Ly Uyên

Chương 14: Dao Kinh | 1




TIỂU VIÊN CỦA CẬU, TIỂU VIÊN NGÀY NÀO MẶC ÁO TRẮNG NHANH NHẸN ĐÁP XUỐNG TRONG NGÀN CÁNH ĐÀO RƠI - MƯỜI MỘT NĂM SAU, LẠI MỘT LẦN NỮA ĐÙA CẬU TRÒ IN HỆT ẤY.
________________________________________________________________________________
Lá thư do Cẩn Hâm đế đưa đến liên quân cũng như từng mệnh lệnh của hắn, có sự kiêu ngạo rõ ràng bên trong lời lẽ ngắn gọn, nhưng hoàn toàn thành thật. Vì cầu hòa, hắn còn đồng ý chia đôi hơn trăm tòa thành trải dài từ Tương Thành đến La Độ cho hai nước Tề, Trịnh, khiến đất đai nước Ngụy bị thu nhỏ lại gần như chỉ còn một nửa trước kia.
Cuộc chiến tranh giữa các bên lần này là do người Ngụy châm ngòi trước, còn động cơ ban đầu cho công cuộc phạt Ngụy của hai nước Tề - Trịnh cũng hơn nửa phần là để bảo vệ chính mình. Tuy nhiên, bây giờ đại quân tiến sâu vào lòng nước Ngụy như đã cưỡi lên lưng cọp, khó bề xoay chuyển tình thế. Nhược bằng không đánh thẳng vào Lân Tiêu, tất lẽ dĩ ngẫu trong lúc đại quân rút lui sẽ bị quân Ngụy phản công. Cuộc chiến chinh hai năm ròng đã gây ra những gánh nặng quân sự khổng lồ lên hai nước Tề, Trịnh. Trong dân chúng cũng bắt đầu nổi lên những lời oán trách, khiến cho Tề Tuyên Minh vốn không mấy am tường chiến sự cũng thấy rõ việc binh nguy nan, bắt đầu sinh thoái chí. Chính vì thế nên Tuyên Minh đế mới mặc kệ tình thế trống trải ở Dao Kinh, bỏ ngoài tai mọi lời phản đối của triều thần, cố ý phái Khinh kỵ Niễn Trần đến La Độ lúc Thiệu Dương đang gặp khó khăn. Ý đồ của hắn là mau mau kết thúc cuộc chiến này. Nước Ngụy đồng thuận cắt đất cầu hòa chính là kết quả đáng ao ước khi hai nước Tề Trịnh đã mệt mỏi vì chiến sự. Trên danh nghĩa, Tề - Trịnh sẽ cùng nhau phân đều đất đai, nhưng nước Trịnh người thưa quân thiếu, từ lâu đã trở thành một nước phụ thuộc của Tề, do đó đất nước Ngụy cắt nhường sẽ chỉ làm bản đồ nước Tề mở rộng mà không khiến cho nước Trịnh lớn mạnh hơn. Do đó, cục diện của một vùng Trung Nguyên rộng lớn dù đang có xu hướng trở thành hai nước Ngụy - Tề chia hai miền Đông - Tây đối kháng nhau, nhưng thực tế thì nước Tề đã xác lập được địa vị bá chủ, cũng mang lại cho hoàng đế nhà Tề một xuất phát điểm đầy thuận lợi để có thể chân chính nhất thống thiên hạ ngày sau. Một bức thư cầu hòa không rõ thật giả rơi vào giữa liên quân Tề - Trịnh đang mệt lử sốt ruột như một hòn đá ném xuống tạo ra hàng ngàn gợn sóng. Nó khiến tất cả mọi người dường như thấy được kết thúc mà họ hằng ao ước cho cuộc chiến tranh này, lại khiến các tướng lĩnh đề phòng đánh hơi ra được đằng sau thư cầu hòa đang ẩn giấu một âm mưu gì đó.
