Huyết Y Kỳ Thư

Chương 86: Thương anh chị hào kiệt khóc ròng




Đột nhiên một tiếng la rất thê thảm khiến mọi người đều chấn động:
- Hùng ca! Hãy chờ tiểu muội!
Bóng trắng thấp thoáng một cái rồi mất hút. Dư âm còn văng vẳng trong khe núi.
Những tiếng la hoảng vang lên. Đầu tiên là hai nữ tỳ nằm phục xuống đất kêu trời. Tiếp theo Phạm đại nương cũng bật lên tiếng ú ớ kêu la.
Tấm bi kịch không tránh khỏi đã xảy ra. Trong giây lát này hiện trường không còn một dấu tích gì nhưng nó để lại cho mọi người một vết thương sâu vào trái tim.
Vầng trăng qua đám mây che lại sáng tỏ chiếu ánh xuống cả một thế giới bao la.
Đối với tạo vật, tấm bi kịch này khác nào bọt nước ngoài biển cả nổi lên rồi lại mất tăm.
Vong Ngã hòa thượng loạng choạng đứng lên đi tới trước mặt Ngô Cương.
Ngô Cương không tự chủ được lùi lại một bước dài. Nét mặt Vong Ngã hòa thượng lúc này thật đáng sợ. Nó không biểu lộ cái tà nhưng khiến cho người ta chỉ trông thấy một lần là suốt đời không quên được.
Chàng ngập ngừng hỏi:
- Đại sư có điều chi dạy bảo?
Vong Ngã hòa thượng đáp:
- Hài tử thuyết nhân quả thật là đáng sợ! Ngươi hãy nghe lão giảng một câu này: "Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa". Oán kết không cởi mở thì quanh quẩn chẳng bao giờ hết. Vậy lúc ngươi báo thù mai đây, thì giết kẻ thủ phạm, đừng hỏi đến bọn tùy tùng. Ban đầu các môn phái tới đây cũng là bị tà ma dẫn dụ, tuy tiếng rằng trả thù cho người bị thác oan, theo vết tích thì nên tru diệt, mà hành động nên khoan dung. Ngươi hãy ghi nhớ kỹ.
Lão nói xong vỗ vai Ngô Cương một cái rồi trở gót đi ngay, thân xiêu vẹo, dường như tâm sự băn khoăn.
Đại Bi hòa thượng lớn tiếng gọi:
- Phật huynh đi đâu đó.
Vong Ngã hòa thượng không thèm quay đầu nhìn lại chỉ cất tiếng đáp:
- Bần tăng đã khám phá ra thế tình nên trở về cõi chân như.
Đại Bi hòa thượng nói:
- Phật huynh hãy dừng bước.
Vong Ngã hòa thượng lạng mình một cái. Chớp mắt đã mất hút.
Đại Bi hòa thượng chắp tay niệm:
- A Di Đà Phật! Khám phá thế tình không phải chuyện dễ. Chỉ những bậc đại trí đại tuệ mới làm được.
Câu nói này thật huyền hư khiến mọi người không thể lường được.
Vong Ngã hòa thượng tại sao đột nhiên bỏ đi?
Ngô Cương tuy trong lòng ngờ vực nhưng tấm thảm kịch trước mắt khiến cho tim nát lệ khô. Tâm hồn chàng hoàn toàn bị nỗi đau thương chiếm cứ không rảnh mà nghĩ đến chuyện khác.
Chàng lẩm bẩm:
"Ta đã gặp bao nhiêu là chuyện đau khổ mà sao tạo vật chẳng chịu buông tha? Nào gia đình bị nạn huyết kiếp! Nào phụ thân lạc lõng nơi đâu không rõ! Bây giờ huynh tẩu lại thảm tử!..."
Chàng muốn khóc mà không còn nước mắt chàng chỉ la thầm trong bụng :
- Hoàng thiên! Hoàng thiên!
Phạm đại nương kêu gọi hai ả tỳ nữ bảo chúng:
- Các ngươi đi theo lão thân xuống núi để vào hang tìm kiếm di thể.
