Không Được Vãng Sinh

Chương 1: Đồng Kiêu Kỵ ra tù




Dịch: Phi Phi
Beta: Silvereyes
Ngày mồng 7 tháng 7, Đồng Kiêu Kỵ được phóng thích.
Lúc đến đón anh ta, Hứa Bán Hạ không đợi dưới tán cây inh ỏi tiếng ve sầu như trong phim điện ảnh mà đứng đợi ngay trước cửa sắt nghiêm ngặt âm u. Vị trí dưới cái cây đó hiện giờ thuộc về chiếc xe Santana 2000 mà Hứa Bán Hạ mới mua, còn Hứa Bán Hạ thì vui vẻ ngồi trong văn phòng hưởng thụ sự mát mẻ của điều hòa đem lại, khuôn mặt béo mẫm trắng trẻo tràn đầy vui vẻ thoải mái. Trên trời chẳng bao giờ có miếng bánh nào tự nhiên rơi xuống cả, đơn giản là mấy năm nay ngăn kéo bên phải kia đã đựng đầy rượu và thuốc lá của cô mà thôi.
Một lúc sau, Đồng Kiêu Kỵ ăn mặc chỉnh tề đi ra, chiếc áo phông ngắn tay màu trắng phối với quần màu khói vô cùng phù hợp, trang phục tôn lên dáng người được rèn luyện khỏe mạnh cường tráng trong trại và khuôn mặt luôn rạng rỡ tươi cười. Người ngoài nhìn vào, ngoại trừ mái tóc thì anh ta có vẻ đích xác là dân trí thức, không thể soi mói được gì.
Hứa Bán Hạ quay trở ra sau khi bắt tay chào tạm biệt với người bạn mà cô quen biết được khi vào thăm tù mấy năm nay, Đồng Kiêu Kỵ đã nhìn thấy chiếc xe mới ngoài cửa, anh ta cười nhẹ hỏi: “Lão đại, đổi xe mới rồi? Xem ra tình hình cũng được đấy”.
Hứa Bán Hạ mở cửa xe, cố sức nhét thân hình mỡ màng vào bên trong, sau đó mới vươn tay mở cửa bên ghế phụ cho Đồng Kiêu Kỵ, còn nói thêm: “Xe này vẫn hơi nhỏ, sau này có điều kiện sẽ mua một con xe của Mỹ, loại đó rộng rãi hơn”.
Đồng Kiêu Kỵ nhắc nhở cô: “Lão đại, trước cửa có lãnh đạo đang vẫy tay hẹn gặp lại kìa?”.
Hứa Bán Hạ liếc xéo một cái cười lạnh: “Gặp lại ấy hả? Gặp lại cái đầu anh ta ấy. Nơi quái quỷ thế này tôi còn lâu mới thèm quay lại”.
Nhưng khởi động xe xong, cô vẫn quay đầu lại phất tay chào tạm biệt với người phía trước. Khuôn mặt tràn ngập ý cười hạ cửa kính xe, có bao nhiêu nhiệt tình đều trưng hết ra ngoài bấy nhiêu. Mặt mũi phải tươi cười lúc chào đón người khác, đây là đạo lý mà Hứa Bán Hạ đã hiểu được từ năm 17 tuổi sau mỗi lần nghỉ hè chạy theo người cậu làm thợ may kiếm sống.
“A Kỵ, tôi đã đặt cho cậu một phòng khách sạn, cậu hãy vào đó tắm rửa tẩy trần một chút đi. Tôi có mua cho cậu mấy bộ quần áo mới, đều dùng số đo của ngày trước, tôi thấy mấy năm nay cậu cũng không béo lên. Quần áo đang mặc cũ rồi thì ném nó đi, tóc cũng phải đi cắt. Chúng ta Đông sơn tái khởi, làm lại từ đầu. Tôi cho cậu thời gian ba tiếng, sau đó chúng ta phải đi Hàng Châu gấp để tham gia một hội đặt hàng. Kẻ làm ăn nhỏ như chúng ta nếu như mà đến muộn thì miếng cơm cũng bị kẻ khác đoạt đi mất, há chẳng phải tốn công vô ích à. Bây giờ là chín giờ, mười hai giờ tôi sẽ gọi điện thoại cho cậu. Cậu không được chậm trễ, phải trả phòng ngay lập tức, đừng để tôi phải đạp cửa xông vào”.
