Bổn Cung Không Thể

Chương 48: Chuyện cũ




Kỷ Sơ Đào xòe tay ra, để ánh sáng ấm áp bên cửa sổ chiếu vào.
Đầu ngón tay trắng nõn căng bóng, trên móng phủ một lớp sơn đỏ rực, rất hợp với đôi môi đỏ hồng tự nhiên của nàng.
Nhớ lúc nãy Kỳ Viêm nắm tay nàng, dáng vẻ nghiêm túc cầm cọ sơn từng móng, trong lòng Kỷ Sơ Đào cảm thấy bộ móng tay được sơn đẹp đến lạ.
Nàng âm thầm liếc nhìn Kỳ Viêm đang ở bên cạnh, kiềm chế sự vui vẻ, giả vờ bình tĩnh xem xét thật kỹ, nói: “Hình như màu này hơi sáng?”
Không biết có cố ý kéo dài không, Kỳ Viêm dặm lại vài lần cho mỗi móng, đến khi Kỷ Sơ Đào nhỏ giọng nhắc nhở hắn mới đổi sang móng khác. Cứ như vậy, một bộ móng tay được sơn trong nửa canh giờ, đến khi hoàn thành thì đầu ngón tay của nàng đã bị Kỳ Viêm nắm đến nóng lên.
“Không sáng, rất đẹp.” Kỳ Viêm cười nói, hắn cong khuỷu tay chống thái dương, đặt ánh mắt vào gương mặt xinh đẹp của Kỷ Sơ Đào thật lâu.
Giống như khen nàng chứ không phải khen ngón tay.
Kỳ Viêm anh tuấn nổi bật, ánh mắt thì sâu thẳm và nóng bỏng, cả hai thứ đó kết hợp lại thì càng thêm khoa trương. Kỷ Sơ Đào bị hắn nhìn nên ngại ngùng, thu bàn tay ngọc ngà lại, thẳng lưng làm ra vẻ nghiêm nghị nói: “Không được nhìn chằm chằm bổn cung như vậy!”
Kỳ Viêm vẫn không rời ánh mắt đi chỗ khác mà chỉ thay đổi tư thế: “Điện hạ đẹp nên ta ngắm.”
Khi nói câu này, thái độ của hắn rất bình tĩnh, giọng nói trầm ấm êm dịu, không có bất cứ vẻ đùa giỡn nào. Kỷ Sơ Đào đã nghe rất nhiều lời nịnh nọt nhưng chưa từng nghe ai nói thẳng thắn và nghiêm túc được như hắn.
Hắn biết rõ tính tình của nàng tốt.
Kỷ Sơ Đào bất lực, thấy Kỳ Viêm rũ mắt nhìn xuống, nhìn vào mũi giày lộ ra dưới tà váy.
Hắn hơi rũ mắt, nảy ra ý mới, di chuyển cọ sơn móng tay, nói: “Vẫn chưa sơn chân ngọc của điện hạ.”
Mặc dù trong phòng khách rất yên ắng, người hầu đều đứng ở hành lang nhưng Kỷ Sơ Đào vô cớ cảm thấy một luồng hơi nóng đang trào dâng.
Biết được ý định của Kỳ Viêm, nàng thu chân lại, ngồi ngay ngắn, giấu đôi chân đang mang giày tơ sen dưới tà váy, ngại ngùng từ chối: “Chân thì không được.”
Kỳ Viêm chỉ nhìn nàng, cũng không làm gì quá phận, cũng không buông tay, hắn nâng mắt bướng bỉnh nói: “Ta muốn.”
Cũng không biết là sở thích kỳ quái gì.
“Muốn cũng không được!” Kỷ Sơ Đào nhẹ nhàng trừng mắt hắn.
Kỷ Sơ Đào không dám nói ra chân nàng còn nhạy cảm hơn đầu ngón tay, sờ một cái đã run lên. Khi sơn móng tay, cung tì đều hầu hạ cẩn thận theo tính tình của nàng, tuyệt đối không đụng vào gót chân. Những việc như bôi kem dưỡng da đều là nàng tự làm, cung tì thân thiết cũng không được làm, chứ đừng nói đến một nam nhân ngón tay chai sần?
Nếu nam nhân đó là Kỳ Viêm cũng không được, nếu không nhịn được mà đỏ mặt và run lên thì rất mất mặt!
