Diêu Thiện vốn là Khởi Cư lang ngũ phẩm, sau khi được điều sang ty Độ Chi thì trở thành Trung Tán đại phu ngũ phẩm. Ngoài mặt phẩm cấp không tăng, nhưng mọi người đều biết đây là thử thách của Triệu Phụ dành cho Diêu Thiện. Bao giờ Diêu Thiện lập công ở ty Độ Chi, anh ta sẽ lập tức thăng tiến, tiền đồ vô lượng.
Mai Thắng Trạch cũng chuyển từ U Châu về ty Độ Chi làm Trung Tán đại phu. Cả hai đều là Trung Tán đại phu, nhưng Mai Thắng Trạch là quan dưới quyền Diêu Thiện, Diêu Thiện là thượng cấp trực tiếp của Mai Thắng Trạch.
Mai Thắng Trạch vừa về kinh, Đường Thận liền rủ anh đến lầu Tế Hà gặp mặt ngay. Diêu Thiện cũng ghé thăm cùng.
Ba tiến sĩ cùng khóa hân hoan thưởng thức bát hà cung, uống rượu sake ở lầu Tế Hà.
Được ba tuần rượu, Đường Thận nói: “Ty Độ Chi là nha môn từ triều đại trước, chưa bao giờ hoạt động dưới triều đại chúng ta. Bây giờ lập lại, cũng chưa rõ chức năng thế nào. Diêu huynh, Thắng Trạch huynh, mấy hôm vừa rồi hai huynh đã báo danh ở nha môn ty Độ Chi, thế hiện giờ hai người lĩnh nhiệm vụ gì?
Chuyện này không phải thông tin cơ mật. Ty Độ Chi không thuộc hoàng thành và không phải tổ chức đặc nhiệm thân tín của hoàng đế. Các quan trong ty không cần phải e ngại khi chia sẻ với người khác về công việc của mình. Diêu Thiện và Mai Thắng Trạch không nói, Đường Thận cũng có cách tìm hiểu, chỉ phiền phức hơn thôi.
Diêu Thiện chẳng vòng vo, anh ta làm hớp rượu rồi nói: “Tạm thời chưa có việc gì hết. Cảnh Tắc này, anh là anh ngưỡng mộ cậu lắm đấy! Cậu mới thăng lên làm Khởi Cư lang một thời gian đã trở thành Trung Thư xá nhân rồi. Hôm nay xem ra, Trạng nguyên như anh còn không bằng cậu! Mặc dù vậy, trọng trách của ty Độ Chi rất vĩ đại, ích nước lợi dân.” Nói đến đấy, hai mắt Diêu Thiện tỏa sáng, trông anh khí phách như thể đang nói về một nghĩa cử hết sức cao cả, “Ta chỉ có thể nói rằng, ấy là một việc vô cùng tốt đẹp, nhưng cũng đầy thách thức.”
Mai Thắng Trạch nghe Diêu Thiện nói thế thì cười: “Xem ra Diêu huynh biết nhiều hơn ta rồi. Còn ta thì cứ như xẩm sờ gậy, cái gì cũng chẳng hay. Diêu huynh dù sao cũng là Khởi Cư lang, cận kề bên thánh thượng, biết thêm chút tin tức cũng dễ hiểu.”
Đường Thận nói: “Uống rượu nào, chúc hai vị huynh trưởng bay xa vạn dặm!”
“Cạn chén!”
Ba người cùng đánh chén say sưa.
Đường Thận đặt chén rượu xuống, trong lòng đã có suy tính riêng.
Dựa trên những gì Diêu Thiện tiết lộ, cậu có thể phỏng đoán được phần nào nhiệm vụ của ty Độ Chi.
Công việc của ty Độ Chi nhất định có liên quan đến tiền giấy!
Diêu Thiện là Khởi Cư lang, tuy hôm Triệu Phụ truyền Kỷ Ông Tập và Vương Thuyên đến điện Thùy Củng không phải phiên trực của anh ta, nhưng vấn đề chuyển đổi sang tiền giấy không thể nào chỉ thương lượng một buổi là xong. Triệu Phụ nhất định sẽ bàn bạc chuyện này vài lần với các đại thân trong triều. Vì thế, việc Diêu Thiện nghe ngóng được cũng chẳng có gì vô lí.
Nói tóm lại, với tình hình Đại Tống hiện giờ, sự xuất hiện của tiền giấy có phải là một bước ngoặt lí tưởng không?
Chắc chắn đó là một bước phát triển trọng đại.
Đường Thận thở dài: Quả nhiên, rất có thể Vương Thuyên đã lên kế hoạch cải tổ chế độ thuế khóa của Đại Tống thông qua hai mươi ba điều sửa đổi thuế ruộng bấy lâu nay. Nhưng hiện tại, ông muốn mượn cải cách ấy để phổ biến tiền giấy hơn.
