Tối đó, hoàng đế cuối cùng cũng bước vào cửa Thanh Dao Điện. Các cung nhân lặng lẽ lui ra ngoài, Ngọc phi ngồi trên giường, khóc lóc như hoa lê dính mưa.
Tề Hiên nghĩ tới nhiều chuyện trước đây, kiên quyết không dỗ ả ta. Chờ ả ta khóc đủ rồi, hắn mới nói: "Được rồi, nàng là người có thân phận tôn quý nhất trong các phi tần, nên biết đúng mực đi."
Ngọc phi lau nước mắt, ngẩng đầu, tủi thân nức nở, "Từ khi nào thần thiếp và bệ hạ lại trở nên xa lạ như vậy..." Nói rồi, ả lại rơi nước mắt. Ả vốn xinh đẹp, mỹ nhân một khi khóc luôn có vẻ phá lệ yêu ớt.
Hắn cuối cùng vẫn không đành lòng nặng lời, ngữ điệu cũng nhẹ hơn: "Nàng dưỡng bệnh đi, có gì không ổn cứ truyền thái y tới."
Dứt lời hắn đỉnh ời đi, lại bị Ngọc phi giữ chặt tay áo. Hắn chỉ đành ngồi xuống, ả khóc lóc cầu xin: "Bệ hạ đã an bài pháp sự cho hài tử của Thiến tần muội muội, vậy ngài cũng làm pháp sự cho hài tử của thần thiếp đi... Hài tử đó ra đi thật đáng thương, một câu cũng không được nhắc đến, thần thiếp..."
"Nàng nói cái gì?" Hoàng đế nhíu mày, cố gắng kiềm chế cảm xúc, "Thanh Ca, hài tử kia không ổn nàng cũng biết, nếu làm pháp sự cho nó, chẳng phải để người trong thiên hạ..."
"Thần thiếp biết, thần thiếp biết chứ! Nhưng thần thiếp hết cách rồi. Bệ hạ không nghe thấy sao? Thiến tần muội muội mơ thấy hai hài tử, nam hài năm sáu tuổi, nữ hài bảy tám tuổi, nhưng nữ hài kia ở trong mộng luôn miệng nói mình không phải hài tử của nàng ấy, nó tới để tìm mẫu phi. Bệ hạ, hài tử của chúng ta trùng hợp cũng từng tuổi ấy, thần thiếp thật sự sợ..."
Nói đến đây, ả khóc không thành tiếng.
Hoàng đế cũng bị chuyện này làm cho giật mình: "Có việc này?"
Ngọc phi gật đầu thật mạnh, thấy sắc mặt hắn trở nên nghiêm túc, liền nói: "Thiến tần muội muội không kể với bệ hạ sao?"
Hắn lắc đầu.
Ngọc phi lộ vẻ nghi hoặc, làm như vô tình nói: "Thần thiếp còn tưởng Thiến tần muội muội và bệ hạ đôi bên tình nguyện, tất nhiên là... Không có gì giấu nhau."
Hoàng đế trầm mặc một lát, chỉ nói: "Chuyện đó ngay cả hoàng hậu cũng không biết, khi ấy Thiến tần chưa tiến cung, càng không thể biết được."
"Cho nên thần thiếp mới sợ! Nếu nàng ta biết, mượn chuyện này giả thần giả quỷ, đương nhiên không sao. Nhưng nàng ta không biết, giấc mơ kia chẳng phải là..."
Chẳng phải là sự thật à!
Hoàng đế không nói gì, chỉ hỏi: "Nàng có từng kể chuyện này với ai không?"
Đáy lòng Ngọc phi rét run. Tránh để sự việc ngày càng đi quá xa, ả không dám nhắc đến Sở thị, càng không dám đề cập đến Cẩm tần và Phương Như Lan đã chết, vì thế lắc đầu: "Chưa từng. Thần thiếp biết việc này liên quan tới bệ hạ, nào dám tùy tiện nhắc với người khác? Thần thiếp chỉ mong có thể bình yên ôm bí mật này vào quan tài."
Hoàng đế lại rơi vào trầm mặc.
