Khoái Xuyên Chi Đả Kiểm Cuồng Ma

Chương 10:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Chuyển ngữ: Phong Lưu
Beta: BuBu
Bách tính Tây Nam đã chịu biết bao gian khổ dưới ách bóc lột của tham quan ô lại. Thiên tai thêm nhân hoạ, họ đã không thấy bất kỳ hy vọng sống sót nào. Nghe theo triều đình chỉ có đường chết, cất cờ tạo phản không chừng sẽ có một con đường sống, dưới tâm thế này, tất cả bách tính vùng Tây Nam đều gia nhập đội ngũ lật đổ Đại Tề. Chính như câu “cùi không sợ lở”, biểu hiện của họ khi đối kháng với quân triều đình vô cùng dũng mãnh, quả thực đã sắp chiếm phần lớn diện tích Tây Nam.
Dưới tình hình này, cách làm thông thường nhất chính là phái quân chính quy đàn áp đẫm máu, nếu không căn bản không thể bình ổn tình thế. Nhưng Chu Doãn Thịnh dẫu sao cũng là người tương lai, không có tư tưởng phong kiến độc hại như độc đoán, chuyên quyền, coi hoàng quyền là trên hết, coi mạng người là rơm rạ như quân vương cổ đại. Tuy hắn cũng có khi tàn nhẫn, độc ác, nhưng đó đều là với kẻ địch. Đối với bách tính vô tội đã phải chịu biết bao gian khổ, hắn sẵn sàng giải quyết bằng phương thức ôn hoà nhất có thể. Tựa như hắn đã từng nói, chỉ cần hắn còn ngồi trên ngai vàng Đại Tề ngày nào, hắn sẽ làm một hoàng đế tốt, chăm sóc tốt cho con dân mình ngày nấy.
Hắn ra lệnh cho quân đội dẹp tan quân khởi nghĩa lân cận châu phủ, tiếp đó bắt giữ toàn bộ quan viên Tây Nam, thẩm tra xử lý từng người, tuyên án công khai dựa theo mức độ nặng nhẹ của hành vi phạm tội, sau cùng phát tán ra ngoài bằng hình thức hịch văn và truyền miệng. Cuối cùng, bảy mươi tư quan viên lớn nhỏ trên quan trường Tây Nam, cách chức lưu đày mười sáu người, trảm đầu thị chúng năm mươi lăm người, ba người cuối cùng do hành vi phạm tội quá mức nghiêm trọng nên chẳng những cả nhà bị kết án, mà bản thân cũng sẽ bị lăng trì xử tử.
“Tạm thời đừng giết năm tám người này vội, để đến ngày trẫm tế trời sẽ dùng máu bọn họ an ủi những bách tính đã tử nạn. La đại nhân, ngươi sai người đi lan truyền chuyện trẫm tế trời cầu mưa ra ngoài, cứ nói trẫm là chân mệnh thiên tử, ắt có thể hạ chỉ cho trời ban mưa xuống đúng lúc. Những bách tính từng tham gia khởi nghĩa chỉ cần trở về làm ruộng bình thường, trẫm ắt sẽ không truy cứu. Chẳng những số ruộng đất mà họ cướp được có thể quy về sở hữu của chính họ, mà trẫm còn sẽ miễn thuế ba năm. Về sau, hàng năm trẫm đều sẽ bí mật phái Khâm sai đại thần đi tuần tra khắp các vùng miền cả nước, hễ phát hiện quan viên tự tiện tăng thuế, trẫm sẽ nghiêm trị không nương tay!” – Chu Doãn Thịnh nghịch dụng cụ tạo mưa trên tay, thái độ bình thản, giọng nói lại tràn ngập sát khí buốt lạnh.
