Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 3:




Khi Mikhail Ivanyts cầm bức thư quay trở lại phòng làm việc thì lão công tước đang ngồi trước bàn giấy, mắt đeo kính, trước mặt và trên mấy ngọn nến có một cái chao đèn. Trên bàn la liệt những giấy má, ông đang đọc các bản thủ cảo của mình với một cử chi hơi long trọng, tay cấm những tờ giấy đưa ra rõ xa; đó là "những nhận xét của ông", như ông vẫn nói, mà ông muốn để lại cho hoàng đế sau khi chết.
Khi Mikhail Ivanyts bước vào, ông đang rơm rớm nước mắt hồi tưởng lại cái thời ông viết những điều ông đang đọc hôm nay.
Ông cầm lấy bức thư ở trên tay Mikhail Ivanyts, bỏ nó vào túi, xếp giấy má lại và cất tiếng gọi Alpatyts nãy giờ vẫn đợi ngoài cửa. Ông đã ghi trên một mảnh giấy những thứ phải mua ở Smolensk và trong khi đi đi lại lại trong phòng, ông dặn dò Alpatyts đang đứng đợi ở cửa.
- Thứ nhất là giấy viết thư, mày nghe rõ chứ, tám xếp, mép giấy thiếp vàng theo mẫu như thế này, mua sơn, mua xi gắn phong bì, theo tờ danh sách của Mikhail Ivanyts.
Ông bước vài bước đi lại lại trong phòng, liếc mắt nhìn quyển sổ ghi chép:
- Sau đó mày trao bức thư của ta đến tận tay tỉnh trưởng về vấn đề tập hồi ký của ta.
Rồi còn phải mua mấy cái then cài cho những cánh cửa của ngôi nhà mới theo đúng kiểu mẫu của công tước bày ra. Lão công tước còn bảo mua một cái hộp bìa đặc biệt để đựng di chúc.
Việc dặn bảo Alpatyts kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Nhưng công tước vẫn chưa chịu để Alpatyts đi. Cuối cùng ông ngồi xuống, bắt đầu suy nghĩ, đoạn nhắm mắt lại, ngủ gà ngủ gật. Alpatyts khẽ cử động.
- Thôi được, mày cứ đi ra, khi cần ta sẽ gọi.
Alpatyts đi ra. Công tước quay trở lại bàn giấy, đưa mắt nhìn lên bàn, sửa soạn giấy tờ một lát đoạn đóng bàn lại và ngồi viết thư cho viên tỉnh tưởng.
Khi ông gắn xi vào phong bì và đứng dậy thì đêm đã khuya. Ông muốn ngủ, nhưng biết rằng mình không thể nào ngủ được, và những ý nghĩ đen tối nhất bao giờ cũng đến với ông khi ông nằm xuống giường. Ông gọi Tikhon đến, cùng y đi khắp các gian phòng để chỉ chỗ đặt giường cho ông đêm nay. Ông xem xét cẩn thận từng góc nhà. Ông thấy chẳng có chỗ nào thích hợp, nhưng cái đi văng thường ngày ông vẫn ngủ ở trong phòng làm việc lại có vẻ bất tiện hơn. Cái đi văng này làm cho ông sợ, chắc hẳn nó làm cho ông nảy sinh những ý nghĩ nặng nề mỗi khi nằm ở đấy. Ông chẳng thấy nơi nào ổn, nhưng dù sao cái góc nhỏ ở trong phòng đi-văng sau chiếc dương cầm ông vẫn thấy vừa ý hơn cả vì ông chưa bao giờ ngủ ở đấy.
Tikhon và một người đầy tớ mang giường đến và bắt đầu dọn giường.
-Kê thế không được, kê thế không được! - Công tước quát, đoạn tự tay đẩy cái giường ra cách góc phòng một quãng, rồi lại kéo lùi về chỗ cũ.
"Thôi được, bây giờ thì đâu vào đấy cả rồi, ta có thể đi ngủ" - Công tước nghĩ thầm và để cho Tikhon cởi áo.
Ông bực mình nhăn mặt trong khi cố gắng cởi áo ngoài và quần đùi rồi cởi quần áo xong, ông buông mình rơi phịch xuống giường và có vẻ như trầm ngâm suy nghĩ trong khi đưa mắt nhìn cặp chân gầy guộc và vàng võ của mình một cách khinh bỉ. Ông không nghĩ ngợi gì nhưng chỉ chần chừ thấy ngài ngại không muốn giơ cặp chân kia lên và nằm duỗi mình trên giường. "Sao mà khó khăn nhọc mệt thế. Chà, miễn sao cái trò dằn vặt này chấm dứt sơm sớm một chút, và chúng mày buông tha ra cho tao yên cái thân" - ông nghĩ thầm. Ông mím môi cố gắng làm động tác ấy, lần này là lần thứ hai mươi nghìn, rồi nằm duỗi thẳng. Nhưng ông vừa mới nằm xuống thì cái giường đã bắt đầu đu đưa từ phía sau ra phía trước, dường như đang thở một cách nặng nhọc. Cứ đêm nào cũng thế, ông nhắm mắt một lát nhưng lại mở ngay ra ngay.