Nghĩ đến điều này, Kỷ Sơ Đào đột nhiên trở nên cương quyết, nàng giật lấy cây cọ sơn móng tay mà Kỳ Viêm đang cầm và giấu ở sau lưng, hậm hực nói: “Đừng có mơ! Nếu được voi đòi tiên thì bổn cung sẽ thu thẻ bài của chàng lại!”
Lúc trước Tết Nguyên Tiêu trêu đùa một nụ hôn, sau đó Kỳ Viêm đã chủ động xin được hầu hạ Kỷ Sơ Đào trong hai tháng, nói là chuộc tội nhưng là chầm chậm bước từng bước vào trái tim của Kỷ Sơ Đào. Bây giờ đã đến kỳ hạn hai tháng nhưng không ai nhắc đến việc trả thẻ bài…
Thấy thái độ của Kỷ Sơ Đào cứng rắn như vậy, Kỳ Viêm chỉ có thể kiềm chế trái tim xao động, gõ gõ ngón tay vào cạnh bàn.
Mặt trời đã khuất núi, tiếng chim ngoài cửa sổ cũng nhỏ dần. Cảnh hoàng hôn yên tĩnh này làm tiếng hô hấp cũng trở nên rất rõ ràng.
Ánh mắt sâu thẳm nhìn lên người làm người ta không bỏ qua được. Đến khi Kỷ Sơ Đào quay đầu nhìn qua thì Kỳ Viêm lại gượng gạo dời ánh mắt đi chỗ khác, quay đầu giả vờ đang ngắm phong cảnh ngoài cửa sổ.
Không được bao lâu thì đôi mắt bất chấp đó vẫn quay về chỗ cũ, nhẹ nhàng dừng trên gương mặt xinh đẹp của nàng.
Không biết từ khi nào, hắn tươi cười nhiều hơn trước mặt Kỷ Sơ Đào, không còn dáng vẻ hung dữ lạnh lùng khi mới gặp. Kỷ Sơ Đào giả vờ không biết hắn nhìn trộm, chỉ cong môi giống như hắn vậy.

Mấy ngày tiếp theo, Kỷ Nguyên đã điều tra rõ vụ án gian lận trong thi cử bằng những biện pháp mạnh. Nhưng tiếc là cấm vệ quân đi bắt giữ đã chậm một bước, thí sinh hối lộ đã tự sát tại nhà, còn người nhận hối lộ đã mất tích không rõ sống chết.
Trời âm u, trong quán trọ hẻo lánh cách thành Bắc ba mươi dặm về phía Bắc, từ cánh cửa rách nát có một nam nhân trung niên gầy yếu phi vào, té vào phòng phụ và lăn vài vòng, y phục xộc xệch, rách nát. Khi bò dậy, nhìn thấy những sát thủ áo đen đi vào cửa tò vò, trong mắt đều là sự sợ hãi.
Nam nhân đó là người nhận hối lộ chạy trốn Trình Tất Đạt, ông ta sợ đến nỗi mặt xám như tro, lui người về sau, nói: “Hạ quan luôn giữ kín như bưng, không hề đưa manh mối nào bất lợi cho các người! Các vị làm ơn nói lời hay với chủ nhân của các vị, tha cho hạ quan một mạng!”
Sát thủ cũng không nói nhiều, túm ông ta lại, giơ thanh kiếm sáng chói trong tay lên.
Trình Tất Đạt tự hiểu cái chết sắp đến, lưng đã sát tường nên không thể lui, ông ta tuyệt vong lấy tay ôm đầu, run rẩy co người lại.
“Kẻ nào?!” Sát thủ đứng đầu quát nhỏ.
Sau đó là âm thanh đấm nhau, tiếng chém nhau của kiếm, phòng phụ nhỏ hẹp tràn đầy âm thanh leng keng, sau đó trở nên yên lặng.
Lưỡi kiếm chưa chém xuống, Trình Tất Đạt lo sợ mở một cái khe nhìn thấy võ tướng cao lớn hiên ngang, ung dung chắp tay sau lưng và nâng gối đá, chỉ nghe thấy âm thanh gãy xương, tên sát thủ đứng đầu phun ra một ngụm máu và ngã trên đất, sau đó không còn động đậy nữa.
Dứt khoát, tàn nhẫn, giết kẻ thù bằng một cú đá.
