6
Lúc Trì Dã rời đi, cửa phòng mở ra, có một cô gái trẻ tuổi đứng ở bên ngoài.
Hệt như tôi của năm đó, cô ấy có gương mặt như búp bê, có một đôi mắt sáng ngời lấp lánh, không cần thi phấn trang điểm cũng đã rất xinh đẹp.
Cô ấy còn có lúm đồng tiền hơi nông, cười rộ lên trông duyên dáng yêu kiều.
Cô ấy họ Chu, là đặc trợ* của chủ tịch tập đoàn Hải Thượng.
[*Đặc trợ: tên đầy đủ là "trợ lý đặc biệt", là người hỗ trợ tổng giám đốc hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, kế hoạch công tác hàng năm và kế hoạch quản lý ngân sách, đồng thời đảm bảo việc thực hiện các chỉ thị công việc và các nghị quyết khác nhau của tổng giám đốc.]
Trợ lý Tiểu Chu gọn gàng nhanh nhẹn, cô ấy mặc trang phục công sở nhìn đẹp cực kỳ.
Giọng nói của cô ấy mềm mại và ngọt ngào, cũng vô cùng êm tai, ánh mắt nhìn về phía Trì Dã tràn ngập bất an ---
"Sếp ơi, về nhà luôn sao?"
Trì Dã rời đi, không hề quay đầu lại.
Trợ lý Tiểu Chu nhìn tôi một cái, sau đó rất mau đã đuổi theo bước chân của anh, giơ tay nhẹ nhàng nắm lấy tay anh.
Anh không từ chối, bóng lưng của hai người bọn họ trông đăng đối vô cùng.
Tôi nhớ tới bữa tiệc rượu trong ngành cách đây một tháng. Ban đầu người chúng tôi muốn hợp tác là sếp Từ của Vĩnh Phong, tôi thương lượng với ông ta suốt một tuần lễ, nhưng tên cáo già này nhất quyết không chịu hé miệng. Vì để có được cơ hội hợp tác này, tôi đã đi tới bữa tiệc rượu đó với ông ta.
Tôi đi theo ông ta cả một buổi, đàm luận về hạng mục và tiền cảnh của chúng tôi.
Cuối cùng ông ta hơi phiền, quay sang nói với tôi: "Tôi nói ký thỏa thuận VAM* thì cô không chịu, vậy thì không còn gì để nói nữa. Công ty của các người quả thực rất có tiền cảnh, nhưng gọi vốn đầu tư cũng không phải là một con số nhỏ nhặn gì, tất cả mọi người đều bảo vệ lợi ích của mình mà thôi. Nếu không cô đi hỏi Đông Minh đi, xem bọn họ có chịu đầu tư không? Trò cười thiên hạ!"
[*VAM: Trên thực tế, cái gọi là "Thỏa thuận VAM", còn được gọi là Thỏa thuận điều chỉnh định giá, có nghĩa là khi nhà đầu tư và bên tài trợ đạt được thỏa thuận tài trợ vốn cổ phần, để giải quyết sự không chắc chắn về sự phát triển trong tương lai của công ty mục tiêu, thông tin bất cân xứng và Thỏa thuận được thiết kế để điều chỉnh việc định giá công ty mục tiêu trong tương lai bao gồm mua lại vốn cổ phần, bồi thường bằng tiền, v.v. được thiết kế cho chi phí đại diện.]
Hôm ấy Trì Dã cũng ở trong bữa tiệc rượu đó.
Sếp Từ liếc nhìn anh một cái, còn tưởng rằng tôi không quen biết anh. Có lẽ ôm vài phần ác ý nên ông ta lại tiếp tục nói với tôi: "Nhìn thấy không, kia chính là chủ tịch Trì của Hải Thượng, trẻ tuổi đầy hứa hẹn, tôi giới thiệu cho cô, cô ra nói chuyện với anh ta xem anh ta có thèm quan tâm cô hay không."
Lúc đó tôi đã có dự cảm không tốt.
Bên này sếp Từ đã chào hỏi một tiếng: "Chủ tịch Trì!"
Sau đó sau sáu năm trôi qua, dưới sự giới thiệu của ông ta, lần đầu tiên tôi và Trì Dã gặp lại.
Anh mặc tây trang đắt tiền, áo mũ chỉnh tề, thái độ xa cách lại lạnh nhạt.
