Nhà Có Bé Ngoan

Chương 14:




Ngày Lâm Du lên đường sương phủ trắng trời, sáng sớm có mưa phùn lất phất, hơi nước mát lạnh tan trong không khí. Chùa Thanh Sơn nằm ở phía tây nam Kiến Kinh, nhìn từ xa, mái ngói đỏ lấp ló giữa dải xanh bạt ngàn của núi rừng, sương mù vấn vít quanh lưng núi như dải lụa quấn hững hờ, điểm cho tiếng chuông chùa vang vọng mãi trong buổi sớm mai thật hư ảo xa xôi quá đỗi.
Trên đường đi tâm trạng Lâm Du cũng không tệ lắm.
Một mình Văn Chu Nghiêu tiễn cậu, người trong nhà rất tinh ý không đối xử một cách trịnh trọng như sự chia ly ngắn ngủi này là chuyện lớn lao gì. Hình như còn sợ cậu đổi ý giữa đường rồi quậy tung lên.
Vừa hơn chín giờ là hai người đến nơi.
Trước mắt là khu nhà khách hoàn toàn vượt khỏi sự tưởng tượng của Lâm Du, nấp trong mảnh đất bằng giữa sườn núi, xung quanh có khá nhiều nhà cửa đông đúc. Mục tiêu của hai người là một căn hai tầng, có cửa sổ kính trong suốt, một chiếc sân rộng và cả một khu rừng trúc bao la bên ngoài bức tường.
Kiếp trước Lâm Du từng gặp rất nhiều vị tai to mặt lớn hạ cánh an toàn tuổi trung niên.
Bọn họ thích nhất là chạy về những nơi thế này xây tổ, nói văn vẻ là vui thú ruộng vườn, trên thực tế đều thối nát đến tận cùng.
"Chắc chắn là đây à?" Lâm Du hỏi anh cậu.
Văn Chu Nghiêu ừm một tiếng, bước tới gõ cửa, thuận miệng hỏi cậu: "Sao thế?"
"Không có gì." Lâm Du im miệng.
Cậu định nói đây không giống chỗ một ông già cô đơn sống chút nào nhưng sợ bị anh mắng nên thôi dứt khoát không nói nữa.
Một người phụ nữ trung niên khoảng hơn bốn mươi tuổi mở cửa, thấy hai thiếu niên một lớn một nhỏ trước cửa thì nói: "Hai đứa là thợ cả bé Du và Chu Nghiêu đúng không, ông Lâm đang làm việc, vào nhà chờ trước đã."
Đột nhiên được gọi như thế, Lâm Du vẫn chưa quen lắm.
Văn Chu Nghiêu gật đầu bảo: "Làm phiền thím."
"Không có, không phiền gì cả." Bà thím cười dẫn hai người vào trong, vừa đi vừa nói: "Tuy thường có người đến chỗ ông Lâm, nhưng đa số là người nghe danh đến thăm viếng, trước giờ ông ấy chẳng gặp ai cả."
Vị này là thím giúp việc theo ông chú đã nhiều năm, thường được gọi là thím Quế.
Thường ngày thím phụ trách ba bữa cơm và quét dọn đơn giản.
Đến lúc này thì cuối cùng Lâm Du cũng có cảm giác thân quen, không vì gì khác, chỉ cái tính kỹ lưỡng màu mè đó thôi là biết ngay người một nhà rồi.
Văn Chu Nghiêu theo thím Quế đi sắp xếp chỗ ăn chỗ ngủ cho cậu, Lâm Du thì đi một vòng quanh sân.
Cuối cùng cậu nghe thấy tiếng đẽo mài quen thuộc sau cánh cửa đóng kín của một căn phòng trong góc.
Người học điêu khắc lâu năm chỉ nghe tiếng thôi đã phán đoán được người thợ đang sử dụng máy mài dòng nào, đây là kết quả của sự nhạy bén bẩm sinh và bao ngày tháng luyện tập.
Lâm Du vô thức bước đến, nhìn vào bên trong qua ô cửa sổ.
Thật ra hình tượng của Lâm Lập Dị không khác tưởng tượng của Lâm Du nhiều lắm, trông không lớn hơn Lâm Bách Tòng quá nhiều, tóc đã hoa râm, gầy gò, sống lưng hơi khọm, đang mặc một chiếc tạp dề màu xám tro đo đạc phôi gỗ bên chân.
