1.
A Tuân mất tích đã ba năm, cuối cùng tôi cũng dần bước ra khỏi bức mây mù để tiếp xúc với mọi người và thế giới bên ngoài.
Tiểu Oánh đỡ tôi, chậm rãi cài lại vạt áo cho tôi thật tốt, rồi mỉm cười hỏi: "Tài xế A Nam đang chờ ngài ở cửa, ngài ra cửa, biết đi đến phòng khám thế nào chưa?"
Hình như vấn đề này cô ấy đã hỏi tôi rất nhiều lần, tôi suy nghĩ vẩn vơ, một hồi lâu mới hoàn hồn: "Đường số 48 Thanh Bình."
Tiểu Oánh gật đầu, đáng lẽ hôm nay cô ấy sẽ dẫn tôi đến gặp bác sĩ nhưng đột nhiên có việc gấp phải đi nên đành phải gọi tài xế quen biết đến thay cô ấy, trước khi đi còn nhắc đi nhắc lại lúc về phải ở đó đợi cô ấy tới đón.
Cách đây không lâu tôi bị bệnh nặng, hầu như đã quên hết chuyện trước kia, tình trạng cơ thể càng không tốt. Tiểu Oánh tuy chỉ là một cô gái tầm hai mươi nhưng bởi vì hiểu chuyện lại thật thà dễ gần, làm việc chu toàn, trước khi ra nước ngoài Sơ Tuyết đã chọn cô ấy đến chăm sóc tôi, cũng không phải là không có lý.
Phòng khám của bác sĩ Trần Thục nằm ở một nơi vô cùng hẻo lánh, cách xa phố xá sầm uất, ở ngoại ô thành thị, chiếc xe đi vào một ngõ nhỏ quanh co dừng lại ở một khoảng sân nhỏ, dường như muốn ngăn cách với thế giới đầy rẫy khói lửa bên ngoài. Ánh sáng mặt trời ấm áp chiếu lên người tôi, ánh mắt tôi bị thu hút bởi những cái cây bên trong sân, dù đã qua mùa hoa nở, nhưng cành lá vẫn tươi tốt, tôi dừng lại ở nơi đó.
"Thẩm phu nhân, gần đây ngài ngủ có ngon không?"
Bác sĩ Trần Thục ngồi ở cạnh lan can ban công trên lầu hai, khẽ nhấp một ngụm trà lài, bình tĩnh quan sát tôi.
Tôi chậm rãi gật đầu.
"Có lại mơ thấy một người nào đó rồi giật mình tỉnh dậy không?"
Đã lâu rồi tôi không mơ thấy A Tuân nữa, nhưng mà đêm qua lúc nửa mê nửa tỉnh, dường như có nghe thấy âm thanh quen thuộc của anh vang lên sau tấm bình phong bên ngoài. Tôi nghe thấy anh nói: "Anh ra ngoài trước, sắc trời vẫn còn sớm, em ngủ thêm một lát đi."
Giọng nói kia êm dịu nhẹ nhàng như trong mơ, bị gió đêm thổi qua phiêu tán vào không khí. Trong lúc ngủ mơ tôi nghe được rất rõ ràng, rồi như si ngốc trở mình bật dậy, không cả mang giày vội vàng lảo đảo chạy theo giọng nói đến một con hẻm nhỏ.
Không có gì cả, ngõ nhỏ tối om, yên tĩnh đến nỗi tiếng chó sủa cũng bị nuốt chửng. Tôi cứ đứng trên con đường lạnh lẽo và trống rỗng đó, không nhịn được mà run lên, cả người túa mồ hôi lạnh.
Tôi nghĩ về hết thảy những chuyện đó, nhưng tròng mắt chỉ khẽ động, lắc đầu với bà ấy.
"Ngài có biết gì không?" Bác sĩ Trần im lặng nhìn tôi một hồi lâu, sau đó nhìn sang cái cây bên cạnh tôi, thở dài nói: "Hôm nay tôi có đọc được một câu trong sách viết rằng: Cây ở trong sân là vật bị vây khốn."
2.