Chỉ tiếc cậu không biết họ sẽ làm gì thôi.
Mai Thắng Trạch: “Lại nói, dù Diêu huynh không tiết lộ, ta cũng biết, việc mà ty Độ Chi làm cực kì quan trọng. Cảnh Tắc có biết hôm qua ta thấy ai ở nha môn ty Độ Chi không?”
Đường Thận: “Ai thế?”
Mai Thắng Trạch: “Tham tri Chính sự Môn Hạ tỉnh, Triệu Tĩnh – Triệu đại nhân!”
Đường Thận và Diêu Thiện đều choáng váng.
Diêu Thiện lập tức đặt chén rượu xuống: “Triệu Tham tri đến ty Độ Chi ư? Thế chẳng phải, ty Độ Chi sẽ do ông ấy dẫn dắt à?”
“Nếu không thì làm sao ta gặp Triệu Tham tri ở ty Độ Chi được?”
Diêu Thiện cảm khái: “Quả nhiên là việc trọng đại!”
Triệu Tĩnh là Trạng Nguyên năm Khai Bình thứ ba. Năm nay ông đã bốn mươi bảy tuổi.
Xét về phẩm cấp thì Triệu Tĩnh giống Vương Trăn, đều là quan lớn, nhưng quyền lực của Môn Hạ tỉnh hơi lép vế so với Trung Thư tỉnh. Vương Trăn là Thượng thư bộ Hộ, kiêm nhiệm chức vụ ở cả Thượng Thư tỉnh và Trung Thư tỉnh, về mặt thực quyền thì vị thế của chàng nhỉnh hơn Triệu Tĩnh. Nhưng nếu Triệu Tĩnh trở thành Ty Không của ty Độ Chi thì cũng tương đương với việc san sẻ một phần quyền lực của Vương Trăn. Bước tiến này sẽ đưa Triệu Tham tri lên nắm quyền lớn trong triều.
Bên cạnh đó, Triệu Tĩnh còn một thân phận nữa. Ông ta là môn sinh tâm đắc của Tả tướng Kỷ Ông Tập và cũng là một phần tử trung kiên của phe Tả Tướng.
Tả tướng dốc lòng đề xướng tái thiết ty Độ Chi, việc ông cất nhắc Triệu Tĩnh làm Ty Không là quá hợp tình hợp lý.
Trong lúc Diêu Thiện và Mai Thắng Trạch bận thảo luận tình hình ty Độ Chi, Đường Thận nhíu mày, lòng đầy suy tư.
Những chuyện lớn trên triều đình, đâu có phần của hàng tứ phẩm, ngũ phẩm ruồi muỗi bọn họ.
Vài ngày sau, Triệu Phụ bổ nhiệm Tham tri Chính sự Môn Hạ tỉnh Triệu Tĩnh làm Ty Không ty Độ Chi. Cùng lúc đó, chính thức tiến hành áp dụng chế độ thuế ruộng mới ở Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ. Phía bộ Hộ, Hữu thị lang Tần Tự được điều sang ty Độ Chi, kiêm nhiệm chức Chính phụng Đại phu, giúp bộ Hộ và ty Độ Chi phối hợp với nhau.
Tháng tám, Diêu Thiện và Mai Thắng Trạch bị phái đến Nam Trực Lệ để giám sát quan phủ thực thi hai mươi ba điều cải tổ.
Rằm tháng tám, Triệu Phụ tu tiên trong đài Đăng Tiên xong thì ra ngoài cửa cung. Ông ta ngẩng đầu nhìn vầng trăng tròn vành vạnh trên trời, đột nhiên cảm thấy cơ thể già yếu bấy nay của mình như được thổi một luồng sinh khí mạnh mẽ. Ông ta dừng bước, nói với Quý Phúc ở bên: “Đã bao lâu rồi trẫm chưa làm nên đại sự thế này nhỉ?”
Đại sự?
Đại sự gì cơ?
Quý Phúc đần mặt, lão chẳng tài nào hiểu nổi hoàng đế đang nói gì!
Nhưng dù gì lão cùng là thân tín của Triệu Phụ suốt bao năm nay, Quý Phúc lựa lời mà nói: “Quan gia ngày ngày vất vả lo việc nước, thức khuya dậy sớm, mới có Đại Tống hùng mạnh như ngày hôm nay ạ!”
Triệu Phụ lặng thinh, lắc đầu.
Quý Phúc biết mình bắt trượt ý đồ của Triệu Phụ rồi, nhưng lão còn cách nào khác đây, không nói sai đã là tốt lắm rồi.
