“Năm 1918…” Văn Thời khẽ thầm thì.
“Năm 18?” Hạ Tiều không dám làm phiền thêm, nhưng lúc đưa đầu tới và thấy ngày tháng này thì vẫn sững sờ, “Sao lại là năm 18 được? Rõ ràng trong nhật ký ghi năm 1913 mà ——”
Còn chưa nói hết, cậu đã ngẩng đầu nhìn thấy Tạ Vấn, bởi thế mới nhớ lại lời Tạ Vấn từng nói trước đó. Không phải câu nào trong lồng cũng là sự thật, chúng thường bị tác động bởi ý thức của chủ lồng, ít nhiều gì cũng sẽ khác với chân tướng.
“Nhật ký được viết bởi một người.” Văn Thời nói không ngẩng đầu lên.
Mối nghi hoặc của Hạ Tiều còn đó, nhưng vẫn gật đầu đàng hoàng.
Tạ Vấn lại nhìn Văn Thời với ánh mắt đầy ắp vẻ khen ngợi, nói thêm: “Thậm chí còn có phần cố ý viết ra để người khác đọc được nữa, ví dụ như quyển trong túi của anh cậu.”
Hắn chỉ vào quyển nhật ký trong túi quần jeans của Văn Thời và nói: “Nếu ngay cả ‘tôi’ trong đó cũng là giả, vậy cậu còn nghiêm túc tin nó làm gì nữa, tin để cho người viết vui à?”
Hạ Tiều vội vã lắc đầu, tỏ vẻ mình chỉ vừa nói ngu thôi.
Thuyết phục được Tiểu Tiều, giọng điệu của Tạ Vấn biến đổi, lại nhìn Văn Thời và bảo: “Nhưng thư cũng được viết bởi một người đấy, kẻ tám lạng người nửa cân thôi.”
Văn Thời: “…”
Người này tới để làm rối mọi chuyện đây mà.
Văn Thời ngẩng đầu lên, nhìn hắn với một vẻ mặt chết lặng, gấp và lật ngược thư lại, sau đó đưa nó tới dưới mí mắt của Tạ Vấn.
“Nhìn dấu bưu điện đi.” Văn Thời nói.
Thực ra anh không cần phải giải thích về những chi tiết này. Dù sao thì người giải lồng cũng là anh, thể chất của Tạ Vấn như thế nên không thể tham gia. Trường hợp của hắn giống như Hạ Tiều hoặc mấy người khác, biết được chân tướng hay không cũng không làm ảnh hưởng đến bất cứ điều gì.
Nhưng anh vẫn không nhịn nổi nếu người đó là Tạ Vấn.
Khó mà nói được anh làm thế vì lý do gì, có lẽ do không muốn bản thân trông quá độc đoán.
Bức thư nọ gần như chạm trúng chóp mũi, Tạ Vấn cười đưa đầu về sau một tí: “Thấy rồi.”
Đúng là bức thư được viết bởi một người. Nếu buộc phải tả, chữ viết trông chẳng khác gì mấy so với nhật ký, nhưng dấu bưu điện thì lại không tương tự.
Trước đây Văn Thời từng nói, đúng là vì không phải mọi câu nói trong lồng đều là thật, nên nếu gom hết tất cả thông tin chi tiết lại với nhau, đối chiếu một lần, thì sẽ dễ phân biệt xem ai thật ai giả hơn.
Bởi dù đây có là tiềm thức của chủ lồng đi chăng nữa thì cũng không thể nào làm mọi vấn đề trở nên hoàn chỉnh. Nói dối thì luôn phải có sơ hở.
Con dấu trên bức thư có ghi rõ hôm gửi là ngày 6 tháng 5 năm 1918. Con dấu trả về cũng có, đó là ngày 17 tháng 5 năm 1918, cùng ngày với những gì Lý tiên sinh viết ở chỗ đề tin trong thư.
Tạ Vấn cầm lấy bức thư trong tay Văn Thời, vừa lật xem vừa hỏi: “Trong nhật ký ghi hôm nào?”
Văn Thời móc quyển nhật ký ra từ trong túi, lật tới trang bị xếp góc. Lúc nhìn thấy ngày tháng, lông mày của anh khẽ nhíu lại: “19 tháng 5.”
Tạ Vấn giơ bức thư lên: “Khéo thế, cùng ngày nhũ mẫu mất.”
