Cung Trường Môn.
Do hoàng hậu đời trước Trần A Kiều ra khỏi cung Trường Môn bị
phát hiện, tất cả thị nữ lẫn nội thị cung Trường Môn đều bị trừng phạt hay điều
chuyển. Đến khi A Kiều và Trưởng công chúa Phi Nguyệt Lưu Lăng trở lại cung Trường
Môn, Trưởng công chúa Quán Đào đưa tới hai thị nữ sinh ra ở phủ Đường Ấp hầu,
Vương thái hậu thì chọn hai thị nữ, ba nội thị từ cung Trường Nhạc. Trần A Kiều
ban tên cho bon thị nữ Mạc Thất, Mạc Vong, Mạc Ưu, Mạc Sầu.
“Người nào có thể làm được như thế..” Mạc Ưu vẫn nhớ như in
nét mặt của Trần nương nương lúc quay đầu lại mỉm cười nói lời này, “thì cũng
có thể nói là hạnh phúc.” Cô tiến cung vào năm Nguyên Sóc nên chưa từng trông
thấy Trần nương nương giai đoạn cuối cùng. Trần nương nương hiện giờ lại không
kiêu ngạo bá đạo như những lời đồn đại! Ngược lại nàng và Trưởng công chúa Phi
Nguyệt đều rất hiền hoà, bình dị, gần gũi, thân thiết. Mặc dù nàng thường khoác
vẻ cao quý xa cách trước mặt người ngoài nhưng đối xử với người bên mình lại rất
thân thiện. Tại sao một cô gái xinh đẹp lương thiện như vậy lại phải chịu kết
quả là bãi về Trường Môn?
Cô thừa dịp các chủ nhân không có nhà để dọn dẹp quét tước,
ngoảnh đầu lại gọi; “Mạc Sầu, cô vào…” Cô bỗng nhiên ngừng bặt khi trông thấy một
bóng người bên ngoài cửa cung.
Đứng trước Ngự tiền tổng quản Dương Đắc Ý là một người đàn
ông anh tuấn, mặc bộ y quan bằng gấm đen thêu chỉ vàng, đang nhướng mày nhìn
vào cung Trường Môn trống hoác. Mạc Ưu, Mạc Sầu, Thành Mẫn, Thành Liệt cuống
quýt quỳ xuống nói, “Nô tỳ tham kiến hoàng thượng.”
Dương Đắc Ý liếc mắt dò xét vẻ mặt Lưu Triệt, tiến lên hỏi,
“Chủ nhân của các ngurơi đâu?”
“Trần nương nương và Trưởng công chúa Phi Nguyệt dẫn Hoàng tử
Mạch và Công chúa Duyệt Trữ đi ra ngoài từ sáng sớm, chúng nô tỳ không biết.”
Bốn người đang quỳ bị kinh sợ đến toát mồ hôi, không ai ngờ
rằng Hoàng thượng lại không hề báo trước, đi đến cung Trường Môn thăm hoàng hậu
đời trước đã bị đích thân mình phế bỏ. Lưu Triệt lạnh lùng nhìn bọn họ, vẻ mặt
không chút thay đổi, “Thế nào? Chẳng lẽ các ngươi còn muốn trẫm tự đi tìm sao?”
Bốn người vội vàng dập đầu, “Nô tỳ xin đi ngay”, rồi sấp ngửa chạy ra khỏi cung
Trường Môn.
Lưu Triệt lẳng lặng đứng ở trước cửa cung, một cơn gió thu
thổi ào qua làm xiêm áo của y bay lất phất. Dương Đắc Ý đứng phía sau hầu hạ, cẩn
thận hỏi, “Hoàng thượng, có muốn vào trong nghỉ một chút hay không?” Lưu Triệt
không lên tiếng. Mãi một lúc lâu sau, khi hắn cho là Lưu Triệt không trả lời nữa
thì chợt nghe thấy tiếng “ừ” khe khẽ. Lưu Triệt đi vào cung Trường Môn trống
trơn không một bóng người, nhưng không vào chính cung mà đi tới điện Bát Nhã ở
chái đông.
Thì ra là Hoàng thượng vẫn còn nhớ Trần nương nương. Dương Đắc
Ý đi theo Hoàng thượng, ánh mắt thể hiện vẻ thấu hiểu.
