Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 24



Dịch giả: Thùy Dương

Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa


***

Thơ rằng:

Dũng sĩ chẳng van nài

Hiệp sĩ không bắt bí

Sống chết khinh gian nguy

Bầu bạn trọng nghĩa khí

Ngu Khanh bỏ ấn tướng(1)

Hoạn nạn một lòng theo

Chẳng như đứa khinh bạc

Trở mặt ngay sớm chiều.

1 Ngu Khanh: người thời Chiến quốc, làm tướng nước Triệu. Bạn cũ là Ngụy Tề khốn đốn đến nương nhờ. Ngu Khanh trả ấn tướng cho Triệu, cùng Ngụy Tề đi gặp nhiều trắc trở vẫn không bỏ nhau (Từ Hải).

Bậc hào kiệt trên đời, xem cái chết nhẹ tựa lông chim hồng, mình làm mình chịu, không bao giờ đổ tội cho người khác. Nếu như trời sinh ra có ít nhiều tài năng nhưng tài năng đó chẳng thể vì người khác trong cảnh chín chết một sống, dành cứ lấy cái chết của người, làm cái sống cho mình. Điều đó kẻ hiệp khách anh hùng không thèm làm vậy.

* * *

Lại nói chuyện Thúc Bảo ra khỏi phủ đường, đang xem lại những vết thương đầy trên người mình, thì thấy một cụ già gọi:

- Tần kỳ bài!

Thúc Bảo ngẩng nhìn ngạc nhiên:

- A! Trương xã trưởng!

Xã trưởng nói:

- Tần kỳ bài gặp phải cái họa không trên ngờ, già này vừa mới mở một quán rượu ngay trước mặt phủ đường đây, xin đem ít rượu để kỳ bài quên đi nỗi buồn phiền này.

Xã trưởng họ Trương hàng ngày cũng thường được Thúc Bảo chở che cho điều này việc khác, vì vậy mới có thái độ ân cần như thế.

Thúc Bảo đáp:

- Xã trưởng đã có lòng chăm sóc. Thúc Bảo không dám chối từ.

Xã trưởng đưa Thúc Bảo về quán, dẫn mãi vào phía trong, không còn là nơi của khách khứa nhậu nhẹt hàng ngày mà là phòng riêng của gia đình. Bọn người nhà mang trà ra uống. Bàn ngoài dọn thức nhắm, lại thêm một hồ rượu đã hâm nóng. Xã trưởng rót một chén rượu đưa mời Thúc Bảo. Thúc Bảo đỡ lấy, rơi nước mắt, xã trưởng lựa lời an ủi:

- Tần kỳ bài chẳng nên thương cảm làm gì. Bắt được bọn này, thì lại được khen thưởng ngay thôi mà. Trong khi uống rượu, chẳng nên sụt sùi, dễ bị nhiễm bệnh lắm!

Thúc Bảo đáp:

- Xã trưỡng đã có lòng biết đến, xin thưa thật, Tần Quỳnh này vốn ương ngạnh, đâu có phải vì mấy ngọn roi vừa rồi của Lưu Thứ sử, đau đớn đến không chịu nổi mà khóc than đâu.

Xã trưởng ân cần hỏi:

- Vậy thì vì chuyện gì hở Tần kỳ bài?

Thúc Bảo đáp.

- Năm xưa trong dịp đi công văn ở Hà Đông, có một người bạn rất thân của Tần Quỳnh này là Đơn Hùng Tín, cho mấy trăm lạng bạc trước khi về quê, lại còn ân cần dặn dò, không nên làm cái nghề công sai này nữa, "cầu vinh bất tại chu môn hạ", tìm tiếng danh thì không nên tìm ở cửa nhà quan. Lời dặn đó, Tần Quỳnh này không mấy lúc quên, nhưng chỉ vì nôn nóng muốn thành danh lập nghiệp, nên mới vào trướng Lai Tổng quản, một đao một thương, những mong nên công nghiệp nửa quan nửa quân. Chẳng ngờ bị Lưu Thứ sử xin về đây, để đến nỗi cái thân xác cha mẹ để lại cho này bị nhục hình của quan gia, nay nghĩ thẹn với cố nhân, vì thế mà không ngăn được nước mắt vậy.

Hạt lệ rơi ướt đầm

Cảm thương lòng khôn cầm

Oan khiên thêm nhục nhã

Luống thẹn cùng tri âm.

Cũng là vì Thúc Bảo lúc này chưa biết Hùng Tín từ nghìn dặm xa xôi đã tới Tế Châu để dự lễ mừng thọ Tần mẫu, hiện chỉ cách nhau một đoạn phố ngắn. Thúc Bảo đang cùng với Trương xã trưởng uống rượu, chuyện trò, thấy bên ngoài có tiếng người lộn xộn đi vào, rồi có người cao giọng hỏi:

- Tần Thúc Bảo có ở đây không?

Đầy tớ nhận ra là Phàn Kiến Uy, liền thưa:

- Tần kỳ bài hiện đang ở đây! Thưa đô đầu!

Xã trưởng vội vàng đứng dậy mời:

- Mời đô đầu ngồi uống với chúng tôi vài chén đã!