Còn tôi mặt mày xám xịt, lời nói ngượng ngập, gặp lại thật sự không có chút thể diện.
Giống như sáu năm trước, chúng tôi chia tay cũng chẳng thể diện chút nào.
Hôm đó tôi vô cùng xấu hổ, rất muốn về nhà thật sớm.
Nhưng mà lúc trở về, ở ngay khúc cua nơi hành lang khách sạn, tôi nhìn thấy vị trợ lý Tiểu Chu kia.
Không biết vì sao lúc đó cô ấy lại khóc đỏ hoe cả mắt, Trì Dã đưa lưng về phía tôi, ôm cô ấy vào lòng thấp giọng an ủi.
Trai tài gái sắc, đôi mắt của trợ lý Tiểu Chu đỏ hoe, mặt cũng đỏ bừng.
Cô ấy hẳn là một cô gái rất tốt.
Trì Dã, cuối cùng anh cũng học được cách buông tay rồi.
Ra khỏi câu lạc bộ, tôi gọi xe về. Tài xế hỏi tôi muốn đi chỗ nào?
Lang thang chẳng có mục đích, tôi đi tới một con phố thương mại gần tòa nhà trung tâm thành phố.
Khu vực nội thành không có thay đổi gì nhiều, phố cũ ở gần chợ đêm vẫn là nơi mà những người trẻ tuổi thích tới chơi đùa như ngày trước.
Đã rất trễ rồi, có vài chủ cửa hàng đang thu quán. Có một tiệm mì bày ở quầy hàng cuối cùng vẫn còn đang buôn bán.
Khách hàng không nhiều nhưng ông chủ rất nhiệt tình, ông ấy nói với tôi rằng mì bò tơ chua của nhà họ ăn rất ngon, chỉ có hai mươi hai tệ một tô thôi.
Tôi hỏi ông ấy cửa hàng mình có bán mì nước nguyên vị không, loại mì ba tệ một tô ấy.
Ông chủ sửng sốt một chút, ngay sau đó liền cười nói: "Chờ chút nhé, để chú làm cho con."
Tôi nhận được điện thoại của Mỹ Trân gọi tới.
Cô ấy vô cùng lo lắng nói: "Hứa Đường! Cậu đi tìm Trì Dã đúng không? Mình đã nói là bỏ đi rồi mà, bỏ công ty đi, hạng mục cũng không làm nữa, cùng lắm thì mình với ông Tần thuê phòng kết hôn, nợ có thể trả từ từ, phải trả cả đời mình cũng vui! Cậu mau về đi!"
"Mỹ Trân, anh ấy đồng ý rồi."
"Cái gì?"
Mỹ Trân ở đầu dây bên kia không dám tin tưởng: "Cậu làm cái gì?!"
"Mình không làm gì cả."
"Mình không tin, nếu cơ hội là do cậu vứt bỏ danh dự mà xin được thì mình thà rằng chẳng cần cũng thế!"
"Không đâu, anh ấy không có yêu cầu gì cả."
"Sao có thể chứ!"
"Thật mà."
Tôi suy nghĩ một lúc mới nói tiếp: "Cũng không phải hoàn toàn không có yêu cầu, anh ấy nói, từ đây chúng mình thanh toán xong rồi."
Rất tốt.
Thật đấy.
Dù sao lúc trước khi tôi và anh chia tay, điều tôi muốn đó là từ biệt đôi đàng, từng người mạnh khỏe.
Lúc tôi đang vùi đầu vào ăn mì, gần bên có một cửa hàng trang sức vẫn chưa đóng cửa, ánh đèn sáng chói mắt.
Dàn loa đặt ngay trước cửa ra vào, giữa đêm khuya tĩnh lặng, giọng ca truyền khắp đường phố---
Người nói phong cảnh nơi này đẹp tựa tranh vẽ.
Tôi lại thấy người tâm toạn lòng chẳng yên.
Đừng nghe tôi nói nữa.
Tháo bỏ lớp ngụy trang xuống thôi.
Người có nghe thấy nước mắt tôi đang rơi.
Dù sao cũng đâu nghe thấy được.
Người như con ngựa trắng.
Thong thả nhởn nhơ tự do chạy nhảy.
Hãy để tôi ngắm nghía thật kỹ bóng dáng người.
