Lại nói, đại quân Thần Thánh Đế quốc đóng quân tại Angora nghỉ ngơi chỉnh quân. Đinh An Bình hy vọng sẽ có đại chiến tại đây, nhưng phía quân Ottoman lại không có động tĩnh gì, nên đại quân lại tiếp tục tiến quân.
Trong thời gian đại quân nghỉ ngơi, Đinh An Bình đã cho hậu cần quân tổ chức xây dựng ở đây một tòa tiểu thành, để lại 1 vạn dân binh Ai Cập trú đóng. Các thương nhân theo quân cũng tạm thời tập kết tại đây, bởi xa mã của bọn họ đã chở nặng quá rồi. Bọn họ chờ đại quân đánh thông đường đến khu vực eo biển Dardanelles rồi sẽ theo thuyền trở về Sinai. Mỗi thương đoàn chỉ phái một nửa nhân thủ đi theo đại quân, một nửa ở lại giữ gìn hàng hóa. Bọn họ còn mua lại rất nhiều xa mã từ các tiểu bộ lạc trong vùng hoặc từ chiến lợi phẩm của kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá. Đến lúc này, số kỵ binh Thổ theo quân đã đông hơn cả số kỵ binh Mamluk, đứng đầu trong số ba đạo kỵ binh trợ chiến.
Nghỉ ngơi nửa tháng, đại quân lại tiếp tục bước chinh trình, tiến thẳng đến Bursa, kinh đô của Đế quốc Ottoman. Lúc này, đại quân chỉ còn lại 48 vạn quân Đế quốc, hơn 5 vạn kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá, cùng với 2 vạn dân binh Ai Cập. Số dân binh Ai Cập còn lại đã được chia ra phòng thủ các thành thị trọng yếu mới chiếm được. Đinh An Bình còn chuẩn bị sử dụng đến 10 vạn dân binh Nubia hiện đang tập trung huấn luyện ở Sinai, và nếu cần thì còn có thể triệu tập dân binh Yemen và Somali.
Bursa, kinh đô của Đế quốc Ottoman, giờ đây vô cùng náo nhiệt và hỗn loạn. Hàng trăm bộ lạc, hàng chục vạn quân dân bị đại quân Thần Thánh Đế quốc dồn đuổi về phía này, dần dần đều tập trung lại quanh thành Bursa. Sultan Mehmed I Çelebi vừa mừng vừa lo. Mừng vì có thêm người để chinh binh, nhưng lo vì vấn đề trị an và lương thực. Hàng chục vạn người tập trung về đây, trong ngoài thành Bursa xuất hiện hàng vạn ngôi lều lớn nhỏ đủ loại, hàng chục vạn nạn dân không có việc gì làm, sẽ khiến cho trị an trong vùng càng thêm rối loạn. Thêm vào đó, đa phần các bộ lạc này trên đường chạy nạn đã để lạc mất phần lớn dê ngựa, hành trang (bị kỵ binh Thổ, Mamluk và A Lạp Bá truy sát, dê ngựa đi chậm quá, hành lý nặng quá nên phải bỏ lại, bỏ của chạy lấy người), thành ra hiện tại lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Mấy ngày gần đây, nhiều hộ dân cư ngoài thành bị cướp phá, ngay cả trong thành về đêm cũng không được an toàn, càng làm cho Mehmed I Çelebi và triều đình quan viên thêm đau đầu.
Giữa cảnh rối loạn đó, tin báo về việc đại quân Thần Thánh Đế quốc áp sát Bursa càng khiến tình hình thêm hỗn loạn. Một số gia đình giàu có nhưng không phải quý tộc trong thành đã len lén thu góp tài sản chạy khỏi Bursa. Cảnh thành trì thất thủ, rồi bị cướp phá thiêu hủy ở xứ này vốn không lạ gì. Bọn họ không muốn gặp phải cảnh đó nên sớm chạy khỏi nơi này.