Khi Thịnh Tuân được một nhà sơ đưa đến, anh chỉ mới tám tuổi. Tôi và anh sinh cùng năm nhưng tôi sinh non, so ra vẫn lớn hơn anh một chút, mặc dù tôi sinh sớm nên trở thành chị trên danh nghĩa, nhưng vì đẻ không đủ tháng nên vóc người chậm phát triển hơn các bạn cùng trang lứa, người ngoài nhìn vào đều thấy anh giống anh trai tôi hơn.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ ngày anh được đưa đến, bầu trời cũng trong xanh như hôm nay, không một bóng mây, lúc anh bước xuống xe, tôi ngồi ở ô cửa sổ rộng mở trên gác mái, rung đùi đắc ý học thuộc lòng thơ. Anh nương theo âm thanh ngẩng khuôn mặt tuấn tú non nớt nhìn về phía tôi, chợt cười ra tiếng.
Tôi không phục, ló đầu ra trừng anh nói: "Cậu cười cái gì?"
"Xin chào, em gái." Ánh mặt trời bao phủ lấy anh, tôi lại nghe anh nói: "Anh là Thịnh Tuân."
Sau đó anh trở thành hàng xóm của tôi, tuy từ đầu đã giành làm "anh trai" nhưng chung quy vẫn chẳng chiếm được chút tiện nghi nào từ tôi. Tôi khi đó hay bị bệnh, cha nghe nói uống nhiều sữa tươi có thể tăng cường thể lực nên thường xuyên xách thùng nhỏ đi đến trang trại ở rất xa xếp hàng lấy về. Nhưng cha vẫn luôn bề bộn công việc, thế là gánh nặng này dồn lên người A Tuân.
A Tuân là một tên nhóc nghịch ngợm chuyên đi gây sự, làm việc cũng rất bừa bãi nhưng việc đi lấy sữa bò này, bất kể mưa hay gió anh đều chưa từng bỏ dở một ngày nào.
Sau khi đun sôi sữa, tôi chia cho anh một ít, hai người cùng ngồi trước bậc cửa uống, anh uống xong còn bĩu môi, hai bên mép dính một vòng sữa trắng nhìn như ông già, buồn cười cực kì. Tôi cũng học anh bĩu môi, đại khái cũng trở thành bà già rồi, hai người nhìn nhau cười ha ha.
Khi còn bé tôi rất nghe lời, ở trên gác mái làm bài tập cha giao cho, anh liền nhảy lên đầu tường giữa hai nhà, không biết hái được chiếc lá ở đâu, đem ra học dáng điệu của người ta thổi một bài hát không biết tên gì. Về sau anh luyện tập nhiều, thổi cũng dễ nghe hơn. Nhưng lúc mới đầu, tôi không kiên nhẫn nổi mà tiện tay cầm một vật trên bàn ném xuống, nhíu mày nói: "A Tuân, ồn ào quá."
Tuy nói thế, nhưng tôi vẫn mở cửa sổ, cố ý để anh có thể nói chuyện với tôi.
Tôi và anh học cùng lớp, có một đoạn thời gian anh cứ hỏi về bạn cùng bàn của tôi, cùng bàn tôi là một cậu trai an tĩnh, có một lần chỉ hỏi mượn tôi cây bút thôi mà anh để ý đến tận hai ngày. Tôi mơ hồ hiểu được tâm tư của anh, trong lòng vui đến nở hoa nhưng ngoài miệng chỉ nói: "Ai cần anh lo nhiều làm gì, đó là bút của em, em muốn cho ai mượn thì cho."
Anh giận đến nói không nên lời, nhảy từ đầu tường về nhà mình, mấy ngày sau cũng không để ý tôi nữa.
A Tuân là người tốt, cũng rất dễ dỗ dành, đợi hôm nhà tôi làm món cá anh thích ăn, tôi gọi anh sang nhắc lại lúc trước anh bị cha đánh là tôi đã bôi thuốc cho anh, anh nghe thấy thì nguôi giận ít nhiều.
Nếu còn không chịu bỏ qua cho tôi, tôi sẽ giả bộ khóc, chiêu này luôn có tác dụng, anh dù tức giận cũng lập tức lúng túng, luống cuống tay chân đứng trước mặt tôi, nhẹ nhàng thỏ thẻ nói: "Ý Vân, đừng khóc nữa, em biết từ nhỏ đến lớn việc anh không chịu nổi nhất chính là thấy em khóc mà."
3.
"Tách" một tiếng giòn vang, tôi bừng tỉnh lại từ trong hồi ức.
Bác sĩ Trần Thục ấn nút tạm dừng băng lại, bà ấy hỏi tôi: "Đây là đoạn lần trước ngài ghi lại, lần này có muốn tiếp tục nói không?"
