THÂN THỊ NGHE NGƯỜI TA NÓI, MỚI NẢY RA Ý ĐỊNH.
Nghĩ lại thì cuộc đời này của Hồng Khiêm, trước hai mươi tuổi chưa bao giờ cố gắng học hành, ghét nhất hạng mở mồm ra là nhân nghĩa đạo đức, vì thế đã gây ra không biết bao nhiêu rắc rối. Ngoài hai mươi bắt đầu đi ở rể, càng hết đường đi thi. Vốn chưa từng để tâm học hành, thậm chí đến cả những người đọc sách Thánh hiền, chàng cũng chẳng ưa gì họ. Từ lúc chui ra khỏi bụng mẹ, Hồng Khiêm chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ có một ngày mình khăn gói đi thi, đừng nói gì đến chuyện thi đỗ. Cho đến ngày cụ Trình dụ được thầy Tô về nhà.
Hồng Khiêm chưa từng nghĩ rằng cụ Trình lại đặt nhiều kỳ vọng vào mình đến như vậy, mới đầu ở lại Giang Châu ngoan ngoãn chăm vợ nuôi con, không bỏ rơi, càng không phá của, cũng có thể xem như là người tốt. Nhưng con gái ngày một lớn, chẳng thể nào lại bắt con kén rể như mẹ nó. Đã phải đi kén thì rể cũng chẳng phải hạng tốt lành gì, phụ nữ quý vì chồng, quyền hạn bao trùm chỉ là một cách nói thôi, nếu gặp loại chồng vô năng nên buộc phải quản lý gia nghiệp, thì đấy lại là chuyện bi kịch. Thế cho nên Hồng Khiêm cũng có ý cố gắng, nhưng mục tiêu nhắm đến không phải là khoa khảo, mà chỉ là chăm chỉ làm ăn phát tài thôi.
Ai ngờ cụ Trình đã quyết tâm, trước khi qua đời dù có sửa khế ước lại cũng phải bắt chàng sớm đi thi thử? Cụ Trình quả thật có ơn với Hồng Khiêm, chẳng những giữ chàng ở lại mà còn bồi dưỡng, khiến chàng biết được rằng trên đời này thực sự có những người đàn ông không phải kẻ đạo đức giả, lại còn quản gia giỏi. Thêm có Tô tiên sinh ở đây, Hồng Khiêm quyết định cược một ván, vậy mới có chuyện ôm sách đi thi.
Chẳng ngờ thi lần ấy lại đỗ tú tài, mắt thấy quá trời ích lợi, lại vì phải lăn lộn giữa trần đời, biết được rằng không có thân phận thì khó làm được gì, bèn quyết chí nẫng một chức quan, có được cái vai vế rồi thì, dù là giao thiệp với người khác hay cưới gả con cái, đều dễ cầm đằng chuôi hơn dân đen bình thường.
Từ khi đậu tú tài, Hồng Khiêm cũng hơi lấy làm đắc ý, tuy thầy Tô bảo thi cử nhân không dễ như thi tú tài, chàng lại lờ đi, không mong mình được đầu bảng, cho rằng làm đại cho qua, có tên trên bảng là chuyện dễ. Có liệu được rằng mình sẽ rớt cử nhân đâu. Dù ngoài miệng bảo không để ý, nhưng hai chữ “thắng thua”, một khi đã bàn đến, thì nào có chuyện không quan tâm tới.
Lúc yết bảng, Hồng Khiêm rớt, tuy chàng không uể oải, sa sút tinh thần như vợ con, nhưng cũng có đôi chút không vui, nhưng dù mặt mày có sa sầm thì vẫn lên phố xuống chợ như thường, còn sai tôi tớ tặng lễ chúc mừng những tú tài cùng khóa đã đậu cử nhân, rồi đi ăn uống chè chén, nhưng không để mình say. Lúc về nhà mới tiện tay xách theo bầu rượu, tự vào thư phòng độc ẩm, rượu gặp khổ tâm, no say bèn ngủ. Lúc thầy Tô tìm đến, cả phòng đã nồng nặc mùi rượu.