Trong cung điện, Sultan Mehmed I Çelebi trầm tư khổ tưởng tìm cách vượt qua quốc nạn. Xung quanh là đông đảo triều thần, nhưng ai nấy đều cúi đầu lặng im. Mehmed I Çelebi nghĩ mãi mà không tìm ra diệu sách gì, lại nhìn quần thần ai nấy co đầu rút cổ, tức giận quát:
- Các ngươi … các ngươi … bình thường ta ban cho các ngươi cao quan lộc hậu mà giờ đây không ai giúp ta đưa ra được chủ ý gì là sao, là sao hả?
Một vị triều thần rụt rè nói:
- Bệ hạ. Nếu không muốn lánh đi nơi khác thì chỉ còn cách quyết chiến mà thôi, không còn đường nào khác đâu ạ!
Một vị triều thần khác nói thêm:
- Xin bệ hạ cho chinh thêm binh ạ? Chúng thần thề cùng địch quân tử chiến đến cùng!. Tiên Hiệp Hay
Nhiều người khác đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng nói:
- Xin thề cùng địch quân tử chiến đến cùng!
Không ai biết bản ý bọn họ như thế nào, nhưng trước tình hình thế này, bọn họ không thể không lên tiếng thề quyết tử chiến, nếu không khó thể bình an bước ra khỏi nơi này. Mehmed I Çelebi đưa mắt nhìn khắp chúng quần thần hồi lâu rồi mới nghiêm giọng nói:
- Truyền lệnh phong tỏa toàn thành, ai dám bỏ trốn lập tức xử tử.
Nói xong lại đưa mắt nhìn một lượt chúng triều thần, ánh mắt tràn ngập sát khí khiến ai nấy cũng đều rùng mình. Sau đó, Mehmed I Çelebi lại truyền lệnh:
- Chinh triệu tất cả những người đàn ông khỏe mạnh trong thành gia nhập quân đội chống giặc.
Một vị triều thần vội nói:
- Bệ hạ. Nếu như thế e rằng chúng ta không có đủ lương thực cung cấp cho quân đội.
Mehmed I Çelebi cau mày hỏi:
- Lương thực còn được bao nhiêu?
Vị triều thần kia cung kính nói:
- Bẩm bệ hạ. Lương thực trong thành chỉ đủ cung cấp cho 1 triệu người sử dụng trong 1 tháng nữa.
Mehmed I Çelebi cả kinh hỏi:
- Sao ít thế?
Vị triều thần kia nói:
- Bẩm bệ hạ. Kinh đô bị công kích mấy tháng nay, nạn dân kéo đến càng lúc càng nhiều, việc canh tác sinh sản lại đình trệ, nên lương thực càng lúc càng thiếu thốn ạ! Đặc biệt là nạn dân của các bộ lạc từ phía đông mới kéo đến gần đây, lương thực vật tư đa số bị lạc mất trên đường chạy loạn, lâm vào cảnh thiếu ăn, nếu không được triều đình tiếp tế sẽ lâm vào cảnh thiếu đói, rất dễ phát sinh họa loạn.
Mehmed I Çelebi cau mày ngẫm nghĩ hồi lâu, cười khổ nói:
- Nếu không có bọn họ thì đỡ biết chừng nào nhỉ?
Vị đại thần kia vội nói:
- Nhưng triều đình cũng không thể đuổi bọn họ đi nơi khác ạ! Nếu không, địch quân còn chưa đánh đến nơi mà kinh thành đã đại loạn trước rồi.
Một vị đại thần khác đột nhiên hiến kế:
- Bệ hạ. Hay là chúng ta chinh triệu bọn họ vào quân đội, sau đó lập tức đưa ra chiến trường. Triều đình chỉ mất ít ngày lương thực. Bọn họ mà giết được kẻ địch nào thì đối triều đình càng có lợi.
Mehmed I Çelebi sáng mắt lên, khen:
- Chủ ý của ngươi rất hay. Cứ thế mà làm. Việc này ta giao cho ngươi xử lý.
