Kim Ốc Hận

Chương 95: Đại lễ Phong Thiện vui lòng thiên hạ




Đắp một đài bằng đất trên ngọn núi Thái Sơn làm đàn tế thiên để báo công với trời nên gọi là Phong. Quét đất lập đàn trên một ngọn núi nhỏ dưới chân Thái Sơn để báo công với đất nên gọi là Thiện.
(Sử ký – Phong Thiện sách)
Lễ Phong Thiện có từ thời xưa, là nghi thức tế trời nguyên thuỷ nhất của các bộ lạc hoặc thị tộc sùng bái tự nhiên sống chung quanh Thái Sơn vào thời viễn cổ. “Có lẽ xa thì khoảng mấy nghìn năm trước gần thì mấy trăm năm trước, nghi thức đắp đất tế lễ kia đã thất truyền nên không thể biết được để ghi chép tỉ mỉ lại”. Nhà Tần thống nhất sáu nước, vị hoàng đế đầu tiên tự cho là công cao cái thế bèn xưng là Thủy Hoàng. Năm thứ hai mươi tám, Tần Thủy Hoàng đi tuần các quận huyện phía đông, mượn các nghi lễ của nhà Tần để tế tự những bậc đế vương ở Ung Châu[1] thuở trước để làm lễ Phong ở Thái Sơn, Thiện ở Lương Phụ, khắc chữ lên vách đá ca tụng công đức nhà Tần.
[1] Ung châu cũng chính là Thiểm Tây, nơi phát tích của nhà Tần.
Nhà Hán lưu truyền được năm đời, hưng thịnh nhất vào năm Kiến Nguyên, đánh bại kẻ địch bên ngoài, chỉnh đốn pháp luật bên trong, sự nghiệp hiển hách. Vào năm Nguyên Đỉnh đầu tiên lấy được bảo đỉnh ở sông Phần, coi là điềm lành nên các bề tôi dâng thư thỉnh cầu Hoàng đế Lưu Triệt tới Thái Sơn làm lễ Phong Thiện báo cáo công tích với trời xanh, loan báo đức chính cho dân chúng. Lưu Triệt cũng động lòng, hạ lệnh cho quần thần tham khảo phép tắc thời xưa tập luyện nghi thức, xây phủ đệ, lập minh đường[2]. Đến năm Nguyên Phong đầu tiên, y định niên hiệu có chữ “Phong” cũng là đã quyết định trong lòng, sau đó phân công các bề tôi chuẩn bị tất cả cho đại lễ Phong Thiện. Tháng Ba năm Nguyên Phong đầu tiên, sau khi xong chuyện kết hôn cầu hoà với Ô Tôn, Lưu Triệt dẫn bá quan văn võ tháp tùng nghi trượng đi tuần thú phương đông, hơn một vạn người đi theo, xe Phong Thiện nối dài mấy trăm dặm, để Thái tử Lưu Mạch ở lại giám quốc.
[2] Minh đường: Khoảnh sân dành cho việc tế tự hay thờ cúng.
Trong xe ngự tráng lệ được nghi trượng trùng điệp vây quanh, Lưu Triệt nhàn nhã ngồi trên giường đánh cờ với Trần A Kiều. Y nhìn dung nhan đẹp đẽ của A Kiều, nói vẻ quan tâm, “Kiều Kiều nên cẩn thận giữ gìn sức khoẻ, chớ để như lần trước ở Lâm Phần”. Một khi lâm bệnh thì nàng sẽ không thể đi tiếp cùng với y.
“Được rồi.” A Kiều bật cười, “Thiếp đâu đến nỗi yếu ớt như vậy. Lần trước là bị lạnh ngoài ý muốn mà thôi”. Khuôn mặt nàng hơi đỏ lên, nói: “Huống chi lễ Phong Thiện ở Thái Sơn là một việc hiếm có, thiếp cũng không muốn bỏ qua.”
Nàng thư thả hạ một quân cờ, hỏi, “Bệ hạ có biết nghi lễ Phong Thiện có từ đâu không?”
Nàng bỏ rất nhiều công sức ra nghiên cứu cờ vây nên rất tiến bộ, quân cờ này hạ xuống cực kì tinh diệu, khiến Lưu Triệt cũng buộc phải trì hoãn, cẩn thận nghĩ nước kế tiếp.
