Vũ Lâm Ký Sự

Chương 1



Tác giả: Giang Hoài Ngọc

Nguồn: Tàng Thư Viện

Hồi 1

MINH NGUYỆT THANH PHONG TAM NGŨ DẠ

VẠN NHÂN HOAN LẠC NHẤT NHÂN SẦU

“Đêm rằm gió mát trăng thanh đó,

Muôn kẻ mua vui, một kẻ sầu.”

Trên bờ hồ Trường Bích, tứ bề tĩnh lặng, đan quế um tùm.

Giữa lúc canh khuya, vào một đêm tháng tám, nước hồ long lanh, ánh trăng lung linh đáy nước. Đan quế tỏa hương thơm ngát. Tứ bề tĩnh lặng như tờ.

Chợt có tiếng mái chèo khua nước bì bõm phá tan bầu không khí tĩnh mịch của đêm trung thu. Một chiếc du thuyền sang trọng, trang hoàng lộng lẫy ở phía đông đang từ từ lướt tới. Trên thuyền đèn lửa sáng trưng, hoa đăng rực rỡ treo đầy tứ phía, chiếu sáng cả một vùng trời nước. Ở đầu du thuyền có kê một chiếc trà kỷ. Người ngồi tại đó là một chàng Bạch y công tử tuổi độ mười sáu, mười bảy, rất mực anh tuấn, phong lưu thoát tục, khí chất phi phàm, thần thái uy nghiêm nhưng vẫn ôn nhu hòa nhã. Y phục của chàng cực kỳ sang trọng tinh xảo, tỏ ra thân phận tôn quý tuyệt luân. Một lão già vận trường bào màu xanh, đầu đội khăn lượt, y quan nghiêm chỉnh, ngồi bên cạnh chàng. Chàng công tử dõi mắt hướng về cõi xa xăm nào đó, tựa hồ đang nghĩ ngợi điều gì.

Lão già nâng chung trà thơm đưa lên miệng nhắp nháp một lượt, trầm ngâm giây lát, rồi hỏi:

- Chúa thượng đang nghĩ gì vậy?

Bạch y công tử như từ trong giấc mộng vừa bừng tỉnh, khẽ ồ lên một tiếng, đoạn mỉm cười nói:

- Trẫm không có nghĩ gì cả. Phong cảnh nơi đây thật đẹp như tranh vẽ, khiến cho người ta phải ngây ngất.

Mặt hồ sóng gợn lăn tăn, ánh trăng phản chiếu xuống mặt hồ lung linh ánh vàng lấp lánh. Xung quanh bờ hồ là lau lách, đan quế um tùm. Tứ bề tĩnh lặng. Một chiếc thuyền nhẹ lướt trên mặt hồ. Trên là trăng, dưới là thuyền. Phong cảnh như một bức tranh. Lão già nghe nói vậy, có cảm giác càng đáng lo hơn, khẽ thở dài nói:

- Hình như chúa thượng có điều chi khó nghĩ? Nếu như có tâm sự gì thì xin chúa thượng hãy nói ra, trong lòng sẽ nhẹ nhõm hơn.

Bạch y công tử khẽ mỉm cười, nói:

- Trẫm không sao! Tiên sinh không nên quá lo lắng!

Lão già thấy chàng không muốn nói, cũng không hỏi nữa. Lão là phận thần tử, không thể quá dấn sâu vào chuyện riêng tư của đấng quân thượng. Lão từ từ đứng dậy, ngẩng đầu lên nhìn vầng trăng sáng, thở phào một cái, rồi khẽ cất giọng ngâm:

“Tự tại danh lợi khách

Nhiễu nhiễu tại nhân gian

Hà sự trường Hoài thủy

Đông lưu diệt bất nhàn.”

Bạch y công tử bật cười, cũng khẽ ngâm:

“Tương tri tằng thức năng công ngọc

Mạc luyện như hà khả bổ thiên.”

Lão già thở dài nói:

- Lão phu nay đã già rồi!

Bạch y công tử mỉm cười:

“Bành Tổ tính năm còn trẻ lắm,

Nam sơn so tuổi vẫn thiếu niên.

