Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 7



Dịch giả: Thùy Dương

Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa


***

Thơ rằng:

Lưu lạc đừng than thở

Tài cao vận hội mở

Loan phượng đậu đài cao

Khổng tước trên tranh vẽ

Ngọc lành nên duyên đẹp

Đàn lạ thành khúc hay

Sống mái rồi gặp gỡ

Rồng mây sẵn có ngày.

Thế gian hợp tan vốn ở duyên may phận rủi, cố mưu đồ thì thất bại, chẳng để tâm thì lại nên duyên phận. Đường Công vốn là bề tôi giỏi của nhà Tùy, Đậu phu nhân cũng dòng dõi nhà Chu. Khi vua Tùy cướp ngôi nhà Chu, phu nhân mới bảy tuổi, mà đã nhiều phen vật vã trên giường than thở: "Thân này sinh ra sao không phải là nam nhi, để cứu nạn cho cậu, dựng lại nhà Chu!". Một cặp vợ chồng như thế, nhất định con cái sẽ hơn người.

Lý tiểu thư, con gái đầu của Đường Công và Đậu phu nhân, năm nay tuổi vừa mười sáu, rất giống Tôn phu nhân của Lưu Huyền Đức, em gái Tôn Quyền thời Tam Quốc, chẳng ham thêu thùa kim chỉ, riêng thích giương cung múa kiếm. Vợ chồng Đường Công thấy tính tình con gái khác thường như thế, nên cũng lưu tâm tìm một chàng rể giỏi giang. Kẻ dạm hỏi không thiếu, Đường Công đều chê là phường tục tử, chưa thấy đám nào vừa ý. Chuyện gia thất của Lý tiểu thư vì vậy vẫn còn canh cánh bên lòng.

Giai nhân theo việc anh hùng

Tuổi vừa đôi tám, bạn cùng cung thương

Phượng loan chẳng chịu thói thường

Lẽ nào đứng sánh với phường quạ đen.

Hàng tháng nay, Đường Công cả ngày ngồi nhàn ở chùa Vĩnh Phúc, cho nên dẫu có lo toan chuyện gì, cũng là chưa phải lúc hành sự. Bạn bè không ai, thỉnh thoảng lọt bên tai vài lời qua lại thì thầm của người nhà chùa, của bọn gia đinh. Đường đường là một bậc đại nhân, nhất cử nhất động đều có người phục dịch, hầu hạ tận nơi, sư trụ trì Ngũ Không, ngày ít nhất cũng một lần tới thăm hỏi, hầu chuyện. Khoảng vài ngày một lần, nhà chùa lại đèn hương, trống mõ rộn rã, Đường Công thong thả dạo quanh, xem cảnh tăng ni đi lại, công việc; quan sát phép tắc nhà chùa, nghe cầu kinh, xem sách Phật. Thấp thoáng từ xa, Đường Công vẫn nhận ra những ánh mắt tò mò, chăm chú của các nhà sư trẻ, của các chú tiểu. Dạo chán, Đường Công lại tìm đến sư trụ trì nói chuyện. Đường Công đi trước Ngũ Không theo bên, trên những lối vườn rải đá, che kín bóng cây để đến dãy nhà phía đông cửa tam quan. Đường Công nói:

- Thưa trưởng lão, chỗ này nhà cửa quanh co sân vườn yên tĩnh, sạch sẽ, thật không nhiễm chút bụi trần.

Sư trụ trì thưa:

- Đây là trai phòng của bần tăng. Xin mời đại nhân vào dùng trà.

Đường Công thấy Ngũ Không ân cần liền bước vào phòng rộng, không một chút bụi bám, vài cửa sổ nửa khép nửa mở. Trà nước xong, Ngũ Không đứng dậy, mở rộng cửa sổ khiến Đường Công nhìn rõ bảo tháp ngoài vườn, vàng son rực rỡ chói mắt, nổi giữa vườn cây xanh, lấp loáng nắng trời, thật là những cảnh đẹp hiếm có. Nhìn lên bình phong trước tháp, thấy đề một câu dối.

Tháp quý chọc trời, đưa mắt giang sơn, một vùng thanh tĩnh

Đèn vàng thay nguyệt, mười phương thế giới, đâu cảnh sáng trong.

Dòng lạc khoản ghi rõ: "Sài Thiệu Huân, người Phần Hà, trai giới kính đề".

Đường Công thấy lời lẽ hiên ngang, chữ viết thoáng đạt, gật gù khen, rồi hỏi sư trụ trì:

- Thưa trưởng lão, Sài Thiệu Huân là ai thế?

Ngũ Không thưa:

- Công tử họ Sài này, vốn người Phấn Hà, con trai Lễ bộ thượng thư triều trước, lâu nay ở trong chùa đọc sách, thấy quang cảnh góc này, lấy làm ưng ý, tự tay viết tặng bần tăng. Từ lúc viết đến giờ, quan viên qua lại, nhiễu người khen lắm.

Đường Công gật gù, đứng dậy:

- Ta xin cáo từ. Trưởng lão cứ tự nhiên.

Về đến phòng mình, trăng vừa nhô khỏi núi xa, lặng lẽ soi qua thảm lá. Đường Công vì ngổn ngang tâm sự, công việc trong triều ngoài trấn, muôn chuyện phải theo dõi, toan tính, hành động, nay bất ngờ phải ngồi chờ ở giữa cánh rừng xa vắng, nên giấc ngủ càng khó đến. Đường Công lại trở dậy, tìm đến phòng Ngũ Không, gõ cửa:

- Trưởng lão đã đi nằm chưa?

