[1] Lâu thuyền: Thuyền chiến có nhiều tầng, dùng làm thuyền
chỉ huy, chở quân, chuyển lương. Các lầu cho phép quan sát được xa, có thể phát
huy tầm bắn của cung, nỏ và thường được làm ở phía lái.
Mùa thu năm Nguyên Thú thứ hai, thiền vu Hung Nô tức giận vì
thất bại ở phía tây nên muốn giết Hồn Tà vương và Hưu Đồ vương. Hai vương sợ
hãi, thương lượng hàng Hán. Hưu Đồ vương nửa đường hối hận, Hồn Tà vương liền
giết chết, hợp hai bộ lạc lên tới hơn bốn vạn người quy hàng. Năm nước chư hầu
tiếp nạp số người này, từ đó nhà Hán đoạt được đất Hà Gian, chia cắt con đường
phía tây của Hung Nô. Cùng quy thuận nhà Hán, còn có con trai của Hưu Đồ vương
là Kim Nhật Đan và mẫu thân gã là Át thị, đệ đệ là Luân thì không làm quan mà
được thu nhận vào chăn ngựa cho hoàng cung, tuổi vừa mười bốn. Không có ai lường
trước được người thiếu niên Hung Nô lúc này còn tầm thường nhưng về sau lại trở
thành đại thần một phương của triều đình Đại Hán.
Hoắc Khứ Bệnh xử lý chuyện Hồn Tà vương hàng Hán xong thì
vinh quy Trường An. Hoàng đế khen ngợi công lớn, phong thưởng rất nhiều. Hoắc
Khứ Bệnh đã hai mươi tuổi, mẫu thân Vệ Thiếu Nhi muốn lo chuyện hôn nhân cho hắn
nên cùng Vệ hoàng hậu lựa chọn ra ba thiếu nữ của ba gia đình quyền quý hiển
hách nhất Trường An, đắn đo cân nhắc nhiều lần. Điện Tuyên Thất đánh tiếng rằng
Hoàng đế định xây một tòa phủ đệ ở thành Trường An cho Hoắc Khứ Bệnh, Hoắc Khứ
Bệnh không nhận, nói, “Chưa diệt xong Hung Nô thì chưa nhận nhà.”
Hoàng thượng nghe vậy cười một tiếng, khen có khí phách rồi
thôi không nhắc đến việc đó nữa, còn Vệ Thiếu Nhi thì ngạc nhiên mãi, khổ sở mà
chẳng thể làm gì.
Đầu năm Nguyên Thú thứ ba, điện Thanh Lương báo tin Tiệp dư
Vương Thấm Hinh ốm chết. Trong điện Tiêu Phòng, Vệ Tử Phu sững sờ một hồi lâu mới
nói, “Biết rồi.” Trong cung Vị Ương, một phi tần thất sủng chết đi thì cũng chỉ
như một giọt mưa rơi vào sông Vị Thủy, chẳng để lại dấu vết gì. Vệ Tử Phu có cảm
giác mèo khóc chuột, bảo, “Dù thế nào thì vẫn phải báo cho bệ hạ một tiếng.”
Ý chỉ của Lưu Triệt truyền về khá lạnh lùng, “Giao Tam hoàng
tử Lưu Hoành cho Hình khinh nga nuôi dưỡng.”
Tam hoàng tử Lưu Hoành năm đó chưa đầy bốn tuổi, đang bi bô
học nói. Phi tần có cấp bậc hơi cao một chút trong cung Vị Ương chỉ có Hình Nhược
chưa sinh con, giao cho nàng ta nuôi dưỡng là vẹn cả đôi đường, nhưng vẫn có cảm
giác xót xa vì Vương Thấm Hinh đã từng được sủng ái như vậy nhưng chết trong cô
độc mà bệ hạ lại không hỏi thăm lấy một lời. Tháng Hai năm Nguyên Thú thứ ba,
Vương Thấm Hinh được mai táng với cấp bậc tiệp dư.
Tháng Ba năm Nguyên Thú thứ ba, sứ thần được phái đi theo đề
nghị năm xưa của Bác Vọng hầu Trương Khiên để tìm đường từ đất Thục tới Thân Độc[2]
trở về Trường An, bẩm báo lên Hoàng đế tuy Điền vương có ý tốt phái người giúp
bọn họ tìm đường đi Thân Độc nhưng mất hơn một năm mới tới gần vùng biển Nhị Hải
của Đại Lý lại bị tộc Côn Minh ngăn trở nên cuối cùng sắp thành công lại thất bại.
