Dịch: Thương Khung Chi Chủ
Biên: Minh Nguyệt Châu Sa
***
Một bữa ăn no nê, yêu cầu này chắc chắn là không hề quá đáng, thậm chí còn có chút khiêm tốn. Liêu Đại Khâu vô cùng cảm động, ôm quyền chắp tay liên tục.
“Các vị tráng sĩ cứ yên tâm, lão Liêu ta chắc chắn làm được, chắc chắn sẽ làm được!”
Những tên quỷ hồn xung quanh cũng cùng nhau chắp tay về phía Liêu Đại Khâu.
“Ân công, nhớ phải nhanh chóng gặp thợ cắt giấy để làm binh khí và chiến kỳ nhé, xin nhớ lấy, nhớ lấy!”
“Yên tâm, chắc chắn làm được, chắc chắn làm được...”
Tại buồng sau trong nhà, Liêu Đại Khâu lúc này vẫn đang dùng hai tay siết chặt chăn bông, liên tục hô to.
“Chắc chắn làm được, chắc chắn làm được, chắc chắn làm được...”
Giọng nói của lão đánh thức thê tử nằm cạnh, bà nheo mắt nhìn xuyên qua rèm cửa; bên ngoài đã có một tia sáng trắng xuyên qua khe hở, hiển nhiên là trời đã sáng rồi.
Người phụ nữ quay lại nhìn người bạn đời của mình, còn lão thì liên tục ho lên “chắc chắc làm được.” Thế là, bà đẩy lão ta hai lần, chỉ thấy cơ thể lão căng cứng, cả người cũng toát mồ hôi hột.
“Cha nó ơi, Cha nó ơi? Ông nhà ơi!”
Bà ngồi dậy khỏi giường, lay mạnh Liêu Đại Khâu, cuối cùng cũng đánh thức được lão.
“Phù... phù... phù...”
Liêu Đại Khâu hơi thở hổn hển, sững sờ nhìn lên trần nhà, liếc quanh phòng, cuối cùng mới nhìn về phía thê tử mình.
“Cha nó ơi, ông gặp ác mộng à? Sao ông cứ hô to là 'chắc chắn làm được' mãi thế... trông hơi đáng sợ đấy!”
Người phụ nữ kia tìm một chiếc khăn tay nơi đầu giường, vừa nói vừa lau mồ hôi cho Liêu Đại Khâu.
Lão Liêu nhận khăn tay từ thê tử mình rồi tự lau lên mặt, lúc này mới nhận ra mặt mình đầy mồ hôi, thậm chí cả cơ thể, cả chăn bông cũng thế.
“Ác mộng? Xem như vậy đi...”
Nhớ tới giấc mộng vừa rồi, Liêu Đại Khâu đã gặp rất nhiều quỷ hồn, nhưng đều là quỷ hồn lương thiện. Đó cũng không tính là ác mộng, nhưng những gì nghe thấy trong giấc mộng ấy lại là một chuyện chẳng lành.
Lão Liêu lúc này mới tỉnh táo lại, đột nhiên hỏi thê tử:
“Mẹ nó ơi, bà có biết người thợ cắt giấy nào giỏi tay nghề một chút không?”
Câu hỏi này của Liêu Đại Khâu khiến thê tử của ông cũng cảm thấy hơi khó hiểu. Quê nhà có thợ rèn, thợ mộc, thợ xây dựng, nhưng thợ cắt giấy lại đặc biệt hơn khi chỉ làm ra đồ vật chuyên dùng cho người chết mà thôi.
“Chẳng lẽ trong số thân thích của chúng ta, có người gặp chuyện à?”
Bà hơi căng thẳng, nhưng Liêu Đại Khâu vội vàng lắc đầu.
“Không, không, không đâu, không đâu, là do giấc mộng vừa rồi của ta. Ta vừa mơ thấy...”
Liêu Đại Khâu ngừng lời, suy nghĩ một lúc.
“Bà lấy cho ta một ấm nước thấm giọng đã. Ta khát khô cả cổ rồi, uống nước xong rồi nói.”
“Rồi rồi rồi, uống nước xong hẵng nói!”