Ngũ Không vội thưa:

- Đại nhân còn chưa yên chỗ, bần tăng đâu đã dám yên thân.

Cửa mở, Đường Công vào phòng, tiếp:

- Trăng sáng, cảnh đẹp, ta cũng đừng nên phụ đất trời.

Ngũ Không bàn:

- Bổn chùa có nơi sườn núi dốc vừa phải, ngắm trăng rất hợp, xin mời đại nhân ra xem.

Đường Công tán đồng:

- Thế thì tốt lắm!

Ngũ Không gọi chú tiểu cầm đèn đi trước.

Đường Công gàn:

- Trăng sáng thế này, cần gì đèn đèn.

Ngũ Không thưa:

- Chỉ sợ lối trúc quanh co, đại nhân lại chưa quen đường.

Đường Công đáp:

- Bọn ta đã từng dọc ngang chinh chiến. Đêm tối, mưa gió đi lần giữa rừng núi là thường. Đây chỉ là lối hoa ngõ trúc, chỉ cần trưởng lão dẫn đường, cũng chẳng cần kẻ hầu hạ theo sau làm gì.

Ngũ Không đi trước, Đường Công theo sau, men theo đường trúc quanh co, ra khỏi một cổng nhỏ phía nách chùa thì tới sườn núi. Vầng trăng hiện rõ giữa không trung, không cây che, chẳng mây khuất. Bên dưới đồi núi, nhà cửa nhấp nhô, núi cao thấp thoáng, rừng cây miên man, người không cảnh vắng, tiếng chó sủa từ thôn xa vẳng lại, như điểm thêm sự thanh vắng của cảnh đất trời. Đường Công nhìn ngắm một hồi, đang định quay về thì bỗng thấy trong đám trúc phía tay phải, ánh đèn le lói, nghe như có tiếng đọc kinh, bèn hỏi:

- Trường lão quá giờ đọc kinh buổi tối chăng?

Ngũ Không thưa:

- Vì sợ phu nhân mệt, cần yên tĩnh, việc đọc kinh, giảng đạo buổi tối, bần tăng cho tạm nghỉ đã mấy tuần nay.

Đường Công gật đầu, nhưng đến dãy nhà phía tay phải lại hỏi:

- Tiếng gì như tiếng đọc kinh vậy?

Ngũ Không đáp:

- Nhà này là nơi Sài công tử đọc sách. Câu đối buổi ngày đại nhân xem, chính là công tứ đề đấy, thưa đại nhân!

Nghe giọng đọc trong trẻo, Đường Công dắt tay Ngũ Không, nhẹ nhàng bước tới thư phòng, nhìn qua cửa sổ thấy một thanh niên, mặt mũi khôi ngô da trắng như thoa phấn, môi đỏ như bôi son. Kiếm quý đặt ngang bàn, thánh thót đọc một chương nào đấy của sách binh thư Ngô Khởi, hoặc Tôn Vũ mà Đường Công cũng chưa kịp nhận ra. Đọc xong, thanh niên lại lấy kiếm múa vài đường, xem như xung quanh không có ai. Đặt kiếm xuống bàn, thanh niên cao giọng gọi:

- Sài Báo đâu rồi! Đem trà ra cho ta!

Rồi cất giọng sang sảng ngâm:

Anh hùng đầy uất khí

Cô độc biết hỏi ai?

Cánh bèo là tri kỷ

Vỗ gươm than ngắn dài.

Đường Công nghe xong, lặng lẽ trở ra, lòng mừng thầm nghĩ: “Thời bình chuộng văn, thời loạn chuộng võ, giờ mà ngồi đọc "Tử viết,Thi vân"* thì phỏng ích gì. Phải là tài kiêm văn võ, lên ngựa đuổi giặc xuống ngựa thảo hịch, mới xứng với con gái ta. Có việc cần kíp, chàng rể loại này còn có thể giúp một tay!”.

*"Tử viết, Thi vân": Khổng Tử nói rằng, kinh thi có câu... cách học thưởng xuyên của nhà nho.

Gần đến phòng mình, Đường Công nói với Ngũ Không:

- Ta xem Sài công tử, tài mạo khác thường, mai kia hẳn làm nên. Ta có một con gái, tuổi vừa cập kê, đoan trang thùy mị, chưa kiếm được rể hiền, phiền trưởng lão làm mai mối, đem việc tốt đến cho cả hai họ.

Ngũ Không nghiêng mình thưa:

- Đại nhân đã dạy, bần tăng này xin "cầm búa chặt cây”*. sáng mai sẽ xin đưa Sài Công tữ tới gặp mặt, để đại nhân xem công tử ăn nói ra sau.

* Kinh Thi có câu: "Phạt kha như hà, phi phủ phất khắc. Thủ thê như hà, phỉ môi bất đắc”. Chặt cây thế nào, không búa không xong. Lấy vợ thế nào, không mối chẳng xong. Vì thế người ta gọi việc làm mối là "chấp kha phạt mộc", cầm búa chặt cây!

Đường Công đáp:

- Thế thì tốt lắm. Xin đa tạ trưởng lão!

