Huyết Y Kỳ Thư

Chương 4: Trong sơn động, Ngô Cương gặp kỳ duyên




Ngô Cương lẩm bẩm nhắc lại sáu chữ: Mỹ nhân ngư Từ Tiểu Hương.
Tiếng gà xao xác, xem chừng trời sắp sáng rồi.
Thiết Tâm thái tuế vỗ đầu Ngô Cương nói:
- Tiểu Cương! Ngươi nhân lúc trời chưa sáng này đi lẹ lên. Ta mong ngươi sẽ gặp cơ duyên kỳ ngộ phi thường.
Ngô Cương ra chiều quyến luyến nói:
- Đại thúc! Tạ ơn đại thúc hết lòng chiếu cố. Xin đại thúc thận trọng.
Trên đường đi về phía Nam, một chàng thiếu niên gầy ốm ăn mặc ra kiểu quê mùa, trên vai đeo một bọc nhỏ, thất thểu đi một mình. Tuy mắt chàng xanh như tàu lá vẫn không dấu hết được vẻ tuấn tú hiên ngang.
Chàng chính là con nhạn lẻ phiêu bạt giang hồ tên gọi Ngô Cương.
Dọc đường chàng gặp khá nhiều võ sĩ chuyên môn tra hỏi bọn ăn xin nhưng chẳng một ai chú ý đến chàng, vì chàng đã cải trang khác hẳn một tên tiểu hóa tử khi chàng còn ở phủ Khai Phong.
Tiền đồ mờ mịt, Ngô Cương chẳng biết đi đâu về đâu.
Tối đến toà phá miếu, hoặc dưới mái hiên nhà người ta là chỗ yên thân của chàng. Bụng đói mà chàng mua ít cơm hầm rau xanh mà ăn. Chàng từng phiêu bạt đã lâu, nên cách sinh hoạt này chàng cũng chẳng lấy chi làm khổ sở. Cái mà chàng lấy làm đau khổ là không hiểu đến bao giờ mới hết bước đường phiêu bạt. Chàng biết rõ chỉ những mối cừu hận hành hạ cũng đủ khiến người chàng hao mòn chết đi được.
Từ khi chàng gặp điều bất hạnh, mười năm trời không bao giờ chàng có một nụ cười vui vẻ, chàng không biết đến hoan lạc là gì? Có thể nói là chàng sinh trưởng trong cừu hận. Thái quản gia chết rồi, trên đời chàng không còn một người thân nào nữa.
Hôm ấy chàng đến Phàn thành ở Hán Trung. Chỗ này đối diện với Tương Dương ở bên kia sông. Trời nóng mà người lại nhọc mệt Ngô Cương muốn tìm nơi nghỉ mát. Chàng ghi nhớ cẩn thận lời cảnh báo của Thiết Tâm thái tuế là phải hết sức tránh những nơi đô hội như thành to ấp lớn, nên chàng không tiến vào Phàn thành ở Hán Trung mé ngoài chừng một dặm nữa thì gặp một quán trà bên đường. Quán trà này chuyên bán cho những người đầu đội vai mang hoặc những khách bộ hành vào nghỉ chân.
Ngô Cương vào hàng gọi lấy một bình trà và hai tấm bánh vừng ngang nhiên ngồi ăn.
Chàng phải uống vì miệng khát, phải ăn vì bụng đói. Chàng đã là người đương nhiên không khỏi cảm thấy đói khát. Nếu không thời chàng cũng chẳng biết đến ăn uống là gì nữa.
Toàn bộ tư tưởng của chàng chỉ là một chữ hận. Kỳ vọng của chàng có một không hai là gặp cao nhân luyện thành tuyệt nghệ. Còn ngoài ra chàng chẳng cần biết một chuyện gì khác.