Không, ta đã nói rồi. Không, có một cái gì đây đã xảy ra ở phòng khách. Nữ công tước Maria có nói điều gì nhảm nhí chăng? Hay là cái lão phải gió Dexal kia nói điều gì, à trong túi áo ta có cái gì, ta quên khuấy đi mất.
- Taska! Lúc ăn cơm họ nói việc gì thế?
- Nói về lão công tước Mikhail…
- Thôi im đi, im đi!… - công tước lấy tay đập lên bàn. - Tao biết rồi. Đó là bức thư của công tước Andrey. Nữ công tước Maria đã đọc bức thư này cho ta nghe. Dexal có nói điều gì về Vitebxk ấy.
Bây giờ ta phải xem mới được.
Ông sai lấy bức thư ở trong túi áo lại và bảo kéo chiếc bàn con có đặt cốc nước chanh và cầm lấy một cây nến lại cạnh giường rồi đeo mục kỉnh và bắt đầu đọc. Đến lúc này, trong đêm khuya tịch mịch, trong khi đọc bức thư dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn chao xanh, lần đầu tiên ông mới vỡ nhẽ thấy tầm quan trọng của nó.
"Quân Pháp đã ở Vitebx. Sau bốn ngày hành quân, chúng có thể đến Smolensk, có thể chúng đã đến đây rồi?"
- Tiska!
Tikhon giật mình đứng phắt dậy, nhưng ông lại nói:
- Thôi không cần, không cần!
Ông đặt bức thư ở dưới cọc đèn sáp và nhắm mắt. Ông thấy lại con sông Donao, một buổi trưa rạng rỡ, những đám lau, doanh trại quân Nga, và bản thân ông lúc bấy giờ là một viên tướng trẻ tuổi, mặt không có một nếp nhăn, hoạt bát, vui vẻ, da dẻ tươi tắn, đang bước vào cái doanh trường lộng lẫy của Potyomkin, và đột nhiên một tình cảm ghen tuông cũng mạnh liệt như ngày xưa khi ông trông thấy người sùng thần của nữ hoàng lại sôi sục trong lòng ông.
Rồi ông thấy trước mắt ông hiện ra một người đàn bà dáng hơi thấp, người đẫy đà, khuôn mặt đầy đặn, da vàng - Đó là hoàng thái hậu - Ông thấy lại những nụ cười, nghe vọng lại những lời nói ân cần của hoàng thái hậu khi người tiếp kiến ông lần đầu, và sực nhớ đến khuôn mặt của hoàng thái hậu trong linh cữu, nhớ lại cuộc xung đột giữa ông và ông Zubov(1) ở trước quan tài về quyền được hôn bàn tay của người.
"Ôi! Giá có cách gì sớm quay về thời ấy, làm sao cho tất cả hiện tại chấm dứt chong chóng đi, để cho ta được yên thân!".
Lưxye Gorư, trang viên của công tước Nikolai Andreyevich ở cách Smolensk sáu mươi dặm Nga về phía tây, và cách con đường cái đi Moskva ba dặm.
Tối hôm công tước dặn dò Alpatyts, Dexal xin phép được vào gặp nữ công tước Maria. Ông nói với nàng rằng sức khoẻ công tước không được hoàn toàn bình thường và công tước không nghĩ đến biện pháp để bảo vệ an toàn cho mình, trong khi theo như bức thư của công tước Andrey thì rõ ràng là ở lại Lưxye Gorư không phải không nguy hiềm! Ông kính cẩn khuyên nàng nhờ Alpatyts chuyển cho tỉnh trưởng Smolensk một bức thư, yêu cầu ông ta cho biết tình hình và những nguy cơ đang đe doạ Lưxye Gorư. Nữ công tước Maria ký bức thư do Dexal viết hộ và trao thư cho Anpatyts dặn đưa tận tay viên tỉnh trưởng, và nếu có gì nguy hiểm thì phải trở về báo ngay.
Sau khi nhận được những mệnh lệnh ấy, Anpatyts đầu đội mũ da hải ly trắng (quà của công tước cho lão ta), tay xách cái gậy.
Giống hệt như cái gậy của công tước, ngồi trên một chiếc xe nhỏ có cái điềm bằng da thắng ba con ngựa xám mập mạp. Người nhà đi theo sau, tiễn lão lên đường.
Chuông nhỏ trên xe đã buộc chặt lại và lục lạc đều bọc giấy.
Công tước không cho phép ai đi xe có chuông ở Lưxye Gorư. Nhưng Alpatyts lại thích nghe tiếng chuông và tiếng lục lạc trong khi đi một đoạn đường dài. Những người thân thuộc của Anpatyts, người thư ký, người kế toán, người nấu bếp và người phụ bếp, hai bà già, thằng bé hầu phòng, những người đánh xe ngựa và những người đầy tớ khác đều ra tiễn.
Cô con gái của Alpatyts đặt sau lưng và trên chỗ ngồi của lão mấy chiếc gối độn lông bọc vải hoa. Bà em vợ già dúi cho lão ta một cái gói nhỏ. Một người đánh xe ngựa xốc nách đỡ lão lên xe.