Tiên sinh tay chưa run, gối chưa mỏi, tóc chưa bạc, mắt chưa mờ, sao lại vội cho rằng mình đã già!”

Lão già chưa kịp nói gì thì đột nhiên có một chiếc thuyền lớn, đèn lửa sáng trưng, thuận buồm xuôi gió lướt thẳng tới. Chiếc thuyền này dường như không có người cầm lái, cứ phăng phăng đâm thẳng vào du thuyền. Người cầm lái chiếc du thuyền xem ra cũng là tay lão luyện trên sông nước. Y không chờ chủ nhân sai bảo đã lập tức cho thuyền tránh sang một bên. Một gã cầm sào nữa lật đật chạy tới đầu thuyền, tay cầm cây sào trúc, miệng lớn tiếng quát:

- Này các vị bên kia! Hãy mở mắt ra mà nhìn cho kỹ! Sao lại để thuyền đâm vào thuyền chúng ta là có ý gì hả?

Gã lại quát luôn mấy câu nữa mà thủy chung vẫn không nghe thấy trên chiếc thuyền lớn kia có tiếng người nào đáp lại. Và chiếc thuyền kia vẫn cứ đâm sầm tới. Chẳng lẽ là ma thuyền, không người cầm lái mà vẫn cứ trôi đi. Hay là người bên kia đã chết cả rồi. Gã cầm sào hốt hoảng vội điểm cây sào trúc vào chiếc thuyền lớn để đẩy thuyền mình ra xa. Lúc này, một cơn gió nhẹ thổi đến. Chiếc thuyền lớn bị cây sào đẩy mạnh vào liền tách qua một bên. Hai chiếc thuyền thân tựa sát nhau lướt đi. Chỉ chút nữa là đã đâm sầm vào nhau. Cảnh huống thật là nguy hiểm.

Gã cầm sào tức giận quát:

- Các ngươi chết cả rồi hay sao mà để thuyền đâm bừa bãi thế hả?

Bên chiếc thuyền kia vẫn không có tiếng đáp lại. Trên du thuyền, chàng Bạch y công tử vẫn ngồi yên, và lão già vận trường bào vẫn chắp hai tay sau lưng đứng nhìn màn kịch nguy hiểm vừa xảy ra. Hai người vẫn bình tĩnh, tuyệt không lộ vẻ hoang mang.

Hán tử cầm cây sào trúc thấy chiếc thuyền kia suýt đụng vào du thuyền mà đối phương vẫn cứ lờ đi như chẳng có chuyện gì xảy ra, không có ai ra mặt mà cũng chẳng có tiếng đáp lại. Gã không nhẫn nại được nữa, lớn tiếng quát hỏi:

- Ô hay! Bọn ngươi chết cả rồi hay sao hả?

Tuy gã la ó om sòm nhưng vẫn không nghe thấy trên thuyền kia có tiếng người đáp lại. Hồ Trường Bích rộng cả nghìn mẫu. Bốn mặt rừng lau rậm rạp cao quá đầu người. Chiếc thuyền lớn hai cột buồm lao chênh chếch vào lau sậy. Lão già trên thuyền bất giác động tâm, tự hỏi:

- Xem chừng trên chiếc thuyền kia không có người cầm lái. Nhưng chẳng lẽ trên thuyền hiện giờ không còn một ai? Cớ sao trong thuyền đèn lửa vẫn sáng trưng tựa hồ như vẫn có người?

Trong lòng rất lấy làm kỳ, lão liền bảo thuyền phu lái thuyền vào gần để xem thử. Bạch y công tử dường như có ý muốn ngăn cản, nhưng rồi không hiểu nghĩ sao, chàng lại không lên tiếng. Chiếc du thuyền ghé sát vào rừng lau, đậu cạnh thuyền lớn. Lão già vận trường bào nhìn đèn lửa trong thuyền kia, lắng tai nghe động tĩnh một hồi, rồi quay lại bảo gã hán tử cầm sào:

- Chiếc thuyền kia có điều quái lạ! Ngươi thử qua đó xem thế nào!

