Cậu Hai Nhà Họ Bùi

Chương 52: Chu Sa




Tiếp đến là những tiết mục đặc sắc khác như ca trù, hát xẩm, tuồng… Tiết mục mà hai người họ chờ đợi từ đầu đến giờ hoá ra sẽ là tiết mục để kết thúc sân khấu.
Lợn và cậu Hai được ngồi ở hàng ghế đầu để thuận tiện cho việc quan sát hơn, Lợn thì nghĩ -“Ôi may thế, do ăn ở tốt nên chọn được chỗ ngồi tốt”, nhưng đâu có ngờ rằng để có được chỗ ngồi đẹp như vậy là do cậu Hai đã bỏ không ít tiền ra để mua chuộc.
Múa rối nước mà nói, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa người nghệ nhân đang cố gắng truyền đạt nội dung bên dưới mặt nước, trong khi đó con rối ở bên trên, như một công cụ được điều khiển thuần thục dưới đôi tay khéo léo của nghệ nhân.
Đang cử động và diễn những cử chỉ đáng yêu, đôi khi là ngốc nghếch để tạo ra tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Vở mà hôm nay Lợn xem là lấy bối cảnh cánh đồng lúa quen thuộc, có cậu bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo.
Xung quanh còn có lũ trẻ khác đang chăn vịt, những cô thôn nữ má đỏ hây hây đang khom lưng cắt lúa, phía con gạch xa xa còn có những người con trai vạm vỡ đang tát nước.
Những cây đa, bến nước, sân đình, dòng sông hay lũy tre xanh đong đưa theo gió, cánh cò bay lượn trên những cánh đồng lúa chín vàng ươm, tất thảy như được thu nhỏ lại vậy.
Trải nghiệm lần đầu xem múa rối với Lợn thật sự tuyệt hơn cả mong đợi, ai đó mắt sáng như sao, nụ cười rạng rỡ như mùa thu toả nắng, ai đó tim đập thình thịch, lặng lẽ đan những ngón tay của mình vào tay người kia, mỉm cười hạnh phúc.
Kết thúc sân khấu cũng quá giờ hợi, ôi chao ôi vui thì có vui nhưng cái bụng đói meo, chợ ở phố huyện ban đêm náo nhiệt như ban ngày ý, hai bên đường vẫn còn sáng đèn, cậu Hai đứng nhìn dáo dác một hồi lâu.
Nghía qua gánh khoai lang nướng, mùi khoai lang nướng thơm phưng phức rồi xộc lên mũi ý, cậu Hai hỏi Lợn -“Muốn ăn không?”. Lợn gật đầu nhẹ.
Cậu Hai hỏi tiếp -“Đây mua cho đằng ấy nhé?”.
Lợn gật đầu mạnh hơn.
- Nhưng đằng ấy phải ngoan, đứng yên một chỗ, không được đi lung tung.
Lần này là Lợn gật đầu lia lịa luôn.
- Dạ, em biết rồi.
Cậu Hai cười trìu mến, xoa xoa cái đầu Lợn, giúp Lợn chỉnh trang lại cái mũ rồi mới chen vào dòng người tấp nập, giờ cũng vừa tan, những người khác cũng đói y như Lợn, nên cái gánh khoai lang nướng bị bu đông nghẹt luôn.
Cậu Hai vậy mà kiên nhẫn đứng xếp hàng để mua khoai lang nướng cho Lợn ăn chứ lị, sao mà cái người đó đáng yêu như vậy cơ chứ? Thương sao cho hết được.
Lợn nghe lời cậu Hai, ngoan ngoãn đứng yên.
Nhưng bất đắc dĩ thấy một cậu bé bị té ngã xuống đất mới chạy đến đỡ, thì ra là cậu bé ấy đang chen lấn để được cầu nguyện ở gốc cây đa trước cổng nhà hát.
Đỡ cậu bé đứng lên, Lợn ân cần hỏi han.
- Em có sao không?.
Cậu bé mắt ươn ướt nhưng vẫn kiên cường lắc đầu.
- Sao em lại chen lấn như vậy? Chỗ đông người nguy hiểm lắm, biết không?.
- Em muốn cầu nguyện.
- Cầu nguyện?.
Thằng bé giải thích cho Lợn biết là cây đa ở chỗ này linh thiêng lắm, cầu gì được nấy, nghe bảo tháng trước có chị gái thôn khác đến đây cầu nguyện cho thầy hết bệnh, quả nhiên linh nghiệm, bây giờ thầy của chị gái ấy đã hết bệnh và có thể đi đứng, buôn bán như bình thường.
- Thật á? Linh thiêng vậy à?.
- Dạ thật ý ạ, em cũng muốn cầu nguyện cho thầy em đừng đi nhậu rồi về đánh bu nữa.
Lợn giúp cậu bé chỉnh trang lại đầu tóc, và phủi bụi dính trên quần áo. Lòng dâng lên cảm xúc chua xót đến lạ.
- Anh cầu chúc cho những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình em.
- Vâng, em cảm ơn anh.
- Hay anh đứng chờ với em nha, nhân tiện anh cũng muốn cầu nguyện.
- Dạ được.
Lợn bồng cậu bé đến chỗ cây đa, đợi khi những người khác cầu nguyện đã xong rồi mới dám tiến tới, cậu bé mới vừa cầu nguyện xong thì từ xa đã nghe thấy tiếng bu kêu về inh ỏi.