Thoạt nhìn, Cẩn Hâm đế Ngụy Ly nổi tiếng là kẻ kiêu căng ngạo mạn, tuyệt đối không thể hạ chỉ cầu hòa. Năm xưa nước Lương bội tín tạo phản, Ngụy Ly vừa tiếp nhận nước Ngụy, còn chưa dẹp yên mọi phe phái đối lập trong triều. Quan lại đều khuyên hắn tạm gác lại việc của nước Lương, chờ cục diện chính trị ở Lân Tiêu ổn định hơn mới giải quyết. Ngụy Ly lại bảo, làm vua phải lập được uy nghiêm của vua, nửa ngày không thể chậm trễ. Không chút ngần ngừ, hắn ra lệnh cho Viên Duẫn Đàn xuất chinh đánh nước Lương, còn hắn bằng lòng một mình đối mặt với một Lân Tiêu bốn bề đầy rẫy nguy cơ. Cẩn Hâm đế như vậy mà mà lại cắt đất cầu hòa trong hoàn cảnh hai phía giằng co chưa rõ thắng bại, điều này dường như là một âm mưu rõ mồn một mà ai cũng có thể nhìn thấy.
Tuy nhiên, theo những gì mà các nhà sử học đời sau chỉ ra, một quân chủ chân chính không thể mào mãi mãi hành động chỉ bằng ý chí của chính mình. Dù Cẩn Hâm đế nắm quyền uy tối thượng, cũng có đủ can đảm để một mực cố chấp, lờ đi cả triều văn võ, nhưng không thể không nghe theo hàng vạn dân chúng trong thành Lân Tiêu. Người dân nước Ngụy kém nông chuộng thương, phần lớn đều xem lợi ích riêng cao hơn quốc thể. Chiến tranh bắt đầu, toàn bộ công việc làm ăn của họ bị gián đoạn, tuy có nhiều phú thương không khiếp người lo cơm áo, nhưng trong thời chiến thì bị trưng thuế rất cao, tiền bạc chỉ có ra mà không có vào, đã thấy trước của ăn của để sẽ bị tiêu hao đến gần nhẵn. Từ sau khi liên quân Tề - Trịnh hạ Tương Thành, trong thành Lân Tiêu đã xì xào bàn tán về việc cầu hòa, càng lúc càng rầm rộ hơn theo chuỗi thắng lợi giòn giã liên tiếp của liên quân Tề - Trịnh. Dân chúng trong thành Lân Tiêu đồng ý cắt đi phần đất chẳng mấy dính dáng đến mình, chỉ mong cho con đường mua bán được hanh thông trở lại. Giới nhà buôn nước Ngụy nhìn bề ngoài không có chút quyền lực, nhưng cũng là khách quen hay ra vào cửa quan ngõ tướng, có sức ảnh hưởng không thể bỏ qua đối với xu hướng ý kiến của các quan thần trong triều đình.
Nếu xét như vậy, sự cầu hòa của Cẩn Hâm đế rất có thể là cử chỉ bất đắc dĩ thuận theo ý dân. Dù hắn không thật lòng mong muốn như vậy nhưng vị tất đã là dối trá. Bất luận trong lòng Ngụy Ly đang toan tính điều gì, hắn đã đoán đúng việc lòng tướng lĩnh liên quân Tề - Trịnh tuy còn ngờ vực, nhưng tyệt đối không muốn bỏ qua cơ hội lớn để kết thúc chiến tranh vào thời điểm có lợi cho mình. Tất nhiên, họ sẽ chăm chú xem xét lời đề nghị cầu hòa của hắn.
Trong khi chư tướng Tề, Trịnh tìm cách nhìn thấu mưu toan thực sự của Cẩn Hâm đế giấu sau bức thư, Tề Hoan Duyên không nói một lời, chỉ bảo Thiệu Dương sai người mang tin tức này thâu đêm trở về Tề đô Dao Kinh. Bấy giờ, Dao Kinh hoàn toàn trống trải, ngoài biên giới có hai nước Vệ, Trần vốn quy thuận nay lại có động tĩnh. Hoàn Vương đưa tin tức nước Ngụy cầu hòa về Tề đô chính là khiến hai nước Vệ, Trần phải dè chừng. Nếu ngay lúc này đại quân nước Tề rút quân về triều, hai nước Vệ, Trần sẽ không đủ thời gian để chiếm thủ Dao Kinh, khiến họ không dám khinh thường manh động.