Thầy Tô cũng từng uống rượu trong thư phòng rồi, nhưng đấy là yến ẩm cùng một hai người bạn tri kỷ, trước song chuyện vãn, văn thơ nhắm rượu, phong nhã thích ý biết bao. Cũng từng say, nhưng là kiểu “Ngã túy dục miên quân thả khứ, Minh triêu hữu ý bão cầm lai”*, nào đã từng bí tỉ như Hồng Khiêm bây giờ? Đẩy cửa ra, mũi chưa kịp hít, hơi rượu đã ập thẳng vào mặt. Thầy Tô đi vào mấy bước, trông thấy bộ dạng suy sụp mượn rượu giải sầu này của Hồng Khiêm, không kìm nổi cơn giận từ tận đáy lòng.
[*Trích trong thơ “Trong núi uống rượu cùng người ẩn dật” của Lý Bạch, laiquannam dịch thơ: “Mình say! Cứ việc… chờ chi, Sáng mai có ý! Gùi đi cây đàn.”]
Tuy ngoài miệng không thừa nhận, nhưng Hồng Khiêm vẫn khắc ghi mấy câu dạy dỗ của thầy, Tô tiên sinh thực sự không muốn thấy cái kiểu ngu xuẩn mất chí khí này. Không buông lời mà cười lạnh vài tiếng trước, đứng ngoài cửa chờ mùi rượu đầy phòng vơi bớt, mới lại khoan thai bước tới trước mặt Hồng Khiêm.
Hồng Khiêm say rượu, đầu đã ong ong, vừa nghe điệu cười âm trầm thong thả của Tô Trường Trinh, hai bên huyệt thái dương đã như rút cả lại, biết tỏng một khi Tô Trường Trinh lên tiếng, thì chắc chắn chẳng một lời dễ nghe. Mà vị Tô tiên sinh này, từng dạy dỗ Thiên tử, từng nhậm chức ngự sử, từng đảm chức khảo quan, đã qua lục bộ, cái khác không bàn, chỉ dựa vào mỗi một cái mồm thôi đã ép Thái tử tới độ muốn thắt cổ tự tử, đủ thấy Thái tử hiền hậu thế nào, công lực của thầy mạnh ra sao. Với cả những người làm ngự sử, trước nay mắng mỏ người khác một cây, muốn mắng thế nào thì mắng thế ấy, chỉ dựa vào tâm trạng thôi. Quyết mắng mười tám đời tổ tông của bạn, sẽ chẳng có chuyện mới mắng tới đời thứ mười bảy đã ngừng. Quyết mắng lịch sự nhã nhặn, thì sẽ không nói quá thẳng quá thật. Quyết lột da bạn, sẽ không chừa đường lùi.
Loạng choạng bò dậy trên giường nhỏ, khi ấy đã sang thu, trời hơi lạnh, đóng cửa thì không sao, thầy Tô lại đẩy cửa đi vào, hơi lạnh bên ngoài ùa vào theo, Hồng Khiêm tỉnh táo lại đôi phần. Đến khi mùi thối trong phòng tản bớt, Hồng Khiêm khụt khịt mũi, ngửi thấy mùi mục nát đã lâu không ngửi thấy —– Đúng là rất khó chấp nhận.
Khép hờ mắt, Hồng Khiêm mặt mày bơ phờ, tựa vào đệm mềm, người nhũn như bãi bùn, ngồi không ra ngồi.
Thầy Tô không trông thấy thì thôi, vừa thấy thì không cười lạnh nữa, chân tung một cú, mắng: “Ngươi bắt chước Vũ Hương Hầu, Nằm ngủ không nháy mắt*, chẳng hay có tài cán như Vũ Hương hầu không? Lý Bạch đấu tửu thơ trăm bài, Trương Tam chỉ biết chè chén chửi chợ mắng phố! Bắt chước người ta say rượu, sao không học người ta làm thơ?”
[*Vũ Hương Hầu là Gia Cát Lượng Khổng Minh, câu thơ trên nguyên là “Cao miên ngọa bất túc” trích từ bài “Trời xanh như tấm lọng tròn” của ông.]
Hồng Khiêm chỉ thấy đầu đau như muốn nứt ra, vốn định tắm rửa gọn gàng, thay quần áo sạch, uống bát canh giải rượu rồi hưởng thụ lời an ủi dịu dàng của vợ đẹp con ngoan. Giờ thì hay rồi, cả người hôi rượu, áo quần bẩn thỉu, miệng mồm chưa súc, lại rước lời chửi mắng. Tuy thầy Tô chưa từng nhận lễ bái sư của chàng, nhưng mấy năm nay quả đã dạy dỗ roi vọt tận chức tận trách, chàng không thể cứ như thuở thiếu thời, một câu không hợp liền trở mặt với người ta, chỉ đành đen mặt nghe mắng.