Đếm ngược thời khắc hạ màn cuối cùng này.
Tha thứ cho tôi đã câm lặng từ lâu.
Người nhanh nhạy vậy có thấu, tổn thương chồng chất trong lòng tôi.
....
[Bài hát Ngựa (马) - 福禄寿FloruitShow - Bản dịch thuộc về YingShu]
....
Mì nóng quá, thật sự là quá nóng.
Tôi ăn hơi gấp, nước mắt rơi lã chã vào tô mì.
Tôi nhớ tới Hứa Đường ngày còn bé, nếu thành tích tốt sẽ được ba dẫn tới nơi này ăn một tô mì nước nguyên vị.
Tô mì đó thật sự rất thơm.
Nóng hôi hổi, hơi nước bốc lên chiếu vào gương mặt cười ngây ngô của ba.
Cả đời người, thật sự không có quá nhiều thời gian tốt đẹp để quay đầu nhìn lại.
Có một vài người gặp nhau, ngay từ lúc bắt đầu đã chú định là một tấn bi kịch.
Như lúc tôi quen biết Trì Dã, năm đó tôi mười sáu tuổi, đang giãy dụa trong khoảng thời gian tối tăm nhất của cuộc đời.
Năm đó, ba tôi bị tai nạn giao thông thành người thực vật, tài xế gây chuyện đã bỏ trốn.
Năm đó, mẹ tôi dẫn tôi tới nhà máy chế biến giấy mà ba tôi làm việc, đòi ông chủ tiền lương đã khất nợ của ba.
Chín ngàn hai trăm ba mươi tệ.
Vì chín nghìn hai trăm ba mươi tệ đó, bà ta dẫn tôi tới ăn ở trong văn phòng của nhà máy chế biến giấy, trải một tấm chiếu ở đó chặn ông chủ vài ngày.
Năm đó tôi học lớp mười, thành tích học tập rất tốt, là ủy viên học tập trong lớp.
Một cô bé ít nói, thành thật luôn coi học tập là chuyện quan trọng nhất.
Tôi nhẹ nhàng nói với mẹ tôi: "Con chỉ xin nghỉ ở trường hai ngày thôi, con muốn đi tới nói với thầy một tiếng."
Bà ta lập tức đổ ập xuống một trận mắng chửi dữ dội: "Trường học? Trường học gì mà học! Ba mày sống dở chết dở ở đó mà mày còn muốn đi học?! Nếu không lấy được tiền thì học cái rắm!"
Mẹ tôi tên là Trần Mậu Quyên.
Bà ta là một người có tính tình rất tệ, vô cùng lạnh lùng ích kỷ.
Và cũng là một người rất kém cỏi.
Thời thơ bé của tôi, lớn lên trong tiếng cãi vã vô tận không dứt của ba mẹ.
Mẹ tôi ghét bỏ ba hèn nhát, không kiếm được nhiều tiền.
Ba tôi ghét bỏ mẹ cả ngày chỉ biết chơi mạt chược, không màng con cái, cũng chẳng lo cơm nước nhà cửa.
Một đứa trẻ được dạy dỗ từ một gia đình vô cùng bình thường, ba mẹ cũng không yêu nhau như thế, nhất định sẽ rất mẫn cảm và khuyết thiếu tình thương.
Rất lâu sau này tôi mới biết được, Trần Mậu Quyên với ba tôi là tái hôn.
Tất nhiên tôi là con gái ruột của bà ta, nhưng bà ta lại không chỉ có một đứa con là tôi.
Bà ta vốn chính là một người phụ nữ bỏ nhà bỏ con.
Năm đó bà ta vứt bỏ một đôi trai gái, ngẫu nhiên quen biết ba tôi trên xe lửa rồi trực tiếp theo ông ấy xuống xe.
Nghe nói đôi trai gái của bà ta đến nay vẫn còn đang ở vùng hốc núi hẻo lánh hoang vu, nơi mà một đứa trẻ vài tuổi đã phải cõng gùi ra ruộng làm việc, ăn mặc quần áo rách rưới.
Bà ta nghèo đến sợ, đi theo ba tôi chỉ vì nghĩ sẽ được sống ngày lành ở thành phố lớn.
Đáng tiếc ba tôi chỉ là một công nhân bình thường chưa lấy được vợ, làm việc ở nhà máy chế biến giấy nằm trong vùng ngoại thành mà thôi.