La Chấn thầm bội phục hành động lấy dân làm gốc của Hoàng thượng, nhưng cũng lo thủ đoạn ôn hoà quá mức của hắn chỉ khiến cục diện hỗn loạn ở Tây Nam càng rung chuyển dữ dội hơn chứ không giảm bớt được phần nào, bèn khuyên – “Hoàng thượng, những chính lệnh mà người ban bố đều rất anh minh, nhưng riêng chuyện tế trời cầu mưa thì mong người suy xét cẩn thận. Nếu cầu mưa thất bại, e rằng bọn họ sẽ bịa ra những lời đồn đãi như vận số của người đã hết, không được trời cao phù hộ, không phải chân long thiên tử… Đấy là chưa kể quá trình cầu mưa liệu có tạo điều kiện cho bạo dân tập kích hay không. Thay vì vô duyên vô cớ chịu điều tiếng, chi bằng giao việc cầu mưa cho quan viên Khâm thiên giám phụ trách, người thấy thế nào?”
“Không, vẫn là câu nói kia, trẫm là chân long thiên tử, ắt có thể hạ chỉ cho trời ban mưa xuống Tây Nam. Hịch văn cứ viết như vậy, không cần dùng bút pháp vu hồi hàm súc ẩn dụ gì hết.” – Chu Doãn Thịnh bấm tay tính toán, nói – “Chuyện cầu mưa không nên chậm trễ, theo trẫm tính, tốt nhất là hai ngày sau trên đỉnh Phi Lai, ngươi sai người đi chuẩn bị đi.”
La Chấn khuyên mãi mà không có tác dụng, bèn liếc mắt nhìn Ngu Quốc công vẫn đứng yên bên cạnh nãy giờ, lại thấy hắn cúi đầu im như thóc, như thể hoàn toàn không nghe thấy lệnh của Hoàng thượng.
Thôi vậy, từ xưa đến nay đã có bao nhiêu Hoàng đế tự mình bước lên đàn tế cầu mưa, lại đã có mấy ai thành công? Nếu loạn quân lấy cớ vận số Hoàng thượng đã hết hòng chặn giết người, chỉ cần Triệu Huyền vẫn còn ở đây, náo loạn lớn đến đâu cũng có thể san bằng. Nghĩ đến đây, La Chấn đành khom người cáo từ. Triệu Huyền vẫn còn đứng tại chỗ, tựa hồ có việc muốn hỏi.
“Muốn biết gì thì cứ hỏi đi.” – Chu Doãn Thịnh mở bản đồ núi Phi Lai, tính phương vị tốt nhất để cầu mưa bằng thuật toán Kinh Dịch. Lai lịch của hắn vốn rất phức tạp, bản thân hắn đến từ vũ trụ tương lai với nền khoa học kỹ thuật tân tiến, về sau còn từng trải qua những thế giới như tu tiên, ma pháp… Mặc dù hiện tại, hắn chỉ là người phàm, không thể dời non lấp biển, nhưng kết hợp khoa học và phương pháp âm dương để tạo một cơn mưa thì vẫn rất đơn giản. Hắn nhớ ở kiếp trước, sau khi Tề Cẩn Du bình định loạn dân, trời đột nhiên đổ mưa mấy ngày liền, làm dịu đất đai khô cằn nứt nẻ vùng Tây Nam, khiến bách tính thấy được hy vọng sống.
Không biết là ai gán cơn mưa đúng lúc này với Tề Cẩn Du, nói Cung Thân vương tuân theo mệnh trời, phúc đức dày rộng, là người mang vận khí lớn. Những lời đồn thổi này lan truyền rất rộng ở Tây Nam. Cũng bởi vậy, khi Tề Cẩn Du trưng binh cần vương, dân chúng Tây Nam hưởng ứng đầu tiên.
Chu Doãn Thịnh tính ngày, ít nhất phải hai tháng nữa mới có trận mưa rào kia, thời gian càng lâu, dù là bách tính hay quân đội triều đình, thương vong cũng càng thảm trọng. Hắn không thể kéo dài, càng không có hào quang nhân vật chính như Tề Cẩn Du, nói đại vài câu bùi tai là có thể trấn an bạo dân, vậy nên chỉ có thể lấy vài biện pháp thần bí kỳ lạ ra hù.
Triệu Huyền tiến lên nửa bước, chắp tay hỏi – “Hoàng thượng, người định cầu mưa như thế nào? Có thể thành công chứ?”