Đôi khi chàng dường như có cảm giác điên rồ, muốn kết thúc cuộc đời mình, song ý niệm phục thù đã nắm chàng lại. Ý niệm này khiến cho chàng không phát điên. Chàng nghiến chặt hai hàm răng và chịu sống thêm.
Nước trà đã pha qua mấy lần, bây giờ chỉ còn là nước lã. Còn bánh chàng chẳng hiểu mình ăn hết từ lúc nào bây giờ chàng ngơ ngẩn xuất thần.
Điếm tiểu nhị lượn qua lượn lại mấy vòng trước mặt chàng, sau không nhịn được liền cất tiếng hỏi:
- Tiểu ca! Tiểu ca muốn dùng gì nữa không?
Ngô Cương như người trong mộng choàng tỉnh giấc. Chàng ồ lên một tiếng rồi đáp:
- Thôi không ăn uống gì nữa. Hết bao nhiêu tiền nhỉ?
- Ba đồng tiền lớn.
Ngô Cương thò tay sờ túi thì chẳng còn một đồng nào. Tiểu nhị biết chàng không tiền, mặt ra chữ nãi.
Ngô Cương liền mở bọc lấy ra một nắm bạc vụn đưa cho tiểu nhị. Trong bọc toàn là vàng bạc. Bạc từng đỉnh lớn mà vàng cũng từng thoi mấy chục lạng. Gã tiểu nhị thấy thế thèm quá tưởng như không muốn bỏ đi nữa. Đến lúc Ngô Cương gói lại gã mới chạy đến quày để thối tiền.
Có người ngồi gần bên đưa mắt ra hiệu, mà Ngô Cương không biết gì hết.
Tiểu nhị đưa lại một nắm tiền xanh. Ngô Cương cũng chẳng buồn đếm, bỏ ngay vào túi rồi đứng lên đi. Chàng đi chưa được bao xa thì phía sau có tiếng bước chân nhộn nhạo và tiếng người quát lớn:
- Tiểu tử! Đứng lại để các ông hỏi!
Ngô Cương giật mình kinh hãi dừng bước quay lại thì thấy bốn hán tử đội mũ lệch mặc áo cụt tay vây chàng vào giữa.
Ngô Cương cất tiếng hỏi:
- Bốn vị muốn làm gì?
Một gã trong đám này trên mặt có dấu chàm xanh lạnh lùng hỏi:
- Tiểu tử! Ngươi ở địa phương nào tới đây?
Ngô Cương đáp:
- Tại hạ là khách qua đường.
Hán tử lại hỏi:
- Ngươi làm nghề gì?
- Chẳng làm gì hết!
- Ngươi ở phe phái nào?
- Tại hạ không hiểu.
Đại hán quay lại đưa mắt cho ba tên đồng bọn rồi ngoác miệng xịu mặt xuống nói:
- Tiểu tử! Ta xem chừng mi không phải là hạng người lương thiện…
Ngô Cương tức giận hỏi lại:
- Ngươi muốn giở trò gì?
Đại hán bật tiếng cười hung dữ nói:
- Tiểu tử! Đêm qua trang bảo trong chúng ta mất trộm rất nhiều vàng bạc. Chúng ta coi mi có vẻ khả nghi. Bây giờ chúng ta phải khám trong người mi.
Ngô Cương tức như vỡ mật lớn tiếng hỏi:
- Giữa ban ngày ban mặt mà các ngươi dám…
Chàng chưa dứt lời, bỗng nghe đánh bốp một tiếng. Chàng bị một cái tát rất nặng, đưa tay lên sờ má rồi loạng choạng lui lại bốn năm bước, đầu váng mắt hoa, thêm vào khí tức, khiến chàng suýt ngã lăn ra.
Đại hán lại quát lên:
- Lục soát trong mình gã!
Ba tên hán tử kia liền nhảy vào. Hai tên nắm giữa cạnh sườn còn một tên chụp chiếc túi trên vai chàng. Chúng móc lấy hết vàng bạc cả mấy đồng tiền xanh cũng không bỏ xót.