Bà ta dần trở nên oán hận, mắng chửi ba tôi lừa gạt bà ta.
Vào thời điểm tôi học mẫu giáo, bà ta lại bắt đầu ng.hi.ện chơi mạt chược, từ đó đã hoàn toàn mất kiểm soát.
Cả ngày không về nhà, vừa về tới nhà thì chắc chắn là để đòi tiền.
Ba tôi đi làm về, tất cả việc nhà đều là do ông ấy làm.
Tình cảm đã hết từ lâu, sở dĩ còn đang chịu đựng mà sống là vì ba đã nói một câu: "Tốt xấu gì cũng là mẹ của con, dù sao có mẹ cũng tốt hơn không có mẹ mà."
Nhưng cũng chính là người mẹ này, vào năm tôi mười sáu tuổi đã dẫn tôi tới chặn đường ông chủ nhà máy chế biến giấy, nhân cơ hội đó chắn trước xe của ông ta, giống như điên dại mà cào tung tóc tai mình lên, giật cổ áo xuống để lộ mảng da trắng bóng trước ngực, vừa khóc vừa gọi mọi người đến xem.
Bà ta dùng cách này để bắt lấy ánh mắt của mọi người, khóc lóc kể lể: "Sống không nổi nữa rồi, ba của con bé đã thành như vậy mà còn khất nợ tiền lương của ba nó mãi không chịu trả, đây là ép mẹ con tôi phải đi c.hết đúng không..."
Ông chủ ngồi trong xe đốc thúc tài xế lái xe, chẳng thèm để ý đến bà ta.
Bà ta thấy thế, trực tiếp kéo tôi tới trước xe, lấy một bình thuốc sâu trong túi ra.
Trong bình thuốc sâu đó là thuốc diệt cỏ chẳng biết bà ta đã mua được ở đâu.
Tôi đã là học sinh cấp ba, tất nhiên tôi biết rõ điều này có ý nghĩa như thế nào.
Tôi hoảng sợ giãy dụa, không ngừng kêu khóc: "Mẹ! Mẹ! Đừng mà!"
Sức lực của bà ta cực kỳ lớn, dường như đã điên rồi, mạnh mẽ cạy miệng của tôi ra, giơ bình thuốc lên rồi rót xuống.
"Ép chúng tôi c.hết hả, hôm nay hai mẹ con chúng tôi ch.ết cho các người xem..."
Ông chủ ngồi trên xe rốt cuộc đã thấy sợ hãi, ông ta vội vàng xuống xe: "Chị gái! Có chuyện nói rõ ràng! Bây giờ chúng tôi đi lấy tiền ngay!"
Trần Mậu Quyên thỏa mãn mà đi lấy tiền với bọn họ.
Tôi quỳ gối trong nhà máy chế biến giấy, lớn tiếng gào khóc, không ngừng nôn mửa, moi móc cổ họng.
Bà ta đã rót nó vào miệng tôi.
Từ nhỏ tôi đã nghe thấy bà nội nói, thuốc diệt cỏ là thuốc trừ sâu cực độc, người đã uống vào thì không ai có thể sống, sẽ phải chết đi trong đau đớn thống khổ.
Tôi sợ hãi cùng cực, vừa khóc vừa nôn, cả người run lẩy bẩy không dừng được.
Mãi cho đến khi Trần Mậu Quyên mặt mày hớn hở cầm tiền đi ra.
Ba ta tức giận đá tôi một cái, chửi ầm lên---
"Không chết được! Tao đổ nước máy vào đấy, nhìn mày xem, chẳng tí có tác dụng nào!"
Trần Mậu Quyên là mẹ tôi.
Mẹ ruột của tôi.
Nhưng chín ngàn hai ba mươi tệ lấy về được đó, không có một đồng nào xài trên người tôi.
Bà ta trầm mê trong các ván bài mạt chược, vẫn chẳng mấy khi về nhà như trước.
Quần áo, giày dép trong mùa hè và mùa đông, học phí phải nộp cho trường học, tất cả thứ đó chỉ gói gọn trong một câu của bà ta: "Tìm cô mày mà xin! Ba mày đã là cái dạng kia rồi, tao không bỏ đi đều do nhà mày thắp nhang cầu nguyện cả đấy!"
