Khuynh Tẫn Thiên Hạ – Loạn Thế Phồn Hoa

Chương 50:




Tiếu Khuynh Vũ rất thông thuộc kinh văn.
Dường như bao nhiêu linh khí của trời đất đều hội tụ ở nơi y, thiên tư mẫn tuệ hiếm có, bất kỳ thứ gì chỉ xem qua là nằm lòng, hiển nhiên đối với kinh văn Phật giáo cũng có sự hiểu biết thâm sâu tường tận. Đã từng có lần, ngay cả bậc cao tăng Phật giới khi nghe những kiến giải của Vô Song công tử về thiện lương, chân tính cũng phải cảm phục, xúc động.
Tiếu Khuynh Vũ vốn không tin con người sinh ra có thiên mệnh, nhưng y lại thường xuyên đọc kinh văn.
Ban đêm, khi Phương tiểu hầu gia đến chơi tiểu lâu, ngẫu nhiên nhìn thấy Tiếu Khuynh Vũ cầm kinh quyển trong tay – một quyển ‘Vãng Sinh Chú’, một quyển ‘Bàn Nhược Kinh’ (1).
Nhân quả luân hồi, nghiệp chướng tiền kiếp đến hậu kiếp sẽ phải hoàn trả, oan oan tương báo, báo ứng có bao giờ dễ chịu? Hiểu được chân lý đó, chính là đạt đến cảnh giới A nậu Đa la tam miệu tam Bồ Đề (2).
Đúng vậy.
Y chuyên tâm đọc kinh văn, là vì những tử sĩ không sợ hy sinh, là vì binh tướng đã bỏ mạng sa trường, là vì những bàn tay tội nghiệt nhuốm đầy máu tanh của Bát Phương tướng sĩ… Tuyệt đối không phải vì bản thân.
Vậy nên, kinh văn tụng niệm càng nhiều, mà sát khí trên người cũng không có chút nào tiêu giảm, ngược lại càng dày đặc thêm. Có khi dù chỉ ở xa mà nhìn, cũng khiến người ta rờn rợn một cảm giác sắc bén như dao, lạnh lẽo như tuyết.
Tiếu Khuynh Vũ đắp thuốc thật cẩn thận, lẳng lặng giúp Phương Quân Càn quấn băng vết thương.
Một vòng, lại một vòng, rồi một vòng nữa…
Hai người thinh lặng không nói gì.
Đột nhiên, Phương tiểu hầu gia trợn mắt, nhổ ra một chữ: “Đau!”
Vô Song công tử lạnh lùng hỏi: “Ngay cả sĩ tốt bình thường cũng kiên cường không kêu, huynh đường đường là Anh Vũ hầu lại sợ đau sao?”
Phương tiểu hầu gia chống chế đầy lý lẽ thuyết phục: “Anh Vũ hầu cũng là người, tuyệt không phải thần thánh, đương nhiên phải biết đau đớn. Hơn nữa…” Thanh âm chợt nhỏ hẳn lại, “Bổn hầu cũng sẽ chỉ kêu đau ở trước mặt Khuynh Vũ thôi…”
“Hửm?” Y không nghe rõ câu vừa rồi.
“Cái này… Khuynh Vũ à, huynh có thấy là chúng ta hiện giờ… rất giống như thê tử băng bó vết thương cho trượng phu không?”
Hai tay Tiếu Khuynh Vũ tự nhiên vận lực hơi mạnh.
“A~~~~” Tiểu hầu gia đau đớn hét thảm một tiếng.
Vô Song công tử hé nụ cười vô cùng ôn nhã nhu hòa: “Xin lỗi nha, nhất thời lỡ tay!”
Phương tiểu hầu gia âm thầm cắn răng – Y cố ý, y tuyệt đối là cố ý mà!
‘Hoàn Vũ chinh chiến lục’ có đoạn chép: Đế kiệt xuất ngất trời, cung mã điêu luyện thành thục, cả đời Nam chinh Bắc chiến, trải hơn hai trăm chiến dịch lớn nhỏ, thọ thương nhiều không đếm xuể. Vậy nhưng đế vô cùng kiên cường nhẫn nại, dù vết thương nặng đến nỗi tróc cả thịt, lộ cả xương vẫn tỏ ra bình thản vô sự, an nhiên chuyện phiếm như thường.
Thấy vậy hỏi rằng: da thịt thân thể đều là của phụ mẫu ban cho, bệ hạ không cảm thấy đau đớn sao?
Đế đáp: Khuynh Vũ đi rồi, trẫm từ đó không còn biết đau là gì nữa!
Bá quan câm lặng.
Một người chợt lệ tuôn lã chã, rồi cả soái trướng cùng dấy lên thanh âm nức nở, không dứt bên tai.
Khuynh Vũ, trừ huynh ra, ta còn có thể lộ ra sự đau đớn của bản thân trước mặt người nào nữa đây?