Thầy Tô một khi đã bắt đầu thì không chịu thôi: “Lười biếng thế kia, mặt trời lên cao ba sào còn không chịu dậy, ngươi muốn thế nào? Thi rớt một lần, liền sup sụp nản lòng, chí khí của ngươi bị chó nuốt rồi hả?” Mấy năm nay thầy lăn lộn phố phường, học được không ít câu dân dã, giả mà còn cơ hội quay về kinh sư làm ngự sử, không biết lại có thêm mấy người chịu nạn đây.
Hồng Khiêm dẫu sao cũng đã bươn chải kiếm sống nhiều năm, không khỏi động não: “Đã không thể đánh Tô tiên sinh, lại không muốn nghe lời càm ràm của thầy ta, chỉ còn cách ngoan ngoãn đứng dậy, dọn dẹp gọn gàng, cùng lắm thì nhẹ nhàng nhận lỗi, vậy mới mong Tô tiên sinh khép mồm. Đúng là có tuổi thì mềm lòng, nếu còn trẻ thì ai lại dám bước đến trước mặt chàng giảng đạo như vậy, còn không đập cho con chim già lắm mồm này bầm tím mặt mày rồi vứt thẳng ra ngoài mới lạ.
Cân nhắc thấu suốt, Hồng Khiêm bèn nhảy xuống khỏi giường nhỏ, vì say rượu nên đầu còn choáng váng, mắt chợt tối sầm, suýt nữa thì đứng không vững. Cuối cùng vái chào thật thấp, mặt mày nghiêm chỉnh: “Thụ giáo rồi.” Chàng hiểu nếu nói chuyện với loại người gọi là chính nhân quân tử như thầy Tô, bạn càng nói càng sai, chi bằng câm miệng rồi ra vẻ đã lĩnh ý, thầy ta mới bớt lại một hai câu. Kệ thầy ta có biết mình giả bộ hay không, chỉ cần chú ý đôi phần mỗi khi đứng trước mặt thầy, thầy sẽ không làm khó bạn.
Tuy Hồng Khiêm không thích vị Tô tiên sinh này, nhưng cũng biết những điều thầy nói là những gì thầy thực sự nghĩ trong lòng, không phải hạng “Đạo đức giả”. Ngày càng già, với loại người này chàng cũng cho một tí ti kính trọng, không trêu ghẹo người ta.
Thầy Tô ngơ có ngơ thật, nhưng không dễ bịp, thấy điệu bộ của Hồng Khiêm, thực sự không dám tin chàng một lòng hướng thiện. Tuy thấy chàng đối xử tử tế với vợ con, chăm sóc gia đình vợ, nhưng thầy Tô không phải mít đặc, như vụ nhà họ Dư năm xưa, vụ nhà họ Triệu gần đây, thầy cũng nhận ra đôi điều, dù không có chứng cứ xác thật, song luôn cảm thấy Hồng Khiêm lòng dạ đen tối, thủ đoạn độc ác. Biết lúc này đây chàng còn làm được đến nước này, cũng là đã kiềm nén, bèn không mắng nữa, chỉ rầy: “Áo mũ không ngay, còn ra thể thống gì? Đàn ông đàn ang, cứ để vậy mà ra ngoài, không sợ người nhà lo lắng à?”
Hồng Khiêm cũng lặng lẽ chịu đựng, không đốp lại rằng: Nếu thầy không tới thì ta đã chải chuốc gọn gàng, sạch sẽ thơm tho rồi. Thầy cũng ôm đồm ghê cơ!
•••••
Hôm trước, Tú Anh đã biết Hồng Khiêm ngủ lại thư phòng, biết chàng không vui nên không dám đến quấy rầy, chỉ dặn Bổng Nghiên vác chăn đệm đến cho Hồng Khiêm đắp, sáng sớm đã bảo mợ Viên xuống bếp nấu nồi cháo cá, chờ Hồng Khiêm dậy rồi ăn. Sáng thức dậy, khi rửa mặt nghe bảo Hồng Khiêm còn chưa dậy, lại sai đun nước để lúc chàng dậy có cái mà rửa. Không ngờ đến khi Ngọc Tỷ tới dùng bữa sáng, Hồng Khiêm vẫn chưa đến.