Bức thư của vị tiên sinh này không hề nhắc đến ngày nhũ mẫu đã qua đời. Nhưng Văn Thời nhìn nhật ký, bỗng nhận ra có lẽ ‘ngày 19 tháng 5 năm 1913’ không phải chỉ được tiện tay viết bậy thôi đâu.
Anh lại lục tung hộp thư, mục tiêu lần này rất rõ rệt —— nếu nhũ mẫu thật sự treo cổ tự sát ngày ấy năm nọ, thế thì với thói quen viết thư qua lại với vợ mình, Lý tiên sinh rất có thể sẽ đề cập đến chuyện đó.
Lý tiên sinh là một người hết sức ngăn nắp, thư nhận được đều xếp theo ngày tháng. Văn Thời nhanh chóng tìm ra những bức thư từ năm năm trước, chọn ra ba bức sau tháng 5.
Anh còn chưa giải thích về mục đích, Tạ Vấn đã lấy đi một bức thư: “Mỗi người một cái, thế thì nhanh hơn.”
Hạ Tiều nghe hắn nói thế cũng nhận lấy một bức, nhưng biểu cảm lại rất hoang mang.
“Biết phải dò gì không?” Tạ Vấn nói.
Mặt của Hạ Tiều đã đỏ ửng, màu này rõ ràng cho thấy rằng cậu không biết.
Tạ Vấn đưa mắt nhìn lướt sang khuôn mặt Văn Thời. Khoảnh khắc ấy, không biết hắn đang nghĩ gì, có lẽ đang thổn thức rõ ràng là anh em một nhà nhưng sự khác biệt lại rất lớn.
“Dò xem trong thư có nhắc đến chuyện nhũ mẫu qua đời hay không.” Tạ Vấn nói.
Hạ Tiều vội gật đầu rồi lật mở phong thư.
Văn Thời vừa há mồm đã ngậm lại, thế thì bớt phải giải thích một lần. Anh cũng rủ mắt mở phong thư trong tay ra, một lát sau vẫn không nhịn nổi phải hỏi một câu: “Sao anh biết hay thế?”
Tạ Vấn ngẩng đầu nhìn anh một cái, rồi lại cong mắt nhìn xuống, vừa mở thư vừa nói: “Chỉ mình cậu được phép thông minh thôi à?”
Văn Thời vốn phải chửi lại một tiếng hoặc là không thèm phản ứng hệt như phong cách thông thường. Nhưng anh lại nhìn chằm chằm Tạ Vấn một lúc, chợt nheo mắt trả lời: “Đúng thế.”
Một tiếng ‘răng rắc’ vang lên bên cạnh, đó là tiếng vọng lại từ động tác ngẩng đầu mạnh mẽ của Hạ Tiều. Tiểu Tiều khiếp sợ nhìn anh mình, trong lúc nhất thời khó mà phân biệt anh mình uống lộn thuốc hay bị ai đó trộm đi mất.
Tạ Vấn cũng nhìn sang.
Văn Thời không mở miệng nữa, chỉ cúi đầu nhìn sơ nội dung bức thư trong tay.
Đây là thư hồi âm được viết bởi người vợ tên Từ Nhã Dung của Lý tiên sinh, con dấu bưu điện ghi là ngày 2 tháng 7 năm 1913, còn ngày tháng đề tin trong bức thư là ngày 14 tháng 6 năm 1913.
Anh lướt tới hàng thứ hai thì thấy được nội dung về nhũ mẫu.
Trước đó thường nghe anh nhắc tới quản gia và tiểu thiếu gia nhà họ Thẩm, nhưng chưa nghe anh nói về chị Thái này cho lắm, chỉ từng kể chị ấy dẫn theo con trai A Tuấn đến sống ở Thẩm gia. Không ngờ lần này khi nhắc tới lại là chuyện thế này, thật sự làm người ta thấy buồn quá chừng. Sao một người tốt đẹp như thế lại treo cổ vậy anh?
Chắc tuổi của A Tuấn con trai chị ấy cũng xêm xêm tiểu thiếu gia nhà họ Thẩm ấy, chín hoặc mười tuổi gì đó nhỉ? Còn nhỏ xíu mà đã mất đi chỗ dựa, mai sau phải làm sao đây? Các anh nhớ chiếu cố nó nhiều chút nhé.
Dù không nói gì nhiều, nhưng có thể khẳng định một điều —— đúng là má Thái đã mất vào ngày 19 tháng 5 năm 1913.
