Đêm đó Ái Quân ngủ an yên, có thể nghe thấy tiếng hít thở khe khẽ của cậu, cùng tiếng ho nhè nhẹ.
“Tôi và thầy Dương cũng buồn ngủ. Đại khái đến nửa đêm, chúng tôi đột nhiên nghe thấy tiếng kêu của Ái Quân.
Thái Vệ Đông và thầy Dương xông đến trước Ái Quân, thấy cậu mở to mắt, kinh hãi nhìn về phía trước.
“Tôi nghĩ chắc cậu ấy bị bóng đè, tôi khẽ lay cậu ấy, tôi bảo, Ái Quân Ái Quân, là tôi đây.”
“Ái Quân dường như tỉnh táo hơn chút, nhìn tôi hồi lâu, cậu ấy gọi: Thầy, thầy ơi.”
Thái Vệ Đông cuối cùng cũng rơi nước mắt, “Cậu ấy gọi tôi là thầy, gọi rất nhiều lần.”
Giải Phóng vùi đầu vào cánh tay.
Thái Vệ Đông tiếp tục kể lại: “Thầy Dương đứng dậy bảo để ông đi rót ít nước nóng, muốn đi pha ấm trà. Ái Quân thấy ông đi ra ngoài thì túm lấy tay tôi.”
“Ái Quân thấp giọng nói: “Thầy à, tôi cầu xin anh một việc.”
“Tôi bảo, cậu không phải nói, tôi hiểu. Tôi sẽ không nói gì cả, bởi vì tôi chẳng biết gì cả.”
“Ái Quân cười, anh là người tốt thầy ạ, cậu ấy nói.”
“Sau đó cậu ấy quay đầu qua, nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi nhớ hôm ấy là ngày mười sáu, trăng vừa sáng vừa tròn treo trên cửa sổ, tựa như một cái đĩa bạc khổng lồ. Ái Quân nói, cậu ấy nói… Thầy à, anh biết không? Chuyện này…thật may mắn…không rơi lên đầu anh ấy.”
39.
Thầy Dương bước vào, tay cầm bình trà nóng, đó là bình trà tráng men quá khổ mà các công nhân rất thích dùng.
Giải Phóng nghĩ, đúng thế, bọn họ đều thích dùng. Cái của hắn cũng là Ái Quân tặng, bên trên còn in dòng chữ ‘công nhân tiên tiến’.
Thầy Dương đưa trà đến bên miệng Ái Quân, Ái Quân ghé lại gần tay ông uống một ngụm, cũng không sợ nóng, chắc là khát quá rồi.
Thầy Dương nói: “Đừng ngốc nữa, cái gì nên nói thì sớm nói ra, bị kết án cải tạo rồi vài năm sau ra làm lại từ đầu, còn hơn chịu tội như bây giờ.”
“Ái Quân bảo, cậu ấy sẽ không nói, cậu ấy đã từng đồng ý với người ta phải bảo vệ người ấy chu toàn.”
Buổi tối hôm ấy, họ không có thẩm vấn Ái Quân, cậu có giấc ngủ ngon duy nhất trong mấy ngày nay.
“Buổi sáng lúc giao ban, Ái Quân tỉnh lại. Lúc tôi và thầy Dương đi ra còn nghe thấy cậu ấy nói: cảm ơn.”
Buổi phê bình vẫn tiếp tục được tổ chức, có điều thời gian được rút ngắn lại. Có người đề xuất treo biển cho Ái Quân, bên trên viết chữ đỏ: “Lưu manh Tưởng Ái Quân, Trên có còn có một dấu X lớn cũng màu đỏ/ Màu sắc rực rỡ nhưng lại tàn khốc như thế.
Ngày thứ ba, có người đề nghị, đàn bà lưu manh lúc phê bình bị treo giày rách lên cổ, sao đàn ông lưu manh lại không?
“Chẳng phải nam nữ bình đằng à?” Họ cười bảo.
“Bãi rác sau xưởng có bao nhiêu giày rách, tìm một hai đôi chẳng phải quá dễ à.”
Vậy nên vào ngày thứ tư, khi buổi phê bình diễn ra, lúc người ta áp giải Ái Quân vào, mọi người thấy trên cổ cậu quả nhiên treo một đôi giày rách.
Quần áo của cậu bẩn kinh khủng, cổ áo và tay áo đều bị mở ra, người đã mấy ngày không được tắm rửa, nhưng kỳ lạ là trông cậu vẫn sạch sẽ.
“Mọi người đều thì thầm như vậy.” Thái Vệ Đông nói.
Sau đó, Tưởng Ái Quân xin giấy và bút, muốn viết thư cho mẹ và vợ. Đội tuyên truyền đồng ý, nhưng yêu cầu cậu phải đảm bảo khai ra trước.
“Nếu đã không muốn nói, thì viết cũng được.”