- Chà chà, lại những chuyện đàn bà! Những chuyện đàn bà!
Alpatyts vừa thở hổn hển vừa nói nhanh, y hệt như lão công tước, cho người quản lý, Alpatyts không bắt chước ông chủ nữa: lão cất mũ để lộ cái đầu hói và làm dấu thánh ba lần.
- Nếu có việc gì xảy ra… thì ông phải trở về đây ông Yakob Alpatyts ạ: vì chúa: xin ông thương hại chúng tôi với - vợ lão nói với lão ý muốn ám chỉ những tin đồn đại về chiến tranh và quân địch.
- Chuyện đàn bà, toàn những chuyện vớ vẩn của đàn bà… - Alpatyts lẩm bẩm một mình và ra đi.
Lão đưa mắt nhìn qua cánh đồng ở xung quanh: những đám lúa mạch đã vàng, những đám yến mạch xanh tốt, những thửa đất còn đen mới bắt đầu cày. Alpatyts ngồi trên xe ngắm nhìn những thửa ruộng mùa xuân năm nay hẳn là bội thu, nhìn những đám lúa mạch đây đó đã bắt đầu gặt, nghĩ đến việc gieo giống, đến mùa màng, và nhẩm lại xem mình có quên mệnh lệnh nào của công tước chăng. Sau khi bận dừng lại dọc đường để cho ngựa ăn, chiều ngày mồng bốn tháng Tám Alpatyts vào thành phố.
Dọc đường, lão vượt qua những đoàn xe vận tải và những đoàn quân. Khi đến gần Smolensk, lão nghe xa xa có tiếng súng nổ nhưng không để ý. Điều khiến lão chú ý nhất là khi đến gần Smolensk, lão thấy một cánh đồng yến mạch rất tốt bị lính cắt, hẳn là để lấy lúa làm cỏ cho ngựa ăn, và gần đây quân đội đã hạ trại, cảnh tượng này làm lão ngạc nhiên, nhưng lão lại quên ngay trong khi nghĩ đến những việc mình làm.
Đã hơn ba mươi năm nay, tất cả ý nghĩa của cuộc đời Alpatys đến thu hẹp vào phạm vi ý muốn của mình công tước và không bao giờ lão vượt ra ngoài phạm vi ấy. Tất cả những điều gì không liên quan đến việc thực hiện những mệnh lệnh của ông chủ không những không khiến lão quan tâm, mà thậm chí đối với lão những cái đó cũng không hề tồn tại nữa.
Chiều ngày bốn tháng Tám, khi đến Smolensk, Alpatyts dừng lại ở bên kia sông Dniepr, ở ngoại ô Gasta trong cái quán của Ferapontov trước kia làm nghề gác cổng. Đã ba mươi năm nay, lão vẫn thường nghỉ trọ ở đây. Cách đây mười hai năm Ferapontov nghe theo lời Alpatyts có mua một cánh rừng nhỏ của công tước và bắt đầu lo việc buôn bán: Ngày nay ông ta có một ngôi nhà, một cái quán, và một cửa hàng bột. Ông ta là một người đẫy đà trạc bốn mươi tuổi, bụng phệ, tóc đen, mắt đỏ, có đôi môi dầy, cái mũi sư tử, những u nhỏ nổi lên trên cặp lông mày đen nhíu lại.
Ông ta đang đứng trước cứa hàng quay mặt ra phía dường cái: mình mặc áo gi-lê, ngoài khoác chiếc áo thụng vải hoa. Nhìn thấy Alpatyts, Ferapontov lại gần nói:
- Chào ông Yakob Alpatyts. Người ta thì rời khỏi thành phố, còn ông lại đến đây - Ông chủ quán nói.
- Rời khỏi thành phố - Thế là thế nào? - Alpatyts hỏi.
- Nào có gì đâu, dân họ ngốc lắm - Họ cứ sợ dân Pháp.
- Ồ toàn chuyện vớ vẩn của đàn bà, toàn chuyện đàn bà! - Alpatyts nói.
- Tôi cũng nghĩ thế ông Yakob Alpatyts ạ. Tôi nói: một khi đã có lệnh không cho chúng vào thì sợ gì nữa phải không ông? Ấy thế mà các bố nông dân đòi ba rúp một xe độc mã, rõ thật là táng tận lương tâm!
Yakob Alpatyts lơ đãng nghe ông ta nói. Lão bảo đem ấm lò đến và đem cỏ khô cho ngựa ăn rồi uống nước trà và đi ngủ.
Suốt đêm hôm ấy, quân đội nườm nượp kéo qua trước cửa hàng.
Sáng hôm sau, Alpatyts mặc cái áo ngoài mà lão chỉ mặc những khi ra phố, và đi làm những công việc chủ dặn. Sáng hôm ấy trời nắng ráo và đến tám giờ đã nóng bức. "Thời tiết này mà gặt lúa thì tuyệt" - lão nghĩ thầm.