Ngô Cương tức chết đi được. Chàng lớn tiếng la:
- Quân cường đạo! Cướp giật…
Tên đại hán lại xổ vào tát chàng luôn hai cái.
Ngô Cương không la được nữa, mặt sưng húp lên, khoé miệng ứa máu. Hai người buông tay. Ngô Cương ngã ra. Đại hán lại đá chàng một cước, chàng kêu rú lên, người bắn văng vào đám cỏ rậm bên đường. Mắt tối sầm lại sau lưng tê dại không biết đau là gì nữa. Chàng tiếp tục hộc máu thêm mấy búng.
Một tên hán tử hỏi:
- Lão đại! Giết hắn đi thôi chớ!
Đại hán đáp:
- Không cần! Gã là con cừu non ở xa xôi, không đáng động thủ.
- Bây giờ đi đâu?
- Đến nhà Tiểu Thuý ở mé Tây thành. Một lần này đủ ở đó ăn chơi nửa tháng.
- Mẹ kiếp! Đừng ba hoa nữa! Đi thôi!
Bọn chúng lên đường.
Đám cỏ rậm này rất dày, mà trên đường ít người qua lại, nên Ngô Cương nằm trong đó mà không ai phát giác ra được. Chỗ chàng nằm cỏ cao đến ngập đầu người. Chàng ngửa mặt trông trời coi những đám mây bay, muốn khóc mà không có nước mắt.
Hiện giờ trong mình Ngô Cương không còn một đồng một chữ. Chàng nghĩ tới giai đoạn phải ăn xin để sinh sống thì tưởng chừng như ruột gan tan nát.
Bọc kim ngân này kể ra chẳng có chi là trân quý đối với Ngô Cương. Chàng nhớ lại thửa nhỏ trong nhà chàng thường lấy những hạt châu lớn để làm đạn chơi. Một hạt châu có lẽ còn giá trị hơn những bọc kim ngân vừa bị cướp. Nhưng tình trạng bữa nay không phải như ngày trước. Huống chi tiền bạc này lại của Thiết Tâm thái tuế tặng cho. Đó là món tiền chàng dựa vào mà sống để đi tới chân trời góc bể. Bữa nay mất hết mà chàng lại không ăn trộm ăn cướp được thì tất phải trở về cuộc đời hành khất. Cái đó không đáng kể, điều khiến cho chàng lo nghĩ là chàng chìm đắm vào nghề khất cái sẽ bị bọn nanh vuốt của Võ Minh phát giác ra một cách dễ dàng.
Ngô Cương không dám nghĩ thêm nữa. Thật ra chẳng nên nghĩ làm chi, nhất thiết đều do định mệnh. Chàng lẩm bẩm:
- Trời đã chẳng công minh, quỷ thần cũng gây ra lắm chuyện.
Ngô Cương lẩm bẩm mấy câu này vì chàng đang hận thấu xương. Nhưng hận cũng chẳng làm gì, nó không cải biến được vận mệnh đen tối.
Không biết chàng ngớ ngẩn đã bao lâu. Bỗng một tiếng sấm nổ khiến chàng tỉnh lại, bầu trời đã biến đổi hình dạng, từng đám mây đen ùn ùn nổi lên, chớp giật nhoang nhóang, sấm nổ ầm ầm, xem chừng sắp có trận mưa to.
Ngô Cương nhịn đau, chàng chống tay xuống lồm cồm bò dậy loạng choạng đi vào đường lớn.
Những hạt mưa lớn bằng hạt đậu bắt đầu đập vào mặt chàng. Dường này thường ngày ngựa chạy, những hạt mưa hất tung lên rồi theo gió cuốn đi. Người đi đường lật đật tìm kiếm chỗ trú mưa. Khách kỵ mã cũng ra roi cho ngựa chạy nhanh hơn.
