Quý Hiểu Âu vốn định đi tàu tới Thiên Tân trước rồi mới nghĩ cách đến Đường Cô. Thế nhưng trong lúc đi trên đường tìm tuyến xe bus tới ga tàu phía nam thì lại có một cuộc điện thoại gọi đến, cô chỉ nghĩ là điện thoại rác của văn phòng môi giới nào đó nên giọng điệu lúc nghe điện thoại không lấy gì làm vui vẻ. Song đối phương lại nói: “Alo, em yêu hả, chị đây, chị Phương Ny Á.”
Quý Hiểu Âu vừa nheo mắt nhìn biển quảng cáo trên bến xe bus vừa hỏi: “Sao chị đổi số điện thoại?”
Phương Ny Á cười hềnh hệch, “Để an toàn thôi. Bây giờ chị đang nuôi cả một dàn hậu cung đông đảo nhưng không muốn bị Trần Kiến Quốc nắm thóp, ảnh hưởng tới việc chia tài sản lúc ly hôn lắm.”
Quý Hiểu Âu chau mày, cô không dám hùa theo thái độ lẳng lơ ngả ngớn này của chị ta, nhưng cũng không tiện bình luận gì cả. Hai người nói chuyện vài câu, nghe nói Quý Hiểu Âu chuẩn bị đến Một phần ba ở Đường Cô, Phương Ny Á liền tỏ ra vô cùng hào hứng.
“Chính là nơi toàn đàn ông trên biển mà em từng kể hả? Hay quá, để chị lái xe đưa em tới tận nơi, nhân thể tận mắt chứng kiến nơi hậu cung ba ngàn mỹ nam, xuân sắc lộng lẫy thế nào.”
Vừa nhắc tới nhà hàng đó, Phương Ny Á liền phấn khích như trẻ con được kẹo, mặc cho Quý Hiểu Âu nhiều lần từ chối, Phương Ny Á vẫn nằng nặc đòi đi cùng cô tới Đường Cô. Thậm chí trong lúc đang nói chuyện, Phương Ny Á đã tự ý xoay vô lăng đi thẳng tới nơi Quý Hiểu Âu đang đứng.
Hơn hai tuần không gặp Phương Ny Á đã đổi kiểu tóc mới, tóc mái uốn xoăn gợn sóng lọn to vô cùng quyến rũ, dài đến nửa đôi mắt. Song khi chị lái xe, những lọn tóc này lại trở nên vướng víu cản trở tầm nhìn, thấy Phương Ny Á cứ liên tục lấy tay gạt tóc ra, Quý Hiểu Âu không chịu nổi liền lục trong túi mấy chiếc kẹp đen, cố định chúng lại.
Phương Ny Á cảm ơn cô, vẫn mồm năm miệng mười liến thoắng nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, kể cho Quý Hiểu Âu nghe những chuyện thú vị trong chuyến du lịch Australia mười ngày vừa qua: “Bao giờ có cơ hội em cứ thử đến bãi biển đó một lần mà xem, toàn là trai đẹp, toàn là báu vật nhân gian nhưng tiếc thay lại là đồng tính, phí phạm của trời, nhìn mà tiếc ơi là tiếc…”
Tự độc thoại một lúc Phương Ny Á mới nhận ra Quý Hiểu Âu không đáp lời mình, hơn nữa mặt mũi nghiêm trọng đến không buồn nở một nụ cười mới hỏi: “Hiểu Âu sao vậy? Có chuyện gì à?”
Quý Hiểu Âu thở dài nói: “Chị lâu ngày không xem thời sự, cũng không lên mạng chứ gì?”
“Nhiều trai đẹp như thế ai mà rảnh lên mạng! Có chuyện gì hả, nói chị nghe coi.”
Nghe Quý Hiểu Âu kể về bản thân những ngày qua, Phương Ny Á trầm tư một lát, hồi lâu sau mới hỏi: “Sweetie, em phải lòng người ta thật rồi à?”
“Vâng.”
“Vậy em định thế nào? Chờ anh ta được thả ra ư? Lỡ anh ta không ra được thì sao?”
Nét mặt Quý Hiểu Âu cứng lại một lát rồi khe khẽ nói: “Thú thật, em chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện về sau. Nhưng em cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện không nên nghĩ. Bây giờ em chỉ muốn làm tốt việc cần làm thôi.”