“Có thể.” – Chu Doãn Thịnh nhấc bút lông đánh dấu trên bản đồ, chậm rãi giải thích – “Mưa được tạo ra từ mây, khi những hơi nước li ti trong mây va chạm vào nhau, ngưng tụ thành những hạt nước lớn, nó sẽ hoá thành mưa rồi rơi xuống. Có rất nhiều biện pháp để ngưng tụ những hơi nước, chẳng hạn như phân tán hạt rắn vào những tầng mây, gia tăng trọng lượng giọt nước. Hoặc cũng có thể phát điện, ánh sáng hoặc sóng âm để kích thích những đám mây ma sát lẫn nhau, từ đó ngưng đọng thành giọt mưa. Vì sao bình thường khi các tư tế cầu mưa lại hay khua chiêng gõ trống, hò hét rất to, thực ra đấy chính là phát sóng âm lên không trung, mặc dù xác suất thành công rất thấp, nhưng cũng không phải hoàn toàn bất khả thi. Điều trẫm cần làm chính là tìm đúng phương vị có nhiều hơi nước nhất, sau đó áp dụng phương pháp hiệu quả nhất. Như vậy, có ít nhất bảy mươi, tám mươi phần trăm cơ hội cầu được một trận mưa rào.”
Triệu Huyền chưa từng nghe đến mấy thứ như điện, ánh sáng hay sóng âm mà đế vương nói bao giờ, nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, hắn lại cảm thấy mình nghe hiểu, không khỏi gật đầu tán thành.
Chu Doãn Thịnh cầm lấy một vật hình ống được làm từ gỗ, nói – “Đây là dụng cụ tạo mưa, có thể giúp trẫm trực tiếp truyền điện, ánh sáng và sóng âm vào tầng mây. Vót gỗ suốt bao nhiêu ngày như vậy, Ngu Quốc công vất vả.”
Thì ra Hoàng thượng giao cho mình nhiệm vụ quan trọng đến vậy! Tâm trạng Triệu Huyền rất tốt, ánh mắt bất giác toát vẻ vui mừng.
——————–
Người nọ truyền người kia, hịch văn triều đình dần truyền khắp Tây Nam. Thấy Hoàng thượng đích thân xuất hiện, bên cạnh còn có Ngu Quốc công – chiến thần của Đại Tề đi theo, nghĩa quân đều ý thức được nếu hắn thống lĩnh quân Tây Bắc như hùm như sói đến dẹp loạn thì không quá mấy ngày, toàn bộ nghĩa quân hơn trăm nghìn người đều sẽ bị diệt. Nếu có thể sống an ổn, ai lại muốn làm cái việc đầu giắt bên hông (*) này. Nếu Hoàng thượng nói không truy cứu, còn chia ruộng đất cho mọi người, vậy chẳng thà buông đao trở về làm ruộng cho lành. Đây là ý tưởng của đại đa số nông dân, nhưng người lãnh đạo nhân dân tạo phản Trần Thập Tam lại vô cùng bài xích điều này. Trong suốt quá trình tạo phản, gã hưởng thụ được lợi ích mà quyền lực mang lại, dần dần mất hết tâm trí, muốn lật đổ Đại Tề, thay đổi triều đại, trở thành hoàng đế khai quốc.
(*) Chỉ những công việc nguy hiểm, mất mạng như chơi.
Nếu lúc này, anh em gã rời đi, giấc mộng đế vương của gã sẽ tan thành mây khói, sao gã có thể cam lòng? Gã ra lệnh cho cấp dưới đi tìm hịch văn, đọc qua một lượt rồi cười khẩy – “Bảo các huynh đệ tạm thời lặng yên theo dõi tình hình. Đợi cẩu hoàng đế kia cầu mưa bất thành, chúng ta sẽ nói hắn bạo ngược vô đạo, nghiệp chướng trùng trùng, bị trời chối bỏ, chặn giết hắn chính là thay trời hành đạo, là kính lễ thiên hạ, là ban phước muôn dân. Nếu ai có thể lấy đầu hắn, người đó chính là chúa cứu thế, có thể nhận được vô vàn công đức.”
Mấy thuộc hạ xúc động đáp ứng, chỉ có một người trong số đó do dự nói – “Trần đại ca, nếu cẩu hoàng đế kia thực sự cầu được mưa, chúng ta nên làm gì bây giờ?”