Cung Trường Môn tuy gọi là cung nhưng kích thước trên thực tế
thì không lớn, Điện Bát Nhã là điện phụ nhưng lại hết sức đẹp đẽ tinh xảo. Lưu
Triệt bước vào, thấy ngoài cửa sổ có một hàng trúc tỏa bóng xuống làm cho cả
gian điện mát mẻ. Trên bàn đặt một đỉnh trà phong cách cổ kính vừa mới pha,
khói phảng phất bay lên cũng nhiễm màu xanh lục, khung cảnh ngầm thiết kế theo
câu: “Chén ngọc trà trong xông khói lục. Song thưa cờ vãn lạnh tay ngà” Chính
giữa trung tâm điện treo một bức họa chỉ vẽ toàn trúc xanh, dáng thẳng tắp
thanh cao, dạt dào sức sống, dấu Triện thanh mảnh, hẳn là của người vào cung từ
đất Thục, họ Trác tên Văn Quân. Chữ đề hai bên bức tranh chân phương rõ ràng có
ba phần phong thái của A Kiều lúc trước nhưng nét chữ đã đẹp hơn nhiều.
Gió thổi nhè nhẹ, bóng trúc phơ phất, từ xa vọng đến tiếng
cười nói. Lưu Triệt nghe thấy bèn đi tới trước cửa sổ, bất giác lặng đi.
Sâu trong vườn trúc có một chiếc bàn đá, ánh mặt trời chiếu
qua tán lá thành những điểm sáng nhạt nhòa râm mát. Hai cô gái ngồi đối diện
nhau ở hai bên bàn đá đánh cờ, người quay lưng về phía y chính là Lưu Lăng, cô
gái cùng chơi bị cành trúc che kín khuôn mặt chỉ nhìn được loáng thoáng không
rõ lắm. Một cậu bé, hai cung nữ đứng xúm xít quanh Lưu Sơ, một nội thị đứng ở
phía sau, tay cầm chung rượu. Từ đó thỉnh thoảng vang lên tiếng cười nói vui vẻ
nhàn nhã.
Trần A Kiều cầm quân trắng, Lưu Lăng lấy quân đen, hai ngươi
hạ cờ cực nhanh, chắc hẳn không hề suy nghĩ. Lưu Triệt cau mày, thấy các nàng đặt
quân cờ không hề giống cách chơi cờ vây mà cũng chẳng ra phương pháp gì. Lưu Sơ
vỗ tay hô hào ủng hộ mẹ cố gắng lên, Lưu Mạch thì lại ở bên mỉm cười quan sát
không nói gì, Trần A Kiều cười khanh khách, “Tảo Tảo, con chưa nghe câu ‘Xem cờ
chẳng nói là quân tử’ à?”
Lưu Sơ phụng phịu, “Đó là nói về cờ tướng chứ, mọi người có
phải đang chơi môn ấy đâu.”
“Cho dù là cờ gì thì cũng đều như vậy.” Trần A Kiều nói chuvện
nên bị phân tâm, sơ sẩy hạ nhầm một quân cờ, vì vậy tỏ vẻ ảo não, vội vàng hoãn
lại, “Nước này không tính nhé.”
Lưu Lăng đưa tay ngăn lại, “A Kiều tỷ tỷ, tiếp theo câu ‘Xem
cờ chẳng nói là quân tử’ là câu gì?”
Trần A Kiều ớ ra, đành phải chịu thua nước này. Lưu Lăng hạ
xuống một quân cờ và thu về năm quân đen rồi đắc ý, “Ván này tỷ lại thua, phạt
uống một chén.”
Nàng cười ngất, rót một chén rượu đưa cho Trần A Kiều. A Kiều
đón lấy, đang định uống cạn thì nghe thấy tiếng lá trúc sột soạt, Thành Liệt chạy
đến quỳ xuống báo, “Nương nương, Trưởng công chúa”, thở hổn hển, “Hoàng thượng,
Hoàng thượng đến cung Trường Môn.”
Trần A Kiều nghiêng đầu nhìn lại. Đúng vào lúc này, một cơn
gió thu thổi qua, cành trúc trên đỉnh đầu dạt đi khiến nàng bắt gặp ánh mắt sắc
lẹm vừa xa lạ vừa quen thuộc đang nhìn xoáy xuống của Lưu Triệt ở trong điện
Bát Nhã. Nụ cười trên mặt nàng dần dần nhạt đi, khuôn mặt trở lại nét đoan
trang mà xa cách.
“Thần thiếp bái kiến Hoàng thượng.” Nàng cúi đầu.
