Kinh thành Huyễn Đô ban ngày thì đông đúc ồn ào, ban đêm thì rộn ràng như trẩy hội. Ngày nào cũng như thế khiến nơi này dần trở nên trù phú, càng có nhiều dân vùng khác đến làm ăn sinh sống. Nếu hơn mười năm trước thì thành Bạch Hổ, Lâm An và Quản Xuyên là địa bảo của Tây Huyễn, thì mười năm sau khi hai nước sáp nhập thì mọi thứ dần thay đổi, an sinh cũng không còn như cũ.
Giang hồ võ lâm lại khác, chẳng hề thay đổi nhiều gì. Chẳng qua bọn họ không thể tự do tung hoành ngang dọc, thích giết thì giết thích đánh thì đánh được nữa. Quốc pháp được sửa đổi dần trở nên nghiêm ngặt khắt khe kéo theo đó là vô vàng những mâu thuẫn giữa võ lâm và triều đình càng căng thẳng, càng gay gắt trầm trọng hơn. Có thể coi võ lâm như lửa đỏ còn triều đình như sóng dữ, hai bên luôn đối lập nhau dù trong bất kỳ tình huống gì.
Có thể vì triều đình lo sợ khả năng của đám người này, lỡ đâu bọn họ hợp lực với phiến quân tạo phản thì dù có vạn binh tử thủ cũng không thể chống đỡ nổi. Cho nên, triều đình bèn lập ra kế sách chiêu mộ các nhân sĩ giang hồ gia nhập hiệp hội Ẩn Giả, chuyên làm những công việc bí mật do hoàng đế giao phó. Tiền thưởng mỗi thương vụ rất cao, có thể đủ ấm no cả mấy tháng liền, vì vậy hơn một phần ba người trong võ lâm dần dần đầu quân vào nơi này.
Lâu Vĩnh Ninh vừa đi dọc con phố đông đúc sôi nổi vừa nghe Đào Đào kể tích xưa, trong lòng không khỏi cảm thấy thú vị, anh cảm thán: "Đúng là vật đổi sao dời, người của võ lâm đều trở thành sát thủ và lính đánh thuê."
Đào Đào lần đầu tiên nghe được ba chữ này, cậu không khỏi tò mò hỏi: "Lính đánh thuê là sao ạ? Còn có loại quân lính kỳ lạ này nữa ư?"
Anh cười cười giải thích: "Cậu hiểu đơn giản thôi, những người võ công cao cường tụ tập thành hội nhóm hoặc làm việc đơn lẻ, chỉ cần cho họ vàng bạc thì họ sẽ làm bất cứ điều gì cậu yêu cầu."
Đào Đào sáng mắt, ngưỡng mộ nói: "Ôi! Hẳn là phải uy phong lắm, vừa giỏi võ vừa có nhiều tiền."
Anh bật cười, trong lòng thầm nghĩ cậu đã quá đề cao công việc này, vốn dĩ lính đánh thuê đều là những kẻ suy nghĩ không giống với người bình thường. Họ phải đủ nhẫn tâm, đủ mạnh mẽ và dứt khoát mới có thể hành nghề được.
Hãy suy nghĩ thử xem, vì sao lại tồn tại lính đánh thuê? Còn chẳng phải do những kẻ có tiền, có quyền cần làm vài chuyện mà bản thân chúng không muốn đụng tay vào nên mới tìm đến họ hay sao? Giết người, bắt cóc, cướp hàng, giao dịch đen, đa số toàn là những phi vụ nguy hiểm bán cược cả tính mạng. Tuy rằng vẫn còn những nhiệm vụ có ích như giải cứu con tin, gia nhập quân đội trong chiến sự, nhưng đó chỉ là phần ít không đáng kể, quá lắm thì trong mười vụ mới có một ngoại lệ mà thôi.
Một cái nghề nguy hiểm như vậy, thực tế đâu có ai muốn làm. Âu cũng là do hoàn cảnh ép buộc, tiền tài vật chất quyết định tương lai số phận của cá nhân họ, đó cũng là quy luật của xã hội, khó có thể thay đổi.
Đường phố náo nhiệt, ngoài những cửa hiệu lớn ra thì những người buôn bán ven đường cũng không ít. Các mặt hàng cũng rất phong phú đa dạng, nhưng chủ yếu là những thứ thiết yếu, dân thường có thể mua được.
Lâu Vĩnh Ninh tùy tiện tấp vào một gian bán son phấn gần đó, nghía qua một chút, người phụ nữ trạc tuổi trung niên vừa thấy anh vào liền mời gọi: "Công tử, muốn mua phấn tặng ý trung nhân sao?"
Anh lắc đầu, bà lại hỏi: "Vậy chắc mua cho người thân?"
Anh vẫn lắc đầu, nét mặt tươi cười rạng rỡ của bà ta đông cứng lại, ánh mắt chán ghét săm soi Lâu Vĩnh Ninh từ đầu đến cuối. Trong đầu dường như đang nghĩ thứ gì đó rồi bà tặc lưỡi, bà ta phe phẩy quạt điệu bộ khinh thường: "Trông nhã nhặn thế này mà là loại nam nhân đó, muốn gì thì lựa đi."
