Trên đường đi, từ lời kể ngắt quãng của Ái Quân, Giải Phóng cũng xem như hiểu được đại khái tình hình.
Thủy Dược Tiến về thành phố, tính ở lì lại Bắc Kinh không quay lại nữa, cậu ta mang theo chân tướng vụ việc Hồng Anh – bạn gái Viện Triều tự sát.
Từ Viện Triều thu dọn đồ đạc, vác dao muốn giết về nông thôn.
Khi tới nhà Viện Triều, họ thấy mẹ hắn mặt đầy nước mắt đứng thủ trước cửa nhà, bên trong có tiếng vật lộn và đánh đấm.
Ái Quân cùng Giải Phóng xông vào.
Bố của Viện Triều đang liều mạng kéo tay con trai mình, mái tóc bạc trắng toán loạn hết cả.
Thủy Dược Tiến ở phía sau Viện Triều, ra sức ôm eo hắn.
Ái Quân và Giải Phóng lao lên, cuối cùng cũng giật được con dao quân dụng đã được mài đến bóng loáng kia.
Lưỡi dao sắc bén vạch ra một đường máu trên tay Giải Phóng.
Giải Phóng kêu lên: “Từ Viện Triều! Mày nghĩ cho rõ ràng! Có cần thiết phải dùng mạng sống của mình để liều với đám cặn bã ấy không!”
Hai mắt Viện Triều đã đỏ như máu, như thể không nghe thấy gì nữa.
Người trong nhóm thanh niên kẻ đến người đi, sớm đã chẳng còn mấy ai. Trên đường trở về trong một lần vào thị trấn làm công chuyện, Hồng Anh gặp phải bốn tên lưu manh.
Sau khi Hồng Anh nhảy sông bỏ mình, mọi người không tìm thấy thi thể của cô, những người có lòng trong thôn chỉ đành làm cho cô một ngôi mộ chôn quần áo và di vật.
Thủy Dược Tiến kêu: “Anh Viện Triều, anh Viện Triều, hãy nhìn bố mẹ của anh, nhìn bố mẹ của anh di!”
Ái Quân nói: “Viện Triều, chị Hồng Anh trên trời đang nhìn anh đấy! Anh phải giữ mạng thì mới có thể tưởng nhớ cô ấy cả đời!”
Viện Triều đột nhiên ngã xuống.
Mãi tới khi trời tối thì họ mới rời khỏi nhà Viện Triều, Thủy Dược Tiến ở lại đó cùng một nhà họ Từ.
Ái Quân quay trở về ký túc xá của Giải Phóng giúp hắn băng bó vết thương.
Máu trên tay đã đông lại từ lâu, Ái Quân cẩn thận thay hắn rửa sạch vết máu rồi đắp thuốc.
Trong phòng rất yên tĩnh. Chỉ nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc.
“Giải Phóng này,” Ái Quân đột nhiên nói: “anh nói xem, chúng mình vẫn chưa già nhỉ?”
“Chưa già, sao mà già được?” Giải Phóng đáp.
“Vậy mà tại sao ai nấy cũng mình đầy vết thương thế này?” Ái Quân hỏi.
Giải Phóng dùng cánh tay bị thương nắm chặt tay Ái Quân, “Ái Quân, Ái Quân à, điều anh vẫn luôn muốn hỏi em…”
“Anh đừng hỏi.” Ái Quân nói: “Giữa chúng ta chưa từng có hứa hẹn, nhưng chúng ta có hồi ức, còn có hiện tại. Đã rất đủ rồi!”
31.
Trước giờ Giải Phóng đều ở trong ký túc xá của đơn vị. Dạo trước hắn luôn về nhà thăm bố mẹ và em gái, ăn bữa cơm vào cuối tuần. Nhưng thời gian này, đến thói quen ấy cũng bị hắn bỏ. Đã lâu mẹ không thấy hắn, đến tìm hắn hai lần nhưng cũng không gặp, để lại cho hắn mảnh giấy cũng không thấy hồi âm bèn chạy đi hỏi Ái Quân.
Cách ngày, Ái Quân tranh thủ thời gian hỏi Giải Phóng: “Mẹ nuôi bảo lâu lắm không thấy anh.”
Giải Phóng cười: “Sao thế, nhờ em làm thuyết khách à?”
Ái Quân nói: “Anh…cãi nhau với bố nuôi căng lắm à?”
Hồi lâu sau Giải Phóng mới đáp lời: “Tại sao cãi nhau chắc em cũng biết rồi?”
Đến lượt Ái Quân im lặng.