Đồng Kiêu Kỵ đáp một tiếng “Được”, sau cũng không nói gì thêm. Từ thời phổ thông bị tiền bạc của Hứa Bán Hạ thu phục, anh ta vẫn luôn nghe theo sự chỉ huy của Hứa Bán Hạ. Chỉ là năm đó cho dù Hứa Bán Hạ không được coi là xinh đẹp nhưng thân hình cũng yểu điệu, mắt to miệng nhỏ. Lúc cười đôi mắt sẽ cong lên, dù không nhìn ra quá nhiều sự ngọt ngào của con gái nhưng lại có chất khí khái bừng bừng. Khi anh ta vào tù, Hứa Bán Hạ vẫn giữ được vóc dáng tiêu chuẩn. Vậy mà theo mỗi lần vào thăm tù, anh ta đã chứng kiến cô béo lên từng ngày, dần dần biến luôn thành một trái bóng bầu dục.
“Lão đại, không phải là lúc không có em chị không chạy bộ buổi sáng đấy chứ? Sao lại béo thành thế này được vậy? Lúc ở trong kia em không tiện hỏi chị”.
Trong lúc họ nói chuyện thì xe cũng dừng trước khách sạn mà Hứa Bán Hạ đặt phòng. Vốn dĩ Hứa Bán Hạ cũng lười phải đi lên nhưng đồ mà cô mua cho Đồng Kiêu Kỵ nào là quần áo, giày dép, thắt lưng… cũng chồng thành một đống lớn. Cô không thể để Đồng Kiêu Kỵ như bốc vác mà lăn vào trong kia được, chỉ đành giúp anh ta xách hai hộp giày, không biết Đồng Kiêu Kỵ thích đi giày da hay giày thể thao.
Vừa mới mở cửa vào phòng được vài bước thì Đồng Kiêu Kỵ liền bất ngờ phát hiện bên trong có một người phụ nữ xinh đẹp diêm dúa, ăn mặc vô cùng mát mẻ đã nằm sẵn. Anh ta bỗng dưng giật mình, đứng lại nhìn Hứa Bán Hạ đi vào cùng mình mà nghẹn họng trân trối: “Lão…đại, không phải chứ, chuyện này mà chị cũng nghĩ ra được?”.
Mí mắt Hứa Bán Hạ còn chả thèm nhấc lên chứ đừng nói đến đỏ mặt: “Bớt giả vờ đứng đắn với tôi đi. Mấy cô em tóc xoăn của cậu trước kia có xinh bằng cô này không? Nói trước rồi đấy, mười hai giờ cậu tự đi xuống”. Nói rồi Hứa Bán Hạ mới ngẩng đầu đi ra, tiện tay giúp Đồng Kiêu Kỵ đóng cửa.
Hứa Bán Hạ cũng không ngốc mà đợi dưới lầu, trước đó cô đã có hẹn với một xưởng gia công ở khu vực này. Đi xem phân xưởng của nhà máy là sở thích của Hứa Bán Hạ. Năm đó, cô bị bố dùng dao phẫu thuật ép phải đến trường thi đại học, nhưng nói thế nào cô cũng không chịu điền nguyện vọng là ngành Đông y để nối nghiệp gia truyền nhà họ Hứa từ đời này qua đời khác, nguyện vọng chí hướng hiện lên trong mắt cô đều là những máy móc đầy dầu mỡ bẩn thỉu. Tuy nhiên, một nửa thời gian thời còn đi học cô đều tiêu tốn vào việc giúp cậu làm ăn, vì vậy sở thích đối với máy móc cũng vì vậy mà thu được những lý thuyết cơ bản.
Hứa Bán Hạ nhìn khắp công xưởng, không giống như một người làm ăn bình thường nhìn máy móc công nghệ hay điều kiện xung quanh, cô xem rất tỉ mỉ, ví dụ như vị trí và góc độ đặt đầu máy, dây chuyền phải bố trí như thế nào để cân bằng tiêu hao năng lượng và thời gian.