Bu cậu bé còn địu em bé trên lưng, hình ảnh đó thật thân thương, thật gần gũi, cậu bé đó, thật sự rất giống Lợn lúc còn nhỏ.
Lợn nhắm mắt, thành tâm chắp tay nguyện cầu, Lợn khấn gì đó lâu lắm, vô tình một cơn gió thổi qua, thổi bay đi cái mũ trên đầu của Lợn.
Lợn hoảng hốt chạy theo, may là bay ở phạm vi không xa, có một cánh tay đã kịp thời chụp lấy cái mũ, Lợn định cúi đầu cảm ơn thì bàn tay kia vội chụp tay Lợn lại.
Người đàn bà trước mặt Lợn, xinh đẹp, diễm lệ. Bà ấy nhìn Lợn với ánh mắt sâu lắng, miệng còn lẩm bẩm gì đó.
Lợn nhẹ nhàng tách tay bà ấy ra.
- Dạ, cô cho con xin lại cái mũ nhé ạ?.
- À, ừ, mũ của con đây.
Người đàn bà lạ mặt giúp Lợn đội mũ, bàn tay không kiềm được xúc động đã vuốt ve mặt Lợn, Lợn lại không bài xích, hơi ấm từ đôi bàn tay đó, Lợn chẳng thể nào ghét bỏ, nó quen thuộc một cách kỳ lạ.
- Kìa …cô
- Con tên là gì? Con cái nhà ai, năm nay bao nhiêu tuổi rồi.
Lợn gượng gạo trả lời.
- Dạ, con tên Lợn, năm nay con mười hai, con là con của thầy bu con ạ.
- Chẳng hay, thầy bu của con tên gì?.
- Dạ Thầy bu con tên là…
Lợn chưa kịp trả lời trọn vẹn thì cậu Hai đã hùng hổ sấn đến, cậu kéo Lợn về phía sau rồi đứng chắn trước mặt Lợn.
Cậu dè chừng nhìn người đàn bà kia.
Rồi quay sang hỏi Lợn.
- Chẳng phải cậu đã dặn là không được đi lung tung sao?.
Cậu giận rồi, Lợn lí nhí.
- Em xin lỗi.
- Ai vậy?.
- Em không biết.
- Không biết cũng nói chuyện, không biết trong não em chứa gì?.
Cậu chẳng nói chẳng rằng, cậu vác Lợn lên như vác bao gạo. Lợn chỉ ú ú ớ ớ thôi, đến khi hai người họ khuất bóng đằng xa thì bà Diễm mới lấy lại bình tĩnh.
Miệng bà lẩm bẩm một câu.
- Làm sao mà có thể giống nhau đến vậy.
Hai cái chân của bà bất giác tê lại, may là ông Bách đến kịp dìu vợ sang một quán nước, ngồi tạm.
- Bu nó đi đâu mà không nói một tiếng, có biết tôi lo lắng lắm không?.
- Mình à, hình như em vừa mới gặp, gặp…
- Bu nó bình tĩnh, uống một hớp nước, rồi từ từ nói cho tôi nghe.
Ông Bách đưa cho bà Diễm một cốc nước, tay bà Diễm cầm cốc còn run, bà hớp một ngụm rồi đặt cốc xuống bàn.
Giọng bà nấc lên, như đang phải kiềm chế.
- Mình à, hình như em vừa mới gặp Chu Sa, Chu Sa con mình, đứa con gái đáng thương thất lạc của chúng ta.
- Bu nó kể lại đầu đuôi tôi nghe xem nào.
Ông Bách bên ngoài phẳng lặng như nước, nhưng bên trong thì lòng nóng như lửa đốt. Sau khi nghe qua lời kể của bà Diễm vợ ông, thì ông lại càng thêm rối ren.
- Bu nó có chắc là đã nhìn kĩ chưa?.
- Mình à, em dám lấy danh dự của một người mẹ ra khẳng định, em sao có thể nhìn nhầm núm ruột của mình! Chu Sa con em, nó giống y hệt như em ngày còn thiếu nữ.
- Bu nó ngoan, bình tĩnh, tôi thương tôi xin mà.
- Mình biết không, bao nhiêu năm nay ngày nào em cũng mơ thấy con, mà giấc mơ em thấy thật kinh hoàng, em thấy người ta đánh người ta chửi, người ta mạt sát con em.
- …
- Khi nãy, con vừa ở đây, con xinh xắn,cao ráo giống mình còn khuôn mặt thì y chang em, em vừa mới chạm vào khuôn mặt của con, mới đây thôi…Hơi ấm của con vẫn còn đó…
- …
- Em nhớ con, mình ơi, em nhớ con, Chu Sa của em, núm ruột của em…
- Ngoan, nín đi, tôi nhất định sẽ tìm được con, tìm Chu Sa của chúng ta trở về.
- Mình hứa nhé?.
- Tôi hứa với mình.
- Vâng.
- Nên bu nó đừng khóc nữa nhé, mắt bu nó đẹp như này kia mà.
- Mình nỡm ạ, chỉ toàn trêu em.
Ở nơi này, ông Bách dỗ vợ, bà Diễm còn khóc sụt sịt, ngả vào lòng ông để được vỗ về, âu yếm, yêu thương.
Ở một nơi khác, trên xe ngựa, có hai người trầm mặc không nói với nhau câu nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.