“Trước đây thì không thể biết.” Y đăm chiêu nói, cũng hạ xuống một quân cờ, “Tương truyền từ cổ có bảy mươi hai vị vua đã từng làm lễ Phong Thiện nhưng đến nay thì chỉ biết đích xác mỗi Doanh Chính của triều Tần.”
“Ừ.” Nàng gật đầu, nhìn sắc mặt của y, nói: “Nho sinh hai nước Tề, Lỗ cho rằng Phong Thiện chính là nghi lễ để đế vương nhận lệnh của trời, giao tiếp với trời. Từ xưa tới nay, nếu như không phải là đế vương của thời kì thiên hạ thái bình, quốc gia hưng thịnh thì không thể tiến hành hành nghi lễ này. Từ khi bệ hạ kế vị tới nay, bên ngoài thì dẹp được nạn Hung Nô xâm phạm biên giới hơn bảy mươi năm, bên trong thì giúp dân chúng sinh sống an bình, thật đúng là là có tư cách.”
“Vậy à?” Lưu Triệt kéo nàng qua, mỉm cười nói, “Thật khó được Kiều Kiều khen ngay trước mặt như thế này.” Y khẽ gõ vào trán nàng, tư thế thân mật. A Kiều nhất thời lúng túng, gắt gỏng: “Có cung nhân ở đây đấy.” Nàng liếc sang thấy cung nhân bên cạnh đã sớm cúi đầu cười trộm.
Nàng dứt khoát tự đầu vào ngực y, thầm nghĩ chuyện Phong Thiện dù thoạt nhìn long trọng láo nhiệt, là vinh hạnh đặc biệt khó được nhưng một lần cũng đã đủ rồi. Nế thật sự để y cứ hai ba năm lại tới Thái Sơn một chuyến, trong hơn hai mươi năm tiến hành Phong Thiện tới tám lần như trong sử sách ghi lại thì quá hao tài tốn của. Vì thế nên nếu cần phải nói thì nàng nhất định phải tìm cách tẩy não y khỏi ý muốn tới Thái Sơn, đả thông quan điểm thần thánh hoá Phong Thiện để đề phòng y coi đây thành chuyện tế tự trong nhà, thỉnh thoảng nhớ tới lại tới đây một chuyến.
Đến chân núi Tung Sơn, Lưu Triệt hạ lệnh cho xe ngựa nghi trượng tạm thời dừng trú mấy ngày, bản thân mình dẫn A Kiều, Lưu Sơ và mấy vị cận thần đi từ Nam Lộc lên Tung Sơn vừa du ngoạn vừa tế tự. Lúc này mới chỉ đầu mùa xuân, hoa cỏ trên núi còn chưa mọc, chỉ có mấy cây tùng bách xanh tốt quanh năm. Ngoài ra ở đây còn có thư viện Tung Dương, trước mặt là hai khe suối, lưng dựa vào núi cao ngất, phía tây dựa vào Thiếu Thất Sơn, phía đông có thể thấy Vạn Tuế Sơn, núi lượn vòng quanh, suối chảy róc rách, phong cảnh u nhã động lòng người.
Lưu Triệt nắm tay A Kiều bước vào thư viện Tung Dương. Y thấy trong viện có cây bách cao lớn, tán cây xanh ngắt rộng như mái đình, cành lá rậm rạp, chắc đã sống qua ngàn năm. Y ngẩng đầu nhìn hồi lâu mới nói: “Cây bách này cao lớn kì vĩ như tướng quân thống lĩnh vạn quân, hay là phong nó làm Bách tướng quân?”
“Không được”, A Kiều phì cười, nói: “Thế gian này có ngàn vạn cây bách, cớ sao bệ hạ lại biết cây này đứng đầu? Nếu có những cây bách khác cao hơn thì chẳng phải là bất công ư? Theo A Kiều thì phong làm Tam tướng quân là đủ rồi.”