Tất cả những công xưởng từng có mối quan hệ làm ăn với Hứa Bán Hạ đều đã bị cô ngó hết bằng sạch. Bởi vì nụ cười của cô rất chân thành, thái độ thân thiện, lời nói dứt khoát, ý tứ sâu xa; hơn nữa ngoại hình của cô lại trắng trẻo mập mạp, không hề khiến cho mấy người nhân viên kỹ thuật ngại tiếp xúc với con gái trốn tránh trả lời, lần nào cô cũng có thể kết bạn với mấy người kỹ thuật công trình, từ đó thu hoạch được những kinh nghiệm quý báu. Hứa Bán Hạ có mục tiêu đàng hoàng chứ không hề hỏi chơi cho vui, nằm mơ cô cũng muốn có một công xưởng của riêng mình. Nhưng hiện giờ thứ mà cô có trong tay cùng lắm cũng chỉ được coi là một xưởng sản xuất nhỏ, thậm chí nó còn không ra dáng một cái xưởng tử tế. Bởi cái xưởng nhỏ của cô chỉ có khả năng làm vài đơn hàng gia công cơ khí đơn giản: cán và cắt kim loại.
Chính vì chỉ làm ăn nhỏ nên gần đến giờ cơm trưa, người của nhà máy cũng không quá kiên quyết giữ cô lại. Chuyện này nằm trong dự tính của Hứa Bán Hạ. Thật ra Hứa Bán Hạ cũng không muốn đi xã giao trưa nay. Hội đặt hàng cho những khách hàng lớn được tổ chức thường niên tại Hàng Châu sẽ quy tụ rất nhiều anh tài trong ngành, cô vẫn nên giữ bụng để tối nay nghênh chiến với bọn họ thì hơn, mấy người đó mới quan trọng.
Hứa Bán Hạ về đến khách sạn. Thời gian vẫn còn sớm, khoảng mười lăm phút nữa mới đến giờ hẹn với Đồng Kiêu Kỵ, thế nhưng cô đã nhìn thấy Đồng Kiêu Kỵ đã tươm tất rạng rỡ đứng trước đại sảnh. Hứa Bán Hạ bước qua đó, vươn bàn tay nhỏ múp míp vỗ lên lưng Đồng Kiêu Kỵ, nói: “Đi thôi, lên tầng hai ăn cơm, cho cậu… ờ… nói thế nào nhỉ… an ủi, tẩy trần hay là đón khách phương xa?”
Hứa Bán Hạ vừa cười vừa nói: “A Kỵ, hôm nay chúng ta cùng đến Hàng Châu, vẫn chiếu theo quy tắc cũ, không được để lộ tôi đã học đại học. Trong ngành của chúng ta, những ông chủ học vấn thấp chiếm đa số. Tôi vừa là phụ nữ lại còn tốt nghiệp đại học, nếu họ mà biết được, e là tôi cũng chẳng nói được mấy câu với họ trên bàn rượu”.
Đồng Kiêu Kỵ cười đáp: “Với bộ dạng này của chị ấy à, có lấy bằng cấp ra lòe cũng chả ai tin”.
Quả thật, hai người đi cạnh nhau, người xung quanh nhìn thấy sẽ cho rằng thân phận của Đồng Kiêu Kỵ mới là cao hơn. Bởi vì biểu cảm của Đồng Kiêu Kỵ rất hàm súc, kín đáo; dường như anh ta chưa từng cười lớn, cho dù có cười thì khóe môi của anh ta cũng chỉ khẽ nhếch lên một cái; cảm xúc chưa lọt vào đáy mắt, giống hệt như anh chàng lạnh lùng điềm tĩnh được miêu tả trong tiểu thuyết ngôn tình. Nào ai hay biết, anh chàng lạnh lùng ấy thế mà lại chỉ nghe lời của cục bột Hứa Bán Hạ.
Ngược lại, khuôn mặt núc thịt trắng nõn của Hứa Bán Hạ thì lúc nào cũng tươi cười. Nhìn gương mặt của Hứa Bán Hạ, người ta không khỏi nghĩ đến búp bê A Phúc làm từ đất sét, tranh khắc gỗ dương liễu* hoặc đôi Kim Đồng Ngọc Nữ ngồi dưới Quan Âm Bồ Tát, tóm lại là rất thân thiện. Lúc này, con người dễ thân thiết ấy hé bờ môi mọng, dùng chất giọng trầm thấp ít thấy của phụ nữ, nói: “Tối qua tôi đã ăn ở đây rồi, hải sản không ngon lắm, cậu ăn tạm đi. Sau khi về nhà chắc chắn sẽ có rất nhiều anh em mời cậu đi ăn, lúc đó hãy ăn bù. Đừng uống rượu, chúng ta còn phải đi đường”.
