Cuộc Sống Mới - Ly Hôn Vẫn Phải Sống

Chương 2: Hỏi luật sư, thuê thám tử




Đang giữa tháng, công việc của một kế toán tổng hợp như Thụy Khanh không có quá nhiều việc phải làm. Sau khi đến cô cũng chỉ sắp xếp lại số giấy tờ trên bàn vào kẹp tài liệu mà không nhập vào máy. Cô sợ tâm trạng bất ổn sẽ có sai sót, nên dứt khoát bỏ một bên.
Thụy Khanh nhớ lại lời Hữu Văn nói hôm qua, anh ta nói rằng đã có người khác. Điều đó chắc không giả, anh ta đang ở độ tuổi hoàng kim của đàn ông, 30 tuổi, chín chắn, phong độ, đang là phó trưởng phòng kinh doanh của một công ty, thu nhập không quá cao nhưng ổn định, dư giả để có thể sống ở đất thủ đô này. Anh ta lại dẻo miệng, nếu chán vợ thì sẽ không thiếu những cô gái trẻ đâm đầu vào xin hiến xác.
Đáng lẽ cô nên nhận ra sớm từ những lần về nhà muộn, rồi những đợt công tác xa nhà liên miên. Từ những cuộc ân ái nhạt nhẽo dạo trước, ồ nói mới nhớ, đã khá lâu rồi anh ta không chạm vào cô, mà cô thì áp lực công việc cộng thêm đưa đón, chăm bẵm hai đứa con nhỏ... quá mệt mỏi cũng chẳng ham muốn gì. Tiền mỗi tháng anh ta cũng chỉ đưa cho có, phí sinh hoạt đều do cô lo liệu. Anh ta nói rằng anh ta góp cổ phần làm ăn với bạn, cố mấy năm sẽ khá hơn. Đấy, tất cả những dấu hiệu đều cho thấy anh ta khác lạ mà cô thì như đứa ngốc tin tưởng và tìm lý do biện hộ cho chồng. Giờ cháy nhà mới ra mặt chuột.
Anh ta là con trai một trong nhà, Lâm Anh là cháu đích tôn, ông bà nội chắc chắn sẽ để ý. Anh ta muốn ly hôn thì phải có đứa cháu trai để bịt miệng hai già. Nhưng mấy năm nay, anh ta mặc kệ cô tự mình chăm sóc con cái, chắc gì anh ta sẽ tự nuôi con. có khi anh ta sẽ mang con về cho ông bà nội thằng bé rồi gửi tiền chu cấp hàng tháng mà thôi.  Cô sao có thể để con mình sống như đứa trẻ mồ côi thiếu thốn tình cảm của cả bố lẫn mẹ như thế được. Mà cho dù anh ta trực tiếp nuôi thằng bé thì cô cũng không yên tâm, lỡ anh ta tái hôn, lỡ con cô bị ngược đãi thì làm thế nào?
Cô rất rối, giờ anh ta rứt khoát ly hôn, cô cũng không mặt dày mà bám chết lấy để nhận lại khinh bỉ, dù còn yêu nhưng cô cũng phải bảo vệ tôn nghiêm cho chính mình. Vả lại, sau khi nhìn thấu sự bội bạc đó chẳng lẽ cô còn có thể coi như không có gì mà yêu anh ta đến muốn chết muốn sống hay sao. Nhưng cô muốn nuôi cả hai đứa con, ra tòa thì sẽ phân xử thế nào, phải có cách gì mới được?.
Đang suy nghĩ thì đầu cô chợt nảy ra một cái tên “ Đoàn luật sư Hà Thịnh”. Đây là văn phòng luật làm cố vấn pháp lý cho công ty cô.
Nghĩ là làm, lấy một lý do, Thụy Khanh xin phép trưởng phòng ra ngoài, cô đến thẳng văn phòng luật.
Văn phòng này nằm trên cùng con đường với công ty Thụy Khanh, cách hai con phố trong tòa nhà  Tower. Vào thang máy lên tầng 11, nơi này cô đã đến mấy lần nên khá quen thuộc. Gặp cô lễ tân xinh xắn bên ngoài nhờ hẹn luận sư chuyên xử lý các vụ án dân sự. Rất may vị luật sư này vừa trở về văn phòng nên cô được mời vào luôn.
Ngồi sau bàn làm việc là một phụ nữ tầm bốn mươi tuổi, đang nở nụ cười rất tiêu chuẩn với Thụy Khanh. Đây là vị luật sư đã cùng chồng mình mở ra văn phòng luật này, bà rất có tiếng trong giới luật sư bởi các vụ án dân sự bà nhận đều có tỉ lệ thắng rất cao. Là vị luật sư nắm chắc các điều khoản luật như nằm lòng, ít ai vượt qua được bà ở lĩnh vực luật dân sự này. Hai người chào hỏi rồi đi luôn vào việc chính.