Hán tử cầm sào khom lưng vâng lệnh, buông cây sào trúc xuống, nhảy sang bên thuyền kia. Thân pháp của gã cực kỳ linh hoạt, rõ là vào hàng nhất lưu trong giới võ lâm, không ngờ ở đây chỉ làm nhiệm vụ cầm sào, rõ ràng nơi đây tàng long ngọa hổ. Lão già hai tay chắp sau lưng, đứng ngắm vầng trăng, ngơ ngác xuất thần. Đột nhiên, có tiếng quát lên lanh lảnh. Lão già hơi nhíu mày, vén trường bào nhảy sang. Mọi người trên du thuyền cũng đồng loạt nhìn sang.

Lúc này, lão già mới vừa chớm bước chân vào bên trong khoang thuyền. Đột nhiên, ngọn gió thổi tạt vào mặt lão mang theo một mùi tanh nồng nặc, rõ ràng là mùi tinh huyết. Xem ra nơi đây có thể vừa trải qua một trận sát kiếp. Lão liền dừng bước lại ngay cửa khoang, hắng giọng hỏi:

- Trong thuyền có ai không?

Gã hán tử cầm sào từ phía đằng lái vội chạy ra nói:

- Tổng quản Đại nhân. Lão nhân gia hãy vào trong mà xem.

Lão già khẽ gật đầu, bước hẳn vào bên trong, rồi đứng giữa khoang thuyền, đưa mắt nhìn quanh, bỗng thấy sợi dây thao vàng buộc ở chuôi kiếm bị gió tung bay. Thanh trường kiếm đâm suốt từ trước ngực ra tới sau lưng một người vận y phục rất hoa lệ. Mũi kiếm cắm chặt vào vách, ngập tới tận chuôi. Xem ra khi xuất chiêu lực đạo rất mạnh.

Dưới ánh đèn lửa sáng trưng, lão già nhìn rõ người kia hơi nghiêng người sang một bên. Người này hãy còn nhỏ tuổi, sắc mặt nhợt nhạt, nhưng vẫn không xóa nhòa được dáng vẻ tôn quý cùng tướng mạo phương phi anh tuấn. Lão già buông nhẹ tiếng thở dài. Hán tử cầm sào nghiêm cẩn đứng sau lưng lão.

Trong khoang thuyền rộng rãi tựa như một gian phòng, cách bài trí xa hoa, đã diễn ra một thảm cảnh. Bàn đổ ghế nghiêng, huyết tích loang lổ khắp mọi nơi. Gần giữa khoang thuyền là một đại hán trung niên nằm úp mặt xuống sàn thuyền, đầu bể nát. Một đại hán khác cũng nằm lăn lóc bên cạnh, lồng ngực vỡ nát, thất khiếu chảy máu, cũng đã tắt hơi chết từ lâu rồi. Lão già thoáng cau mày, buông nhẹ một tiếng thở dài, miệng lẩm bẩm:

- Thật là một cảnh tượng thê thảm a!

Lão già đảo mắt nhìn ra, thì thấy còn có một đại hán râu dài, mình mặc áo đen, đứng tựa sau cửa khoang thuyền, hai chân đứng thẳng, mười đầu ngón tay bấm sâu vào vách ván, thoạt trông tưởng chừng như người đứng tựa vào vách thuyền, nhưng nhìn kỹ lại thì người này đã tắt hơi từ lâu, thi thể đã cứng đờ. Vì mười đầu ngón tay cắm sâu vào vách ván nên thi thể không ngã lăn ra. Toàn thân người này không có vết thương nào hết, chỉ miệng mũi là vẫn còn ứa máu không ngớt, xem ra đã bị chưởng lực cực mạnh chấn đứt kinh mạch, phá hủy lục phủ ngũ tạng mà tử vong.

Ánh sáng huy hoàng chiếu vào mấy thân người mà tử trạng khác nhau vẽ nên một bức tranh rất khủng khiếp.