Phương Ny Á lắc đầu, “Haiz, chị cứ tưởng hai người đã sớm không thể rồi chứ, nào ngờ lại vững vàng như vậy. Rốt cuộc em với anh ta bắt đầu từ khi nào thế? Sao không có tí dấu hiệu nào?”
Quý Hiểu Âu hạ cửa kính xuống một chút, mặc cho gió mạnh đầu xuân cuốn theo cả bụi bặm đường phố táp thẳng lên mặt mình. Cô cười tự mỉa mai rồi nói: “Em nghĩ mãi mà cũng chẳng biết bọn em bắt đầu từ bao giờ nữa. Thực ra em chưa nói với chị, xưa nay gu đàn ông của em là đầu húi cua hoặc tóc ba phân và đặc biệt phải sở hữu một đôi mắt thu hút, có lẽ anh ấy vừa vặn phù hợp với điều kiện này, hợp gu em mà thôi.”
Phương Ny Á phì cười, “Em còn nói đùa được thì chị yên tâm rồi. Em yêu, hai chị em mình có phải đồng bệnh tương liên không nhỉ? Sao những người đàn ông của chúng ta đều không thể khiến chúng ta yên tâm chứ. Để chị nói cho nghe nhé, bây giờ chị và Trần Kiến Quốc… nói sao nhỉ, là kiểu việc ai nấy lo, không ai quan tâm ai nữa. Em đã thấy cặp vợ chồng nào như thế chưa?”
Quý Hiểu Âu rời mắt khỏi cảnh vật ngoài cửa xe, “Lão Trần nhà chị thật sự đã…”
“Stop!” Phương Ny Á ra hiệu cho cô ngừng lại, “bây giờ đừng nhắc tới hắn, nhắc tới là mất hết khẩu vị. Khi nào từ Thiên Tân về, chị sẽ kể cho em.”
Chị giơ tay bật đầu đĩa trên xe, đĩa CD đang phát bài “Dù chết cũng muốn yêu” của nhóm Shin. “Không yêu hết mình không phải là yêu”, chất giọng the thé của chị lên nốt cao đè lên cả giọng ca sĩ, đến nỗi khàn cả tiếng, mắt cũng rưng rưng hai hàng nước mắt nhưng vẫn cứng đầu hát tiếp câu nữa: “Dù chết cũng muốn yêu, không khóc thì cười cũng chẳng vui…”
Quý Hiểu Âu chỉ lặng im nhìn Phương Ny Á như thế, dường như cô trông thấy đằng sau hành vi điên cuồng ấy là một nỗi đau chẳng thể giãi bày với ai, Quý Hiểu Âu không khỏi buồn bã, nhưng khó lòng phân biệt đó là nỗi buồn dành cho Phương Ny Á hay cho chính mình?
Hai người tới bến cảng Đường Cô đã là hơn 5h chiều. Đáng lẽ với các nhà hàng bình thường, lúc này đã bắt đầu lục tục có khách, vậy mà nhà hàng hải sản Một phần ba trước mắt họ lại tiêu điều quạnh hiu. Mặc dù đèn lồng trên mạn thuyền vẫn sáng tỏ rực rỡ nhưng tầng một lại vô cùng trống trải, chỉ có vài vị khách ít ỏi, còn không đông bằng số lượng nhân viên phục vụ trong đại sảnh.
Quý Hiểu Âu thẫn thờ trước cửa. Cô nhớ lại khung cảnh náo nhiệt rộn ràng lần trước khi được Nghiêm Cẩn đưa tới. So với hình ảnh đìu hiu lúc này, lúc ấy quả thật như cảnh tượng trong mơ, tựa như chàng thư sinh gặp phải hồ ly tinh trong “Liêu Trai”, một đêm nhà cao cửa rộng giai nhân dập dìu nhưng chỉ cần tiếng gà gáy vang lên, trong chớp mắt cảnh tượng đó lại trở thành đồng ruộng héo khô, hóa ra chỉ là một giấc mộng kê vàng.
Phương Ny Á lần đầu tới đây nên không nhận ra điều lạ thường. Ánh mắt chị lập tức bị thu hút bởi bề ngoài của nhóm nhân viên phục vụ. Kéo tay áo Quý Hiểu Âu, chị khẽ cười bảo: “Đúng là động nhền nhện, sao mà nhiều trai đẹp thế!”