Tú Anh không khỏi băn khoăn: “Chỉ e cha con không thoải mái, sợ rằng mấy ngày sắp tới sẽ luôn khó chịu, rượu uống mà đọng lại trong dạ, phải tìm cách bức ra ngoài mới khỏe nổi.” Ngọc Tỷ học được đôi chút kiến thức y dược từ chỗ thầy Tô, nhưng bây giờ vẫn chỉ lõm bõm vài điều, nhưng cũng biết cái gọi là “Ứ đọng trong lòng”, nói: “Không phải chứ? Mấy ngày trước cha vẫn ổn mà.”
Tú Anh chau mày: “Con nít con nôi, sao mà hiểu được? Không đỗ tất sẽ không vui.”
Ngọc Tỷ thấy Tú Anh cũng đang rầu rĩ, bèn an ủi: “Lúc cha đi thi, thầy Tô cũng đã nói đôi câu về chuyện thi cử với con, cha như thế, cũng đã khá thuận buồm xuôi gió. Nếu cha không vui thật, chi bằng nhờ thầy Tô khuyên giải vài lời? Hai người họ tuy thường móc mỉa nhau, nhưng chẳng ai có ác ý cả.” Tú Anh nghĩ thấy đúng, bèn bảo: “Cũng phải, giờ chắc thầy cũng dùng bữa rồi, chúng ta ăn nhanh lên, đến nhờ thầy nói vài câu.”
Mẹ con hai người hớp vội bát cháo, thu xếp chỉnh tề rồi đến tìm Tô tiên sinh, không ngờ thầy đã đến thư phòng. Tú Anh Ngọc Tỷ muốn nghe lén, lại sợ Hồng Khiêm xấu hổ, Tú Anh bèn dắt Ngọc Tỷ đi ôn bài. Thường ngày Ngọc Tỷ học ở trong sân nhà thầy Tô, Tú Anh dắt Ngọc Tỷ, vừa đi vừa hỏi: “Thầy con nói thế nào, con thuật lại mẹ nghe.”
Ngọc Tỷ cười thưa: “Con không nói thì chẳng nhẽ mẹ không biết à? Chỉ nhìn khắp thành Giang Châu này thôi, từ lúc bắt đầu đi thi, có nổi một, hai người dọc đường chẳng chút trắc trở không?”
Nếu gom tiến sĩ cả thiên hạ này lại mà xét, từ đầu tới cuối chưa từng thi rớt, từ đồng sinh đỗ một mạch đến tiến sĩ, một trăm chưa được hai, ba người. Thỉnh thoảng có người giễu “Không rớt tú tài”, nhưng họ lại không biết có bao nhiêu người không vượt qua được kỳ thi ấy, có thể từ đồng sinh trở thành tú tài, đã là chuyện không dễ. Phải biết người thời ấy đọc sách, phần lớn là bắt đầu từ khi còn nhỏ, học hành mười năm, tuổi đời chưa đến hai mươi thì đi thi tú tài, nếu thuận lợi, xuân năm ấy đỗ tú tài, thì mùa thu lại thử sức với đề cử nhân, nếu vẫn đỗ, mùa xuân năm sau sẽ vào kinh thử sức xem có thể đậu cả tiến sĩ không, thi hội xong, Quan gia sẽ đích thân ra đề kiểm tra tiến sĩ. Cả quá trình không tới hai năm, khi ấy vẫn chưa quá hai mươi tuổi. Nhưng trí thức khắp thiên hạ, ở tuổi tam tuần mà đỗ tiến sĩ đã là người tài. Bốn mươi mà đậu thì cũng chưa gọi là quá trễ, còn như đến già vẫn phải dùi mài kinh sử, cũng không phải là ít. Hồng Khiêm tuổi mới tam tuần, lần đầu đi thi đã đỗ tú tài, không thể gọi là long đong.