Lão già cúi xuống xem xét thật kỹ thi thể từng người. Đến lượt thiếu niên y phục hoa lệ, lão bỗng lộ vẻ kinh ngạc, vì thanh kiếm xuyên suốt qua cả thân người, lại còn cắm chặt vào vách thuyền, mà tim người này vẫn còn máy động một cách yếu ớt. Lão vội bảo hán tử cầm sào mang người này sang du thuyền. Cái cảnh đêm khuya máu đổ trong thuyền, gió lạnh lùa qua cửa sổ khiến cho lão già đảm lược hơn người cũng cảm thấy trong lòng hồi hộp. Lão gục gặc đầu, khẽ buông tiếng thở dài, rồi từ từ bước ra ngoài khoang thuyền, định trở về bên du thuyền.

Thình lình, trong góc khoang thuyền nghe như có tiếng rên yếu ớt vọng lại. Lão già thính giác rất linh mẫn, nghe rõ có tiếng rên rất khẽ, nên dừng bước đứng lại. Lão từ từ lùi lại, đảo mắt nhìn quanh. Thảm trạng các thi thể càng nhìn càng ghê rợn. Không còn nghe thấy tiếng rên, lão cho rằng mình đã nghe lầm.

Không nhận thấy có gì lạ, lão toan trở gót quay về du thuyền thì tiếng rên yếu ớt kia lại nổi lên. Lần này thì tiếng rên nghe càng rõ hơn. Lão phân biệt được đây là tiếng rên của một người đang bị trọng thương, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Lão do dự một chút rồi khóe mắt lộ vẻ cương quyết, tự nói để mình nghe:

- Người này sắp chết đến nơi, chẳng lẽ ta lại bỏ qua không cứu!

Rồi lão lại bước vào khoang thuyền. Lão ngưng thần nhìn trong bóng tối ở góc khoang thuyền thì thấy một thiếu nữ mặc áo màu lục đang nằm co ro ở đó. Tóc nàng dài rối tung, mình đầy những vết máu, nửa người trên khẽ tựa vào vách ván. Lão già bất giác nảy lòng thương xót, quay mình đi ra ngoài khoang gọi người bên du thuyền. Lập tức có hai người nhanh nhẹn chạy sang.

Lão tháo một tấm cánh cửa của khoang thuyền, khiêng thiếu nữ bị thương đặt nằm lên trên đó. Dưới ánh đèn lửa, lão thấy rõ thiếu nữ sắc mặt nhợt nhạt, hai mắt nhắm hờ. Máu tươi ướt đẫm quá nửa bộ y phục đang mặc trên người nàng. Đột nhiên, nàng giương mắt lên nhìn lão một cái rồi lập tức nhắm nghiền lại, thần thái an tường. Có lẽ nàng ta thấy được cứu nên đã yên tâm, nhưng chính vì thế mà tinh thần cùng sức lực chống chọi thương thế trầm trọng cũng đồng thời được giải tỏa khiến nàng ta lại ngất đi. Hai hán tử vội khiêng nàng sang bên du thuyền.

Lão già quay mình rời khỏi khoang thuyền, tay khẽ quạt một cái, đĩa đèn liền đổ nghiêng đi. Khi lão về đến bên du thuyền thì chiếc thuyền lớn hai cột buồm có khói bốc lên mù mịt, ngọn lửa lấp loáng xuyên qua cửa sổ bốc ra ngoài. Lúc này, ngọn gió đêm lại thổi lên khá mạnh khiến cho thế lửa lan ra rất nhanh.

Lão già thấy thế lửa quá mạnh liền trầm giọng quát:

- Mau bơi thuyền qua chỗ khác.

Các thuyền phu lật đật buông chèo, hết sức bơi thuyền đi thật nhanh. Dưới lực lượng của hàng nhất lưu cao thủ, chiếc du thuyền vùn vụt lao đi, tránh xa vùng khói lửa. Sau khi đã đi xa, mọi người nhìn lại thì thấy chiếc thuyền kia lửa bốc cao ngùn ngụt. Ngọn lửa cháy lan sang cả rừng lau quanh đó. Một khoảng lớn đã bị thiêu trụi. Bạch y công tử nhìn lão già khẽ nói:

- Hỏa tai này là tại tiên sinh đấy!

