Trường Canh thuận tay bưng bát thuốc đã sắc xong vào phòng tiểu nghĩa phụ.
Trong phòng Thẩm Thập Lục chỉ thắp một ngọn đèn nhỏ tù mù, quầng sáng bằng hạt đậu, hệt như đom đóm vậy.
Y đang ngồi dựa cửa sổ, hơn nửa khuôn mặt chìm dưới ánh đèn, chỉ hơi lộ ra một tẹo, đại khái là sắp ngủ rồi. Thẩm Thập Lục không đội mũ, tóc tai bù xù, dưới khóe mắt và vành tai đều có một nốt ruồi chu sa nhỏ, như dùng kim châm ra, tí tẹo ánh đèn trong nhà đều bị y thu cả vào hai nốt ruồi ấy, cơ hồ lóa mắt người.
Ngắm người dưới đèn, có thể tăng thêm ba phần nhan sắc.
Ai cũng thích cái đẹp, thế nên dù đã nhìn quen rồi, Trường Canh vẫn không nhịn được ngừng thở. Y nhanh chóng chớp mắt một cái, như muốn làm nốt chu sa chói mắt ấy văng ra khỏi tầm nhìn, hắng giọng, âm thanh cao lên: “Thập Lục, uống thuốc đi.”
Thiếu niên đang vỡ giọng, nói chuyện với kẻ điếc dở này hơi tốn sức, cũng may lần này Thẩm Thập Lục nghe thấy, tiếng huyên khiến người ta vãi đái kia dừng ngay lại.
Thẩm Thập Lục híp mắt mới thấy rõ Trường Canh đứng ở cửa: “Không biết lớn nhỏ kêu ai thế?”
Kỳ thực y cũng chỉ hơn Trường Canh bảy tám tuổi, vẫn chưa lập gia đình, và đại khái cũng hơi biết về bản tính bùn loãng không thể trát tường của mình, đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng lẻ loi một mình không cưới nổi vợ, nay chẳng dễ dàng gì đụng trúng thằng con hời khỏi cần nuôi, chỉ hận không thể bám dính lấy, thành thử khi không luôn thích lôi thân phận “cha” ra cường điệu một phen. Truyện Khoa Huyễn
Trường Canh không thèm để ý, cẩn thận bưng bát thuốc đến trước mặt y: “Nhân nóng mà uống đi, uống xong thì mau nằm xuống nghỉ ngơi, không còn sớm nữa đâu.”
Thẩm Thập Lục bỏ huyên xuống, nhận bát thuốc: “Đồ vô ơn, làm con ta không tốt sao? Uổng công ta tốt với ngươi như vậy.”
Y uống thuốc rất ngoan, hiển nhiên đã quen rồi, uống một hơi cạn sạch, lại nhận nước tráng miệng Trường Canh đưa hớp hai ngụm, đoạn xua tay không cần nữa: “Hôm nay bên Trường Dương quan có họp chợ, ta bèn mang về một món thú vị cho con, lại đây.”
Nói xong, Thẩm Thập Lục khom lưng, lục lọi lung tung trên bàn đọc sách. Y không nhìn rõ, chóp mũi thiếu điều cọ lên bàn, Trường Canh bất đắc dĩ đành phải nói: “Tìm cái gì vậy? Để ta tìm cho.”
Tiếp đó lại không nhịn được cằn nhằn: “Ta lớn rồi, người không dưng cứ lôi về một đống đồ chơi con nít cho ta làm gì?”
Rảnh thế chi bằng bớt gây chuyện, để ta có thời gian học thêm một chút hữu dụng – khúc sau chạy một vòng trong lòng, khi sắp đến miệng lại cảm thấy hơi tổn thương người ta, Trường Canh bèn thôi không nói ra.
Thẩm Thập Lục là một kẻ chơi bời lêu lổng, tự mình lãng phí thời gian thì thôi, lại còn luôn lôi Trường Canh đi chung, không phải rủ đi chợ thì là kéo đi cưỡi ngựa, có một lần không biết còn nhặt từ đâu về một con “chó con” cho y nuôi – lần ấy Thẩm tiên sinh sợ tái cả mặt, hóa ra tên mù này chẳng phân biệt được chó với sói, ôm về hẳn một con sói non.
Từ bách hộ quanh năm vắng nhà, lại là người chất phác, tuy rất tốt với Trường Canh, nhưng không thường chuyện trò, tính ra thì trong hai năm mười hai mười ba tuổi quan trọng nhất này, hình như Trường Canh toàn đi theo nghĩa phụ ất ơ Thẩm Thập Lục thôi.