Đường Công về đến phòng, sư cụ cũng lui gót.

Hôm sau, trời vừa rạng sáng, sư cụ Ngũ Không vì đang có việc phải lo, đã vội trở dậy, rửa mặt thay áo, đến phòng Sài Tự Xương.

Công tử hỏi:

- Đã mấy ngày nay không được gặp trưởng lão.

Sư cụ đáp:

- Bần tăng mấy hôm nay phải bồi tiếp Đường Công, nên thất lễ với công tử.

Sài Công tử hỏi:

- Thưa trưởng lão, Đường Công đến đây có việc gì?

Sư cụ đáp:

- Đại nhân có thánh chỉ hồi hương, ngày mười lăm vừa rồi đến chùa, vừa dịp phu nhân khai hoa, vì vậy phải ở lại, chờ phu nhân khỏe mạnh, lại mới đi tiếp về Thái Nguyên được.

Công tử tiếp:

- Tôi nghe Đường Công có tiếng hiền đức, sự thực thế nào, thưa trưởng lão?

Sư cụ đáp:

- Bần tăng đã thấy nghìn thấy vạn, nhưng chưa thấy người nào đức hạnh hơn đại nhân. Bởi phu nhân khai hoa ở chùa, e sự sinh nở ô uế đất Phật chăng, đại nhân liền đưa ngay mười lạng bạc, sai sắm hương đèn thắp khắp các điện; lại nguyện cúng một vạn lạng bạc xây lại nhà chùa, mở mang cảnh Phật. Trưa hôm qua đại nhân tới phòng bần tăng uống trà, trông thấy câu đối của công tử, khen ngợi không ngớt. Tối đến lại cùng bần tăng ngắm trăng, thấy công tử đọc sách, đại nhân đứng ngoài cửa sổ nhìn vào xem xét mãi.

Công tử nói:

- Lúc ấy đồ đệ này đang làm gì?

Sư cụ đáp:

- Công tử xem sách xong, cầm lấy kiếm múa mấy đường.

Công tử tiếp:

- Lúc ấy mới canh một, phải không trưởng lão?

Sư cụ đáp:

- Bấy giờ đã nghe trống canh lần thứ nhất rồi.

Công tử lại hỏi:

- Đường Công nói những gì, xin trưởng lão cho nghe lại.

sư cụ đáp:

- Bần tăng đặc biệt đến báo tin mừng.

Công tử vội hỏi:

- Tin mừng gì thế?

Sư cụ đáp:

- Đại nhân có một quận chúa, nghe nói tuổi độ mười sáu, đoan trang ít nói, chưa kén được rể hiền, nhờ bần tăng "chấp kha phạt mộc" đem sự lành đến cho cả hai họ Sài, họ Lý.

Công tử cười thưa:

- Hôn nhân là chuyện lớn, không thể coi nhẹ. Nhưng từ lâu tôi đã ngưỡng mộ danh tiếng của Lý tướng quân, nếu được làm tôi con dưới trướng, để được thường ngày gần gũi học hỏi, thật là chuyện may mắn cho kẻ hậu sinh này.

Sư cụ tiếp:

- Giờ đại nhân muốn gặp công tử ngay, vậy mời công tử lên Phật điện, ý công tử thế nào?

Công tử đáp:

- Đại nhân là bậc trưởng quan, sao lại có thể đến đường đột được. Xin cho đến ngày mai, sửa soạn lễ nghi cẩn thận, mới dám tới bái kiến đại nhân được.

Sư cụ khuyên:

- Đại nhân ái mộ công tử, không chấp nệ lễ tiết, bần tăng xin đi cùng công tử.

Công tử nhận lời:

- Nếu đã như thế, đồ đệ xin mời trưởng lão cùng đến.

Công tử mặc áo lễ, sư cụ dẫn lên Phật điện bái kiến. Đường Công thấy công tử quả thật là:

Mày như trăng khuyết, một tựa sao đêm

Mũi tạc thợ trời, răng như ngọc dát

Dáng thần lanh lẹ, ngoài trắng cốt trong

Khí phách hiên ngang, rồng bay hổ nhảy

Kiếm ẩn cung tàng, ra hình khanh tướng, chửa đến thời

Giỏi văn tài võ, thật kẻ anh tài, chưa gặp hội.

Đường Công lấy lễ chủ khách ra tiếp. Sài Tự Xương hai ba lần khiêm nhường, xin lấy lễ thấy trò ra đãi. Đường Công hỏi chuyện gia thế, đủ vẻ gần xa. Tự Xương thưa gửi đâu ra đấy, tiếng như ngọc rót.

Đường Công thấy thế bằng lòng lắm, giữ lại uống trà xong mới cho về, còn mình thì tìm đến phương trượng nói chuyện cho phu nhân hay. Phu nhân bàn:

- Việc này tôi với phu quân đều bằng lòng rồi. Nhưng hôn nhân là việc lớn trăm năm, cũng phải nói lại cho con xem nó có bằng lòng.

Đường Công đáp:

- Hôn nhân là bởi ở cha mẹ, con cái trong nhà, sao có thể tự quyết.