Từ sáng sớm, ở bên kia thành phố đã nghe tiếng súng trường nổ. Từ tám giờ sáng, nghe có tiếng đại bác xen lẫn với tiếng súng trường. Ngoài đường thấy có rất đông người đang vội vã đi đâu không rõ, lại có rất nhiều lính tráng, nhưng cũng như mọi ngày những chiếc xe ngựa chở khách vẫn đi lại, những người bán hàng vẫn đứng trước cửa hàng và trong các nhà thờ vẫn làm lễ. Alpatyts ghé vào các cửa hàng, các công sở, ghé vào bưu vụ, ai ai cũng nói đến quân đội, nói đến việc quân địch tấn công thành phố; mọi người đều tìm cách làm cho người bên cạnh yên tâm.
Trong nhà viên tỉnh trưởng, Alpatyts thấy một đám người rất đông, mấy tốp lính cô-dắc và cái xe hòm của viên tỉnh trưởng. Bước lên thềm lão gặp hai người quý tộc trong đó có một người quen. Người này, trước kia vốn làm cảnh sát trưởng đang nói rất hăng:
- Đã bảo đây không phải chuyện đùa mà! Những anh nào một thân một mình thì còn khá. Một thân một mình mà gặp điều bất hạnh thì chỉ thiệt có một người. Nhưng nếu có một gia đình mười ba miệng ăn, lại thêm bao nhiêu của cải nữa… Chúng nó làm mình khuynh gia bại sản… tướng với tá gì mà lại như thế? Phải tay tôi thì tôi treo cổ hết quân kẻ cướp này!
- Thôi ông đừng nói sạo - người quý tộc kia nói.
- Tôi cần quái gì, ai muốn nghe mặc người ấy. Dù sao chúng mình cũng không phải là chó - viên cựu cảnh sát trưởng nói; đoạn quay lại nhìn và nhận ra Alpatyts.
- À bác Yakob Alpatyts, bác đến đây làm gì thế?
- Cụ lớn bảo tôi đến gặp quan tỉnh trưởng - Alpatyts đáp, ngẩng đầu lên một cách kiêu hãnh và đút một tay dưới vạt áo - mỗi khi nói đến ông chủ lão vẫn làm như vậy. - Công tước có lòng sai tôi đến hỏi tình hình…
- Tình với hình gì - Người quý tộc nói. - Họ làm ăn thế nào mà chẳng còn xe vận tải, chẳng còn cái gì nữa hết. Đấy tình hình đấy, bác đã nghe chưa? - người kia vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía có tiếng súng trường vọng lại. - Họ làm ăn thế này rồi chúng mình chết cả nút… Quân ăn cướp!
Alpatyts lắc đầu rồi bước lên cầu thang. Trong phòng đợi, thương nhân, đàn bà, công chức lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau. Cánh cửa phòng giấy mở ra, mọi người đứng dậy tiến về phía trước. Một viên công chức bước ra có vẻ vội vàng, nói mấy tiếng với thương nhân, bảo một viên công chức béo đeo huy chương đi theo ông ta, rồi lại biến mất sau cánh cửa, hẳn là để tránh tất cả những cái nhìn hướng về phía mình cũng như tránh mọi câu hỏi. Alpatyts bước tới và khi viên công chức này xuất hiện lần thứ hai, lão liền đến gần, một tay đưa ra hai phong bì, một tay đút vào áo ngoài.
Thư của đại tướng tổng tư lệnh Bolkonxki gửi nam tước As - Lão nói, giọng dõng dạc và trang trọng đến nỗi viên công chức kia quay lại và cầm lấy hai phong thư. Vài phút sau quan tỉnh trưởng tiếp Alpatyts và hấp tấp nói với lão:
- Anh thưa với công tước và công tước tiểu thư rằng tôi không biết tin tức gì hết, tôi chỉ làm việc theo mệnh lệnh trên. Mệnh lệnh đây này.
Ông ta đưa cho lão một tờ giấy.
- Dù sao, vì công tước đang ốm, tôi khuyên công tước nên đi Moskva. Tôi cũng sắp đi đây… - Nhưng viên tỉnh trưởng không kịp nói hết, một viên sĩ quan mồ hôi như tắm, người phủ đầy bụi, chạy tọt vào phòng và nói với viên tỉnh trưởng bằng tiếng Pháp. Khuôn mặt của viên tỉnh trưởng lộ vẻ khiếp sợ. - Anh đi đi… - ông ta hất hàm nói với Alpatyts và bắt đầu hỏi viên sĩ quan.