Vô Sự Sinh Phỉ Đỗ Vũ xua tay nói:
- Hãy đợi trời sáng đã hay. E rằng… hỡi ôi! Thi thể cũng không còn.
Phạm đại nương như kẻ mất hồn nằm vật xuống tảng đá núi. Mới trong khoảnh khắc mà đột nhiên mụ biến thành già nua rất nhiều.
Tống Duy Bình lại gần Ngô Cương nói:
- Hiền đệ ơi! Đó là số mệnh. Con người không thể chống cự số mạng được.
Đại Bi hòa thượng cũng đến trước mặt chàng hỏi:
- Tiểu thí chủ! Thí chủ còn nhớ lời khuyên của Vong Ngã phật huynh không?
Ngô Cương miễn cưỡng đáp:
- Vãn bối nhớ rồi.
Đại Bi hòa thượng nói:
- Vậy tiểu thí chủ nên tuân theo lời y.
Ngô Cương hỏi:
- Tại sao vậy?
Đại Bi hòa thượng đáp:
- Vì đó là lời chí lý của Phật môn.
Ngô Cương gặp luôn những tấm thảm kịch nên mối hận càng bốc như lửa cháy. Chàng có nghĩ đâu đến thuyết nhân quả tuần hoàn, liền buột miệng đáp:
- Vãn bối không phải là đệ tử nhà Phật.
Đại Bi hòa thượng nghiêm sắc mặt niệm Phật hiệu rồi hỏi:
- Thí chủ nói vậy là có ý gì?
Ngô Cương đáp:
- Xin tha thứ cho vãn bối thất lễ. Ngoài việc đòi nợ máu vãn bối không nghĩ gì nữa.
Đại Bi hòa thượng hỏi:
- Thí chủ không muốn tuân giữ những lời huấn thị của Vong Ngã ư?
Ngô Cương đáp:
- Vãn bối chỉ thọ lĩnh mối thịnh tình quan thiết của lão còn ngoài ra mặc cho số phận an bài.
Đại Bi hòa thượng nói:
- Thí chủ phải theo lời y mới được.
Ngô Cương nói:
- Vãn bối nhận thấy chẳng cần phải như vậy.
Đại Bi hòa thượng nói:
- Cần lắm chứ!
Ngô Cương nói:
- Lão thiền sư! Vãn bối là một kẻ tầm thường, không phải thánh hiền chỉ biết rằng có việc phải làm , và có việc không nên làm.
Đại Bi hỏi:
- Thí chủ có biết Vong Ngã là ai không?
Câu hỏi này động đến tâm sự Ngô Cương . Chàng dương cặp lông mày lên hỏi lại:
- Lão là ai vậy?
Đại Bi hòa thượng trang trọng nói dằn từng tiếng:
- Lão gia chính là người mà thí chủ đang muốn kiếm, tức lệnh tôn Võ Thánh Ngô Vĩnh Thái đó.
Ngô Cương thét lên:
- Phụ thân!
Chàng lùi lại mấy bước. Trong lòng không biết nên mừng hay là nên thương.
Tống Duy Bình cũng bật tiếng la hoảng:
- Úi chà!
Đại Bi hòa thượng lại nói:
- Vì thế mà lão tăng bảo thí chủ nên nghe lời lão nhân gia lúc lâm biệt.
Ngô Cương tâm thần hỗn loạn. Chàng kích động hỏi:
- Gia phụ đi đâu?
Đại Bi hòa thượng đáp:
- Lão tăng cũng không biết.
Ngô Cương liền băng mình chạy về phía Vong Ngã hòa thượng vừa mất hút.
Phía sau thanh âm Đại Bi hòa thượng còn vang lên:
- Thí chủ! Đừng rượt theo nữa!
Ngô Cương nhất tâm đuổi cho kỳ được phụ thân chàng chạy như người điên, vượt hết trái núi này đến trái núi khác trong lòng thê thảm vô cùng.
Sáng hôm sau, lúc mặt trời mọc, Ngô Cương đã ra khỏi khu vực núi Long Trung. Trước mắt chàng hiện ra một thị trấn nhỏ. Những người ngoài chợ qua lại không ngớt.