Y vừa dứt lời, Trần Thập Tam lập tức cười ha ha, châm chọc – “Mấy năm này Tây Nam liên tục hạn hán, ngươi xem đám cẩu quan kia đã cướp đi bao nhiêu dê bò gia súc, trẻ nam trẻ nữ để hiến tế Long thần, rồi lại cầu được mấy trận mưa? Không một trận nào. Có thể thấy vận số của Đại Tề đã hết, ngay cả trời cũng không nể mặt. Ngươi xem, hịch văn này càn rỡ nhường nào, hạ chỉ cho trời ban mưa, cẩu hoàng đế nghĩ mình là thần tiên hạ phàm chắc? Không khéo chẳng những không cầu được mưa, mà còn bị sét đánh chết giữa trời quang.”
Nghe vậy, cả đám thuộc hạ sôi nổi ngửa đầu cười phá lên, như thể đã trông thấy thảm trạng cháy đen của cẩu hoàng đế.
Những nhân vật nòng cốt từng nếm được mùi vị quyền lực của nghĩa quân không dễ gì chịu dừng tay, vì vậy chỉ phì mũi coi thường cái gọi là cầu mưa. Nhưng dân chúng bên dưới thì vẫn kính nể hoàng quyền nên ít nhiều cũng chờ mong chuyện này. Nhưng cho dù trên dưới nghĩa quân có đồng lòng hay không, sự truyền bá của hịch văn vẫn đạt đến hiệu quả mong muốn, chiến tranh ở Tây Nam tạm thời dừng lại.
Hai ngày sau, trên đỉnh Phi Lai cao nhất Tây Nam, quân đội dựng một đài cao bằng ván gỗ, quanh bục được đặt rất nhiều ống tròn chỉ lên không trung. Chu Doãn Thịnh thay bộ long bào hoa lệ nhất, đội cổn miện mười hai lưu(1), bước từng bước đến đài tế. Hắn phất hai bên tay áo, chậm rãi quỳ xuống, nhìn về phía không trung rồi lặng lẽ cầu nguyện.
Hắn từng làm tư tế, từng làm thần linh, chỉ cần hơi thay đổi ảnh mắt hoặc biểu cảm là tự khắc sẽ toát ra vẻ cao quý, thánh khiết. Trên đỉnh Phi Lai, ngoại trừ quan viên, còn có rất nhiều dân chúng châu phủ chưa từng tham gia mưu phản tụ tập, trong đó thậm chí có cả thám tử mà Trần Thập Tam phái đến. Họ bị binh lính ngăn ngoài đài hiến tế, vốn còn đang xôn xao bàn tán, tranh luận, nhưng khi thấy đế vương tuấn mỹ cưỡi gió đi lên tựa một đám mây cát tường, tất cả đều yên tĩnh lại, ngây ngốc nhìn hắn.
“Huyết tế.” – Đế vương rõ ràng đang quỳ trên đài cao hơn mấy trăm mét, vậy nhưng câu nói này lại truyền vào tai mỗi người một cách rành mạch. Chất giọng vang dội tựa âm đao kiếm va nhau khiến tai người ta tê dại. Thì ra đây là giọng Hoàng thượng, vừa ngập tràn uy nghiêm, vừa tựa như tiếng trời.
Lễ hiến tế còn chưa chính thức bắt đầu, tuyệt đại đa số dân chúng đã bị giọng nói của đế vương hớp mất hồn phách. Đến khi ngộ ra hàm nghĩa thực sự của hai chữ “huyết tế”, họ mới không khỏi âm thầm ngợi khen trầm trồ.
Toàn bộ tham quan ô lại Tây Nam bị áp giải đến dưới đài, mỗi lần thư lại đọc một cái tên, đao phủ sẽ giơ đao chém đầu một người. Mãi đến khi chém hết năm mươi lăm cái đầu, xếp thành một ngọn tháp đầu người, ba người cuối cùng mới bị giải đến khoảnh đất thấm đầy máu tươi. Bọn họ lần lượt là Đề đốc Tây Nam, Tuần phủ Tây Nam, Đạo viên Tây Nam. Bỏ qua Tổng đốc Tây Nam đã chết do tự sát, bọn họ xem như ba nhân vật có thực quyền nhất Tây Nam. Lúc này, ba người từng làm mưa làm gió một thời đang bị trói vào khung tra tấn, bị đao phủ xẻo từng miếng từng miếng thịt.