“Hồi nhỏ anh không thân cận với họ, em cũng biết mà. Ông chỉ nhớ bây giờ không gặp được anh, vậy hồi đó anh muốn nhìn ông một cái khó khăn biết chừng nào? Cũng phải gặp lính cần vụ (*) đăng ký trước mới được. Việc gì cũng mong anh làm sai, tốt nhất là anh đây nhão như bùn để tùy ý ông đắp nặn thành hình dáng gì ông thích rồi lại cho vào lò nung, đời này của anh xem như bị ông ấy định hình.”
Lính cần vụ
Ái Quân chầm chậm nói: “Tình cảm…là ở cùng nhau mà ra. Trốn tránh nhiều ngày như thế, chỉ có thể ngày càng thêm xa cách, ở bên nhau nhiều hơn…tình cảm mới tốt đẹp được.”
Giải Phóng nhìn ra ngoài cửa sổ, cười: “Đúng nhỉ, càng ở gần tình cảm càng tốt. Nhưng có ích gì? Thực tế nào có được như người ta mong muốn!”
“Dù thế nào thì cũng về nhà xem thử, đâu ai giận dỗi với bố mẹ mình cả một đời. Anh…nào có hiểu nỗi khổ không có bố.”
Giải Phóng không đáp, nhưng lời của Ái Quân hắn sẽ không không nghe. Tối đó về nhà lại cãi nhau to với bố một trận, về ký túc xá ngay trong đêm.
Ngày hôm sau, Ái Quân thấy gò mà Giải Phóng bầm tím và sưng tấy. Ái Quân vắt khăn vào nước nóng rồi đưa qua cho hắn chườm nóng. Giải Phóng nhận lấy, chườm qua chườm quýt rồi hỏi: “Khuyên đi, sao hôm nay em không khuyên nữa? Hôm qua còn gì chưa nói, hôm nay anh dỏng tai nghe em khuyên đây. Khuyên anh kết hôn như em, có vợ con làm ấm giường.”
Ái Quân không nói gì.
Giải Phóng trầm giọng nghiến răng, trong đôi mắt tràn ngập lửa giận không thể giải thích, đến mức trông sâu không thấy đáy: “Đằng gái điều kiện không tệ, con của đồng đội cũ, môn đăng hộ đối, làm dược sĩ trong bệnh viện nhà máy, tốt biết bao? Con người ấy mà, đều phải đi một bước này. Em cứ khuyên anh như vậy đảm bảo anh sẽ nghe, từ nhỏ đến lớn có bao giờ anh không nghe lời em?”
Ái Quân nhìn chằm chằm khuôn mặt kiềm nén giận giữ của Giải Phóng, cùng những đường gân xanh trên trán nảy lên theo từng câu chữ.
Giải Phóng, sao em có thể mở miệng được đây? Cậu nghĩ, dùng giọng điệu gì? Dùng lập trường gì đây?
Trong tình cảm, chúng ta gần nhau vô cùng; nhưng trong lý trí, lại chỉ có thể gần nhau trong gang tấc mà biển trời cách mặt.
Ái Quân không nói gì cả, quay người rời đi.
Nhưng lại bị Giải Phóng giữ lại: “Xin lỗi, anh xin lỗi!”
Ái Quân quay mặt qua nói với hắn: “Tối đến nhà em đi, bảo mẹ em luộc cho anh quả trứng gà để lăn, mặt mũi bầm tím, nhưng vẫn đẹp!”
Giải Phóng cười: “Có mỳ xào tương không?”
Ái Quân nói: “Biến đi, không có!” Nói xong cũng bật cười.
Đây là một gian phòng nghỉ nho nhỏ, có công nhân đi vào chào hỏi với hai người, Ái Quân nhấp một ngụm nước trên bàn rồi đi ra ngoài.
Giải Phóng từ từ thu lại nụ cười.
Trời đã trở lạnh, nhưng chưa đến ngày bật hệ thống sưởi. Hai má Giải Phóng lạnh, nơi vết thương lại nóng, nóng lạnh đan xen, một cảm giác không thể nói rõ được.
Chưa được hai ngày sau, chị Trần – người thường ngày nhiệt tình nhất nhà xưởng – đến chỗ từng người thu tiền mừng trong giờ nghỉ trưa, vừa nói vừa cười lớn: “Chuyện vui đây, mọi người đóng góp chúc mừng nào. Kết hôn đấy, chuyện đáng tự hào nhất đời người đàn ông đó nha.”