Cái gì bà ta cũng để tôi đi tìm cô.
Hận không thể nhét cả ba tôi đang nằm ở nhà không có người chăm sóc vào nhà cô tôi luôn.
Câu nói mà bình thường bà ta hay nói nhất chính là: "Hứa Đường, mày nên cảm thấy bằng lòng với cuộc đời này đi, nếu tao đi rồi thì ngay cả cơ hội đi học mày cũng chẳng có đâu, lúc đấy thì chỉ có nước nghỉ học ở nhà mà chăm sóc ba mày thôi!"
Bà ta nói đúng, bà nội tôi tuổi tác đã cao, vẫn luôn do cô tôi chăm sóc.
Nhà cô có già trẻ lớn bé, lại chẳng giàu có gì cho cam, đã ốc không mang nổi mình ốc rồi, ngay cả tiền sinh hoạt của anh họ khi lên đại học đều do tự anh ấy đi làm thêm lúc rảnh rỗi mà kiếm được.
Ba tôi, là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của tôi, chứ không phải bất kỳ người nào.
Cũng chính vì vậy nên cả năm cấp ba tôi đều học ngoại trú, ngày nghỉ và cuối tuần hầu như đều ở nhà giặt giũ nấu cơm, xoa bóp tay chân cho ba.
Nếu không phải vạn bất đắc dĩ, tôi không dám mở miệng xin tiền cô.
Vì tôi sợ chú không vui.
Cho nên tôi mặc đồng phục quanh năm suốt tháng, vào lúc các bạn học khác đang đua đòi giày xịn, thì tôi đang đeo một đôi giày vải bạt ba mươi tệ sắp bung hết keo ra.
Cũng vào ngay lúc này, tôi quen biết Trì Dã.
Học kỳ một năm lớp mười một, anh chuyển trường đến trung học Gia Thành.
Lý do chuyển trường nghe nói là vì anh là tên côn đồ, ở trường không chịu nghe lời giáo viên, còn ra tay đánh cả thầy chủ nhiệm.
Nhà anh có tiền có thế, sau khi sự kiện kia lắng xuống ba mẹ anh liền quyết định cho anh chuyển trường.
Hiệu trưởng của trường chúng tôi là bạn bè quen biết đã lâu với ba mẹ anh.
Điều này cũng khiến sau khi anh tới Gia Thành thì đã thích nghi cực kỳ nhanh chóng.
À không phải, anh vốn chẳng cần thích nghi.
Người như Trì Dã, bướng bỉnh không ai bì nổi, mặt mày sắc bén lại còn rất đẹp trai, ngũ quan đoan chính, góc cạnh rõ ràng, đôi môi mỏng hơi cong. Trên người anh toát lên cảm giác thiếu niên khí phách hăng hái, đi ngược với ánh sáng, rực rỡ tới mức chói mắt.
Thầy giáo sắp xếp cho anh ngồi cùng bàn với tôi, với hy vọng thành tích của tôi tốt như thế có thể giúp đỡ, chỉ bảo thêm cho anh.
Anh thì đâu có cần chỉ bảo gì, sách vở mới tinh sạch sẽ, vốn đã chẳng có ý tứ muốn học tập.
Những bạn nam thành có thành tích học tập không tốt trong lớp, thậm chí là trong cả trường rất nhanh đã hòa mình với anh, há miệng ngậm miệng đều là một tiếng anh Trì, hai tiếng đại ca.
Bạn nữ trong lớp cũng đều vô cùng thích anh, Trần Giai Ny xinh đẹp xưa nay vẫn vô cùng kiêu ngạo cũng rất hay cười đùa tìm anh nói chuyện.
Tất cả giáo viên và bạn học trong trường không có ai là không thích anh cả.
Lúc tan học, mấy bạn nam đứng ngoài cửa lớp bàn tán xôn xao, hỏi anh tại sao lại đánh thầy chủ nhiệm lớp ở trường cũ?
Anh nhướng mày, cười tinh quái nói: "Ông già kia tiêu chuẩn kép, con trai phạm lỗi thì ông ta dạy dỗ tại chỗ, tới lượt con gái thì lại gọi vào phòng làm việc của mình, mà mẹ nó còn đóng cửa lại nữa chứ, anh đây không phục, đạp bay cửa ra luôn..."
....