* Tranh khắc gỗ dương liễu: tên đầy đủ là Tranh Tết khắc trên gỗ dương liễu xanh. Đây là một dòng tranh Tết khắc gỗ dân gian nổi tiếng của Trung Quốc. Nó đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa quốc gia phi vật thể của Trung Quốc.
Đồng Kiêu Kỵ chỉ đáp một tiếng “Được” rồi bắt đầu gọi món. Theo thói quen, những lúc không có khách, việc gọi món đều giao cho Đồng Kiêu Kỵ. Những lúc có khách, thông thường Hứa Bán Hạ sẽ nói tiêu chuẩn với Đồng Kiêu Kỵ nhưng sẽ để anh ta chọn món. Bởi vì Hứa Bán Hạ là lão đại, lão đại sẽ không đụng tay vào mấy việc nhỏ nhặt. Chẳng là lúc Đồng Kiêu Kỵ gọi món thịt kho măng khô, Hứa Bán Hạ bổ sung thêm hai chữ: Hai phần. Đến đây, cuối cùng Đồng Kiêu Kỵ cũng hiểu vì sao lão đại lại phình ra đến mức này.
Đợi phục vụ rời đi, Hứa Bán Hạ chỉ nói: “A Kỵ, cậu có từng nghĩ về rồi sẽ làm gì không? Nếu chưa nghĩ kỹ, tôi sẽ tìm cho cậu. Mẹ của cậu chỉ còn thiếu nước quỳ xuống xin tôi quản cậu, không muốn cậu lại đi thu gom sắt thép phế liệu nữa. Bà ấy nói đi gom trộm mấy cái nắp hố ga tổn hại âm đức* lắm”.
* Âm đức: là làm việc tốt mà không cho người khác biết, hay hiểu cách khác là lặng lẽ đi làm, đây được gọi là âm đức.
Đồng Kiêu Kỵ dần nở nụ cười: “Lão đại, mẹ em đúng là mắng hòa thượng trọc đầu. Chị đừng để ý bà ấy, bà ấy thì biết cái gì, thấy tiền là sáng mắt tươi cười luôn ấy mà. Em vẫn đi theo chị”.
Hứa Bán Hạ cười ha hả, nói: “Giờ tôi cũng không thu phế liệu nữa, đưa mối làm ăn đó cho Tiểu Trần làm rồi. Tôi chỉ phụ trách xuất hàng cho xưởng thép thay cậu ta, vì vậy không hẳn là mẹ cậu mắng tôi. Cậu cũng đừng theo tôi làm không như vậy, tốt xấu gì thì cậu cũng là lão đại trong mắt đám anh em của cậu, kiểu gì cũng phải làm ra sự nghiệp mà lão đại nên có. Cậu còn nhớ cây sào A Tứ của lớp ba sơ trung không? Hiện nay thằng nhóc ấy cũng có tiếng nói trong đội cảnh sát giao thông, tôi sẽ nói cậu ta làm cho cậu một tấm bằng lái. Cậu cũng đừng để mai một những thứ học được trong quân đội, làm vận chuyển đi. Tạm thời tôi sẽ giúp cậu tìm nguồn hàng, sau này cậu dần dần tự chủ. Tôi có một người bạn ở Thanh Đảo thất bại khi mở công ty trước đây, người đó có hai chiếc xe cũ đã qua sử dụng muốn sang tay cho người khác. Tôi đã giúp anh ta bán hai căn nhà trong thành phố, anh ta rất cảm kích nên đồng ý tôi có thể trả tiền một chiếc xe, còn chiếc kia cứ lấy dùng trước, đến năm sau trả hết tiền cũng được. Tôi thấy chiếc xe này rất hữu dụng, có thể bố trí được hai khoang chứa, thậm chí nó có thể kéo được sáu mươi tấn hàng nếu vượt tải. Tôi đã trả tiền xe rồi. Trước tiên cậu thuê hai tài xế, cậu lại biết sửa xe, bọn họ không giở trò gì trên phương diện này được đâu. Chỉ là, cậu vừa mới được đặc xá, không thể lấy thân phận đó để đảm nhận tư cách pháp nhân mở công ty, hai chiếc xe cũng chẳng thành được một đội vận tải, để tôi bảo A Tứ ra mặt giúp cậu tìm một công ty cho cậu treo tên ở đó. A Kỵ à, sau này cậu đường hoàng làm ông chủ của cậu. Trước mắt tôi giúp cậu một tay, nhưng sau này ra sao toàn bộ đều dựa vào sức lực của cậu”.