Phu nhân cãi:

- Phu quân lầm rồi. Hiểu con gái không ai bằng mẹ, hiểu con trai chẳng ai bằng cha. Con gái tôi, tôi biết lắm, nó không phải là đứa tầm thường. Tôi xem xét hàng ngày, mỗi việc nó đều có ý riêng đúng đắn, khác hẳn mọi người. Hãy chờ tôi nói chuyện với nó, xem ý nó thế nào, nếu nó yên lặng thì phu quân cứ việc mình mà làm, nếu nó tỏ ý không bằng lòng, thì đành phải chờ ít lâu nữa. Xem ra cậu này, chưa chắc đã có ai gọi đến làm rể đâu, cho nên nếu chưa xong được ngay thì hãy cứ về Thái Nguyên rồi lo liệu sau cũng chưa muộn gì.

Đường Công bằng lòng.

Nói xong, Đường Công đi khỏi phương trượng, phu nhân cũng ra phòng ngoài, tiểu thư đón vào. Phu nhân đem chuyện Đường Công kén Sài Tự Xương làm rể kể tỉ mỉ. Tiểu thư ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nghiêm trang thưa:

- Có cha mẹ ở trên, nói đến chuyện này, làm con gái trong nhà vốn không nên nhiều lời, nhưng là việc hôn phối trăm năm, vinh nhục đều từ đó, nếu quá vội vàng, sau hối không lại. Cứ như mẹ nói, diện mạo thế là được rồi, tài năng thế cũng xong. Nhưng thời thế bây giờ chỉ trông vào diện mạo là không đủ để đánh cướp dẹp loạn. Nếu gặp nạn binh đao, cái lũ người nhai văn nhá chữ chỉ có việc ngồi chờ chết, chẳng dùng được việc gì.

Phu nhân cướp lời:

- Chính như cha con đã nói. Cậu ấy múa kiếm giỏi lắm, nhìn dưới đèn, chẳng khác gì hoa tuyết phơi phới, nhất định cũng có ít nhiều bản lĩnh.

Tiểu thư thấy mẹ nói thế, khẽ cười thưa:

- Nếu quả như thế, xin hãy cho con nghĩ lại xem sao, đừng trả lời họ vội, đợi khoảng hai ngày nữa, con xin quyết ý có được không?

Phu nhân thấy con nói thế, ra tìm kể lại với Đường Công.

Tiểu thư nghe mẹ nói xong, băn khoăn trăm đường. Cũng muốn đi nhìn trộm Tự Xương xem mày mặt thế nào, nhưng lại thấy không phải phép, đúng lễ nên không dám, phần vẫn băn khoăn lỡ làng chuyện cả đời, nên phân vân không định được điều gì. Bỗng thấy Hứa Thị, vú nuôi bước vào, đến trước tiểu thư hỏi:

- Vừa rồi phu nhân nói thế, ý tiểu thư liệu đường nào?

Tiểu thư đáp:

- Ta cũng đang nghĩ nên thế nào cho phải.

Hứa Thị thưa:

- Chuyện này thì có khó gì. Chỉ yên lặng làm thế này, tiểu thư cứ gọi cậu ta đến thử thách một hồi, hay dở tất biết.

Tiểu thư gật đầu khen hay. Chính là:

Bạch lạp sáng bừng soi yến tước

Ngọc tiêu vang điệu họa uyên ương.

***

Lại nói Sài công tử từ hôm gặp Đường Công, thấy Đường Công đối xử với mình rất tử tế, vừa khiêm tốn, vừa chân tình nên trong lòng rất vui, chuyện nhân duyên, bởi chưa thấy tiểu thư lại chả biết việc sẽ đến đâu, tự mình không thể quyết đoán, nên lại càng thắc thỏm. Lúc ấy đang ngồi xem sách dưới đèn, công tử bỗng nghe thấy bên ngoài có tiếng ho khẽ, rồi mở cửa ra, ngẩng đầu nhìn lên thì thấy một phụ nữ mắt to, lông mày rậm, người cao, chân to, tuổi chưa nhiều. Công tử đứng dậy hỏi:

- Bác là ai. Đến đây có việc gì?

Người này đáp:

- Ta là bảo mẫu của tiểu thư ở Lý phủ. Nhân phu nhân có chuyện định kén công tử làm khách đông sàng vỗ bụng*. Tiểu thư ta vốn tài sắc song toàn, chỉ thích đọc binh pháp Tôn Ngô, lục thao tam lược không gì không hiểu thấu đáo sâu xa. Thế chỉ sánh với người giỏi võ tài văn, túc trí đa mưu. Vừa rồi nghe đại nhân rất khen văn tài diện mạo công tử, lại nói công tử giỏi múa kiếm. Cứ thế mà suy, đại nhân ta rất bằng lòng. Nếu quả thực công tử thực lòng ước nguyện nhân duyên với tiểu thư, không hề thay trước đổi sau, thì xin hãy đi theo hành lang phía tây, ra sau Quan Âm các, bên vườn rau, xem tiểu thư bày thế trận, công tử mà hiểu được thì Tần Tấn mới đẹp duyên.

*Khước Giám đến nhà họ Vương kén rể, con trai họ Vương ai cũng ra vẻ tốt đẹp riêng Vương Hy Chi vẫn vỗ bụng nằm trên giường phía đông ăn bánh. Khước Giám thấy thế cười lớn: "Người ấy mới là rể quý của ta". Rồi gả con gái cho. Về sau Vương trở thành danh sĩ nổi tiếng đời Trần, văn hay, chữ cực tốt

Công tử nghe xong, khẳng khái đáp:

- Nếu vậy, lúc nào hết canh một, bác đến đón, dẫn ta đi xem thế trận có được không?