“Ca ca”, Tảo Tảo ở bên cạnh hỏi, “Vế sau của câu ‘Xem cờ chẳng
nói là quân tử’ là gì?”
“Xuống nước không hồi ấy trượng phu”, tiếng Lưu Mạch trả lời
truyền đi theo làn gió.
Điện Bát Nhã.
“Không biết Hoàng thượng tới đây, thần thiếp không kịp tiếp
đón từ xa, mong được thứ tội.”
Lưu Triệt nhìn A Kiều. Nàng tỏ ra lễ độ nhưng lạnh nhạt.
Trong lòng bỗng nhiên nổi lên một cảm giác cực kỳ xa lạ. Chẳng lẽ đây chính là
A Kiều người con gái đã lớn lên cùng y, người thường không thể che giấu được
vui buồn hờn giận, người đã yêu y không hề suy tính, yêu, hận đều rất cực đoan
đó sao? Y bỗng nhiên hoài nghi, nhưng hàng lông mày đó, cặp mắt đó đúng là của
A Kiều, không ai quen thuộc hơn y, không thể nhầm lẫn.
Bảy năm không gặp, tháng năm ưu ái nàng nên không lưu lại
bao nhiêu dấu vết trên khuôn mặt. Vẫn là dung nhan rực rỡ như hoa đào năm xưa
nhưng ẩn đi vẻ rạng ngời, lắng đọng một phần sắc sảo, an tĩnh ẩn mình như đóa
hoa sen. Vì trận cờ hôm nay nên đoán chừng nàng đã uống chút rượu. Vị của Bích
Nhưỡng Xuân mặc dù thuần khiết nhưng vì được chưng cất nên mạnh hơn loại rượu
nhất phẩm thời sơ Hán rất nhiều. Một dải đỏ thẫm bắt đầu từ má nàng kéo dài đến
cổ, đẹp như hoa đào chớm nở, lại thêm đôi mắt long lanh như nước hồ thu.
“A Kiều tỷ nói đùa rồi, trẫm làm sao có thể trách tội bởi một
chuyện nhỏ như vậy được chứ?” Lưu Triệt đứng tựa lưng vào song cửa sổ, đột
nhiên bật cười.
Nàng cảm giác cả người mình run lên, cố hết sức mới có thể
áp chế được cơn rùng mình. Nàng nhìn Lưu Triệt vẻ khó hiểu. Người trước mặt
nàng đây đã đủ tàn nhẫn để phế bỏ nàng, vậy mà sao khi gặp lại, y vẫn có thể gọi
nàng bằng cái tên ấm áp lúc thơ bé kia?
“Trước kia A Kiều tỷ không khách sáo như vậy.” Lưu Triệt
nhìn nàng ánh mắt sâu thẳm.
“Người ta sẽ không thể ngây thơ sau khi đã bị ngã vỡ đầu chảy
máu.” Nàng thản nhiên đáp, không hề đổi sắc.
“Đây chính là Mạch Nhi?” Lưu Triệt thong thả bước về phía đứa
con lần đầu gặp mặt.
Lưu Mạch đưa mắt nhìn y, đôi mắt đen láy sáng lóng lánh. Đây
là lần đầu tiên Lưu Triệt nhìn con trai ở khoảng cách gần như vậy. Y cảm thấy mặt
mũi rất quen thuộc, giống mình hơn so với Lưu Cứ, Lưu Hoành. Lòng mềm lại, y dịu
giọng, “Qua đầu năm trẫm sẽ lập Bác Vọng hiên, dạy các hoàng tử viết chữ luyện
võ, Mạch Nhi cũng tới đó đi.”
“Đa tạ Hoàng thượng ra ân.” Trần A Kiều xoay người đối diện
với Lưu Mạch nhắc nhở: “Còn không mau tạ ơn với Hoàng thượng.”
Lần đầu nhìn thấy Lưu Triệt, Lưu Mạch biết người đàn ông này
là hoàng đế Đại Hán, cũng là phụ thân của mình. Nó đứng trong điện, thấy trong
lòng vừa ngăn cách vừa hoảng sợ. Rõ ràng là phụ thân của nó và muội muội nhưng
hồi đó đã bất chấp tất cả làm tổn thương mẫu thân, bỏ mặc mẫu thân nhiều năm
lưu lạc. Được đoàn tụ sau bao ngày xa cách, phụ thân vẫn tiếp tục đẩy mẹ con họ
vào chốn cung đình đầy rẫy cạm bẫy, bị cung nhân phi tần lén cười nhạo, thậm
chí gặp nhau rồi còn lấy giọng xa cách như thế để hỏi han, phê bình, thăm dò,
hoặc theo nói như mẫu thân là “thi ân.” Nhưng dù sao nó vẫn là đứa bé có lý
trí, không nông nổi đòi quyền lợi như Lưu Sơ nên cúi đầu, không tự ti cũng
không kiêu ngạo nói, “Tạ ơn Hoàng thượng!”