Vài tên sát thủ khác cũng bị đoàn tùy tùng bắt được, nam nhân bước lên, tháo khớp hàm của vài tên sát thủ để chúng không thể cắn lưỡi hoặc dùng thuốc độc, bây giờ mới thong thả nói: “Giải hết đi, giám sát chặt chẽ.”
Trình Tất Đạt từng nghe giọng nói lạnh lẽo này ở Quỳnh Lâm yến, cũng nhận ra bóng dáng thẳng tắp như mũi kiếm sắc bén này, ông ta nói không nên lời vì sống sót sau đại nạn nhưng càng thêm sợ hãi, run rẩy nói: “Kỳ… Kỳ Tướng quân…”
Kỳ Viêm phủi tro bụi trên vai xuống rồi mới quay người, nhìn người quan văn đang co rúm trong vách tường, hắn lạnh lùng nói: “Đi theo ta, đảm bảo cho ngươi và gia đình được bình an.”
Có lý do gì để Trình Tất Đạt từ chối? Nếu có thể, ông ta thà từ chối món tiền bất chính đó còn hơn rơi vào hoàn cảnh chó chết chủ như hôm nay.
Sau khi xử lý xong mọi việc, Kỳ Viêm chỉnh bao cổ tay da trâu vẫn còn tươm tất, hỏi: “Giờ nào rồi?”
“Sắp đến giờ Dậu.” Tống Nguyên Bạch vừa đạp một chân lên người của một tên sát thủ gian trá vừa trả lời.
Kỳ Viêm cau mày. Lang Gia Vương nuôi tử sĩ* rất cẩn thận, điều tra tung tích của bọn họ mất rất nhiều thời gian.
*Tử sĩ: Chiến binh dám chết.
Đoán rằng yến hội bên Kỷ Sơ Đào sắp kết thúc, Kỳ Viêm xoay người và lên ngựa, dặn dò thuộc hạ: “Bảo vệ nhân chứng, dọn dẹp hiện trường.”
Vừa nói vừa quất roi, nhanh chóng rời đi.
“Gần đây Kỳ Tướng quân luôn bận rộn, ngài ấy bận chuyện trọng đại gì vậy?” Một thuộc hạ đi đến, buồn bực hỏi.
Làm gì có chuyện trọng đại? Có thể là hắn đã quên mất mục tiêu ban đầu khi hợp tác với Lang Gia Vương.
Tống Nguyên Bạch vuốt cằm, chỉ cười và ngao ngán nói: “Thì anh hùng khó qua ải mỹ nhân thôi, các ngươi không nghe thấy mùi chua nồng nặc trên người Kỳ Viêm sao?”
“Chua?” Tên thuộc hạ ngửi tay mình, ngơ ngác nói: “Kỳ Tướng quân ưa sạch sẽ, sao lại có mùi chua chứ?”
Tống Nguyên Bạch trợn mắt lên trần nhà, đập thuộc hạ một cái, phất tay nói: “Làm việc đi!”

Hôm nay là sinh nhật của Kỷ Thù, Kỷ Sơ Đào đã chuẩn bị quà sinh nhật từ sớm để đến chúc chừng.
Kỷ Thù là Đế Cơ từng gả đến nước khác, mặc dù đã trở về nhưng tiệc sinh thần vẫn không quá long trọng, cũng không đãi tiệc rượu, khách đến thăm đều từ chối không gặp.
Kỷ Sơ Đào đi phòng sưởi, nhìn sơ qua thì thấy hơi lạ.
Con tin của địch quốc Lý Liệt bình thường đều đi theo làm bạn, hôm nay lại không ở cùng Kỷ Thù.
Kỷ Thù chưa bao giờ nhắc đến chuyện mà nàng ấy đã trải qua ở Bắc Yến, Kỷ Sơ Đào chỉ phỏng đoán dựa trên một vài chi tiết vụn vặt: Trong mấy năm Đại Ân và Bắc Yến giao chiến với nhau, nhị tỷ sống sót trong kẽ hở của Bắc Yến, có lẽ là Lý Liệt đã cứu mạng nàng ấy trong nhiều lần sinh tử, cho nên nhị tỷ mới chấp nhận hắn ta bám theo như vậy. Đến việc nghiêm trọng như Bắc Yến truy sát cũng không ảnh hưởng đến tính mạng của Lý Liệt.