Từ một đứa trẻ ranh thành một chàng thiếu niên ngọc thụ lâm phong, phải có bao nhiêu định lực mới có thể cam đoan mình không bị Thẩm Thập Lục dạy hư?
Trường Canh quả thực không dám nhớ lại.
Trời sinh tính y không ham chơi, mọi việc đều có kế hoạch riêng, chấp hành cũng hết sức nghiêm khắc, không thích người khác quấy rầy, thế nhưng thường xuyên bị Thẩm Thập Lục làm phiền đến phát cáu vô cùng.
Nhưng thường chẳng cáu được lâu, bởi vì Thẩm Thập Lục thật sự thương y như con ruột chứ không hề chỉ chiếm lợi ngoài miệng thôi.
Năm ấy Trường Canh bị bệnh nặng, Từ bách hộ vắng nhà như thường lệ, đại phu đều nói hung hiểm, cũng là tiểu nghĩa phụ bế y về nhà, ngày đêm không nghỉ mà trông nom y suốt ba ngày liền.
Mỗi lần đi ra ngoài, vô luận gần xa, vô luận đi làm gì, Thập Lục nhất định sẽ mang về cho Trường Canh một ít quà vặt hoặc đồ chơi, Trường Canh không ham mấy món này, nhưng không thể không cảm động khi y luôn nhớ đến mình.
Tóm lại, mỗi ngày gặp Thập Lục, can hỏa của Trường Canh sẽ mạnh vô cùng, nhưng không thấy y thì lại luôn bận lòng. Nhiều lúc Trường Canh cũng nghĩ, tuy Thẩm Thập Lục vai không thể gánh, tay không thể vác, văn chẳng thành, võ chẳng tựu, nhưng về sau chưa chừng sẽ có ai mắc lừa coi trọng ngoại hình y thì sao?
Tiểu nghĩa phụ tương lai cũng sẽ cưới vợ sinh con, như vậy có con ruột rồi, y còn nhớ đến đứa con nuôi này không?
Nghĩ tới việc này, trong lòng Trường Canh liền khó chịu không tả nổi. Y tìm được một cái hộp vuông trên bàn Thập Lục, tạm thời dẹp hết những suy nghĩ lung tung trong đầu, thiếu hứng thú mà đưa cho Thẩm Thập Lục: “Cái này à?”
Thẩm Thập Lục: “Cho con đấy, mở ra xem đi.”
Không chừng là cái ná, hoặc một gói pho mát, nói chung là chẳng phải thứ nghiêm túc – Trường Canh mở ra mà không hề chờ mong, thuận miệng càu nhàu: “Dư dả cũng phải tiết kiệm một chút, hơn nữa ta…”
Ngay sau đó, thấy rõ thứ trong hộp, y lập tức ngậm miệng, mắt phút chốc trợn tròn.
Trong hộp lại là thiết oản khấu!
“Thiết oản khấu” kỳ thực là một bộ phận của khinh giáp trong quân, chỉ quấn một vòng trên cổ tay, cực kỳ thuận tiện, bởi vậy cũng thường xuyên bị tháo ra dùng riêng. Thiết oản khấu rộng tầm bốn tấc, bên trong có thể giấu đến bốn thanh tiểu đao, đao chế bằng công nghệ đặc thù, mỏng như cánh ve, còn gọi là “tụ trung ty”.
Nghe nói trong nháy mắt tụ trung ty tốt nhất bị cái chốt trong thiết oản khấu bắn ra, có thể chia đôi sợi tóc cách xa mấy trượng.
Trường Canh kinh hỉ hỏi: “Cái này… người kiếm đâu ra vậy?”
Thẩm Thập Lục: “Suỵt – đừng để Thẩm Dịch nghe thấy, cái này không phải đồ chơi đâu, y nhìn thấy lại cằn nhằn – con biết dùng không?”
Thẩm tiên sinh đang tưới hoa trong viện, y nào có lãng tai, người trong nhà nói gì y đều nghe rõ mồn một, đúng thật là hết cách với cái tên điếc chuyên lấy mình đo người này.
Trường Canh từng đi theo Thẩm Dịch học cách tháo cương giáp, thuần thục đeo thiết oản khấu, bấy giờ mới phát hiện chỗ đặc thù của vật này.
Tụ trung ty chế tác không dễ, dân gian rất ít có, quá nửa thiết oản khấu ngoài chợ đều là hàng cũ trong quân tuồn ra, kích cỡ đương nhiên cũng là của nam tử trưởng thành, nhưng cái Thẩm Thập Lục mang về rõ ràng nhỏ hơn một cỡ, vừa vặn thích hợp cho người thiếu niên.