"Muốn xem thì vào mà xem, lén la lén lút đó làm gì?"
Lâm Du bị bắt quả tang liền hiên ngang đẩy cửa bước vào.
"Ông... chú họ." Lúc thật sự gọi ra miệng cứ thấy là lạ.
Quả nhiên ông lão ngẩng đầu lên nhìn cậu, vòng sang phía bên kia của chiếc ghế đang ngồi, hầm hừ nói: "Chú cháu gì, họ hàng đại bác bắn không tới. Bố của anh cả đời đều lễ mễ thế, tôi thấy con anh ta cũng chả khác gì."
Lâm Du nghẹn cơn tức trong cổ họng.
Nhưng dù sao cậu cũng là phận con cháu nên cố điều chỉnh biểu cảm lại rồi nói: "Đúng là con chẳng được nửa phần như bố con, ông muốn mắng thì mắng con đi ạ, đâu cần mắng bố già nhà con cứ."
Tên thật của Lâm Lập Dị là Lâm Đức An, nghe vậy thì dừng tay, cầm chiếc khăn lông cạnh đó lên lau lau.
Ông nhìn cậu: "Học đạo hiếu cũng khá đấy."
Nhất thời Lâm Du thật không biết ông ấy đang khen ngợi hay châm biếm nữa, vì dù sao ông chú này của cậu không thể tính là đứa con hiếu thảo thật sự được, người trong lẫn ngoài giới đều biết chuyện ông quay lưng với gia đình ngày trẻ.
Huống chi Lâm Du thật sự không gánh nổi chữ hiếu, kiếp trước suýt chút cậu làm Lâm Bách Tòng tức chết.
Lâm Đức An lia mắt quan sát từ đầu đến chân Lâm Du, tiện tay ném cái khăn qua một bên rồi ra hiệu về phía phôi gỗ sau lưng, bảo cậu: "Bắt đầu đi, xem xem kỹ năng của anh thế nào."
Cứ thế bắt đầu à?
Lâm Du còn hơi hoang mang, nhưng vẫn nghe lời bước tới, hỏi: "Khắc gì ạ?"
"Gì cũng được."
Các kỹ thuật căn bản của Lâm Du tương đối vững, chỉ cần cầm công cụ trong tay là về cơ bản lòng không còn tạp niệm. Cậu nhìn quanh phòng, cuối cùng mắt dừng trên một bức tranh treo trên tường.
Cậu mà tiến vào trạng thái làm việc là sẽ quên hết mọi thứ, Lâm Du không nhớ được đã bao lâu trôi qua.
Khi cậu hoàn hồn lại vung vẫy cổ tay nhức mỏi mới thấy Văn Chu Nghiêu đã đứng trong phòng từ bao giờ.
Lâm Du trực tiếp bỏ qua bước vạch mẫu, với người ở tuổi của cậu mà nói thì như thế có hơi tự cao. Vạch mẫu, đục vỡ, gọt tỉa, đánh bóng, trong quá trình hình thành tác phẩm, mỗi một công đoạn đều không được qua loa.
Nhưng phôi đục đang được đặt trên bàn bây giờ vẫn khiến Lâm Đức An phải cầm lên ngắm rất lâu.
Cảm hứng cho tác phẩm này đến từ bức tranh Hổ nghỉ trong rừng được treo trên tường.
Nhìn thoáng qua thì đường nét và cách khắc hổ tương đối gồ ghề, nhưng những đường khắc xù xì lộn xộn đó trông như tùy tiện mà lại khắc họa rất tốt tính hoang dã và linh hồn của con vật sống trong tự nhiên.
Cậu tới hơn mười tuổi, năng lực và mầm mống này...
Lâm Du: "Thời gian có hạn, con chỉ làm được tới bước này thôi."
Lâm Đức An cười to mấy tiếng rồi mới gật đầu bảo: "Tôi cứ nghĩ người theo đuổi chi tiết hoàn mỹ như bố anh cũng chỉ dạy ra được những cái xác rỗng chỉ có bề ngoài. Nhưng xem ra anh ta cũng hiểu tính của anh, không dám phá hoại tài năng thiên bẩm của anh lấy một chút, còn khổ công khổ sức đưa anh đến đây."
"Lâm Du: "Là sao ạ?"