Lăng trì xử tử hiển nhiên là cách thức hành hình tàn khốc nhất Đại Tề. Bách tính bình thường mới chỉ từng nghe nói, chứ chưa thấy bao giờ. Mặc dù căm thù ba người này thấu xương, nhưng ai ai cũng đưa tay lên che mắt, quay người đi. Những quan viên đi theo đều cúi đầu im re, cũng không dám nhìn nhiều. Sau khoảng ba nghìn sáu trăm nhát dao, ba người mới rốt cuộc tắt thở. Một khoảng đất rộng dưới đài đã hoá thành màu đỏ đậm, mùi máu tươi khiến người ta buồn nôn lan tràn khắp không khí.
Các bách tính trộm nhìn vẻ mặt đế vương qua kẽ ngón tay, thấy đôi mắt hắn đen láy, sâu thăm thẳm, vẻ mặt không vui không buồn, tựa như một vị thần không có cảm xúc, tình cảm chứ không phải người phàm, mọi người càng cảm nhận được hàm nghĩa của hai chữ “thiên tử”. Sau sự sung sướng khi tham quan ô lại đều bị chém giết, điều dần dần hiện lên trong lòng họ chính là sự kính nể vô hạn. Sự kính nể với trời, với thần, với hoàng quyền.
Trên đài có bố trí thiết bị phóng đại âm thanh, đủ để truyền lời nói của Chu Doãn Thịnh Đến khắp toàn bộ đỉnh Phi Lai. Hắn khẽ hé môi, lạnh nhạt nói – “Tấu nhạc.”
Những nhạc công quỳ bên đài bắt đầu tấu khúc nhạc tế được lưu truyền từ thời viễn cổ, thậm chí có cả những binh lính cao to cường tráng đứng trước bốn chiếc trống lớn, gõ mạnh từng nhịp. Theo nhịp trống mạnh mẽ, vang dội, Chu Doãn Thịnh điều chỉnh tất cả những dụng cụ tạo mưa đã chuẩn bị từ trước chỉ về phương vị quẻ Tốn (*) có nhiều hơi nước nhất. Gương đồng trong dụng cụ tạo mưa phản xạ ánh mặt trời chói loá đến đám mây. Vô số chùm sáng chồng chất lên nhau, hình thành một cột sáng khổng lồ, trông xa tựa như vầng sáng công đức mà trời cao giáng xuống trong truyền thuyết, khiến người ta loá mắt, khiến người ta ngơ ngẩn.
(*) Một quẻ trong Bát Quái.
Không chỉ dân chúng đến xem đều mắt chữ O miệng chữ A, mà ngay cả những quan lại triều đình kiến thức rộng rãi cũng đều thay đổi sắc mặt, vội vàng quỳ xuống hô vạn tuế ba lượt. Thế nào là chân long thiên tử, có thể dễ dàng mang lại vầng sáng công đức lộng lẫy như vậy, đây mới chính là chân long thiên tử!
Thấy quan lại và thị vệ đều đồng loạt quỳ xuống, bách tính mới hoàn hồn lại, lập tức thi nhau quỳ xuống, hô những tiếng vạn tuế bất đồng đều. Những thám tử nghĩa quân kia vốn định đến hóng trò vui, đợi việc cầu mưa thất bại, bọn họ có thể thừa cơ kích động lòng dân, không ngờ lại được trông thấy cảnh tượng thần kỳ như vậy. Tất cả đều tức thì dại ra, xô đẩy nhau thế nào mà cuối cùng đều đầu chấm đất lạy đế vương, mãi không bò dậy nổi.
Điều chỉnh xong dụng cụ tạo mưa, Chu Doãn Thịnh lập tức nâng bút viết một tờ thánh chỉ, sai phái thần Sấm mẹ Sét mau chóng ban phát mưa xuống, cứu vớt lê dân bá tánh khỏi cơn nước sôi lửa bỏng. Đoạn, hắn ra lệnh cho vài quan viên Khâm thiên giám cho củi vào vạc đồng, châm lửa cho cháy thật to, sau đó cho thánh chỉ đã được tuyên vào ngọn lửa đỏ tươi. Thánh chỉ tức thì cháy rụi, hoá thành khói đặc cuồn cuộn bay lên không trung, sau đó bị một ngọn gió bất chợt thổi đến phương vị quẻ Tốn, hợp thành một thể với cột sáng khổng lồ.