Ngọc phi xem mặt đoán ý, thấy sắc mặt hắn thoáng thả lỏng, liền rèn sắt nhân lúc còn nóng mà nói: "Bệ hạ... Làm pháp sự cho hài tử kia đi! Cùng lắm thì làm chung pháp sự với hài tử của Thiến tần là được!"
"Nhưng làm pháp sự phải cần ngày hài tử mất." Hoàng đế thở dài.
"Thần thiếp nhớ, chỉ cần lén viết ra rồi giao cho cao tăng, không để ai biết là được. Người xuất gia từ bi độ lượng, hẳn sẽ không nói ra ngoài."
"Để trẫm suy nghĩ lại đã." Ánh mắt hoàng đế nặng nề, vẫn không đồng ý.
Ngọc phi cũng không vội thúc giục, chỉ nũng nịu nói: "Vậy... Bệ hạ có ở lại Thanh Dao Điện không? Nếu bệ hạ không muốn thần thiếp nói chuyện, thần thiếp sẽ không hé răng, một chữ cũng không nói."
Ả vừa nói vừa che miệng, câu cuối cùng chọc hắn bật cười. Hắn bất lực thở dài, gật đầu: "Trẫm còn việc ở Thanh Lương Điện, đi một lát sẽ về."
...
Hai ngày sau.
Tỉnh dậy Từ Tư Uyển nghe nói hoàng đế lại đến Thanh Dao Điện, nàng trang điểm cẩn thận, đến Phượng Hoàng Điện cầu kiến hoàng hậu.
Khi đó hoàng hậu vừa dùng xong bữa sáng, đang ngồi bên bàn trà đọc sách. Thấy nàng tới vấn an, nàng ta nâng tay: "Nghe nói Thiến tần vẫn còn bị bóng đè, có chuyện gì mà một hai phải tự mình đến đây thế? Miễn lễ, ngồi đi."
"Tạ nương nương." Từ Tư Uyển cúi đầu ngồi xuống, lại cắn chặt môi.
Hoàng hậu nhìn nàng, không khó nhìn ra sắc mặt nàng trắng bệch, vết thâm quầng ở hai mắt cũng đậm hơn mấy ngày trước, không khỏi nhíu mày: "Khí sắc sao lại kém như vậy? Bổn cung nghe bệ hạ nói muội đã có chuyển biến tốt rồi mà."
"Vốn đã chuẩn bị tốt." Từ Tư Uyển ngập ngừng, "Cũng không biết có phải vì chuyện giả thần giả quỷ hôm đó không, hai ngày nay bị càng nặng."
Hoàng hậu thở dài, gác cuốn sách lên bàn: "Muội xem đi, bổn cung đã khuyên muội chớ có để yên cho Ngọc phi mượn chuyện sợ quỷ. Bây giờ thì hay rồi, ả chỉ bệnh một chút, bệ hạ lại bị ả mê hoặc, còn muốn bị bóng đè càng ngày càng nghiêm trọng... Dù gì con người cũng nên kính sợ với quỷ thần một chút."
Hoàng hậu không khỏi cảm thấy Thiến tần này đúng là còn trẻ tuổi. Sở dĩ nàng ta nghĩ như vậy chủ yếu là vì Từ Tư Uyển không nói thật duyên cớ sau chuyện giả thần giả quỷ.
Bây giờ nghe hoàng hậu nói như vậy, nàng cũng chỉ cúi đầu đáp: "Nương nương nói đúng, là thần thiếp nóng vội, chỉ nghĩ nếu Ngọc phi nhát gan, trước đây lại có nhiều chuyện không sạch sẽ, có lẽ sẽ bị dọa đến không gượng dậy nổi, thần thiếp không ngờ ả ta sẽ mượn việc này mà tranh sủng..."
Hoàng hậu lắc đầu.
Từ Tư Uyển lại cắn môi, nói: "Đạo lý kính sợ quỷ thần... Thần thiếp cũng biết, hôm nay thần thiếp tới là muốn bẩm tấu nương nương hài tử ấy lại báo mộng cho thần thiếp, thần thiếp không thể không tới bẩm báo nương nương."
Hoàng hậu ngẩn ra, kinh ngạc hỏi: "Mộng gì?"
