau: "Cháu rất có lỗi với anh ấy, anh ấy đã thua thiệt quá nhiều, cháu không thể nhìn anh ấy chịu khổ thêm nữa."

Ông cụ Lận tự bổ não một lát, nghĩ chắc là hồi nhỏ cháu trai cưng của mình bắt nạt bạn học, bây giờ hối hận, thấy người đó cũng sống không tốt, mình giờ lại dư sức nên đền bù một lượt. Thế thì dễ giải thích.

Nay nhà họ Lận có tiền, cho đi thêm chút lòng tốt chỉ là chuyện rất nhỏ.

Lận Thành Duật không giải thích nhiều, đợi tìm được người rồi nói tiếp. Thế nhưng người được cử ra ngoài tìm lại không tìm thấy người cần tìm, chính bản thân y cũng đã tìm kiếm không biết bao nhiêu lần, cầm bức ảnh kia đi hỏi từng người một, chẳng qua một lần hy vọng lại đổi lấy một lần thất vọng.

Vốn dĩ Khương Tiêu không ở yên tại khu công nghiệp bao lâu. Anh chỉ lên xe xuống xe ở đó thôi, còn lại dành phần lớn thời gian ở chợ buôn sỉ. Lận Thành Duật mò kim dưới đáy bể nhưng mò sai hướng, thành ra bày trận lớn vẫn không thu hoạch được gì cũng là kết quả tất yếu.

Thậm chí có lần Diệp Binh đi vận chuyển hàng còn nghe thấy các công nhân tán gẫu về chuyện này.

"Nhìn vẻ ngoài khoảng mười bốn mười lăm tuổi, vẫn đang tìm."

Các công nhân nói: "Nghe bảo cung cấp manh mối và hỗ trợ tìm còn nhận được mười nghìn tệ, chắc là con cái nhà giàu nào bỏ nhà ra đi."

Diệp Binh không thấy ảnh. Chú rất bận, chỉ nghe người ta nói cho vui chứ chưa từng liên tưởng đến Khương Tiêu.

Khương Tiêu ở Hậu Lâm cũng không hề hay biết về việc này. Với anh, cuộc sống ngoại trừ bán hàng và học tập thì còn những điều bất ngờ khác.

Thi giữa kỳ kết thúc, đợt hàng kia cũng được bán hết. Khương Tiêu định lúc nào đi Liễu Giang chuyến nữa. Bây giờ anh không cần dùng tận bốn ngày, dù sao anh cũng đã ghé hết mấy cửa hàng kia, hiểu biết đại khái tình hình bên đấy, còn lưu số của mấy chủ cửa hàng.

Khương Tiêu không lãng phí thời gian như lần trước, bởi không phải kỳ nghỉ nào cũng dài như kỳ nghỉ Quốc Khánh. Anh phải chuẩn bị đầy đủ mới được. Lần trước anh đã nghĩ đại khái những thứ cần mua trong lần này rồi. Trước khi xuất phát, anh gọi điện cho chủ cửa hàng, dặn bên kia chuẩn bị xong hàng, dĩ nhiên còn để lại chút đường sống, đến tận nơi xem có hàng mới gì không.

Lần này anh và Diệp Binh xuất phát ban ngày, tới nơi vào buổi tối. Xe vận tải dừng ở khu vực chuyên chở hàng hóa của nhà máy. Diệp Binh không phải người sắt, lái xe suốt cả ngày mà không thấy mệt. Đóng hàng xong thì sáng mai chú mới xuất phát, thời gian đêm nay để lại cho Khương Tiêu.

Ánh đèn ở chợ buôn sỉ sáng tới rạng đông, lần này Khương Tiêu đeo hai chiếc túi lớn hơn cả lần trước. Thực ra những thứ anh có thể chọn có hạn và kích thước phải nhỏ, hơn nữa tuy rằng hàng hóa không lưu thông ở Hậu Lâm nhưng mọi thứ đang phổ biến đều có đủ. Phim truyền hình Hồng Trần Thiên Hạ đã phát hết, trên TV đang chiếu một bộ phim tình cảm nam nữ hiện đại, song không nổi như trước.

Khoảng trống nhu cầu vẫn rất lớn, tuy nhiên nhu cầu với mỗi loại hàng cũng có hạn. Thị trường vòng tay cùng kiểu dáng của Khương Tiêu đã gần chạm đáy, ngoại trừ những món lần trước không mua được mà anh đã đặc biệt đề ra, lần này anh không mua thêm quá nhiều sản phẩm cùng loại.

Loại hàng này phải thường xuyên gìn giữ cảm giác mới mẻ mới dễ bán.

Anh nhập nhiều đĩa CD và băng cát sét hơn, với các món đồ nhỏ của con gái, anh cẩn thận chọn lựa, thiên về những món đồ hàng ngày thú vị.

Ở mặt hàng văn phòng phẩm, anh chọn túi đựng bút hình búp bê bằng vải, bút bơ cầu vồng, sổ nhật ký giống sách ma pháp giá cao hơn chút nhưng có khóa*, v.v đây đều là những thứ tạo nhiều cảm giác mới lạ lại dễ bán.



