Hoành Kinh.
Hoành Kinh có một con đường lớn tên là Văn-Lai đạo. Hai bên đường này có một tòa phủ viện thuộc sở hữu của Thừa tướng Hoành Quốc. Hướng Đông của quý phủ là nhà chính của Yến gia, mấy năm nay truyền lưu không biết bao nhiêu giai thoại của thái tử và Lưu Quang tiểu thư đều xuất phát từ đây. Mà ở phố Tây, hai căn tiểu viện chỉ để đó mà không dùng, trừ phi Yến phủ có khách phương xa. Nhưng nay, Tây viện đó, ngoài cửa có trọng binh canh gác, hai canh giờ đổi ca một lần, khiến những ai đi ngang qua ngay nhìn cũng không dám, sợ bị thủ vệ chú ý rồi bị chụp tội "lén lút" mà bắt lại.
Đúng là không ai dám đàm luận, nhưng toàn bộ dân chúng Hoành Kinh đều biết có chuyện gì xảy ra ở Tây viện. Đó là thân mẫu của tân thái tử phi - Lưu Quang tiểu thư đã mất.
Trên mái và cửa ở Tây viện có treo vải trắng. Và Tây viện sở dĩ có trọng binh canh giữ là bởi vì tân thái tử phi tang mẫu xong bi thống vạn phần, thề phải giữ đạo hiếu ba năm. Nhưng, nếu ở trong cung mà giữ đạo hiếu thì khó tránh khỏi bất kính; nếu thật sự thủ ba năm thì phải chay tịnh không gần người rất hà khắc, cho nên, hoàng đế hạ chỉ cho Yến phủ dành ra Tây viện để thái tử phi giữ đạo hiếu trong ba tháng. Cho nên, Tây viện bây giờ chính là tân thái tử phi đang ở - người sở hữu quốc sắc trong truyền thuyết mà chưa từng ai gặp qua. Cũng như kiệu liễn của thái tử phi đi vào Tây viện hồi nào cũng không ai biết, tất cả như một giấc mơ, Tây viện đã thay đổi thành màu trắng chỉ trong một đêm và đầy thủ vệ.
Hôm nay, trời nắng mà nhiều mây, ngẫu nhiên sẽ có gió thổi làm mùa hè ở Hoành Kinh có vẻ dễ chịu. Trên đường đều có xe qua lại, đều là các công tử viên ngoại; hôm nào vui vui thì hô bằng gọi hữu, hoặc là tay trong tay với thê hay với thiếp ra ngoại thành du ngoạn. Trong đó có một chiếc xe ngựa nghịch hướng mà đi; xe này trông có vẻ giản dị, ngoại trừ có bốn ngựa kéo thì thân xe chỉ bọc bằng vải trắng. Cửa sổ cũng bị che kín, không thấy được bên trong. Và người đánh xe là một nữ tử, búi tóc nha hoàn, mặc bạch sam, bộ dạng rất thanh tú.
Người qua đường nhìn thấy chiếc xe ngựa này đều thập phần nghi hoặc: bốn ngựa kéo vậy mà trông quá mức mộc mạc, quả nhiên kỳ quái. Vì thế có người châu đầu ghé tai nghị luận về chiếc xe ngựa này, và không ai biết nó từ đâu mà đến. Cuối cùng, khi xe ngựa đó đứng ở Tây viện Yến gia, toàn bộ đều ngây ngẩn: Chiếc xe đó rõ ràng đi về phía Tây viện Yến gia, là muốn đi điếu sao? Nghe nói Yến gia đã từ chối nhận người đến viếng mà? Vậy, rốt cuộc bên trong là ai, đến đó làm gì? Ai không hiếu kì thì sẽ cố ngoảnh lại nhìn. Còn ai có lòng tìm hiểu tất không phụ sự chờ đợi ngắn ngủi này: nha hoàn đánh xe nhảy xuống, bày ra ghế nhỏ, mở cửa xe và thấp giọng nói gì đó, rồi lại vươn tay vào bên trong. Từ trong xe, một vị nữ tử khom lưng đi ra - nàng mặc bạch y - thong thả xuống xe. Nàng đứng đó; vai nàng như gọt, cổ nàng tinh tế, tóc nàng búi đơn giản không có trang sức hay trâm cài gì và nàng tô điểm mình bằng vài hoa lê trắng; nàng cau mày, mắt nàng long lanh trong suốt, trông có vẻ chực chờ sẵn lệ như sẽ khóc ngay; sắc mặt nàng tuy hơi nhạt nhưng vẻ mặt nàng an bình; môi nàng cũng nhạt mà mím lại khiến cho người ta vừa nhìn đã từ tâm thương tiếc. Nàng, chưa có ai gặp qua nàng. Nhưng những ai may mắn gặp được nàng đều nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên: đó, đó là đương kim thái tử phi, nhị tiểu thư Yến gia - Yến Lưu Quang chưa bao giờ xuất hiện!!