Những cái nhìn thèm thuồng, sợ hãi và lo lắng đổ về phía Alpatyts khi lão ra khỏi văn phòng viên tỉnh trưởng. Trong khi hối hả trở về quán trọ, Alpatyts bất giác lắng nghe những tiếng súng nổ lúc này đã gần và ngày càng vang dội. Tờ giấy viên tỉnh trưởng trao cho lão viết như sau:
"Tôi xin cam đoan với ngài rằng thành phố Smolensk sẽ không gặp điều gì nguy hiểm, dù là nhỏ nhất và không có lý do gì để cho rằng nó đang bị uy hiếp. Một bên là tôi, một bên là công tước Bagration, chúng tôi đều tiến quân và hai đạo quân sẽ gặp nhau trước Smolensk ngày hai mươi tháng này, hai đạo quân này sẽ hợp toàn lực bảo vệ đồng bào trong tỉnh ở dưới quyền cai trị của ngài cho đến khi những sự nỗ lực của chúng tôi buộc quân thù phải rút lui hay cho đến khi những hàng quân anh dũng của chúng tôi gục xuống cho đến người lính cuối cùng. Như vậy, ngài hoàn toàn có quyền báo cho nhân dân Smolensk hãy an tâm bởi vì một khi đã được hai đạo quân anh dũng như vậy bảo vệ thì người ta có thể tin chắc vào thắng lợi" (Nhật lệnh của Barclay de Tolly gửi cho nam tước As, tỉnh trưởng Smolensk: năm 1812).
Dân chúng đổ ra đường có vẻ lo lắng. Những chiếc xe vận tải chở đầy ăm ắp những bát đĩa, bàn ghế, tủ con, kéo nhau ra khỏi cổng thành và ùa ra đường cái.
Trước ngôi nhà ở bên quán trọ của Ferapontov cũng có mấy cỗ xe vận tải; mấy người đàn bà chia tay nhau vừa khóc vừa kể lể. Một con chó sủa ăng ẳng chay quanh quẩn trước mấy con ngựa đã thắng vào xe.
Alpatyts bước vào sân nhà vội vã hơn ngày thường và tiến thẳng đến chuồng ngựa, nơi lão gửi cỗ xe và mấy con ngựa nhà công tước.
Người đánh xe đang ngủ; lão đánh thức anh ta dậy, sai thắng xe rồi bước vào nhà. Trong phòng của chủ nhà có tiếng trẻ khóc, tiếng đàn bà nức nở rất thảm thiết, có tiếng quát giận dữ và khản đặc của Ferapontov. Alpatyts vừa bước vào phòng ngoài thì chị nấu bếp kêu toáng lên như một con gà mái hốt hoảng.
- Ông ta đánh bà chủ - Ông ta đánh bà chủ chết mất: ông ta cứ nện và lôi bà chủ xềnh xệch…
- Tại sao? - Alpatyts hỏi.
- Vì bà ấy đòi đi. Đàn bà bao giờ chả thế! Bà ta nói: ông đưa tôi đi đừng để mẹ con tôi chết, người ta đi hết cả rồi, mình còn đợi cái gì nữa chứ? Thế là ông ta bắt đầu nện… ông ta cứ thế mà nện và kéo bà ta xềnh xệch.
Alpatyts gật đầu tỏ ý tán thành những lời nói này, và không muốn nghe thêm gì nữa, lão đi về phía cửa trước mặt, dẫn vào phòng của chủ nhà, nơi lão đã để các thứ mới mua ngoài phố.
- Đồ dã man, đồ giết người!
Vừa lúc ấy người đàn bà gầy gò, xanh xao, tay bế một đứa bé, khăn bịt đầu sổ tung, chạy vụt ra khỏi phòng, lao về phía cầu thang gác dẫn ra sân và thét lên. Ferapontov cũng ra theo. Trông Alpatyts, ông sửa lại cái áo gi-lê, sửa lại mái tóc ngáp một cái, rồi bước theo Alpatyts vào phòng trong.
- Ông định đi đấy à? - Ông ta hỏi.
Không đáp lại câu hỏi ấy, cũng không nhìn chủ nhà, Alpatyts sắp xếp lại các thứ vừa mua được và hoti Feraponlov xem phải trả bao nhiêu tiền.
- Việc đó ta sẽ bàn sau. Này ông. Ông vừa đến nhà ông tỉnh trưởng phải không? - Ferapontov hỏi. - Người ta quyết định thế nào?
Alpatyts trả lời là ông tỉnh trưởng không nói gì dứt khoát hết.
Ferapontov nói:
- Ông tính công việc làm ăn như việc của chúng tôi mà dọn đi đâu bây giờ? Chỉ đi đến Dorogobuie thôi mà mỗi xe chở hàng mà họ đã đòi tới bảy rúp. Tôi nói thực: họ thật không còn là người Cơ đốc giáo nữa. Thằng cha Xelivanov thật là may. Hôm thứ năm hắn bán bột cho quân đội mỗi bì chín rúp. Này ông. Ông uống trà chứ? - Ferapontov nói thêm.
Trong khi người nhà thắng xe, Alpatyts vừa uống trà vừa nói đến giá lúa mì, nói chuyện mùa màng: thời tiết này thật tốt cho việc gặt hái.
- Tiếng súng xem ra bắt đầu ngớt… - Ferapontov nói sau khi uống xong ba ly trà và đứng lên. - Thế nào quân ta cũng thắng. Người ta đã bảo là nhất định không cho chúng vào mà. Như thế nghĩa là chúng ta mạnh hơn… Nghe nói hôm nọ Matvey Ivanyts Platov đã hất cổ chúng xuống sông Marina chỉ trong một ngày chúng đã chết đuối mất đâu đến một vạn tám nghìn đứa.