Nàng nhớ lại điển tích Bách tướng quân của Tung Sơn nên nén cười, ánh mắt lấp lánh. Lưu Triệt vô tình quay đầu lại nhìn thấy, im lặng hồi lâu mới nói, “Nếu như thế thì làm theo lời của Kiều Kiều đi. Tuy nhiên”, y quay hẳn lại, mỉm cười nói: “nếu cây bách này muốn trách vì được phong danh hiệu thấp thì hãy tìm Kiều Kiều nhé.”
Quan viên đi theo tán tụng, “Bệ hạ thánh ân rộng khắp, Hoàng hậu nương nương rất mực khiêm tốn, nếu cây bách này có biết thì cũng chỉ cảm kích chứ sao dám sinh lòng hờn giận chứ?”
Lưu Triệt cười lớn, dẫn A Kiều xuyên qua viện Nhị Tiến, nhìn quanh liền sững lại. Trong viện lại có một gốc cây bách cao chừng mười trượng, đường kính chừng một vòng tay ôm, cao lớn hơn cây bách vừa rồi, dù vỏ cây đã bị tróc ra, thân cây sần sùi nhưng vẫn tràn đầy sức sống. Quan viên, thị tùng đi theo nhìn nhau vừa âm thầm kêu khổ vừa suy đoán tâm tư của đế vương. Bệ hạ vốn vui giận thất thường, nếu thẹn quá thành giận thì… Một lúc lâu, Lưu Triệt mới tủm tỉm cười, liếc nhìn A Kiều mà hỏi như có điều thắc mắc: “Kiều Kiều đã tới nơi này rồi sao?”
“Đúng vậy.” Trần A Kiều đáp như không có chuyện gì: “Vào năm Nguyên Sóc thứ sáu, đúng là thiếp đã đến Tung Sơn trước khi tới Tức Mặc gặp Lăng Nhi.”
Lưu Triệt chợt nhớ tới cuộc chia lìa cách đây nhiều năm thì chợt nhói đau trong lòng nên thôi không nổi giận, nói: “Cây này cao lớn hơn Tam tướng quân, vậy phong làm Nhị tướng quân đi.”
Dưới cây bách có một cái hốc hình vòm người có thể đi lọt nối thông hai hướng nam bắc trông giống như cổng đình khá là kỳ thú. Đi vượt lên phía trước, A Kiều quay đầu lại thấy hai rễ cây lớn nổi lên mặt đất của Nhị tướng quân uốn cong như cặp cánh, vừa như hùng ưng giương cánh, lại tựa như kim kê muốn bay lên. Đi thêm một lát nữa, quả nhiên thấy một cây bách còn cao lớn hơn hai cây vừa rồi, Lưu Triệt đứng dưới hàng cây thở dài nói, “Kỳ công tạo hoá thật không lừa người!” Y liền phong cây bách là Bách đại tướng quân, lại sai người lập bia bên cạnh, trên bia có khắc dòng chữ “Bia vua Hán phong cây bách làm tướng quân.” Sau đó y cảm thấy đã mãn nguyện, bèn dẫn mọi người xuống núi. Một cơn gió nhẹ thổi qua đỉnh núi làm cho cành lá của Bách đại tướng quân nhẹ nhàng đung đưa giống như gật đầu thăm hỏi.
Xe ngựa tiếp tục đi về hướng đông them mấy ngày thì đến Thái Sơn. Lưu Triệt sai người lên đỉnh khắc chữ lên vách đá, bản thân mình thì dẫn cả đoàn đi du Đông Hải. Tháng Tư, ngự giá trở về Thái Sơn, hơn vạn người đi theo phủ kín cả Thái Sơn tạo nên một cảnh tượng hết sức hùng tráng.
Hoàng đế theo lễ nghi đã định ra, đến lễ ở đền thờ thần Địa chủ ở núi Lương Phụ, sau đó cử hành lễ Phong, xây đàn Phong cao chín thước ở dưới chân núi hướng đông, bên dưới chôn sách Ngọc điệp[3]. Sau khi kết thúc lễ Phong thì sai phu dịch tu sửa đường núi cho phu xe chở đá hộc lên xếp thành đài Phong. Hoàng đế ở dưới chân núi trai giới bảy ngày rồi dẫn Trần A Kiều và các bề tôi lên lên Thái Sơn tiến hành lễ Phong long trọng nhất và cũng là trang nghiêm nhất trong lễ Phong Thiện. Ở miếu lớn trên đỉnh núi, Trần A Kiều thay y phục cho Lưu Triệt. Lưu Triệt buộc xong dải mũ, nhìn A Kiều, giọng bùi ngùi, “Kiều Kiều, nàng còn nhớ, trẫm từng hứa với nàng trong ngày tân hôn rằng trẫm sẽ làm một minh quân kiến tạo nên một mảng giang sơn gấm vóc để truyền lại cho con cái của chúng ta không?”