Các tướng lĩnh quân Tề đều hiểu ý đồ của Hoàn vương, nhưng không rõ vì sao Hoàn vương có thể chắc chắn rằng Vệ, Trần hai nước sẽ vì điều này mà lưỡng lự. Họ âu lo rằng hai nước Vệ, Trần vốn được nước Ngụy chỉ thị phải chiếm được Dao Kinh, tự khắc cũng hiểu chuyện nước Ngụy cầu hòa là thật lòng hay giả dối. Giả như chuyện cầu hòa chẳng qua chỉ là một nước cờ trong toàn bộ kế hoạch của ba nước Ngụy, Vệ, Trần, vậy thì việc gấp rút mang tin tức hồi báo về Dao Kinh trái lại chỉ càng chứng minh cho hai nước Vệ, Trần rằng kế hoạch sắp sửa thành công.
Trước nghi vấn này, Tề Hoàn Duyên chỉ hời hợt nói, trong liên minh thời ly loạn, nghi ngờ và phản bội vốn là một phần không thể chối cãi. Dù là liên minh như thế nào cũng không thể hoàn toàn bền chắc. Huống hồ, hai nước Vệ, Trần nằm cách nước Ngụy khá xa, nếu muốn hô ứng từ đầu đến cuối chắc chắn không thể được. Bất cứ một diễn biến nào từ cuộc chiến giữa hai nước Ngụy - Tề đều sẽ khiến Vệ, Trần tăng thêm nghi kỵ.
Đây là những lời nói với tâm phúc bên trong Tề doanh, nhưng qua nhiều người cuối cùng cũng truyền tới tai các tướng lĩnh nước Trịnh. Bọn họ than với Trịnh Uyên, rằng bên trong sự điềm tĩnh của Hoàn vương có che giấu tâm cơ, lo rằng sau khi nước Tề chấm dứt cuộc chiến tranh phạt Ngụy sẽ bỏ mặc Hoàn Lan hoàng hậu mà thôn tính luôn đất Trịnh. Song song đó, cục diện trước mắt chính là Hoàn vương có thể uy hiếp binh quyền của Thiệu Dương. Trịnh Uyên nghe thuật lại, trong tích tắc có một chút thất thần. Năm xưa ấy Ngụy Ly tuổi trẻ khí thịnh, đã từng tại điện Tá Minh thốt ra những câu nói không khác Hoàn vương là mấy. Trịnh Uyên đến bây giờ còn nhớ như in mỗi một chữ hắn nói, cùng với nét mặt rỡ ràng còn vương nét trẻ con, và cả khi ánh nắng soi vào đáy mắt hắn sẽ làm ánh lên vết màu mặc ngọc mà Trịnh Uyên si mê nhất.
Ngày ấy hắn nói, giữa thời loạn, có thể tin được bất kỳ ai nhưng không thể tin ai hoàn toàn. Khi nói, hắn khiêu khích nhìn khuôn mặt của Thiếu sư chuyển thành xanh nhợt, còn dư quang thì quét về phía Trịnh Uyên đang ngồi ngay ngắn cạnh bên.
Nhưng Ly này, kẻ thông minh như ngươi có bao giờ nghĩ đến, thiếu niên nước Trịnh ban sơ ấy ở điện Tá Minh, thân mặc áo nước Ngụy cúi mắt phục tùng, ngoại trừ ngươi ra còn có thể tin ai?
Nhưng cậu không đặt nhầm niềm tin, mà là trao nhầm con tim.
Cậu càng không thể ngờ được, chỉ vài ngày sau, giữa lúc quân doanh đang tràn ngập những lời bàn cãi về các loại động cơ khiến nước Ngụy cầu hòa, Cẩn Hâm đế dường như lại muốn chứng tỏ lòng thành, hoặc có lẽ vì thế cục trong nước bí bách mà tiến thêm một bước - sai sứ đến nghị hòa, không để cho hai nước Tề - Trịnh có thêm thời gian đắn đo. Còn sứ thần được phái đến, chính là kẻ được xưng là "Người thứ nhất đứng sau Ngụy đế", Tổng đốc binh mã nước Ngụy, Bình Loạn vương Viên Duẫn Đàn.