Thư Tưởng Ái Quân viết xong được giấu trên người, đội tuyên truyền vốn muốn lấy nó ra kiểm tra.
Thế nhưng họ không kịp.
Bởi vì ngày hôm đó họ quyết định rằng, hôm sau sẽ áp giải phần tử lưu manh Tưởng Ái Quân đi diễu hành thị chúng.
Sáng sớm hôm đó, Tưởng Ái Quân tranh thủ lúc bị áp giải ra mọi người chưa chuẩn bị, dùng vai huých ngã những người xung quanh, xông lên tầng cao nhất của công xưởng.
Tầng thượng công xưởng không bao giờ khóa, khóa đã bị hỏng từ lâu, mọi người trong xưởng thích lên đây tắm nắng vào mùa đông.
Nơi đó có ánh nắng rất đẹp.
Cậu ấy cũng biết điều đó.
Ái Quân, chính là từ nơi đó, nhảy xuống.
“Khi họ lao lên, thấy cậu đứng ở rìa sân thượng hướng mặt về họ, sau đó cười một cái rồi ngả người ra sau, cơ thể cứ thế rơi xuống.”
Giải Phóng ngẩng đầu, nhìn Thái Vệ Đông: “Thầy Thái, anh nói cho tôi biết, em ấy giờ đang ở đâu?”
“Giờ đi ư?”
“Phải.” Giải Phóng đáp. “Giờ đi luôn, tôi muốn đi tìm em ấy ngay.”
Thái Vệ Đông đưa Úc Giải Phóng và Từ Viện Triều đến một nghĩa địa, nơi này cách thành phố khá xa, khi họ đến nơi thì mặt trời đã sắp khuất bóng.
Trên tấm bia đá nho nhỏ ở bên đó, có khảm một bức ảnh.
Thiếu niên trong ảnh an tĩnh mỉm cười.
Giải Phóng nhận ra bức ảnh ấy, là năm hắn nhập ngũ Ái Quân về nông thôn đó, họ cùng nhau đi chụp. Những năm sau đó, Ái Quân chẳng hề chụp riêng thêm một bức ảnh nào.
Giải Phóng nói: Ái Quân, anh về rồi đây.
Sau khi trở về từ nghĩa địa, Từ Viện Triều tạm biệt Thái Vệ Đông, Thái Vệ Đông nói: “Được rồi, sau khi chuyện này kết thúc, tôi cũng nên đi thôi.”
“Đi đâu?” Từ Viện Triều hỏi.
“Về quê. Tôi không làm trong xưởng nữa.”
“Lên đường bình an nhé.” Viện Triều nói: “Cảm ơn anh.”
Từ Viện Triều đưa Giải Phóng vẫn luôn im lặng không nói về nhà mình, hắn không muốn Giải Phóng ở một mình đêm nay.
Cuối cùng Giải Phóng mở miệng: “Viện Triều, để tao ở một mình được không? Mày yên tâm, tao không làm chuyện gì ngu ngốc đâu. Tao vẫn còn nợ người ta mà.”
Từ Viện Triều gật đầu, giúp hắn đóng cửa.
Ngày hôm sau, Giải Phóng ra ngoài từ sớm. Hắn nói với Từ Viện Triều rằng muốn đi gặp mẹ nuôi và Cổ Lan.
Từ Viện Triều nghĩ ngợi rồi gật đầu.
Viện Triều bỗng phát hiện ra có một ít tro rơi trên đầu Giải Phóng, bèn dùng tay giúp hắn phủi đi.
Nhưng phủi không được.
Cẩn thận nhìn lại. Ồ, hóa ra không phải tro, mà là tóc bạc của Giải Phóng.
40.
Hôm sau Giải Phóng bảo muốn tự mình đi làm việc gì đó.
Viện Triều có hơi không yên tâm, Giải Phóng bảo: Mày không phải lo, tao không làm việc gì ngu ngốc đâu. Hắn vẫn còn rất nhiều rất nhiều chuyện phải làm mà.
Viện Triều gật đầu.
Giải Phóng lại đến thăm mộ Ái Quân, hắn mang theo một túi hạt giống hoa. Đó là một loại hoa phổ biến nhất, người Bắc Kinh hay gọi là hoa bất tử (*). Cành hoa ngắn mảnh, mềm mại nhưng bộ rễ lại rất chắc và khỏe. Lâu ngày hoa sẽ lan ra một vùng, khi cành hoa bị gãy hoặc ngắt, đem cắm xuống đất sẽ lại sống tiếp, nở ra những bông hoa giản đơn mong manh, nhưng lại rực rỡ sắc màu. Khi hoa kết thành hạt, có gió thổi qua là năm sau lại có thêm một vùng hoa nữa.
Hoa bất tử
Đây là loài hoa được trồng trong sân nhỏ nhà Ái Quân khi trước, từ nhỏ đến lớn hai người đều rất thích.