Ở mặt hàng trang sức, anh chọn trâm cài mô phỏng kiểu cổ trang, dây cột tóc ren mang tính trang trí được rất nhiều cô gái nhỏ săn đón, các sản phẩm bên Liễu Giang phong phú và Tây hơn hẳn Hậu Lâm. Tuy nhiên trang sức quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài loại, Khương Tiêu không mua nhiều vòng tay quá lộng lẫy không phổ biến như loại trong phim Hồng Trần Thiên Hạ. Anh cực hiểu, làn gió thịnh hành của sản phẩm này đã qua đi. Vì vậy anh thay đổi ý định, chọn thêm nhiều kiểu dáng hơn.

Khương Tiêu còn thấy một chiếc kẹp tóc hình bươm bướm* trên quầy hàng, chất liệu sắt nhẹ, khi rung rung thì cánh bướm gắn hạt ngọc bên trên cũng rung theo, cảm giác như sắp bay lên.



Đúng là thứ này từng thịnh hành.

Anh vẫn nhớ rõ đời trước cũng vào giai đoạn cấp hai cấp ba này, thứ có hình cỏ bốn lá từng gây sốt một thời gian. Các cô bé thuộc làu làu ý nghĩa của bốn chiếc lá trên cỏ bốn lá, nó cũng thành một nơi ký gửi tình cảm thiếu nam thiếu nữ. Rõ ràng thứ này đã hot ở Liễu Giang, Khương Tiêu nhìn thấy không ít trong chợ, anh lấy mấy loại đẹp.

Ngoại trừ cỏ bốn lá, còn cả vòng tay handmade do các cô bé tự tay bện. Ở Liễu Giang có đủ loại dây bện với đủ loại kiểu dáng, dày, mỏng, màu sắc rực rỡ lấp lánh, lại có tua rua, phong phú hơn Hậu Lâm rất nhiều. Mãi đến khi Khương Tiêu đời trước treo máy, vẫn có không ít cô gái nhỏ bện thứ đồ DIY sáng tạo này, đủ cho thấy tự làm món đồ gì đó quả là một thú vui vô cùng thú vị.

Khương Tiêu mua nguyên liệu bện vòng tay, thêm vào đó là các chuỗi hạt cùng chuông nhỏ với chất liệu nhựa, pha lê, thêm cả thạch anh thiên nhiên, ngọc hồng lựu và pha lê hồng* chiêu vận đào hoa đắt hơn chút, đây lại càng là những thứ thịnh hành suốt mấy chục năm trời. Anh vừa mặc cả vừa dụ ông chủ tặng mình trăm quyển hướng dẫn bện các kiểu vòng tay. Quyển sách kia chỉ có vài tờ mỏng, không đáng tiền. Ông chủ bị anh giày vò cả buổi tối đến hết cách, cuối cùng đành đưa cho anh.



Phần lớn những món anh mua đều không đắt, khách hàng mục tiêu có thể tiêu phí thoải mái.

"Cậu nhóc đẹp trai mặc cả giỏi quá." Ông vừa đóng gói vừa lải nhải với Khương Tiêu: "Không nói nổi cậu, không nói nổi cậu."

Ngoài những thứ này còn có đồng hồ.

Những tài xế chở chuyến hàng lớn như Diệp Binh cũng mang theo ít đồ riêng. Mấy năm gần đây xuất hiện nhiều điện thoại di động hơn, bán đồng hồ cũng có lợi nhuận tương đối cao. Diệp Binh và những người khác đều dùng đồ ít nhất hơn nghìn tệ. Khương Tiêu không mua được những món đắt vậy, nhóm khách hàng của anh rõ ràng cũng không thể chấp nhận sản phẩm đắt đến thế.

Nhưng đồng hồ đúng thực là thứ các học sinh cần hằng ngày và có tính văn vẻ rất cao, Khương Tiêu nhắm chuẩn loại đồng hồ trong mức giá tầm trăm tệ, hơn vài chục tệ với trang trí tinh xảo là chính, nhưng anh chỉ mua ít thôi, thật sự không thể ép giá xuống tiếp được nữa. Tạm nhập bảy, tám chiếc về xem thử tình hình tiêu thụ ra sao đã.

Lần này tới, Khương Tiêu chọn khoảng hai mươi loại sản phẩm lớn nhỏ đủ cả, đĩa CD và thẻ các thứ anh lấy cuối cùng. Trước đó anh đã thương lượng với ông chủ mình cần gì qua điện thoại, đối phương hiểu rõ thứ nào bán chạy gần đây hơn anh, qua xem xét chút, duyệt thì mang về luôn.

Chủ cửa hàng cũng nhiệt tình chân thành, thấy anh nhỏ tuổi mà có năng lực như vậy, vào lần thứ hai anh tới cửa hàng còn cố ý nhắc nhở một câu: "Mua nhiều đĩa CD chút, băng cát sét thì tạm đừng nhập nhiều vậy, chuẩn bị những mặt khác đi."

Khương Tiêu cảm thấy lời nói của đối phương có ẩn ý gì đó, hỏi thêm vài câu, ông chủ chỉ cho anh xem quầy hàng.

Trong bệ kính thủy tinh là những chiếc hộp nhỏ giống nhau được xếp thành từng hàng.

Đó là máy mp3.

"Dạo gần đây rất nhiều người bắt đầu dùng thứ này, hơi đắt chút nhưng tiện mang theo." Ông chủ nói với anh: "Lần sau cậu nhập thử ít hàng này xem sao?"