Tú Anh, Ngọc Tỷ chờ trong lớp học ở sân nhà thầy Tô chẳng mấy lâu, Hồng Khiêm đã thay áo mới, rửa ráy xong, tóc tai cũng chải gọn gàng, giắt khăn, đi cùng thầy đến. Tú Anh thấy chàng hơi bí xị, lại bắt đầu lo lắng. Vì không tiện ở lâu, Tú Anh thưa chuyện với thầy: “Ngọc Tỷ đã cơm chỗ tôi, tôi đưa cháu đến, không thấy thầy đâu, bèn ở lại chờ với cháu,” Lại hỏi Hồng Khiêm, “Vội gặp thầy luận đạo đến thế cơ à? Dùng bữa sáng chưa?”
Hồng Khiêm chỉ qua quýt uống một chén trà, ăn hai miếng điểm tâm, nhưng vẫn gật đầu bừa: “Ăn rồi.”
Tú Anh đưa mắt ra hiệu cho Ngọc Tỷ, Ngọc Tỷ gật đầu, nếu thấy sự tình không ổn thì phải đứng giữa khuyên can.
Tú Anh bèn trở về chăm Kim Ca, Kim Ca mới học nói, vì nhóc biết nói trễ, Tú Anh lúc nào cũng sợ nhóc bị khờ, cứ rảnh là bồng lên dạy nói. Thầy Tô lướt mắt qua đã thấy cặp cha con đứng trong phòng, hắng giọng một tiếng: “Vào học thôi.” Thầy trò ai về chỗ nấy. Thầy Tô giao bài tập cho Ngọc Tỷ trước, bảo bé chép lại rồi học thuộc lòng. Lại không giao bài cho Hồng Khiêm, bảo: “Đầu tiên phải rèn chữ lại đã, không viết được chữ thì đừng mong đi thi nữa.”
Ngọc Tỷ đang cúi đầu chép bài, nghe thế bèn ngẩng đầu lên, mặc kệ cây bút trong tay, hỏi thầy Tô: “Sao cha con lại không biết viết?”
Thầy Tô liếc: “Thế này mà cũng gọi là biết viết á?”
Ngọc Tỷ đáp: “Đẹp hơn chữ con nhiều.”
“Nó cũng già hơn trò nhiều. Nhìn thì ngay ngắn, thực ra thì không phải thế, có thể nhận ra lúc trẻ chưa từng chuyên tâm rèn giũa, bây giờ đợi nước tới chân mới nhảy!”
Ngọc Tỷ chun mũi, thầy Tô không để bé nói tiếp nữa mà bắt đầu bàn sang chuyện khoa khảo kỳ này: “Người ta thường bảo văn không ai là giỏi nhất, thể nào trong những người thi rớt cũng có chân tài thật học, lại không biết rằng khi đem ra so sánh, sẽ luôn có chỗ không bằng người đỗ. Ví như trước mắt, có bao nhiêu tú tài đậu nổi cử nhân? Rớt thì chết à? Làm người phải mặc thiệt hơn, lúc hốt lúc hoảng thì làm được tích sự gì?” Bắt Hồng Khiêm chép cụm từ “không nhụt chí” trăm lần trước rồi mới nói đến chuyện khác: “Rõ cũng bền bỉ, sao lại đến nỗi rượu chè bê tha?”
Ngọc Tỷ nói: “Chẳng phải khi thi còn có bản sao y ạ, cũng không làm lỡ…” Bé vì cha mà bật lại thầy Tô vài câu.
Thầy Tô cười lạnh: “Trò thì biết gì? Bản sao y chẳng qua chỉ để phòng mấy đứa khôn lỏi giở trò thôi. Ta đã bảo trò thế nào nhỉ? Không chịu được khổ, không chăm chỉ nổi, trước giờ đều không phải hạng gì tốt đẹp! Năm xưa có kẻ viết chữ như gà bới, vì chữ không đẹp mà bị cách chức, ấy đúng là một thằng giặc! Đã không rèn chữ, ngoảnh đi liền gia nhập đám tặc Hồ phía bắc, bày mưu cùng tên Lang vương ấy, xâm phạm cõi nam. Hạng người ấy, đọc sách lại không muốn đi đường ngay, thì làm được việc gì đúng đắn? Dù triều đình có thu nạp kẻ ấy, thì cũng chỉ là thu nạp một tên gian nịnh thôi. Trong việc học thì viết chữ đã là thứ dễ nhất, chỉ cần chịu bỏ công thì chữ sẽ đẹp, người này đến chuyện nhỏ như vậy còn không muốn để tâm, có thể thấy ấy chỉ là hạng thích đầu cơ trục lợi. Đi còn chưa vững đã muốn chạy, tính cách như thế, làm sao công chính chu đáo nổi đây?”