"Nó nói..." Từ Tư Uyển ngơ ngẩn kể, "Nó nói pháp sự bây giờ không phải làm cho nó, có người đổi ngày nó ra đi thành tỷ tỷ. Đường đi đầu thai nó chỉ đi được một nửa, phải tìm về, cầu xin thần thiếp giúp đỡ."
"Sao lại có chuyện như vậy? Pháp sự do bệ hạ hạ chỉ an bài, sao lại xảy ra chuyện cổ quái thế? Thiến tần, bổn cung muốn muội kính sợ quỷ thần chứ không phải tự dọa bản thân."
"Nhưng... Nhưng thần thiếp đã mơ như thế hai đêm liên tiếp, thần thiếp thật sự không dám sơ ý..." Từ Tư Uyển nức nở, đứng dậy hành lễ, "Cầu xin hoàng hậu nương nương âm thầm cho người điều tra. Nếu có gì đó thì có thể lập tức ngăn lại, giúp hài tử của thần thiếp sớm đăng cực lạc. Nếu không có, mọi người cũng có thể an tâm, thần thiếp biết giấc mơ này là giả, sau này không cần sợ bị bóng đè nữa..."
Hoàng hậu nhíu mày, lặng lẽ nhìn nàng.
Nàng ta biết Thiến tần là người có tâm tư, chuyện giấu nàng ta không ít, nhưng không có đạo lý nào có hài tử nào Thiến tần biết mà nàng ta lại không biết, nói đến cùng nàng ta mới là hoàng hậu ngồi trên phượng vị.
Nghĩ mãi, hoàng hậu cuối cùng cũng gật đầu: "Thôi vậy, bổn cung giúp muội. Muội về đi, tự mình giải sầu trước, đừng nghĩ đến việc này nữa."
"Tạ nương nương!" Nàng mừng tới bật khóc, vội dập đầu tạ ơn.
Hoàng hậu liếc nhìn Hoa Thần, Hoa Thần hiểu ý, lập tức đi tới đỡ nàng. Nàng lại cung kính hành lễ cáo lui, lúc này mới ra ngoài.
Rời khỏi Phượng Hoàng Điện, nàng ngồi bộ liễn, chậm rãi về Y Lan Các. Hoa Thần im lặng chờ, chờ xung quanh hoàn toàn an tĩnh mới hỏi: "Nương tử đã muốn đẩy chuyện này cho hoàng hậu nương nương, tại sao không nói cho nàng ta biết chân tướng? Nếu nàng ta chịu giúp chúng ta thì đồng nghĩa mọi người cùng ngồi trên một thuyền, mọi thứ sẽ ổn thỏa hơn."
Từ Tư Uyển mỉm cười: "Lần trước chịu giúp chúng ta giả thần giả quỷ, nàng ta đã cùng chúng ta ngồi trên một chiếc thuyền. Chuyện lần này lại quá lớn, tốt nhất không nói nàng ta biết."
Hoa Thần lại hỏi: "Vậy nếu hoàng hậu nương nương chỉ qua loa có lệ với nương tử, không chịu ra tay thì sao?"
"Nếu nàng ta không chịu ra tay, ta sẽ đi cầu xin thái hậu."
Chuyện này nàng bắt buộc phải làm, không chỉ cho Ngọc phi một đao, chủ yếu là đâm hắn một nhát.
Ngụy quân tử ra vẻ đạo mạo kia nên sớm chịu chút khổ sở mới đúng. Nàng muốn từng bước xé da mặt dối trá của hắn xuống, để người trong thiên hạ thấy rõ hắn là người thế nào.
Do vậy sau khi về Y Lan Các, nàng thản nhiên chờ, mặc kệ hắn có tới hay không, mặc kệ Ngọc phi đã nói gì với hắn.
Ngọc phi tất nhiên sẽ không nói lời hay cho nàng, chỉ riêng chuyện nàng mơ thấy hai đứa nhỏ, Ngọc phi có thể bịa đặt trước mặt hắn. Nhưng nàng im lặng không nhắc tới không phải vì ngốc, ngày sau dù ai bị hại cũng không tới lượt nàng.
Chờ ba ngày, cuối tháng sáu Từ Tư Uyển nghe nói thái hậu đột nhiên nổi trận lôi đình.