Hoàn Vũ Đế thống nhất tứ hải, quân lâm thiên hạ, nhưng thanh âm của chữ ‘Đau’, mãi mãi… mãi mãi… không bao giờ thốt ra nữa…
Bích huyết nhuộm trời xanh, gió cuốn mây vần.
Nghìn quân gầm thét, vạn ngựa vút bay.
Vung đoản kiếm, bạt trường đao, ngựa hí vang trời, thảm sát thét gào động thiên chấn địa, thây tàn cốt đoạn vương vãi đầy đất, song phương kịch chiến, chém giết rát mặt, nhãn thần ngầu đục. Điên cuồng chiến đấu khiến cho người ta không còn lý trí, tất cả đều mất khả năng suy xét phán đoán, chỉ biết rằng, nhìn thấy kẻ trước mặt khôi giáp dị biệt là lao đến, sát, sát, phải sát!
Chiến kỳ thêu chữ ‘Càn’ ngạo nghễ phi long đỏ thắm máu đào. Hắc sắc tuấn mã chở chiến kỳ toàn thân đẫm máu, thở hồng hộc. Bích Lạc kiếm trong cơn cuồng sát, chém giết không ngơi tay, khôi giáp bạc sáng lóa trên người nam nhân tà mị sớm bị máu tươi nhuộm đỏ, hầu như không phân biệt nổi với hồng cân.
Sau ‘Cuồng lan chi chiến’, quyền lực cùng uy tín của Phương Quân Càn trong Bát Phương quân đã trở thành tuyệt đối, vô phương lay chuyển.
Bát Phương quân bây giờ ‘chỉ biết Phương hầu, không hiểu Khánh vương’ (3)!
Tiếu Khuynh Vũ trước sau không tham gia chém giết, chỉ lẳng lặng ngồi trên sườn núi cao cao phía sau, phóng nhãn quang minh triết sắc sảo bình tĩnh quan sát toàn bộ thế cục chiến trường, trí óc thông tuệ tuyệt đỉnh phán đoán nhanh như điện chớp, lướt như bay qua trăm ngàn binh sách tác chiến.
Trong tay y là lệnh kỳ, hướng về chỗ bố phòng lỏng lẻo nhất của liên quân, nhẹ nhàng vung lên, ngay tức khắc, như sấm sét từ trời giáng xuống, một đội Bát Phương kỵ binh nhanh như chớp lóe, nhắm thẳng sơ hở của địch mà chọc vào.
Địch quân trận thế đại loạn!
Vô Song công tử hài lòng nhìn kẻ địch từng người từng người một bị tiêu diệt, gật đầu đưa tay vuốt cằm, rồi không chần chừ một giây, động tác mạnh mẽ dứt khoát, lệnh kỳ đổi hướng lần thứ hai.
Đây đã là lộ đại quân thứ mười chín, không biết còn bao nhiêu quân đội đang trên đường đến viện trợ cho bọn chúng.
Một bên được nghỉ ngơi dưỡng sức, quân đội tinh nhuệ thiện chiến, bừng bừng khí thế chiến đấu, một bên rệu rã vì thương thế, thiếu binh khuyết tướng, lương thảo cạn kiệt, mỏi mệt rã rời.
“Công tử, chúng ta có thể sống sót không?” – Cổ họng chư tướng gào lên, khản đặc.
Tiếu Khuynh Vũ quan sát thế cục chiến trường, khoan thai mỉm cười:
“Các ngươi đáng lẽ phải hỏi là có thể thắng lợi không, sao lại chỉ hỏi đến sống sót?” – Vô Song công tử trầm tĩnh đạm định, y phục đoan nghiêm bất nhiễm, thần thái bát phong bất động.
“Còn nhớ ta đã từng hỏi các ngươi ‘Làm tướng soái ba quân, cái gì trọng yếu nhất’ không?” – Ánh mắt y ôn nhã nhu hòa, vẻ mặt điềm đạm mà nghiêm trang “Làm tướng ba quân, quan trọng nhất chính là phải luôn luôn tâm tâm niệm niệm trong lòng ‘chiến tranh là thắng, hoặc là bại, vĩnh viễn không cầu bại’!”
Chỉ cần còn hơi thở, là còn một lòng cầu thắng! Ngã xuống bao nhiêu lần, gượng dậy bấy nhiêu lần!
Tuyệt đối không chấp nhận thất bại! Vĩnh viễn không buông xuôi!
—oOo—
(1): Vãng Sinh chú và Bàn Nhược kinh là kinh nhật tụng (tụng niệm hằng ngày), cầu cho linh hồn sớm siêu thoát.
(2): A nậu Đa la tam miệu tam Bồ Đề: cảnh giới giác ngộ tối cao của Phật giáo, được nhắc đến trong kinh Bát Nhã
(3): chỉ phục tùng Phương tiểu hầu gia, chẳng cần biết ai là hoàng đế Đại Khánh hết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.