Sẽ kể tiếp trận quyết đấu, bây giờ luận về Bắc quan đại nhân.
Phủ Doãn đại tướng quân Dương Tiêu Phong là cận thân duy nhất của thái
hoàng thái hậu Hiếu Trang và là một trong những trung thần đắc ý của
Khang Hi hoàng đế. Ngoài dáng mạo kiệt xuất lẫn trí tuệ thông minh,
Dương Tiêu Phong còn mưu mô nhanh trí. Quả thật anh hùng xuất thiếu
niên. Mới ngoài hai mươi mà đã lưu danh sử xanh và gặt hái biết bao
thành quả.
Hơn nữa, Dương Tiêu Phong lại trung thành tuyệt đối với quốc gia. Ngạo Bái
nhiều lần dùng ngân lượng bạc nén để mua chuộc nhưng lần nào cũng bị
khước từ. Bởi thế mà Ngạo Bái trong lòng căm tức, miệt thị, thường cùng
với các vị tam mệnh đại thần mắng nhiếc “Bắc quan đại nhân là cẩu nô
tài.” Đương nhiên là len lén mắng mỏ ở đằng sau lưng, lúc họ đàm trà
trong Ngạo Tông phủ, khi đó Dương Tiêu Phong tướng quân mặc nhiên vắng
bóng.
Và cũng tại vì Dương Tiêu Phong không chịu gia nhập phe cánh nên đã rất
nhiều lần Ngạo Bái sai người ám toán nhưng lại không thể qua mắt được vị tướng quân tài ba này.
Đối với Khang Hi hoàng thượng, Dương Tiêu Phong dành tất cả lòng tận trung
và tín nghĩa. Còn đối với quân đội Bát Kỳ Mãn Châu thì Dương Tiêu Phong
có khí phách của một vị thống soái hiển hách, hùng dũng cầm quân xông
pha trận mạc, giỏi võ nghệ, đa tài thao lược và lập được nhiều chiến
công.
Trên chiến trường, Dương Tiêu Phong tướng quân tả xung hữu đột, đánh trận
quả cảm, chắc chắn, làm vạn người địch không nổi. Tuy rằng viên tướng có uy dũng ngoài mặt trận nhưng trong màn trướng thì Dương Tiêu Phong lại
là người chính trực, lâm sự bình tĩnh, một lòng vì nước nên rất được
lòng mọi người. Trong việc chính sự, Dương Tiêu Phong cũng được xem là
một quần thần tận tụy, có tư duy nhạy bén và suy nghĩ thấu đáo chu tường mọi việc trước khi hành động.
Cho nên ở chốn kinh thành, các vị trọng thần thường hay ví von Dương Tiêu
Phong tướng quân như Triệu Vân. Nhưng lại có kẻ xem Dương Tiêu Phong
giống y chiến thần Lã Bố hòng gây hiềm khích với Khang Hi ấu chúa. Những người đó nói xa nói gần rằng Dương Tiêu Phong đang nuôi nấng tham vọng
trở thành đế vương, trong tương lai mai này sẽ có ngày to gan một mình
xưng bá.
---oo0oo---
Lại kể về xuất thân gia cảnh của Phủ Doãn đại tướng quân.
Dương Tiêu Phong vốn là hậu sinh của bộ tộc Nữ Chân Kiến Châu. Tên thật là Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Nỗ, là hài nhi của nguyên soái Tế Nhĩ Ha Lãng
Dương Cát Xích, và là đồ đệ của Mông Cổ võ vương Long Thiên Hổ.
Võ vương Long Thiên Hổ là truyền nhân tám đời của Trát Mộc Hợp, vốn là một vị võ thuật gia thiên hạ vô địch dưới thời kỳ hùng hậu của bộ lạc Trát
Đạt Lan ở vùng thảo nguyên. Trát Mộc Hợp đã từng làm thủ lĩnh của lực
lượng phe đảng đối lập với Thành Cát Tư Hãn. Cả hai vị cùng chung tham
vọng thống nhất các bộ lạc Mông Cổ để trở thành bá chủ thế giới thời bấy giờ. Trát Mộc Hợp cũng là tổ sư sáng lập ra hệ phái Ưng Trảo Phiên Tử
Môn, chiêu thức Ưng Trảo Công của Trát Mộc Hợp sau này lưu truyền rộng
rãi đến tỉnh Hà Bắc nước Trung Quốc.