[3] Sách Ngọc điệp: Thời cổ, gia phả của hoàng tộc Trung Quốc được gọi là Ngọc điệp.
Nàng ngẩng đầu nhìn lên liền sững sờ trước ánh mắt đen nhánh sắc bén của y, hồi lâu sau mới nhớ lại. Điều này y đã từng nói với nàng vào đêm tân hôn của hai người, đã từng vứt bỏ, giờ lại nhặt lên. Nàng buông lỏng tay, tâm trạng quay cuồng, ngoảnh đi, khẽ nhắc, “Giờ lành đã tới rồi, bệ hạ ra ngoài đi.”
Y liếc nàng một cái, ánh mắt thoáng có vẻ thương tiếc lẫn bất đắc dĩ, song chỉ trong nháy mắt y xoay người đi, ánh mắt này đã bị thay thế bằng vẻ tự tin và khí phách.
Đúng vậy, ngập tràn khí phách. Từ trước đến nay, Phong Thiện là vinh dự cao nhất của đế vương. Đối với một đế vương mà nói, lễ Phong Thiện còn long trọng hơn cả đại lễ đăng cơ, bởi vì mỗi đế vương đều có đại lễ đăng cơ của mình nhưng không phải đế vương nào cũng có tư cách lên Thái Sơn làm lễ Phong Thiện.
Từ khi y đăng cơ đến nay thoáng chốc đã ba mươi năm. Trong ba mươi năm này, y đánh bại mấy thiền vu Hung Nô mà các triều đời Hán vẫn xem là đại hoạ tâm phúc, bình loạn ngoài biên giới, thu nạp nước Điền, khuất phục Triều Tiên, kết hôn cầu hoà với Ô Tôn, kiến lập nên lãnh thổ Đại Hán hoà bình rộng lớn chưa từng có. Thần dân trong lãnh thổ đều tôn y làm quân chủ, an cư lạc nghiệp, đời sống bình an, pháp luật nghiêm cẩn. Công lao như vậy nhìn lên có thể báo với Trời, cúi xuống có thể thưa với Đất, người người thần phục nên mới có lễ Phong Thiện ở Thái Sơn ngày hôm nay.
Lễ phong là nghi thức vô cùng trang trọng, lễ phục trên người Lưu Triệt nửa trên màu vàng để biểu thị thân cận với trời, nửa dưới màu đen để biểu thị kính trọng với đất. Y nghiêm trang đi lên đài Phong, mười hai vòng hạt châu màu đen từ mũ miện rủ xuống biểu lộ thân phận đế vương trong chốn nhân gian. Đế vương thông qua lễ Đăng Phong là để thông cáo với trời, bày ra quân quyền thần thụ, quyền uy quân chủ, được trời cao đồng ý.
Trần A Kiều đứng dưới nhìn Lưu Triệt làm lễ ở trên đài Phong. Dù nàng cũng không tin vào chuyện dùng lễ Phong Thiện có thể thông cáo tới trời cao nhưng mỗi thời đại cần một loại tín ngưỡng. Nàng là hoàng hậu của đế quốc thì nhất thiết phải duy trì được tín ngưỡng này. Lưu Triệt đứng cạnh tấm bia đá trắng muốt không khắc chữ trên đỉnh. Tấm bia cao mấy trượng, trên dưới đều bằng nhau, đỉnh hình chóp mũ, cao vút vững chãi.
“Trẫm thấy những đế vương thời trước đều cho dựng bia khắc ghi công tích”, sau khi xuống đài, Lưu Triệt nói với A Kiều, “trẫm không cần vậy. Trẫm công đức cái thế, không phải một tấm bia đá nhỏ có thể ghi hết.”