Trịnh Uyên chỉ biết cười khổ. Thoạt đầu, khi cậu và Viên Duẫn Đàn gặp nhau, là bị bọn thiếu niên con nhà quyền quý giam giữ để tìm người đối chất, là hốt hoảng nhếch nhác không gì tả nổi. Mà nay tháng năm nghịch chuyển, hai người gặp lại nhau có lẽ là lần cuối cùng, xiết bao lúng túng thở dài biết nói sao cho vừa.
Gặp mặt nhau lần cuối, suy nghĩ này như một tia sấm giữa trời quang, chớp lóe lên khiến người ta sợ hãi, xé toạc đầu óc Trịnh Uyên thành một vùng trống rỗng, khiến cậu không biết làm sao để bước tiếp. Từ lúc theo quân rời khỏi Ly Hâm, đến nay cậu đã dần quen với việc ở đâu cũng nghe mùi máu trộn bùn tanh, quen với việc xương cốt gãy nát nằm vất vưởng trên bãi bồi, quen với những cặp mắt đỏ au au mà vô hồn của quân binh tướng lĩnh. Vào thời điểm cần thiết, cậu có thể ra lệnh đồ sát mà mặt không đổi sắc, dùng sự hi sinh số ít đổi lấy chiến thắng to lớn về sau. Với những tướng lĩnh bên cạnh, cậu đã không còn là một Tĩnh Hoài hoàng đế nho nhã an hòa ở điện Bích Nguyên những ngày đầu kế vị. Cậu, đã trở thành một vị anh chủ kiệt xuất, thân lâm chiến trận, ung dung đứng lặng giữa sa trường hỗn loạn, giữa gầm thét rung trời.
Và cậu cũng chẳng còn nhớ nổi, rốt cuộc liên Tề phạt Ngụy, là vì mục đích gì.
Cho đến cùng, là để hoàn thành lời di huấn của phụ hoàng, bảo vệ một nước Trịnh bé nhỏ; là thuận theo tâm ý của Tề đế, tiến thêm một bước để củng cố mối quan hệ đồng minh Tề - Trịnh, hay là chỉ để tìm cách gặp lại Ngụy Ly một lần.
Tĩnh Hoài đế Trịnh Uyên, thực sự không còn nhớ nữa.
Cậu bắt đầu ngờ vực bản thân mình có giống bao người khác mà trông mong cuộc chiến tranh này mau chóng đi đến hồi kết. Cố nhiên cậu biết, chiến chinh khiến cho lê dân bách tính thống khổ, cũng khiến cho sức nước suy kiệt. Nhưng cậu càng hiểu rõ, sau khi nghị hòa, hai nước Tề - Trịnh sẽ lui binh mỗi bên trấn thủ một vùng. Lần xuất chinh này, nguyên khí cả ba nước đều bị tổn thương nặng nề, sau khi lui binh nhất định phải có thời gian hồi phục, chỉnh đốn binh mã. Sợ rằng, cả cuộc đời này, cậu chẳng còn cơ hội nào bước vào nước Ngụy.
Rằng cả cuộc đời này, cậu chẳng còn cơ hội nào gặp được Ngụy Ly.
Nghĩ đến đây, dường như trong cậu lại sinh lòng chờ mong hòa đàm thất bại. Dẫu sao đi nữa, ít ra bây giờ cậu còn có thể đặt chân lên quốc thổ nước Ngụy, chỉ cần phóng tầm mắt đã nhìn thấy thành Lân Tiêu, nơi đã cho cậu bao nhiêu trông ngóng, bao nhiêu mộng tưởng.
Chỉ cần ở nơi ấy có chút hơi hám nào thuộc về Ngụy Ly, dù cho là thiên đường hay địa ngục, cậu đều chấp nhất không đành lòng ra đi, không muốn xa rời.
-
Năm Tề Tuyên Minh thứ Bảy, mười một tháng Chạp, Tuyên Minh Đế có chỉ phúc đáp, lệnh Hộ Quốc tướng quân Thiệu Dương chủ trì việc nghị hòa. Ba ngày sau, Viên Duẫn Đàn Bình Loạn vương nước Ngụy mang theo thư của vua Ngụy, tiến vào doanh trại Trịnh - Tề đàm phán.