Triệu Phụ thở dài: “Nếu có Tử Phong ở đây thì hắn đã hiểu trẫm đang nói gì rồi. Hoặc Phỉ Nhiên, hắn cũng sẽ hiểu!” Không nhắc đến mấy tướng công trong triều là vì Triệu Phụ lười nhắc tên bọn họ. Mấy con cáo già ấy, ai chẳng có chủ kiến riêng, Triệu Phụ không ưa cho lắm, nhưng rất nể trọng họ.
Khi ra khỏi đài Đăng Tiên, Triệu Phụ bỗng nghĩ: “Nếu Cảnh Tắc ở đây, có khi nào cậu ta cũng hiểu ý trẫm?”
Suy nghĩ một lát, Triệu Phụ cười: “Chí ít cậu ta biết dỗ thế nào cho trẫm vui lòng!”
Trong giây lát ấy, bỗng dưng Triệu Phụ nảy sinh ước muốn triệu Đường Thận về. Đường Thận bây giờ là Trung Thư xá nhân tứ phẩm, cậu không phạm tội gì, Triệu Phụ chẳng có lí do gì giáng cậu xuống thành Khởi Cư lang ngũ phẩm để đưa cậu về bên mình cả. Nhưng trên đời chỉ có chuyện hoàng đế muốn làm chứ chẳng có chuyện hoàng đế không làm được. Huống hồ, Triệu Phụ không phải ông vua bù nhìn mặc người ta xoay ngang xoay dọc. Ông ta mà đã muốn lôi Đường Thận về thật, thì chẳng cần Đường Thận mắc lỗi, dù cậu lập công to, Triệu Phụ cũng có cách thuyên chuyển cậu về chỗ mình.
Nhưng ý định ấy chỉ thoáng qua trong đầu Triệu Phụ như một cái chớp mắt rồi bị gạt đi ngay.
Không cần thiết. Ở vị trí hiện giờ, Đường Cảnh Tắc mới càng phát huy tác dụng của cậu ta.
Mà lúc này, vị đại nhân họ Đường giỏi dỗ dành và phỉnh nịnh hoàng đế hiện đang ngồi nhà xơi bánh trung thu thời cổ đại, vừa ngắm trăng vừa suy tư về hướng đi gần đây trên triều đình. Cậu nào có biết, suýt chút nữa mình đã bị Triệu Phụ giáng một cấp, bắt về cung làm Khởi Cư lang!. Đam Mỹ Hay
Nhưng Đường đại nhân càng nghĩ càng bí. Cậu có còn là Khởi Cư lang được cận kề hoàng đế nữa đâu, giờ cậu chỉ là Trung Thư xá nhân dưới quyền Từ Bí thôi!
Từ Bí chỉ cho cậu xử lí tấu chương gửi đến từ Tây Bắc, còn tấu chương từ Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ không hề đến tay cậu. Cậu có muốn biết chuyện gì đang xảy ra trên triều đình cũng không có cách.
Cậu còn một cách là đi hỏi Vương Trăn, nhưng dạo này Vương Tử Phong bận không thấy mặt mũi tăm hơi đâu. Buổi tối hai hôm trước, Đường Thận có đến phủ Thượng thư tặng bánh trung thu. Cậu đợi mãi đến khuya vẫn không thấy Vương Trăn về nhà, đành gửi lại bánh rồi cáo từ.
Nếu không biết Đại Tống có lệnh giới nghiêm và cấm các quan qua đêm với kĩ nữ, khéo Đường Thận đã ngờ rằng sư huynh mình đang thậm thụt chuyện gì!
Đường Thận đắm mình trong ánh trăng, thầm nghĩ: “Hai tháng trước, hoàng đế triệu kiến Kỷ Ông Tập và Vương Thuyên cùng lúc, chắc hẳn đã quyết tâm giao phó cho họ việc sử dụng giấy làm tiền tệ. Kỷ Ông Tập lập lại ty Độ Chi, mượn cớ thúc đẩy tiền giấy, nhưng thực chất là muốn phân quyền, nhân việc này làm suy yếu bộ Hộ.”
Nghĩ đến đây, Đường Thận lại càng tư lự.
… Mọi chuyện có thật thế không?
Việc đưa ty Độ Chi trở lại liệu có phải mưu kế Triệu Phụ đã sắp sẵn?
Quan điểm của Triệu Phụ với việc chuyển đổi sang tiền giấy là như thế nào?
Hồi lâu sau, Đường Thận ngửa mặt lên trời thở dài.
Cậu chỉ là một sinh viên bách khoa thôi, tại sao bắt cậu suy nghĩ những chuyện này chứ!
Không nghĩ ra, Đường Thận liền vứt đấy.