A Kiều nghe xong cười một hồi, nam nhân này vẫn luôn có bộ dạng tự đại độc tôn như vậy. Nhưng y có tư cách ấy. Thời đại Hán Vũ Đế là thời thịnh trị chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, nhân tài xuất hiện lớp lớp, công lao sự nghiệp kỳ vĩ, để lại cho các triều đại sau một bức bản đồ rõ ràng. Sau triều đại của y thì đến triều Đường mới lại hưng thịnh huy hoàng tương tự.
Bọn họ ở lại trên đỉnh núi một đêm. Lưu Triệt đã tạo lập công đức muôn đời, lại có giai nhân trong lòng nên cực kỳ hưng phấn, sai người mang tới một loại cây để đích thân trồng.
“Hay cứ chọn cây bách đi.” A Kiều nói. “Cây bách sống được ngàn năm. Ngàn năm sau, mọi người lên đỉnh Thái Sơn còn có thể chiêm ngưỡng cây do bệ hạ đích thân trồng, giống như những cây bách tướng quân bệ hạ thấy trên Tung Sơn.”
“Hay.” Lưu Triệt luôn không muốn làm A Kiều cụt hứng, gật đầu nói,”Vậy chọn bách đi.”
Tùy tùng rất nhanh tìm tới mấy cây bách non. Tuy nói là Hoàng đế đích thân trông nhưng thật ra đều do tùy tùng đào hố, tưới nước, Lưu Triệt chẳng qua chỉ cẩn thận đặt cây giống vào cái hố mà họ đã đào sẵn.
“Kiều Kiều tới đây giúp trẫm một tay.” Lưu Triệt gọi.
“Được rồi.” Nàng gật đầu đáp rồi đi qua nhẹ nhàng giữ cây giống cho Lưu Triệt xúc đất đổ vào hố.
Nàng có thể nghĩ đến cảnh cành lá sum sê, dáng cứng cáp cao vút của sáu cây bách thời Hán này vào ngàn năm sau nhưng không biết cuối cùng là cây nào bị “Xích Mi chém một nhát, thấy chảy máu nên dừng tay”[4].
[4] Trong sân bách của đại miếu trên núi Thái sơn, có một cây bách lớn, cây đã hơn hai nghìn tuổi mà vẫn tươi tốt sum suê. Bên dưới của cây có một vết chém màu đỏ, đây chính là vết tích của quân Xích Mi để lại trên cây bách cổ.
Vào cuối thời Tây Hán, phía đông Sơn Đông và phía Bắc Giang Tô xảy ra thiên tai, lại thêm sự phẫn nộ của nhân dân đối với triều đình, quân khởi nghĩa Xích Mi nổi dậy, họ vẽ lông mi đỏ để phân biệt với quân triều đình. Quân khởi nghĩa từng hạ trại trên núi Thái Sơn, không biết là do lòng thù hận đối với nhà Hán hay là vì thiếu củi, mà quân Xích Mi đã đi vào miếu, ra tay chặt cây bách do chính tay Hán Vũ Đế Lưu Triệt trồng. Nhưng rất lạ, chưa chặt được mấy nhát thì thân cây bách bỗng nhiên chảy ra chất lỏng màu đỏ. Quân Xích Mi thấy vậy vô cùng hoảng sợ, không dám chặt nữa. Vết chém đó vẫn còn lưu lại trên thân cây bách, hơn nữa màu đỏ kia vẫn không hề phai nhạt so với lúc ban đầu, nay đã trở thành một kỳ quan.
“Mình nghĩ quá xa rồi”, Trần A Kiều thấy buồn cười, sáu cây bách thời Hán lúc này chẳng qua chỉ là những cây giống nhỏ bé còn chưa biết bao lâu nữa mới trưởng thành. Huống chi, hai mươi năm lịch sử đã vô tình thay đổi trong tay bọn họ, còn chưa biết ngày sau có quân Xích Mi hay không nữa. Trồng xong cây, chuyện tiếp theo giao cho thị tòng lo liệu, bọn họ tới miếu lớn thay y phục.