Thúc Bảo mừng rỡ:

- Hiền đệ tới rất đúng lúc. Hôm nay Trương xã trưởng nặng tình, hiền đệ hãy cùng uống say với tiểu đệ luôn.

Kiến Uy đáp:

- Tần đại huynh, lúc này không phải lúc uống rượu, có việc rất cần!

Thúc Bảo hỏi:

- Có việc gì hiền đệ nói ngay đi xem nào?

Kiến Uy ghé sát tai Thúc Bảo nói nhỏ:

- Mới rồi đây tiểu đệ cùng với bốn người bạn đi uống rượu giải khuây thấy người người đang bàn tán thì thầm khắp nơi, ở chỗ cửa hàng Giả Nhuận Phủ có tới mười lăm người ngựa mới tới, ăn nói, trang phục đều rất khác lạ, có những người rất đáng nghi ngờ, biết đâu có cả Trần Đạt, Ngưu Kim trong số ấy cũng nên.

Thúc Bảo nghe nói thế, vui vẻ hẳn lên:

- Đúng là xã trường không nói đùa với ta rồi nhé. Kiến Uy vừa ở cửa tây về cho biết, ở cửa hàng Giả gia điếm, có mấy người đáng ngờ, có thể có cả hai tay cướp ba nghìn lạng bạc trong số đó chăng, Tần Quỳnh này quả không dám uống nữa!

Xã trưởng nói:

- Rượu của già này quả là rượu có ích, dầu có giúp Tần kỳ bài giải khuây một lúc. Nếu có tin hay, thì xin hai vị đi ngay cho. Bắt được tên cướp, thì già này xin mở tiệc mừng hai vị ngay.

Thúc Bảo cùng Kiến Uy từ giã Trương xã trưởng, ra khỏi quán rượu, đi về cửa tây. Lúc này rất đông người, cổng thành vẫn còn chưa đến giờ kéo lên, những kẻ nhàn rỗi đang dạo khắp hàng, khắp chợ, thỉnh thoảng cũng thấy vài kẻ làm sai dịch trong phủ đường, nhưng không phải ở trong đội của Thúc Bảo, Kiến Uy. Bọn này thấy một toán rất đông kẻ lạ mặt, lạ giọng, lạ ăn mặc, nhiều hành lý kéo đến hàng Giả Nhuận Phủ, nên cũng tò mò kéo đến xem, nay lại thấy Thúc Bảo đi cùng Kiến Uy đến đấy, họ được dịp thì thào, chỉ trỏ:

- Các ngài xem kìa! Cả hai vị này cũng kéo nhau đến đây, nhất định trong đám kia có chuyện gì, không sai đâu các ngài ạ. Ta chờ xem sao!

Có kẻ còn kéo tay Thúc Bảo ân cần:

- Tần kỳ bài này! Nếu trong Giả gia điếm có chuyện gì, xin kỳ bài cứ báo hiệu ra ngoài này, chúng tôi sẽ kéo ngay dân đinh, cùng mọi người giúp Tần kỳ bài một tay nhé!

Thúc Bảo cũng lắc lắc tay cảm tạ:

- Đa tạ chư vị! Xin các vị cứ đứng ngoài này, đừng giải tán vội, có gì xin giúp chúng tôi một tay.

Đi qua cầu treo, vào đến hàng Nhuận Phủ, các cửa đều thấy đóng, cả cửa bên nách cũng vậy, biển hàng chẳng thấy treo. Thúc Bảo đẩy thử, thấy cửa vẫn không khóa gì cả, bèn quay đầu nói nhỏ với Kiến Uy:

- Kiến Uy này, chúng ta không nên vào cả hai người đâu.

Kiến Uy hỏi:

- Sao lại thế?

Thúc Bảo giảng giải:

- Cả hai vào, lỡ có xảy ra chuyện gì, không có ai lo việc cứu ứng. Hiền đệ cứ đứng ngoài, để ta vào trước, nếu có chuyện gì, ta sẽ huýt sáo thật to. Hiền đệ ở bên ngoài, cứ thế gọi người ở ngoài phố, ngoài cầu treo tới, chặn đứng lấy hai đầu phố, thế là các ngõ này bị vây kín, tiếp viện cho hai ta ở trong này đối địch. Phải tính mức như vậy mới xong, bởi bọn này cũng là phường bất kể sống chết, mà một đôi khó địch bốn tay, phải không hiền đệ?

Kiến Uy đáp:

- Tiểu đệ hiểu rồi!

Thúc Bảo đẩy cửa ngoài, rồi đẩy cửa thứ hai, đẩy cửa thứ ba, thấy trong phòng lớn, vừa chật những người bàn ghế, tối không trông thấy rõ ràng gì cả. Đó chẳng là ai khác lạ. Các bạn Thúc Bảo, sau khi xuống ngựa cơm nước xong, ai nấy lại vào bàn làm tiệc rượu tiếp, gần các bàn tiệc là đám đầy tớ mang theo, vòng thứ hai là đám gia nhân của Nhuận Phủ, thêm nữa là bọn tay chân, các nhà xung quanh, thấy lạ chiều tối rỗi việc nên kéo sang ăn uống, xem người ca hát, chuyện trò.