Nhưng hôm nay không thấy Lý Liệt.
“Hắn ta không nghe lời, làm việc không nên làm, phạt vài hôm mới được.” Nghe Kỷ Sơ Đào hỏi về Lý liệt, Kỷ Thù chầm chậm nói, màu da vốn dĩ đã trắng bây giờ càng thêm nhợt nhạt, giống như không có sức sống.
Cả đời Nhị tỷ có hai tiêu chuẩn: Một là không động vào triều thần của Đại Ân, hai là bao che.
Nàng không điều tra rõ vụ việc, nhưng Kỷ Sơ Đào có thể đoán ra Lý Liệt đã làm việc gì đó ảnh hưởng đến lợi ích của Hoàng đế hoặc đại tỷ nên nhị tỷ mới tức giận
Hôm nay là sinh thần của Kỷ Thù, Kỷ Sơ Đào không nói đến vấn đề làm nàng ấy không vui, ngược lại nàng hỏi thăm bệnh ho của nàng ấy.
Đang trò chuyện thì một người nội thị đứng ngoài điện bẩm vào: “Nhị điện hạ, có người tặng một phần quà sinh nhật đến phủ.”
Kỷ Thù không quan tâm lắm, nhìn qua rồi nói: “Mang đi chất đống trên gác mái là được.”
“Vậy…” Nội thị hơi khó xử, hạ giọng nói: “Điện hạ… Không chất lên gác mái được ạ, món quà đó… là con người.”
Người?
Kỷ Sơ Đào nghĩ thầm ‘Không lẽ vị khách đó biết Kỷ Thù thích trai đẹp nên đưa trai bao tới sao?’.
Nàng đoán đúng rồi, khi nội thị dắt đến một chàng trai áo đen trẻ tuổi, Kỷ Sơ Đào hơi thẳng lưng, đánh giá “món quà” đưa đến cửa này.
Nàng hơi ngạc nhiên, nếu tính về vẻ ngoài thì chàng trai này không đẹp xuất sắc, cùng lắm thì nói rằng ngũ quan dễ nhìn, nhưng đôi mắt rất đẹp,… Kỷ Sơ Đào vô cớ cảm thấy quen nhưng không nhớ đã gặp ở đâu.
Nhìn qua Kỷ Thù, nàng ấy hơi bất ngờ.
Một lúc sau, Kỷ Thù hơi nheo đôi mắt quyến rũ, đứng dậy và bước xuống giường, ra lệnh cho thanh niên áo đen đang quỳ gối trong điện: “Ngẩng đầu lên.”
Thanh niên đó làm theo, ánh mắt rụt rè trốn tránh, hình như hơi lo sợ.
Cảm giác quen thuộc khó tả càng thêm mãnh liệt, mơ hồ và mù mịt, giống như một đoạn ký ức mông lung từ rất lâu.
Kỷ Thù cười, đưa đầu ngón tay lành lạnh nâng cằm người thanh niên, nhỏ giọng hỏi: “Nhà nào tặng ngươi tới đây?”
“Bẩm điện hạ, là nô tài ngưỡng mộ tài hoa của Nhị điện hạ nên cả gan tự tiến cử bản thân.” Người thanh niên rũ mắt trả lời.
“Không tệ, rất can đảm.” Kỷ Thù nói.
Kỷ Sơ Đào lẳng lặng đánh giá, trong lòng càng thêm nghi hoặc.
Thanh niên này không quá đẹp, cũng không quá sắc nét động lòng người, sao Nhị Hoàng tỷ lại để ý hắn ta như vậy?
Nhưng sau đó Kỷ Thù lại nheo đôi mắt đen như mực, thản nhiên nói: “Nhưng gương mặt này cũng không dễ mến lắm, làm bổn cung nhớ đến một người rất đáng ghét.”
Lời vừa mới dứt thì người thanh niên tự tiến cử kia biến sắc, quỳ sát đất xin tha.
Nhưng đã trễ, Kỷ Thù sai người kéo hắn ta đi và đuổi ra khỏi phủ.
Thấy vẻ mặt của Kỷ Thù hơi lạnh lùng, Kỷ Sơ Đào pha ly trà nóng, quan tâm nói: “Nhị Hoàng tỷ, người đó có gì kỳ lạ đúng không?”