Người tới bẩm báo là Trương Khánh, gã vốn bị Từ Tư Uyển điều đi Kỳ Tường Điện chép kinh thư. Hài tử tuy là giả, nhưng nàng vẫn phải diễn cho thật mới lừa được trên dưới hậu cung, cho nên kinh Phật ngày ngày đều có.
Trương Khánh về Y Lan Các lập tức vào phòng ngủ, khom người bẩm báo: "Nương tử, thái hậu mới đến Kỳ Tường Điện, nói là muốn thắp nén nhang cho hài tử của nương tử. Ai ngờ... Không biết tại sao lại phát hiện ngày tháng cống phụng lại không phải ngày nương tử mất con. Thái hậu nổi trận lôi đình, lập tức sai người áp giải tất cả cung nhân làm việc trong Kỳ Tường Điện đến, ngay cả nhóm cao tăng cũng tạm thời bị nhốt lại. Thời điểm hạ nô trở về còn nghe nói hoàng hậu nương nương cũng đến, việc này..."
"Biết rồi." Từ Tư Uyển nhẹ giọng, vẫy tay, "Ngươi lui xuống trước đi."
"Vâng." Trương Khánh khom người cáo lui.
Đường Du đứng cạnh hít sâu một hơi: "Xem ra hoàng hậu nương nương cũng rất cẩn thận."
"Như vậy cũng tốt." Từ Tư Uyển khẽ cười, "Trước kia ta không dám trực tiếp đi cầu xin thái hậu vì sợ thái hậu biết Ngọc phi có thai, bởi vậy đẩy cho hoàng hậu sẽ ổn thỏa hơn. Bây giờ xem ra thái hậu cũng chẳng mảy may biết, vậy tiếp tục điều tra, thái hậu có thể kiềm chế cơn giận nhưng Ngọc phi thì khác." Nói rồi nàng đứng dậy sửa sang búi tóc, ra ngoài, "Sự việc liên quan đến hài tử của ta, ta phải đi xem một cái. Đi thôi, chuẩn bị bộ liễn."
Nàng vừa bước ra nửa bước, thấy Hoa Thần định đi gọi bộ liễn, liền nói: "Không cần chuẩn bị bộ liễn nữa." Nàng nghĩ nghĩ, lại nhìn Trương Khánh tới bẩm báo: "Bệ hạ không đến Kỳ Tường Điện sao?"
Trương Khánh bước lên, đáp: "Gần đây bệ hạ bận rộn chính vụ, ngày ngày đều thương nghị với các vị đại nhân, việc này chỉ sợ chưa bẩm tới Thanh Lương Điện."
"Đúng lúc." Từ Tư Uyển mỉm cười, tiếp tục ra ngoài.
Kỳ Tường Điện ở phía đông hành cung. Nàng không ngồi bộ liễn, cứ đi như vậy, dù đi nhanh cỡ nào cũng phải tốn hai khắc mới tới. Hai vị ma ma hầu hạ thái hậu đang canh giữ ở cửa điện, thấy nàng tới, sắc mặt đều cứng đờ, vội tiến lên hành lễ: "Thiến tần nương tử vạn an."
Từ Tư Uyển đáp lễ có lệ, ngước nhìn vào trong điện: "Ta nghe nói... Xảy ra chút chuyện?"
Hai ma ma nhìn nhau, cười xấu hổ: "Đúng vậy, thái hậu nương nương cũng tức giận, đang ở trắc điện nghỉ ngơi, Thiến tần nương tử có thể qua đó."
"Được." Từ Tư Uyển gật đầu, rảo bước vào trong.
Bây giờ vốn là canh giờ làm pháp sự nhưng trong điện lại an tĩnh một cách quỷ dị. Trong chính điện rộng lớn như vậy không có ai cả, chỉ có tượng Phật màu vàng ở giữa đang cụp mi rũ mắt nhìn chúng sinh.
Từ Tư Uyển không rảnh để ý tới ngài, nghiêng tai lắng nghe tiếng nói chuyện ở trắc điện.
Nàng đi tới trước cửa, thấy bên ngoài không có cung nhân canh giữ, trực tiếp gõ cửa, gọi: "Thái hậu nương nương, thần thiếp Thiến tần... Nghe nói Kỳ Tường Điện xảy ra chút chuyện, không thể không đến xem."
