Nữ Hộ

Chương 22: Thuyết thư




CHẲNG QUA CHỈ LÀ BỐN ‘CHÚC MỪNG’, ĐIỆU MỘT ‘CŨNG TỐT’ THÔI MÀ.
Con gái phạm lỗi có thể đánh mắng, còn mẹ làm sai, đánh không được mắng chẳng xong, chỉ được khuyên, được can. Đến cả Ngọc Tỷ còn biết thế, Tú Anh đương nhiên không dám ngông nghênh thách thức mẹ mình. May mà hồi xưa có Ngô gia thường xuyên đến quấy, Tú Anh đã nắm rất rõ tính tình của Tố Tỷ, giận một chập rồi thôi, cũng chẳng tới nỗi tức chết. Cứ vời Lâm lão an nhân sang uốn nắn Tố Tỷ, không cho bà tiếp xúc với người ngoài nữa.
Chẳng ai rõ tính con hơn mẹ, mái đầu bạc của bà Lâm, hơn phân nữa là từ Tố Tỷ mà ra cả. Thấy bà mãi mà không thông, dứt khoát hạ lệnh cố định: “Không cho nó ngoại giao nữa!” Lại nói với Tố Tỷ: “Vì cô mà cháu tôi phải thậm thụt e dè khi đi gặp nương tử nhà chủ bộ, tốn biết bao tiền của để tạ lỗi, cô vẫn là trẻ con hả? Lại còn để Tú nương phải nhọc lòng vì mình! Vụ nhà họ Ngô khi trước cũng thế, chúng nó vừa mở miệng, cô đã nóng lòng muốn biếu sạch sành sanh của ăn của để, chúng nó làm càn như vậy, đều là do cô nuông chìu mà ra đấy!”
Đáy lòng Tố Tỷ rất không phục, nhưng may cái là: Gan nhỏ, không dám cãi lại. Rầu rĩ cúi đầu, tay siết tràng hạt. Cơn giận của Lâm lão an nhân vì dáng vẻ lầm lì này của Tố Tỷ mà chẳng phát ra được. Chưa cần ai nói, nó đã ra vẻ chết lặng như thế, mình còn làm được gì nữa? Gắt quá thì nó khóc, cũng chẳng đáp tiếng nào. Đòn tay của Lâm lão an nhân nện xuống bị bông, trái lại khiến bản thân tức điên lên được.
Tú Anh bồi tội ở chỗ Hà thị, cuối cùng đã về. Hà thị cũng bảo: “Em đừng nghĩ nhiều, hai năm qua lại, em là người thế nào, ta lại không biết ư? Tài sản riêng, nên để dành kha khá cho Ngọc Tỷ mới phải. Nhà ta, chỉ cần lão quỷ kia còn đây, thể nào cũng dễ thở hơn nhà em vài phần. Nhưng đúng là lệnh đường quá hiệp nghĩa rồi.” Khiến Tú Anh đỏ cả mặt, chẳng dám nói gì.
Về đến nhà, Tú Anh liền bàn bạc cùng Trình lão thái công và Lâm lão an nhân: “Thường ngày mẹ cháu nhàn rỗi quá, chi bằng kiếm vài thứ cho bà giải khuây, đỡ phải sinh chuyện.” Bà Lâm mới hỏi nên làm thế nào. Tú Anh đáp: “Cháu đi vời hai nữ tiên sinh biết đàn hát về, kể chuyện muôn vẻ phố phường, ân oán tình thù, có muốn khóc thương, cứ khóc thương trong nhà mình là được. Cứ cách dăm ba ngày lại kể một chuyện, chẳng qua cũng chỉ vài mạch tiền. Chỉ e quấy nhiễu sự học của Ngọc Tỷ.”
Ông Trình nói với bà Lâm: “Dưỡng bất hiếu, phụ chi quá*, lúc nhỏ không mong nó định môn lập hộ nên lơ là dạy dỗ, cũng là lỗi của bà và tôi. Nó cũng gần bốn mươi rồi, cái tính này đã không sửa nổi nữa. May mà không thích chạy long nhong, chẳng gây chuyện lớn. Nhưng nhốt mãi trong nhà thì chẳng khác nào ngồi tù cả, tôi thấy mà đau lòng. Làm theo lời Tú nương là được. Chỗ Ngọc Tỷ không phải ngày nào cũng cần nghe giảng, cách vài ngày khéo bảo nó ra ngoài xông xáo, trông thế thái nhân tình, cái nhà này, e rằng sau này phải giao vào tay nó rồi, nên hiểu chuyện từ nhỏ thì hơn.”