Trường Canh ngây người, Thẩm Thập Lục liền biết y muốn hỏi gì, rì rì nói: “Ta nghe người bán nói đây là hàng lỗi, không có khiếm khuyết nào khác, chỉ là kích cỡ hơi nhỏ, mãi chẳng có ai hỏi mua, bấy giờ mới bán rẻ cho ta. Ta cũng chẳng dùng làm gì, thôi thì con cầm lấy mà chơi, có điều phải cẩn thận, đừng làm người khác bị thương.”
Trường Canh hiếm khi vui mừng ra mặt: “Đa tạ…”
Thẩm Thập Lục: “Tạ ai?”
Trường Canh thống khoái kêu: “Nghĩa phụ!”
“Có sữa chính là mẹ, đồ khốn nạn!” Thẩm Thập Lục cười, bá vai Trường Canh tiễn ra ngoài: “Mau về nhà đi, tháng cô hồn không được lang thang ở bên ngoài giữa đêm hôm khuya khoắt.”
Trường Canh nghe thế mới nhớ, thì ra hôm nay là rằm tháng Bảy.
Y theo đường cửa hông quay về nhà mình, trong chớp mắt sải bước vào cửa, đột nhiên cảm thấy đoạn huyên Thẩm Thập Lục thổi hơi quen tai, tuy điệu lạc đi tít mù tắp, nhưng ngẫm lại cẩn thận thì thấy mang máng có điệu “Tống Tây” khi dân gian than khóc đưa tang.
“Có hợp không?” Trường Canh nghĩ thầm.
Thẩm Thập Lục tiễn Trường Canh về, cúi đầu tìm một lúc lâu, mới miễn cưỡng nhìn thấy hình dáng cánh cửa, liền cẩn thận cất bước tới đóng.
Thẩm tiên sinh đang chờ trong viện mặt không biểu cảm đưa tay đỡ khuỷu tay y, dẫn y vào nhà.
Thẩm tiên sinh: “Thiết oản khấu rèn từ huyền thiết tốt nhất, ba thanh tụ trung ty bên trong là do Thu Thiên Lâm đại sư tự tay rèn, từ sau khi đại sư chết thì thành tuyệt bản… Hàng lỗi hả?”
Thập Lục không tiếp lời.
Thẩm tiên sinh: “Được rồi, đừng giả câm vờ điếc với ta – Ngươi muốn coi nó như con thật sao?”
“Đương nhiên là thật, đứa trẻ này nhân nghĩa, ta thích,” Thập Lục rốt cuộc lên tiếng, “Vị kia đại khái cũng có ý này – Nếu tương lai có thể cho thằng bé làm con thừa tự của ta, những người đó sẽ yên tâm, nó cũng sống tốt hơn nhiều, chẳng phải lưỡng toàn sao?”
Thẩm tiên sinh trầm mặc một hồi rồi thấp giọng nói: “Đầu tiên ngươi phải để nó đừng hận ngươi đã – Ngươi không lo lắng chút nào sao?”
Thẩm Thập Lục cười cười, vén vạt trường bào đẩy cửa vào nhà.
Y vẻ mặt vô liêm sỉ, nói: “Những kẻ hận ta nhiều lắm rồi.”
Đêm nay, đèn trôi trên sông, hồn về quê cũ.
Chưa đến canh năm, Trường Canh đã thức dậy trong cảnh toàn thân khô nóng, sống lưng rịn một tầng mồ hôi mỏng, khố cũng ướt sũng.
Mỗi một thiếu niên khi sắp sửa trưởng thành, đều phải trải qua một lần kinh hoảng thất thố như vậy – cho dù trước đó có người dẫn dắt.
Nhưng Trường Canh không kinh hoảng cũng chẳng thất thố chút nào, y phản ứng dửng dưng, chỉ ngồi yên giây lát trên giường, rồi đứng dậy dọn dẹp qua loa, trên mặt có vẻ chán ghét không dễ phát hiện. Y ra ngoài gánh một thùng nước lạnh, lau chùi một lần từ đầu đến chân thân thể mới trưởng thành, lấy quần áo gấp gọn đặt bên gối đem thay, uống một hơi cạn sạch trà từ đêm trước, như thường lệ bắt đầu buổi học ngày hôm nay.
Trường Canh không biết người khác là thế nào.
Về phần y, kỳ thực không hề gặp mộng xuân gì, y chỉ mơ thấy một trận tuyết to có thể làm người ta chết cóng ở quan ngoại.