Vào ban đêm có thể thấy lờ mờ hình dáng Thái Sơn cao ngất, mênh mang sâu thẳm, khí thế bàng bạc, trùng điệp không ngừng. Tới ngày hôm sau, mặt trời từ phương đông mọc lên trông hết sức huy hoàng tráng lệ. Bảy mươi hai ngọn núi của dãy Thái Sơn dưới ráng mây che phủ trông u nhã hiểm trở, mỹ lệ mênh mang, thế núi lô xô, đẹp không sao tả xiết. Đứng trên đỉnh núi dõi mắt trông về phía xa, thu hết thảy mọi vật vào trong tầm mắt.
“Thái Sơn trùng điệp,
Lỗ mãng vọng trông.
Ngầm như báo mộng,
Toại nguyện phương đông.”[5]
[5] Trong sách Lỗ Tụng – Kinh thi.
Lưu Triệt cất tiếng ngâm rồi quay sang hỏi A Kiều, “Người đời vẫn nói Kiều Kiều là tài nữ một thời, thấy cảnh hùng tráng thế này thì có thơ phú để tán thưởng không?”
Nàng nhìn y một lát, ngân nga:
“Đông nhạc núi cao vút,
Đẹp như là cõi tiên.
Gói không gian trống vắng,
Tĩnh mịch đến u huyền.
Chẳng ai đem bút vẽ,
Mây tỏa sắc tự nhiên.
Đất trời như vẫy gọi,
Ta sống thú điền viên.
Xin gửi thân nơi ấy,
Trọn cuộc đời bình yên,”[6]
[6] Thái sơn Ngâm của Tạ Đạo Uẩn.
Không khí trong phòng tĩnh mịch rất hợp với tính cách của A Kiều, nhưng câu cuối cùng khiến tâm trạng Lưu Triệt trầm xuống. Sao y có thể để cho A Kiều rời khỏi mình mà ở lại Thái Sơn dù chỉ một ngày cơ chứ? Mọi người xuống núi Thái Sơn đi cùng Lưu Triệt dựa theo nghi lễ tế Hậu Thổ làm lễ Thiện dưới chân núi Túc Nhiên ở hướng đông bắc Thái Sơn.
Tương truyền minh đường thời Hoàng Đế[7] ở dưới chân núi Thái Sơn cực kỳ đơn sơ, “Xung quanh không vách, mái lợp có tranh, bốn bề ngập nước, vào cửa Tây Nam, tên là lầu Côn Luân.” Nhưng đến thời Hán thì đã không còn nữa. Lưu Triệt ra lệnh trước hết cứ dựa theo phép cũ thời Hoàng Đế mà xây dựng một ngôi minh đường, lại ban bố chính lệnh triệu kiến đại thần cùng tế tự thần linh tổ tiên. Sau khi lễ Phong Thiện kết thúc, Lưu Triệt từ lầu Côn Luân vào minh đường, tiếp nhận lời chúc tụng của quần thần, cắt lấy hai huyện phía trước để thờ phụng Thái Sơn, đặt tên là huyện Phụng Cao.
[7] Hoàng Đế, còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế, là một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hóa Trung Quốc, được coi là thủy tổ của mọi người Hán.
Ngự sử viết chiếu rằng: “Trẫm lấy thân hèn kế thừa ngôi vị chí tôn, nơm nớp lo sợ không dám nhậm chức. Trẫm đức còn đơn bạc, không rõ lễ nhạc, nếu xây từ đường thái miếu chỉ giống hình thức thì hy vọng có bùa chú để trấn áp quái vật. Trẫm bỏ dục vọng, đăng phong Thái Sơn, rồi đến Lương Phụ, sau đó thiền định nghiêm túc, ăn năn hối lỗi. Trẫm cùng các kẻ sĩ và thường dân làm lại từ đầu, ban thưởng trăm hộ dân một con trâu mười vò rượu, tặng thêm những cô quả trên tám mươi tuổi hai súc vải vóc, miễn tô thuế năm nay cho các vùng Phục Bác, Phụng Cao, Xà Khâu, Lịch Thành. Đại xá thiên hạ giống như lệnh năm Ất Mão là có làm thì phải chịu nhưng nếu đã xảy ra trên hai năm thì đều không tính nữa.”