[2] Nay là Ấn Độ.
Lưu Triệt thấy tôn nghiêm của Đại Hán bị mạo phạm nghiêm trọng
thì vô cùng giận giữ, muốn phát binh chinh phạt. Cuối cùng bị thừa tướng Lý
Thái can ngăn, nói tộc Côn Minh sinh sống ở vùng sông nước, giỏi thủy chiến còn
quân Hán lại chỉ quen đánh trên bộ, cho dù có thể chinh phạt được thì cũng sẽ
chịu tổn thất nghiêm trọng. Lúc đó văn võ bá quan đều cảm thấy triều đình đã
hao tốn quá nhiều nhân lực vật lực chỉ vì một kiến nghị mang hy vọng xa vời của
Trương Khiên, tính ra được không bằng mất, nhưng vì bệ hạ cương quyết độc đoán
nên chẳng ai dám nói ra.
Buổi tối, Lưu Triệt về đến cung Trường Môn vẫn còn chưa hết
tức giận, oán hận nói, “Trẫm chấp chính suốt bao năm, ngay cả Hung Nô hung hãn
thiện chiến cũng còn phá được, chẳng lẽ lại không đối phó được một tộc Côn Minh
nho nhỏ đó sao?”
A Kiều vừa nghe đã biết thứ mà Lưu Triệt đang khổ sở tìm kiếm
về sau này chính là con đường tơ lụa phương nam, thông từ đất Thục tới Thân Độc.
Nếu việc này thành công sớm, khai thông ngoại thương thì sẽ có lợi rất lớn cho
Đại Hán, khó trách tại sao Tang Hoằng Dương lại nhiệt tình với chuyện này như
thế.
Mặc dù triều Hán không có lệ quy định hậu cung không được
tham gia chính sự nhưng A Kiều biết chư vị hoàng đế Tây Hán kiêng kỵ với chuyện
họ Lữ loạn quyền trước kia nên nàng không tiện đề cập tới mà chỉ nói chung
chung, “Bệ hạ nhất định sẽ có biện pháp.”
Ngày hôm sau, Lưu Triệt triệu kiến Trường Bình hầu Vệ Thanh,
Trường Tín hầu Liễu Duệ và cả Quan Quân hầu Hoắc Khứ Bệnh tới điện Tuyên Thất để
thảo luận về chuyện huấn luyện thủy quân.
“Cũng không phải không thể”, Vệ Thanh lộ vẻ băn khoăn, “Chỉ
là huấn luyện thủy quân phải có sông hồ chứa được ngàn vạn người, nhưng hình
như gần Trường An không có chỗ nào thích hợp.”
Lưu Triệt khẽ cau mày, đưa mắt liếc thấy Trường Tín hầu Liễu
Duệ đang có vẻ suy tư, liền hỏi, “Liễu khanh có ý kiến gì không?”
Liễu Duệ chắp tay đáp, “Thần tin tưởng rằng bệ hạ đã có chủ
kiến, cần gì vi thần phải nhiều lời.”
Lưu Triệt nghiến răng, “Đám tiểu bối man di tộc Côn Minh dám
cả gan khiêu khích thiên uy của Đại Hán ta, chinh phạt là tất yếu. Trẫm muốn
dùng nhân công tạo ra một cái hồ ở Thượng Lâm Uyển có hình dáng như biển Nhị Hải
thao luyện thủy quân để sau ba năm đến năm năm nữa sẽ bình định man di.”
Ý nghĩ này quả thật là điên cuồng xa xỉ, ngoại trừ Liễu Duệ
thì cả Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh đều giật mình biến sắc. Hoắc Khứ Bệnh không nhịn
được lên tiếng, “Không cần như vậy, cùng lắm thì cho thủy quân thao luyện ở xa
một chút có hơn không?”
Vệ Thanh căng thẳng, đứa cháu trai này của mình thiếu niên đắc
chí, lại thêm từ trước đến giờ luôn được quân vương cực kỳ sủng ái nên cứ nghĩ
sao nói vậy, áng chừng không hiểu rằng nếu quân vương đã quyết định chuyện gì
thì dù hao tốn bao nhiêu nhân lực vật lực cũng phải làm bằng được nên chắp tay
đỡ lời, “Khứ Bệnh còn nhỏ, bệ hạ không cần chú ý lời hắn.”