Đến đây chàng đành ôm mối thất vọng, thuận chân bước vào một tửu điếm gọi lấy rượu và thức ăn. Chàng ngồi xuống nghĩ lại thì những việc vừa qua như bày ra trước mắt.
Lời nói và hành động quái đản của Vong Ngã hòa thượng, lão đã tỏ ra tha thiết với chàng khác hẳn thường tình không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chàng rất tiếc những lúc gần lão chàng không nghiên cứu kỹ cho biết trước để lỡ mất bao nhiêu cơ hội.
Phụ thân chàng cải trang làm hòa thượng. Hiển nhiên lão cố ý che dấu chân tướng trước mặt mọi người.
Ngô Cương trách mình ngày trước còn nhỏ quá chỉ nhớ được thanh âm một chút, nhưng sau mười năm cái gì cũng cải biến, cả gương mặt cũng không còn như cũ nên chàng chẳng tài nào nhận được.
Chàng biết phụ thân ra đi lần này đã quyết không nhuốm bụi trần nữa. Huynh tẩu chàng cũng thảm tử rồi từ nay chàng muốn thấy mặt người thân một lần cũng hoàn toàn vô vọng. Chàng than thầm:
- Số phận hẩm hiu sao còn trêu ngươi mãi con người đã trải qua bao nhiêu kiếp nạn?
Trái tim chàng tựa hồ bị xé nát…
Điếm tiểu nhị đi tới trước mặt cố ý hắng giọng một tiếng cười nói:
- Thiếu hiệp! Rượu nhắm đã nguội cả rồi.
Ngô Cương ngửng đầu xua tay. Tiểu nhị vội lui ra. Ngô Cương cầm hồ rượu rót uống luôn ba chén rồi đập bàn gọi:
- Lấy rượu nữa đây!
Tiểu nhị lấy thêm một bình rượu.
Ngô Cương lại uống một hơi cạn sạch mà không thấy say. Chàng cũng chẳng biết mùi vị gì.
Chàng bình tĩnh lại ngẫm nghĩ:
"Nếu mình cứ nhắm mắt rượt theo phụ thân thì chỉ mất thì giờ mà chẳng ích gì vì mình biết đâu được lão nhân gia chạy về phương nào? Bây giờ bọn Xích Diện Kim Cương và những cao thủ võ lâm đến hơn trăm người đang bao vây núi Long Trung. Có khi họ đã bắt đầu hành động. Mình chẳng thể bỏ lỡ cơ hội báo thù. Hơn nữa sự an toàn của Lã Thục Viên cũng là việc đáng lo. Nếu mình bỏ mặc nàng khác chẳng thành mối hận ngàn thu."
Chàng nghĩ vậy rồi dẹp nỗi bi ai, phấn khởi tinh thần. Chàng kêu lấy cơm ăn no một bữa.
Cơm nước xong chàng tính tiền trả hàng rồi chạy về đường Long Trung.
Dọc đường Ngô Cương rất đỗi hoang mang. Chàng thấy tạo vật an bài một cách quá tàn nhẫn, tựa hồ bao nhiêu điều bất hạnh trút cả lên đầu chàng.
Bất giác chàng thở dài lẩm bẩm:
- Tạo vật đã thù ghét mình! Quỷ thần cũng ra chiều thiên vị!
Vào khoảng giữa trưa Ngô Cương về tới chỗ đêm qua huynh tẩu chàng nhảy xuống vực sâu. Chàng ngửng đầu trông ngọn núi ngất trời bất giác động mối bi thương lại sa đôi hàng lệ. Chàng tự hỏi:
- Không hiểu bọn Phạm đại nương có tìm thấy thi thể hai người không?
Rồi chàng tự trách mình là người chí thân mà không để ý đến việc tống chung cho huynh tẩu.
Ngô Cương nghĩ vậy toan ngược dòng suối đi lên để tra xét hiện tượng. Trong đầu chàng tưởng tượng dù có tìm thấy thi thể thì chắc cũng tan xương nát thịt chứ chẳng thể còn nguyên vẹn.