Trong điện thoáng lạnh đi, giọng già nua của thái hậu vang lên: "Con vào đi."
Vừa dứt lời, cửa điện liền được mở ra từ bên trong, hoạn quan bên trong không dám nhìn nàng, mở cửa liền cúi đầu, lui sang một bên.
Thái hậu và hoàng hậu lần lượt ngồi ở hai bên bàn trà, Từ Tư Uyển bước lên vấn an, Thái Hậu thở dài: "Miễn lễ, con ngồi đi."
Lập tức có cung nữ chuẩn bị thêm cái ghế cho Từ Tư Uyển, Từ Tư Uyển ngồi xuống, chần chờ nhìn thái hậu và hoàng hậu: "Thần thiếp nghe nói... Ngày của hài tử bị người ta thay đổi."
Thái hậu không nói gì, hoàng hậu nhíu mày: "Hôm ấy muội bẩm báo với bổn cung, bổn cung còn tưởng muội chỉ thương tâm quá độ. Bây giờ xem ra quả thật có vấn đề. Cũng may hài tử của muội hiểu chuyện, biết về báo mộng cho muội, bằng không vô duyên vô cớ bị người ta chiếm pháp sự thì phải làm sao đây."
Từ Tư Uyển xoa ngực, dáng vẻ tâm thần không yên: "Thần thiếp chỉ vì quá quan tâm hài tử, không dám thiếu cảnh giác, không ngờ lại là sự thật. Nhưng nếu có việc này..." Nàng lộ vẻ nghi hoặc, "Vậy hài tử kia là ai? Hài tử của thần thiếp gọi nó là tỷ tỷ, nương nương lại nói trước giờ chưa từng có phi tử mất con, chẳng lẽ là... Hài tử trong phủ vị thân vương hay công chúa nào đấy? Tính ra đó là đường tỷ hoặc biểu tỷ của hài tử thần thiếp, gọi một tiếng tỷ tỷ cũng đúng."
Hoàng hậu không biết, lặng lẽ nhìn thái hậu, cơn giận trên mặt thái hậu vẫn chưa tiêu tan: "Nói thế cũng có lý." Nhưng vừa dứt lời, bà lại lắc đầu, "Nhưng cũng không đúng. Nếu có hài tử của vương phủ hay phủ công chúa nào dù sinh non hay chết non thì làm pháp sự trong phủ là được, tội gì phải tới Kỳ Tường Điện gây rối?"
Từ Tư Uyển tỏ vẻ thiên chân: "Có thể do cảm thấy tăng nhân mình mời đạo hạnh không cao thâm bằng cao tăng trong cung thì sao? Làm phụ mẫu, ai mà không muốn cho hài tử thứ tốt nhất chứ?"
Thái hậu cau mày lắc đầu: "Vậy thì phải vào cung thỉnh chỉ. Chuyện như vậy dù là ai gia, bệ hạ hay hoàng hậu, ai mà không đồng ý?"
"Điều này cũng đúng..." Từ Tư Uyển nỉ non.
Nói đến bước này, nước đã bị nàng càng khuấy càng đục.
Nàng dẫn dắt suy nghĩ của thái hậu, chỉ khi nghi ngờ các vị thân vương và công chúa, thái hậu mới điều tra tới cùng. Bằng không bằng sự chìm nổi trong cung nhiều năm, chỉ sợ thái hậu nguôi giận rồi sẽ nghĩ đến hoàng đế. Nếu nghĩ đến việc hoàng đế hành sự không đúng trước, bà ta khó tránh sẽ che lấp, việc này không thể làm lớn được.
Nếu không nháo lớn, với nàng mà nói còn gì thú vị? Nàng trải đường trước sau nhiều như vậy chỉ để xem Ngọc phi té ngã, rồi nhìn hoàng đế bị người đời trách mắng.
Thái hậu suy nghĩ rất lâu, mệt mỏi thở dài, ngước mắt nhìn nàng: "Việc này ai gia và hoàng hậu sẽ có câu trả lời cho con, con về trước đi, người vừa mất hài tử đừng để mất tinh thần."