Quý Hiểu Âu không rảnh đáp lại, cô đi thẳng về phía nhân viên phục vụ đang đứng cạnh cửa, bảo: “Tôi họ Quý, có hẹn với quản lý ở đây.”
Cậu nhân viên đáp: “Quản lý Lưu ra ngoài có công chuyện, chiều nay không có ở nhà hàng.”
Quý Hiểu Âu chau mày, “Anh ta không bảo tôi hôm nay bận việc gì cả.”
Phục vụ khẽ nhún vai, “Xin lỗi chị Quý, tôi không nắm được lịch trình của quản lý Lưu đâu.”
Đúng lúc này một người đàn ông đeo biển “quản lý tầng một” đi tới, “Là chị Quý phải không?”
Quý Hiểu Âu gật đầu: “Tôi đây.”
Người đó liền chìa tay với cô, “Chào chị. Quản lý Lưu dặn nếu chị đến thì dẫn thẳng tới văn phòng của ông chủ.”
Quý Hiểu Âu vô cùng thất vọng, có cảm giác vị quản lý kia đang cố tình tránh mặt mình, song cũng chẳng tiện tỏ thái độ với người ngoài, đành gật đầu: “Vâng, phiền anh dẫn đường.”
Văn phòng của Nghiêm Cẩn được bài trí tối giản, một bàn, hai ghế, một giá sách, một chiếc giường gấp đơn sơ, thêm một chiếc két sắt đặt ở góc nhà, đó là toàn bộ đồ dùng. Trong khi Quý Hiểu Âu còn đang ngắm nghía nội thất trong phòng, Phương Ny Á đã tỏ vẻ không hề hứng thú với căn phòng nhìn một lần là hết này, hỏi có thể xuống dưới kiếm người nói chuyện cùng hay không. Quý Hiểu Âu đành xua tay, tỏ ý chị muốn làm gì thì làm.
Trên bức tường hướng Nam có treo một vài khung ảnh, cơ bản là những bức ảnh chụp cùng người nổi tiếng từng ghé qua nơi này, trong đó có không ít gương mặt quen thuộc thường thấy trên bản tin tài chính kinh tế hay chuyên mục giải trí. Quý Hiểu Âu lần lượt xem rồi bỗng dưng ánh mắt bị thu hút bởi một bức ảnh trong số đó. Tấm ảnh đó thoạt nhìn có vẻ đã cũ, góc ảnh có vài chỗ đã ố vàng. Trong ảnh là ba chàng trai, ngồi cạnh nhau trong lan can đá. Sau lưng họ là màu tím ngắt của hoa tử đằng nở rộ. Người cười tươi nhất trong số họ thoạt nhìn cũng nhận ra là Nghiêm Cẩn. Người ngồi giữa dù đeo kính cận, Quý Hiểu Âu cũng nhận ra chính là Trình Duệ Mẫn. Còn người ngồi kế bên Trình Duệ Mẫn ở góc ngoài cùng bên phải, tuy chưa có cơ hội gặp gỡ nhưng không hiểu sao Quý Hiểu Âu lại thấy quen quen, cô nhìn chằm chằm thật lâu mới hiểu ra, có lẽ vì trông anh quá giống một ngôi sao điện ảnh nào đó nên mới khiến cô cảm thấy quen mặt như vậy. Cậu thiếu niên điển trai này rất có thể là “cậu hai” Nghiêm Cẩn thường nhắc tới. Cái tên Một phần ba bắt nguồn từ sự ra đi của người này, thậm chí mật mã két sắt ở đây cũng được đặt theo ngày mất của người đó. Trong văn phòng đơn giản sạch sẽ này, bóng dáng của anh dường như hiện hữu ở khắp mọi nơi.
Nghĩ đến két sắt, cô bèn nhìn về phía góc phòng vài lần. Đó là một chiếc két sắt kiểu cũ màu lục vàng kích thước khoảng 50cm, mật mã là kiểu số xoay thịnh hành từ nhiều năm trước.
Quý Hiểu Âu ngồi xổm trước két sắt, như đang đối mặt với chiếc hộp Pandora, thầm nghĩ trước khi bị đưa đi, Nghiêm Cẩn đã đặc biệt dặn dò mình về mật mã két sắt, rõ ràng trong này có thứ gì đó rất quan trọng với anh. Là gì được nhỉ? Tiền? Chi phiếu? Vừa nghĩ Quý Hiểu Âu vừa vặn mật khẩu, 0, 4, 0, 8, 1, 2, cô thong thả quay núm vặn, vài con số cuối cùng cũng xong, cạch một tiếng, cửa két sắt dần mở.
