Đây là một thị trấn nhỏ không mấy phồn hoa. Vài năm gần đây, số người ở lại thị trấn ngày càng ít.
Rút cuộc là đã đi đâu?
___________________________________
Hiện nay, trong giang hồ tồn tại hai thế lực lớn phân chia Nam Bắc mà cai trị. Đã một năm kể từ khi ngũ đại môn phái quy phục Thiên Hạ Hội gây nên bao sóng to gió lớn trên giang hồ.
Lúc bấy giờ, rất nhiều người đều cho rằng Thiên Hạ Hội sẽ nhân cơ hội đó tiến vào Trung Nguyên, tiện đà phân tranh với Vô Song Thành để xem ai mới là người sở hữu thiên hạ. Thế nhưng, bang chủ Hùng Bá Thiên Hạ Hội lại nói rằng, sở dĩ Thiên Hạ Hội tham gia vào cuộc phân tranh của năm môn phái hoàn toàn là do không đành lòng chứng kiến đệ tử năm phái phải chết một cách vô nghĩa vì mâu thuẫn giữa các chưởng môn, bang chủ. Bang chủ Hùng Bá nói rằng: Các ngươi đều còn trẻ, tương lai xán lạn còn ở phía trước. Thiên Hạ Hội không muốn mầm tài năng của giang hồ bị thui chột trong cuộc phân tranh vô nghĩa đó, thế nên quyết định gộp năm phái vào làm một, đồng tâm hiệp lực, cùng chung chí hướng hiệp nghĩa chính đạo. Trong số đệ tử năm phái, có ai từng làm xằng làm bậy đều căn cứ theo mức độ nặng nhẹ của hành vi mà xử phạt. Nhưng, Thiên Hạ Hội đồng ý cho mọi người một cơ hội nữa. Thiên Hạ Hội dạy lại cho chúng đệ tử mới gia nhập đó thế nào mới là hiệp nghĩa chính đạo. Tin rằng thông qua giảng giải đạo lý, người từng làm ác cũng có thể thay đổi, làm lại cuộc đời.
Hùng Bá bày tỏ: Vô Song Thành truyền từ đời này sang đời khác mấy trăm năm nay, thành chủ Độc Cô Nhất Phương uy danh hiển hách, chính là điển hình cho hiệp nghĩa giang hồ thời nay. Thiên Hạ Hội nguyện hợp tác hòa hảo với Vô Song Thành, cùng nhau gìn giữ giang hồ chính đạo.
Sinh nhật Độc Cô Nhất Phương là vào tháng tư. Khi ấy, giang hồ xôn xao bàn tán về Thiên Hạ Hội mới vùng lên mạnh mẽ, át cả tin tức ngày mừng sinh nhật bốn mươi tuổi của Độc Cô Nhất Phương – thành chủ Vô Song Thành. Ấy thế mà mấy ngày sau, lại có tin rằng bang chủ Hùng Bá Thiên Hạ Hội đặc biệt phái trưởng lão mang theo bảo kiếm Vô Song đến chúc thọ Độc Cô Nhất Phương, mong rằng Thiên Hạ Hội có thể hợp tác vĩnh viễn với Vô Song Thành, cùng giữ gìn trật tự giang hồ, tạo phúc cho dân chúng.
Thế là cả giang hồ lại chú ý đến Vô Song kiếm. Đây chính là thanh “kiếm thần” trong truyền thuyết, nghe đâu năm đó Kiếm Thánh tìm kiếm biết bao năm cũng không thấy, chẳng ngờ lại nằm trong tay Hùng Bá. Mà Hùng Bá lại rất dứt khoát đưa tặng cho Độc Cô Nhất Phương!
Không bàn chuyện giang hồ truyền tai nhau đồn thổi chuyện này ra sao, từ đó trở đi, mỗi ngày lại có thêm nhiều thương nhân qua lại giữa hai vùng Nam Bắc Thần Châu. Thiên Hạ Hội và Vô Song Thành bù đắp cho nhau, buôn bán phát đạt, phồn vinh thịnh vượng.
___________________________________
Thế nên, thị trấn nhỏ vốn không mấy phồn hoa này lại càng trở nên heo hút. Bởi nó không nằm trên tuyến đường buôn bán nối từ Nam đến Bắc. Rất nhiều người trong trấn đều dọn đến trấn Mẫn Phương cách đó chỉ vài chục dặm – nút giao trọng yếu của tuyến đường Bắc – Nam, tin rằng chẳng bao lâu nữa nơi ấy sẽ trở thành thành Mẫn Phương.
Lúc đó, trong quán rượu nhỏ duy nhất trong trấn, chỉ có thưa thớt vài người khách đang ngồi. Trời đã sang thu, nhưng rất nhiều ngày cũng như hôm nay đây, mặt trời lên đến chính ngọ mà ông chủ lẫn anh chạy bàn trong quán đều chẳng lên tinh thần nổi. Anh chạy bàn dựa người vào cột trụ, cứ chờ đến lúc khách giục tới mấy lần mới lề mề bước tới rót thêm trà.