Lễ Phong Thiện ở Thái Sơn kết thúc thì thiên tai lũ lụt không hề xảy ra khiến uy vọng của Lưu Triệt nhất thời đạt đến đỉnh cao, đi đến đâu dân chúng cũng hết lời tán tụng. Nghi trượng tiếp tục đi về hướng bắc tới Kiệt Thạch rồi lại đi tuần từ Liêu Tây sang phía bắc tới Cửu Nguyên. Trần hoàng hậu đều đi theo suốt chặng đường, Hoàng đế và Hoàng hậu ở với nhau rất hòa hợp.
Từ sau lễ Phong Thiện, Lưu Triệt hăng hái, không muốn lập tức trở về đế đô Trường An mà nhân tiện lên đường tuần thú. Từ Cửu Nguyên tới biên giới phía bắc, thanh thế lên cao thì y mới cảm thấy mãn ý, hạ lệnh quay lại, vượt qua Hoàng Hà trở về Trường An.
Trần A Kiều theo Lưu Triệt suốt chặng đường, cảm thấy ra khỏi thành Trường An thì bầu trời rộng mở, tâm tình thanh thản, ngàn vạn ưu phiền lo nghĩ đã có người bên cạnh xử lý ổn thỏa, bản thân mình yên lòng thỏa sức ngắm nhìn núi sông Đại Hán tươi đẹp. Trong đời nàng đã mấy lần đi xa, dù người bên cạnh khác nhau nhưng lần nào cũng đều cảm thấy vui vẻ. Lưu Triệt tuy là một người khi trở mặt sẽ lạnh lùng nhưng nếu y còn có tình cảm với ai thì có những lúc sẽ là một tình nhân tốt nhất. Nàng cảm giác mình đang đùa với lửa. Dù bây giờ ngọn lửa chỉ phát ra ánh sáng bập bùng mỹ lệ trong lòng bàn tay nhưng chỉ sợ nếu không cẩn thận thì có một ngày sẽ đốt cháy cả bản thân mình.
“Sợ cái gì?” Lưu Lăng cười khanh khách nói: “Bàn về đùa với lửa tới mức thành thục thì có ai thắng được tỷ.”
“Tỷ không phải sợ”, nàng ngẩng đầy lười biếng nhìn Lưu Lăng, “Nhưng mà…” Nàng muốn nói lại thôi, ngày trước nàng đã giác ngộ được rằng, được thì tốt, không được cũng chẳng sao, chỉ cần cố gắng hết sức là được. Cho tới bây giờ, nàng lại mơ hồ hy vọng có thể sống ổn định đến lúc bạc đầu. Bạc đầu ư? Nàng ngửa đầu lên trào phúng, nếu bạc đầu, dung nhan không còn tươi đẹp như xưa nữa thì chẳng phải người kia sẽ quay lưng bỏ đi không chút do dự hay sao?
Vợ chồng Lưu Lăng cũng ở trong đoàn tùy tùng lần này. Thỉnh thoảng khi Lưu Triệt không ở bên cạnh nàng thì Lưu Lăng lại tới tâm sự. Nàng kéo tay Lưu Lăng nói: “Lăng Nhi đã từng đến Hoàng Hà rồi sao?”
“Xem kìa.” Lưu Lăng mỉm cười nói, “A Kiều tỷ chưa từng nghe rằng một dải bờ nam sông Hoàng Hà nổi tiếng nhờ hoa đào, được xưng ‘Mười dặm hoa đào đỏ ráng trời’, muội từng mộ danh đến xem, quả nhiên cảnh sắc thật là rực rỡ.”
“Muội thích hoa đào”, Trần A Kiều thở dài nói, “Thật không biết muội có phải là yêu hoa đào kiếp trước đầu thai hay không.”
“Nói vậy cũng không sai.” Lưu Lăng cười tinh nghịch: “Chẳng phải A Kiều tỷ cũng thích nhất hoa cúc?”
“Ta không yêu cuồng si như muội đâu.” Nàng liếc Lưu Lăng, vén rèm xe lên nhìn ra dải đất vàng mênh mông bên ngoài. Ngự giá dù đã gia cố nhưng vẫn cảm giác hơi xóc, nàng nhìn ra ngoài xa chỉ thấy ruộng vườn bát ngát một màu xanh tươi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.