Mỗi lần tôi nghĩ đến A Tuân, mồ hôi lạnh toàn thân lại chảy ròng ròng, chỉ cảm thấy mệt mỏi không chịu nổi, vì vậy chậm rãi lắc đầu với bà ấy. Lúc bà ấy dẫn tôi ra khỏi phòng hội chẩn Tiểu Oánh đã sớm chờ ở trong sân, đỡ tôi về nhà.
Về đến nhà cũng đã giữa trưa, tôi ăn chút cháo loãng rồi ngủ một lát, không dám ngủ say rồi dậy dọn dẹp nhà.
Mặc dù Tiểu Oánh mặt nào cũng tốt, nhưng dọn nhà lại mắc phải chút sơ sót.
Tôi lau sạch chiếc bình sứ trắng trên bàn ăn, chuyển sang vị trí khác rồi thay mấy cành hoa hồng trong bình bằng cành cát cánh. Bộ đồ tây treo trên tường phủ một ít bụi, tôi lấy xuống, do dự không biết có nên đi giặt không, Tiểu Oánh bỗng nhiên đi đến cạnh tôi nhẹ giọng nói: "Hôm trước ngài vừa mới giặt bộ đồ này rồi."
Tôi đột nhiên nhớ lại việc này nên chỉ lấy bàn ủi là phẳng những nếp nhăn trên đó rồi treo lại trên tường.
Phòng khách, sân thượng, phòng ngủ, mỗi một góc nhỏ đều dọn sạch, còn có hoa trong vườn của tôi nữa. Nếu mà để Tiểu Oánh làm những việc này, nhiều đồ vật trong phòng sẽ bị cô ấy dịch chuyển, làm tôi cảm thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Ngày dài buồn chán tôi cũng chẳng còn gì để làm.
Tầm ba bốn giờ chiều, tài xế A Nam tiện đường mang đến một ít đồ ăn, chỉ cần không quên đưa cá đến, những món khác tôi đều không để tâm.
Sau đó, Sơ Tuyết ở nước ngoài gọi điện hỏi thăm tôi. Chỗ của cô ấy và tôi lệch múi giờ thành ra giờ sinh hoạt cũng lệch nhau, chiếu theo thời gian của tôi thì bên đó cũng đã tối rồi, cô ấy đêm khuya không ngủ cứ gọi cho tôi, mỗi lần gọi lại bắt đầu cằn nhằn liên miên cô ấy cả ngày bận rộn thế nào.
Cô ấy nói cô ấy làm việc vất vả, nói cô ấy cô độc, nói cô ấy có chút hạnh phúc trong cuộc sống. Tôi nghe xong đều quên nhưng vẫn cầm ống nghe chăm chú nghe cô ấy nói. Cô ấy bắt đầu hỏi về cuộc sống của tôi, mấy lần nghe đều không có gì thay đổi lớn liền không hỏi nữa. Cô ấy không hỏi nữa, tôi dường như cũng quên cuộc sống hàng ngày của tôi thế nào rồi.
Nghe điện thoại xong, nếu thời tiết tốt, tôi sẽ ngồi dưới mái hiên phơi nắng một lúc. Thời tiết không tốt cũng chỉ có thể ngồi ngẩn người trong phòng. Tiểu Oánh nhìn tôi ăn xong mới đi làm việc của mình, đề phòng tôi ăn nhiều, còn phải đề phòng tôi vụng trộm giấu thuốc dưới đầu lưỡi rồi nhổ ra.
Tôi xuống bếp xử lý con cá A Nam đưa đến, cạo sạch vảy, khứa từng khúc rồi thả vào chảo chiên thành hình rất đẹp, lại cho thêm bột và sốt vào, làm món cá sốt chua ngọt.
Tiểu Oánh trước giờ không thích ăn cá, tôi ngơ ngác nhìn, cũng không ăn.
4.
Như thường lệ thì hội chẩn vào thứ Tư.
Tâm trạng tôi đã tốt lên nhiều, nghe lại đoạn ghi âm một lần rồi nói: "Vậy nói tiếp từ lần trước đi..."
Đại khái là sau khi nghe câu đó của anh, về sau tôi hiếm khi nào khóc. Dù là thời điểm khó khăn thế nào cũng đều cắn răng chịu đựng. Nhẫn nhịn đến cả người run rẩy, mồ hôi lạnh túa ra.