Thúc Bảo rón rén đi vào, vì chỉ sợ sánh động, bọn cướp biết sẽ chạy mất, phần cũng ngại Nhuận Phủ nhận ra mình, sẽ thêm lôi thôi, nên Thúc Bảo phải cúi lom khom, men theo chỗ tường tối mà đi vào rồi lẫn vào đám đông lố nhố để xem xét, thấy ai nấy đều cao lớn, dáng hổ vẻ gấu, mũ cao áo rộng, chỉ có một vài người là ăn mặc dáng vẻ đầy tớ mà thôi. Lại thấy thỉnh thoảng có kẻ hướng về phía bàn trong, vừa nói vừa cúi chào đầy vẻ kính trọng, những người vây kín, nên trông cũng chẳng rõ, tiếng nghe cũng bị lấp bởi đủ các âm thanh ồn ào khác. Mãi đến lúc đèn nến được thắp lên, Thúc Bảo mới nhìn rõ vị khách đứng cạnh ghế cao chính giữa bàn trông hao hao giống Đơn Hùng Tín, nhưng Thúc Bảo lại thầm nghĩ: "Người này quả rất giống Đơn nhị ca, nhưng nếu Đơn nhị ca tới thăm ta, thì nhất định phải tới nhà, sao lại ở đây. Giữa lúc trù trừ, phải xem lại cho kỹ, thì ở dãy bàn bên trong, ai nấy đã yên vị, rồi thấy có tiếng chủ nhân Nhuận Phủ nói rõ ràng:

- Xin mời Đơn viên ngoại ngồi vào ghế giữa cho.

Hùng Tín đáp:

- Xin thất lễ cùng các vị.

Rồi cả tiếng Bá Đương, cũng vì vậy Thúc Bảo mới nhận ra Bá Đương. Lúc này Thúc Bảo lại thầm nghĩ: "Mình thật đến lúc đổ đốn rồi đây! Rõ ràng là mình đã mời Bá Đương đến Tế Châu để dự lễ mừng thọ mẫu thân, thôi mau hãy ra khỏi nơi này ngay, không thì chẳng còn mặt mũi nào nữa?". Liền vội vàng quay ra.

Đến cửa ngoài. Kiến Uy đã gọi khá nhiều người trực sẵn, ai nấy đều xúm lại hỏi:

- Tần kỳ bài, ở trong ấy ra sao?

Thúc Bảo trách Kiến Uy:

- Hiền đệ nhận nhầm rồi. Đây là Đơn nhị ca cùng các bạn bè ở Lộ Châu. Năm trước hiền đệ đã từng gặp họ ở Nhị Hiền trang, rồi lại còn tặng tiền lộ phí cho hiền đệ về Tế Châu. Thế là từ chiều đến giờ bọn tiểu nhân mà nghe được chuyện này, chúng sẽ đồn ầm lên đủ thứ chuyện, thì tính làm sao đây?

Kiến Uy phân bua:

- Thì vào tiểu đệ đã thấy gì đâu, cũng chẳng ai nói là Đơn nhị ca. Cứ nghe nói thế, liền đến gặp đại huynh. Việc đã thế này, ta lại quay vào vậy thôi chứ sao?

Mọi người càng kéo đến đông. Kiến Uy phải chen mãi mới vào được. Thúc Bảo chỉ sợ bạn bè trong nhà Nhuận Phủ biết được thì chẳng hay ho gì, nên đành phải lên tiếng:

- Xin mời chư vị giải tán cho thôi! Không có chuyện gì lạ đâu, cũng chẳng phải người xấu đâu. Đó là một người rất tiếng tăm ở Lộ Châu là Đơn viên ngoại cùng bạn bè, đến thăm để ngày mai làm lễ mừng thọ mẫu thân tiểu nhân này thôi!

Người đông cũng phiền, hết người này hỏi, lại người khác hỏi, mãi không dứt ra được.

Lại nói Hùng Tín ngồi ở vị trí chủ trì tiệc rượu, biết trong số bạn bè, cũng có những người hay gây những việc phiền toái, cần phải lưu ý luôn. Mới thấy có chuyện lạ, Hùng Tín đã hỏi Nhuận Phủ:

- Giả hiền đệ, vừa rồi lúc sắp xếp chỗ ngồi, lố nhố rất nhiều người ngoài thềm. Hùng Tín này thoáng thấy có một gã cao lớn, lẫn núp lom khom sau lưng đám đông, nhìn nhìn ngó ngó chúng ta một hồi rồi chạy ra ngoài, ai nấy cũng mặc cho gã đi mất. Hiền đệ thử chạy ra xem gã là ai?

Nhuận Phủ nhân có lời Hùng Tín, vội chạy ra ngoài cửa xem xét vẫn còn mấy đám đông đang vây lấy Thúc Bảo chưa dứt ra được, Nhuận Phủ vội túm ngay lấy Thúc Bảo.

- Tần đại huynh! Đơn nhị ca vì chuyện sinh nhật của bá mẫu mà nghìn dặm tới đây, hiện đang ở trong chỗ tiểu đệ, sai tiểu đệ tìm đại huynh đến ngay. Tiểu đệ cũng biết hôm nay đại huynh có việc rầy rà ở phủ đường, không dám tới quấy rầy, làm sao mà tới được ngay, thật đang trăm phần bối rối. Chỉ sợ Đơn nhị ca biết, làm thế nào bây giờ?