Ngô Cương lòng nóng như lửa đốt. Ở nhà chàng thường hứng nước mưa để uống. Nhưng hiện giờ chàng đã bị thương thì trận mưa dữ này có thể làm cho chàng uổng mạng.
Ngô Cương hoang mang lảo đảo thân mình chạy đi. Hạt mưa mỗi lúc một dày. Chỉ trong khoảnh khắc, chàng bị ướt từ đầu đến chân.
Đột nhiên, chàng phát hiện gần đó có một huyệt động. Chàng cố sức lê gót tới nơi. Vừa tới cửa động thì đã kiệt sức té xuống.
Một mùi quen thuộc như chọc vào mũi chàng. Chàng biết trong động có một người mà lại là người hành khất. Chàng ngã lăn ra rồi không có sức bò dậy nữa.
Trời mưa như trút nước, sấm chớp ầm ầm, thanh thế rất là khủng khiếp. Chỗ Ngô Cương nằm ở ngay cửa động. Nước mưa tưới vào. Chàng thở hồng hộc một lúc rồi giẫy dụa chân tay bò được vào đến chỗ khô ráo. Từ cửa động lê vào bất quá chừng hơn trượng mà chàng tưởng chừng phải chạy đến trăm dặm.
Trong bóng tối có tiếng rên yếu ớt và tiếng la gọi:
- Nước… nước…
Ngô Cương phủ phục dưới đất muốn ngẩng đầu lên coi mà cũng không được.
- Nước… nước…
Tiếng rên la thê thảm không ngớt đập vào tai Ngô Cương chàng nghĩ thầm:
- Người này chắc bị bệnh nặng sắp chết. Trời mưa lớn thế này mà y còn khát nước thì ra trên thế gian này những người gặp nhiều bất hạnh không phải mình ta.
Chàng từng lăn lội sống chung với bọn khất cái, nên trong trực giác chàng đã có hảo cảm với họ. Chàng cố thều thào hỏi lại:
- Phải chăng đại thúc là đệ tử Cái bang?
Không có tiếng đáp lại, nhưng tiếng rên la vẫn tiếp tục:
- Nước… nước…
Ngô Cương không nói gì nữa, nhưng tiếng rên la làm cho chàng run lên. Chàng nhớ thái quản gia đã ở với chàng như tình phụ tử. Lúc ở miếu Thiên Lương, lão bị trọng bệnh cũng nổi tiếng rên la. Tự nhiên một luồng lực lượng ở đâu kéo đến thúc đẩy chàng lồm cồm ngồi dậy.
Huyết động này không lớn lắm. Đây là nơi những người trong thôn xóm đem những bình mẻ gạch vỡ chất đống cao chừng hai trượng, rộng chừng ba trượng. Ngô Cương vừa liếc mắt nhìn vào đã thấy ngay trong góc động có bong người nằm co ro.
Chàng cố gắng lê gần lại coi rồi bất giác chàng ngẩn người ra.
Người nằm đó là một lão già đầu tóc bạc phơ đầy mình những máu, xem chừng bị đau rất nặng. Chàng còn kinh hãi hơn vì lão này mặc áo trường bào bằng đoạn thâm, chân đi tất trắng giầy đen , hiển nhiên không phải là dòng khất cái. Nhưng lão nằm trên manh chiếu rách, đầu gối lên chiếc chăn bông thủng. Bên người lão là ba phiến đá để chụm đầu vào nhau như ba ông lò và một cái nồi đã mẻ miệng cùng hai cái bát lớn cáu bẩn đen sì. Đó đúng là đồ dùng của bọn hành khất.
Ngô Cương không hiểu tự hỏi:
- Vụ này là thế nào đây?
- Nước… nước…
Lão già bị trọng thương cất tiếng thê lương và yếu ớt. Da mặt lão đã dăn lại càng dăn deo hơn. Sắc mặt lợt lạt không còn chút huyết sắc. Môi lão rung động mấp máy. Thanh âm qua kẽ răng đưa ra ngoài. Hai mắt nhắm nghiền tựa hồ cố giương lên mà không mửa ra được. Tiếng lão gọi xin nước khiến người nghe phải đau lòng.
