*** Brahma là thần sáng tạo ra thế giới, thường xuất hiện với hình tượng một nhà hiền triết, thường ngồi trên đỉnh núi suy tư những ý nghĩa thâm ảo nhất của vũ trụ. Thần có sức mạnh vĩ đại là sáng tạo sinh mạng, cả thế giới đều do tay ngài tạo nên. Sau khi Shiva diệt thế, cũng chính ngài là người phụ trách tái tạo lại thế giới. Brahma mặc áo trắng, bốn đầu, bốn tay, lần lượt cầm kinh Veda, quyền trượng, chuỗi hạt, cung, bình nước hoặc hoa sen...Đặc điểm nổi bật nhất của Brahma là có bốn đầu, truyền thuyết kể rằng thần vốn có năm đầu, nhưng về sau đã bị Shiva chặt mất một. Vishnu Là một vị thần ôn hòa lương thiện, ngài lượng thứ cho mọi sai lầm của nhân thế, đồng thời dẫn đường cho nhân gian hướng thiện, phụ trách bảo vệ thế giới, duy trì trật tự và hòa bình cho vũ trụ, bảo hộ chúng sinh. Cúng tế Shiva cần huyết tế, còn cúng tế ngài chỉ cần hoa tươi. Ngài có bốn cánh tay: một tay cầm tù và, một tay cầm kim luân, tay thứ ba cầm quyền trượng, tay còn lại cầm một đóa hoa sen. Vishnu, thần bảo hộ sẽ hóa thân xuống thế gian, phò trợ cho chính nghĩa, tiêu diệt tà ma và xây dựng nền pháp trị. Shiva Là vị thần cuốn hút nhất trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ cổ đại, ngài cô độc, hùng mạnh, tàn bạo, nhưng cũng từ bi. Ngài đồng thời là chủ sở hữu sức mạnh của những điệu múa, khổ hành, tính dục và dã thú. Ngài rời xa đám đông, cao ngạo, độc đoán, sở hữu sức mạnh hủy diệt tất cả. Một khi ngài đã quyết tâm hủy diệt thế giới, thì cả Brahma và Vishnu đều không thể ngăn cản được. Shiva có mái tóc xanh, cổ họng màu xanh, ba mắt. Thiên nhãn trên trán là vũ khí cực kỳ lợi hại, khi hủy diệt thế gian, từ con mắt thứ ba sẽ phóng ra ngọn lửa, tiêu diệt vạn vật, chúng sinh, biến thế giới này thành cát bụi. Vũ khí của Shiva là một cây chĩa ba, gọi là Trishula, tượng trưng cho sấm sét, chứng tỏ Shiva nắm giữ sức mạnh của gió bão, ngoài ra còn có kiếm và cung. Trên người thần có ba con rắn độc quấn quanh, một con quốn trên cột tóc, một con quấn trên cổ, con còn lại là sợi dây quấn quanh bắp tay ngài. Ngài cưỡi trên con bò đực màu trắng Nandin, tiêu ký hình mảnh trăng non của Nandin cũng thường xuyên xuất hiện bên cạnh hình tượng của ngài. Khi người vợ đầu tiên của thần là Sati chết, ngài đã ôm thi hài nàng nhảy múa như điên khắp thế giới này ba vòng, lại lưu lại nhân gian 7 năm. Điệu múa vừa tượng trưng cho vinh quang của ngài, cũng tượng trưng cho sự vận động vĩnh hằng của vũ trụ, vận động làm cho vũ trụ không già cỗi. Nhưng khi một thời đại kết thúc, ngài sẽ dùng điệu múa Tandava để hoàn thành việc hủy diệt thế giới, đồng thời khiến nó hòa nhập với tinh thần bất diệt của vũ trụ bao la. Parvati Người vợ đầu tiên của Shiva là Sati chuyển thế luân hồi, biến thành nữ thần Tuyết Sơn xinh đẹp nhưng cố chấp. Nàng cũng giống như tiền thế của mình, một lòng say đắm yêu Shiva, nàng đã ngâm mình trong dòng suối nước nóng của dòng Himalaya, cuối cùng đã dùng sự khổ hành khiến cả các vị thần cũng phải kinh hãi, làm rung động trái tim của Shiva. Dưới sự chứng kiến của các thần, Parvati cuối cùng đã cử hành hôn lễ trọng thể với Shiva, trở thành đôi tình lữ được ngưỡng mộ nhất trên Thiên giới. Vợ của Shiva cũng có rất nhiều hóa thân, có thể là ôn hòa như Uma, có thể là Parvati xinh đẹp