[*Con hư tại cha.]
Bà Lâm lập tức sai mụ Ngô tìm hai nữ tiên sinh đàn hát đến nhà kể chuyện giải khuây cho Tố Tỷ.
Tố Tỷ trước giờ là người không kềm được cảm xúc, bụng không ưng liền đến trước mặt cha mẹ và con gái khóc một trận, than một hồi Thanh Nhi là “hồng nhan bạc phận”, rồi bảo: “Con ăn chay niệm Phật, nào cần nghe những chuyện xô bồ đó?” Sau đấy, Tú Anh vẫn cứ gọi hai người kia đến nhà, bà thế mà không đuổi ra ngoài, trái lại còn cắn hạt dưa, uống trà thơm nghe nữ tiên sinh gảy đàn tam huyền tỳ bà, kể mấy khúc chuyện đại loại như “Công tử gặp nạn đậu trạng nguyên, trộm hẹn ước sau vườn hoa”.
Lúc Tố Tỷ còn thiếu nữ thì bị bà Lâm quản rất chặt, không cho nghe mấy cốt truyện này, giờ đến tuổi trung niên, được thưởng thức thì thấy khá là mới mẻ. Hai nữ tiên sinh dựa vào ngón nghề này để kiếm sống, lúc đến cúi đầu vái trước, sau đó thì tâng bốc Tố Tỷ xinh như một đóa hoa: “Thật là an nhân ạ? Chúng tôi còn cho rằng là tiểu nương tử nhà này đấy, dịu dàng điềm đạm thế này.” Sau đó mới kể chuyện.
Bên này Tố Tỷ bị hớp hồn bởi hai người nọ, bên kia Hà thị dùng mọi cách để giày vò Thanh Nhi, cuối cùng bới lỗi mà bán tống đi thật xa. Thanh Nhi hoảng hốt, sợ Hà thị bán mình đến chỗ nghèo chốn khổ, muốn đến cầu cứu Tố Tỷ, chẳng ngờ chủ nhân nhà họ Trình nào phải Tố Tỷ, thông tin chưa đến được chỗ bà đã bị ém xuống. Thanh Nhi đi một bước ngoái đầu ba lần, lúc bị bán đi, Tố Tỷ còn đang nghe chuyện “Duyên nợ kiếp trước”.
Đến khi bà nghe được phong thanh, Tú Anh mới nói: “Giữ lại sợ mâu thuẫn, đưa ả về quê của chủ bộ rồi.” Tố Tỷ cân nhắc một hồi, tuy phải xa chủ bộ nhưng Thanh Nhi cuối cùng cũng đã chẳng còn bị chủ mẫu ức hiếp nữa, thở dài thương tiếc một bận rồi thôi, chỉ thỉnh thoảng nghe nữ tiên sinh gảy tỳ bà, lại nói: “Không hay bằng Uyển Khanh.”
•••••
Vì chuyện của bà cố ngoại mà Ngọc Tỷ cứ cách vài ngày lại được ra ngoài một bận, khi thì Trình Khiêm dắt, lúc lại Tú Anh dẫn, Tô tiên sinh cũng khá hứng thú với phong tục tập quán của Giang Châu, thường đi theo. Trình Khiêm thường dắt bé vào quán trà, cửa hàng hoặc kho hàng, dạy bé một vài chuyện về sản nghiệp của gia đình, cho bé nếm trải đôi phần vất vả. Tú Anh thì dẫn bé đến những nơi đại loại như cửa hàng nhà mình, cho đám nhân công biết gia đình chủ nhân có một tiểu thư là đây.
Tô tiên sinh thường đi theo sau, một mực nghe nhìn rồi âm thầm khắc ghi cuộc sống phố phường nơi đây mà không chen lời, chỉ thỉnh thoảng gặp cảnh tranh giành chợ búa mới quay sang nhắc Ngọc Tỷ, không được quá cố chấp: “Ham món lợi nhỏ để vuột mất toàn cục, đáng thương.”
Căn cứ theo lời dạy của thầy mình, Ngọc Tỷ lại giải thích nó bằng một cách khác: “Mánh khóe chỉ lợi được một lần, mất danh dự, người bất tín, sự khó mà lâu dài.”