Có công nhân đùa: “Chị à, lần nào chị cũng nhiệt tình thế này à? Con trai chị mới hơn mười tuổi, muốn thu tiền mừng cháu thì cũng phải đợi mấy năm nữa, chẳng lẽ chị muốn đá ông Lưu nhà chị đi lấy chồng lần nữa à?“
Chị cười mắng: “Mẹ nhà cậu! Bủn xỉn thế này, bảo sao không cô nào chịu gả cho cậu!”
Đùa thì đùa vậy, mọi người vẫn đưa cho chị Trần hai, ba tệ.
Ái Quân bên tai chỉ nghe thấy hai từ ‘kết hôn’, nhìn xung quanh thì không thấy Giải Phóng đâu.
Lúc này chị Trần đi qua, Ái Quân hỏi: “Chị này, ai kết hôn vậy?”
Chị Trần nhướng đôi mày thô tỏ vẻ kinh ngạc: “Thầy cậu kết hôn, cậu là học trò mà không biết à?”
Không, bọn họ đã rất lâu không nói chuyện rồi, đến nhìn nhau một cái cũng ít.
“Thầy Thái sắp kết hôn ư?”
“Chứ gì nữa! Cô dâu là người huyện Thông. Cuối tháng này làm lễ rồi.”
Ái Quân móc ra năm tệ, đưa cho chị Trần. Chị bảo: “Chao, tiểu Tưởng mừng không ít nha.”
Ái Quân cười: “Ngày vui của thầy em, nên mà.”
Chị Trần nhận tiền rồi tiếp tục công việc của mình.
Ái Quân nhớ đến Thái Vệ Đông, đôi mắt u ám ấy, bỗng nhiên cậu tha thứ cho sự oán hận và đố kị của hắn khi hỏi cậu: tại sao lại là hắn.
Những con người giống nhau, những mâu thuẫn quẩn quanh giống nhau, những linh hồn không thể tiến chẳng thể lùi, đều không dễ dàng.
Ái Quân xoa mặt, có lẽ cứ vậy sống qua mười năm hai mươi năm cũng không sao, buông bỏ mọi thứ đi thôi.
Ai ngờ chưa đầy nửa tháng sau, có một ngày nọ khi đi làm, Ái Quân trông thấy rất nhiều người vây quanh cổng nhà xưởng, hình như ở giữa đám đông có người đang mắng mỏ gì đó, ấy là một giọng nói lanh lảnh, tốc độ nói lại nhanh, chỉ nghe thấy mấy từ rời rạc Thái Vệ Đông, Trần Thức Mỹ gì đó. Hỏi đồng nghiệp bên cạnh mới biết, thì ra Thái Vệ Đông đã hủy hôn ba ngày trước đám cưới, kiên quyết không kết hôn. Gia đình nhà gái cảm thấy nhục nhã vô cùng, mẹ và chị cô gái chạy từ xa đến công xưởng, bị bảo vệ chặn lại liền đứng ngoài cửa mắng mỏ.
32.
Liên tục hai ngày.
Trong xưởng ắt sẽ có lời ra tiếng vào.
Có người bất bình: “Loại chuyện này không nghĩ kỹ rồi hãy làm, sắp lên kiệu rồi mới bảo người ta là không lấy, thế chẳng phải đùa bỡn người khác à. Nên mắng! May mà cô gái kia không có anh em, chứ không thì có khi người ta đánh đến cửa cũng nên.”
Cũng có một số người tỏ ra vui mừng vì có chuyện để hóng: “Xem ra cô kia cũng không bị chiếm hời, anh coi hai người đó mắng tới mắng lui cũng chẳng có nội dung gì, dù sao thì Thái Vệ Đông cũng là người có quy tắc.”
Cuối cùng thì sự việc cũng kết thúc, nghe nói Thái Vệ Đông đồng ý không đòi lại tiền bạc bỏ ra cho đám cưới, xem như là bồi thường, nhà gái mới xem như hài lòng rời đi.
Thái Vệ Đông, nhân vật chính trong câu chuyện này vẫn giữ im lặng, đi làm như thường, chỉ là càng ảm đạm hơn.
Có một hôm Ái Quân hỏi anh ta: “Sao lại không kết hôn nữa?”
Thái Vệ Đông đột nhiên bật cười.
Ái Quân mới nhớ ra, hình như cậu chưa từng thấy người này cười, khi anh ta cười gần như biến thành một người hoàn toàn khác.
Thái Vệ Đông nói: “Trước mắt chính là tấm gương, tôi chỉ không muốn khổ sở như cậu bây giờ. Thật ra là không dám!”
Thì ra cậu lại là một người dũng cảm. Ái Quân nghĩ.