Hoắc Khứ Bệnh bất mãn liếc nhìn Vệ Thanh song không phản đối
nữa, chỉ cúi đầu xuống. Lưu Triệt trông thấy thế cười khẽ, “Ý trẫm đã quyết,
các khanh ai nấy tiến hành tuyển chọn những binh sĩ thích hợp thủy chiến. Đến
lúc hồ Côn Minh hoàn thành, trẫm muốn có ba nghìn thủy quân.”
Ba người cùng đồng thanh, “Tuân lệnh!”
Xây dựng hồ Côn Minh cần kinh phí rất lớn. Sau khi cho ba
người lui ra, Lưu Triệt trầm mặt ra lệnh, “Triệu Đại tư nông trang Tang Hoằng
Dương vào đây.”
Tang Hoằng Dương đang đứng đợi sẵn ngoài điện Tuyên Thất,
nghe vậy bước vào điện, bái chào: “Thần Tang Hoằng Dương tham kiến bệ hạ.”
“Đứng lên đi”, Lưu Triệt không chú ý lễ tiết: “Tang khanh,
trẫm hỏi khanh, nếu như trẫm muốn đào ở trong Thượng Lâm Uyển một cái hồ với
chu vi bốn mươi dặm theo hình dạng biển Nhị Hải thì phí tổn ước khoảng bao
nhiêu?”
Tang Hoằng Dương nhẩm tính rồi bẩm: “Cần khoảng mười vạn xâu
tiền Tam Thù.”
Dù đây không phải là con số nhỏ nhưng vẫn ít hơn khá nhiều
so với dự tính của Lưu Triệt khiến y kinh ngạc, “Hoằng Dương có tính chuẩn
không?”
Tang Hoằng Dương giải thích, “Thật ra thì đã tính dư thêm một
ít. Chắc bệ hạ đã biết thành Trường An tuy nằm sát gần sông Vị Thủy nhưng kinh
thành vốn phồn hoa nên vẫn thiếu nước uống. Nếu đắp đập ngăn nước trên thượng
du xuống xây thành hồ nhân tạo, địa thế Thượng Lâm Uyển lại cao nên nước sẽ tự
động chảy về phía Trường An, bảo đảm được nước dùng trong thành. Chỉ với điểm
này thì dù kinh phí nhiều hơn cũng đáng.”
Lưu Triệt nhướng mày chăm chú nhìn hắn rồi khen ngợi, “Tang
khanh nghĩ thật chu đáo.”
Tang Hoằng Dương chắp tay khiêm tốn, “Lo cho thánh thượng là
bổn phận của thần tử.”
Chuyện xây hồ Côn Minh được tiến hành một cách bài bản dưới
sự trù tính và chỉ huy của Tang Hoằng Dương. Trần A Kiều ngầm đoán được Tang Hoằng
Dương đã sử dụng không ít kiến thức tiên tiến của thời hiện đại khiến cho chuyện
xây hồ Côn Minh lần này không bị dân chúng ta thán tiêu tốn quá nhiều.
Trong năm Nguyên Thú thứ ba, Lưu Triệt hạ lệnh lập Nhạc phủ
do Tư Mã Tương Như phụ trách để sưu tập dân ca trong thiên hạ.
Đảo mắt đã đến năm Nguyên Thú thứ tư. Hồ Côn Minh hoàn
thành, Lưu Triệt đi cùng Trần A Kiều tới Thượng Lâm Uyển để xem xét. A Kiều phải
thừa nhận rằng hồ Côn Minh tuyệt đẹp. Sóng nước lăn tăn, mây trời soi bóng,
đình đài lầu các tinh xảo hoa mỹ trải dọc theo bờ hồ, ngồi trên thuyền ngắm
nhìn cảm thấy tâm hồn sảng khoái. Chỉ riêng với điều này, cho dù Lưu Triệt nghĩ
đến bất cứ lý do gì thì trong suy nghĩ của y vẫn cho rằng quan trọng nhất là để
cho bản thân mình sau này du ngoạn.
Lưu Triệt hạ lệnh chế tạo mấy chiếc lâu thuyền cực lớn, giao
cho thủy quân ngày đêm thao luyện. Trần A Kiều lo lắng, hỏi Liễu Duệ, “Ngày xưa
Tào Tháo đã từng xây hồ Huyền Vũ thao luyện thủy quân nhưng vẫn đại bại ở trận
Giang Đông, hồ nước nhân tạo mặc dù tốt nhưng nói cho cùng thì vẫn không có sóng
gió, thật sự có thể luyện ra thủy quân thiện chiến sao?”