Gió hôm ấy như thổi đám lông trắng tung lên, vô tình thốc qua người, máu trong vết thương chưa kịp chảy ra đã đóng băng, tiếng gầm gừ của đàn sói dần lại gần, nhưng khứu giác không nhạy chẳng ngửi thấy mùi tanh, vừa hít thở liền sặc hơi lạnh thấu xương mang theo vị ngòn ngọt mằn mặn, Trường Canh tứ chi cứng ngắc, phế phủ như thiêu, còn cho là mình sẽ bị nuốt cả thi cốt trong đại tuyết.
Nhưng không hề.
Lúc tỉnh lại, Trường Canh phát hiện mình được một người dùng áo ngoài bọc trong lòng mà bế đi.
Y nhớ người ấy vạt áo trắng như tuyết, ngực thoang thoảng mùi thuốc đăng đắng xa xăm, thấy y tỉnh lại cũng chẳng hỏi gì cả, chỉ lấy một bầu rượu ra cho y uống một ngụm.
Trường Canh không biết đó là rượu gì, sau này y cũng chẳng còn được nếm lại, chỉ nhớ Thiêu Đao Tử ở quan ngoại cũng không mạnh như vậy, nó như một ngọn lửa, xuôi yết hầu chảy xuống, chỉ một ngụm đã đốt cháy huyết dịch toàn thân y.
Người ấy chính là Thập Lục.
Giấc mộng quá rõ nét, đôi tay Thập Lục bế y trong mộng phảng phất còn dán trên người. Đến bây giờ Trường Canh vẫn không sao hiểu nổi, người ấy chẳng phải là ma ốm ư? Giữa băng thiên tuyết địa đáng sợ như vậy, sao lại có đôi tay vững vàng hữu lực đến thế?
Trường Canh cúi đầu nhìn thoáng qua thiết oản khấu trên cổ tay, không biết thứ này làm bằng vật liệu gì, dán trên người một đêm vậy mà chẳng ấm lên chút nào. Nhờ cảm giác lành lạnh của kim loại, Trường Canh lẳng lặng chờ trái tim và dòng máu xao động của mình bình tĩnh lại, y mỉm cười, ném phăng ý nghĩ vớ vẩn “mộng xuân gặp nghĩa phụ” này, sau đó đốt đèn đọc sách như thường lệ.
Bỗng nhiên, phương xa truyền đến tiếng “ù ù”, mặt đất và nhà cửa đều chấn động theo, Trường Canh thoáng sửng sốt, lúc này mới nhớ ra, tính thời gian, thì hẳn là “cự diên” Bắc tuần sắp về rồi.
“Cự diên” là một con thuyền lớn dài hơn năm nghìn thước, lưng thuyền có hai cánh, do ngàn vạn “hỏa sí” tạo thành, lúc cự diên cất cánh, tất cả “hỏa sí” cùng phun ra hơi nước, tựa non tựa triều, tựa sông tựa mộng, bên trong mỗi một “hỏa sí” đều đốt tử lưu kim to bằng cái bát, giữa khói sóng mênh mang lóe ra ánh sáng nhạt màu đỏ tía, thoạt nhìn như vạn gia đăng hỏa vậy.
Kể từ mười bốn năm trước Bắc man cúi đầu tiến cống, vào ngày mười lăm tháng Giêng hàng năm, đều có hơn mười chiếc cự diên từ các đại trọng trấn biên thùy xuất phát Bắc tuần, đều tự đi một tuyến đường đã định, uy nhiếp ngàn dặm, có thể thấy rõ mỗi một chút dị động của người man.
Trừ uy nhiếp và tuần tra, cự diên còn phải phụ trách áp tải cống phẩm hàng năm của các bộ lạc Bắc man về triều, chủ yếu là “tử lưu kim”.
Một chiếc cự diên chở đầy tử lưu kim gần trăm vạn cân, ngay cả tiếng bước chân trở về cũng nặng nề hơn lúc đi vài phần, cách hai ba mươi dặm cũng có thể nghe thấy hỏa sí phun khói ù ù.
Cự diên Bắc tuần tháng Giêng xuất phát, đi nửa năm liền, lưu Hỏa(1) mới trở về.
- Thất nguyệt lưu hỏa xuất xứ từ bài Thất Nguyệt của Khổng Tử, đại ý là tháng 7 sao Đại Hỏa hạ thấp xuống. Ý ở đây là cự diên Bắc tuần từ tháng 1 đến tận tháng 7 mới về.