Ánh mắt của Văn Thời dừng lại trên câu hỏi trong bức thư, bỗng ngẩng đầu hỏi: “Ai đang cầm bức thư tháng 8 thế?”
Tạ Vấn: “Trong tay tôi.”
Văn Thời: “Có nhắc tới lý do nhũ mẫu treo cổ không?”
Nếu Từ Nhã Dung đã hỏi một câu ‘sao một người tốt đẹp như thế lại treo cổ vậy anh?’ trong thư, thế nói theo lẽ thường tình, ít nhiều gì Lý tiên sinh cũng sẽ nói một câu về nguyên nhân trong thư gã gửi, bởi vậy nên rất có khả năng Từ Nhã Dung cũng sẽ nhắc tới trong thư hồi âm của mình.
Quả nhiên, Tạ Vấn chỉ vào một hàng chữ trong thư và nói: “Lấy nước(*).”
(*) 走水 (tẩu thủy): hỏa hoạn.
Cách nói này hơi lạc hậu. Văn Thời nhìn hắn một cái, nhận lấy bức thư người nọ đưa tới, chỉ thấy trong đó ghi:
Dù mùng giường bị cháy là một chuyện hết sức nguy hiểm, nhưng dù sao thì đã cứu lại được, tiểu thư nhà họ Thẩm cũng không hề bị thương, chị ấy còn chân thành nói xin lỗi sau này sẽ chú ý hơn nữa. Mà nói gì thì nói, anh xin bỏ việc về nhà đi, tại sao cứ phải luẩn quẩn trong lòng mãi thế?
Thôi, em thì không biết gì nhiều, không có tư cách bình luận, em chỉ cảm thấy chị Thái này cũng là một kẻ đáng thương thôi.
Tiểu thư nhà họ Thẩm đỡ hơn chút nào chưa anh? Anh nói trong thư rằng cơn sốt cao của nó vẫn không hề giảm bớt, em cũng hơi lo. Tuổi của nó cũng xấp xỉ con tụi mình. Em thì chưa thấy nó bao giờ, mỗi lần nghe anh nhắc về nó, trong đầu em lại tưởng tượng ra mặt của bé nhà chúng ta. Nuôi con nít sợ nhất là nó phát sốt, các anh nhất định phải chăm sóc thật kỹ, nếu không sẽ ảnh hưởng tới mai sau.
Tuy trong thư chỉ đề cập vỏn vẹn vài câu, nhưng chắp vá lại với nhau thì cũng có thể biết được chân tướng đại khái ——
Chỉ sợ là hôm đó má Thái làm việc không cẩn thận làm cháy phòng, Thẩm Mạn Di suýt chút nữa đã gặp chuyện không may. Hên là đã dập tắt kịp thời, không gây ra đại họa, làm mọi người sợ bóng sợ gió một lúc.
Nhưng lòng má Thái vẫn không thể vượt qua ngưỡng cửa ấy. Giống như Lý tiên sinh từng nói trong thư, cô đã từng có một cuộc sống tiểu thư đài các, song gia cảnh khốn đốn mới phải tới Thẩm gia, thường buồn bực không vui. Có lẽ do sợ người ta oán trách, có khi lại vì cảm thấy sống không còn ý nghĩa gì, nhất thời nghĩ không thông rồi treo cổ tự tử luôn.
Tới bức thư tháng 10 mà Hạ Tiều đang cầm, nội dung về chuyện này ngày một ít đi, chỉ nhắc một câu: Anh còn nhớ lão tam nhà họ Chu ở huyện của tụi mình không? Hồi bé ổng cũng từng bị sốt cao một trận, sau đó biến thành bộ dạng như thế luôn, chứng bệnh không khác gì tiểu thư nhà họ Thẩm lắm đâu.
Văn Thời gấp tờ giấy lại rồi để vô phong thư, ôm hộp bước tới bên cửa hậu viện, đặt hết những bức thư từng bị chôn sâu xuống đáy giếng vào trong tay Lý tiên sinh.
Vị tiên sinh dạy học mặc áo dài nọ ngơ ngẩn nhìn chiếc hộp bằng đồng, phản ứng đầu tiên là liếc lên đỉnh đầu một cái, như thể mình còn ngồi dưới đáy giếng không thể thấy được ánh mặt trời kia.