Hứa Thị bằng lòng, quay trở ra.

Họ Sài ăn tối xong, nghe ở ngoài, lính tuần điểm canh lần thứ nhất, ánh trăng như sáng hơn mọi ngày. Đọc được mấy hàng binh thư, lại ra sân nhìn trăng, bất giác trống canh đã điểm lần hai, công tử thầm nghĩ lời nói bảo mẫu chưa chắc đã đáng tin, đang định quay trở vào lên giường, bỗng có tiếng ho khẽ, rồi thấy bảo mẫu đứng từ đằng xa, vẫy tay làm hiệu. Công tử gọi Sài Báo, mở hòm lấy ra chiếc áo chẽn thêu rồng năm màu, lại lấy thắt lưng lụa quấn chặt, đeo bảo kiếm, rồi bảo Sài Báo khóa cửa phòng, cả hai cùng đi theo bảo mẫu ra phía vườn rau. Vốn ở sau Quan âm các, có một vùng đất hoang rộng, xa tít đầu kia là ngọn núi đất, men theo sau Quan Âm các là một dãy tường thấp, bên nách có một cửa ra vào nhỏ. Công tử trông một hồi, đang định đi qua cửa, thì Hứa Thị ngăn lại:

- Tiểu thư ta dặn, hai bụi trúc này coi như cửa viên môn, công tử hãy đứng chờ đó, đợi bày xong trận thế hãy ra xem.

Công tử nghe theo, rĩ tai Sài Báo mấy câu. Chỉ thấy một cô gái tiến lại, tóc đen búi cao, mặc áo thêu ngắn, gài thoa vàng, những chuỗi ngọc rũ che kín mặt, ống tay áo bó sát, cầm một lá cờ nhỏ, dừng lại trên một gò đất. Công tử hỏi:

- Đấy có phải là tiểu thư không?

Hứa Thị đáp:

- Tiểu thư có phải dễ thấy thế đâu. Đó chỉ là giáo nữ chuyên bên cạnh phục dịch tiểu thư, được phái đến để bày trận thế.

Lời chưa dứt, chỉ thấy giáo nữ vẫy cờ lệnh, đội nữ binh xuất hiện, một người y phục màu đỏ, đi với người y phục màu trắng, một người y phục màu xanh, đi với người y phục màu vàng, đều chít khăn, áo gọn gàng, tay cầm giáo dài sáng loáng, tất cả có một trăm hai mươi người. Đội bên hữu kéo đi, đội bên tả quay lại, bày thành hình chữ nhất, Hứa Thị hỏi:

- Công tử có biết thế trận này không?

Công tử đáp:

- Đây là “Trường Xà trận”, chẳng lấy gì làm lạ.

Lại thấy nữ giáo phất cờ hiệu, đám nữ binh quay thành bốn vòng, phân làm năm nhóm, mỗi nhóm thêm bốn người, vác giáo đứng kề phía sau. Công tử đứng nhìn kỹ, chỉ thấy:

Một điểm đỏ, một điểm trắng

Chẳng khác gì tuyết trắng hoa hồng phơi phới

Một vòng xanh, một vòng vàng

Chẳng khác oanh vàng thúy biếc chập chờn

Đừng lầm Tôn Võ Tử dạy nữ binh

Những tưởng Cố phu nhân dàn trận thế.

Thấy đội nữ binh hình chữ nhất yên vị, Hứa Thị hỏi. Công tử cười trả lời:

- Giờ là "Ngũ hoa trận".

Hứa Thị lại hỏi:

- Công tử biết thế, có dám vào phá trận không, vào được, ra được mới biết bản lĩnh công tử.

Công tử đáp:

- Cái ấy thì có khó gì. Hãy xem đây!

Công tử liền nịt chặt áo, tuốt bảo kiếm giơ cao bước tới. Hai hàng nữ binh thấy thế, giáo dài múa tít, ánh thép loang loáng đâm tới, công tử vội múa kiếm đỡ. Năm đội nữ binh, thấy công tử xông về phía đông, họ lại kéo tới ngăn lại, không được, công tử lại quay sang phía tây, họ đã xông về phía tây trước ngăn lối. Công tử trù trừ nghĩ cách thoát khỏi cảnh tuyệt lộ, làm sao đánh lui được 120 nữ binh này, đem kiếm quý ra đương, nhưng sợ tổn thương thiện ý đối phương.

Thêm hai đội vây đến, hai nữ binh đi đầu, cầm dây lụa đỏ dài, chờ lúc công tử quay sang phía sau, tung dây lụa ra, nhằm thẳng đầu rơi xuống. Trước nguy cơ bị giải lụa cuốn chặt, công tử chỉ còn cách vung kiếm múa tít đỡ nhưng vẫn không tài nào thoát khỏi trùng vi. Công tử nhìn ra xung quanh, thấy từ cửa sổ đằng xa, treo hai cây đèn lồng màu hồng rực rỡ, ở giữa ẩn hiện một khuôn mặt tựa phật Quan âm tạc bằng ngọc trắng, chỉ thấy nửa phần trên của thân hình.