quyến rũ (có tên khác là Shailaja, hoặc Aparna), có lúc lại biến thành nữ chiến thần Durga. Durga là nữ chiến thần mạnh mẽ vô song, là mẹ của Ganesha, và Kartikeya, có chiến tích phục ma lẫy lừng cả trời đất. Đánh Cược Nguyên nhân ban đầu của câu chuyện, bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Brahma và Parvati. Brahma ngồi một mình trên đỉnh Tuyết Sơn cả ngàn năm, lúc mở mắt ra bỗng nhiên phát hiện ra vị nữ thần xinh đẹp đang tu luyện chung một ngọn núi với mình là Parvati. Brahma không biết nàng chính là vợ của Shiva, ngài bị vẻ đẹp của nữ thần làm rung động, vậy nên đã sinh ra năm cái đầu, để có thể thưởng thức vẻ đẹp của nàng từ những góc độ khác nhau. Hành động này khiến Shiva nổi giận, không nói không rằng đã vung kiếm chặt đầu của Brahma xuống. Brahma vô cùng xấu hổ, nhưng cũng không giao chiến với Shiva mà trở về Tuyết Sơn ẩn cư. Nhưng từ đây giữa hai vị thần đã xảy ra rạn nứt. Một lần, các thần đánh bại A Tu La của Ma tộc. A Tu La vương quyết định đem linh hồn của mình giao cho vị thần lớn mạnh nhất ở Thiên giới. Điều này đã gây nên một cuộc tranh luận giữa các vị thần. Sức mạnh sáng tạo của Brahma hay sức mạnh hủy diệt của Shiva, rốt cuộc bên nào vĩ đại hơn? Shiva và Brahma đối đầu quyết liệt, không ai nhường ai. Shiva vốn quyết dùng chiến đấu để phân ra thắng bại, nhưng Brahma cho rằng võ lực không phải là khởi nguồn duy nhất của sức mạnh. Cuối cùng, hai vị thần đã phải nghĩ ra một phương pháp công bằng nhất. Đó chính là chuyển thế xuống nhân gian. Ở sâu trong Tuyết Sơn có một Luân Hồi bàn khổng lồ, do Phật Thích Ca Mâu Ni tạo ra khi ngộ đạo, có sức mạnh xuyên suốt lục giới. Vị thần nào bước vào luân hồi bàn này, sẽ chuyển thế xuống nhân gian, đồng thời mất đi ký ức cùng hầu hết sức mạnh. Cho đến khi tìm thấy các nhân duyên mà Luân Hồi bàn bố trí xung quanh mình, đánh thức ý thức của thần đang ngủ say trong mình. Cuộc đánh cược của Shiva và Brahma chính là xem ai có thể giác ngộ trở lại sớm hơn người kia. Trước khi tiến vào Luân Hồi bàn, hai vị thần đã đem hầu hết sức mạnh của mình thành một ngọn lửa, cho cháy trên trụ đá của Thiên giới. Ngọn lửa này có thể giữ cho thế giới cân bằng 24 năm sau khi họ ra đi. Hai vị thần vốn cho rằng 24 năm là đã đủ cho họ rồi. Thế nhưng, khi hai vị thần bước vào Luân Hồi bàn, Parvati cũng biết tin tức này, nàng vô cùng kinh hãi, lập tức đi cản họ lại. Vì khi du hành trên Tuyết Sơn, nàng đã từng tận mắt trông thấy Phật Thích Ca Mâu Ni tạo ra Luân Hồi Bàn này, nàng biết rõ sự hung hiểm khó khăn trong đó - ngộ nhỡ không thế tìm được những nhân duyên bị tản ra thì vị thần chuyển thế có thể sẽ vĩnh viễn phải ở lại nhân gian, không thể nào thành thần được nữa. Mà khi sức mạnh của Shiva và Brahma để lại trụ đá cạn kiệt, sự cân bằng của thế giới sẽ mất đi, thế giới tự nhiên sẽ bị sụp đổ mà không thể vãn hồi. Parvati quyết tâm ngăn cản họ lại. Nhưng khi nàng đến nơi thì đã quá muộn, Shiva và Brahma đã bước vào Luân Hồi bàn, Luân Hồi bàn cũng bắt đầu chuyển động. Parvati không biết phải làm sao, đành hóa thân thành Durga, chuẩn bị dùng sức mạnh cưỡng bức Luân Hồi bàn ngưng chuyển động. Thế nhưng nàng đã đánh giá thấp sức mạnh của Luân Hồi bàn, nhất thời bất cẩn, một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. cuốn