Ai ngờ gã lại nhìn thấy mái hiên và ánh trăng.
Gã lại run ngón tay hấp tấp mở chiếc hộp bằng đồng ra, hối hả lật xem đồ vật trong đó. Khi thấy tên người gửi trên mỗi bức thư đều là Từ Nhã Dung, gã mới từ từ buông vai, sau đó ôm lấy chiếc hộp ấy như là đang ôm toàn bộ gia sản.
Khoảnh khắc đó, những áng sương khói đen tràn trề bồng bềnh nhè nhẹ bên người gã bắt đầu có dấu hiệu bắn tung tóe như một đàn rắn đột ngột thức dậy.
Đây là hiện tượng khi một người đang ngây ngô chợt nhớ ra điều mình muốn.
Gã nhớ về tâm tình buông không xuống, quên không xong, nhớ lại chấp niệm sâu nặng nhất trước khi chết, nhớ lý do bản thân quanh quẩn mãi và chưa từng rời khỏi thế gian.
Hệt như Thẩm Mạn Di trước đó.
Sương đen bay tán loạn tựa lưỡi dao trích mỏng không bị ai kiểm soát. Chúng vụt qua cánh tay của Văn Thời, để lại vài chỗ rách, cực nhỏ nhưng cũng rất sâu. Văn Thời lại không hề né tránh, cũng chưa từng bỏ đi.
Anh cúi xuống hỏi Lý tiên sinh trong khi bản thân đang bị sương đen xé rách quấn quanh: “Thẩm Mạn Di mắc bệnh gì hả?”
Lý tiên sinh nhìn anh, nhặt lên một cành cây, viết trên đất bùn của hoa viên một cách cứng ngắc: Không thể nhớ, không thể lớn.
Văn Thời ngoảnh đầu nhìn về phía Thẩm Mạn Di, bé gái nắm chặt ngón tay, ngây thơ ngửa mặt nhìn anh.
“Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi?” Văn Thời hỏi.
Bé gái gập đầu ngón tay, rõ ràng đã gập tới mười sáu, nhưng lại khẽ nói: “11 tuổi.”
Bé từng xém bị chết cháy, song lại tận mắt nhìn thấy má Thái đã nuôi lớn và còn vá nơ cho mình treo cổ trên thanh xà trong nhà.
Cửa sổ phòng đó nhìn thẳng ra hậu viện. Trước đây lúc bé chơi đánh đu trong sân, má Thái sẽ ngồi bên cửa sổ để thêu thùa, thường ngẩng đầu nhìn bé một cái, dặn bé đừng đung quá cao, cẩn thận đu ngã.
Hôm ấy, cửa sổ cũng được mở toang, má Thái vẫn ở bên cửa sổ, nhưng má lại bị treo quá trời cao. Gió thổi vào nhà, má chậm rãi xoay tròn một vòng trên sợi dây thừng đó.
Thẩm Mạn Di bị sốt cách quãng suốt hơn nửa tháng và luôn nằm mơ trong suốt khoảng thời gian ấy.
Bé mơ thấy mình kéo em trai, em gái và cả A Tuấn chơi trò trốn tìm. Bé trốn rất nghiêm túc, chui xuống đít giường, quấn lấy cái mùng đang thòng xuống, cuối cùng lại không cẩn thận ngủ thiếp đi. Đợi đến khi bé ngủ xong một giấc và mở mắt ra, xung quanh toàn là ánh lửa.
Bé còn mơ thấy mình bò ra khỏi đám lửa và nhìn thấy đôi giày thêu bị treo trên cao của má Thái nữa.
Bé ngủ lâu lắm, mãi đến khi không còn mơ thấy giấc mộng đó mới dần tỉnh lại. Từ đó về sau, cột mốc thời gian trong bé dừng lại vào mùa hè năm 1913 đó.
Sốt cao sẽ để lại di chứng. Em trai, em gái cùng với A Tuấn thì không ngừng lớn lên, còn bé vẫn chỉ có nhiêu đó. Đồ bị rách, bé ôm váy ngồi trên giường trong phòng ngủ tầng dưới, đợi má Thái tới vá cho mình. Khi bàn đu dây đung đưa lên cao tít, bé sẽ xoay đầu nhìn sang cửa sổ rồi vẫy tay với đằng đó.
Lý tiên sinh không hề ép bé làm bài tập, má Thái cũng chưa từng dạy bé học may vá, vì thế bé có rất nhiều thời gian để chơi.