Vị đại thần kia cung kính vâng dạ, Mehmed I Çelebi lại nói:
- Mau thi hành đi!
Vị đại thần kia vội cáo lui, đi thực hiện ngay việc đó. Với sự nỗ lực của ông ta, chỉ hai ngày sau, quân Ottoman đã chinh triệu được thêm 750.000 dân binh, cộng với quân triều đình đạt đến hơn 1 triệu. Điều đó có nghĩa là toàn bộ trai tráng trong ngoài thành Bursa, kể cả những nơi lân cận cũng bị chinh triệu hết. Mehmed I Çelebi biết trận chiến này quan hệ đến sự sinh tử tồn vong của Đế quốc Ottoman, cũng như của bản thân ông ta, nên hoàn toàn đồng ý việc đó. Nếu như thất trận, cũng giống như phụ vương, mạng sống có thể không còn, thì còn lo gì đến chuyện tương lai. Muốn gì thì cũng phải vượt qua cơn quốc nạn này mới được.
Sau ba ngày khẩn cấp huấn luyện, Mehmed I Çelebi cho chỉnh đốn đội ngũ, rồi dẫn quân xuất thành chặn đánh địch quân. Với đạo quân đông đến hơn 1 triệu người, nếu thời gian kéo dài, thành Bursa không thể cung cấp đủ lương thực để nuôi quân, vì thế mà Mehmed I Çelebi bất đắc dĩ phải sớm tìm cơ hội quyết chiến.
Trên một khu bình nguyên cách thành Bursa hơn trăm dặm, quân đội song phương đụng độ với nhau. Do trời đã xế bóng, song phương quyết định cắm trại lại nơi này, nghỉ ngơi một đêm, đến sáng mai sẽ quyết chiến. Lúc này, trên bình nguyên này tập trung đến gần 1 triệu 700.000 quân đội song phương, doanh trướng chật đồng, người đi chật đất, đến khi nấu cơm chiều thì khói bốc mù trời giống như đang có một trận đại hỏa hoạn vậy.
Đại doanh quân đội Ottoman. Vương trướng.
Mehmed I Çelebi triệu tập các đại thần vào vương trướng cùng ăn tối và nghị bàn việc giao chiến vào ngày mai. Mehmed I Çelebi nói với vẻ lo lắng:
- Tuy quân ta đông hơn, nhưng địch quân đều là tinh nhuệ, vũ khí tinh lương, đại pháo lợi hại. Xem ra trận chiến ngày mai chúng ta không có mấy ưu thế rồi. Nghe nói trước đây bọn họ chỉ có 200.000 quân mà đã tiêu diệt cả Đế quốc La Mã Thần Thánh, càn quét cả tây phương, diệt quốc vô số, thành lập nên Đế quốc Latium rộng lớn như bây giờ.
Một viên cận thần là Miran Lazarevic nói:
- Bệ hạ. Nếu như giao chiến không có ưu thế thì chúng ta có thể dùng mưu.
Mehmed I Çelebi hỏi:
- Ngươi có mưu kế gì? Hãy mau nói ra!
Miran Lazarevic nói:
- Bệ hạ. Chúng ta hãy cho cung thủ mai phục trên các ngọn đồi phía sau nơi đây, trên đó chuẩn bị thật nhiều đá tảng nữa. Khi giao chiến, bệ hạ có thể cho quân tạm lui về phía đó. Nếu địch quân đuổi theo, quân mai phục đổ ra đánh, quân ta cũng từ phía sau đánh tràn đến, có thể đánh bại được địch nhân.
Mehmed I Çelebi ngẫm nghĩ giây lát, rồi gật đầu nói:
- Kế ấy hay lắm! Có thể thi hành.
Mọi người đều thấy mưu kế đó rất hay. Thế là quần thần cũng đồng thanh tán dương Sultan anh minh thần vũ, Lazarevic đại nhân trí kế phi phàm, địch nhân tất sẽ bị đánh bại, quân ta tất sẽ đại thắng, …