Dương Tiêu Phong xuất thân hiển hách. Gia cảnh ba đời từng là trung thần lập
quốc và kế thừa chức vị cao cả trong triều đình nhà Thanh. Đời nội tổ
từng được phong tặng chức vị Tả Hữu Vệ Chỉ Huy Sứ Nữ Chân Kiến Châu.
Thân mẫu mất sớm nên khi còn bé, Dương Tiêu Phong thường nghe nhũ mẫu kể về
thân phụ của chàng. Những câu chuyện phiêu lưu của cha chàng là nguyên
soái Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Xích khi từng tham gia nhiều cuộc chinh
phạt các bộ tộc, điển hình là hai bộ lạc Hải Tây và Dã Chân Nữ Chân.
Do nguyên soái phụng chỉ chinh chiến nhiều nơi nên cuộc sống của hai phụ
tử thường bất định. Nguyên soái vì một lòng chung thủy với người vợ quá
cố nên nguyện không lập kế thất, chỉ dành hết thời gian chăm sóc và dọn
dẹp tiền đồ rực rỡ cho hài nhi của mình.
Khi lên ba, trong một lần hữu duyên cùng phụ thân cưỡi ngựa đi săn ngoài
thảo nguyên, Dương Tiêu Phong gặp gỡ võ vương Long Thiên Hổ của bang
phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn. Kể từ ngày định mệnh đó, Dương Tiêu Phong đã được võ vương Long Thiên Hổ đào tạo, truyền thụ võ công thượng thừa và
hướng dẫn cặn kẽ cách bắn cung bách phát bách trúng.
Khi lên năm, Dương Tiêu Phong được sư phụ bằng lòng cho phép sử dụng binh
khí và đã không ngần ngại cầm lên loại binh khí độc nhất vô nhị. Đứa trẻ dùng khả năng học được từ cung tên, chuyển qua tập dợt ám khí và trở
thành võ lâm độc nhất cao thủ sau này.
Lúc ban đầu, các loại ám khí là do võ vương Long Thiên Hổ đích tay sáng
chế. Ông đã cẩn thận nung nấu để tạo thành phi tiêu và phi đao. Võ vương Long Thiên Hổ rất tự hào về người đồ đệ cưng của mình. Ông thích đứng
từ xa âm thầm quan sát Dương Tiêu Phong cùng đám huynh đệ đồng môn chuốt tre dàn quân dẹp trận. Trong những trò chơi giặc giã, Dương Tiêu Phong
mặc nhiên được nắm chủ quyền. Ở cương vị thủ lĩnh, đứa trẻ bảy tuổi đã
đem nghệ thuật quân sự từ Tam Quốc Diễn Nghĩa ra thực hành một cách hăng hái.
Năm lên mười, Dương Tiêu Phong từ giã những trò chơi thời thơ ấu, quyết tâm dành hết thời gian đọc sách binh pháp, thuộc rõ ràng tỉ mỉ từng chi
tiết về sự hưng vong của các triều đại nhà vua. Năm mười hai tuổi, Dương Tiêu Phong bái chào sư phụ, tạm biệt các sư huynh đệ đồng môn để tham
gia quân đội và rất được lòng binh sĩ. Năm mười bốn đã cùng phụ thân, là nguyên soái Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Xích, chinh chiến khắp tứ phương.
Hoàng thượng tính nhiệm, phong phụ thân của chàng thành Chủ Soái Hạ Ngũ
Kỳ.