Người phụ nữ vội vàng rời giường, ra ngoài bưng lấy ấm đun nước, cũng không quên ghé sang thăm con mình đang ngủ trong phòng bên cạnh. Thấy đứa nhóc vẫn ngủ say, bà mới trở lại buồng trong với ấm nước và chiếc bát trên tay.
“Đây, nước đây ông.”
Lão Liêu cầm lấy ấm và bát, rót nước uống ừng ực đến khi cạn sạch. Cuối cùng, sau ba bát thì lão cũng hết khát, không giống với khi trong mộng vẫn cứ khát mãi dù uống rất nhiều nước.
“Ông hoàn hồn chưa?”
“Hoàn hồn rồi!”
Phía ngoài ngôi nhà cũng đã sáng sủa hơn nhiều, mặt trời đã mọc ở phía chân trời; Liêu Đại Khâu bình tĩnh lại, sau đó nói với vợ mình.
“Ta vừa nằm mơ đêm qua...”
Liêu Đại Khâu kể lại giấc mộng của mình cho thê tử nghe. Sau đó, quả nhiên bà ta cũng bị dọa giật mình, cứ lặp đi lặp lại xem liệu đó có phải chỉ là một giấc mộng thôi hay không.
Nhưng giấc mộng ấy chân thật đến vậy, khiến Liêu Đại Khâu không dám lơ là. Chờ trời sáng hơn, ăn chút cháo với dưa muối trong nhà xong, Liêu Đại Khâu vội vã ra ngoài.
Vừa ra khỏi nhà, Liêu Đại Khâu bỗng gặp lão Trương, hàng xóm của mình. Lão Trương cũng đang ngồi xổm ăn cháo sột soạt trước cửa nhà.
“Này này, lão Trương! Để ta nói cho ngươi biết, tối hôm qua ta vừa nằm mộng...”
Liêu Đại Khâu vốn định đi gặp lão thôn trưởng, nhưng hiện tại lại rất muốn chia sẻ chuyện này cho người khác nghe, nhất là với lão Trương, một người bạn tốt chưa bao giờ giấu nhau chuyện gì. Thế là, lão Liêu lập tức luyên thuyên, kể lại hết giấc mộng khắc sâu trong tâm khảm kia.
Lão Trương cau mày nhìn Liêu Đại Khâu.
“Ta nói này, lão Liêu. Đây chỉ là một cơn ác mộng mà thôi. Chúng ta đã quá mệt mỏi khi chôn cất hài cốt của những người qua đường. Mà ý của ngươi bây giờ là, chúng ta còn phải bắt đầu đốt đồ vật xuống dưới cho bọn họ sử dụng à, kể như cúng kiến cho bọn họ hả? Tất cả chúng ta đều chẳng giàu có gì, thậm chí còn chẳng đủ miếng ăn no qua từng năm nữa. Ngươi đừng mãi đắn đo về vụ này...”
Lão Trương cũng tận tình khuyên bảo, rằng làm việc thiện tích đức là một chuyện đáng ủng hộ, nhưng phải lượng sức mà làm.
Chôn cất thi thể, dựng mộ bia thì chỉ tốn chút công sức mà thôi. Nông dân có thể thiếu thốn đủ thứ khác, nhưng sức lực có thừa. Thế nên, chuyện này vẫn còn chấp nhận được, cùng lắm là đôi khi tốn thêm một tấm chiếu rách hoặc một ít cỏ khô mà thôi.
Nhưng đốt đồ xuống cho người chết trong khu nghĩa mộ, lại còn nấu cơm canh cho bọn họ à? Lại còn phải nhanh chóng làm ngay nữa ư? Thi thể bên trong khu nghĩa mộ ấy cũng nhiều lắm đấy!
“Này này, lão Trương, ý ta không phải là vậy! Những gì mà ta nói đều là do quỷ hồn trong nghĩa mộ thuật lại ta nghe đấy. Bên ngoài đang bắt đầu có bệnh dịch, đốt những thứ này xuống cũng là giúp cho bản thân chúng ta!”
Lão Trương cũng hơi tức giận.
“Lão Liêu à! Lão vừa mơ một giấc, thế mà còn muốn ta và lão bỏ tiền ra cắt vật phẩm giấy, còn cúng kiến cơm canh ư? Chi phí thuê thợ thủ công cắt giấy không hề rẻ đâu!”