Liễu Duệ nheo mắt, “Chẳng qua là một tộc Côn Minh nho nhỏ,
thế này cũng đủ rồi.”
Cuối năm Nguyên Thú thứ tư, Đại tướng quân Vệ Thanh và Quan
Quân hầu Hoắc Khứ Bệnh mỗi người dẫn năm vạn kỵ binh chia hai đường bắc tiến
đánh Hung Nô.
Đây cũng là một chương hoành tráng khốc liệt nhất trong lịch
sử chiến tranh Hán Hung, được gọi là “Cuộc chiến Mạc Bắc.” Đại quân của Hoắc Khứ
Bệnh vượt qua phía bắc đại mạc thì chạm trán với Tả Hiền vương Hung Nô. Hai bên
kịch chiến, quân Hung Nô chạy chốn về phía bắc. Hoắc Khứ Bệnh dẫn quân đuổi sát
tới Lang Cư Thanh Sơn và Bắc Hải, bắt ba vương gia và hơn bảy vạn người từ tướng
quốc, tướng quân trở xuống làm tù binh. Trong chiến dịch này, Hoắc Khứ Bệnh đã
xâm nhập vào sâu hơn hai ngàn dặm, Hung Nô chạy dài, Mạc Nam và Mạc Bắc đều được
bình định. Vệ Thanh xuất quân từ Định Tương tiến đánh Hung Nô. Hắn tiến sâu vào
vùng Mạc Bắc, càn quét sào huyệt, tìm diệt chủ lực, chạm trán với thiền vu Hung
Nô. Sau trận ác chiến, Thiền vu vung đao tự vẫn. Đến lúc này, Hung Nô cũng
không còn lực để đánh với nhà Hán.
Mùa thu năm Nguyên Thú thứ tư, Đại tư nông Tang Hoằng Dương
nhận lệnh bỏ tiền Tam Thù, đúc tiền Ngũ Thù[3]. Từ đó về sau, cả Đại Hán dùng
loại tiền mới này.
[3] Theo lịch sử thì tới năm Nguyên Thù Thứ năm, Hán Vũ Đế mới
bắt đầu cho đúc tiền Ngũ Thù nhưng trong truyện tác giả đã viết sớm hơn một
năm.
Một hôm, có một chiếc xe mui sơn thông thường chạy về hướng
cổng Tuyên Bình ở phía đông thành Trường An rồi dừng lại trước cửa đại viện của
căn nhà sang trọng. Một cô bé vén rèm xe rồi gọi toáng lên, “Bà bà!” Cô bé mặc
y phục bình thường nhưng may bằng chất vải gấm Tứ Xuyên cực quý, một xấp đã
tương đương với thu nhập cả tháng của một gia đình bình thường. Cô bé khoảng chừng
mười tuổi, khuôn mặt xinh xắn lộ ra khí chất tôn quý, láng giềng xung quanh dõi
mắt nhìn theo, xôn xao bàn luận phỏng đoán thân phận hai vị khách này nhưng đều
không đúng.
Bao năm qua, Thân đại nương đã có một cuộc sống đầy đủ nên
thời gian dù vô tình cũng không để lại quá nhiều dấu vết. Bà trông thấy mẹ con
A Kiều thì rất vui mừng nhưng vẫn không khỏi có chút lo lắng, ngắm nghía từ đầu
đến chân một lúc thật lâu rồi mới nắm tay A Kiều, cau mày trách, “A Kiều, nghĩa
mẫu đã được mấy người Tang đại nhân chăm sóc rồi, con thân phận cao quý, không
cần tự mình đến thăm.”
Từ sau khi trở về từ cung Cam Tuyền vào năm Nguyên Thú thứ
hai thì Trần A Kiều ít nhiều đã có thể tự do xuất cung, thỉnh thoảng cũng tới
thăm Thân đại nương để cuộc sống nghĩa mẫu bớt cô đơn.
“Làm sao thế được chứ?” Lưu Sơ bên cạnh cười khanh khách,
“Bà là bà mà.”
Vừa lúc đó có người hầu dâng trà lên, A Kiều mỉm cười nhận lấy
rồi nói, “Phụng Gia không có nhà, A Kiều đến thăm nghĩa mẫu thường xuyên thì có
gì không tốt đâu.”