Hết tháng tám, sang tháng chín, cải cách thuế ruộng ở Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ bắt đầu thu về hiệu quả đáng kể.
Việc giảm bớt những loại thuế chồng chéo, ngặt nghèo khiến dân chúng có khoảng trống để thở, cũng khiến tổng thu ngân sách của hai địa phương giảm thiểu đôi chút. Nhưng dựa theo hai mươi ba điều sửa đổi về thuế ruộng, ty Độ Chi phối hợp chặt chẽ với bộ Hộ, giám sát nghiêm ngặt nha môn phủ doãn hai khu vực Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ, cắt giảm các khâu trung gian trong quá trình thu thuế. Cuối cùng, tiền thuế thu về Thịnh Kinh không hề giảm mà còn dôi ra so với năm ngoái.
Tuy con số ấy là rất nhỏ, không đáng kể, nhưng lên triều, Hữu tướng Vương Thuyên đã nói luôn: “Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ giáp với Thịnh Kinh, cải cách thuế ruộng ở hai khu vực này mới chỉ cho thấy thành quả ban đầu. Nếu muốn thấy hiệu quả rõ rệt, cần phải mở rộng cải cách này ra những địa phương xa hơn, đến Ninh Châu ở phía Đông Bắc và Kim Lăng, Cô Tô ở vùng Giang Nam.”
Vương Thuyên nói xong, Triệu Phụ bảo ngay: “Sang năm, hãy thi hành cải cách thuế ruộng ở Giang Nam. Vương tướng, ông có làm hộ trẫm được không?”
Vương Thuyên vái dài: “Thần quyết không nhục mệnh.”
Giữa hàng ngũ quan văn, chợt có một vị quan trung niên với chòm râu rất đẹp tiến lên thưa: “Thần – Tham tri chính sự Triệu Tĩnh, có việc khởi tấu ạ.”
Triệu Phụ: “Nói đi.”
“Trong quá trình làm việc trực tiếp với cải cách lần này, thần vui mừng khôn xiết khi thấy cải cách thuế được thực thi vô cùng thuận lợi ở hai vùng Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ. Nhưng cũng theo quan sát thực tế của mình, thần phát hiện, để tăng tốc độ và hiệu quả cải cách thuế ở những khu vực gần Thịnh Kinh thì không khó, nhưng nếu mở rộng ra toàn quốc, đưa cải cách đến miền Giang Nam thì nan giải hơn nhiều. Thần đã soạn một bản tấu ở đây, xin được trình lên để bệ hạ duyệt.”
Đại thái giám Quý Phúc bước xuống thềm điện, lấy cuốn sổ nhỏ trong tay Triệu Tĩnh.
Triệu Phụ mở sổ tấu ra đọc. Ánh mắt ông ta dao động đôi chút, được một lúc lâu, ông tỏ ra hết sức ngạc nhiên và hiếu kì. Ông ta hỏi Triệu Tĩnh: “Triệu khanh hãy nói cho trẫm biết, ‘phú khế’ là như thế nào?”
Năm Khai Bình thứ hai mươi chín, mùng bốn tháng chín, Triệu Phụ cho phép Tham Tri chính sự Triệu Tĩnh tiến hành cải cách phú khế ở khu vực Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ.
“Phú khế”, tức là khế ước thuế ruộng.
Hai mươi ba cải cách thuế ruộng của Vương Thuyên tập trung cắt giảm lãng phí trong khâu quản lí ở các mắt xích trung gian của quá trình thu thuế. Dựa vào đó, Triệu Tĩnh đề xuất “phú khế.” “Phú khế” chỉ đơn giản là những tờ giấy mỏng có dấu và chữ kí của các quan ở cấp thấp nhất. Những tờ giấy này sẽ được dùng để trình báo thuế lên các cấp cao hơn. Quan lại ở từng cấp đều kí tên, đóng dấu, đến khi thu về Thịnh Kinh, Trung Thư tỉnh sẽ biết thuế ruộng ở các địa phương trong quý này là bao nhiêu.
Dựa trên con số đó, bộ phận Trung Thư tỉnh tại điện Cần Chính sẽ họp và quyết định cách phân phối lượng thuế này. Sau khi có quyết sách, địa phương sẽ giữ lại một phần thuế được phân cho và nộp phần còn lại lên các cấp trên để chuyển về Thịnh Kinh.
Làm như thế sẽ giảm bớt được rất nhiều sức người và tiền của trong quá trình vận chuyển thuế.
Lúc này, một số vị quan nhạy bén đã đánh hơi được sự bất thường ở cái tờ “phú khế” nho nhỏ này.
“Phú khế chẳng phải là lấy giấy thay tiền đó sao?”