Ước chừng qua một học kỳ, một bạn nữ đổi chỗ đến ngồi cạnh tôi, từ đó về sau tôi và A Tuân cũng không có lý do gì để giận nhau nữa. Ngẫm lại lúc ấy, vẫn cảm thấy có chút nuối tiếc.
Sau đó nữa, thành tích của A Tuân hơi kém, không thi đậu vào cấp 3 nên đăng kí vào quân ngũ. Tôi học xong thì được chỉ định đến một trường học làm giáo viên.
A Tuân gia nhập quân ngũ, thời gian đầu phải huấn luyện khổ cực liên tục, tôi viết cho anh lá thư thật dài anh cũng chỉ trả lời lại vài chữ, khiến cho tôi cứ thấp thỏm chờ đợi nhớ mong. Ngay cả mấy ngày tết cũng không thấy bóng dáng anh, thập phần sốt ruột, vì vậy trước ngày sinh nhật anh, tôi quyết định chuẩn bị đầy đủ đồ ăn và vé tàu, đem theo vài bộ quần áo, xin nghỉ ở trường, ngồi xe lửa đi gặp anh.
Khi đó xe lửa sơn màu xanh chạy rất chậm, tôi lại chỉ mua vé đứng, càng không ngờ tới trên xe lửa lại nhiều người như vậy. Tôi ngay cả chỗ đặt chân cũng không có, chỉ có thể tìm một góc, cắn răng đứng ba mươi mấy tiếng đồng hồ, đến khi bàn chân đều xưng phồng lên, chạm vào đất là đau nhói.
Nhưng mà, khoảnh khắc nhìn thấy A Tuân mọi đau đớn đều bị quên mất, anh đã cao lớn hơn nhiều, dáng người cũng gầy đi, đường nét khuôn mặt rõ ràng, trở thành một thiếu niên tuấn lãng khiến người ta không thể dời mắt được.
Anh gặp tôi càng hạnh phúc hơn, xin tổ chức nghỉ một ngày, nói muốn dẫn tôi đi dạo xung quanh, anh vui đến nỗi quên cả sinh nhật mình.
Tôi dẫn anh đến nhà ăn quốc doanh, đem ra nguyên liệu nấu ăn đầy đủ, xin đầu bếp để tôi tự mình nấu cho A Tuân một bát mì Trường Thọ.
Bên dưới mì Trường Thọ còn có hai cái trứng và thịt viên, lúc bưng ra vẫn còn nóng hổi. Tôi giữ lại cho mình một ít đồ hộp, còn lại đều đưa cho anh. Anh nghe tôi nói "Sinh nhật vui vẻ", bất chợt dùng bàn tay ấm áp xoa lên mặt tôi, lau đi bột mì dính trên mặt.
Anh vừa ăn vừa hỏi tôi làm thế nào đến được đây, tôi vui vẻ kể lại những "chiến công" đầy gian khổ của mình suốt đoạn đường. Nói đến đoạn tôi ôm những đồ vật quý giá trong lòng rồi như con thạch sùng dích lên thành xe cả đêm, tôi nghĩ rằng anh sẽ cười. Nhưng anh chỉ nhìn chằm chằm vào trứng gà và thịt viên còn lại ở đáy bát, lại nhìn sang bát của tôi mà trầm mặc.
"Chân có đau không?"
"...Không... Đau..."
A Tuân không để ý đến lời từ chối của tôi, đem trứng gà và thịt viên trong bát chia cho tôi một nửa, lại nhìn tôi ăn không sót miếng nào. Sau khi ăn xong, tôi lên kế hoạch muốn đi đâu đó chơi, A Tuân lại cõng tôi lên, đi đến khách sạn.
Tôi lo lắng thời gian của anh quý giá, anh lại chỉ muốn xem lòng bàn chân sưng tấy của tôi, tôi không khuyên nhủ được anh, đành để cho anh nhìn. Anh là một người lính, biết chỗ này gian khổ thế nào. Sau khi ra ngoài mua thuốc về liền ngồi xổm bên chân bôi thuốc cho tôi, dáng vẻ chăm chú cẩn thận ấy, như thể tôi chính là bảo bối trân quý nhất trên đời.