Phụng Gia là tên tự Tiêu Phương đặt cho sau khi Thân Hổ tròn
hai mươi. Mỗi người đều có chí riêng, không thể cưỡng ép. Mạc dù nàng từng hy vọng
Thân Hổ nhập ngũ theo giúp Liễu Duệ một tay nhưng Thân Hổ một lòng theo nghiệp
võ, không có lòng ra chiến trường nên nàng cũng không nói gì. Năm xưa học võ ở
Đường Cổ Lạp Sơn thì Thân Hổ đã chuyên cần hơn A Kiều rất nhiều, những năm qua
lại theo Quách Giải ngao du bên ngoài nên chắc lại càng thêm tiến bộ. Chỉ là A
Kiều thỉnh thoảng vẫn nghĩ rằng Thân Hổ có thể lựa chọn cuộc sống theo ý của
mình, nhưng Mạch Nhi của nàng lại chỉ có thể từng bước từng bước hướng đến
khuôn mẫu một hoàng tử ôn hòa khôn khéo. Nếu như không phải sinh trong nhà đế
vương thì liệu Mạch Nhi có nguyện ý làm một kiếm khách phiêu lãng chân trời? Nó
cứ từng ngày từng ngày phải chôn vùi khát vọng ban đầu được đi khắp thiên hạ ở
trong chốn thâm cung hoa lệ.
“A Kiều”, Thân đại nương tựa như nhìn thấu suy nghĩ của
nàng, an ủi, “Con có thân phận tôn quý khác hẳn với bọn họ. Hơn nữa một phụ nữ
cũng không thể giống như bọn họ làm hiệp khách lãng du ở bên ngoài.”
Nàng gạt đi những chuyện phiền muộn trong đầu, mỉm cười nói,
“Không đề cập tới những chuyện này nữa, hôm nay con sẽ làm con ngoan xuống bếp
nấu cho nghĩa mẫu ăn.”
“Không được…” Thân đại nương vừa định khuyên can thì Lưu Sơ
đã nhảy cẫng lên, “Thật tốt quá, bà bà không biết mẫu thân rất ít khi chịu xuống
bếp, cháu và ca ca chờ đợi lâu lắm rồi đó.”
A Kiều vừa bực mình vừa buồn cười, nắm lấy tay Lưu Sơ, “Con
xuống phụ cho mẫu thân đi, tranh thủ học nấu ăn luôn thể.”
Lưu Sơ giãy nảy lên ngạc nhiên, “Con là công chúa Đại Hán
thì tại sao phải học? Mà học để nấu cho ai ăn chứ?”
Tỳ nữ đứng hầu là người mới vào, nghe thấy thân phận kinh
người như vậy thì sợ hãi không biết thật hay giả nên cứ đứng lặng thinh ở bên cạnh
mãi tới lúc hai người đi xa rồi mới sán lại khẽ hỏi, “Lão phu nhân…?”
Thân đại nương xoay người lại nhìn cô, trầm giọng “Thanh
Dung nếu ngươi nói lộ thân phận hai mẹ con Trần nương nương ra ngoài…”
Thanh Dung nhìn thấy chủ nhân vẫn luôn hòa ái nhưng lúc này
lại tỏ sắc mặt nghiêm trọng thì không thể nén nổi rùng mình, vội vàng quỳ gối
nói, “Thanh Dung biết rồi.”
Trong phòng bếp thỉnh thoảng truyền đến giọng trong trẻo của
Lưu Sơ, “Rót dầu trước sao?”
“Ái chà chà, đổ thêm bao nhiêu nước đây?”
“Thái thức ăn như thế nào?”
…
Sau một hồi lại đến giọng Trần A Kiều gắt gỏng, “Yên nào… trẻ
con không dạy bảo là không được.”
“Lão phu nhân”, quản gia tất bật chạy suốt dãy hành lang dài
tới tận đại đường, bẩm với Thân đại nương, “Có một chiếc xe tới bên ngoài cửa
tìm tiểu thư, người trên xe tự xưng là công tử họ Vương.”
Thân đại nương suy nghĩ một chút rồi nói, “Mời họ vào đi. Ông
đi báo cho tiểu thư một tiếng.”
Quản gia thấp giọng đáp, “Dạ.”
Người gác cổng được lệnh liền bước ra ngoài, mỉm cười nói,
“Mời công tử vào.”
Có tiếng đáp khẽ từ trong xe vọng ra rồi một người đàn ông mặc
đồ đen bước xuống, lướt nhìn người gác cổng khiến gã lập tức lạnh toát cả người
không dám ngẩng đầu nhìn lên.
Dương Đắc Ý bên cạnh lên tiếng, “Chính là chỗ này.”