Lưu Triệt bỗng cảm giác rõ ràng rằng có một bức màn vô hình
đang ngăn cách, khiến hai bên không thể tiến gần lại với nhau. Y cảm thấy hơi
buồn cười, thấy Lưu Sơ đang hết nhìn mình rồi lại quay sang nhìn mẫu thân, lúng
túng không biết phải làm sao. A Kiều, đã nhiều năm trôi qua, nàng đã trưởng
thành đến độ này rồi sao? Lạt mềm buộc chặt thì cũng phải có mức độ chứ, nếu
quá đi thì sẽ lại thành trồng nứa ra lau.
Y dò hỏi, “Nhiều năm không gặp, bây giờ thấy giao tình giữa
A Kiều tỷ và Lăng Nhi tốt lên, thật đáng mừng nhỉ?” Năm xưa trong biệt viện của
Hoài Nam vương ở phía đông thành Trường An, y gọi một tiếng Lăng Nhi, khi xoay
người, lại nhìn thấy A Kiều đứng ở ngoài viện, khuôn mặt trắng bệch như tuyết.
Một chút áy náy của y nếu có thì cũng như mây khói tiêu tan mất trước cơn tức
giận trách than của A Kiều. Lúc đó, nàng là con gái của Trưởng công chúa Quán
Đào, cháu gái ngoại yêu nhất của Đậu thái hậu, còn y chỉ là một hoàng đế mới
lên ngôi chưa có thực quyền. Nhưng một người như y làm sao có thể chịu đựng bị
người khác kiềm chế, khuất nhục? Vì thế mà y mới thích cô gái có dung nhan và
tính cách dịu dàng như Vệ Tử Phu, chán ghét Trần A Kiều kiêu căng ngạo mạn, cho
dù vẫn biết thật ra trong lòng nàng rất yêu mình.
Thế rồi có một ngày, nàng không khóc nữa, không gây náo loạn
nữa nhưng nàng đứng yên lặng ở đó lạnh nhạt với y, giữ lễ mà lại xa cách…Dường
như tất cả những gì trong quá khứ của hai người chỉ là khoảnh khắc nhất thời,
thậm chí nàng cùng với người con gái có tình tỷ muội nhưng từng quan hệ tình ái
với phu quân của mình trong chớp mắt đã coi y như người xa lạ. Nếu như có thể thừa
nhận, thì giờ khắc này thật sự trong lòng y có một loại cảm giác gọi là ‘lòng dạ
rối bời’. Bởi vì chính y đã ruồng bỏ nàng trước.
Trần A Kiều vẫn nhẹ nhàng, “Duyên phận của con người rất kỳ
lạ. Năm xưa thiếp cũng không thể tưởng tượng đến.” Nàng cúi đầu bảo con, “Mạch
Nhi, con dẫn Tảo Tảo ra ngoài tìm dì Lăng chơi.”
Lưu Mạch lo lắng nhìn mẹ rồi quay người dẫn Lưu Sơ ra khỏi
điện Bát Nhã. Lưu Triệt nhìn điện Bát Nhã trong nháy mắt chỉ còn lại có hai người
khẽ ngâm ngợi: “‘Đời người như lúc mới gặp nhau’, A Kiều tỷ, nàng oán trẫm
sao?”
“Sấm sét hay mưa móc đều là ơn vua.” Nàng quay đầu nhìn thẳng
vào mắt y gằn từng chữ, “Cho nên, thiếp không oán.”
“Nếu như A Kiều tỷ năm đó cũng có thể nghĩ được như vậy thì
chắc là chúng ta sẽ không đi đến nước này đâu nhỉ?” Lưu Triệt hỏi khẽ, quay đầu
nhìn sang chỗ khác.