Lão già gật đầu nói:

- Thảm cảnh thật thương tâm, không nên lưu lại. Nhưng lão phu không ngờ gió đêm lại đột ngột thổi mạnh khiến ngọn lửa lan ra. Quả là hành sự tại nhân, thành sự tại thiên mà! Thiên ý khó lường a!

Bạch y công tử khẽ lắc đầu, không nói gì. Lão già nhìn chàng, nói:

- Bọn họ tuy bị trọng thương nhưng vẫn còn chút sinh cơ. Xin chúa thượng hãy ra tay cứu chữa cho bọn họ.

Bạch y công tử khẽ gật đầu, nhưng lại hướng mắt nhìn về phía chiếc thuyền đang cháy một lúc nữa, rồi mới lẳng lặng đi vào trong khoang thuyền. Lão già cũng vội cất bước theo sau.

Lục y thiếu nữ sau khi ngất đi thì không còn cảm giác gì nữa. Nàng chỉ cảm thấy thân hình dường như đang lơ lửng trên mây, bay đi, đi mãi. Khung cảnh huyền ảo như trong giấc mộng. Nàng rất lo sợ. Nàng còn có việc quan trọng phải làm. Nàng còn có mối gia thù cần phải trả. Nàng chưa muốn chết lúc này. Nàng sợ giấc mộng sẽ kéo dài mãi mãi, và nàng cũng sẽ không bao giờ tỉnh lại.

Rất lâu sau đó, nàng bỗng nhận thấy có làn gió mát nhẹ nhàng mơn man da thịt, tạo nên cảm giác sảng khoái lâng lâng.

Rồi trước mắt nàng bỗng thấy xuất hiện một vùng sơn thủy đẹp như tranh vẽ, một làn gió cuốn nàng đặt nhẹ nhàng xuống bãi cỏ xanh rì. Gió mát, chim kêu ru nàng dần thiếp vào giấc ngủ.

Lúc nàng tỉnh lại thì mới phát giác ra mình đang nằm trong một gian phòng sang trọng, có cách bài trí rất trang nhã. Giường bằng gỗ Tử Đàn, màn châu trướng ngọc lấp lánh. Xung quanh phòng treo vài bức tranh sơn thủy. Góc vách phía tả treo một ngọn cung đăng, chụp đèn bằng lụa trắng. Ngọn đèn không dùng nến thắp mà được đính một viên bảo châu rất lớn, ánh sáng lung linh. Mới nhìn qua cảnh tượng trước mắt nàng đã biết ngay mình hiện đang ở trong nhà của một nhân vật quyền quý. Nàng vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã không chết. Lo vì đang ở trong nhà người lạ, không biết tương lai rồi sẽ ra sao.

Đột nhiên, nàng thấy ánh mắt sáng lòa. Bức rèm châu được vén lên. Một thiếu nữ vận cung trang màu vàng, khí độ cao nhã, trông xinh như ngọc từ ngoài nhẹ bước tiến vào. Lục y thiếu nữ trông thấy cũng phải thầm ghen tị.

Cung trang thiếu nữ trên tay đang cầm chậu nước, nhẹ nhàng bước tới bên giường, khóe miệng hơi mỉm cười, cất tiếng nói:

- Chúc mừng tiểu thư đã hồi tỉnh. Tiểu thư chắc cũng đói rồi. Bữa ăn đã được chuẩn bị xong. Tiểu thư hãy rửa mặt rồi dùng bữa.

Vừa nói nàng vừa đặt chậu nước xuống chiếc kỷ bên cạnh giường. Chiếc chậu làm bằng một khối ngọc trắng muốt, chứa một thứ nước trong suốt, mùi hương thoang thoảng tạo cảm giác sảng khoái.

Lục y thiếu nữ ngồi dậy, buông nhẹ tiếng thở dài, ngập ngừng nói:

- Tỷ tỷ. Tiểu muội nhờ ân cứu tử mà chưa kịp bái tạ, thật cảm thấy áy náy trong lòng.

Cung trang thiếu nữ mỉm cười nói:

- Tiểu thư bất tất phải cảm tạ. Phong trần biến ảo, họa phúc khó lường. Người trong giang hồ ai lại không có lúc gặp bước đường tai bạo. Tiểu thư hãy cứ yên tâm tịnh dưỡng để mau hồi phục.