Kỷ Thù cầm lấy ly trà nhưng không uống, chỉ híp mắt như đang suy nghĩ điều gì đó: “Nhóc phế vật, muội có thấy hắn ta rất giống một người không?”
Kỷ Sơ Đào gật đầu: “Đúng vậy, nhưng muội không nhớ là từng gặp ở đâu.”
Kỷ Thù im lặng, một lúc sau thì di chuyển sang giữa ghế, chầm chậm nói: “Muội có nhớ trước khi ta gả đi hoà thân, có một tên thái giám ăn nói dè dặt hay đi theo không?”
Nàng ấy nhắc xong thì Kỷ Sơ Đào nhớ ra. Nhưng đã tám năm trôi qua, nàng không nhớ được gương mặt của tên thái giám và người thanh niên kia có giống nhau hay không
Hơn nữa, khi nhị tỷ đi đến phía Bắc để hòa thân, tên thái giám đó cũng đi theo nhưng không có trở về.
“Muội có nhớ lúc ngắm hoa lê trong phủ, ta có nói trên đường đi hòa thân ta từng muốn chạy trốn không?” Kỷ Thù hỏi.
Kỷ Sơ Đào gật đầu.
Đương nhiên nàng vẫn còn nhớ chuyện chấn động đó.
Kỷ Thù khép nửa mắt, lười biếng nói: “Chuyện đó có thật.”
Kỷ Thù kể lại chuyện cũ.
Nội thị đó nói cười khép nép, từ thời niên thiếu theo lệnh làm thái giám dạy lễ nghi riêng cho nhị nữ nhi của Hoàng đế, chuyên về nghi thức hoàng cung.
Tính tình Kỷ Thù rất phóng khoáng, không thích thái độ già dặn và luôn nói về lễ nghĩa của tên thái giám đó, mặc dù tên thái giám rất đẹp nhưng nàng ấy không thích hắn ta. Đôi khi nàng ấy gây sự, làm những việc trái quy củ, nhìn thấy thái giám dạy lễ nghi quỳ sát đất mà khuyên nhủ thì nàng ấy vừa lòng mà cười to.
Biến cố xảy ra, kẻ địch tiếp cận, nàng ấy là một quân cờ bị đưa đến phía Bắc để hòa thân. Vậy mà thái giám dạy lễ nghi lại bỏ hết tương lai của mình, chủ động xin đồng hành với Đế Cơ đi đến phía Bắc.
Nói “đồng hành” nhưng Kỷ Thù biết thật ra hắn theo lệnh của phụ hoàng đang bệnh nặng đến giám sát nàng ấy.
Mọi người đều biết nàng ấy một đi không trở lại, đoàn đưa dâu khóc như đưa tang.
Kỷ Thù không chấp nhận số phận, nỗi hận hóa thành nước mắt rơi xuống, khi nước mắt đã cạn thì biến thành máu do móng tay bấu vào lòng bàn tay. Nàng ấy mới mười bảy tuổi, thanh xuân tươi đẹp như vậy lại bị gả cho vua của nước địch để làm Trắc phi, làm con tin.
Vào đêm bàn giao cho đội đón dâu của Bắc Yến, tranh thủ lúc mọi người uống say, Kỷ Thù định trốn đi nhưng vì sai sót của cung tỳ thế thân, việc trốn thoát của nàng ấy đã bị phát hiện.
Nàng ấy hoảng loạn chạy trốn dưới ánh trăng như sương, chạy thật nhanh trên đồi cát đến khi bị tên thái giám đuổi kịp và cản đường.
“Hắn ta tới bắt tỷ lại sao?” Kỷ Sơ Đào chú ý lắng nghe nên lo lắng hỏi.
Kỷ Thù cười khẽ, lắc đầu nói: “Ban đêm ở phía Bắc rất tối, ta không nhớ được vẻ mặt của hắn ta lúc đó, chỉ biết hắn ta nhìn ta rất nghiêm túc và chỉ nói vài câu ngắn ngủi.”
Hắn nói: “Nô tài cầm chân bọn họ, điện hạ mau chạy đi. Chạy liên tục, đừng ngừng lại!”
Nói đến đây thì Kỷ Thù cười giễu một cái: “Kỳ lạ lắm đúng không? Rõ ràng là hắn đến giám sát ta theo chỉ thị của phụ hoàng, nhưng trong thời khắc quan trọng lại bảo vệ ta và dặn dò ta chạy đi.”