Tất cả đều quên việc mình đang làm: người bán hàng rong gánh hàng cầm trống bỏi lắc lắc một cách vô thức; tiểu hài tử cầm đường nhân cho hết vào miệng nhưng bị trật sượt qua má; kiệu phu nâng kiệu quên phải cất bước, cỗ kiệu im lìm ở trên vai cũng không thấy nặng; nam tử trẻ vốn sẽ cưỡi ngựa chạy ra ngoài thành cũng ráng dừng ngựa lại, mặc cho ngựa dừng gấp mà xoay nhanh, còn chính hắn thì cố ngoảnh cổ xem... Tất cả đều có chút kỳ dị, dù nhiều hay ít. Và trong đầu đều tự nhiên mờ mịt. Nhưng tâm và thần lại trói chặt trên cùng một người.
Ngay tại khoảnh khắc nàng xuống xe, Văn-Lai đạo dường như lâm vào tĩnh lặng; mọi ánh mắt đều tập trung tại cổng Tây viện. Và cũng từ đây, thời khắc này sẽ trở thành câu chuyện ngày sau bọn họ say sưa nói.
Đội thủ vệ canh giữ ở cổng Tây viện cũng hoàn toàn ngây người, lúc này chẳng ai đến hỏi. Nha hoàn thu lại ghế nhỏ, rồi xoay người đỡ nàng hướng đại môn mà đi.
Rốt cục có thủ vệ tỉnh hồn lại, bước lên phía trước nói: "Chờ một chút!"
Nha hoàn này nhướng mày, quát: "Còn không mau lui ra. Thái tử phi đã rất mệt, phải được nghỉ ngơi."
Thủ vệ bị hù đến rụt lui vài bước, và bên cạnh lại có một thủ vệ khác đi lên nói: "Thuộc hạ đáng chết, không biết nương nương đã xuất phủ, xin hỏi thị vệ đi theo nương nương đâu?"
Thái tử phi cúi mắt, vẻ mặt mệt mỏi.
Nha hoàn thấy thế nói: "Chỉ là hồi phủ mà thôi. Trước đó cũng không phải các ngươi bày trò hay sao. Chẳng lẽ khi giao ca không ai nói? Ta sẽ bẩm báo thái tử trị tội các ngươi, sao có thể sơ sẩy như thế hả?"
Thủ vệ nghe xong đều quỳ xuống - bọn họ quả thật không có nhận được tin thái tử phi xuất phủ - trên thực tế, bọn họ ở đây nhiều ngày nay chưa bao giờ bước vào phủ cho nên cũng chưa từng gặp chân diện mục thái tử phi. Rồi tự nhiên vị nương nương đầy tiếng tăm và vô cùng thần bí khiến bọn họ từng ngầm suy đoán đột ngột xuất hiện, ngược lại bọn họ luống cuống là đúng mà?
"Còn không mau tránh ra." Nha hoàn nói thêm, có vài phần uy nghiêm.
Thủ vệ lập tức thối lui hai bên. Nếu thái tử phi đã trở lại thì nên để nàng vào chứ; trách nhiệm của bọn họ chỉ là thủ đại môn mà thôi. Vì thế, nha hoàn đỡ thái tử phi ở trước mắt bao người đi vào Tây viện Yến gia.
Đi vào bên trong, hai người mới phát hiện trong ngoài là khác biệt trầm trọng.
Bên ngoài, từ lúc bóng dáng thái tử phi biến mất thì nổ tung, thủ vệ không thể không cố gắng giải tán đám đông. Còn nội viện lại im ắng, không giống như có người ở. Trong phủ vẫn có vài mảnh vải trắng, hương khói cũng khá nồng; nha hoàn đỡ thái tử phi nhắm thẳng bên trong mà đi; trên đường không hề gặp bất kì ai.
Nha hoàn nhìn xem xung quanh, cười nói: "Như một trò đùa haha. Không thành kế? Hoành Khuynh bày trò quả thực cũng có tâm."
Lực chú ý thái tử phi không có nhằm vào cái này - nàng xuyên qua tiền đường, vòng qua sân, đẩy cửa hậu thính ra. Linh đường ở đây. Một bàn vuông, bài vị đặt ở giữa. Trước bài vị có hương khói, điểm tâm và rượu.