Thúc Bảo cũng chưa tiện nói ra chuyện Kiến Uy vội vàng báo nhầm, đành phải "tương kế tựu kế" nói tránh:

- Hiền đệ cũng biết rồi. Hôm nay tiểu đệ phải vào phủ đường đổi trát mới, tình cờ biết chuyện Đơn nhị ca đến đây. Nhưng sợ không biết có đúng hay không vội lại xem có đích xác. Nhưng tiểu đệ ăn mặc như thế này không thể nào gặp mọi người được. Ngày trước ở Lộ Châu thì thiếu tiền ăn, tiền trọ đến nỗi phải bán cả ngựa, nay ngay ở nhà mình mà ăn mặc thế này để gặp gỡ bạn bè cũ sao được. Phải chờ tiểu đệ về nhà, thay quần áo mới rồi tới đón các vị khách mới phải.

Nhuận Phủ bàn:

- Về nhà cũng xa, tiểu đệ vừa mới may đến hai bộ quần áo mới, để ngày mai mặc đi mừng thọ bá mẫu cho chững chạc. Dáng người tiểu đệ với đại huynh chẳng khác nhau lắm xin lấy ra đây để đại huynh dùng tạm, khỏi phải về nhà.

Rồi sai tay chân, đi cửa sau, đem bộ quần áo mới ra đưa cho Thúc Bảo. Mãi đến lúc này mọi người vây quanh mới rút hết.

Thúc Bảo cùng Nhuận Phủ mặt mày rạng rỡ vào nhà, Nhuận Phủ long trọng tiến lại trước dãy bàn tiệc, nói líu cả lưỡi:

- Trình Đơn nhị ca cùng chư hữu, tiểu đệ đã mời được Tần đại huynh đến đây rồi!

Mọi người đứng dậy náo nhiệt chào đón, lần lượt bái chào, bạn cũ bạn mới. Trước tiên là bái tạ ơn chu toàn tính mạng năm xưa của Hùng Tín, sau đó "bái bái chi giao", các bạn chưa từng gặp mặt, vì thân nên thân, nào tên nào tuổi, cặn kẽ một lượt. Nhuận Phủ đem bát đũa, chọn chỗ ngồi cho Thúc Bảo. Từ Nghĩa Tang thôn đến đây là mười ba vị, với Nhuận Phủ nữa là mười lăm vị cả thảy, thì đã bày sẵn tám bàn, mỗi bàn hai vị, Hùng Tín một mình ngồi bàn giữa. Nhuận Phủ lên tiếng ướm thử:

- Tần đại huynh cùng ngồi bàn với Đơn nhị ca là hợp hơn cả!

Thúc Bảo từ chối:

- Kẻ quân tử lấy đức mà yêu người, không thể cẩu thả mà bỏ chữ lễ cho được. Đơn nhị ca từ nghìn dặm tới mảnh đất cằn cỗi này, Giả hiền đệ đáng phải lạy thêm một lạy nữa. Còn tiểu đệ này cũng đã là một nửa chủ nhà ở đây, có ra thì chỉ nên trộm ngồi ghế chủ nhà, xin mời một vị nào lên ngồi với Đơn nhị ca là thỏa đáng hơn cả.

Hùng Tín đáp lời:

- Thúc Bảo hiền đệ, vừa rồi chúng tôi xếp chỗ, chỉ tùy tiện mà ngồi, nếu sắp xếp cho có thứ tự trên dưới rõ ràng, thì lại lộn xộn thêm nhiều. Chi bằng tùy ý chủ nhân. Xin mời hiền đệ lại ngồi cùng với Hùng Tín này, để ta cùng nhau kể lể chuyện từ ngày xa cách.

Thúc Bảo thấy cũng không tiện chối từ, lại cũng sợ lòng nhiệt tình của Hùng Tín, nên đành phải ngồi cùng bàn với Hùng Tín, nhưng các vị khách khác, từ nghìn dặm tới đây, cũng muốn có dịp chuyện trò, nên có nhiều người nói với Nhuận Phủ rằng:

- Đem cất bớt những bàn kê trước mặt Đơn nhị ca để bày hoa quả kia, cả những thứ linh tinh khác vây chung quanh nữa. Chúng ta là chỗ bạn bè thân thiết, rồi kê thêm một dãy bàn ngay trước mặt Đơn nhị ca, chúng ta sẽ cùng ngồi đối diện với Đơn nhị ca để dễ dàng chuyện trò.

Thế rồi tất cả bạn bè cùng yên vị, đèn nến sáng trưng, quần hùng tụ hội, tay bắt mặt mừng rất là náo nhiệt, rượu đưa qua lại không ngớt. Rất hợp với bài "Tập Đường thi" (1) sau dây:

1 Xem chú thích hồi thứ mười một, tập II, Nguyên văn dùng từ "Giảm tự Đường thi", cũng là một loại của "Tập Đường thi".

Tiệc mừng tân cựu tri âm

Chén ngồi hổ phách, rượu thơm bồ đào

Tình càng nặng nghĩa càng sâu

Dặm nghìn non nước, quê nào khác quê.