“Thân phu nhân.” Trên đại đường, Lưu Triệt khẽ gật đầu, “Làm
phiền rồi.”
Thân đại nương theo lễ đáp lại, “Không có gì. Không biết
công tử cùng với nghĩa nữ của dân phụ là…?”
Lưu Sơ đang đi trên hành lang dài ở phía sau nhà lên, từ xa
trông thấy bèn vui mừng kêu lên. “Phụ… Phụ thân.”
Thân đại nương chỉ cảm thấy cả người run lên, trong nháy mắt
biết được thân phận người đứng trước mặt, sắc mặt dần thay đổi. Lưu Triệt mỉm
cười quay đầu lại, bế bổng Lưu Sơ lên rồi hỏi, “Con và mẫu thân đang làm gì vậy?”
“Hôm nay mẫu thân nấu ăn”, Lưu Sơ hớn hở, “Con giúp mẫu
thân”, nói đến đây thì ỉu xìu, đưa tay ra chỉ vào, “Bị dầu bắn vào, mẫu thân
còn nói: Trẻ con không được dạy bảo là không được.”
Lưu Triệt bật cười, nhìn về phía A Kiều đang đứng ở ngoài cửa.
A Kiều hiển nhiên không ngờ rằng y lại xuất hiện ở đây nên trên mặt có mấy phần
kinh ngạc.
“Trẫm… Hôm nay ta định ra ngoài, nghe nói nàng và Sơ Nhi ở
chỗ này nên sang xem.”
A Kiều gật đầu, trong lòng áng chừng Kỳ Môn quân đã âm thầm
bảo vệ quanh Thân phủ rồi, quay sang bảo đám người hầu, “Các ngươi lui xuống.”
Trước khi rời đi, Thanh Dung không nhịn được khẽ quay đầu liếc
nhìn. Người đàn ông anh tuấn tôn quý kia chính là bậc đế vương của Đại Hán đó
ư?
“Tới sớm không bằng tới đúng lúc”, Dương Đắc Ý bên cạnh giả
lả nói, “Vừa vặn gặp dịp phu nhân tự mình xuống bếp.”
Lưu Triệt mỉm cười nhìn A Kiều, nói, “Ta cũng chưa từng thấy
nàng nấu ăn ở Trường Môn.”
A Kiều cười khúc khích, “Thiếp lười mà, có y phục đưa tới
tay, cơm bưng tới miệng sao còn tự mình nấu nướng để làm gì chứ?”
Không biết tại sao Lưu Triệt lại mơ hồ cảm thấy có nỗi thất
vọng thoáng qua trong lòng. Rõ ràng A Kiều đã bên cạnh mà y vẫn có ảo giác rằng
tâm sự của nàng còn mịt mờ ở nơi xa vắng. Nghĩ đến đây, sắc mặt y bất giác trầm
lại, khẽ gật đầu, “Tạ ơn đại nương xưa kia đã cứu mạng nội tử[4].”
[4] Nội tử: Vợ.
Thân đại nương cả kinh xua tay, “Không dám nhận… Thật ra thì
nương nương đẹp người đẹp nết, chắc ai thấy cũng đều vui vẻ đối xử tử tế.”
Lưu Triệt thản nhiên nói, “Trẫm biết.”
Món ăn được dọn lên, sắc hương đều đủ, lầu Thanh Hoan cũng
khó sánh kịp. Lưu Triệt bồi hồi nghĩ đến cảnh họ gặp lại nhau lần đầu tiên ở lầu
Văn Nhạc sau khi A Kiều lưu lạc khỏi cung. Lầu Văn Nhạc bây giờ đã suy sụp
nhưng năm xưa vô cùng nổi danh ở thành Trường An. Lần ở lầu Văn Nhạc cũng do A
Kiều đích thân xuống bếp nhưng y lại không biết người ngồi đối diện là nàng. Nếu
quả thật A Kiều trong ký ức của y đã phải chịu uất ức lớn như thế, còn mang
trong người giọt máu của đế vương thì khi thấy y chẳng phải nên khóc lóc tố khổ
hay sao, đằng này lại vẫn tỉnh táo phân tích lợi ích được mất? Rốt cuộc A Kiều
là người từ trước đến giờ vẫn để vui buồn lộ ra nét mặt, nội tâm đơn giản, hay
là người có nét ưu tư không thể diễn tả, đủ thông minh để đứng ngoài mọi chuyện,
yên lặng nhìn xem những gì được mất?