Tô tiên sinh lại phải nhắc bé: “Bàn chuyện cùng người, chớ quá thẳng thắn.”
Ngọc Tỷ lè lưỡi: “Con đang bàn với thầy mà, đã vẽ đường lại còn than hươu chạy, bẽ mặt chưa kìa.”
Tô tiên sinh đỡ trán: “Chả cãi nổi trò, trò sang đây, ta giảng vần cho mà học.”
Ngọc Tỷ ngoan ngoãn bước sang nghe Tô tiên sinh giảng bài.
Xưa nay, đất càng rộng thì tiếng địa phương càng nhiều, chỉ cách một con sông thôi đã phải đoán mới biết người bên bờ nọ đang nói cái gì. May mà còn tiếng quan thoại và “Sách đồng văn”*, chưa đến nỗi ông nói gà bà nói vịt. Khi dạy Ngọc Tỷ, thầy Tô đã dùng tiếng và vần quan thoại như vậy đấy, quan thoại vốn lấy khẩu âm đất Bắc làm chuẩn, đất Giang Châu ở phía Nam, người chốn này mà nói tiếng ấy, mười chữ hết chín đã nhiễm giọng địa phương. Tô tiên sinh cũng sợ Ngọc Tỷ phát âm trại chữ. Cũng không ngờ rằng uốn nắn từ nhỏ thì cái gì cũng dễ sửa gấp trăm lần đã trưởng thành.
[*Là sách chú giải chữ viết, ví như một chữ nhiều cách viết khác nhau sẽ được liệt kê ra.]
Chẳng đến bao ngày, Ngọc Tỷ không những nói nhuần nhuyễn tiếng quan thoại mà ngay cả việc dùng từ cũng khác với bọn Tú Anh, hưởng ké được một tý khí chất nho nhã của Tô tiên sinh. Không khỏi khiến Tú Anh rầu rĩ: “Học tiếng phổ thông cũng tốt, ra ngoài đàm luận với người khác khỏi phải luống cuống, còn có thể dọa dẫm họ. Chỉ sợ nhiễm tật giả đau giả yếu, lúc nói chuyện với hàng xóm cũng trưng cái vẻ trưởng giả này ra, chẳng phải lại tạo dịp cho họ chê cười?” Bèn khuyên Trình Khiêm rảnh rỗi thì dắt con bé dạo phố dạo phường nhiều hơn, để nó nhuần nhuyễn cả tiếng phổ thông và tiếng địa phương.
Ngược lại, Trình Khiêm nghe bảo con gái học tiếng, mỗi khi trò chuyện cùng bé thì dùng quan thoại nhiều hơn. Song, nghĩ lại thì Tú Anh nói có lý, dù sao Ngọc Tỷ đang sống ở Giang Châu, cũng phải đến khi trưởng thành thì mới cần dùng đến tiếng phổ thông. Bèn bẩm với Trình lão thái công: “Đọc sách chỉ để tăng tri thức, nhưng ‘đóng cửa chế xe’ không phải việc hay, có biết bao người thông minh, chỉ vì nhốt mình mãi trong thư phòng mà thành ra ngờ nghệch, không hiểu sự đời, bị lừa mà chẳng biết.” Trình lão thái công đáp: “Cháu cứ dắt nó ra ngoài, trước nay cháu đều có chừng mực, ông không nhiều lời nữa, đi sớm về sớm nhé.”
Trình Khiêm dạ một tiếng rồi đưa Ngọc Tỷ đi, cứ nhắm chỗ nhiều người mà đến, quán trà đúng dịp đông vui, lại còn đang nghe xướng khúc. Tiên sinh đàn hát đang kể tới chuyện “Công tử gặp nạn đậu trạng nguyên, trộm hẹn ước sau vườn hoa”. Ngọc Tỷ nghe xong, cười ngã cười nghiêng. Trình Khiêm gõ mũi bé: “Con cười cái gì?”
Ngọc Tỷ khẽ đáp: “Vị tiên sinh này gạt người ạ.”
Trình Khiêm nói: “Con lại nghịch ngợm rồi.”