Lúc đầu Nhuận Phủ lấy chén bằng bạc lớn, mỗi bàn đều uống hai chén. Sau đó Thúc Bảo lên tiếng:

- May mắn được chư huynh đến đây với bọn tiểu đệ, nhưng tiểu đệ lại chưa có dịp chính thức khoản đãi, cũng là chuyện "mượn hoa cúng Phật", cũng xin được chuốc mỗi vị một chén.

Rồi đi từng bàn, rót rượu mời mọi người, toàn là bạn bè quen. Đến bàn thứ ba là bàn Vưu Thông cùng Trình Giảo Kim, cả hai Thúc Bảo đều chưa quen nghe tiếng, thấy người, nay lại gặp trong cuộc này. Bá Đương, Tự Xương, Huyền Thúy đều là những bậc hào hoa phong nhã, có phong điệu đại gia, quý tộc; Hùng Tín, anh em Uất Trì, Công cẩn, Hiển Đạo, Đại Nại tuy thực thà, chất phác nhưng còn có dáng vẻ ngang tàng, thanh thoát; Bội Chi, Quốc Tuấn thì lâu nay làm công sai ở phủ đường nên còn biết cách ăn mặc, nói năng, chỉ có mỗi Giảo Kim vẫn mang hoàn toàn vẻ thô lỗ dân dã, lại mới gặp nhau ngay trong cuộc gặp gỡ này, ai có thể ngờ là chỗ đi lại quen biết cũ của Thúc Bảo. Thực ra, ngay từ đầu, Vưu Thông cũng đã thấy Giảo Kim nói tới chuyện quen biết Thúc Bảo từ xưa, nhưng nay thấy Thúc Bảo cũng ra điều lãnh đạm, hỏi dăm ba câu, uống dăm ba chén bình thường, nên mới hỏi lại Giảo Kim xem sao.

- Hiền đệ, hiền đệ cũng đã trưởng thành, sao vẫn nói chưa thật?

Giảo Kim hỏi:

- Tiểu đệ không nói dối bao giờ cả, sao đại huynh hỏi thế?

Vưu Thông vặn:

- Hôm vừa qua, khi nhận được lệnh tiễn của Đơn nhị ca rủ đi mừng thọ Tần mẫu, ta đã nói với hiền đệ: "Hiền đệ không nên đi!".

Hiền đệ cứ một mực rằng: "Tần Thúc Bảo với tiểu đệ vốn là bạn bè thuở tóc trái đào". Nếu quả đúng vậy, Thúc Bảo phải biết hiền đệ cũng có mặt ở đây, nay cùng uống rượu với hiền đệ từ trước, cũng chẳng thấy một lời tỏ ra quen thuộc từ xưa, cũng chẳng mời thêm hiền đệ được một chén rượu gọi là, thì duyên cớ làm sao?

Giảo Kim tức tối đáp:

- Đại huynh không tin, xin để tiểu đệ gọi Thúc Bảo là biết ngay!

Vưu Thông đáp:

- Hiền đệ thử gọi xem!

Giảo Kim lớn tiếng gọi:

- Thái Bình Lang! Đại huynh quên bạn bè thuở nhỏ rồi sao?

Tiếng gọi giữa bàn như một tiếng sấm, ai nấy đều sửng sốt, đếnThúc Bảo cũng chưa hiểu ra có phải là gọi mình hay không, hoang mang đứng dậy hỏi:

- Vị nào quá yêu Tần Quỳnh này, mà biết cả tên thời để chỏm của tiểu đệ thế này?

Bá Đương cùng đám bạn bè quen biết cùng vỗ tay tán thưởng:

- Tần đại huynh thuở nhỏ còn có tên là Thái Bình Lang sao mãi bây giờ mới thấy nói đến!

Nhuận Phủ nghe rõ bèn mách Thúc Bảo:

- Chính là vị bạn thân của Vưu viên ngoại, Trình Tri Tiết gọi ra cái tên thuở tóc trái đào ấy của Tần đại huynh đấy!

Thúc Bảo kinh ngạc, vội chạy lại trước mặt Giảo Kim, cầm tay áo Giảo Kim, mặt sát mặt, hỏi:

- Hiền đệ, xin cho biết quê quán?

Trình Giảo Kim rớt nước mắt, đứng dậy, quỳ xuống đất mà rằng:

- Tiểu đệ là Trình Nhất Lang ở Ban Cưu điếm.

Thúc Bảo nghe thế, lập tức cũng quỳ xuống:

- Thì ra hiền đệ là Trình Nhất Lang sao!

Bạn thuở tóc trái đào

Khói lửa vắng tin nhau

Nâng chén không nhớ mặt

Lẫm liệt đã anh hào.

Thuở nhỏ Thúc Bảo cùng Giảo Kim sáng chiều không lúc nào rời nhau, chẳng khác nào anh em ruột thịt, thế thì tại sao đến nỗi không nhận ra nhau? Cũng vì thuở nhỏ, mặt mũi Giảo Kim không đến nỗi xấu xí như bây giờ, sau này gặp một dị nhân, cho uống một ít thuốc viên, nên mặt trở thành màu xanh, hàm răng mọc chìa ra, tóc thì đỏ, râu thì vàng. Hai người cùng chào bái nhau lần nữa. Thúc Bảo hỏi:

- Thuở bé sống bên nhau, thường ngày vẫn nhớ. Mẫu thân tiểu đệ vẫn thường nhắc tới lệnh đường. Xa đã lâu, không rõ lệnh đường còn khỏe mạnh không, chắc đã già lão lắm rồi.