Điều khiến các tướng nước Trịnh thất vọng, Tĩnh Hoài đế không theo kỳ vọng của họ mà mặc áo bào đỏ sậm thêu rồng bay chỉ vàng để tiếp kiến sứ thần ngoại quốc, thể hiện hết mọi sự hoa ngạo cao quý trước mặt người Ngụy từng một thời ngang ngược, rửa sạch mọi ô nhục khi xưa. Nhưng ngược lại, Trịnh Uyên chỉ bỏ đi thường phục màu ánh trăng đầy bụi bặm thường ngày, thay bộ đế bào màu đỏ tía vân bạc mà cậu thường mặc trong triều. Ngoại bào này do người Trịnh may rất khéo, dưới ánh sáng ban ngày thì nhìn chẳng thấy gì lạ, nhưng trong ráng chiều sẽ hiện lên những hoa văn chìm, lấp lánh như ánh nước trên mặt hồ trong đêm sâu. Tấm trường bào tĩnh nhã che khuất khí phách vua chúa, nhưng lại tôn lên nhuần nhị sự điềm đạm xa cách trời sinh của Trịnh Uyên, từ đó cũng khiến cho cậu tỏa ra nỗi quạnh hiu không sao nói rõ, khiến cho bên dưới dung nhan lịch duyệt ấy là một bậc đế vương ngự ở một nơi cao không cách nào với tới.
Trịnh Uyên hơi ngạc hiên, dù Thiệu Dương chiếu theo phép tắc mà cởi bỏ chiến giáp, nhưng y chỉ mặc một bộ áo vải màu lam tầm thường, cách chi cũng không nhìn thấy địa vị quyền thế của bậc Tổng đốc binh mã, Hộ quốc tướng quân. Bây giờ Trịnh Uyên nhìn y, so với lúc gặp lần đầu tiên tại lễ đại hôn đã qua ba, bốn năm. Bình thường Trịnh Uyên chỉ thấy y mặc quân phục, vội vàng di chuyển, hôm nay nhìn kỹ lại mới thấy thì ra người thiếu niên năm ấy còn chưa lớn mà nay đã thành một nam tử trưởng thành, khôi ngô cao lớn, vóc người đã phát triển rất nhiều, khuôn mặt nay đã hiện rõ những đường nét đẹp đẽ sắc bén. Đôi mắt y vẫn sáng sủa như ngày nào mới gặp, nhưng sau bao năm tháng chiến tranh đã được mài dũa, trở nên kín đáo hơn. Tà áo vải màu lam khiến cho dáng người dong dỏng cao của y càng thêm lạnh lẽo, khiến trong lòng Trịnh Uyên dấy lên một nỗi bất an mơ hồ. Tề Hoàn Duyên cũng mặc thường phục, đứng bên dưới Thiệu Dương như nhiều tướng lĩnh bình thường khác của nước Tề, một lần nữa muốn nói rõ hắn không có ý định muốn tranh quyền với Thiệu Dương.
Một lát sau, xe ngựa của sứ giả nhà Ngụy đến nơi. Viên Duẫn Đàn xuống xe, thân mặc áo đen đứng thẳng người trước gió, bên hông đeo báo phù đen tuyền ngự ban. Y hành lễ chào Trịnh Uyên và Thiệu Dương, sắc mặt bình thản đầy thỏa đáng, trong khiêm cung có một sự ngạo nghễ nhất định, khiến lòng người bỗng dưng sinh lòng thán phục, muốn lại gần hơn. Viên Duẫn Đàn, kẻ danh vọng lẫy lừng chư hầu Lục Quốc, nhưng trong đại quân Tề - Trịnh chỉ có Trịnh Uyên từng gặp mặt. Dù Thiệu Dương đã vài lần đối chọi với hắn trong những trận chiến trước đây, nhưng đều đứng ở khá xa nên không nhìn rõ. Nay, được tận mắt thấy thần tử được tin tưởng hàng đầu triều đình nhà Ngụy, quả là hệt như những gì đồn đãi, là một quân tử khiêm nhường, long phượng của loài người.