Trong số những sự kiện quan trọng nhất của đời người, vấn đề liên quan đến hai màu đỏ và trắng* là chuyện phí tiền và vất vả nhất. Xét về mấy món đồ giấy do thợ thủ công làm ra, phải là kẻ có tiền mới xài nổi.
(*Vấn đề liên quan đến hai màu đỏ và trắng: Cưới hỏi và May chay.)
“Nghe ta này... Lão Trương, đương nhiên là mọi người trong thôn đều gộp chung tiền lại rồi. Hai nhà chúng ta làm sao có khả năng...”
Nghe vậy, lão Trương còn tức giận to tiếng hơn:
“Ai nói là 'hai nhà chúng ta' hả? Ta không đồng ý!” Lão Trương không để ý đến Liêu Đại Khâu nữa, ngồi ăn cháo một mình, còn lão Liêu cũng rối như tơ vò, chỉ biết dậm chân và gãi nhẹ lấy quần áo mình.
“Thôi thôi, ta đi gặp lão thôn trưởng!”
Thấy lão Liêu bỏ đi, lão Trương còn thét lên từ phía sau.
“Đi, đi, đi! Lão thôn trưởng sẽ không phát điên cùng ngươi đâu!”
Ngay cả người huynh đệ tốt nhất của mình cũng có thái độ này, dù Liêu Đại Khâu là một lão nông dân nhưng cũng không phải kẻ ngu ngốc. Lão biết rằng, đoán chừng người khác cũng không đồng ý việc này rồi. Vì vậy, mặc dù muốn kể lại giấc mơ ấy với mọi người quen trên đường, lão vẫn cố gắng kiềm nén lại, đi một mạch đến nhà thôn trưởng.
“Liêu thúc, chào buổi sáng!”
“Ừa, chào buổi sáng!”
Một người thanh niên cùng đào hố chôn xác trước đó với Liêu Đại Khâu mở lời chào hỏi lão trước khi lão bắt đầu bước vội đi. Sau đó, gã hơi ngạc nhiên, vì đó giờ Liêu thúc luôn nổi tiếng với tật nói nhiều, cớ sao hôm nay lại vội vã như thế?
“Kỳ quái, hôm nay Liêu thúc gặp chuyện gì ấy nhỉ?”
Liêu Đại Khâu đi một mạch đến nhà lão thôn trưởng. Lão ấy sống ở cuối thôn, cách ngôi miếu Thổ Địa không xa lắm. Nhìn ngôi nhà của thôn trưởng từ đằng xa, lão Liêu cũng thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lòng vẫn có chút lo lắng bất an.
Tuy rằng lão thôn trưởng là một người thấu tình đạt lý, từng trải, hiểu biết rộng rãi, nhưng khi nhớ lại thái độ của lão Trương, vậy nếu lão thôn trưởng cũng có cùng cách nghĩ với lão Trương thì làm sao bây giờ?
Nhưng chưa kịp suy nghĩ xem nên dùng biện pháp nào, Liêu Đại Khâu đã thấy lão thôn trưởng đặt cái bát trong tay xuống, bước nhanh ra khỏi hàng rào quanh sân, chạy về phía Liêu Đại Khâu. Lúc sắp vọt đến gần, lão ta lập tức nói:
“Lão Liêu! Để ta nói cho ngươi biết, đêm qua Thổ Địa Công vừa báo mộng cho ta! Thật đấy!”
Lão thôn trưởng còn kích động hơn cả Liêu Đại Khâu nữa, còn sợ hãi hơn cả lão Liêu đang sầu khổ trong lòng đây.
“Hả?”
Lão Liêu sững sờ hỏi, thế lại khiến lão thôn trưởng càng lo lắng hơn.
“Ây da, đêm qua, ta đã mơ một giấc mơ rất chân thực. Trong giấc mơ đó, ta đột nhiên bị đau bụng rồi bị ép thức dậy. Thế là, ta mặc quần áo vào rồi đi ra nhà xí. Trên đường đi ngang qua miếu Thổ Địa, ta nhìn thấy Thổ Địa gia đang ngồi yên bên ngoài. Ngài ấy trực tiếp gọi ta là “Tiểu Mao Cầu”, đây chính là nhũ danh của ta đấy. Năm nay ta đã hơn sáu mươi rồi, còn ai mà gọi như vậy chứ. Huống chi, cũng chẳng còn mấy ai nhớ được cái tên này...”