“Triệt Nhi!” Trần A Kiều không phải là không hiểu, nếu muốn
đẩy y xa cách thì có quá nhiều cách, hoặc là kiêu ngạo ngất trời giống như lúc
trước, hoặc là rụt rè khép nép, thế nhưng… nàng nhìn Lưu Triệt cảm thấy người
đàn ông này vừa xa lạ lại vừa thân thiết. Nàng đồng thời có cả linh hồn của Hàn
Nhạn Thanh và Trần A Kiều nên không thể nào sắm vai ngu xuẩn như trước kia. Lần
đầu tiên gặp mặt Lưu Triệt kể từ khi sống lại, cảm xúc lẫn lộn giữa yêu thương
ngập tràn và oán hận đồng thời dấy lên khiến nàng có một khao khát được phơi
bày sự thực trần trụi trước mặt y, khiến cho y phải kinh ngạc, khiến cho y phải
hối hận, cho dù làm cho y tổn thương một mà bản thân mình có phải trả giá lớn gấp
ba lần, nàng cũng cam lòng. Dường như chỉ có như thế mới an ủi được Trần A Kiều
đã thiệt thòi yêu thương đơn phương suốt bao năm.
“Cho dù không còn tình phu thê thì chúng ta vẫn còn là biểu
tỷ và đệ đệ. Vì điểm này, Hoàng thượng hãy để cho thiếp được gọi mấy tiếng Triệt
Nhi, nhưng từ sau hôm nay trở đi thiếp sẽ không bao giờ gọi nữa.” Nàng cười
trào phúng, lạnh lùng nhìn y, “Nếu năm đó thiếp có đủ dịu dàng hay lễ độ thì
chúng ta sẽ không đi đến bước này thật sao?”
“Trong mắt A Kiều trước kia chỉ có một mình người, nàng vì
người thậm chí có thể làm trái ý mẫu thân ở một mức độ nào đó. Nếu người chịu
khó tâm sự với nàng thì chưa chắc nàng đã không chịu giúp người, giúp người
ngăn chặn bên ngoại Trần gia, giúp người lấy lại những thứ người muốn. Chỉ cần
người chịu yêu thương nàng. Được rồi, người không chịu cũng được, nhưng sao người
lại có thể vừa lợi dụng nàng vừa lạnh lùng nhìn nàng cười nói, khi không còn lợi
dụng được nữa thì lập tức ban ra một đạo chiếu thư phế bỏ luôn nàng?” Trần A Kiều
nheo mắt, giọng nói lạnh băng, dường như động tới người bên cạnh thì không thể
nào áp chế được tâm tình.
“Tất cả mọi người đều nói rằng A Kiều tỷ trở về lần này
thông minh hơn trước kia.” Nàng lờ mờ thấy Lưu Triệt đang nhếch miệng, nói vẻ
châm chọc lẫn khinh miệt, “Nhưng trong bản chất, A Kiều tỷ vẫn là người đơn giản
như vậy.”
Lửa giận bốc lên, nàng cố gắng kiềm chế để không bốc đồng
cào cấu y như trong quá khứ mà chỉ đáp: “Những năm thiếp ở bên ngoài đã nghe thấy
mọi người truyền tụng một bài thơ, còn chưa đọc xong thì đã rơi nước mắt.”
“Thế à?”
“Không biết Triệt Nhi đã từng được nghe hay chưa?”
“Vua Hán chuộng A Kiều, xây cung vàng khóa chặt
Tiếng ho động trời xanh, vui bảo là tiếng nhạc
Nuông quá làm thương hết, ghen nhiều khiến tình tan
Trường Môn một bước ngang, xe không buồn ghé tới
Mưa nào ngược lên trời, nước đổ rồi khó hốt
Tình chàng và ý thiếp, chia hai ngả tây đông.
Xưa là đóa phù dung, nay thành cỏ đứt rễ
Sắc mê người có thể, được bao sâu, bao lâu…”
Nàng ngâm nga từng câu từng chữ, nhìn phản ứng của Lưu Triệt,
“Khi đó thiếp liền thề với lòng mình là sẽ không bao giờ để phải bi thảm như vậy
nữa, tự mình hại mình còn bị người khác chê cười.”
“Triệt Nhi, người tự vấn lòng xem trong suốt bao nhiêu năm
qua người đã từng dừng xe trước cung Trường Môn lấy một lần hay chưa. Vậy thì
hôm nay có quay đầu lại cũng đã muộn rồi.”