Đột nhiên chàng thấy mấy bóng người từ dưới khe suối đang trèo lên. Chàng nhìn kỹ thì ra Phạm đại nương và hai tên tỳ nữ.
Ngô Cương lại đến hỏi ngay:
- Đại nương! Có thấy gì không?
Phạm đại nương lau nước mắt đáp:
- Hai cỗ thi thể đều tìm thấy cả…
Ngô Cương la lên:
- Ủa! Không hiểu….
Phạm đại nương ngắt lời:
- May dưới đáy huyệt cốc là một dòng nước sâu nên thi thể còn nguyên vẹn nhưng Long kiếm thì không thấy đâu nữa.
Ngô Cương hỏi:
- Di thể hiện ở đâu?
Phạm đại nương đáp:
- Đã đem theo lên.
Ngô Cương đảo mắt nhìn ra thấy hai tỳ nữ đang rút dây lên. Dần dần nhìn thấy rõ đầu dây kia có buộc hai tử thi. Sau nữa lại có bóng người ăn mặc theo kiểu văn sĩ cũng trèo lên.
Nước mắt trào ra khiến cho thị tuyến của Ngô Cương lờ mờ. Chàng cảm thấy đau đớn như đứt từng khúc ruột.
Chàng lẩm bẩm:
- Người chết thế là xong rồi. Còn người sống biết tính sao đây?
Hai cỗ thi thể đeo tòng teng bên bờ vực thẳm.
Phạm đại nương la lên một tiếng bi thương:
- Hài tử!
Mụ lại trào nước mắt ra.
Hai ả tỳ nữ cũng bưng mặt mà khóc.
Ngô Cương quỳ xuống trước thi thể khóc sướt mướt.
Người chết rồi mà diện mạo vẫn không có gì hung dữ khó coi, di dung vẫn an tường. Ngô Cương nhìn đi nhìn lại dường như để in sâu vào tâm khảm hai bức di dung này.
Máu mủ tình thâm! Đây là lần thấy mặt cuối cùng!
Hồi lâu chàng đứng dậy mới phát giác ra người vừa theo xác chết đi lên chính là một người trong Thập Nhị Kim Cương tên gọi Kim kê Cổ Diệc Đồng. Chàng liền chắp tay nói:
- Cổ huynh! Đã lâu nay đệ không được gặp.
Cổ Diệc Đồng đáp lễ rồi cất giọng thê lương nói:
- Lão đệ! Thật là một kết quả không ai tiên liệu được.
Ngô Cương nghiến răng nói:
- Oan có đầu nợ có chủ. Tiểu đệ thề phải đòi trả nặng gấp trăm lần.
Hai ả tỳ nữ lấy hai tấm khăn lụa ra phủ mặt cho người chết.
Ngô Cương quay lại hỏi Phạm đại nương:
- Đại nương! Cuộc tống chung như thế nào?
Phạm đại nương cất giọng bi ai đáp:
- Theo lời chỉ thị của sư tổ thì phải đưa di thể về Hồ Ma để cử hành đại lễ rồi mới an táng. Việc này do lão thân chuyển vận.
Ngô Cương gật đầu không nói gì nữa.
Cửa nhà chàng đã biến thành đống tro tàn. Phụ thân chàng vào chốn cửa khôn ẩn lánh. Người chàng hiện giờ khác nào một tấm du hồn cô quỷ còn biết nói sao.
Phạm đại nương đảo mắt nhìn Ngô Cương và Cổ Diệc Đồng nói:
- Hai người phải lập tức trở lại Tổng đàn Võ minh. Có khi bọn họ đã bắt đầu hành động rồi đó.
Ngô Cương chấn động tâm thần. Đại cừu ở trước mắt chẳng thể bỏ lỡ cơ hội. Chàng liền bảo Cổ Diệc Đồng:
- Cổ huynh! Chúng ta đi thôi!
Cô Diệc Đồng gật đầu:
Ngô Cương quay lại chào Phạm đại nương nói:
- Đại nương! Sau này có ngày tái ngộ.
Rồi chàng cùng Cổ Diệc Đồng băng mình đi nhắm về phía Phục Long Cốc mà tiến.
