Biên tập: Tử Điệp
Hiệu đính: Lệ Thu & Xiaoxin
Ở huyện Thanh Thành một năm trồng hai vụ lúa, mạ được cấy vào vụ đầu tiên giữa tháng 4 và thu hoạch vào đầu tháng 8. Mạ của vụ thứ hai được cấy vào trước mùa thu, cuối tháng 10 bắt đầu đợt thu hoạch thứ hai.
Nhà họ Ôn có một ruộng lúa rộng lớn nằm trong thành phố, tên là Ao Thượng Đại Khâu.
Ông bà nội Ôn đã lớn tuổi, mấy năm nay chỉ thu hoạch được một vụ lúa. Hai người con trai cũng không ai muốn tiếp quản mảnh ruộng này nên sẽ không giải quyết những chuyện vặt vãnh. Thế là hai ông bà đành thuê người đến thu hoạch.
“Một người hai trăm một ngày, bao cả cơm tối.” Bà nội Ôn nói với Ôn Uẩn Chi: “Đều thuê người trong Hoa viên Thanh Tuyền.”
Ôn Uẩn Chi hiếu kỳ: “Vậy phải thuê bao nhiêu người ạ?”
“Không nhiều đâu.” Bà nội Ôn nói: “Ba người, bây giờ có máy móc chuyên dụng để thu hoạch nên một ngày là xong.” Hạt kê và gạo của mùa này đã đủ cho bọn họ ăn hơn một năm.
“Ao Thượng Đại Khâu ở gần suối Thanh Thủy, cháu ở đây lâu như vậy rồi, nên đi xem thử nó thế nào đi.”
Ôn Uẩn Chi gật đầu. Cô chỉ mới thấy cách thu hoạch lúa ở phía Nam trong sách, nhất thời nổi tính tò mò muốn nhìn thử.
Hơn nữa, cô cũng rất tò mò về suối Thanh Thủy của huyện Thanh Thành, nghe bố cô nói ở đó có một thác nước rất lớn.
Hôm sau, sau khi ăn sáng, cô và ông nội Ôn cùng nhau đến Ao Thượng Đại Khâu.
Hai ông cháu ngồi xe đò đến đó. Xe chạy về hướng thị trấn nhỏ gần huyện, sau đó đi qua Ao Thượng Đại Khâu.
Hai người mang theo nước suối và trái cây cho nhân công.
“La tử, các cậu đến đây nghỉ ngơi chút đã! Uống nước rồi ăn chút trái cây.” Ông nội Ôn đội mũ rơm, cất giọng gọi ba người trong đồng ruộng.
Người gọi là “La tử” tên thật là La Thường Canh, thân hình cao lớn, nước da bánh mật nhưng răng lại trắng sáng bất ngờ: “Tới ngay đây!”
Anh ta nói với hai người giúp việc khác: “Bác Ôn đến rồi, nghỉ ngơi một lát trước đã.”
Ba người gác lại công việc đi đến rìa đồng ruộng.
Nhìn thấy Ôn Uẩn Chi, La Thường Canh nói: “Bác trai, đây là cháu gái thứ hai của bác hả?”
Ông nội Ôn cười nói: “Đúng vậy, tên Ôn Uẩn Chi, đến đây học được 2 tháng rồi.”
Ôn Uẩn Chi mỉm cười đầy lễ phép: “Cháu chào ba chú.”
“Giống bố nó ghê.” Một ông chú nhìn Ôn Uẩn Chi nói.
Người còn lại cũng nói: “Đứa nhỏ này nói chuyện, đi đứng giống y như Ôn Hành Chỉ hồi bé vậy, tao nhã thanh tú.”
Ôn Hành Chỉ và bọn họ là bạn học hồi tiểu học. Lúc nhỏ từng cùng ba người họ rong ruổi khắp các ngõ hẻm. Họ vẫn nhớ dáng vẻ lúc nhỏ của ông ấy.
Ôn Uẩn Chi mỉm cười gật đầu, ngoại hình của cô không những giống ba mà còn giống mẹ.