Alpatyts thu xếp lại tất cả những đồ đạc vừa mua, trao cho người đánh xe khi anh ta bước vào phòng và trả tiền cho chủ quán.
Ở ngoài cổng có tiếng bánh xe của chiếc xe nhỏ đang đi xa, tiếng chân ngựa nện trên đất lóc cóc và tiếng lục lạc lanh canh.
Alpatyts liếc mắt nhìn qua cửa sổ rồi bước về phía cửa. Đột nhiên, xa xa có tiếng rít kỳ lạ kèm theo tiếng một vật gì rơì xuống và sau đó tiếng pháo gầm lên, kéo dài, làm cho những tấm kính ở của rung lên bần bật Alpatyts đi ra phố; trên đường cai có hai người đang chạy về phía cầu. Từ nhiều phía có tiếng đạn bay vù vù, tiếng tạc đạn và pháo đạn rơi xuống thành phố nổ tung lên. Nhưng những tiếng đóng này hâu như dân cư không ai nghe thấy và không chú ý bằng tiếng súng gâm lên ở ngoài thành phố. Theo lệnh của Napoléon, từ lúc năm giờ nã vào Smolensk. Thoạt tiên dân cư không hiểu ý nghĩa cuộc pháo kích này.
Lúc đầu, tiếng tạc đạn và pháo đạn rơi xuống chỉ kích thích trí tò mò của dân phố. Vợ của Ferapontov từ nãy đến giờ vẫn đứng khóc sụt sùi dưới nhà kho bỗng im bặt, đứa con đi về phía cổng lặng lẽ đứng nhìn những người qua lại và lắng tai nghe những tiếng động. Chị nấu bếp và người bán hàng cũng ra thềm. Họ đều tìm cách nhìn theo những quả tạc đạn bay trên đầu, có vẻ tò mò, thích thú. Còn mấy người từ góc phố đi lại, hăm hở trò chuyện.
- Mạnh thật! - một người nói - Mái nhà, trần nhà đều nát vụn ra cả.
- Nó cày đất lên như lợn ta lấy mõm ủi vậy, - một người khác nói - Ghê thật, khiếp cả người. - hắn cười và nói thêm. - May phúc mà cậu nhảy phắt sang một bên, không thì nó xơi cậu nát nhừ rồi.
Dân phố gọi họ. Họ đứng lại và kể rằng một quả tạc đạn đã rơi xuống cái nhà ngay bên cạnh nhà họ. Trong lúc đó đạn vẫn thi nhau bay trên đầu, tiếng rít nhanh và ghê rợn của pháo đạn, chen lẫn tiếng vun vút dễ chịu của tạc đạn. Nhưng không có quả đạn nào rơi xuống gần, tất cả đều bay vượt qua. Alpatyts lên xem. Người chủ quán đứng ở bên cổng.
- Có gì đâu mà nhìn với ngó! - Ferapontov quát chị nấu bếp mặc váy đỏ ống tay áo xắn lên, hai khuỷu tay trần đung đưa, lúc bấy giờ đã ra tận góc phố để xem người ta nói gì.
- Lạ thật. - Chị lẩm bẩm, nhưng nghe tiếng chủ, chị liền chạy về, vừa chạy vừa kéo váy xuống.
Người ta lại nghe thấy một tiếng gì rít lên nhưng lần này rất gần, và như một con chim từ trên cao sà xuống, một tia chớp sáng loé lên giữa phố, một tiếng nổ vang lên và khắp dãy phố mù mịt những khói.
- Khốn nạn! Mày làm sao thế? - Người chủ nhà quát lên và chạy về phía chị nấu bếp.
Cũng trong lúc ấy, tiếng đàn bà rên ta vang lên từ bốn phía, một đứa trẻ hoảng sợ khóc oà lên và đám đông im lặng, mặt tái xanh, xúm quanh chị nấu bếp. Tiếng rên rỉ kêu ta của chị át cả những tiếng khác ở trong đám đông.
- Ôi, ối, làng nước ơi, anh em ơi! Đừng để tôi chết, làng nước ơi!…
Năm phút sau, ở ngoài đường không còn ai nữa. Người ta dã mang chị nấu bếp vào nhà bếp, đùi của chị đã bị một mảnh tạc đạn bắn gãy. Alpatyts, người đánh xe của lão, vợ con của Ferapontov, người coi cổng đều đã nấp vào hầm rượu, lắng tai nghe ngóng.
Tiếng gầm của đại bác, tiếng rít của tạc đạn và to hơn cả là tiếng rên ta của chị nấu bếp, vẫn không lúc nào dứt. Bà vợ chủ quán khi thì ru và dỗ con, khi thì hỏi tất cả những người vào nấp ở hầm rượu với cái giọng thì thào rên rỉ xem ông chồng nãy giờ vẫn ở ngoài đường nay ở đâu. Người bán hàng vừa vào hầm bảo là chồng ba đang theo người ta đến nhà thờ rước bức thánh thần kỳ của thành Smolensk đi nơi khác.