Kỷ Sơ Đào nghe xong thì rất lo lắng, cuối cùng cũng biết lý do vì sao Nhị tỷ tức giận khi nhìn thấy người “giả mạo” lúc nãy.
Ai cũng nói nàng ấy bạc bẽo và đa tình, thật ra nàng cứng đầu hơn ai hết. Tất cả những người cho nàng ấy sự ấm áp thì không thể bị vấy bẩn, Kỷ Sơ Đào cũng vậy, Lý Liệt cũng vậy và tên thái giám kia cũng như vậy.
Nàng ấy sẽ dạy dỗ Kỷ Sơ Đào bằng cách mắng nàng là “nhóc phế vật”, nàng ấy sẽ đánh cho Lý Liệt bị thương nhằm ngăn chặn sự tức giận của đại tỷ để bảo vệ mạng sống của hắn ta, nàng ấy gọi tên thái giám đó là “một người rất đáng ghét” nhưng tám năm sau khi hắn ta chết đi thì không chấp nhận “người thay thế” nào cả…
Nàng ấy sẽ dùng cách riêng để bảo vệ người mà nàng ấy yêu thương.
Mắt Kỷ Sơ Đào cay cay, nhẹ nhàng nắm tay Kỷ Thù.
Tay nàng ấy lạnh băng như ngọc, không có chút ấm áp nào.
Kỷ Thù cười, nhìn đôi mắt đỏ lên của muội muội, vô tư nói: “Chỉ là nghe một câu chuyện cũ thôi mà, sao lại có vẻ mặt như cha mẹ chết vậy? Từ khi sinh ra, ta đã không an phận, sau khi tên thái giám đó chết thì ta đã suy nghĩ kỹ, sống giống như chó chết chủ, tại sao không phá cho hỏng việc?”
Vậy nên nàng ấy lau khô tuyết đọng trên người, lựa chọn mặc giá y và đi về hướng Bắc Yến, đến khi quân thần phản bội và huynh đệ tương tàn lẫn nhau.
“Nhưng ta phải nhắc muội một câu. Chuyện chạy trốn đó, ta chỉ nói với ba người: Muội, A Nguyên và Hoàng đệ… Dựa vào một câu nói của ta đã có thể đoán được điểm yếu của ta, đưa một kẻ thay thế đến để thử ta, người này không đơn giản nha!”
Kỷ Thù rũ mắt, cười nhẹ nói “Nhóc phế vật, nhớ để ý người bên cạnh muội.”
Từ khi Kỷ Sơ Đào rời khỏi phủ của Kỷ Thù, đôi mắt vẫn còn đo đỏ, vẫn còn đắm chìm trong lời nói của Kỷ Thù, không thoát ra được.
Vừa ra cửa đã thấy Kỳ Viêm đứng khoanh tay kế bên xe ngựa, giống như chờ rất lâu rồi, ngẩng đầu nhìn nhánh cây lê mọc leo ra bờ tường một cách xuất thần.
Tháng này đã hết mùa hoa lê nở rộ, chỉ còn lại vài đốm trắng lưa thưa.
Trên giày của Kỳ Viên dính chút bùn, cũng không biết từ nơi nào chạy đến để đón nàng về phủ.
Kỷ Sơ Đào hít hít mùi, vô thức trở nên an tâm, bước qua hỏi: “Kỳ Viêm, chàng đang nhìn gì vậy?”
Kỳ Viêm không nhìn nữa, mơ mộng nói: “Nhìn thấy cây lê này thì nhớ đến trong phủ của điện hạ cũng có vài loài hoa.”
“Hoa lê sao? Quá trang nhã.” Kỷ Sơ Đào nói bằng giọng mũi.
Nàng thích màu sắc tươi sáng.
Đương nhiên là Kỳ Viêm biết sở thích này của nàng, cười nhẹ nói: “Muốn trồng hoa đào cho điện hạ, đào trong “Sơ Đào”.”
Làn gió ấm của cuối xuân thổi tới, giọng nói của người đàn ông rất cuốn hút, Kỷ Sơ Đào hơi giật mình.
Kỳ Viêm nhìn thấy đôi mắt ửng đỏ của nàng, cau mày, trầm giọng hỏi: “Ai làm nàng khóc?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.