Các bạn ngồi xung quanh đều vui mừng vì cuộc gặp gỡ không ngờ này. Thúc Bảo đứng dậy, sai đầy tớ bưng cái ghế cao từ chỗ Hùng Tín đến đặt cạnh chỗ ngồi của Giảo Kim để cùng nhau kể chuyện ấu thơ. Lòng vui mừng chẳng kém gì cuộc gặp lại Hùng Tín. Thúc Bảo ngồi vậy nhưng vẫn có điều không thật thoải mái, vừa rồi cùng ngồi với Hùng Tín, dẫu sao vẫn còn cách một cái bàn, còn xa cách ít nhiều, nâng chén hạ bát, cũng còn tùy tiện, giờ thì Vưu Thông ngồi giữa, phía đầu bàn bên phải là Giảo Kim, còn Thúc Bảo ngồi đối diện với Vưu Thông sát ngay cạnh Giảo Kim, Giảo Kim vốn tính nóng, lại chưa hiểu những nghi lễ bình thường trong giao tiếp, rượu rót ra, Giảo Kim thì chỉ cần một lần nâng chén là cạn sạch. Thúc Bảo uống chầm chậm, lại thêm trận đánh ở công đường vừa rồi, da thịt vẫn còn x ót xa, nhức nhối, nên thỉnh thoảng vẫn phải nhăn trán, chau mày. Giảo Kim thấy thế trong lòng không ưng, bèn nói với Thúc Bảo.

- Đại huynh nên lại uống rượu với Đơn nhị ca thì hơn?

Thúc Bảo ngạc nhiên:

- Sao hiền đệ lại nói như vậy?

Giảo Kim đáp:

- Đại huynh không như ngày xưa nữa. Giờ tầm mắt của đại huynh đã xa hơn, cũng ít nhiều khinh bần ái phú. Vừa rồi ngồi với Đơn nhị ca, sao đại huynh uống rượu có vẻ hân hoan thế, nay mới uống với tiểu đệ vài chén, đã chau mày nhăn trán.

Thúc Bảo không thể nói chuyện đau đớn của mình nên chỉ đáp:

- Hiền đệ chẳng nên nhiều lời, tiểu đệ này không phải loại người như vậy đâu.

Nhuận Phủ thanh minh hộ cho Thúc Bảo:

- Trình hiền đệ cũng nên thể tất cho Tần đại huynh, cũng vì bởi mấy hôm nay Tần đại huynh không được khỏe.

Hùng Tín vốn rất thân thiết với Thúc Bảo, liền hỏi ngay Nhuận Phủ:

- Thúc Bảo không được khỏe là làm sao?

Nhuận Phủ đáp:

- Chuyện dài lắm, một lời không hết!

Hùng Tín vẫn hỏi tiếp:

- Đây đều là bạn bè thân thiết cả, dài ngắn gì cũng cứ nên nói.

Nhuận Phủ hỏi bọn tay chân:

- Bọn người đứng phía ngoài kia là ai?

Một người thưa:

- Đều là người nhà các vị quý khách cả!

Nhuận Phủ bèn nói với bọn tay chân của mình:

- Các anh không hiểu gì cả, là chủ nhà mà không biết cách tiếp đón khách khứa. Đi ra mới biết có đáng mặt chủ không. Các anh hãy đem trà rượu ra tiếp các bạn mình cho tử tế đi nào!

Rồi hướng về phía bọn người nhà của khách khứa ôn tồn. Nhuận Phủ nói tiếp:

- Các bạn xin mời vào nhà ngoài, chuẩn bị cơm rượu buổi tối cho vui vẻ, ta đã cử người phục dịch chu tất.

Thế là Nhuận Phủ mời cả bọn ra nhà ngoài, tự mình đóng kỹ các cửa, rồi mới quay trở lại ngồi vào ghế của mình. Mọi người thấy hành động khác thường này của Nhuận Phủ, chưa hiểu rõ thế nào, đều lấy làm ngạc nhiên. Hùng Tín lúc này mới lên tiếng:

- Hiền đệ, chuyện của Thúc Bảo làm sao, xin hiền đệ giải thích ngay cho.