Thực ra bé vẫn thích chơi trò đánh đu nhất, nhưng không biết tại sao người nhà lại luôn không vui. Bé muốn chọc mọi người cười, nên muốn chơi rất nhiều trò và kéo rất nhiều người tới chơi cùng mình.
A Tuấn là người không vui nhất, bởi thế bé luôn kéo nó theo.
Dù sao thì bé cũng là chị mà.
Nhưng người chị gái này cũng không thể chơi với đám em bao lâu. Bé đã qua đời vào đúng mùa hè của vài năm sau. Hôm ấy, A Tuấn cực kỳ không vui, nên bé tìm đủ mọi cách để chọc nó, giọng cười nghe ồn ào, mãi đến khi bé bị giấu trong sô pha.
Bữa đó là ngày 19 tháng 5, cùng hôm làn váy của má Thái bay nhẹ ra khỏi bệ cửa sổ.
Năm ấy Mạn Thăng và A Tuấn đều chỉ mới 15 tuổi, cao ráo như người lớn, còn bé đã 11 tuổi nhưng lại rất nhỏ con.
Bên dưới chiếc số pha đó dính bụi và đóng mạng nhện tựa như đít giường mà bé đã chui vào lúc chơi trò trốn tìm trước đó, nhưng chơi trốn tìm thì không cần vặn gãy cổ và tay chân, cũng không đau đến thế.
Mọi thứ có vẻ như là thời gian trôi nhanh để rồi một mạng đền một mạng.
Bé gái ngồi xổm bên cửa hậu viện, biểu cảm ngây ngô dần nhạt bớt, khóe miệng từ từ rủ xuống.
Thời khắc ấy, thứ đàn áp bé trong lồng hơi buông lỏng, cả biệt thự Thẩm gia run lên như vừa có một trận động đất bất thình lình xảy đến.
Câu hỏi của Văn Thời đã thức tỉnh bé gái.
Hạ Tiều hoảng sợ, khụy gối xuống để ổn định cơ thể, lật đật nói: “Tình huống gì thế này?”
Tạ Vấn: “Lồng sắp tan rã.”
Hạ Tiều: “Thiệt hả? Vì sao?”
“Ví dụ như cậu đang trốn sau tấm màn, tay cầm vài trái banh, tự dưng có mấy trái mất khống chế rơi ra ngoài, cậu có sốt ruột chồm tới và nhặt chúng lên không?”
“Có.”
“Đó chính là lý do.” Tạ Vấn nhấc chân đi sang chỗ Văn Thời, “Anh cậu đang dụ chủ lồng bước ra.”
Nghe hắn nói thế, Hạ Tiều chợt thấy chỗ nào quanh mình cũng không an toàn, như thể luôn có người nhìn chằm chằm họ từ phía sau. Dù thế nào thì cho đến thời điểm hiện tại, chủ lồng vẫn chưa từng xuất hiện: “Gã sẽ trốn ở đâu?”
Tạ Vấn cũng không quay đầu lại mà nói: “Ở đâu cũng có khả năng cả, bất cứ nơi nào mà người có thể xuất hiện.”
Bất cứ nơi nào?
Hạ Tiều bồn chồn ngoảnh đầu nhìn thử, sau đó lại vội vàng đuổi theo hắn.
Tạ Vấn dừng bước bên cạnh Văn Thời, giơ tay lướt qua một áng sương đen. Hắn nghe Văn Thời hỏi Lý tiên sinh: “Anh muốn ôm hộp thư đi đâu?”
Lý tiên sinh hơi run rẩy giữa cơn chấn động, cầm cành cây viết ba chữ trên mặt đất: Đồn cảnh sát.
Ít lâu sau, gã lại viết thêm hai chữ bên dưới: Về nhà.
“Tới đồn cảnh sát để báo án trước rồi mới cầm thư của mình về nhà, và cũng không bao giờ trở lại nữa phải không?”
Lâu lắm rồi Lý tiên sinh chưa nghĩ tới vấn đề này, nên khi Văn Thời nói rõ mấy lời vừa rồi, gã vô thức rụt người về sau chút xíu.
Đó là một tư thế sợ hãi và bài xích.
Nhưng thật lâu sau, gã vẫn siết tay gật đầu một cái.
Đúng vậy, suýt chút nữa gã đã quên mất lúc đầu mình muốn tới đồn cảnh sát để báo án, sau đó sẽ đi về nhà.