Chu Doãn Thịnh giơ tay thử nhiệt độ không khí, biết cơn mưa này đã sắp thành công. Hắn lại quỳ xuống cầu nguyện, tụng Chú Đại Bi bằng âm tiếng Phạn chính thống nhất. Giọng đế vương vốn đã lanh lảnh như ngọc, lại thêm âm điệu thần bí mờ ảo của tiếng Phạn, khiến tiếng tụng niệm của hắn tựa như lời thần vọng xuống từ chín tầng mây, khiến người nghe vừa thả lỏng, vừa nể sợ từ tận đáy lòng.
Cả đám quan viên đều khiếp sợ đến không thể đứng dậy, huống hồ bình dân bách tính. Đỉnh Phi Lai vốn còn ồn ào nay lặng phắc như tờ, ngoại trừ tiếng cầu nguyện của đế vương, không còn bất kỳ âm thanh nào khác. Khoảng mười lăm phút sau, ngọn lửa trên vạc đồng dần tắt, từng luồng khói đen vẫn phiêu đãng trên trời, thậm chí càng ngày càng dày, bất giác khiến không trung bao phủ một tầng âm u. Bầu trời đột nhiên tối sầm khiến cả đỉnh Phi Lai cũng trở nên u ám mịt mù.
Một người nào đó bất chợt reo lên – “Sắp mưa rồi! Trời nhận được chỉ của Hoàng thượng, thực sự cho mưa xuống!”
Thánh chỉ vừa cháy hết, trời lập tức âm u, cảnh tượng kỳ diệu ngần ấy dẫu muốn cố tình nói là trùng hợp cũng khó. Trên đời làm gì có sự trùng hợp dễ sợ như vậy?
“Hoàng thượng vạn tuế!”
“Hoàng thượng chắc chắn không phải là người, mà là thần tiên!”
“Thần tiên hạ phàm, trời xanh phù hộ Đại Tề!”
“Hay quá, chúng ta được cứu rồi! Hoàng thượng quả nhiên là chân long thiên tử, ngay cả trời cũng phải nghe lệnh Người!”
Bách tính vừa dập đầu vừa hưng phấn hò reo.
“Trời còn chưa mưa, đừng vui mừng sớm quá.” – Thám tử nghĩa quân gượng bác bỏ một câu, nhưng chưa dứt lời, những hạt mưa nặng trĩu đã tí tách rơi xuống, xối bồm bộp xuống mặt gã ta. Bọn họ lập tức câm họng. Nhìn đế vương đứng dậy, ung dung bước xuống đài, đáy mắt bọn họ không còn chút kiêu căng hay sát khí nào. Ngoại trừ quỳ xuống vái lạy, họ đã không còn bất kỳ ý tưởng nào khác. Thì ra người mà bọn họ muốn hợp sức lật đổ lại là nhân vật hùng mạnh, khó lường đến vậy. Thế nào là hô mưa gọi gió? Chính là đây. Trước đó, họ vẫn luôn cho rằng đó chỉ là cách nói phóng đại, chứ chưa bao giờ từng nghĩ trên đời lại thực sự tồn tại một người gần như thần linh như vậy.
Khẩu hiệu “thay trời hành đạo” mà quân Áo Đay hô vang khi khởi nghĩa nay lại thành một trò cười đích thực.
Mưa càng lúc càng lớn, mang theo khí thế bao la, rộng lớn. Chu Doãn Thịnh cởi chiếc cổn miệng mười hai lưu, bước qua khoảnh đất vừa trảm giết bao nhiêu tội thần. Máu loãng hoà vào nước mưa, bắn lên từng đoá bọt nước đỏ tươi, dính lên đôi giày và vạt áo màu vàng kim của hắn. Mái tóc hắn xoã tung, cả người ướt đẫm, nhưng phong thái của hắn vẫn hoàn toàn không chút suy giảm. Hắn vẫn vô cùng oai nghiêm, cao quý, tràn đầy khí thế. Nơi hắn đi qua, quan viên và dân chúng đều đồng loạt rạp đầu xuống đất.