Bấy giờ nữ giáo vẫn đứng ở gò đất ban đầu, vội vã phất cờ lệnh về phía sau, từ phía đó liền xuất hiện bốn năm mươi nữ binh mặc toàn áo trắng, vác giáo dài, ùn ùn kéo ra. "Ngũ hoa trận" bỗng biến thành "Lục hoa trận". Công tử lại múa tít bảo kiếm, che chở toàn thân, vừa lui về phía viên môn để mong thoát khỏi vòng vây. Sáu đội nữ binh, nhất tề như bay tới, bốn năm giải lụa tung ra, khiến cho tầng không nhằng nhịt muôn màu. Tình thế thật nguy nan, công tử vội quát lớn:

- Sài Báo đâu rồi!

Sài Báo nghe gọi, rút ngay trong ống tay áo một chiếc pháo hoa, đánh lửa châm ngòi, rồi nhằm đám nữ binh mà ném tới. Bọn nữ binh nghe trên đầu mình một tiếng nổ lớn, lửa khói mịt mù, thuốc pháo nồng nặc. Sài công tử đang chăm chú nhìn, chỉ thấy tiếng gió rít, quay lại, một mũi tên bay tới, cắm nhẹ lên vành khăn. Công tử giơ tay rút nhẹ, thì ra "Hoa lệnh tiễn, không bịt nhọn, lại có buộc một quả cầu ngũ sắc xinh xắn. Nhìn về phía chùa, thì giai nhân đã biến mất, hai cánh cửa sổ đã đóng chặt. Quay lại đám nữ binh, thì họ cũng đã rút từ lúc nào, hương thừa quanh quất. Lắng nghe ra, trống canh tư đã điểm. Chủ tớ cả hai, vội quay về thư phòng, lăn ra ngủ kỹ.

Mặt trời đã lên cao, Sài công tử vẫn còn đang đóng cửa ngủ, thì sư trụ trì Ngũ Không đã tới gọi. Sài công tử bàng hoàng ra mở cửa, sư trụ trì hân hoan bảo:

- Mới sáng ra, Lý đại nhân đã gọi bần tăng tới lệnh chọn ngày tốt chuẩn bị nghi lễ, nhận công tử làm rể.

Sài công tử cha mẹ đều mất sớm, ruộng vườn nhà cửa đều giao cho họ hàng cai quản, không một chút vướng bận gì, liền theo Đường Công về Thái Nguyên làm lễ thành thân. Về sau, khi Đường Công khởi binh đánh Trường An, có cả một đội nữ binh, đó chính là quân bản bộ của vợ chồng họ Sài.

Trời vì họ Lý gây đế nghiệp

Người xui hào kiệt hóa đông sàng.

***

Không nói chuyện Đường Công về Thái Nguyên, lại tiếp chuyện Thúc Bảo đuổi ngựa theo kịp Phàn Kiến Uy. Phàn hỏi:

- Đại huynh lo chuyện bất bình, kết cục ra sao rồi?

Thúc Bảo trả lời cặn kẽ, Phàn không giấu nỗi kinh ngạc. Ngày hôm sau, ăn sáng xong, chia đôi hành lý, mỗi người giải hai phạm nhân, rồi người nào đi đường người ấy, Phàn về Trạch Châu, Thúc Bảo tới Lộ Châu, Thúc Bảo tìm đến quán trọ ngay trước cổng phủ, buộc ngựa vào cọc, đưa hai phạm nhân vào, nói với chủ quán:

- Đây là hai phạm nhân, nhờ bác chủ trông coi cẩn thận cho, có phòng nào khóa chắc chắn không?

Chủ quán đáp:

- Quý khách có việc quan trọng giao cho, xin hãy cứ tin ở tiểu nhân.

Thúc Bảo lên phòng trọ ngồi, dặn chủ quán:

- Nhờ bác chủ mang hộ hành lý trên ngựa vào cho, rồi cởi yên cương, nhưng đừng cởi chăn phủ, sợ ngựa bị lạnh, dẫn vào tàu ngựa, cho thức ăn tốt cho. Sau đó hãy cho ta một phòng nào sạch sẽ để nghỉ ngơi.

Chủ quán làm vẻ chiếu cố:

- Thưa quý khách, có mỗi một phòng nhỏ ở trước cửa, chuyên dành cho các bậc quan chức dưới các huyện có việc về phủ, nên ít khi phải mở, nay mời quý khách hãy tạm thời nghỉ ở đấy.

Thúc Bảo đáp:

- Thế thì tốt! Xin đa tạ bác chủ!

Chủ quán cầm đèn, đem hành lý vào, bày trà nước, rồi cơm rượu, ân cần đứng bên rót rượu, cười nói vui vẻ:

- Xin quý khách cho biết cao danh quý tánh để tiểu nhân ghi vào sổ trọ.

Thức Bảo đáp:

- Ta họ Tần, là công sai của phủ Tế Châu, tỉnh Sơn Đông, đến trình công văn ở phủ đây. Thế còn bác họ gì?

Chủ quán đáp:

- Tần quý khách, quý khách không nhìn thấy biển hàng ở ngoài cửa sao: "Thái Nguyên Vương điếm", cả họ tên là Vương Thị, Thị là cáo thị ấy mà.

Thúc Bảo nói:

- Tôi với bác là chỗ chủ khách, ai lại dám gọi tên húy của bác.

Chủ quán cười đáp:

- Các quan khách vãng lai, lấy chữ Thị tên tiểu nhân đảo ngược, gọi là Vương Tiểu Nhị *.