Sau khi nghe Thụy Khanh nói rõ hoàn cảnh của mình, luật sư Trần Hương xem lại bản ghi chép, đây là thói quen nhiều năm của bà, dù bây giờ phần lớn luật sư đều dùng máy ghi âm, thì bà vẫn muốn dùng cách nguyên thủy nhất.
Nhấc cặp kính ra khỏi mắt, bà từ tốn nói:
- “ Trường hợp giống như của em không hiếm gặp, thậm chí là phổ biến mấy năm gần đây. Chị đã nhận không dưới 10 vụ trong năm năm. Họ còn không may mắn bằng em đâu, ít nhất em còn có công việc, chồng em lại không tranh chấp tài sản chung. Còn việc em muốn nuôi cả hai đứa con thì không khó. Trong trường hợp không thỏa thuận được giữa đôi bên, nếu em có thể chứng minh được như điều kiện về mặt kinh tế, thời gian chăm sóc con, môi trường giáo dục,em đảm bảo được sự phát triển tốt nhất của con so với việc ở với bố… Mà em thì đang nắm được một nhược điểm của cậu ta đấy, nếu có chứng cớ việc cậu ta ngoại tình thì dù em muốn kiện cậu ta tội vi phạm luật hôn nhân gia đình cũng không phải là không được.”
Thụy Khanh  nghe liền hiểu, song cô chẳng muốn kiện lại anh ta làm gì, cô chỉ cần được sống với hai đứa con của cô là đủ rồi.
- Cảm ơn chị, chỉ là chứng cứ cho việc anh ta ngoại tình như thế nào là đủ ạ?
- Cậu ta đã dọn ra khỏi nhà rồi đúng không? Bà Trần Hương hỏi.
- Vâng, hôm qua sau khi đưa đơn thì đã dọn đồ đi rồi.
- Vậy em chỉ cần có ảnh chụp, hoặc video chứng minh cậu ta có hành vi thân mật như vợ chồng với người khác, hoặc có nhân chứng chứng minh cậu ta ở chung như vợ chồng với người khác là đủ cấu thành rồi.
Thụy Khanh cười khổ, chỉ tưởng tượng đến những điều đó thôi đã khiến cô khó chịu khắp người.
- Có chức nghiệp gọi là  “thám tử tư” nữa đấy.
Bà Trần Hương cười cười nhắc nhở Thụy Khanh. Thực ra phụ nữ ở hoàn cảnh này là khổ nhất, nỗi đau tâm lý này âm ỉ khó có thể chịu được. Nhiều người phụ nữ cứ bị ám ảnh
bởi quá sốc, không vượt qua được, trầm cảm lâu ngày sẽ dẫn đến tiêu cực. Điều đó rất đáng sợ, nên bà không ngại ngần ủng hộ những người phụ nữ mạnh mẽ, nếu có thể phá kén thành bướm thì tương lai cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc hơn.
Bà Trần Hương rút từ ngăn kéo ra một tấm card visit đưa cho Thụy Khanh,  cô nhận lấy. Cũng  không quá bất ngờ, nếu bà ấy đã nhắc nhở cô thì có vài người quen biết trong nghề này cũng không lạ.
- Cảm ơn chị rất nhiều, nếu khi ra tòa có vấn đề gì mong chị sẽ đứng ra giúp em.
- Không vấn đề, đây là chức nghiệp của chị. Rất vui khi có thể giúp được em.
Thụy Khanh trao đổi mấy câu với luật sư rồi chào tạm biệt ra ngoài. Sau khi thanh toán phí  tư vấn cô tìm luôn văn phòng thám tử ghi trong tấm card visit.
Đưa ảnh và địa chỉ công ty của Hữu Văn cho thám tử cùng với yêu cầu, Thụy Khanh về thẳng nhà.
Đói, mệt nhưng lại không có khẩu vị, lần mò pha ly chanh mật ong uống xong, cô tựa vào ghế sofa ngủ thiếp đi. Đến khi có tiếng chuông báo thức vang lên Thụy Khanh mới tỉnh dậy từ một cơn ác mộng.
Xoa xoa thái dương đau nhức, nhìn căn nhà trống trải lạnh lẽo, cô chợt nhớ hai đứa con vô cùng. Gọi điện thoại cho trưởng phòng xin nghỉ luôn buổi chiều, Thụy Khanh vơ lấy một bộ quần áo cho vào túi xách, kiểm tra lại cửa nẻo rồi khóa cẩn thận. Ra cổng gọi taxi đến bến xe, theo tuyến xe về thẳng tỉnh T cách thủ đô 80km.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.