Gã không phải một người quá gan dạ, dù đã phát hiện ra chuyện gì thì cũng sẽ không nói thẳng mặt. Lúc trước gã nghĩ rất chu đáo. Thừa dịp đêm khuya tĩnh lặng, gã ôm chiếc hộp đồng bảo bối của mình lên, cầm theo một bức thư để giao cho đồn cảnh sát và trốn đi từ hậu viện, làm thế thì sẽ không quấy rầy tới bất kỳ ai.
Tường của hậu viện không cao, đặt một cục đá lên nắp giếng, nhón chân nhảy một phát là có thể ra ngoài, chiều cao của gã cũng không phải là vấn đề.
Sợ người khác lo lắng nghĩ nhiều, gã còn để lại một tờ giấy trên bàn trà, bảo rằng trong nhà có việc gấp nên tạm thời phải về.
Gã ôm thứ quan trọng nhất đối với mình và mò tới bên tường hậu viện, nhưng nào ngờ đã có người đợi gã ở đó từ sớm.
Khoảnh khắc bị dây thừng siết chặt lấy cổ và rơi xuống cái giếng kia, gã nghe đồng hồ quả lắc trong phòng khách nhà họ Thẩm vang lên một tiếng ‘ding’, hệt như tiếng chuông đầu đường hoàng tuyền.
Trong nháy mắt ấy, nhiều suy nghĩ hiện lên trong đầu gã.
Gã nghĩ đúng ra mình không nên chỉnh đồng hồ quả lắc lùi giờ về trước. Đêm nào quản gia nghe thấy tiếng chuông cũng sẽ tỉnh dậy một lát rồi ngồi dậy uống một ly nước. Nếu không điều chỉnh thời gian, quản gia sẽ tỉnh lại sớm hơn một chút, thế thì ông ấy nhất định sẽ phát hiện những tiếng động ở hậu viện, biết đâu sẽ có thể cứu gã một mạng.
Gã lại nghĩ mai sau khi không còn nhận được thư của gã nữa, không biết Nhã Dung và bé con có khóc không đây.
Gã cũng nghĩ rằng nếu đây chỉ là mơ thôi thì tốt biết bao.
Chắc chắn đây chỉ là một giấc mơ.
…
Vì thế sau hôm đó, vào mỗi đêm dài đằng đẵng, Lý tiên sinh cũng sẽ ngồi dậy từ trên chiếc giường trong phòng ngủ đó khi mọi người đã ngủ. Gã sẽ để lại một lời nhắn trên giường cho quản gia, sau đó thừa dịp chưa ai tỉnh dậy, gã sẽ tới tủ đồ tìm hộp thư bằng đồng của mình.
Đó là gia sản của gã. Chỉ cần cầm nó theo, gã sẽ có thể rời khỏi nơi này. Nhưng đêm nào gã cũng tìm, mà sao lại chưa từng tìm ra nó.
… Mãi đến hôm nay.
Gã ôm chặt hộp thư, lại cầm cành cây viết lên mặt đất: Giờ tôi về nhà được chưa?
Chữ cuối cùng vừa được viết xong, biệt thự Thẩm gia lại càng rung khủng khiếp hơn.
Hạ Tiều nhớ lại lời Tạ Vấn mới nói, lặng lẽ đếm trong lòng: Hai quả bóng đã rơi.
Có lẽ chủ lồng đã bắt đầu quýnh đít thật rồi, vì nguyên căn biệt thự nhà họ Thẩm chợt nổi lên màu đỏ vàng, ánh lửa lóe sáng trên tường, bóng dáng của vài người lập lòe giữa tia lửa.
w๖ebtruy๖enonlin๖e
Tiếp theo là tiếng rộp rộp vang dội hết đợt này tới đợt khác, nghe như tiếng củi khô đang cháy trong lò.
Sau đó, một cơn gió nóng hổi thổi từ chỗ sâu trong hành lang tới chỗ họ, sóng nhiệt bóp méo mỗi đường thẳng trong nhà.
Dường như họ đang dấn thân trong một biển lửa quái lạ —— thứ gì cũng có, chỉ không nhìn thấy lửa thôi.
Suy nghĩ này vừa trỗi dậy, Văn Thời bỗng ngẩng đầu nhìn sang đầu hành lang.
“Đóng cửa lại!!!” Có người kêu lên một tiếng từ đằng xa.