Trong két sắt không có tiền mặt, cũng không có chi phiếu, chỉ có một con dấu và dấu chữ ký của Nghiêm Cẩn, mấy cuốn sổ bám bụi và một túi tài liệu đầy ắp.
Đầu tiên Quý Hiểu Âu mở mấy cuốn sổ ra xem một chút, trên bìa mỗi cuốn đều dán những tờ giấy ghi rõ năm 2009, 2010, 2011. Trình độ kế toán sơ đẳng cũng giúp Quý Hiểu Âu hiểu đây là sổ ghi chép thu nhập những năm qua của Một phần ba. Quý Hiểu Âu cũng tự mở cửa hàng nên biết bình thường người kinh doanh đều có hai cuốn sổ, một cuốn số liệu khống nộp cho bên thuế vụ, một cuốn số liệu thực giữ lại làm tài liệu cho bản thân. Nghiêm Cẩn bỏ những cuốn sổ này vào két sắt, chắc hẳn là cuốn sổ thực không muốn để người ngoài trông thấy. Cô cất cẩn thận chúng lại chỗ cũ rồi lấy túi tài liệu kia ra.
Trong túi có không ít đồ đạc, cô lần lượt lấy ra, những đồ linh tinh nằm la liệt hết nửa mặt bàn: một chiếc phù hiệu con sói, mười mấy vỏ đạn khác nhau, một con dao găm, hai chiếc huy chương và dải băng, thẻ đảng viên đỏ chói, thẻ quân nhân Trung Hoa màu xanh, một cuốn vở cũ và một xấp ảnh dày, đen trắng có, ảnh màu có, ảnh chân dung có, ảnh chụp đông người cũng có, chụp gần, chụp xa, kiểu nào cũng có, đằng sau mỗi bức ảnh đều ghi ngày tháng. Lật tới bức ảnh cũ nhất trên thẻ, Quý Hiểu Âu cuối cùng cũng được diện kiến Nghiêm Cẩn thời niên thiếu trong bộ quân trang.
Nghiêm Cẩn mười tám tuổi mặc trên mình bộ quân trang mới toanh nhưng có vẻ thô cứng, nét mặt ngây thơ hơn bây giờ rất nhiều. Để có vẻ già dặn hơn, anh cố tình chau mày nhưng đôi mắt nghiêm túc đó trong ảnh lại không giấu được vẻ dịu dàng và hồn nhiên của tuổi trẻ. Nụ cười không kiềm chế được toát lên từ ánh mắt, đuôi mày, đó là niềm vui và lòng mong mỏi với thế giới mới mẻ mà mỗi cô cậu thiếu niên đều có.
Quý Hiểu Âu xem từng bức ảnh theo thứ tự ngày tháng ghi trên đó, Nghiêm Cẩn mặc quân phục rằn ri, Nghiêm Cẩn đeo bao tay trên sàn đấu boxing trong quân đội, Nghiêm Cẩn bồng súng đứng giữa thao trường, trên mặt bôi vài vết bùn làm xấu đi dáng vẻ thường ngày, Nghiêm Cẩn đứng trên sân khấu đang cúi đầu chào thủ trưởng… dần dần, vẻ ngây ngô của tuổi trẻ dần biến mất trên mặt anh, ánh mắt ngày càng trở nên lạnh lùng và cứng nhắc y như một miếng kim loại.
Nhìn đi nhìn lại những bức ảnh đó nhiều lần, nội tâm Quý Hiểu Âu rung động sâu sắc. Từ thời niên thiếu hoạt bát đến tay súng trầm tĩnh, sự thay đổi đó là màn lột xác sau chuỗi tôi rèn bằng máu và cả nước mắt, như kim loại bị nung nóng, những thứ có thể thì đã tan chảy, còn lại những gì không thể tan chảy sẽ trở thành lớp bề mặt bền bỉ. Trong những năm tháng thanh xuân cô không được chứng kiến ấy được tóm tắt bằng một vài dấu mốc, khiến Quý Hiểu Âu kiên định hơn thật nhiều.