Ngọc Tỷ chun mũi, gạt ngón tay đang để trên mũi mình của Trình Khiêm xuống: “Có đâu ạ. Con nghe thầy Tô nói, từ khi khai triều đến nay, tổng cộng có ba mươi mấy trạng nguyên, già thì bốn năm chục tuổi, trẻ cũng phải ngoài ba mươi, đều làm ông nội ông ngoại cả rồi. Trên đời, anh tài há nhiều đến thế? Không khổ học mấy chục năm, sao có thể đứng đầu? Bảo là thám hoa con còn tin một chút, nhưng thám hoa cũng phải ngoài hai mươi rồi.” Bé vẫn còn nhỏ, vẫn mù mờ chuyện nam nữ, nhưng lần trước nghe Tú Anh mắng Lục thị, biết rõ thế nào là “tuổi tác và diện mạo tương xứng”, muốn bàn chuyện hôn nhân thì hai bên phải xấp xỉ nhau mới ổn.
Trình Khiêm ngạc nhiên, thật lâu sau mới bế Ngọc Tỷ lên: “Con gái yêu của cha, không dễ bị người ta bắt nạt đâu nhé!”
Ngọc Tỷ giơ tay vỗ má Trình Khiêm: “Đương nhiên. Cha của con cũng không chịu thiệt đâu, phải biết đây là cha của ai chứ.”
Trình Khiêm cười mà run tay, suýt nữa đã để Ngọc Tỷ rơi xuống đất: “Đi thôi, về nhà, trễ chút nữa mẹ con lại rầy. Đừng nói với mẹ hôm nay mình đã nghe kể chuyện gì nhé, chỉ bảo ra ngoài thăm thú phồn hoa là được.”
Lời chưa kịp dứt đã nghe ngoài đường ồn ã một chập, Trình Khiêm bế Ngọc Tỷ ghé cửa sổ quán trà nhìn ra ngoài, chỉ thấy mười mấy chiếc xe xếp thẳng chạy ngang quán. Đúng dịp ầm ĩ, không cần hỏi thăm đã có người sốt ruột lên tiếng rôm rả: “Ấy là nhà họ Dư vừa mới vào thành hử? Tài sản nhà họ phải đến bạc triệu, thương gia bình thường cũng chẳng sánh nổi họ đâu. Có tiền có thể sai ma khiến quỷ, đừng có xem thường thương nhân nhà người, đổ tiền cho con cháu bần hàn cùng tộc dùi mài kinh sử, có đứa cháu đậu tiến sĩ, ngồi vững cái ghế huyện lệnh rồi đấy. Cũng xưng huynh gọi đệ với nhà quan, mình thì có tiền mua ruộng mua đất, hay cho một tiếng đại tài chủ! Chỉ vì Giang Châu mình đây đất đai phì nhiêu nên chuyển cả nhà đến sống, năm ngoái đã mua một khu nhà lớn, sửa sang mất nửa năm, long cung còn chẳng quý bằng. Con gái lớn nhà họ đã gả cho một vị quan, cô thứ hai chắc theo đến đây, nhưng chả biết ngồi trong chiếc xe nào… Người đang cưỡi ngựa chắc là con trai lớn nhà họ nhỉ? Tuấn tú quá chừng…”
Trình Khiêm biết nhà họ Dư này, ở Giang Châu cũng có rất nhiều cửa hàng, thuyền bè vận tải của họ, quả thực là một nhà đại phú. Nhưng không liên quan gì đến việc làm ăn buôn bán của Trình gia, Trình Khiêm nghe chơi vậy thôi, bế Ngọc Tỷ về nhà.
•••••
Nữ tiên sinh đàn hát vẫn chưa rời khỏi nhà họ Trình, vì hôm nay có Tú Anh, nữ tiên sinh cũng lanh lợi, không tấu mấy chuyện tình duyên này nọ mà kể vài mẩu chuyện cười, khiến người vui vẻ.
Lúc Trình Khiêm bế Ngọc Tỷ bước vào, cả Trình lão thái công, Lâm lão an nhân và Tô tiên sinh cũng đang ngồi đó thưởng thức. Nữ tiên sinh bỡn cợt trí thức: “Nghe đồn có một tên quan, từ nhỏ tới lớn mười năm khổ học, đọc sách, trúng cử, Quan gia thấy gã có tài, phong làm huyện lệnh. Lúc gã tại chức, sai dịch nha môn láu cá, thường không thừa lệnh. Quan giận, nói ‘Không nghe lời, ta hỏi tội, ngươi muốn nhận đánh, hay thích chịu phạt?’ Sai dịch hỏi lại ‘Quan à, đánh thì sao? Phạt lại thế nào?’ Quan đáp ‘Nhận đánh, ta cho ngươi hai mươi trượng, chịu phạt, phạt ngươi ăn hết hai cân thịt ba chỉ’…”
Nữ tiên sinh chưa dứt lời, cả phòng đã cười rộ lên, Tú Anh hỏi: “Chắc gã quan này ăn thịt mỡ đến chán chê rồi, cho rằng ăn nó là một kiểu trừng phạt?”