Nhuận Phủ đáp:

- Chuyện này cũng là chuyện ít nghe, ít thấy. Từ ngày vua mới lên ngôi, khởi công thổ mộc, xây điện đắp hồ, các phủ huyện ở Sơn Đông, đều phải góp một suất ba nghìn lạng bạc. Phủ Thanh Châu sai quan áp tải ba nghìn lạng bạc này lên kinh, lúc qua Trường Diệp, bị hai ông bạn lục lâm nào đó lấy hết, lại giết chết quan lẫn lính. Giết người, cướp của cũng là chuyện bình thường, nhưng lạ hơn cả là sau đó hai tay lục lâm này còn xưng cả tên tuổi: một là Trần Đạt, hai là Ngưu Kim. Chuyện xảy ra trên đất Tế Châu, cho nên Thứ sử Thanh Châu mới trình công văn về Đông Kinh. Đông Kinh lệnh cho Tế Châu phải bồi thường số bạc bị cướp, bắt cho kỳ được hai tay lục lâm này. Tần đại huynh đang làm kỳ bài quan ở soái phủ Lai Tổng quản, tương lai thật rực rỡ, thì lại bị điều về đây khoác phải chuyện bắt bọn lục lâm này vào cổ. Kỳ hạn thứ nhất hết. Thúc Bảo còn chưa về, nên chưa bị phạt. Kỳ hạn thứ hai vẫn không tăm hơi nên cũng bị đánh đòn. Đến ngày hai mươi tư tháng chín này là hạn cuối cùng, nếu vẫn tìm không ra manh mối. Lưu Thứ sử định bắt mười người đứng đầu chia mà đền ba nghìn lạng bạc, nếu không đền được, sẽ phải giải đi Đông Kinh, để tổng lý Vũ Văn Khải xét xử. Không biết rồi chuyện sẽ ra sao?

Mọi người nghe xong, đều yên lặng nhìn nhau, lắc đấu lè lưỡi kinh ngạc, sợ hãi. Chuyện không thiết thân thì thôi, thiết thân thì phải lo. Vưu Thông đưa tay luôn dưới gầm bàn, kéo đùi Giảo Kim ra hiệu. Giảo Kim lập tức to tiếng:

- Vưu đại huynh, dù đại huynh có kéo co gì đi nữa thì tiểu đệ vẫn phải nói ra.

Vưu Thông mồ hôi đầy người, mà vẫn không dám nhúc nhích. Thúc Bảo lại hỏi:

- Hiền đệ nói cái gì thế?

Giảo Kim rót một chén rượu lớn rồi đáp:

- Tần đại huynh, xin đại huynh cạn chén rượu này rồi ngày mai, sau khi làm lễ mừng thọ bá mẫu xong, sẽ có ngay Trần Đạt cùng Ngưu Kim để đại huynh dẫn đi lĩnh thưởng.

Thúc Bảo cả mừng, uống một hơi cạn chén rượu lớn, rồi hỏi nữa:

- Hiền đệ, hai người này hiện đang ở đâu?

Giảo Kim đáp:

- Ở đây có chuyện viên quan áp tải bạc nghe nhầm tên tuổi người cướp số bạc, mà chính là Trình Giảo Kim với Vưu Tuấn Đạt, tức là tiểu đệ cùng Vưu đại huynh đây!

Mọi người nghe nói vậy, mặt mày ai nấy đều trắng bệch cả, đứng cả dậy. Nhuận Phủ vội đóng ngay cửa sổ ở hai bên lại, rồi tất cả đều xúm xung quanh bàn của ba người. Hùng Tín lên tiếng trước:

Thúc Bảo hiền đệ, việc này làm sao bây giờ?

Thúc Bảo đáp:

- Nhị ca chẳng cần phải lo sợ, chẳng có chuyện này đâu. Giảo Kim với tiểu đệ chơi với nhau từ nhỏ. Giảo Kim vẫn được mang tên hiệu là Trình phá quấy. Vừa rồi nghe Nhuận Phủ nói thế, thấy tiểu đệ dang có điều lo lắng. Giảo Kim đùa vài câu, mong tiểu đệ quên được chuyện đáng ngại này chăng, để cùng vui vẻ với khách xa. Người có trí phải biết phân biệt chuyện thật với chuyện giả. Làm sao lại có thể tin mấy câu này cho được.

Giảo Kim lúc này như phát cuồng, hét lên như sấm:

- Tần đại huynh, đại huynh quá coi thường tiểu đệ. Đây là chuyện thế nào mà tiểu đệ dám đem ra làm chuyện đùa cho được, nếu như thế thì tiểu đệ không khác gì chó má.

Vừa nói vừa lôi ra một túi lớn, tay kéo miệng túi, tay thò vào trong lấy ra hàng chục đỉnh bạc lớn, đặt lần lượt lên mặt bàn, rồi chỉ vào những thỏi bạc:

- Đây chính là những thỏi bạc của Duyên Châu, tiểu đệ mang theo làm lễ mừng thọ. Tế Châu làm gì có loại bạc này được?

Thúc Bảo thấy sự việc quá rõ ràng, bèn nhặt những thỏi bạc bỏ vào trong túi áo mình, còn mọi người đều ngây mặt đứng nhìn. Chưa ai nói lời nào, duy chỉ Hùng Tín là người trấn tĩnh trước tiên:

- Thúc Bảo hiền đệ? Chuyện này là chuyện sống chết của hiền đệ cùng Vưu viên ngoại với Trình Giảo Kim. Theo Hùng Tín này nghĩ thì có hai điều rất khó xử ở đây.

Thúc Bảo khó khăn lắm mới cất được mấy tiếng:

- Có những chuyện gì không tiện ở đây?