Lão thôn trưởng nhìn về phía cuối thôn.
“Để ta nói cho ngươi biết, quả thật vóc dáng của Thổ Địa gia cũng tương tự như lời đồn, thấp lắm... Mà này, ngài ấy nói với ta rằng, sắp có dịch quỷ đến thôn chúng ta đấy. Ngài ấy định hợp sức với những quỷ hồn trong khi nghĩa mộ để giúp chúng ta cùng ngăn cản bọn dịch quỷ kia, về phần ngăn cản được hay không thì cũng chưa rõ...”
Vốn dĩ, Liêu Đại Khâu vẫn đang sững sờ, nhưng khi nghe lão thôn trưởng nói vậy thì lập tức vỗ mạnh đùi mình một cái:
“Ôi, lão thôn trưởng! Ta cũng đang định nói cho ngươi biết chuyện này! Đêm qua, ta cũng nằm mộng. Có rất nhiều quỷ hồn trong khu nghĩa mộ đã hiện ra. Họ chờ ta trước cửa nhà, sau đó nói với ta rằng, dịch quỷ sắp đến. Họ nhất quyết tử chiến với bọn dịch quỷ, bảo vệ sự bình yên cho dân làng. Hơn nữa, họ còn nhờ chúng ta đốt một vài đồ vật bằng giấy...”
Hai người đều nằm mơ đêm qua, thậm chí bây giờ vẫn còn chưa hoàn hồn, thế là cùng kể nhau nghe tất cả mọi chuyện về giấc mơ ấy. Sau khi kể xong, hai bên xác minh với nhau lần nữa, thế là mọi chuyện đã rõ ràng rồi.
Vậy, còn gì để băn khoăn nữa đâu? Liêu Đại Khâu và lão thôn trưởng cùng nhau tính toán, chuẩn bị đi huy động dân làng. Tiếp theo, lão thôn trưởng trở lại trong sân, ăn nốt hai ba muỗng cháo còn thừa trong bát, cuối cùng mới xách chiêng đi cùng lão Liêu ra ngoài.
“Boong boong boong boong boong...”
Trên đường đi, tiếng chiêng vang lên rất lớn, lan truyền từ cuối thôn đến đầu thôn, cuối cùng thành công thu hút sự chú ý của tất cả mọi người.
Không lâu sau, hầu hết dân làng đều tập trung tại sân phơi lúa ở trung tâm ngôi làng. Liêu Đại Khâu thậm chí còn mượn đến một cái bàn để lão trưởng thôn đứng bên trên giảng giải với mọi người. Khi lão trưởng thôn nói xong, tới lượt Liêu Đại Khâu bước lên kể lại giấc mộng của mình.
Thực ra, dân làng nơi đây cũng khá mê tín về những điều thần tiên quỷ quái này. Nếu chỉ mỗi Liêu Đại Khâu kể lại, có lẽ rất nhiều người sẽ có phản ứng giống như lão Trương. Nhưng lão trưởng thôn và lão Liêu cùng nói, hơn nữa còn tỏ vẻ nghiêm túc, thậm chí thỉnh thoảng sợ hãi nữa, kết hợp với hiệu ứng đám đông, thế là nhanh chóng ảnh hưởng đến tâm tình của tất cả mọi người, khiến ai nấy đều phát hoảng.
Và sau khi cùng bàn tính, mọi người vẫn quyết định nên đến hỏi ý Thổ Địa gia trước đã. Thế là, cả một đoàn người trùng điệp tiến đến miếu Thổ Địa, dùng phương thức ném hào* để hỏi thăm Thổ Địa gia. Sau nhiều lần quẻ rơi, kết quả luôn luôn là Thánh hào.
Vào lúc này, hầu hết mọi người trong thôn đều dao động cả rồi. Hơn nữa, lão thôn trưởng và Liêu Đại Khâu cũng rất tốn công tốn sức huy động, thế là nhanh chóng thuyết phục được khá nhiều người.
Liêu Đại Khâu và một lão nông dân đi huyện thành để tìm một người thợ cắt giấy, còn lão thôn trưởng ở lại làng để sắp xếp chuyện nấu nướng cơm canh.