Theo chân Viên Duẫn Đàn, mọi người đều vào trong trướng. Chẳng ai phát giác, trong tích tắc khi Viên Duẫn Đàn xuất hiện, khuôn mặt của Trịnh Uyên đột ngột chuyển thành tái nhợt, bước chân cậu cơ hồ loạng choạng, dường như bị một con dao bén ngót đâm phập vào tim.
Cậu gần như gào to lên, rằng kẻ vừa bước xuống khỏi xe ngựa, tỏ vẻ khiêm nhường đứng trước mặt cậu, dù đang mặc trang phục của Bình Loạn vương nước Ngụy, thực ra chính là Cẩn Hâm đế Ngụy Ly!
Hắn che đậy triệt để khí chất cuồng ngạo của mình, dằn cho ánh mắt trở nên thận trọng xa xôi, dằn cho thần sắc trở nên điềm nhiên trầm ổn, nén giọng lại thành không nhanh không chậm. Thậm chí, ngay cả một cái cau mày nhẹ, một cái gật đầu hay đưa tay, đều thể hiện ra bản tính khiêm tốn trời sinh của Viện Duẫn Đàn, bắt chước con người dưới một người trên vạn người kia không sai một li một tấc.
Nhưng hắn nào thể che giấu nổi, ở đuôi mày ánh mắt kia có một sự hào hứng chỉ riêng Trịnh Uyên hiểu được, và cả vết màu xanh đen như mặc ngọc suốt cuộc đời này Trịnh Uyên mãi mãi không hiểu thấu, ẩn ở nơi thẳm sâu trong đáy mắt.
Không chuẩn bị cho sự gặp lại đột ngột ngày, Trịnh Uyên không biết cậu nên khóc hay cười. Tiểu Viên của cậu, Tiểu Viên ngày nào mặc áo trắng nhanh nhẹn đáp xuống trong ngàn cánh đào rơi, Tiểu Viên đứng đằng sau giật bút rồi lại đưa khăn lụa nước Trịnh lau mực trên mặt cậu, Tiểu Viên sóng vai cùng cậu ngắm trăng xem pháo hoa rồi cõng cậu về cung - Mười một năm sau, lại một lần nữa đùa cậu trò in hệt ấy.
Cả một ngày hôm đó, Trịnh Uyên như đang chìm trong mộng mị, không còn nhớ, không chú ý việc gì nữa. Bình Loạn vương mang theo bức thư hàm do chính tay Ngụy đế viết, chẳng qua cũng chỉ là những điều khoản lui binh bình thường, đều đã nằm trong dự liệu của tất cả. Trịnh Uyên đau đáu nhìn Ngụy Ly đang giả trang thành Viên Duẫn Đàn, một khắc cũng không rời mắt. Rồi cậu đau đớn hiểu, đã nhiều năm như thế, cậu mãi mãi không thể hiểu được, rằng con người ấy rốt cuộc đang nghĩ điều gì.
Chỉ khi đèn nhen nhóm thắp, Ngụy Ly cùng mọi người mới nhất loạt đứng dậy rời khỏi trướng, chuẩn bị đến buổi tiệc tối đã chuẩn bị sẵn trong quân. Lúc này trời đã tối, Ngụy Ly bước ra khỏi trướng mà không đề phòng thừng chão hình như do ai đó đặt dưới chân. Hắn vấp phải, suýt chút nữa ngã sấp xuống. Một viên tướng Ngụy đi theo hắn thấy vậy bèn hoảng hốt, trong lúc vội vàng nào còn nhớ hắn đang cải trang thành Bình Loạn vương, hô to: "Bệ hạ..."
Ngụy Ly giật mình sợ hãi, nhưng không còn cách nào khả thi. Hắn đến doanh trại Tề - Trịnh chuyến này là dấn thân vào hiểm nguy để mưu cầu đại sự, việc hòa đàm chẳng qua chỉ là lớp ngụy trang, còn việc mượn thân phận Viên Duẫn Đàn là mấu chốt trong kế hoạch của hắn. Hắn dự liệu Trịnh Uyên sẽ không vạch trần mình, trước lúc lên đường đã dặn dò cẩn thận các tướng lĩnh theo cùng phải luôn nhớ rõ. Không ngờ, việc sắp sửa thành lại bại, trước mắt đã thấy đại sự sắp hỏng.