Dưới sự thống lĩnh của phụ thân, Dương Tiêu Phong bắt đầu điều khiển binh
mã, sử dụng tài tình các chiến thuật và đoạt được hàng loạt chiến dịch
quân sự. Bằng sự quyết đoán khôn khéo, Dương Tiêu Phong đã từng bước
tăng cường và củng cố vị trí quyền lực độc tôn trong bối cảnh phức tạp
của chiến trường. Thành công vang xa khi chàng thiếu niên mười sáu tuổi
dẫn quân vào chinh phục Triều Tiên, ép buộc Nội Mông khuất phục trước
khi tiếp tục chiếm quyền kiểm soát miền Đông Bắc vùng Hắc Long Giang.
Vào năm thân phụ cao thọ qua đời, Dương Tiêu Phong ngẫu nhiên trở thành hậu sinh cuối cùng của dòng họ. Hoàng đế Thuận Trị ái mộ vị anh tài có công vì quốc nên không nỡ để Dương Tiêu Phong xuất binh sa trường, lo sợ
rằng chuyện xui rủi xảy ra thì cả gia đình tuyệt hậu.
Ngay sau khi mãn tang phụ thân, hoàng đế Thuận Trị truyền triệu Dương Tiêu
Phong về kinh và phong chức Phủ Doãn đại tướng quân, võ quan nhất phẩm.
Dương Tiêu Phong tướng quân nắm trong tay mật dụ, thống soái một số quân đội và toàn bộ đại nội thị vệ, phụng chỉ ở lại Bắc Kinh bảo vệ Tử Cấm
Thành.
Vào lúc hoàng đế Thuận Trị băng hà, thái hoàng thái hậu Hiếu Trang lo ngại
Ngạo Bái sẽ nhanh tay mua chuộc vị tướng tài ba nên đã tiên hạ thủ vi
cường, truyền triệu Dương Tiêu Phong tướng quân vào cung gặp mặt. Thái
hoàng thái hậu Hiếu Trang trao tất cả kim ngân mà bà có được để đổi lấy
lòng trung nghĩa nhưng Dương Tiêu Phong không nhận. Chàng vì chính
nghĩa, tự nguyện một lòng phò trợ Khang Hi.
Sau khi nhận được lời gởi thác từ thái hoàng thái hậu, Dương Tiêu Phong
mang trọng trách đến tận Giang Nam tìm kiếm Nữ Thần Y hòng cứu chữa bệnh tình của Khang Hi hoàng đế. Dương Tiêu Phong hiểu Nữ Thần Y là thành
viên bang hội, không dễ tiếp cận nên họa bức chân dung và nhờ quân lính
âm thầm điều tra. Đến nay vẫn biệt tâm. Có lẽ trên đời này, ngoài Giang
Nam bát hiệp thì Dương Tiêu Phong là người duy nhất nhận ra dung mạo của nàng. Nhân một dịp rất tình cờ. Ngày hôm khác sẽ kể câu chuyện này.
---oo0oo---
Cuối cùng là thảo về võ nghệ siêu đẳng của Phủ Doãn đại tướng quân.
Bởi vì Bắc quan đại nhân có tài phóng phi tiêu nhanh hơn trận cuồn phong
gió lốc, không trượt bao giờ nên các cao thủ võ lâm trung nguyên bang
cho danh hiệu “Tiêu - Phong.” Kể từ đó, danh tánh Tế Nhĩ Ha Lãng Dương
Cát Nỗ đã được các vị bằng hữu giang hồ ưu ái gọi là Tế Nhĩ Ha Lãng
Dương Tiêu Phong. Từ từ về sau, bảy chữ đó được người đời cắt tỉa ngắn
gọn thành ba chữ Dương Tiêu Phong.
Nếu luận về võ công thì Phủ Doãn đại tướng quân lừng danh thiên hạ. Quyển
võ thuật gia phổ đã từng ghi tải “Bắc quan đại nhân Dương Tiêu Phong xếp đầu trong giới võ lâm, ngang tài ngang sức với Tần Thiên Nhân thần
quyền Nam hiệp.” Cả hai đại nhân vật là kỳ phùng địch thủ, lần hội ngộ
chưa đếm đầu ngón tay.