Đến chập tối, tiếng đại bác ngớt dần. Alpatyts ra khỏi hầm rượu và dừng lại ở ngưỡng cửa. Bầu trời chiều trước đây trong sáng nay đã đen kít những khói. Và qua lớp khói này vành trăng lưỡi liềm hiện lên, cao vòi vọi, chiếu xuống đất một ánh sáng kỳ ảo. Sau khi tiếng gầm dữ dội của đại bác đã ngớt, thành phố lại chìm trong im lặng, chỉ có tiếng chân bước, tiếng rên rỉ, tiếng gọi í ới xa xa, tiếng nổ lách tách của những dám cháy. Những âm thanh này nghe như lan rộng ra khắp thành phố. Những tiếng rên rỉ của chị nấu bếp giờ đã im bặt. Từ hai phía những cột khói đen bốc lên từ các đám cháy và toà rộng ra. Ngoài phố, những tốp lính mặc quân phục khác nhau kéo qua, kẻ thì đi, người thì chạy, mỗi người một phía, không có hàng ngũ gì cả, trông như đám kiến vỡ tổ. Alpatyts thấy một người trong bọn họ kéo nhau vào sân nhà Feraponlov. Alpatyts bước ra cổng. Một trung đoàn trong khi rút lui vội vã chen chúc nhau, xô đẩy nhau làm nghẽn cả đường phố.
- Thành phố bị bó ngỏ rồi! Đi đi thôi đi đi thôi. - Một sĩ quan trông thấy bóng Alpatyts liền nói: đoạn quay lại quát binh sĩ.
- Đứa nào dám mò vào sân nhà người ta thì sẽ biết tay tao.
Alpatyts quay vào nhà, gọi người xà ích bảo đánh xe ra. Tất cả những người nhà của Ferapontov cũng ra theo Alpatyts và người đánh xe. Trông thấy khói và cả những ngọn lửa của các đám cháy bây giờ đã hiện rõ trong bóng hoàng hôn, người đàn bà nãy giờ im lặng bỗng cất tiếng kêu khóc than vãn. Như thể phụ hoạ với họ ở hai đầu phố cùng vang lên những tiếng kêu khóc như vậy. Ở dưới mái hiên, Alpatyts và người đánh xe tay run lẩy bẩy đang lo ngỡ những sợi dây cương và dây thắng đang mắc vào nhau.
Khi xe đã ra khỏi cổng, Alpatyts thấy trong cửa hàng của Ferapontov đang mở cửa, có mười người lính miệng nói bô bô, tay lo nhét bột mì và hạt nhân sa vào bị. Vừa lúc ấy Ferapontov ở ngoài phố về. Nhìn thấy tốp lính ông ta toan kêu lên nhưng rồi bỗng im bặt, giơ hai tay túm lấy tóc và phá lên cười, tiếng cười nghẹn ngào nghe như tiếng nấc.
- Anh em cứ mang hết đi, mang hết đi cho tôi! Đừng có để gì cho bọn quỷ sứ kia - Ông ta vừa nói vừa vơ mấy cái bị cột vất ra đường.
Mấy người lính sợ hãi bỏ chạy, mấy người lính khác vẫn tiếp tục nhét bột vào bị. Trông thấy Alpatyts, Ferapontov quay về phía lão:
- Thôi thế là xong! Nước Nga đi đời rồi! - Ông ta kêu lên - Ông Alpatyts ơi, nước Nga đi đời rồi! Tôi sẽ thân hành châm lửa đốt nhà. Thế là hết!… - Ông ta chạy bổ ra ngoài sân.
Ngoài đường đông nghịt những tên lính, ùn ùn kéo đi không ngớt làm cho xe Alpatyts không sao đi được, đành phải nán đợi. Vợ của Ferapontov cùng ngồi với các con trên một chiếc xe tải đợi lúc có thể đi được.
Trời đã tối mịt. Trên bầu trời lác đác những vì sao và vành trăng lưỡi liềm chốc chốc lại chiếu sáng qua màn khói phủ. Khi đi xuống sông Dniepr, chiếc xe của Alpatvlts và chiếc xe của bà vợ Ferapontov đang đi chầm chậm giữa những đoàn xe khác và những hàng binh sĩ bỗng phải dừng lại. Gần ngã tư nơi xe dừng, một ngôi nhà và mấy cái cửa hàng đang cháy ở trong một ngõ hẻm. Đám cháy đang tàn dần. Ngọn lửa khi thì tắt ngấm và lấp hẳn trong đám khói đen, khi thì bừng lên chiếu sáng một cách rõ rệt lạ lùng khuôn mặt của những người đang chen chúc nhau ở ngã tư. Trước đống lửa, những bóng đen vật vờ qua lại, và qua tiếng lửa nổ lép bép liên hồi có thể nghe những tiếng kêu la ơi ới. Alpatyts xuống xe, và thấy chẳng dễ gì mà có thể đi được ngay, bẽn lẽn vào trong ngõ để xem dám cháy gần hơn. Binh sĩ đi đi lại lại không ngớt trước đám cháy, và Alpatyts thấy hai người lính cùng với một người mặc áo khoác bằng dạ xù mang những thanh xà cháy rực qua đường sang sân nhà bên cạnh, còn những người khác thì ôm theo từng bó cỏ khô.