Thái tử phi ngã xuống đệm quỳ trước bàn, nàng phủ phục cả người, dập đầu thật sâu, khóc thảm nói: "Mẹ! Nữ nhi bất hiếu, đã tới quá muộn..."
Và người bái tại linh đường này đó là Yến Lưu Quang. Còn người ngụy trang thành nha hoàn là Túc Mệnh. Nói đến cảnh này, chúng ta hãy quay trở lại Vân Điếu Bàn, sau khi Ngạn Tập xuống núi.
Ngạn Tập đi rồi, Túc Mệnh và Lưu Quang liền lên đường chạy tới Hoành Quốc; Diễm Trì vẫn còn cố gắng thuyết phục Túc Mệnh cho nàng đi theo mà không được; con bồ câu cổ tím cứ đi theo Lưu Quang mãi, ngay cả khi nàng đã về Sơ-Chi các rồi, nàng phải đuổi nó nó mới chịu đi. Tuy Ngạn Tập đã đi rồi, nhưng Lưu Quang không có trở lại Thính-Túc các - nàng và Túc Mệnh ngang nhiên ra vào, không sợ ai dị nghị. Thời điểm thu dọn hành trang: trúc, tiêu, và tịnh đế liên không có trong phạm vi này; ngày ấy Diễm Trì bóc trần, Túc Mệnh cũng suy nghĩ lại: nếu Lưu Quang muốn cầm theo, nàng sẽ không ngăn trở. Nhưng Lưu Quang cũng không có biểu lộ ý này mỗi khi cầm một trong ba chúng nó. Ngay cả lúc ra đi, nàng cũng không nhìn nhiều.
Lúc rời khỏi Vân Điếu Bàn, tất cả đều luyến tiếc và nói không nên lời cảm xúc. Mặc dù bọn họ tin tưởng có Túc Mệnh, nàng sẽ không để cho Lưu Quang đi làm thái tử phi cho Hoành Khuynh chết tiệt kia. Nhưng vận mệnh con người mà, nhóm Phượng Thành cũng không biết cuối cùng có kết cục ra sao nữa. Song, đối với bọn họ mà nói, nhìn quen sinh tử và cũng quen hợp tan rồi. Chỉ là, bên cạnh tiểu thư luôn là sự cô đơn, cuối cùng, Yến Lưu Quang có động lòng mà làm bạn bên cạnh nàng hay không?
"Tịnh đế liên cũng có rồi, sợ cái gì nữa chứ?" Diễm Trì lẩm bẩm.
Túc Mệnh và Lưu Quang đi theo sơn đạo, sớm chạy về Hoành Kinh rồi. Hai người đều dịch dung, giả dạng thành người bình thường đi đường tắt.
"Bọn họ sẽ trở lại phải không?" Bảo Kiều nhỏ giọng hỏi, giống như nếu lớn một chút sẽ kinh động hai bóng dáng đã đi xa.
"Lưu Quang... không chỉ là Lưu Quang..." Phượng Thành trầm ngâm nói.
"Có ý gì?" Diễm Trì nghi hoặc, lại đột nhiên hỏi, "Phượng Thành, ta đã nghĩ ngươi sẽ đi theo đó."
"Vốn ta cũng muốn đi theo." Phượng Thành mỉm cười. "Hai người đều là người chơi cờ. Nhưng không có ai đứng xem cả."
"Ngươi muốn đi gặp Hoành Khuynh đi?" Diễm Trì bất nhã nói.
"Quả thật như vậy, bất quá..." Phượng Thành nói. "Ở trong mắt tiểu thư, Hoành Khuynh là cái gì?"
"Tình địch?" Đào Khê rốt cục hiểu được, vội đáp.
"Đúng. Hắn là bước cuối cùng phải vượt qua." Phượng Thành gật đầu. "Bằng không cũng không phải đi xa ngàn dặm."
"Nghe nói tình địch gặp nhau sẽ hết sức đỏ mắt, đáng tiếc chúng ta không được xem." Bảo Kiều thở dài.
"Kỳ thật đã xảy ra rồi, chẳng lẽ muội không thấy?" Phượng Thành nói.
Tất cả đều kinh ngạc, vội truy vấn.
Phượng Thành không để ý tới, chỉ là nhìn về dưới chân núi nơi xa.
Lưu Quang không phải là đối thủ của hoàng đế; mà hoàng đế... có vẻ như phát giác được điều gì rồi chăng? Bằng không tiểu thư cũng sẽ không dặn mình phải chặt chẽ chú ý động tĩnh của hắn.
Chỉ mong, người hữu tình sẽ thành đôi. Nếu nhân sinh không trốn được vận mệnh, vậy thì hãy đi làm hết thảy có thể làm đi.