“Trước kia, A Kiều vẫn nghĩ, Vệ Tử Phu có gì tốt khiến người
nhẫn tâm ruồng bỏ biểu tỷ thanh mai trúc mã của mình, tình nguyện chịu thiệt ở
với một ca cơ hèn mọn? Sau này nàng hiểu, đàn ông đã phụ bạc thì đâu cần phải
có lý do gì, huống chi còn có quá nhiều suy tính chính trị bên trong đó. Chỗ tốt
của cô ta chẳng qua là biết đúng mực. Bản tính của Hoàng thượng quá lạnh lùng,
chưa từng có một cô gái nào khiến người thực sự yêu thương. Vì thế thiếp đành
buông bỏ. Một A Kiều quá yếu ớt không thể gánh chịu nhiều áp lực như vậy, dứt
khoát không làm được. Hiện giờ thiếp cũng đã có thể làm một người biết đúng mực,
sẽ an phận thủ thường ở cung Trường Môn, không làm ra chuyện mất thân phận
hoàng gia, chỉ cần người vĩnh viễn đừng dừng xe trước cung Trường Môn nữa. Lúc
trước đã không dừng thì sau này vĩnh viễn cũng không cần dừng.”
Lưu Triệt nhìn người con gái đối diện đang dõi ánh mắt đau
thương nhìn về phía mình, bỗng nhiên có cảm giác tê tái, trong lòng mờ mịt như
đã vĩnh viễn đánh mất đi một thứ gì đó khiến y vô cùng đau đớn nhưng không thể
nào cứu vãn được nữa, cho dù y đã từng vứt bỏ nó như một chiếc dép hỏng.
“Triệt Nhi, người là hoàng đế, cũng là phu quân của một nữ
nhi. Rất nhiều năm sau, A Kiều mới nhận ra rằng thuở trước nàng đã quá ngu ngốc
chỉ nghĩ người là trượng phu của nàng mà không nhìn thấy thân phận hoàng đế của
người nên mới chọc giận người. Thế nhưng người cũng đã phá đi hình ảnh trượng
phu trong mắt nàng nên từ nay về sau nàng chỉ có thể xem người là Hoàng thượng
đương triều, ngoài ra chỉ là người xa lạ.”
Nàng cúi đầu nói khẽ: “Chúng ta nên như khi sáu tuổi hồi trước,
người không biết trên đời có thiếp, thiếp không biết trên đời có người, như vậy
chẳng phải rất tốt sao? ‘Đời người nếu mãi như vừa gặp’, thật ra thiếp thích
câu ‘Gặp nhau chẳng bằng không gặp’ hơn. Đã không gặp nhau thì sao còn có chuyện
thương tâm ngày hôm nay.” Giọng của nàng lãnh đạm, nghe như một lời ai điếu.
“Hai người ở chung nhất định sẽ có một người bị tổn thương,
dĩ nhiên là người đã không quan tâm đến thiếp thì thiếp cũng không nhớ tới người.
Người thắng thiếp thua, được làm vua thua làm giặc, đã dám đánh cuộc thì phải
chấp nhận thắng thua.”
Đó là nỗi oán hận của Trần A Kiều mà cũng là nhận thức của
Hàn Nhạn Thanh. Dù thế nào thì Trần A Kiều cũng cảm thấy nên có một cách xử
trí, một cái kết cho cuộc tình duyên này. Nàng không muốn tranh đấu với một đám
nữ nhân trong nội cung hiểm ác, tình nguyện bày tỏ tất cả tâm sự của mình để dù
có chịu tai họa ngập đầu thì cũng không thẹn với lòng.
“A Kiều, nàng say rồi.” Nàng cảm giác như Lưu Triệt vừa đứng
dậy, bước tới, “Có lẽ những gì nàng vừa nói đều là đúng nhưng nàng dựa vào cái
gì để nhận định rằng trẫm sẽ làm theo ý của nàng?” Giọng nói trầm thấp quen thuộc
vang lên bên tai khiến cả người nàng cứng ngắc. Nàng còn chưa kip phản ứng thì
Lưu Triệt đã chắp tay đi ra khỏi điện Bát Nhã.
Nửa sau năm Nguyên Sóc thứ sáu, phế hậu Trần A Kiều dẫn
Hoàng tử trưởng Lưu Mạch trở về đế đô Trường An, Hoàng thượng ban cho về ở Trường
Môn gây sự chú ý của mọi người. Tháng Chín năm Nguyên Sóc thứ sáu, Hoàng thượng
đến Trường Môn, khi ra về không vui. Mọi người thấy A Kiều không được Thánh thượng
sủng ái lần nữa thì hết sức lo lắng.