Tiết trời đầu xuân, trận tuyết nhỏ khiến mặt đất mềm như bùn, vừa hay là lúc gieo trồng.
Giải Phóng nói với Ái Quân: Em nhìn xem, khi mùa xuân đến hoa sẽ nở, năm sau sẽ nhiều hơn năm nay, rồi năm sau nữa, chắc chắn sẽ nhiều hơn năm sau.
Buổi chiều, Giải Phóng lại về khu nhà của Ái Quân, hỏi thăm hàng xóm xem nhà đẻ Cổ Lan ở đâu.
Hàng xóm đều nhận ra Giải Phóng, có người nhỏ giọng bảo hắn: Giờ còn đến tìm họ làm gì? Chẳng phải lúc này nên tránh đi à?
Cũng có một vài ông bà lớn tuổi cảm thán Giải Phóng là người có tình có nghĩa, biết nhà mẹ nuôi gặp khó khăn, vẫn nhớ đến hai người họ. Họ nói địa chỉ cho Giải Phóng. Giải Phóng dò đường qua.
Đây cũng là một con hẻm nhỏ điển hình ở Bắc Kinh cũ.
Lúc Giải Phóng đến đã là chạng vạng, hắn không dám hấp tấp đi vào, chỉ đứng ở góc bên ngoài. Khi trời sắp tối, hắn nhìn thấy Cổ Lan đi qua từ đầu hẻm.
Thân hình cô đã trở nên cồng kềnh, ánh đèn lờ mờ hắt trên mặt khiến cô trông càng hốc hác.
Lưng cô vẫn thẳng tắp như trong trí nhớ, mái tóc dày luôn được tết thành bím tóc lớn rồi cuộn lại cẩn thận nay được búi ngang mang tai để tang chồng.
Giải Phóng vô thức lại núp vào cửa nhà người khác.
Hắn biết Cổ Lan không thể nhìn thấy hắn, hắn càng không dám gặp cô.
Hắn hiểu rõ một điều rằng tình yêu của mình và Ái Quân vô tội bao nhiêu, thì Cổ Lan càng vô tội hơn gấp nhiều lần; kết cục của mình và Ái Quân đau thương bao nhiêu, thì Cổ Lan càng đau thương gấp nhiều lần.
Một ngày một đêm này, trong tâm trí Giải Phóng tràn ngập hình bóng Ái Quân. Dường như hắn có thể thấy được Ái Quân đứng trên sân thượng, sau lưng là bầu trời rộng lớn trong xanh, trươc ngực cậu giấu bức thư gửi mẹ và vợ. Giải Phóng biết, trong đó chắc chắn có nỗi hổ thẹn và day dứt của Ái Quân, Giải Phóng không thấy bức thứ, nhưng hắn có thể hiểu.
Cổ Lan chầm chậm đi vào tứ hợp viện, kéo theo chiếc bóng dài lêu nghêu.
Giải Phóng càng muốn gặp mẹ nuôi, hắn đợi đến khi trời tối mịt rồi lặng lẽ bước vào sân, cạy cửa sổ nhà mẹ Cổ Lan nhìn vào trong.
Trong nhà có thắp một ngọn đèn, Cổ Lan đang cắt quần áo, người phụ nữ cao gầy đang giúp cô chắc là mẹ Cổ Lan. Cách bài trí của gian phòng này giống hệt nhà mẹ Tưởng. Giải Phóng nhìn thấy mẹ Tưởng, bà đang ngồi ở góc giường, hình như đang gà gật. Khuôn mặt của bà chìm trong bóng tối nhìn không rõ, bà vừa quay đầu sang, Giải Phóng mới thấy rõ gương mặt già đi hơn chục tuổi cùng nét mặt đờ đẫn của bà.
Giải Phóng rời khỏi đó, đi bộ đến nửa đêm về nhà mình.
Đèn trong nhà đang sáng.
Giải Phóng biết, là mẹ và em đã về rồi.
Mẹ bất ngờ nhìn thấy con trai thì choáng váng, hồi lâu không nói được gì.
Em gái Giải Phóng nhào lên, cô bé đi đường cả ngày dài mệt mỏi, trông thấy sắc mặt của mẹ và anh trai, như thể đã xảy ra chuyện không may gì. Cô bé vừa mất bố mẫn cảm cảm nhận được một bầu không khí đè nén bi thương đến bất thường, nó bám chặt vào tay Giải Phóng, nhỏ giọng nức nở: “Anh, anh ơi, tóc anh làm sao vậy?”
Do cách biệt về tuổi tác, cách biệt về không gian nên thường ngày hai anh em chẳng mấy thân thiết, nhưng mất đi chỗ dựa là bố khiến cô gái nhỏ tìm kiếm sự an ủi ở anh trai theo bản năng.
Giải Phóng xoa đầu cô bé: “Không sao, chỉ là anh đau lòng quá mà thôi.”