Ở cái quán rượu tàn tã ấy, trong một góc hẻo lánh, lại có một người đi đến đâu cũng khiến người ta phải chú ý đang ngồi. Một người đàn ông tuổi chừng ba mươi, mặc áo bào màu xanh thẫm có hoa văn thêu chìm bằng chỉ bạc, phong thần tuấn tú, nổi bật bất phàm.
Người nọ duỗi bàn tay trắng tựa ngọc lưu ly, nhẹ nhàng cầm bát trà(1) bị mẻ một mảnh nhỏ trước mặt lên, nhấp một ngụm trà rẻ tiền ba đồng một bát.
Rõ ràng là bát trà bằng loại gốm thô sứt miệng, rõ ràng là loại trà rẻ tiền, ấy vậy mà động tác của người nọ lại vô cùng tao nhã, như bậc đế vương đang ngồi ngay ngắn trong sân rồng, bưng ly rượu bằng thạch anh tím chạm rồng vô giá, uống quỳnh tương ngọc lộ. Quả là nét tôn quý toát lên từ bản chất.
Đúng lúc này, một bé trai tầm tám tuổi mặc áo trắng vui vẻ chạy vào quán rượu nhỏ, cất giọng lanh lảnh: “Chưởng quầy, như mọi khi, ba cân rượu!”(2)
Dường như chưởng quầy đã chuẩn bị từ trước, cầm lấy hồ lô rượu rỗng không bé trai đưa, lấy từ dưới quầy một hồ lô giống như đúc đầy ba cân rượu đưa lại cho nó, bảo: “Chuẩn bị xong từ lâu rồi. Mang về đi. Tiền rượu vẫn thế, cuối tháng lại tính.”
Đứa bé kia thoải mái tiếp lấy bầu rượu, quen miệng chào một câu chuẩn bị ra về, lại chợt phát hiện có người đứng chắn trước mặt nó từ bao giờ. Chính là người đàn ông nọ, người rõ ràng rất tôn quý lại cứ muốn đến cái quán rượu cũ nát quạnh quẽ này uống trà rẻ tiền. Người nọ môi mang ý cười, dịu giọng nói: “Tiểu huynh đệ, cậu nói thử xem, nếu ta có loại rượu ngon nhất muốn mời sư phụ của cậu uống, thì liệu ông ấy có hoan nghênh vị khách không mời mà đến như ta không?”
Thế nên bây giờ mới có cảnh một bé trai tám tuổi hoạt bát đi đằng trước, tay cầm một hồ lô rượu, theo sau là một người đàn ông tuổi chừng ba mươi.
Dọc đường đi bé trai cứ ngâm nga làn điệu nào đó chẳng biết tên. Người đàn ông thì vẫn yên lặng theo sát.
Trời thu tháng tám, khói sương đương nồng. Sâu trong làn sương dày đặc, có một dòng suối nhỏ nước chảy róc rách. Bên bờ suối, có một gian nhà đá mộc mạc.
Sắp đến Trung Thu, xung quanh nhà đá lá phong đã chuyển dần sang sắc đỏ. Dòng nước trong vắt uốn quanh, làm nổi bật lên gian nhà đá lẻ loi lại đẹp đến lạ kỳ.
Từ xa bé trai đã nhìn thấy gian nhà đá, nhanh chân chạy đến, vừa chạy vừa hô vang: “Sư phụ sư phụ, có khách đến!”
“Khách quý đến thăm, không nghênh đón từ xa, là ta thất lễ.” Giọng trầm hùng, rồi lại khiến người ta yên lòng.
Lăng Ngạo Thiên nhoẻn cười, bình thản nói: “Mạo muội đến thăm, là tại hạ thất lễ. Mong chủ nhà đừng trách.” . Truyện Dị Năng
Người đàn ông nọ tất nhiên chính là Lăng Ngạo Thiên. Ngoài Lăng Ngạo Thiên – bang chủ Hùng Bá Thiên Hạ Hội, còn ai ở vào cái tuổi ấy mà đã có khí thế bất phàm?
“Két” một tiếng, cửa nhà đá mở ra.
___________________________________
Chú thích:
(1) Bát trà: Thật ra ban đầu cũng nghĩ có khi là chén trà, nhưng nhìn raw thì đúng là cái bát thật. Và đây là hình ảnh minh họa cho cái bát trà gốm thô sứt mẻ mà Lăng Ngạo Thiên nâng như ly rượu bằng thạch anh:v
(2) Ba cân rượu: Một cân của Trung Quốc chỉ bằng ½ kg. Ở đây, ba cân rượu tức là một cân rưỡi, và bằng 1,5l.