Dọc đường, Ngô Cương hỏi Cổ Diệc Đồng:
- Cổ huynh! Tiểu đệ có việc muốn thỉnh giáo?
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Thỉnh giáo thì không dám. Có việc xin cứ hỏi. Hễ tại hạ biết là nói hết.
Ngô Cương hỏi:
- Mười năm trước, người võ lâm nghe tiếng hát trên Hồ Ma đều sinh lòng nghi hoặc lần mò tới không phải là ít. Nhưng ai đã vào Hồ Ma còn sống trở về đều lánh đời không xuất hiện trên chốn giang hồ nữa là vì sao?
Cổ Diệc Đồng trầm ngâm một lúc rồi đáp:
- Đó là một điều bí mật của bản minh.
Ngô Cương hỏi:
- Bí mật ư?
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Có thể nói như vậy.
Ngô Cương nói:
- Nếu là bí mật trong môn hộ thì tiểu đệ xin thu câu hỏi này về.
Cổ Diệc Đồng nói:
- Không cần! Thân phận lão đệ khác với người ta, có thể tham dự vào việc bí mật.
Ngô Cương nói:
- Tiểu đệ rất lấy làm vinh hạnh.
Cổ Diệc Đồng nói:
- Thực ra cái đó cũng chẳng có chi đáng kể là bí mật. Nhân bản minh phát tích ở Hồ Ma. Người võ lâm không một ai hay về điểm này. Từ ngày Ngô Hùng đi vào làm rể bản minh, tiên minh chủ đã tuyên bố trước công chúng rút lui khỏi võ lâm. Nếu không giữ kín để tiết lộ ra ngoài là rước lấy sự quấy rối, nên thành chuyện bí mật…
Ngô Cương "ồ" lên một tiếng.
Cổ Diệc Đồng lại nói tiếp"
- Những người chính trực đã vào Hồ Ma là không trở ra nữa. Theo truyền thống của võ lâm thì giết một người mà tránh cho trăm người khỏi bị tai vạ là không hại gì đến thiên đạo…
Ngô Cương ngắt lời:
- Tiểu đệ cũng tin câu danh ngôn này…
Cổ Diệc Đồng nói:
- Còn người mà tính hiếu kỳ mà tới nơi thám thính, trong mình lại có ác tính thì bản môn dùng thủ pháp đặc biệt điểm vào huyệt đạo. Người bị điểm huyệt chỉ trong vòng một tháng là phải tìm nơi ẩn cư…
Ngô Cương ngắt lời:
- Ồ! Trong vụ này tất có đạo lý?
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Dĩ nhiên là thế! Người bị điểm huyệt rồi lại được truyền một thứ khẩu quyết. Người đó theo khẩu quyết mà tu luyện mới giữ được bản thân công lực. Nếu quá một tháng thì nội công mất hết và thành người tàn phế.
Ngô Cương hỏi:
- Nếu vậy người bị kiềm chế há chẳng may vạ tai suốt đời?
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Không hẳn thế. Trong thời hạn ba năm trở lại Hồ Ma đi giải trừ cấm chế và được trả tự do. Nhưng những bọn đệ tử này đều tự nguyện gia nhập làm đệ tử bản minh.
Ngô Cương hỏi:
- Nếu kẻ bị kiềm chế không giữ lời hứa lại đem tiết lộ bí mật thì sao?
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Chẳng ai cam tâm thành người tàn phế.
Ngô Cương hỏi:
- Nếu có người tiết lộ bí mật và trong hạn kỳ vẫn làm việc theo khẩu quyết thì làm sao mà phát giác ra được?
Cổ Diệc Đồng cười ha hả đáp:
- Câu hỏi hay quá! Phàm người nào rời khỏi giang hồ cũng đều có đệ tử bản môn theo dõi. Nếu người kia nói chuyện tất bị phát giác lập tức bị hạ sát. Cái đó đã giao hẹn từ trước.
Ngô Cương hỏi:
- Trường hợp có người không sợ chết thì làm thế nào?
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Chưa có trường hợp như thế bao giờ.