Nữ tiên sinh cười đáp: “Đúng ạ đúng ạ, lại chẳng ngờ nhà nghèo chỉ được ăn thịt dăm ba lần vào ngày tết, ấy là thưởng rồi.”
Thầy Tô nghe mà đen cả mặt, ông Trình bắt đầu cho rằng để Ngọc Tỷ hiểu đời hiểu việc là một chuyện hay.
Nữ tiên sinh thấy Trình Khiêm bế Ngọc Tỷ bước vào, nhìn quần áo của cả hai bèn biết đấy là chủ nhân, vội ngừng lại, không nói tiếp nữa. Ngọc Tỷ chào từng người, chỉ đợi Tú Anh hỏi: “Hôm nay thấy được những gì?” thì đáp: “Thấy một gia đình lớn vừa chuyển đến ạ.” Trình Khiêm bèn kể lại chuyện nhà họ Dư. Ông Trình nói: “Nhà họ năm rồi cũng từng mướn kho hàng của mình, nên gửi cho tấm thiếp.”
Trình Khiêm vâng lời.
Nữ tiên sinh nghe Trình Khiêm nói đến Dư gia, lại đề cập tới con gái nhà họ, lại nghĩ đến chuyện Trình gia chỉ có một bé gái, bèn muốn nịnh đầm kiếm lợi, cười nói: “Cũng đã muộn rồi, cả ngày hôm nay quấy quả quý phủ, thiếp kể thêm một câu chuyện rồi thu dọn ngay đây, cứ xem đây là chuyện trà dư tửu hậu.”
Bà Lâm bèn lắng tai nghe. Nữ tiên sinh gảy đàn tam huyền hai cái, rồi mới cất lời:“Chuyện rằng Trương công nghe tin nhà Lý công vừa thêm một đứa cháu trai, bèn đến chúc mừng. Tới Lý gia, vừa nói ‘Chúc mừng’, Lý công đã đáp ‘Là cháu gái, không phải cháu trai.’ Trương công nói ‘Cũng tốt’. Chẳng ngờ ngoài cửa có một cỗ kiệu lớn bốn người khiêng, bên trong là một quý phu nhân, Trương công Lý công đều ngóng ra bên ngoài. Lý nương tử nói ‘Có gì hay mà nhìn? Chẳng qua chỉ là bốn ‘chúc mừng’, điệu một ‘cũng tốt’ thôi mà’. Bàn về giàu sang thì chẳng phân nam nữ, bé con nhà mình xinh đẹp như thế, lại có phúc tướng, sớm muộn gì cũng hiển vinh.”*
[*Dành cho những bạn chưa hiểu: Trong câu chuyện trên bày tỏ ý trọng nam khinh nữ của hai ông bạn Lý Trương, là trai thì “chúc mừng”, còn gái thì “cũng tốt”, bà Lý mượn hình ảnh bốn kiệu phu (nam) khiêng một quý phu nhân (nữ) để mỉa mai họ.]
Nữ tiên sinh kể mà khiến cả nhà họ Trình bật cười, Tố Tỷ lại thưởng cho cô ta một hộp trái cây. Chẳng ngờ Tú Anh khi ấy cười, đến đêm nghĩ lại, càng nghĩ càng sầu, cơm không nuốt, ngủ cũng chẳng yên, chốc thì nghĩ con gái nhà mình ổn nhất, chốc lại cho rằng phải có con trai. Mấy ngày không yên, Trình Khiêm thấy nàng nóng tính, sợ ngày hè nóng nực, gọi thầy lang đến chẩn mạch, kê vài đơn thuốc tiêu nhiệt.
Ai ngờ thầy lang vừa sờ mạch đã hô lên: “Chúc mừng.” Thì ra Tú Anh thế mà có thai thật, cả nhà họ Trình vui mừng, thầy lang được thưởng hai xâu tiền, cũng rất vui vẻ. Để lại đơn thuốc bảo vệ thai nhi, dặn: “Đừng làm việc nặng hay hao tổn tinh thần.” rồi cầm tiền rời đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.