Viên tướng kia vừa thốt lên thì sực nhớ ra gã đã sai phạm rất lớn, nhất thời cứng họng không biết làm sao tiếp tục. Khi ấy, Trịnh Uyên chợt ngoái lại nhìn viên tướng kia, bình tĩnh nói: "Tướng quân có việc gì?"
Tướng Ngụy vừa lỡ lời kia lập tức phản ứng lại, thuận miệng nói tiếp, "Lúc nãy bệ hạ có nói, trong vòng năm ngày sẽ lui quân, có thật thế không?" Gã nói rất gấp, lại cố tình hụt hơi một chút, quả nhiên nghe như là một tướng quân khát khao cấp thiết muốn dừng cuộc chiến này, nên lúc nãy nhịn không nổi mới hỏi Trịnh Uyên câu vừa nãy.
Trịnh Uyên cười nhạt, "Quân vô hí ngôn, tướng quân sao lại không tin?" Dứt lời quay lưng cất bước, tỏ rõ khí phách thiên tử.
Ngụy Ly thảng thốt, nhưng đồng thời kín đáo thở hắt ra. Đang định xoay người, nhưng ánh mắt chợt như lóe lên một luồng điện lạnh lẽo hướng về một phía, trong lòng không khỏi run lên -- Suýt nữa hắn quên mất, Tề Hoàn Duyên vẫn còn trong lều.
Hắn và Viên Duẫn Đàn luôn luôn ở gần nhau, trước đó cũng tập luyện nhiều lần, hắn tự thấy lớp ngụy trang của mình không có chỗ nào sơ hở. Chỉ có Tề Hoàn Duyên mới có đủ tâm cơ để thử hắn là thật hay giả. Nếu không có Trịnh Uyên vừa nãy che giấu cho hắn, lúc này hắn đã bị vạch trần rồi.
Người như vậy sẽ luôn luôn là mối họa lớn đối với nước Ngụy. Ngụy Ly hơi híp mắt, con ngươi lóe lên một ánh nhìn hớn hở, bao phủ lấy sát khí tàn nhẫn.
Chờ cho sứ thần nước Ngụy đi xa, Hoàn vương mới dần dần thả lỏng cả người. Vu Xà đứng hầu một bên lập tức bươc tới thì thầm, "Vương gia, dạ yến đêm nay, trong trướng quân ta sáng choang, quân Ngụy không nhen một mồi lửa nào. Nếu chúng muốn lợi dụng bóng đêm để đánh lén, chỉ e khó lòng phòng bị."
Hoàn vương nói: "Thiệu tướng quân nói thế nào?"
Vu Xà tỏ vẻ khó xử, "Thiệu tướng quân nói, nếu Viên Duẫn Đàn đi sứ đến quân ta, tướng quân sẽ không dám lo lắng quá phận. Nhưng thuộc hạ chẳng hay..."
Hoàn vương gật đầu, "Đánh giáp lá cà, người Ngụy sẽ có lợi thế không ít. Nếu muốn đánh lén rút nhanh, chúng sẽ dùng cung tên. Tất cả quân dùng cung tên phía Ngụy đều ở dưới trướng Viên Duẫn Đàn, do chính y định liệu chi phối. Trong quân cũng chỉ có Viên Duẫn Đàn thiện về bắn cung nhất, nếu chúng bắn lén chỉ e không tránh được y. Nếu Viên Duẫn Đàn không có trong Ngụy doanh, người Ngụy làm sao địch nổi ba nghìn Niễn Trần của ta."
Vu Xà cúi gằm suy nghĩ một chốc, lại thấp giọng, "Kẻ kia thực sự là Viên Duẫn Đàn?"