Ngọc Tỷ thế mới biết, chuyện bản sao khoa khảo, chẳng những để ngăn chặn gian lận thi cử, mà còn liên quan rộng như thế. Lại nhìn sang Hồng Khiêm, chàng đã cúi đầu rèn chữ. Thầy Tô gỡ túi tiền buộc bên hông Hồng Khiêm ra, buộc vào tay chàng: “Đeo vào mà viết.” Hồng Khiêm có tiền, Tú Anh không chi li chuyện tiền nong của chàng, túi tiền này khá nặng, vậy mà phải vừa đeo vừa viết. Ngọc Tỷ nhìn một hồi, có cảm giác như vai mình cũng đang bị ghì xuống.
Ngọc Tỷ có lòng bầu bạn với cha, hằng ngày cũng cầm theo một túi cát nhỏ, thắt vào cổ tay luyện chữ. Tú Anh biết chuyện, vội bảo bé tháo ra: “Đừng làm thế, nhỡ hai cánh tay thành ra bên to bên nhỏ thì sao?” Ngọc Tỷ cười đáp: “Mỗi ngày ở nhà cũng chỉ ăn bằng một tay, có khác lắm đâu ạ.” Lúc rỗi còn tập ăn cơm bằng tay trái, khiến Tú Anh dở khóc dở cười.
Hồng Khiêm có con gái bầu bạn, có thầy Tô tuy hay nói mỉa nhưng dạy dỗ tận tình, lại vì đã rớt một lần, chạm phải tính bướng, nên khăng khăng đóng cửa đọc sách, thầy Tô cũng âm thầm gật đầu hài lòng. Tú Anh lại chuẩn bị đủ kiểu đồ ăn thức uống cho chàng, chỉ sợ Hồng Khiêm bức bối, bèn động viên chàng đến lầu Thái Phong đặt bàn, hẹn vài tú tài ra xơi cỗ.
Hồng Khiêm từ chối, bảo: “Từ nay cai rượu.”
Tú Anh thấy chàng chịu khó như thế, lại nghĩ sớm nào chàng cũng ra sân múa giáo, cũng là để rèn luyện sức khỏe, bèn không can gián nữa. Dù Ngọc Tỷ làm liều theo cha, Tú Anh cũng làm như không thấy. Nhưng cân nhắc lại, Hồng Khiêm đọc sách là chính sự, còn Ngọc Tỷ có học nhiều hơn cũng không thể đỗ trạng nguyên, cuối cùng vẫn phải gả cho ai đó, phải cáng đáng nổi việc nhà, bèn ngăn bé lại, buổi chiều ôn sơ qua bài rồi sang chỗ nàng, xem nàng xử lý việc nhà.
Trước mắt, Tú Anh phải xử lý một chuyện quan trọng: Tiền của trong nhà Hồng Khiêm quả thực không nhiều, Tú Anh lại có của hồi môn rất hậu, đang muốn lấy tiền đẻ tiền. Nhưng không biết nên kinh doanh cái gì mới tốt. Trình gia vốn cũng làm ăn buôn bán, nhưng từ lúc cụ Trình qua đời đã nghỉ. Giờ mà khai trương lần nữa, thì tốn khá nhiều tiền lo lót. Tạm không bàn đến nguồn hàng, chỉ mỗi chuyện chưởng quỹ tiểu nhị quen tay đáng tin thôi đã phải tìm lại mà thuê.
Nói với Ngọc Tỷ: “Làm việc, phàm là những gì tiền có thể lo nổi, thì chẳng là gì. Chỉ có người là khó nhất!” Chuyện kinh doanh buôn bán thì Tú Anh rất thạo, chẳng mấy ngày sau đã tìm lại được những người quen từng làm việc cho nhà họ Trình. Có kẻ đã làm việc cho người khác, có kẻ thì tự mở hàng buôn bán nhỏ, có kẻ thấy chủ cũ muốn khai trương lại, còn cam đoan: “Không nghỉ nữa, dù có nghỉ, cũng sẽ để lại cho các ngươi làm ăn.” Thì ngoài những người không thể rời việc, đều quay về cả.