Để nấu một bữa cơm cúng cho hơn một trăm tên quỷ hồn, ít nhất phải có từ mười đến hai mươi hộ gia đình nấu cùng nhau mới đủ. Hơn nữa, sự kiện lần này có liên quan đến tính mạng. Không sợ vạn nhất - chỉ sợ nhất vạn, thế nên khi nấu bữa ăn này cũng phải tốn hao nhiều tâm huyết vào đó, tuyệt đối không thể nấu nướng hời hợt. Tiếp theo, họ giết gà, giết vịt khắp làng, cả thảy từ ba mươi đến bốn mươi con. Qua sự việc lần này, kể như thôn Mao Than phải chi tiêu vô cùng tốn kém rồi.
Huyện thành cách thôn Mao Than khoảng nửa ngày đi đường. Khi lão Liêu, lão Trương và những người khác đến thành nội, họ lập tức đến tìm ông chủ của cửa hàng tang lễ ngay. Bình thường, ông chủ của mấy loại tiệm thế này cũng đích thân làm thợ cắt giấy luôn, và nơi mà họ sắp đến cũng vậy.
Dân làng thôn Mao Than lập tức đặt mua chiến kỳ và vũ khí bằng giấy với số lượng rất nhiều, còn ông chủ vừa mừng, vừa thầm cảm thấy kỳ lạ. Tại sao nhóm khách quan đây lại đốt thứ này cho người chết chứ, nhưng có người đặt hàng cũng đồng nghĩa với có lợi nhuận, nên cũng chẳng cần phải quan tâm chi nữa.
Sau đó, ông chủ lịch sự nói “Khách quan đi thong thả” trong lúc tiễn nhóm nông dân này băng ngang cửa chính. Khi quay lại cửa hàng với một nụ cười, tình cờ phu nhân của lão ta lại trông thấy vẻ mặt này.
“Đương gia à, ông vui vẻ thế là do có mối làm ăn tốt à?”
Vị phu nhân đây có chút bực mình, vì những người vừa đi khỏi tiệm kia trông không có vẻ gì là giàu có cả.
“Ha ha, tất nhiên! Thôn Mao Than bên kia vừa đặt mua chiến kỳ và binh khí bằng giấy với số lượng khá lớn, cũng đưa đủ tiền cọc luôn này.”
Ông chủ lúc lắc xâu tiền trong tay.
“Ồ, thế mà ta cứ tưởng!”
“Nói đi cũng phải nói lại, thời gian giao hàng cũng gấp lắm rồi. Cơ mà, cắt mấy thứ này thì đơn giản hơn cắt mấy ngôi nhà hoặc người giấy. Ta chỉ cần nghỉ ngơi ít lại, vậy là có thể đẩy nhanh tiến độ hoàn thành rồi. Ha ha ha...”
“Vậy ông đi làm việc nhanh lên! Ta trông chừng cửa hàng cho!”
Bà chủ bèn chống nạnh, vội vàng đuổi ông chủ đi làm việc, còn ông ta cũng vội vàng đi ra phía sân sau ngôi nhà.
Chỉ là trong lúc bước đi, ông chủ cửa hàng vẫn còn đang suy nghĩ về những lời mà nhóm nông dân thôn Mao Than kia từng nói. Họ bảo rằng, họa dịch quỷ có thể xảy ra, thế nên cũng dặn dò bản thân ông ta nên cẩn thận một chút.
Nhưng trong những năm gần đây, quan phủ rất nhạy cảm với những lời đồn thổi trong dân chúng. Vì lo sợ quan phủ bắt bớ vì tội yêu ngôn hoặc chúng, nhóm nông dân kia cũng không dám lắm lời, chỉ nói dăm ba câu rồi bỏ đi.
(Chú thích* 摔爻 Chữ [爻: hào] này là một chữ trong Bát quái, nên theo lý giải của bản thân người dịch thì ném hào cũng có hình thức giống như xin xăm, chỉ khác ở chỗ sắp xếp các quẻ mang tính chất huyền học hơn mà thôi. Còn kết quả [Thánh hào] có lẽ mang ý nghĩa là quẻ thượng, kiểu Thổ Địa cũng đồng tình/đồng ý với câu hỏi mà người gieo quẻ đang hỏi. Nếu quý độc giả có lý giải khác, có thể để lại comment trong topic thảo luận truyện.)