Lâm Bách Tòng rất ít hạn chế cậu về mặt điêu khắc, mất năm nay chú dạy cậu nhiều lý thuyết hơn hẳn thực hành.
Lâm Đức An: "Cái danh hiệu thợ cả bé Du từ đâu mà có vậy?"
"Vì mấy năm nay con làm được vài tác phẩm, giá bán ra cũng xem như khả quan."
"Đều là thứ tự mình thấy vừa lòng nhất?"
"Dạ không ạ."
Lâm Du hơi hiểu ý rồi, ông đang nói Lâm Bách Tòng cố ý kiềm hãm không cho cậu liều lĩnh.
Lâm Đức An nói: "Nhà họ Lâm ở Kiến Kinh, nhà họ Chu ở Triều Châu, họ Nam ở Thuận Dương và họ Tần ở Hoài Xuyên là các gia tộc lớn hưng thịnh nhất trong giới điêu khắc gỗ hiện nay, cũng đại biểu cho các hệ phái và phong cách kỹ thuật khác nhau. Trong lòng bố anh cũng biết vấn đề của nhà họ Lâm trong mấy năm nay nằm ở đâu, kết quả của không chịu tiến tới trong điêu khắc truyền thống chính là bị thời gian và trào lưu nhấn chìm. Nhà họ Lâm toàn loại cổ hủ, hiếm được người đến tuổi trung niên còn giác ngộ tư tưởng được như bố anh."
Mới đầu Lâm Du nghe còn thấy xuôi tai, đến câu cuối cùng là biết mình không thể hy vọng quá nhiều vào ông ấy.
Trên tay Lâm Du bây giờ toàn là bụi và mùn cưa, cậu giơ cao hai tay bĩu môi với anh cả.
Lâm Đức An: "Bắt đầu từ hôm nay, chuyển sang gọi là thầy đi."
"Dạ?" Lâm Du vẫn đang tập trung chú ý vào đôi tay.
Văn Chu Nghiêu bước đến vỗ ót cậu, "Gọi đi."
Lâm Du a một tiếng, ngoan ngoãn gọi: "Thưa thầy."
"Đây là cũng là ý của bố con." Lâm Đức An nói: "Đời này thầy không định nhận học trò, nhưng đã mang họ Lâm mấy chục năm rồi, dạy con cũng không xem như phá lệ. Bố con đã trải đường sẵn, cái gì dạy được thầy sẽ cố hết sức, học được bao nhiêu thì phải xem bản thân con."
Lâm Du cũng nghiêm chỉnh hơn, "Dạ thưa thầy, con sẽ học tập chăm chỉ."
Nghề mộc và con đường kiếp trước Lâm Du đi khác biệt nhau hoàn toàn, trước đây là vì một người, bây giờ vì rất nhiều người.
Nghề này khắc chệch một đường thôi cũng không sao cứu vãn lại được, phải bỏ cả khối gỗ đi làm lại.
Cũng như cuộc đời mà cậu đang sống.
Lâm Đức An ừm một tiếng, lúc ra cửa đi ngang chỗ cậu thì dừng chân lại, "Trước tiên sửa cái tính xấu đó của anh đi."
"Tính gì ạ?" Lâm Du tròn mắt nhìn ông.
Lâm Đức An: "Không có tay à? Giơ đó chờ ai lau cho?"
Lâm Du vốn đang giơ tay chờ anh cậu lấy khăn lông lau cho thật: "... Chuyện này ảnh hưởng đến thầy ạ..."
"Có." Tính ông lão thật sự khó chịu, ông trừng mắt: "Tôi thấy xốn con mắt."
Cũng không phải lúc nào Lâm Du cũng thế này, khi Văn Chu Nghiêu không ở cạnh cậu khá khẩm hơn nhiều. Ban đầu cậu cố ý làm vậy để anh mình quen việc tiếp xúc thân mật với người khác, dần dà tập thành tính chỉ cần có Văn Chu Nghiêu là Lâm Du sẽ quay đầu lại tìm như thói quen.
"Sửa, con sửa mà." Lâm Du dài giọng nói bằng vẻ mặt "con hứa rồi đó nhưng mà con nhất định không sửa đâu".
Văn Chu Nghiêu ra hiệu bảo cậu đừng đùa dai rồi nắm tay cậu tỉ mỉ lau sạch sẽ.