"Thái thái hậu." Từ Tư Uyển rời ghế hành lễ, thấy thái hậu và hoàng hậu đều không muốn nhiều lời nữa, liền kính cẩn lui ra ngoài.
Rời khỏi trắc điện, Từ Tư Uyển cuối cùng cũng có tâm trạng ngước nhìn tượng Phật, nàng bước lên thắp cho "hài tử" của mình, chắp tay trước ngực giống như cầu nguyện.
Thật ra nàng không xin gì cả.
Nàng sớm đã không tin vào mấy chuyện cầu nguyện. Nếu trời xanh có mắt, Tần gia đã không bị mãn môn sao trảm, hiện giờ người ngồi yên ổn trên ngôi vị hoàng đế kia cũng không nên là hắn.
Người đời hay nói "Cầu người không bằng cầu mình", nhưng hình như không ai dám nói cầu Phật không bằng cầu mình. Nghiêm túc mà nghĩ, "Cầu người" có lẽ còn có chút tác dụng, cầu Phật là điều vô nghĩa nhất.
Làm vẻ trước Phật một lát, Từ Tư Uyển mới xoay người rời đi.
Trong trắc điện, hoàng hậu cẩn thận quan sát thái độ của thái hâu, đợi một lúc lâu mới dám khuyên bà: "Mẫu hậu dù thương Thiến tần và hài tử thì cũng đừng nên tức giận kẻo ảnh hưởng tới sức khỏe."
Thái hậu cau mày: "Ai gia ở trong cung nhiều năm như vậy chưa từng thấy chuyện đổi ngày mất để làm pháp sự. Thiến tần là người hiểu chuyện, đao quang kiếm ảnh cứ hướng về nó, bảo ai gia sao có thể không giận?"
Đáy mắt hoàng hậu rét run, trên mặt vẫn duy trì nụ cười: "Thần thiếp sẽ bảo Cung Chính Tư điều tra rõ việc này, lấy lại công bằng cho Thiến tần và hài tử chưa chào đời."
Thái hậu mệt mỏi gật đầu. Gần đây vốn dĩ sức khỏe bà có chuyển biến tốt, lại bị việc này làm cho sa sút, lồng ngực cứ có cảm giác bị đè nén, bụng đau nhói. May mà cơn đau chỉ thoáng qua, bà hít sâu thở đều mấy hơi, đứng dậy: "Ai gia cũng về đây."
"Thần thiếp tiễn thái hậu." Hoàng hậu vôi đứng lên đỡ thái hậu ra khỏi trắc điện.
Chạng vạng, quan viên Hộ Bộ, Binh Bộ và Hồng Lư Tự mới cáo lui Thanh Lương Điện, hoàng đế cuối cùng cũng được thanh nhàn, uống nửa ly trà nhỏ, lệnh cung nhân truyền thiện.
Chung Hoằng Phương nôn nóng chờ bên ngoài cuối cùng cũng có thể vào bẩm báo. Gã quá nóng vội, thời điểm bước vào ngạch cửa bị vướng chân một cái, cả người ngã xuống: "Bệ hạ!"
Thấy thế hoàng đế nhíu mày, nhận ra gã là quản sự của Ngọc phi mới không nổi giận. Chu Hoằng Phương vội hành lễ, rồi nói: "Bệ hạ, không xong rồi, hôm nay thái hậu nương nương đến Kỳ Tường Điện kính hương, vô tình phát hiện ngày mất không đúng, nổi trận lôi đình, hiện đang lệnh Cung Chính Tư tra xét..."
Hoàng đế cả kinh, nước trà trong ly cũng rơi vãi ra ngoài. Nháy mắt tiếp theo, không đợi Chu Hoằng Phương nhiều lời, hắn đã vội ra ngoài tới Thọ An Điện.
Lúc này, Từ Tư Uyển đang ngồi trước bàn trang điểm thong dong tháo châu thoa. Hoa Thần và Nguyệt Tịch chuẩn bị giường ngủ, Đường Du bỗng vào phòng, lập tức đến phía sau Từ Tư Uyển: "Bệ hạ đến Thọ An Điện."