Triệu Huyền né sau đám người, đôi mắt đỏ thẫm dính chặt lấy thân hình ướt đẫm mê hồn của đế vương. Hắn quá yêu vẻ mặt thánh khiết và ánh mắt lãnh đạm của người nọ, càng muốn mạnh mẽ chiếm hữu người nọ, biến người nọ từ một vị thần không có cảm xúc, tình cảm thành một người phàm có máu có thịt. Khi khuôn mặt thánh khiết ấy ửng hồng vì tình dục, đôi mắt lãnh đạm ấy mê mờ vì sung sướng, hình ảnh đó nhất định sẽ đẹp đến điên đảo. Tuy rằng mưa liên tục rót xuống người, nhưng Triệu Huyền vẫn cảm thấy khát khô cả người. Hắn liếm liếm môi, lặng lẽ chuồn mất tăm.
Chu Doãn Thịnh lên xe ngựa, nhanh chóng trở về phủ Tổng đốc Tây Nam. Lâm An đã chuẩn bị sẵn nước ấm và canh gừng, hầu hạ hắn rửa mặt chải đầu.
Thay bộ thường phục sạch sẽ dễ chịu, Chu Doãn Thịnh ngả người xuống trường kỷ, Chu Doãn Thịnh thở dài thoải mái. Lư đồng toả ra mùi đàn hương thanh đạm, ngửi một hồi lại khiến người ta cảm thấy say say.
Mẹ kiếp, tên súc vật kia lại đến nữa hả? Chưa đủ hả? Để tôi phê pha một-cách-trần-trụi một lần không được hả? Chu Doãn Thịnh đỡ trán, nghiến răng nghiến lợi nghĩ bụng. Ngay sau đó, Triệu Huyền trong bộ đồ đen chui vào phòng, mỉm cười ôm đế vương đang nghiêng ngả trên trường kỷ vào lòng, đồng thời thuần thục buộc vải che mắt cho hắn.
“Ngươi có gan thì lộ mặt thật ra đây, đừng làm mấy trò đạo chích này!”
“Ta có gan hay không, trên đời này chỉ có ngươi là rõ nhất!” – Triệu Huyền cười càng càn rỡ, thuần thục cởi sạch thường phục trên người đế vương, đoạn lấy một bộ long bào từ hòm phục trang ra thay cho hắn.
“Ta thích nhất dáng vẻ khi mặc long bào của ngươi, vừa đẹp vừa cao quý. Chắc chắn kiếp trước ta đã cứu vớt cả thiên hạ nên ông trời mới ban ngươi cho ta.” – Hắn nói với giọng nghẹn ngào, động tác không hề tạm dừng.
Tôi là món quà ông trời ban cho anh hả? Nếu là người khác, anh đang hiếp cmn dâm người ta đấy có biết không! Chu Doãn Thịnh vốn muốn trào phúng vài câu, lại bị Triệu Huyền chặn lại miệng, liếm hôn như phát cuồng.
[…]
Khi Chu Doãn Thịnh mở mắt ra lần nữa, bên cạnh đã không còn một bóng người, chỉ có một đoá nguyệt quý đỏ thắm bên cạnh gối, 008 có thêm một chuỗi dữ liệu. Chu Doãn Thịnh đập hết đồ đạc trong phòng, sau đó gọi Triệu Huyền vào, chỉ vào mũi hắn mà mắng – “Rốt cuộc các ngươi canh gác kiểu gì thế hả? Lúc nãy vừa có thích khách đột nhập mà sao các ngươi lại không hay biết chút nào! Nếu không phải trẫm có võ công cao cường, e rằng đã sớm mất mạng mấy trăm lần!”
Đúng là võ công cao cường thật, vừa rồi suýt nữa ép khô mình. Triệu Huyền bày vẻ sợ sệt, trong lòng lại hết sức thoả mãn. Thấy đế vương định lấy roi quật mình, hắn lập tức hưng phấn phát run.