Mặc dù Hứa Bán Hạ có vẻ đang nói chuyện rất chăm chú, nhưng việc đó lại chẳng ảnh hưởng đến chuyện cô tập trung chén sạch đĩa măng khô kho thịt trước mắt.
Dù Đồng Kiêu Kỵ vẫn thường nhận được tiếp tế của Hứa Bán Hạ, nhưng nói thực lòng thì đồ ăn trong tù sao có thể thỏa mãn được cái dạ dày của anh ta, tốc độ diệt mồi của Đồng Kiêu Kỵ còn nhanh hơn Hứa Bán Hạ một bậc. Nếu không phải đang bàn chuyện quan trọng, Đồng Kiêu Kỵ còn hận nỗi không thể im lặng mà đánh bay hết chỗ thức ăn này. Tốc độ ăn của hai người vượt xa tốc độ lên đồ ăn của nhân viên phục vụ, vì vậy mặt bàn không bao giờ có quá hai đĩa thức ăn.
Đồng Kiêu Kỵ sao lại không biết lão đại đang giúp anh ta làm giàu được cơ chứ? Nội tâm cảm động là vậy nhưng giữa anh em với nhau, cảm động cũng chẳng phải lời nói treo đầu môi. Đợi Hứa Bán Hạ ăn xong, Đồng Kiêu Kỵ lấy trà thay rượu, cạn một chén với lão đại, chỉ nói một câu ngắn gọn: “Lão đại, mọi chuyện đều nghe theo chị”.
Hứa Bán Hạ lại nói: “Lúc cậu còn ở trong kia, có rất nhiều chuyện tôi không thể nói chi tiết với cậu. Năm cậu vào đó, nhà nước đã thanh lý những khoản nợ tam giác*, thu hẹp dòng tiền, vốn của nhà máy thép rất eo hẹp. Bọn tôi chuyển thép phế liệu đến nhà máy nhưng chưa chắc bọn họ sẽ trả tiền mặt mà chỉ chiết khấu giá xử lý thép. Cũng được, dù sao họ cũng khiến tôi thăm dò rõ ràng được quy trình vận hành của thị trường thép cả thành phố. Hiện giờ tôi làm thế này: Tiểu Trần thu mua thép phế liệu, tôi mở đường bán nó cho xưởng thép. Sau khi xử lý xong, nhận về thép cuộn, tôi sẽ tự cán để bán buôn cho các cửa hàng rồi lại xoay vòng tiền cho Tiểu Trần tiếp tục mua thép phế liệu. Giờ cậu đã về, chuyện nhập hàng giao hàng sau này đều giao cả cho cậu”.
* Nợ tam giác là những khoản nợ xấu được hình thành theo mô hình tam giác giữa ba bên, bao gồm: Doanh nghiệp (bên sử dụng vốn/ đi vay/ vay nợ) – Nhà nước (bên bảo đảm an ninh tài chính và tăng trưởng kinh tế) – Ngân hàng (bên cung ứng/ cấp vốn/ cho vay vốn).
Đồng Kiêu Kỵ không hỏi cũng biết nhất định Hứa Bán Hạ đã nếm không ít khổ cực. Nhưng từ cao trung đến nay, lão đại vẫn luôn tiến về phía trước, khổ vẫn bước tiếp, mà hưởng thụ vẫn không hề lạc hậu. Anh ta và Tiểu Trần đã quen theo lão đại chỉ đâu đánh đấy, sớm đã luyện được công lực thấy lạ cũng như không.
“Vẫn là bãi cạnh bờ biển đó ạ?”