Con người bị thương ra máu nhiều tất nhiên khát nước. Đó là hiện tượng thông thường. Nhưng nếu uống nước vào nhiều thì tình trạng lại trở nên nguy hiểm khó lòng cứu vãn được. Những điều thường thức này Ngô Cương cũng hiểu rõ vì Thái quản gia đã nói với chàng nhiều lần.
Nhưng lúc này không có thuốc, Ngô Cương lại không hiểu võ công, dĩ nhiên không trị thương cho lão được. Chàng xem chừng lão sắp chết đến nơi, tự nghĩ:
- Con người đã sắp chết thì còn để cho họ đau khổ làm chi. Nếu nước uống có thể khiến cho lão khôi phục thần trí, may ra lão tự cứu mình được cũng nên.
Bụng nghĩ như vậy, Ngô Cương loạng choạng cầm chiếc bát lớn ra ngoài cửa động hứng lấy nửa bát nước mưa rồi bưng vào đến bên lão khẽ gọi:
- Lão trượng! Nước đây!
Lão già không có phản ứng chi hết vẫn thều thào nhắc lại:
- Nước…! Nước…!
Ngô Cương không sao được liền lấy tay bành miệng nhưng hai hàm răng lão cắn chặt không mở ra được. Chàng cúi đầu ngẫm nghĩ rồi dùng vạt áo vào nước nhỏ từng giọt một vào miệng lão.
Nước lạnh nhỏ giọt khiến lão già có phản ứng ngay. Lão mở miệng ra hớp lấy nước.
Ngô Cương nhẫn nại nhỏ nước cho lão. Sau miệng lão hoạt động được. Chàng liền nâng bát nước lên để gần vào miệng đổ cho lão dần dần.
Lão già đã uống hết nửa bát lớn nước và xem chừng chưa thoả mãn. Nhưng Ngô Cương không dám cho lão uống nhiều.
Hơi thở đã dần dần mạnh hơn. Mí mắt từ từ co giãn rồi mở ra nhắm lại. Tròng mắt lão đã thất thần.
Giữa lúc ấy ngoài động có tiếng ngựa thét. Tiếp theo là thanh âm ồm ồm cất lên:
- Trời mưa rất lớn làm mình bực quá, xoá hết cả vết chân hắn.
Một thanh âm khác đáp lại:
- Mới có mấy giờ chẳng lẽ con chó già đó đã chạy lên trời được.
Thanh âm này lại nói:
- Không chừng lão phơi thây ở chỗ nào rồi.
- Nếu lão chết phải đem đầu về phục mệnh.
- Ô kìa! Đây có một cái động.
- Thử tìm xem!
Ngô Cương đã ý thức được việc này rồi. Lão già kia bị truy sát. Người lão bị trọng thương vừa chạy vào trong động ẩn. Động này nguyên là chỗ ở của một người hành khất mà người đó ra ngoài chưa về.
Bỗng nghe có tiếng gọi:
- Số bốn! Ngươi thử vào lục soát coi!
Rồi có thanh âm đáp lại:
- Được rồi!
Ngô Cương hoang mang. Chàng biết rằng nếu đối phương vào lục soát thì lão già nhất định phải chết. Chàng vốn không quen biết lão, kể ra chàng không nên dấn thân vào chỗ nguy hiểm này, nhưng chàng lại thương lão, liền không ngần ngừ gì, kéo tấm chăn che lên mặt lão. Đoạn chàng ngồi tựa vào vách.
Một bóng người tiến vào trong động. Ngô Cương nín thở nhắm mắt giả vờ ngủ.
Bóng người kia lên tiếng:
- Hừ! Thúi quá! Không biết mùi vị gì …?