Còn vừa làm vừa nói với Lâm Đức An: "Thầy Lâm, sáng sớm mai là con đi rồi, sau này Lâm Du phải làm phiền thầy."
"Mấy người nuôi nó thành như thế còn muốn tôi phải nhường nhịn nó à?" Lâm Đức An nhìn Văn Chu Nghiêu.
"Sao lại không nhường nhịn con được?" Lâm Du hỏi, "Con còn là trẻ con mà."
Lâm Đức An: "Thế cô giáo mầm non không dạy anh phải biết kính lão đắc thọ à?"
"Nhưng con là búp măng non của Tổ quốc."
"Kỹ thuật tỉa cây của tôi khá lắm đấy."
"Anh." Lâm Du ôm đùi, "Em muốn về nhà."
Ngoài lúc làm gỗ, một già một trẻ này chẳng khi nào đứng đắn đàng hoàng được.
Văn Chu Nghiêu: "Nói chung, nhường nhau mà sống."
Đêm đầu tiên trên núi Lâm Du ngủ cùng Văn Chu Nghiêu. Trước lúc ngủ cậu còn than thở thể nào mình cũng đánh nhau với Lâm Lập Dị, thở than trên núi thường cúp nước, với người ra khỏi phòng làm việc ngày tắm ba lần như cậu thật sự là không sống nổi, còn than trách Văn Chu Nghiêu mà đi là mình không còn ai để tâm sự.
Cứ lầm bầm lẩm lẩm mãi, đến khi tự bản thân mình ngủ quên.
Chỉ cần có Văn Chu Nghiêu ở bên là cậu lại nói rất nhiều.
Nửa đêm thì dùng hết tay chân quấn chặt lấy người nằm cạnh mà không hay biết gì.
Sáng hôm sau thức dậy thì gác cằm trên ngực anh cậu nhập nhèm nói: "Tối qua mơ thấy bị một bầy chó hoang đuổi, kết quả sau đó con hổ em khắc lúc sáng đột nhiên sống dậy, dùng dây trói tay chân em lại hô to 'Nghiệt súc, định chạy đi đâu hả!'." Cậu cụng trán vào lồng ngực Văn Chu Nghiêu, tự chọc cười bản thân: "Mệt chết luôn, chạy suốt cả đêm, nhất định là quả báo."
Văn Chu Nghiêu, người đã giữ chặt tay chân người ta suốt cả đêm: "..."
Anh đẩy cậu, "Dậy thôi, em bé nghiệt súc."
Tới lượt Lâm Du: "..."
Ăn sáng xong thì tiễn Văn Chu Nghiêu xuống núi.
Lạ thường là Lâm Du không nhai đi nhai lại bảo anh mình nhớ đến thăm thường xuyên.
Văn Chu Nghiêu mặc áo sơ mi trắng, đứng cạnh con đường mòn phủ trắng sương sớm, vẫy tay với đứa bé đứng cạnh cửa đang đưa mắt tiễn mình đi, "Đi đây."
"Anh!" Đột nhiên Lâm Du hô lớn gọi anh.
Văn Chu Nghiêu quay đầu trên đường mòn.
Lâm Du: "Chú ý an toàn."
Lâm Lập Dị chờ anh đi khuất rồi mới bước ra, nhìn nhìn đứa nhỏ bên cạnh rồi lên tiếng: "Không nỡ rời à? Từ từ sẽ quen thôi, gặp mặt rồi chia ly mới là lẽ thường của nhân gian."
"Thầy ơi, thầy nói chuyện nghe khó ưa thật đấy ạ." Lâm Du rời mắt khỏi con đường mòn, "Nhưng thầy nói đúng. Cuộc đời anh con thênh thang lắm, trời mới biết mấy cái thứ để đầy trong phòng thầy có lai lịch rõ ràng không, ở lâu lại làm vấy bẩn anh con."
"Anh đói đòn đấy à?" Lâm Đức An lớn tiếng, "Anh của anh là hoa sen trong đầm chắc? Không hôi tanh mùi bùn hả?"
"Dĩ nhiên, căn chính miêu hồng, xuất thân trong sạch."
Cho nên không thể để có một chút vấn đề nhỏ nào về bối cảnh của anh ấy.
Lâm Lập Dị: "Thế trong lòng có trong sạch không? Cứ bênh cho lắm vào đi, thể nào cũng có lúc anh được nếm mùi!"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.