Lục y thiếu nữ hỏi:

- Tiểu muội chưa kịp thỉnh giáo cao danh quý tính của tỷ tỷ.

Cung trang thiếu nữ mỉm cười nói:

- Tiểu nữ chỉ là thị tỳ hầu hạ chúa thượng. Tính danh không đáng nhắc đến.

Lục y thiếu nữ vội nói:

- Tỷ tỷ quá khiêm nhường rồi. Nếu tỷ tỷ không muốn nói thì tiểu muội cũng không dám hỏi.

Cung trang thiếu nữ mỉm cười nói:

- Chúa thượng thường gọi tiểu nữ là Mai nhi. Tiểu thư cứ gọi như thế cũng được.

Lục y thiếu nữ buồn rầu nói:

- Không dám ạ! Tiểu muội tên là Lý Nhược Hồng. Xin Mai tỷ đừng gọi tiểu muội là tiểu thư như thế nữa. Song thân của tiểu muội bị ác nhân gia hại, đều đã qua đời. Tiểu muội giờ đây bơ vơ một thân một mình, lưu lạc khắp giang hồ, không nơi nương tựa. Mọi người ai cũng muốn hiếp đáp, chẳng ai đối xử tốt với tiểu muội như Mai tỷ vậy.

Cung trang thiếu nữ khẽ an ủi:

- Được rồi! Tỷ tỷ gọi muội là Hồng muội nhé! Hồng muội đừng buồn nữa. Nếu như Hồng muội không còn ai thân thích thì tỷ tỷ sẽ xin với chúa thượng để Hồng muội được ở lại với chúng ta. Bảo đảm chẳng có kẻ nào dám hiếp đáp Hồng muội đâu. Dù cho là giang hồ cao thủ hay vương hầu tương tướng, khi đến đây cũng đều phải chịu phép.

Lý Nhược Hồng nói:

- Cám ơn tỷ tỷ. Chẳng hay đây là nơi nào? Và chúa thượng là ai? Tiểu muội rất muốn được diện kiến chúa thượng để tạ ân Người đã cứu mạng.

Cung trang thiếu nữ nói:

- Chúa thượng họ Bạch. Còn nơi này gọi là Trường Bích trang. Hiện chúa thượng có việc nên đã cùng Âu Dương tổng quản ra ngoài rồi. Vài hôm nữa mới về đây.

Thấy Lý Nhược Hồng vẫn còn ngồi bần thần trên giường, nàng vội giục:

- Hồng muội hãy mau rửa mặt rồi ra dùng bữa.

Nói rồi nàng cất bước rời khỏi phòng. Lý Nhược Hồng cũng vội rửa mặt, rồi chạy theo sau cung trang thiếu nữ. Bên ngoài đã chuẩn bị sẵn một bữa ăn cực kỳ thịnh soạn. Lý Nhược Hồng từ trước đến giờ chưa từng được nhìn thấy một bữa ăn sang trọng như thế. Thức ăn đều là tinh phẩm, sơn trân hải vị, được nấu nướng cực khéo, ăn rất ngon miệng. Lại đang lúc đói, nàng ăn sạch hết mọi thứ thức ăn bày trên bàn, ăn ngấu nghiến. Đến khi ăn xong rồi, nhìn lại, nàng mới chợt cảm thấy thẹn thùng. Cái này là ‘nữ thực như beo’ chứ không phải ‘nữ thực như miêu’ rồi. Thật xấu hổ a! Cũng may ở đây không có người ngoài. Nếu không, để người lạ nhìn thấy thì xấu hổ chết đi được. Dù sao thì cũng phải công nhận là nàng vừa được ăn bữa ăn ngon nhất trong đời.

Thế là, từ giờ Lý Nhược Hồng tạm ở lại trong Trường Bích Trang, nghỉ ngơi dưỡng thương, đồng thời chờ vị chúa thượng ở đây trở về để có thể nói lời cảm tạ. Nàng là người ân oán phân minh, nên rất biết ơn người đã cứu mạng mình.