Không hiểu sao, đột nhiên tôi lại nhớ đến ngày gặp anh lần đầu tiên năm tám tuổi đó, anh cười giọng đọc thơ con nít của tôi, tôi thở phì phì ngó đầu ra, vừa lúc bắt gặp anh cười rộ lên, ánh mắt sáng ngời ấy đến cả ánh mặt trời cũng không thể che đậy được. Tôi cúi xuống, đặt một nụ hôn lên má anh thật nhanh.
Sau nửa ngày im lặng không lên tiếng, anh ngẩng đầu lên, nhìn tôi thật lâu, cứ thế một nụ hôn nhẹ nhàng triền miên ập đến.
5.
"Tách."
"Sắc mặt ngài nhìn không tốt lắm."
Bác sĩ Trần Thục thấy tinh thần tôi không ổn định liền chủ động dừng cuộc trò chuyện, tôi bước ra khỏi phòng bà ấy, nhìn thấy cái cây trong sân, nhớ đến câu nói lần trước "Cây ở trong sân là vật bị vây khốn", không biết có phải là ám chỉ ai bị nhốt, làm sao để thoát ra đây không?
Thời tiết hôm nay tốt hơn, tôi ngồi dưới mái hiên híp mắt phơi nắng. Tiểu Oánh cầm cái bát nhỏ ngồi bên cạnh bóc vỏ đậu tương, lúc rảnh rỗi cô ấy thích xem thời sự, cũng thích nói chuyện với tôi về mấy chuyện này.
"Ngài biết không? Tin tức nói cuộc tìm kiếm MH370 dưới nước hôm nay đã chính thức tuyên bố kết thúc. Tôi thấy lần này mất tích ba năm là vĩnh viễn không có cách nào tìm lại được rồi.
Tôi híp mắt im lặng không lên tiếng.
Cô ấy còn nói: "Thật bi thương, nhiều người như vậy cứ thế mất liên lạc với người thân. Rõ ràng chỉ là một cuộc chia tay bình thường, không ngờ vĩnh viễn không thể gặp lại nhau." Nói xong trên mặt cũng nhuốm một mảnh đau thương.
Tôi mở mắt hỏi: "MH370 là cái gì?"
Cô ấy ngồi một bên lột đậu nói: "Là chuyến bay ba năm trước từ Kuala Lumpur bay đến Bắc Kinh, máy bay chở hơn hai trăm người, cất cánh không bao lâu thì mất liên lạc với trung tâm kiểm soát rồi rơi xuống biển. Đến nay đã ba năm rồi vẫn không có tin tức."
Cô ấy hơi nghi ngờ hỏi tôi: "Tôi thấy có một bài báo chi tiết về MH370 trong đống báo ngài thu thập, ngài không biết sao?"
Tôi hoàn toàn không biết chuyện này, chỉ ảm đạm nghĩ A Tuân mất tích đến nay cũng đã ba năm rồi.
Cô ấy nói tiếp: "Có điều tôi thấy ngài thu thập mọi tin tức về các sự cố tai nạn lớn nhỏ vài chục năm trở lại đây, đúng thật là một sở thích kỳ quái."
Mắt tôi chầm chậm di chuyển: "Chắc họ buồn lắm."
"Ai?"
Tôi không nói nữa.
Tiểu Oánh cũng không hỏi thêm, cô ấy đã bóc xong đậu tương, vỗ vỗ tay đứng lên, cầm bát đậu tương đã bóc vỏ vào nhà.
Lúc trở ra hình như cô ấy vừa nghe điện thoại, như có điều gì phiền não đứng phía sau tôi nói: "Nhân viên công ty phá dỡ gọi đến nói mấy ngày nữa sẽ đến gặp ngài." Cô ấy lẩm bẩm: "Khu nhà này cũ quá rồi, sớm nên phá bỏ từ lâu, không ngờ lại có thể chờ tới hôm nay."
6.
Lần gặp lại bác sĩ Trần là ở trong nhà của mình, bà ấy tự mình đến nhà tôi. Tôi cảm thấy thụ sủng nhược kinh, đem đâu phộng hạt dưa trong tủ và trái cây mời bà ấy ăn, bà ấy ngồi xuống hiên nhà, dù bận vẫn ung dung chờ tôi kể chuyện xưa.
Sau đó đã xảy ra chuyện gì?
Tôi chờ A Tuân xuất ngũ trở về, không ngoài dự liệu mà kết hôn với anh.