Hoàn Vương không đáp, chỉ đưa mắt nhìn sang chỗ tiệc tùng, trong ánh mắt hiện lên một chút băn khoăn. Hắn cẩn thận dặn Vu Xà tùy thời chờ lệnh, mặt khác đi về phía lều lớn giữa doanh trại. Còn chưa đến nơi chợt nghe thấy tiếng hô quát liên tục vang ra, tiếng ấm chén rơi vỡ loảng xoảng không ngừng bên tai. Dù ở khá xa không nhìn kỹ, nhưng hẳn là đã có chuyện gì đó xảy ra. Hắn bước nhanh về phía trước, nghe từ trong tiếng thét hỗn loạn của mọi người đại khái hiểu được rằng Viên Duẫn Đàn lợi dụng lúc kính rượu đã bắt cóc Trịnh Uyên. Hắn cách bọn họ không xa mấy, trên người Viên Duẫn Đàn cũng không có vũ khí, chỉ đang tóm chặt lấy tay trịnh Uyên, nhưng không hiểu vì sao Trịnh Uyên không giằng ra được. Đến khi mọi người kịp có phản ứng thì Viên Duẫn Đàn đã nắm lấy yết hầu của Trịnh Uyên lùi về bên cạnh xe ngựa, nhìn như muốn bắt cóc Tĩnh Hoài đế về doanh trại quân Ngụy.
Tề Hoàn Duyên dù nghi ngờ nước Ngụy cầu hòa là có dã tâm giấu diếm, nhưng chẳng dè chúng có thể giở thủ đoạn vô liêm sỉ đến thế. Hắn lập tức không nghĩ nhiều nữa, lập tức gọi Vu Xà chuẩn bị ngựa, muốn dẫn Khinh kỵ Niễn Trần đuổi theo cứu Trịnh Uyên về.
Hắn nào phải không biết nếu Viên Duẫn Đàn có gan cướp Trịnh Uyên ra khỏi nơi này, trong doanh trại quân Ngụy tất nhiên có mai phục. Có điều hiện tại Tề - Trịnh liên minh, nếu Tĩnh Hoài bệ hạ bị địch bắt giữ, nước Tế chắc chắn phải dốc hết sức mình quyết tâm giải cứu. Dù biết đó là một cái bấy, hẵn chỉ có thể dùng cước trình nhanh nhất dẫn khinh kỵ Niễn Trần xông vào.
Trong nhất thời tiếng ngựa chiến hí dài bốn phía, Tề Hoàn Duyên trông thấy toàn quân đã sẵn sàng xuất phát, chỉ cần kéo cương là ngựa sẽ chạy đi. Con ngựa hắn cưỡi đang định cất vó phi nước đại nhưng bỗng dưng bị ai đó túm chặt dây cương. Nó đột ngột bị đau, hí dài một tiếng, hai vó nhấc bổng lên không. Tề Hoàn Duyên ngoái nhìn, kẻ cầm cương ngựa của hắn chính là Thiệu Dương. Vì lúc nãy con ngựa đang trên đà phóng đi rất mạnh, lòng bàn tay của Thiệu Dương lúc này đã bị hằn đến chảy máu, nhưng y cứng đầu không chịu buông tay.
"Tôi đi, điện hạ cứ ở lại."
Tề Hoàn Duyên dợm mở miệng ngăn y nhưng phát hiện tướng quân trẻ tuổi đang ngưng mắt nhìn hắn bằng một cái nhìn tràn trề hy vọng, khiến hắn nhất thời không biết làm sao nói thành lời.
Lúc này Vu Xà từ phía sau chạy tới, thấy tình cảnh hày thì quát lớn, "Tướng quân gan to thật, dám cản trở ngựa của Vương gia!"
Thiệu Dương nghe thấy gã quát thì giật mình hiểu ra mình đã mạo phạm, bàn tay trong lúc do dự bèn nới lỏng một chút. Hoàn vương trên ngựa, thừa lúc này vùng ra khỏi sự kềm giữ của y, chỉ chớp mắt đã hất bụi phi nhanh đi mất.
Thiệu Dương trông thấy người kia càng đi càng xa, biết rõ lúc này Viên Duẫn Đàn còn chưa trở về quân doanh, điện hạ đến đó không có gì đáng ngại, nhưng trong lòng vẫn dấy lên sự sợ hãi bi thương không đè nén nổi. Y đứng trời trồng một lúc, lập tức sai người chuẩn bị ngựa ra đi, cũng chẳng màng thay chiến giáp.
Y đâu có biết, ngay lúc yquay người, nam tử áo trắng trên con ngựa đen mun ở phía xa kia đã ngoái nhìnlại trong chớp mắt, muốn gửi cho y một nụ cười xa xôi nhưng an lòng. 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.