Thái Vệ Đông, thật sự là không bao giờ kết hôn nữa.
Mà những chuyện này Giải Phóng không hề biết. Hắn xin nghỉ mấy ngày.
Vài hôm trước, nửa đêm mẹ cho người đến tìm hắn, nói bố hắn buổi tối vào nhà vệ sinh thì đột nhiên bị choáng, đã được đưa vào bệnh viện. Ba ngày sau, có kết quả kiểm tra.
Là ung thư gan giai đoạn cuối.
Thuốc thang đã không còn tác dụng, chỉ có thể kéo dài thời gian mà thôi.
Giải Phóng ở bên bố mấy ngày, tinh thần của ông dường như vẫn ổn, giục hắn quay về làm việc.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Giải Phóng ở gần bố đến vậy. Hắn nhận ra mới chỉ vài ngày mà bố đã gầy đi rất nhiều. Rốt cuộc là từ khi nào, người đàn ông cao lớn mạnh mẽ, dường như bách độc bất xâm này lại bắt đầu có những vết đồi mồi trên mặt?
Giải Phóng lau rửa cho bố, dùng túi nước nóng đắp lên tay và mắt cá chân bị đâm kim đến bầm tím của ông. Vừa nói: “Không gấp, con vào công xưởng cũng lâu rồi, đây là lần đầu tiên xin nghỉ.”
Bố không cố chấp nữa, cả đời ông hình như chưa từng xin nghỉ phép, thế nhưng hiện tại, từ tận đáy lòng ông vẫn mong con trai ở bên cạnh mình.
Giải Phóng nói: “Bố…không thì…con nghĩ, lần trước bố nói, chuyện con gái nhà bác Thẩm ấy… Hôm nào con đi gặp con gái nhà người ta vậy.”
Nhưng bố không tiếp tục chủ đề này, mà nói về chuyện từ rất lâu: “Mấy ngày nay, tự nhiên bố lại nhớ hồi trước nhà mình đi Tứ Xuyên, anh gào khóc đòi về Bắc Kinh, mẹ nó cứng đầu vô cùng,” ông cười: “giống bố!”
Giải Phóng cũng cười, nói: “Bố cứ nghỉ ngơi chô tốt, cần uống thuốc thì uống thuốc, cần tiêm thì tiêm. Bố yên tâm, bố phải sống đến một trăm tuổi!”
Sau khi Ái Quân hay tin thì cùng mẹ vào thăm bố Giải Phóng. Ông cụ bị bệnh dường như trở thành một con người khác, ông cười rất nhiều, cực kỳ nhẹ nhàng và ấm áp, không ngừng cảm ơn mẹ Tưởng chăm sóc Giải Phóng từ nhỏ tới lớn.
Ra khỏi phòng bệnh, mẹ Tưởng lau đôi mắt ngày càng mờ, nói với Ái Quân: “Mỗi ngày con bớt chút thời gian đến chăm bố nuôi một chút, mẹ sợ không còn nhiều thời gian nữa rồi.”
Quả nhiên mỗi ngày sau khi tan làm Ái Quân đều đến bệnh viện, đổi ca cho Giải Phóng hoặc mẹ hắn về nhà ăn uống nghỉ ngơi. Tuy rằng quân đội có sắp xếp y tá, thế nhưng để người nhà chăm sóc vẫn chu đáo hơn.
Hôm nay, mẹ Giải Phóng được bác sĩ gọi đi, trong phòng bệnh chỉ còn Giải Phóng và Ái Quân.
Bố ngủ mê man từ lâu bỗng mở mắt ra nói: “Giải Phóng, anh đi đón em gái ở trường qua đây đi, để bố nhìn cái.” Ông nói chuyện đã không còn rõ ràng nữa.
Giải Phóng trông bộ dạng của bố, không dám chậm trễ mà đi luôn.
Ái Quân bảo: “Bố nuôi, để con cạo râu cho bố nhé.”
Bố gật gật đầu: “Vất vả con rồi.”
Ái Quân đổ nước, pha xa phòng rồi rồi bôi lên mặt ông, cạo một cách cẩn thận, rồi lại lau tay lau chân.
Giữa chừng, bố bỗng nhiên gọi với một giọng rõ ràng: “Ái Quân!”
“Dạ?” Ái Quân ngẩng đầu cười.
Bố nói: “Ái Quân à, con nói xem, con mà là con gái thì tốt biết bao!”
Chiếc khăn trên tay Ái Quân rơi xuống chậu, nước bắn tung tóe trên mặt đất.