Vài câu ngắn ngủi là có thể kể xong chuyện xưa, có điều, tôi có thể sử dụng ngôn ngữ để miêu tả hết thảy, lại không cách nào khôi phục lại khoảng thời gian tốt đẹp ấy.
Lái xe đến vùng ngoại ô du xuân, anh kể cho tôi nghe về những vất vả và niềm vui hồi còn ở trong quân ngũ. Đến cuối tuần, anh nấu cơm, tôi dọn dẹp phòng, hai người sống cùng nhau dưới một mái hiên, ngay cả khi không nói lời nào thì vẫn thật tốt đẹp.
Tôi với anh, giống như một đôi vợ chồng bình thường nhất trên thế giới, nghiêm túc vun vén cho gia đình của mình. Ở bên anh mỗi phút mỗi giây, vĩnh viễn không bao giờ cảm thấy nhạt nhẽo. Giữa chúng tôi có quá nhiều chuyện, nói không bao giờ hết, tựa như lúc nhỏ bị cha mẹ thúc giục ba bốn lần, anh mới lưu luyến không nỡ mà nhảy xuống đầu tường chạy về nhà.
Bác sĩ Trần nhìn tôi, mỉm cười nói: "Cây kim cài áo này hẳn là do anh ấy tặng cho ngài phải không?"
Tôi nhìn theo ánh mắt bà ấy, cúi đầu nhìn chiếc kim cài áo trước ngực mình, là một chiếc có hình hoa mai nhỏ, lúc vừa mới mua, bên trên còn được đính những viên đá lấp lánh, có điều giờ đã rớt hết rồi, chỉ còn lại vẻ ngoài nguyên sơ nhất của nó.
Đó là món quà mà A Tuân tặng tôi, vào ngày chúng tôi kết hôn tròn một năm, anh đi khắp các khu mua sắm lớn nhỏ trong thành phố, cuối cùng mới mua được món quà hợp ý tặng cho tôi. Người bán hàng ở khu mua sắm là một cô gái khéo miệng, rất biết cách khiến người khác mua hàng, cô ấy nói kim cài áo cài trước ngực, là nơi gần trái tim nhất, hàm ý rất tốt, tượng trưng cho hai người mãi mãi bên nhau.
Tôi nghe thấy thì vô cùng cảm động, nhưng giá của chiếc kim cài áo lại không hề rẻ, cho nên nghe xong vẫn kéo A Tuân rời đi. Anh lại nhất quyết muốn mua cho tôi, lén lấy hơn nửa tháng tiền tiết kiệm đi mua.
Tôi chẳng hề cảm kích việc anh mua chiếc kim cài áo này. Ngày đó tôi đang ngồi dưới hiên phơi nắng, nói ra thì cũng rất giống khung cảnh ngày hôm nay, anh ở bên ngoài gõ gõ cửa, sau đó đẩy cửa vào, mỉm cười đi về phía tôi.
Nên miêu tả anh ngày hôm đó thế nào cho chuẩn xác đây? Đến nay đã rất lâu rồi, lần đầu tiên tôi lâm vào suy nghĩ sâu xa.
Sau đó, tôi nghe thấy có người nhẹ nhàng gõ cửa, Tiểu Oánh đi ra mở cửa, xã giao vài câu xong rồi mời người vào.
Ánh nắng chói chang, hào quang chói lọi làm mờ đi khuôn mặt của người kia, chỉ có thể thấy dáng người anh ta cao lớn, tôi giơ tay chắn giữa mi tâm để thấy rõ khuôn mặt của người tới. Nhưng vẫn không thấy rõ được, chỉ có thể lờ mờ cảm thấy anh ta đang cười, nụ cười mang theo sự ấm áp như ánh mặt trời, gọi tôi: "Ý Vân."
Nước mắt tôi bỗng nhiên rơi xuống. Người tới dường như ngẩn ra, bước vội đến dưới hiên, thân mình che phủ ánh mặt trời, rốt cuộc tôi cũng thấy rõ khuôn mặt của cậu thanh niên trẻ tuổi trước mặt, cùng với người phụ nữ trung niên đứng bên cạnh anh ta.
Đây không phải A Tuân của tôi, anh ta cầm một túi văn kiện thật dày, nói với tôi: "Xin chào Thẩm phu nhân, chúng tôi là nhân viên công tác của công ty phá dỡ, làm phiền rồi."