Giọng nói cũng không to lắm, nhưng lại vọng đi rất xa, truyền thẳng vào màng tai.
Chữ ‘lại’ cuối cùng còn chưa mất tiếng, một đống bóng dáng đã quẹo qua góc tường đó và điên cuồng chạy tới!
Tiếng bước chân rối loạn ngân vang trong cả hành lang, có vẻ khẩn trương mà cũng vô cùng nôn nóng.
Người dẫn đầu là Đại Đông, hắn vừa chạy như điên vừa rít gào: “Có lửa! Lửa lan tới đây rồi!”
Không biết sao đám người đang ngủ như chết trong phòng đều đã tỉnh lại. Rõ ràng không có bao nhiêu mạng, nhưng khí thế chạy ra lại hết sức dồn dập.
Hạ Tiều lúng túng hô một tiếng với họ: “Có chuyện gì xảy ra thế?”
“Em nằm mơ!” Tôn Tư Kỳ nhanh chóng vượt mặt Đại Đông chạy thẳng tới đây. Nó nhào đến quá lẹ, đụng Hạ Tiều phải lùi về sau vài bước liên tục, đập một cái đụi lên tường.
“Em là bà vú gì đó!” Tôn Tư Kỳ ngọ nguậy khỏi mặt tường, “Vốn định tới căn phòng nhỏ đó để thêm dầu cho đèn chong cóc, ai dè căn phòng đó lại cháy bừng lên!”
Hạ Tiều hoang mang: “Rồi sao nữa?”
Tôn Tư Kỳ vỗ đùi một phát: “Rồi đốt thật luôn anh, nguyên căn biệt thự bị đốt cháy hết trơn hết trọi!”
“Ai đốt?” Văn Thời hỏi.
“A Tuấn!” Tôn Tư Kỳ nói xong thì hơi sửng sốt, có lẽ muốn sửa lời, nhưng đã trễ rồi.
Cả biệt thự lại chấn động lần nữa, cửa sổ của hai tầng trên dưới đều đang rung lắc trong điên cuồng.
Vừa nhìn trạng thái của Tôn Tư Kỳ đã biết nó thông mộng với người trong lồng, vô tình mơ thấy những việc mà bà vú nấu cơm của nhà họ Thẩm từng trải qua. Trong tình huống như thế này, đúng ra nó có thể ngủ thẳng cẳng cho đến khi Văn Thời giải lồng xong, nhưng nó lại thức dậy.
“Sao em lại tỉnh lại?” Văn Thời hỏi.
Tôn Tư Kỳ bụm mặt, quay đầu chỉ người phía sau: “Lão Mao vỗ em vài cái!”
Văn Thời vừa ngẩng đầu đã thấy Lão Mao chạy sau tất cả mọi người. Khi lão quẹo qua một chỗ rẽ và vọt sang bên này, ngọn lửa đã ‘ầm’ một tiếng cuộn thẳng tới đây như một con rồng dài thòn.
Lửa lớn lập tức nuốt sống mấy người rơi lại phía sau.
Tôn Tư Kỳ và Hạ Tiều há hốc miệng vì kinh ngạc, máu trong người đã trở nên lạnh ngắt.
Khoảnh khắc ấy, ngón tay trống rỗng đang buông xuống bên người của Tạ Vấn giật một cái, chỉ nghe thấy một tiếng thét dài trong trẻo truyền tới giữa ngọn lửa, tựa gió mạnh đang đâm thẳng xuống dưới dọc theo lưng núi và xuyên qua cả rừng thông sâu trăm dặm.
Một cánh lông mạ vàng khổng lồ càn quét vụt qua biển lửa, dấy lên một bức tường gió với khí thế mà muôn người chẳng phá nổi!
Lửa lớn tận trời cao đánh lên tường gió, song lại đột ngột nở rộ như một đóa hoa sen lửa to đùng, nhưng không có bất cứ thứ gì bắn lên người mọi người cả.
Đại Đông, Chu Húc và Lão Mao chạy ra từ trong đám lửa, vẫn vẹn toàn và không hề bị thương dưới sự bảo vệ của chiếc cánh ấy.
Họ hoảng sợ ngoảnh đầu lại trước ánh lửa đang chiếu rọi và chỉ nhìn thấy hư ảnh của một chiếc cánh vàng.
HẾT CHƯƠNG 47 („• ֊ •„)