Ông nội Ôn ngồi trên đống cỏ khô giữa thửa ruộng, nói chuyện phiếm cùng mọi người.
Ôn Uẩn Chi đứng bên cạnh yên lặng lắng nghe. Một lát sau: “Ông nội, cháu muốn đi xem thác nước trong suối Thanh Thủy.”
Âm cuối vừa dứt, La Thường Canh liếc mắt một cái: “A, A Viêm đến rồi.”
Ôn Uẩn Chi nhìn theo tầm mắt của chú ấy. Cố Viêm Sinh dừng xe điện ở ven đường, xách một chiếc liềm và túi nhựa màu trắng đi tới.
La Thường Canh cất tiếng: “Máy gặt xảy ra chút vấn đề, tôi kêu thằng bé này mang công cụ tới để sửa.” Anh ta dừng lại một chút rồi bất đắc dĩ nói: “Sáng sớm hôm nay lúc ra khỏi cửa, A Huệ đưa nhầm lưỡi cưa cho tôi, cùng kiểu dáng nhưng không nhanh.”
A Huệ là vợ anh ta, Trương Huệ, cùng với mẹ của Cố Viêm Sinh – Cố Văn Tĩnh là bạn thân chí cốt. Nhiều năm qua hai người tựa như chị em ruột, vì vậy mà Cố Viêm Sinh cũng gần như là con trai của La Thường Canh và Trương Huệ.
Mọi người đều cười cười. Mặt mũi Cố Viêm Sinh vẫn lạnh lùng như thường, đưa đồ cho La Thường Canh.
“Viêm Sinh đúng là hậu sinh khả úy[1].” Một ông chú cảm khái.
Một người khác phụ họa: “Cậu bé này cao thật.”
La Thường Canh cầm một chùm nho ông nội Ôn mang đến đưa cho Cố Viêm Sinh, cậu lắc đầu: “Cháu không ăn.”
Anh ta thở dài trong lòng, cười nói: “A Viêm học ở trường trung học số 1, Uẩn Chi cũng học ở trường trung học số 1 phải không?”
Ôn Uẩn Chi “vâng” một tiếng. Ông nội Ôn nói với cô: “Nếu cháu muốn xem thác nước trong suối Thanh Thủy thì kêu Viêm Sinh dẫn đi xem đi.” Ông muốn ở lại trò chuyện cùng mọi người.
La Thường Canh phụ họa: “Đúng vậy, đường bên đó không dễ đi lắm, chân ông nội cháu không tiện đi, kêu A Viêm đưa cháu đi xem đi.”
Ôn Uẩn Chi đình trệ chốc lát: “Vâng ạ.”
Cố Viêm Sinh không nói một lời cất bước đi đến suối Thanh Thủy, Ôn Uẩn Chi chần chờ chốc lát rồi bám theo sau lưng cậu ta.
Hai người không ai nói câu nào, sự im lặng bao trùm xung quanh.
Ôn Uẩn Chi cảm giác có chút lúng túng nhưng cũng không biết nên mở miệng thế nào.
Đối với Cố Viêm Sinh, cô thật không có cách nào dùng tâm trạng như ban đầu mà đối xử.
Cô cúi thấp đầu, không yên lòng cất bước, Cố Viêm Sinh dừng lại cô cũng không nhận ra.
Vì vậy, cô đâm vào cậu, cái trán đụng vào xương sống giữa lưng. Cô bị đau, theo bản năng “Ai da” một tiếng, tay che trán lùi về sau hai bước.
Cố Viêm Sinh xoay đầu nhìn cô: “Cậu đi không nhìn đường sao?”
“Cậu –” Ôn Uẩn Chi nén giận: “Là cậu đụng tớ đau đấy!”
Lời này của cô có chút hoài niệm xa xôi, kết hợp với đôi mắt ướt nhẹp tràn đầy tố cáo, trong lòng Cố Viêm Sinh càng thêm khô nóng.
Cậu không phải là loại người lễ phép, văn minh, có giáo dục.