Anh không quá để tâm đến cái nhìn của bà ta. Đào Đào phía sau thì lại khác, cậu cực kỳ khó chịu với những ai có ý khiếm nhã với nhị công tử nhà cậu. Lâu Vĩnh Ninh cầm lên một hộp phấn rồi mở nắp ra, bên trong là lớp bột trắng mịn, anh dùng ngón tay lướt qua thử xúc cảm khi chạm vào khá ổn.
"Cái này bao nhiêu tiền?"
Bà chủ thấy anh hỏi thế, trong giọng nói tràn đầy mỉa mai vang lên: "Năm mươi văn tiền, phấn đánh lên mặt của con gái nhà lành thôi nên giá rất rẻ."
Bà ta liếc xéo anh, hai chữ con gái này nhấn mạnh thêm mấy phần, làm cho giọng bà càng nặng nề hơn.
Lâu Vĩnh Ninh không nói gì, anh chỉ ra hiệu Đào Đào lấy tiền ra trả, sau đó đổ một ít phấn ra lòng bàn tay, xoa đều rồi phủ lên mái tóc đen như gỗ mun của mình, anh nói với cậu: "Dùng cái này giúp tóc không bị bết vón lại, cậu nên nhớ chỉ phủ một lớp mỏng là được."
Đào Đào gật đầu tiếp thu một kiến thức mới. Đợi đến khi hai người nọ đi khuất bóng, bà chủ gian hàng ngay lập tức lấy một hộp phấn, thử y hệt như cách Lâu Vĩnh Ninh đã làm hồi nãy: "Đúng là không còn bết nữa..."
Tiệm vải Lâu thị nằm ở đường lớn giữa nội thành Huyễn Đô, xung quanh tiệm vải là những khu đất trống, vài gian bán trà và điểm tâm nhỏ mượn nơi này để mở hàng. Hương thơm từ thức ăn, tiếng ồn ào của thực khách, khiến cho tên trưởng quầy trong tiệm vải thấy khó chịu vô cùng.
Lý Tuấn, hay còn được mọi người gọi bằng trưởng quầy Lý là một tên khinh người, lúc nào cũng dùng vẻ mặt kênh kiệu, dùng cái ánh nhìn từ trên cao xuống để đối diện với những chủ quán xung quanh. Thế nên Lý Tuấn gây thù chuốc oán với họ rất nhiều, gã còn thường xuyên gây sự tìm đủ mọi cách để đuổi bọn họ dời đi.
Lần này, cũng không phải ngoại lệ. Trận xô bồ náo nhiệt đang diễn ra ở phía trước, chính là cuộc tranh cãi không hồi kết giữa Lý Tuấn và chủ quán.
"Các người không biết thân biết phận, còn dám mặt dày bày bán ở đây à?"
"Lý Tuấn! Cẩn thận mồm miệng, ngươi quá đáng lắm rồi đấy!"
Tiếng cãi nhau ầm ĩ nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, dân chúng bắt đầu vây xem đông hơn, người làm trong tiệm gấp rút ra can ngăn để tránh xảy ra xô xát. Lâu Vĩnh Ninh vừa đi đến, chợt thấy trước mắt là dòng người vây đông nghẹt, anh không khỏi tò mò tùy ý hỏi thiếu niên đứng ở gần đó: "Chuyện gì vậy?"
"Bên tiệm vải lại gây chuyện với tên bán trà và bà bán mì đó mà."
"Tiệm vải? Là tiệm vải Lâu thị đúng chứ?"
"Đúng đúng! Cái tiệm vải đấy khinh người lắm, họ chỉ làm ăn buôn bán với những kẻ có tiền, dân thường như chúng tôi không với tới được..."
Nói đoạn người nọ nhìn kỹ Lâu Vĩnh Ninh từ trên xuống dưới, tặc lưỡi chề môi: "Xem ra vị công tử đây cũng là người có tiền."
Đào Đào đanh đá chống nạnh, đáp trả: "Thì làm sao? Lại dùng cái thái độ đáng ghét đó để nói chuyện với công tử nhà ta à?"
Lâu Vĩnh Ninh nhẹ nhàng gõ lên đầu cậu: "Nhiều lời, đừng gây sự để người ta nghĩ mình lên mặt."
Tiếp theo sau đó, anh dùng thái độ không thể hòa nhã hơn đối với thiếu niên: "Cảm ơn."
Thấy anh nhã nhặn lịch sự như vậy, trong lòng thiếu niên tự nhiên dâng lên cảm giác áy náy, chỉ mới vài khắc trước còn nghĩ xấu về người ta, mình đúng là đồ nông cạn thiếu chín chắn. Cổ nhân thường hay nói đừng trông mặt mà bắt hình dong quả nhiên không hề sai. Lâu Vĩnh Ninh loay hoay tìm cách chen vào bên trong cố băng qua dòng người tụ tập phía trước. Đào Đào bèn xung phong đi dọn đường cho anh để tránh xô đẩy ảnh hưởng đến nhị công tử nhà cậu.