cả nàng vào trong đó. Đồng thời Luân Hồi bàn cũng xuất hiện một lỗ hổng khổng lồ! Trong vụ nổ đó, Shiva vì bảo vệ Parvati, cổ tay đã bị thương, chảy ra vài giọt máu. Những giọt máu này khi luân hồi đã hóa thành một hóa thân khác của ngài. Sức mạnh của Shiva, vì thế lại phân tán thêm lần nữa. Chín loại pháp khí của ba người, toàn bộ đều rơi vào trong Luân Hồi bàn. Brahma vốn rất mưu trí, đã giấu bên mình một cuốn sách (cũng chính là Phạn Thiên Bảo Quyển sau này), bên trong dùng phương pháp cực kỳ bí mật, ghi lại một phần ký ức của ngài. Nhưng trong chấn động đó, cuốn sách cũng bị thất lạc trong nhân gian. Chín thứ pháp khí và một cuốn sách, bị cuốn vào thời không mấy trăm năm trước khi ba người chuyển thế, về sau được người đời phát hiện, gọi là Thiên La bảo tàng lưu truyền trong nhân thế. Nghiêm trọng hơn đó là, nhân duyên do Luân Hồi bàn bố trí ban đầu đã bị đứt đoạn, rối mù như nắm tơ vò, trôi dạt trong trần thế mênh mông. Cơ hội giác ngộ của Shiva, Brahma và Parvati trở nên càng thêm mong manh bội phần. Luân Hồi 24 năm chớp mắt đã qua đi, hai vị đại thần và Parvati vẫn bặt vô âm tín. Đại thần Vishnu phải luôn gồng mình lên gánh vác, mới khiến ngọn lửa trên trụ đá tiếp tục cháy, nhưng đã gần như sắp tắp, bất cứ lúc nào cũng có thể lụi tắt, thế giới lung lay như muốn sụp đổ. Để mau chóng khôi phục lại sự cân bằng cho thế giới, Vishnu quyết định xuống nhân gian tìm kiếm hai vị đại thần, đồng thời giúp họ tỉnh ngộ. Nhưng Luân Hồi bàn đã bị phá hỏng, Vishnu không sao chuyển thế được, thời gian khẩn cấp, nên ngài đã cùng Tây Vương Mẫu lập nên một khế ước. Tây Vương Mẫu cư ngụ trên Côn Luân Sơn. Trong một trận chiến, linh hồn đã bị phong ấn trong một mặt trời mà Hậu Nghệ đã bắn rơi, không thể phục sinh. Nhưng người bảo vệ của Tây Vương Mẫu, những truyền nhân của tộc Thanh Điểu có sức mạnh tiên tri thần bí, đời đời kiếp kiếp đều nỗ lực hết sức để phục sinh bà. 20 năm trước bọn họ dùng máu tươi của mình tạo ra cho Tây Vương Mẫu một thân thể ở nhân giới. Song, vì linh hồn Tây Vương Mẫu vẫn đang bị phong ấn, thế nên thân thể này vẫn không thể kết hợp được với linh hồn của người. Vì thế, Vishnu và Tây Vương Mẫu đã định ra khế ước. Ngài dùng sức mạnh của mình tách vầng mặt trời nóng bỏng đang phong ấn linh hồn Tây Vương Mẫu kia ra. Điều kiện là để ngài mượn thân thể Tây Vương Mẫu sử dụng, để bà ta giúp mình đến nhân gian tìm kiếm Shiva, Brahma và Parvati. Trước khi làm điều này, Vishnu đã phong ấn sức mạnh của mình trên Tây Côn Luân, để giao cho thân thể kia sử dụng. Vậy là thân thể của Tây Vương Mẫu trên thế gian, nữ tử có tên Đơn Chân Nạp Mục, nữ hoạt phật của Hương Ba Cát Cử tự, có được sức mạnh của Tây Vương Mẫu và Vishnu, nàng sẽ lưu lãng trong nhân thế này, tìm kiếm một chữ "duyên" huyền diệu, hoàn thành sứ mệnh của mình. Sau khi hai vị đại thần đều chuyển thế luân hồi không lâu, Phật Thích Ca đã dùng trí tuệ siêu phàm trác tuyệt của mình, dự cảm được kiếp vận của thế giới, liền đại phát từ bi, cũng chuyển thế luân hồi, trở thành Chuyển Luân thánh vương của kiếp này, gắng sức ngăn cản sự hủy diệt của thế gian, cứu vớt chúng sinh. Vậy là Shiva Brahma Parvati Vishnu, Tây Vương Mẫu, Phật Thích Ca. Tất cả cùng luân hồi nhân thế, tạo nên bao nhân duyên hội ngộ chốn nhân gian.