Ngô Cương sợ hết hồn. Kiếm khí lạnh ghê người đưa đến trước mũi. Bỗng người kia lại lên tiếng:
- Tiểu hóa tử! Lại đây nói chuyện!
Ngô Cương la lên một tiếng kinh hãi rồi nói:
- Xin đại ca tha mạng cho.
Người kia hỏi:
- Ngươi có thấy lão già bị thương nào không?
- Không… không có. Trời mưa to quá… Nửa ngày tiểu tử không ra khỏi cửa.
- Người ngủ trong chăn kia là ai?
Ngô Cương chẳng còn hồn vía nào nữa. Người kia đưa mũi kiếm vào khều chiếc chăn rách.
Ngô Cương vội nói:
- Đại gia! Xin đại gia cẩn thận một chút. Mẫu thân tiểu tử bị bệnh nặng sắp chết rồi!
Người kia trợn mắt nhìn Ngô Cương rồi thu kiếm về. Ngô Cương toát mồ hôi lạnh ngắt.
Người kia không nhịn được mùi hôi thối trong động. Gã không nói gì nữa trở gót đi ra nói:
- Không có hắn! Chỉ có hai mẹ con một gã ăn xin.
- Chúng ta đi thôi!
Tiếng vó ngựa lõm bõm chạy trong làn nước ngập một lúc rồi im bặt.
Ngô Cương mở chăn ra thấy lão già giương cặp mắt thất thần lên nhìn mình. Chàng hỏi:
- Lão trượng! Vụ này là thế nào đây?
- Tiểu ca… Tiểu ca cứu lão phu…
- Đây chẳng qua là sự ngẫu nhiên.
Lão già mắt không chớp nhìn Ngô Cương khiến chàng khiếp sợ. Lão nói:
- Tiểu ca! …Đây là ý trời… Lúc tuyệt lộ… lại gặp tiểu ca…
- Sao lão trượng lại bị bọn họ truy sát?
Lão già ho lên một tiếng chứ không trả lời. Ngô Cương lại hỏi:
- Đối phương là ai?
- Võ Minh… Kim kiếm thủ
Ngô Cương chấn động tâm thần run lên hỏi:
- Kim kiếm thủ Võ Minh ư?
Lão già gắng gượng đáp:
- Chính thế… Họ là những tên đao phủ hạng nhất trong võ lâm.
- Vì lẽ gì họ truy sát lão trượng.
Lão già không đáp, nhìn Ngô Cương một lúc rồi hỏi:
- Tiểu ca… là tiểu hóa tử ư?
- Không phải… nhưng bảo là phải cũng được.
- Thế là làm sao?
- Tiểu nhân đi vong mạng bên trời, có khi phải xin ăn để sống.
- Ủa! Tiểu ca không phải đệ tự Cái bang ư?
- Không phải.
- Năm nay bao nhiêu tuổi?
- Mười bảy.
- Đã tìm thầy học nghệ chưa?
- Chưa.
- Tiểu ca tên họ gì?
Ngô Cương trầm ngâm một chút rồi nhăn nhó cười đáp:
- Tiểu nhân lênh đênh từ thửa nhỏ, nên không biết tên họ là gì?
- Lão phu… chết đến nơi rồi… Tiểu ca…
- Lão phu có điều gì xin cứ nói.
- Lão phu… có vật này muốn tặng cho tiểu ca.
Ngô Cương lắc đầu hỏi:
- Lão trượng có vật gì sao không giữ lấy lại tặng cho tiểu nhân? Tiểu nhân không dám nhận.
Lão già nói bằng một giọng thều thào nhưng rất thành thực:
- Tiểu ca… nhận lấy vật này… rồi đi cho mau… càng xa càng tốt…
- Lão trượng bị trọng thương…
- Cái đó… không nói tới nữa. Lão phu đưa được cái áo này cho tiểu ca là mãn nguyện rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.