Từ Tư Uyển ngước mắt, Hoa Thần cũng quay đầu: "Nhanh như vậy? Bệ hạ đi rồi, thái hậu nương nương chắc chắn sẽ đè nén việc này xuống, chúng ta không còn thời gian để lộ chuyện này ra ngoài."
"Ai noi không có thời gian?" Từ Tư Uyển khẽ cười, "Ban ngày bệ hạ giận dữ lôi đình, nhốt cung nhân và cao tăng lại, sự việc sớm đã truyền khắp nơi. Một khi ra khỏi cửa cung, đầu đường cuối phố thêm mắm thêm muối sẽ thành thế nào?" Nói tới đây nàng cười một tiếng, "Hơn nữa dù truyền thành thế nào cũng không liên quan tới chúng ta. Bá tánh vốn thích nghe chuyện trong cung, đặc biệt là chuyện không thể đưa ra ngoài ánh sáng."
"Đúng vậy." Hoa Thần cúi đầu, thấy Từ Tư Uyển không nói nữa, biết Từ Tư Uyển có chuyện muốn nói riêng với Đường Du, soạn giường xong liền cùng Nguyệt Tịch lui xuống.
Từ Tư Uyển xoay người nhìn Đường Du, nghiêm túc hỏi: "Ta hỏi lại lần nữa, mấy tên thuyết thư đó thật sự không biết ngươi là ai đúng không? Ngươi sẽ không vì giúp ta mà bí quá hóa liều đấy chứ?"
"Thật sự không biết." Đường Du bật cười, "Ta nào lỗ mãng như vậy? Huống hồ việc này nếu tra đến ta sẽ tra được đến người, ta chắc chắn sẽ không để lại hậu hoạn như thế."
"Vậy thì tốt." Từ Tư Uyển gật đầu.
"Hơn nữa mấy ngày nay nữa là sinh thần của Vương Kính Trung, hôm ấy gã chắc chắn sẽ xin nghỉ, tổ chức thọ yên ở nhà ngoài cung. Trong cung rất nhiều hoạn quan sẽ đi tặng lễ vật biểu đạt tâm ý, ta mượn việc này xuất cung sẽ không khiến người ta hoài nghi."
"Ngươi đúng là suy nghĩ chu đáo." Từ Tư Uyển khẽ cười, lại hỏi, "Nhưng năm rồi ngươi có đi chúc thọ gã không? Nếu năm trước không đi, bây giờ lại đi thì có vẻ đường đột."
"Năm nay tuổi tròn nên mới làm lớn. Hơn nữa người nói xem nhà của gã ai cũng tới được sao? Năm rồi dù ta muốn đi chỉ sợ cũng không vào được."
Nghe Đường Du nói vậy, Từ Tư Uyển mới nhớ trước khi nàng tiến cung cuộc sống của gã cũng không tốt lắm. Trong cung vạn hoạn quan hầu hạ chủ tử, không phải ai cũng có thể gặp được Vương Kính Trung.
Nàng khẽ cười, chớp mắt: "Cần gì nói mình thảm như vậy? Chỉ là tiệc mừng thọ thôi, không cần hâm mộ gã. Chờ ngươi sinh thần 30 tuổi, ta chắc cũng đến phi vị, đến lúc đó ta sẽ bỏ tiền tổ chức yến hội cho ngươi, cũng để ngươi nở mày nở mặt."
Đường Du bật cười, vừa lắc đầu vừa ra ngoài: "Ta không có nhà trong kinh thành, không có nơi mở thọ yến. Không bằng người cho ta số tiền chuẩn bị thọ yến, không có thái giám nào không yêu tiền cả."
Nói bậy!
Từ Tư Uyển
Rõ ràng nàng thấy gã không yêu tiền, bản thân cũng không muốn thưởng gì, thậm chí còn hào phỏng thưởng cho những cung nhân khác trong viện. Văn phòng tứ bảo và sách cùng tranh chữ với gã quý giá hơn nhiều, nàng qua phòng gã ngồi một chút, chính là thời điểm gã phải dưỡng thương vì bị ăn bản tử của Đào thị, mùi mực trong phòng còn đậm hơn mùi máu và thuốc.
Chờ gã thọ thần 30 tuổi, nàng sẽ tặng gã một tòa nhà, là một tòa nhà chứa đầy sách và tranh chữ.