* Chữ thị, nghĩa là bày ra, gồm trên chữ thị, dưới chữ tiểu, nên khách hàng “chiết tự" thế.

Thúc Bảo nói:

- Đó cũng là cách đùa lý thú đấy. Thường thì ai mở quán trọ, người ta hay gọi là Tiểu Nhị, như kẻ làm bà mối, gọi Vương bà vậy thôi. Ta gọi bác là Tiểu Nhị là gọn hơn cả. Cho ta hỏi bác chủ, Sái thái thú nhận phát công văn vào những ngày nào?

Tiểu Nhị đáp:

- Tần quý khách không phải lo lắng gì chuyện đó. Sái thái thú chúng tôi rất là tài hoa. Sáng mai vào công đường nạp công văn, đến sáng ngày hôm sau thì vào lĩnh công văn. Quý khách ở quán trọ này chỉ phải hai ngày chờ đợi. Chỉ sợ Tần quý khách còn phải đi thăm bạn bè, hoặc mua sắm ít sản vật địa phương thì mới phải tính toán, còn việc công đường thì chẳng có gì đáng ngại.

Thúc Bảo nghe xong những lời dài dòng rồi đi ăn chiều, sau đó đóng cửa ngủ kỹ.

Sáng hôm sau, Thúc Bảo dậy rất sớm, rửa mặt, thay quần áo, chuẩn bị đầy đủ, vào phủ đường nạp công văn có gắn niêm phong cho Sái thái thú, giải phạm nhân vào. Thái thú sai mở công văn xem xong, truyền mở công khóa, hẹn Thúc Bảo ngày mai vào lĩnh công văn trở về. Rồi giao hai phạm nhân xuống nhà ngục thu nhận, Thúc Bảo mới xách gông khóa về quán trọ, ăn cơm trưa, ra phố xem chợ búa, chùa chiền, trời vừa kịp tối, thế là hết ngày hôm đó. Ngày mười bảy vậy.

Sáng ngày mười tám, Thúc Bảo vào phủ lĩnh công văn, lúc này mặt trời đã cao bằng ba cây sào, vào khoảng giờ tỵ*, cổng phủ vẫn chưa mở, người ra vào vẫn chẳng thấy một ai, các dãy nhà cửa, công đường vẫn lặng như tờ. Gần cổng rất nhiều quán rượu lớn hôm qua còn thấy đông đúc huyên náo, hôm nay cũng thấy đóng cửa, ngay cả cánh cửa treo ở cổng phụ cũng chẳng thèm kéo lên. Có một quán rượu, cửa nửa đóng nửa mở, Thúc Bảo bước vào thấy cạnh quầy, mấy gã thanh niên đang cười đùa, Thúc Bảo chắp tay hỏi:

- Chào các bạn trẻ, sao đến giờ mà vẫn chưa thấy Sái thái thú ra công đường các bạn?

* Giờ tỵ: Khoảng từ 9 giờ đến 11 giở sáng, theo cách tính thời gian của Trung Quốc.

Một thanh niên trong đám đông hỏi:

- Ông anh hình như nói không phải tiếng vùng Lộ Châu chúng em.

Thúc Bảo đáp:

- Tiểu đệ vốn là công sai của Sơn Đông.

Thanh niên kia tiếp:

- Ông anh không biết Sái thái thú có việc đã đi rồi sao!

Thúc Bảo hỏi:

- Đi đâu kia?

Thanh niên kia đáp:

- Đi phủ Tinh Châu, thuộc Thái Nguyên này.

Thúc Bảo hỏi tiếp:

- Có việc gì mà phải đi Thái Nguyên hở bạn trẻ?

Thanh niên kia đáp:

- Đường Công Lý đại nhân vừa được thánh chỉ cho về quê là Đạo hành Hà Bắc, trông coi các châu, huyện thuộc Hà Bắc, tỉnh đường Thái Nguyên vừa có văn thư xuống, đòi các quan đứng đầu phủ, châu huyện về dự lễ mừng. Quan thái thú được báo tin vào lúc canh ba, đã lập tức lên đường đi Thái Nguyên mừng Lý đại nhân rồi.

Thúc Bảo thầm nghĩ: "Đây chính là Lý đại nhân mà mình đã cứu thoát bọn cướp ở Đồng Sơn đây". Chàng hỏi tiếp:

- Xin làm ơn mách cho tiểu đệ, bao giờ thì thái thú mới về.

Thanh niên kia đáp:

- Còn lâu. Lý đại nhân danh vị lớn, lại nhân hậu, quan viên lớn nhỏ tới mừng, nhỏ thì có lẽ không được dự tiệc, quen biết thì chẳng mấy khi gặp gỡ, nhất định là yến ẩm chuyện trò. Đường lại xa, nên lâu cũng phải hai mươi ngày, chóng ra thì cũng phải nửa tháng mới trở về được.

Thúc Bảo nghe thấy thế, nghĩ cũng chẳng còn hỏi gì thêm nữa, quay ra về quán trọ, ngày ba bữa ăn rồi chờ đợi quan thái thú trở về.