Ngô Cương lẳng lặng một lúc rồi lại hỏi:
- Xin tha thứ cho tiểu đệ nhiều lời. Tiểu đệ còn một lời muốn thỉnh giáo.
Cổ Diệc Đồng đáp:
- Lão đệ cứ hỏi đi!
Ngô Cương hỏi:
- Ngày trước quý minh đã tuyên bố rút lui khỏi võ lâm mà nay lại xuất hiện trên chốn giang hồ, há chẳng phải là hành động nuốt lời?
Cổ Diệc Đồng cười khanh khách đáp:
- Câu nói ngày trước bản minh đã giữ trọn hơn mười năm. Hơn nữa là người đương sự đầu tiên một người chết một người không biết lạc lõng nơi đâu là việc thiết thân của bản minh, chẳng thể ngồi yên được. Huống chi trên chốn giang hồ lại xảy biến cố liên quan đến sự an nguy của võ lâm thì không thể vì tiểu tiết mà bỏ việc lớn. Có điều sau khi xong việc bản minh lại giữ lời hứa tuyệt tích giang hồ.
Ngô Cương gật đầu không nói gì nữa.
Cổ Diệc Đồng hỏi lại:
- Tại hạ nghe nói tôn đại nhân là Vong Ngã hòa thượng chẳng biết có đúng không?
Ngô Cương ruột gan nhói lên, buồn rầu đáp:
- Phải rồi!
Cổ Diệc Đồng lại hỏi:
- Sao lão đệ không phát giác ra?
Ngô Cương đáp:
- Chẳng những tiểu đệ không phát giác mà cũng chẳng nghĩ tới nữa.
Cổ Diệc Đồng hỏi:
- Lão đệ rượt theo có gặp lão nhân gia không?
Ngô Cương đáp:
- Tiểu đệ rượt không kịp!
Cổ Diệc Đồng cảm khái nói:
- Hỡi ôi! Không ngờ một vị Võ Thánh mà lại đi tới kết quả này, câu chuyện võ lâm thật khiến cho người ta ngán ngẩm.
Ngô Cương muốn nói nữa nhưng lại thôi chỉ buông tiếng thở dài. Những cuộc tao ngộ của chàng rất đỗi thảm thiết, chẳng thể nào đem một vài lời mà trần thuật lấy một phần trong muôn phần được.
Hai người đi tới cửa hang. Dọc đường vẳng vẻ không thấy một bóng người. Tình trạng tịch mịch này có vẻ kỳ bí. Nếu hang núi còn bị vây tất có người xuất hiện mới phải.
Ngô Cương dừng bước nói:
- Cổ huynh! Tiểu đệ muốn vào hang.
Cổ Diệc Đồng nói:
- Phải diều tra cho biết tình hình đã.
Ngô Cương nóng lòng trả oán, chỉ sợ người ta tranh tiên mất. Chàng không nghĩ ngợi gì nói ngay:
- Tiểu đệ hãy tạm biệt Cổ huynh một lúc.
Dứt lời chàng không đợi Cổ Diệc Đồng phúc đáp đã tiến thẳng vào hang, đi chừng mười trượng liền phát giác ra có xác chết thì đầu óc chàng nóng bừng, càng vào sâu xác chết càng nhiều. Xem chừng hai bên đã động thủ rồi.
Ngô Cương lướt mình đi nhanh như gió.
Đột nhiên một cảnh tượng kinh người hiện ra trước mắt. Và công Nghĩa đài là nơi trấn áp võ lâm đã bị nổ tan tành. Xác người đứt từng mảnh rải rác khắp mọi chỗ.
Ngô Cương không rảnh để mà xem xét. Chàng chỉ liếc mắt nhìn rồi gia tăng cước lực chạy thật nhanh vào trong.
Đến đây chàng đã nghe tiếng đánh rùng rợn về phía Tổng đàn Võ minh.
Càng đi gần tiếng chiến đấu càng vang tai nhức óc. Chắc là cuộc chiến đấu đang lâm vào giai đoạn cực kỳ thảm khốc.
Ngô Cương bầu máu nóng nổi lên sùng sục, chàng băng mình chạy nhanh hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.