Chu Doãn Thịnh nổi hết cả da gà da vịt, cánh tay nâng lên vài lần, cuối cùng vẫn không thể đánh xuống. Hắn bèn vứt roi xuống, quát to – “Cút đi! Lập tức tra xét khắp thành, tìm ra nghịch tặc kia cho cho trẫm!”
Triệu Huyền âm thầm nuối tiếc, nhưng ngẫm lại thì thấy chắc Hoàng thượng không nỡ đánh mình, liền lập tức vui trở lại, lãnh một đám thuộc hạ đi lùng bắt toàn bộ loạn đảng trong châu phủ.
Trận mưa kéo dài suốt ba ngày ba đêm. Đến ngày thứ tư, chuyện lạ Thịnh Đế hạ chỉ ra lệnh trời đổ mưa đã truyền khắp Tây Nam. Khẩu hiệu “thay trời hành đạo” của nghĩa quân cuối cùng không nhận được sự hưởng ứng của dân chúng nữa, không ai muốn đối chọi với thần tiên. Những nông dân tham gia khởi nghĩa đồng loạt vứt bỏ vũ khí, chạy trốn về quê nhà ngay trong đêm. Mới đầu, họ còn nơm nớp lo sợ, trốn chui trốn nhủi mấy ngày. Sau thấy triều đình quả nhiên không phái quân đội đến bắt, còn kiểm kê lại đồng ruộng, chia cho dân chúng, thậm chí mở kho phân phát lương thực, ra sức cứu tế, mỗi chính lệnh đều mang lại cải thiện lớn lao cho tình cảnh của nạn dân, họ mới dám đoàn tụ với người nhà.
Nửa tháng sau, quân Áo Đay từng sở hữu khoảng trăm nghìn người chỉ còn lại chưa đến hai nghìn. Sau vài lần bị quân đội triều đình xua đuổi, cụm quân này dần dần phân rã, lưu lạc thành vài nhóm giặc cỏ, cướp bóc sát hại khắp nơi, thanh danh hoàn toàn ô uế. Đến lúc này, Chu Doãn Thịnh cũng không cần khách khí với bọn chúng nữa, ra lệnh quân đội bao vây tiễu trừ, không để lại một mống.
Xử lý ổn thoả mọi chuyện, Chu Doãn Thịnh quyết định rời khỏi Tây Nam vào ngày mưa rào thực thụ. Trông thấy màn mưa mịt mù, dân chúng tiễn đưa càng thêm kính sợ Thịnh Đế. Những quan viên như La Chấn lại càng không phải nói, người nào người nấy đều nhìn Hoàng thượng như nhìn thần tiên. Họ hồi tưởng đi hồi tưởng lại cảnh cầu mưa ngày ấy, sau khi trở về đều thi nhau viết thành truyện ký, để lại cho con cháu đời sau.
Chu Doãn Thịnh lúc này cũng không biết rằng vì tư tưởng lấy dân làm gốc, phương châm trị quốc tân tiến khoa học, khả năng hiệu triệu trời cao thần kỳ của hắn, đánh giá về hắn trong sử sách đã vượt xa hai mươi bốn vị Quốc quân khác của Đại Tề, được người đời sau tặng cho danh hiệu “Thánh quân”. Thậm chí, có nhà khoa học còn liệt kê ra rất nhiều chứng cứ hòng chứng minh Thánh quân đến từ thời đại vũ trụ khoa học kỹ thuật phát triển hơn rất nhiều, nếu không sao có thể tinh tường hết cả thiên văn địa lý, văn võ song toàn như vậy, hơn nữa rất nhiều quan điểm đều đi trước thời đại ít nhất mấy nghìn năm.
Nhưng cho dù người đời sau đánh giá như thế nào, Chu Doãn Thịnh lúc này đều không để bụng. Mục đích của hắn rất đơn giản, một là báo thù, hai là trị vì tốt quốc gia từng rung chuyển vì sự mê muội của hắn. Cục diện hỗn loạn ở Tây Nam đã được bình định, giờ là lúc cần đi tính sổ nợ riêng.
——————–
Chú thích:
(1) Cổn miện là loại mũ của hoàng đế các nước Đông Á đeo vào những dịp lễ trọng đại. Lưu là mấy cái tua rua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.