Cụ Lâm đã cho Ngọc Tỷ một cửa hàng, Tú Anh lại dạy Ngọc Tỷ các hình thức kinh doanh. Ngọc Tỷ nói: “Mẹ, chuyện này không vội, nhà mình còn một việc chưa làm xong.” Tú Anh bèn hỏi ấy là chuyện gì, Ngọc Tỷ đáp: “Con vẫn chưa biết ông bà nội là ai. Dù cha có bảo tạm để đấy, nhưng chuyện này sao có thể chờ được? Chỉ e cha cảm thấy mình từng đi ở rể nhà người, không tiện nghênh đón cha mẹ ruột, nhưng chúng ta lại không được quên.”
Mẹ con hai người bạn bạc, thu xếp gọn một gian phòng trong nhà làm từ đường, chỉ đợi tâm trạng Hồng Khiêm tốt hơn sẽ nói với chàng, đón di cốt bài vị của người quá cố đến. Bên kia, Hồng Khiêm giao việc nhà lại cho vợ con, thấy hai người thu dọn phòng ốc, kể ra thì Kim Ca cũng đã sắp lên hai, chẳng nhẽ thu xếp cho thằng bé? Bèn không hỏi nhiều. Kim Ca hai tuổi, Tú Anh bèn muốn sinh thêm một đứa, cũng rỗi rãi rồi. Nhưng trước mắt thì Hồng Khiêm không có tâm trạng, chỉ muốn dồn tâm trí cho việc đọc sách, nghiên cứu văn chương.
Thu xếp đâu vào đó, trời đã trở lạnh. Đến tiết Đông chí*, hai nhà Hồng, Trình ngồi lại xơi bánh trôi, Thân thị chỗ châu phủ lại sai người gửi bánh chẻo tới. Té ra Thân thị là người miền nam nhưng Lệ Ngọc Đường lại theo tập tục phía bắc, tiết này ăn bánh chẻo, Thân thị bèn theo hắn.
[*Vào khoảng 21, 22 hoặc 23 tháng chạp.]
Tú Anh nhận bánh chẻo, thưởng hai mạch tiền cho sai dịch chạy việc, rồi sai Tiểu Hỉ đơm lời: “Nương tử phủ quân đảm đang, ngày đông giá rét như thế các anh lại phải chạy việc, tặng khắp mọi nơi, đúng là vất vả.” Sai dịch cười đáp: “Dù sao cũng chỉ quanh cái thành này, đám Lý Đạo mới là mệt, phải xuống quê biếu chỗ Tề cử nhân.” Tiểu Hỉ quay về thuật lại, Tú Anh mới biết ai cũng có phần. Dẫu sao cũng là mặt mũi, bèn sai nhà bếp hâm lại, cùng dọn lên với bánh trôi, rồi gói một đĩa bốn cái biếu nhà mẹ, ăn thử cho biết vị.
Thầy Tô và Hồng Khiêm ăn mà thích thú, Tú Anh, Ngọc Tỷ thấy thế, thầm nhủ sau này làm nhiều hơn cho hai người ăn. Tú Anh lại ăn năn, trước đây không nhận ra Hồng Khiêm thích ăn món này.
Xơi bánh chẻo, Tú Anh buông lời tán gẫu: “Vị nương tử phủ quân này đúng là người chu đáo, lâu lắm rồi không gặp nàng ta.” Hồng Khiêm đáp: “Nàng ta có tính toán cả.” Lại thầm quyết tâm, chờ ta đỗ cử nhân, nàng sẽ lại được gặp nàng ta. Lại nghĩ, trước đây hình như người này từng gọi Ngọc Tỷ sang gặp mặt? Trong lứa tông thất, Thân thị này quản gia đã gọi là không tồi rồi.
Làm người không thể bàn tán sau lưng người khác, chẳng bao lâu sau tiết Đông chí, Giang Châu đổ một trận tuyết nhỏ, Tú Anh lại nhận được lời mời từ nương tử phủ quân, mời mẹ con hai người đến thưởng mai. Tú Anh không khỏi bảo: “Đây mới đúng là lạ.” Nàng giờ đã biết, trong mắt vợ phủ quân, e rằng mình còn chẳng đến độ được coi là “khách quý”, tại sao không phải Tết nhất lễ lộc, lại muốn mời?
Song Tú Anh không biết, Thân thị nghe người ta nói, mới nảy ra ý định.