Người ta ở nhà mình, ngày ngày vô sự, ăn rồi là xong, nhưng Thúc Bảo là khách trọ, cơm hàng cháo chợ, đã hơn mười ngày trời, Vương Tiểu Nhị phải cung đốn. "Thái Nguyên Vương điếm” lại là nơi bọn công sai lui tới nhiều hơn cả, lúc này quan phủ không làm việc, chẳng ai đến công đường làm gì, cho nên biển hàng, đèn lồng ngoài cửa, Tiểu Nhị cũng chẳng buồn treo. Tiểu Nhị bàn bạc với vợ ở nhà trong:

- Mình xem, ông khách họ Tần này đúng là tướng tinh con hổ trắng hãm tài. Từ ngày ông ta đến đây, có mỗi một ông thái thú cũng bỏ công đường đi mất, được vài ba lạng bạc vụn, chui tất vào bụng của ông khách quý này rồi. Hôm qua, ông ta đi đâu chán rồi về ăn, canh rau không thèm đụng tới, xô bàn vứt bát đứng dậy. Tôi cũng đã định mở miệng đòi ít tiền. Mình lâu nay vẫn thường chê trách tôi không biết ăn nói, để đến nỗi khách khứa ghét mặt, tìm sang các quán khác cả, nay mình hãy mở miệng hỏi ông ta lấy mấy lạng bạc. Lời của đàn bà, dù nặng dù nhẹ, ông ta cũng còn chịu nổi chăng?

Vợ Vương Tiểu Nhị là Liễu Thị, vốn hiền lành, biết điều, lại chịu khó, yên lặng nghe chồng nói xong mới nhẹ nhàng khuyên giải:

- Mình chẳng cần hỏi. Vào phòng ông ta, nhìn sự thể ra sao, nét mặt thế nào là biết ngay thôi mà. Xem ra ông khách họ Tần này cũng không phải không có tiền đâu. Từ tận Sơn Đông tới đây công cán, chờ lấy được công văn trở về, ông ta sẽ tính toán đầy đủ thôi.

Hai ngày nữa nặng nề qua đi. Tiểu Nhị dành phải tìm cách hỏi tiền ông khách trọ. Chờ đến lúc Thúc Bảo sắp ăn trưa, Tiểu Nhị chưa dọn ăn vội, mà tự mình bưng một ấm trà nóng vào phòng, rồi quay ra, đứng dựa vào cửa sổ, cười nói với Thúc Bảo:

- Tiểu nhân có điều muốn nói, xin Tần quý khách đừng giận.

Thúc Bảo đáp:

- Ta với bác chủ là quan hệ chủ khách, chẳng có gì mà phải giận, dù chỉ là một câu cũng vậy.

Tiểu Nhị làm ra vẻ từ tốn:

- Mấy bữa nay quán kiếm không ra tiền, lãi đã không mà có ít vốn cũng hao hụt, đến rau canh cũng không dám mua nhiều, định nói với Tần quý khách chi cho ít nhiều để lấy cái mua bán, không biết có được hay không?

Thúc Bảo đáp:

- Chuyện này thì đúng quá, sao bác chủ còn phải giữ ý mãi thế. Ta cũng quên mất, chưa từng đưa cho bác đồng nào bác lấy đâu ra vốn nhiều mà cung đốn ta mãi được. Nhờ bác vào trong hòm, mang hành lý của ta ra đây, ta sẽ lấy bạc đưa bác.

Tiểu Nhị chỉ còn chờ đến thế, chạy ngay vào phòng, mở hòm ở đầu giường Thúc Bảo, lôi ngay gói hành lý ra, bưng cẩn thận đến trước mặt Thúc Bảo. Rõ là: "Đầu giường tiền của hết, tráng sĩ ngẩn ngơ hồn".

Lúc này Thúc Bảo trong lòng thầm nghĩ: "Tiếng tăm của cải đáng ra là không bao giờ nên rời khỏi thân mình. Bây giờ bao nhiêu tiền đi đường, đều để Phàn Kiến Uy mang đi Trạch Châu cả, làm thế nào bây giờ?".

Vì sao có chuyện tiền bạc của Thúc Bảo lại bị Kiến Uy mang đi? Vốn cả Tần lẫn Phàn, đều là những kẻ hào kiệt ở phủ Tế Châu, khi cả hai được điều đi giải bốn tên phạm nhân đến Trạch Châu, Lộ Châu xung quân, lệ phí đều nhận ở viên thư lại coi kho trong phủ, viên này cũng vốn biết tình thân giữa Phàn với Tấn, nên y cân bạc luôn một lần phát cả cho Phàn. Sau mấy ngày đi cùng, đến chỗ phải chia hai, hành lý, công văn thì nhớ chia cẩn thận, nhưng đến tiền bạc thì lại quên không chia, vì vậy, bao nhiêu tiền đi đường Phàn mang đi Trạch Châu mất cả. Giờ lục tìm đồ đạc trong túi, Thúc Bảo mới nhớ ra, lại đã trót nói với Tiểu Nhị, giờ biết làm thế nào, Thúc Bảo lúng túng, máu dồn cả lên mặt đỏ bừng.

Tiểu Nhị thấy Thúc Bảo cứ khoắng tay mãi trong túi, y sinh nghi tự hỏi: "Không biết trong đó tiền nhiều ít, ông ta đưa cho mình bao nhiêu, mà mãi không thấy lấy ra được thế kia?". Không rõ rồi Thúc Bảo làm thế nào để qua được chuyện này với Vương Tiểu Nhị, xin xem hồi sau phân giải.