Cậu ở trong đầm lầy bẩn thỉu mà trưởng thành, cả người thối nát và tùy tiện. Những lúc bình thường cùng lắm là dáng vẻ trầm tĩnh lạnh nhạt để che dấu bản chất hư thối bên trong.
“Thói xấu.” Cậu châm biếm, xoay đầu lại rồi tiếp tục bước đi.
Ôn Uẩn Chi cau mày, đi theo sau lưng cậu nhưng cách xa hai bước.
Cô không còn gì để nói, đành thản nhiên hỏi: “Cố Viêm Sinh, cậu có tính sẽ vào trường đại học nào không?”
Cậu gần như không hề suy nghĩ mà trả lời: “Chưa từng nghĩ tới.”
Cô thì thầm “A” một tiếng, nói tiếp: “Cậu học tốt ban tự nhiên như vậy. Nếu thi đỗ từ 670 điểm trở lên thì có thể đỗ đại học Thanh Hoa rồi.”
Hai ngày trước, cô xem tỷ lệ trúng tuyển của các tỉnh thuộc huyện Thanh Thành vào hai trường đại học hàng đầu cả nước và điểm chuẩn mấy năm gần đây của Thanh Bắc[2].
Cố Viêm Sinh ưu tú như vậy, cô hy vọng cậu ta có thể được tiếp xúc với giáo dục tốt nhất trong nước.
“Cậu có đi không?” Cậu hỏi ngược lại.
Ôn Uẩn Chi hơi sửng sốt, đáp: “Tớ không đi.”
Cố Viêm Sinh nhanh chóng cau mày. Lại nghe cô nói tiếp: “Tớ phải đến Paris.”
Cậu dù mù mịt ngu ngốc đến mấy thì cũng biết Paris cách Thanh Thành bao xa.
Cậu nhíu mày, đứng lại: “Đến rồi.”
Cách đó không xa có một thác nước nhỏ trên vách đá, tiếng nước chảy rào rào, những bông hoa dại màu trắng màu hồng trải đầy vách núi đung đưa trong gió.
Đáy mắt Ôn Uẩn Chi lộ ra vẻ kinh ngạc mừng rỡ: “Nơi này đẹp quá.”
Khóe miệng Cố Viêm Sinh khẽ nhếch, tiếp tục đi về phía trước. Ôn Uẩn Chi vẫn bám theo sau lưng cậu.
Hai người đứng yên giữa đồng cỏ, Ôn Uẩn Chi lấy điện thoại ra chụp vài bức ảnh của cảnh đẹp nơi này.
“Cố Viêm Sinh, cậu giúp tôi chụp một tấm được không?” Cô nghiêng người nhìn cậu, tay cầm điện thoại di động.
Cố Viêm Sinh có chút không tình nguyện đưa tay ra.
Ôn Uẩn Chi cười cười, đưa di động cho cậu.
Cô đứng tại thác nước cùng những bông hoa dại trên núi, tựa vào một tảng đá gồ ghề, hướng về phía cậu mỉm cười rực rỡ.
Cậu giơ điện thoại di động lên, nhìn vào máy ảnh, trái tim như bị kéo mạnh một cái.
Cậu cứ đứng yên đó. Cô tò mò hỏi: “Xong chưa?”
Cậu hoàn hồn, giọng nói cố gắng khắc chế, ra vẻ bình tĩnh: “Đứng ngay ngắn.”
Cô ngay lập tức lại nở nụ cười, đối diện với tầm nhìn của cậu, ánh mắt hồn nhiên trong suốt.
Ánh nắng dịu dàng sưởi ấm toàn bộ mùa thu, hoa dại rượt đuổi theo gió núi, những giọt nước suối trong thác tung tóe rơi xuống mặt cô, rực rỡ hơn bất cứ thứ gì trên đời. Cậu nhấn nút chụp ảnh, đem hình ảnh mười sáu tuổi của cô khắc ghi trong trí nhớ.
[1] Tựa tựa như nghĩa con hơn cha là nhà có phúc.
[2] Thanh Hoa và Bắc Đại