Alpatyts đến gần một đám đông đang đứng trước một gian nhà kho cao lửa bốc cháy rần rật. Tường đều bốc cháy, bức tường phía sau đã đổ xuống, mái nhà đã sập, mấy chiếc kèo bốc cháy ngùn ngụt. Hẳn là đám người này đang đứng đợi xem lúc mái nhà đổ ụp xuống, Alpatyts cũng đứng đợi.
- Alpatyts! - Đột nhiên có - một giọng nói quen thuộc gọi lão.
- Trời ơi! Công tước - Alpatyts nói, nhận ngay ra giọng nói của vị công tước trẻ tuổi của mình.
Công tước Andrey mình mặc áo khoác, cưỡi con ngựa ô đứng ở phía sau đám đông. Đang nhìn Alpatyts.
Ông làm gì ở đây thế? - công tước Andrey hỏi.
- Thưa… thưa ngài… - Alpatyts nói đoạn bật lên khóc rưng rức, - Thưa ngài… thế là chúng ta chết cả hay sao?
- Ông làm gì ở đây thế? - công tước Andrey hỏi lại.
Ngọn lửa bừng sáng lên khiến Alpatyts nhìn thấy khuôn mặt tái xanh và mệt mỏi của ông chủ trẻ tuổi. Alpatyts kể lại việc mình được sai đi Smolensk và đến lúc về đã chật vật ra sao.
- Thưa ngài, có phải chúng ta chết thật không? - Lão hỏi lại.
Công tước Andrey không đáp, chàng rút quyển sổ tay xé một tờ, nhắc đầu gối lên kê và viết mấy chữ bằng bút chì. Chàng viết cho em gái:
"Smolensk sẽ bị bỏ ngỏ. Trong tám ngày nữa Lưxye Gorư sẽ bị chiếm. Đi ngay Moskva. Trả lời ngay cho anh biết khi nào khởi hành bằng cách cho một người đưa tin đến Uxvyai tìm anh". Sau khi viết và giao tờ giấy cho Alpatyts, công tước Andrey dặn lão cách thu xếp cho lão công tước, công tước tiểu thư và con trai chàng cùng với người gia sư ra đi và cách làm thế nào để trả lời cho chàng biết ngay. Chàng chưa nói dứt lời thì một sĩ quan tham mưu với một người tuỳ tùng theo sau đã phi ngựa đến.
- Ồng là đại tá phải không? - Viên sĩ quan tham mưu quát lên với cái giọng lơ lớ của người Đức. Tiếng nói của hắn công tước Andrey nghe quen quen. - Người ta đốt nhà trước mắt ông thế mà ông cứ đứng yên đấy à? Như thế nghĩa là thế nào. Ông phải chịu trách nhiệm về việc này - Berg thét lên… Lúc này Berg đã làm tham mưu phó cánh trái của quân đoàn bộ binh thứ nhất, "một chức vụ rất dễ chịu và dễ được chú ý" như chàng vẫn nói.
Công tước Andrey nhìn Berg không đáp và nói tiếp với Alpatyts:
- Ông nhớ bảo là tôi đợi thư trả lời ngày mùng mười, nếu ngày mùng mười mà không có tin báo mọi người đã đi cả thì tôi bắt buộc phải bỏ hết mọi việc để về Lưxye Gorư đấy.
- Thưa công tước, - Berg nhận ra công tước Andrey liền nói để tự bào chữa. - Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi phải thi hành những mệnh lệnh của cấp trên và tôi bao giờ cũng thi hành mệnh lệnh một cách nghiêm túc… Xin công tước tha lỗi.
Ở giữa đám lửa có tiếng nổ lốp bốp. Ngọn lửa bỗng hạ xuống trong chốc lát; những cột khói đen ngòm ở mái nhà bốc lên.
Người ta lại nghe một tiếng răng rắc ghê sợ và cả một khối đồ sộ đổ ụp xuống…
- Ồ ồ ồ đám người gào lên để phụ hoạ theo tiếng mái nhà kho đổ ụp xuóng ầm ầm. Từ mái nhà bốc lên mùi bánh mì và bánh đa bị cháy. Ngọn lửa bùng lên chiếu sáng những khuôn mặt mệt mỏi nhưng phấn chấn của người quây quần xung quanh đám cháy.
Người mặc áo khoác dạ xù giơ hai tay lên trời kêu to:
- Hay lắm! Nổ giòn lắm! Khá lắm các cậu ạ!
Chính ông chủ nhà đấy - có tiếng xì xào.
- Nghe rồi chứ, - công tước Andrey nói với Alpatyts, - Ông nhớ nói lại tất cả những điều tôi đã dặn. - Và không nói một lời với Berg trong lúc hắn vẫn đứng lặng thinh bên cạnh chàng, công tước Andrey thúc ngựa rẽ vào ngõ.
Chú thích:
(1) Zubov: sủng thần cuối cùng của Ekaterina II.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.