Hứa Bán Hạ nói: “Không phải chỗ đó thì còn là chỗ nào nữa? Hiện giờ Tiểu Trần chiếm một nửa, tôi chiếm một nửa, lấy một đống ống sắt của giàn giáo đã hỏng về dựng tạm một cái lều để cán thép. Có điều, gần đây phía tỉnh muốn tập trung tu sửa đê biển, thôn dân xung quanh muốn nuôi trồng thủy sản trên bãi. Bí thư trưởng thôn thì không nói gì nhưng người dân trong thôn lại lắm lời thừa thãi. Họ nói đống phế phẩm của chúng ta làm ô nhiễm đất bồi ven biển, ảnh hưởng đến việc bọn họ nuôi tôm cá sau này. Tôi cũng rất đau đầu, không hoàn toàn là vì vấn đề ô nhiễm. Phải biết rằng vốn dĩ tôi chỉ được phê cấp ba mươi mẫu đất, nhưng bởi vì đất bồi ven biển chẳng sản xuất được gì, cứ bỏ hoang không ai quản nên tôi mời bí thư trưởng thôn ăn hai bữa cơm, bọn họ nhắm một mắt mở một mắt, cứ thế tôi tiến vào mở rộng thành hơn sáu mươi mẫu. Nếu đê biển được xây xong, bùn đất bị dồn lại có thể nuôi tôm cá, chẳng lẽ bọn họ sẽ không xúm lại tính từng mẫu đất với tôi hả? Đến lúc đó người cuối cùng phải chuyển đi là tôi hay là Tiểu Trần đây? Tôi còn muốn thực sự độc ác một lần, thuê người khác đến đổ thứ gì ra để phá hỏng bãi đất bồi kia đi, gọi bọn họ đến tính toán một phen. Đáng tiếc là người trong thôn luôn theo dõi sát chúng tôi”.
Đồng Kiêu Kỵ ngẫm nghĩ, nói: “Em có một người anh em họ Thiết ở trong kia, ra sớm hơn em nửa năm, là một tên đầu gấu trong đám ngư dân. Em có thể gọi anh ta chuyển một chuyến tàu dầu thải đến đây, thừa lúc thủy triều dâng lên đẩy chiếc thuyền mắc kẹt lên bờ, dầu thải tràn ra. Đến lúc đó, cùng lắm thì thôn dân cũng chỉ nghĩ, không tóm được thóp của chúng ta, loại thuyền ở bên ngoài này cũng chẳng có mắc mớ gì đến chị”.
Hứa Bán Hạ nghe xong, lập tức đập bàn tán thưởng: “Phải nắm bắt cho chắc, đội công trình sắp tiến vào đây rồi. Đợi lát nữa lên xe cậu nhanh chóng liên lạc với người bạn đó đi”.
Đồng Kiêu Kỵ cười đáp: “Lão đại, đã lâu rồi em không được sờ vào vô lăng, ngứa tay, lát nữa để em lái xe nhé”.
Hứa Bán Hạ chỉ liếc nhìn Đồng Kiêu Kỵ, cười trêu chọc: “Ngược lại tôi chẳng hề sợ cậu lái xe không bằng bị bắt phạt trên đường, chỉ sợ ban nãy cậu được thỏa thích với cô em kia, lúc này hai chân chẳng còn sức mà đạp phanh đâu”.
Ngay cả đàn ông như Đồng Kiêu Kỵ cũng cảm thấy xấu hổ, cười hi hi chẳng đáp được lời nào. Khó khăn lắm anh ta mới nghĩ ra được một câu: “Lão đại, lúc em ở trong kia, việc chuyển hàng đều thuê xe ngoài hả? Mỗi năm xe trong vùng này đều phải nộp bao nhiêu phí, lấy đâu ra khả năng cạnh tranh với bọn họ?”
Hứa Bán Hạ nhận tiền trả lại từ tay nhân viên, đứng dậy nói: “Đi thôi, lên đường”.
Vừa đi vừa nói: “Sợ gì chứ, rắn có đường của rắn, cua có đường của cua, bọn họ có thể trốn được phí bảo trì, phí quản lý đường bộ trong thành phố của họ nhưng một khi đã đến chỗ chúng ta, họ vẫn phải trả phí qua cầu như bình thường. Tôi đã bàn bạc xong xuôi với người bạn ở trạm thu phí đường biển rồi. Mỗi tháng chúng ta chỉ phải nộp một khoản phí cố định, có chạy thêm vài chuyến thì chi phí cũng tương đương với vùng ngoài thôi. Có rất nhiều hàng hóa vận chuyển đường biển ở tuyến đường đó, chúng ta chiếm được ưu thế này, còn phải sợ những mối làm ăn kia không tự chủ động đến tìm chúng ta hả? Đừng lo, tôi sẽ vẽ đường cho cậu”.
Có câu này của Hứa Bán Hạ, Đồng Kiêu Kỵ càng thêm tin tưởng bội phần. Ai lại không muốn có sự nghiệp của riêng mình chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.