Hùng Tín đáp:

- Năm xưa ở Nhị Hiền trang, Hùng Tín này đã cùng hiền đệ “nhất bái chi giao" thề cùng nhau sống chết. Không phải bỗng chốc mà làm khác đi được. Nay nếu có lời nói với hiền đệ hãy tha cho hai người này, thì nhất định hiền đệ sẽ nghe theo. Người ta sẽ bắt giải hiền đệ về kinh, chẳng chóng thì chày, người ta sẽ kết liễu tính mạng hiền đệ, lời thề đồng sinh tử của chúng ta sẽ ra sao. Nay nếu đem Trình Giảo Kim cùng Vưu viên ngoại để hiền đệ nạp quan mà lấy thường, thì chính Hùng Tín này mời họ tới Tế Châu để dự lễ sinh nhật Tần mẫu, giờ hại đến mạng sống của họ, chúng ta làm thế nào mà yên lòng cho được. Đó chính là hai điều khó xử.

Thúc Bảo đáp:

- Xin nghe theo sự phân xử của Đơn nhị ca?

Hùng Tín cúi đầu nghĩ ngợi một chốc rồi ngẩng lên nói:

- Hiện giờ ta có chỗ chưa làm ngay mọi chuyện được, mà phải xin gia hạn thêm khoảng một hai ngày mới được.

Thúc Bảo hỏi:

- Sao lại phải xin gia hạn một hai ngày làm gì nữa?

Hùng Tín đáp:

- Chúng ta ai mà ngờ được có chuyện tầy trời này, nên chẳng ai tới đây với mục đích giúp một tay để gỡ chuyện này cả. Ngày mai còn tới làm lễ bái thọ Tần mẫu, dâng ít lễ mọn. Rượu thì cũng chẳng nên bày vẽ nữa, với cả những chuyện động trời đang phải lo như vậy, thì cũng chẳng còn lòng nào mà ngồi uống rượu, nên xong việc thì ai về nhà ấy. Hiền đệ chỉ cần đến phủ đường thưa rằng nghe tin có hai người này, rồi lĩnh lính tráng vây Vũ Nam trang. Giảo Kim cùng Vưu Tuấn Đạt cũng chẳng phải trói gà không chặt để đến nỗi bó tay chịu trói, có thể đấu nhau một vài hiệp giả vờ, thắng bại thế nào thì ta thử lượng trước xem. Hùng Tín này nghĩ bước đầu như vậy. Theo ý Thúc Bảo hiền đệ, thì như thế có được không?

Ông chài ngoài cuộc khoanh tay

Mặc cho hai phía cò trai tranh hùng.

Thúc Bảo đáp:

- Nhị ca tự cho rằng mình là hào kiệt, mà nghĩ rằng trong thiên hạ không còn ai đáng mặt anh hào nữa hay sao?

Hùng Tín hỏi:

- Tại sao hiền đệ lại mắng Hùng Tín này thậm tệ đến vậy.

Thúc Bảo trả lời:

- Tiểu đệ sao lại dám vô lễ thế cho được. Năm xưa điên đảo ở Lộ Châu, cảm ơn cứu sống của Nhị ca bao lần, những mong muốn báo đền mà vẫn không xong. Chẳng cần phải nói chuyện tới Trình Giảo Kim cùng Vưu Tuấn Đạt là do chỗ bạn thân tình, mà Nhị ca mời đến đây để mừng lễ sinh nhật của mẫu thân tiểu đệ này, mà dù họ có tự đến đi chăng nữa, thì Giảo Kim với tiểu đệ cũng là chỗ bạn bè từ thuở còn để tóc trái đào, vừa nghe tới chuyện này, đã khẳng khái đứng ra nhận tội, tiểu đệ làm sao lại có thể đang tâm bắt họ. Tưởng cũng phải nói ra ngay điều này, không thì trong lòng bạn bè chúng ta, sẽ có người lo nghĩ gì chăng, mà chưa tiện nói ra. Nay xin nói thẳng như vậy để mọi người cùng nghe mà yên lòng. Nhưng nói bằng lời sợ quý vị chưa tin, nay có vật này không cần phải nói, xin đưa ra đây để các vị xem qua mà hoàn toàn yên tâm cho.

Hùng Tín đáp:

- Xin hiền đệ cho xem!

Thúc Bảo lấy túi đựng công văn, lôi qua trát vừa đổi ở phủ đường, đưa cho Hùng Tín. Hùng Tín cùng mọi người xúm lại xem, trên trát ghi rõ họ tên của hai người. Trần Đạt, Ngưu Kim. Giảo Kim lên tiếng.

- Vừa rồi tiểu đệ cũng nói là có hai người mà. Xin được dự lễ mừng thọ xong, sẽ cùng đại huynh Thúc Bảo tới gặp Lưu Thứ sử là tốt hơn cả.

Hùng Tín đưa tờ trát trả lại Thúc Bảo. Thúc Bảo cầm lấy, chỉ nghe xoạc một tiếng, tờ trát đã rách nát. Huyền Thúy cùng Tự Xương vội chồm lại giằng lấy, thì Thúc Bảo đã kịp đưa ngọn nến đốt cháy mất rồi!

Chính là:

Kể từ ngọn nến thiêu tờ trát

Khẳng khái gần xa nức tiếng khen.

Cuối cùng sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.