Quý Hiểu Âu sửng sốt rất lâu trước mặt bàn trải đầy hình ảnh tuổi thanh xuân này. Đến khi ngước lên nhìn lại căn phòng đơn sơ của Nghiêm Cẩn, cảm xúc trong lòng cô đã hoàn toàn khác với lúc vừa bước vào, một vài chi tiết bị bỏ qua bỗng trở nên rõ nét. Ống cắm bút màu đồng rất đặc biệt hóa ra được làm từ bao đạn. Chiếc tủ sắt màu xanh này thực chất cũng là đồ quân dụng thải bỏ. Quý Hiểu Âu nhớ tới căn phòng trong nội thành của Nghiêm Cẩn hoàn toàn được trang hoàng theo phong cách hiện đại, nhìn là biết chủ nhân theo đuổi sự xa hoa, sang trọng, hoàn toàn không có dấu vết gì của cuộc sống quân ngũ. Nhưng không ai biết rằng, căn phòng và két sắt ở đây lại khóa chặt tuổi trẻ cũng như giấc mộng xưa cũ của một người.
Rất lâu sau Quý Hiểu Âu mới dám mở cuốn sổ sờn cũ đó. Cuốn sổ không dày, chỉ khoảng hơn chục trang giấy, được ghép lại từ đủ loại giấy, đủ kích cỡ. Cô thuận tay mở một trang, là loại giấy da bò dùng để gói đồ, từng được gấp đi gấp lại tạo thành vô số nếp nhăn, sau đó được vuốt phẳng cẩn thận, viết vài câu bằng mực nước đen, nét bút nguệch ngoạc, có những chữ phải đoán mới đọc được hết.
Ngày 15 tháng 7 năm 1999, trời trong, gió Đông cấp 1-2.
Phán đoán sai, làm hại tiểu C.
Tiểu C đi rồi.
Trong căn cứ giờ đây đã không còn bất cứ dấu vết gì của tiểu C nữa, cứ như cậu ấy chưa từng sống ở đây vậy. Mình thấy họ lấy chăn đệm và đồ dùng của tiểu C đi, thấy họ mấp máy môi như đang nói gì đó với mình. Mình chẳng biết nên nói gì nữa, chỉ biết cúi mặt nhìn chân, nhìn chằm chằm vài giọt máu trên giày, đó là máu của tiểu C.
Ba mẹ tiểu C đã tới. Ở đây dù có ra đi bằng cách nào, người nhà cũng chỉ được nhận bảy chữ: hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Danh hiệu liệt sỹ? Có thể có mà cũng có thể không, tùy vào vận may. Tiểu C không phải người đầu tiên. Trên mảnh đất này, đến và đi mãi mãi chỉ đơn giản như thế.
Tiểu C từng nói một tay súng ngầu nhất không phải lúc bóp cò mà là khi tập trung lắp một khẩu súng. Vì thế mình đã tháo khẩu 85, nhưng tháo rồi vẫn không thể dừng lại, cũng không muốn dừng lại.
Lão L đưa mình một bao thuốc lá, bảo rồi sẽ đến ngày mình nghĩ thông suốt, một ngày nào đó mình nhất định có thể buông bỏ sự hy sinh của tiểu C, không còn bị ảnh hưởng hay thay đổi gì nữa. Ngày trước cũng chính lão L đã nói, thân là một tay súng, không chỉ cần đôi tay vững vàng mà trái tim cũng phải mạnh mẽ, nhất định phải học cách kìm nén, ít nhất không thể để người bên cạnh nhận ra sự lo lắng của bản thân. Nhưng thật tình mình không thể nào thoát ra được, không thể có mắt như mù, có tai như điếc. Nó đã trở thành một phần cơ thể mình, dù không nhìn, không nghe, nỗi đau vẫn có thể đục khoét trái tim bất cứ lúc nào.
Đang trong lúc Quý Hiểu Âu đọc cuốn sổ đến xuất thần thì bỗng nghe tiếng ồn ào bên ngoài căn phòng. Sau đó có tiếng gõ cửa, tiếng gõ dồn dập và đầy sợ hãi. Cô vội nhét cuốn sổ vào túi xách của mình, khóa két sắt lại rồi nhanh chóng đi ra mở cửa.
Bên ngoài là tay quản lý tầng một vừa dẫn cô lên đây.