Dương Tiêu Phong ém tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao, ví mà chưa phải lúc trí
mạng thì sẽ không bao giờ động đến. Tuyệt học cái thế giang hồ này là do sư tổ của bang phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn thiết lập, rồi truyền thụ cho các đời sau. Nhưng sư phụ của chàng là Long Thiên Hổ lẫn các bậc sư tôn hay trưởng bối của những đời trước đã không có khả năng hấp thụ hết uy
lực tinh hoa. Mà phải đợi đến khi Dương Tiêu Phong nhập môn thì chiêu
thức Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao mới thành công xếp hạng lên đỉnh cao của tinh
vi võ học.
Tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao là một kỹ xảo gồm có chín loại phi đao ẩn hiện.
Nạn nhân xui xẻo sẽ không phán đoán được đường bay của ám khí vì chúng
ẩn giữa tranh tối và hiện ở tranh sáng. Tùy theo góc độ của nhật nguyệt
mà chín loại phi đao phản ảnh và hấp thụ ánh sáng để đánh lừa thị giác
của đối phương. Kẻ địch không nhìn thấy nên không kịp ứng phó. Lúc quân
thù nhận thức được chiều hướng của ám khí thì đã là lúc rơi vào tình
huống thập tử nhất sinh rồi.
Giang hồ tương truyền Dương Tiêu Phong chỉ sử dụng tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn
Đao hai lần trong đời. Lần thứ nhất là trong lúc chàng chinh phục trận
chiến Triều Tiên. Lần thứ hai dùng để chế ngự quân binh vùng Nội Mông
trước tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Và hệt như Tần Thiên Nhân, Dương Tiêu Phong dùng những chiêu thức học được từ môn phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn để thành lập bộ công pháp độc nhất vô nhị trong chốn giang hồ. Bộ thần công Thất Tinh Thể Luân Phiên Chưởng
gồm chín chiêu thức.
Chín chiêu đó là:
Siêu Hạt Tân Tinh
Du Nham Phiến Thạch
Cữu Long Giá Lâm
Phi Hành Di Thiên
Tinh Nguyệt Truy Phong
Song Long Phi Thân
Hỏa Niệm Thiên Sơn
và Thủy Mộc Du Xuyên. Hợp lại với tuyệt kỹ Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao thành chín chiêu thức.
Hầu hết tất cả các chiêu nói trên là truyền thống chính thức của bang phái
Ưng Trảo Phiên Tử Môn. Những chiêu này được sáng tạo như là những kỹ
thuật chiến đấu với loài chim trảo ưng. Ngay cả tuyệt kỹ cuối cùng cũng
vậy, ám khí phi đao là phương thức hữu hiệu dùng để săn lùng loài động
vật khát máu này.
Cũng xin nhắc lại rằng võ công thượng thừa của Tần Thiên Nhân vốn xuất thân
từ lò võ Thiếu Lâm. Ngay cả Cửu Dương, Khẩu Tâm và Trương Quốc Khải cũng thế.
Lúc ban đầu, Giang Nam bát hiệp được Sư Thái chỉ dẫn và truyền thụ những
chiêu thức căn bản. Sau một thời gian, Sư Thái gởi gắm đám đồ đệ cho các vị đại sư am tường võ thuật cái thế. Bà nhờ các vị đại sư hướng dẫn cặn kẽ bảy mươi hai chiêu thức Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công.
Bảy mươi hai kỹ pháp đặc biệt khó luyện, đòi hỏi hàng chục năm mới đạt
thành tựu trung bình. Ngặt nỗi, các vị đại sư chỉ đạt tới mức độ am hiểu mười tám tuyệt kỹ thập bát quyền mà thôi.
Đại sư trù trì Giác Viễn Lâm là tôn sư duy nhất trong lịch sử chùa Thiếu
Lâm hiểu được tối cao tam thập lục tuyệt kỹ thì đã vang danh là kỳ nhân
thiên hạ. Giác Viễn Lâm đại sư ao ước có một ngày am tường hết tất cả
bảy mươi hai chiêu thức bởi vì trong suốt cuộc đời võ thuật của ông kỳ
tích vẫn chưa xuất hiện. Mãi cho đến khi hai huynh đệ Tần Thiên Nhân và
Tần Thiên Văn (Cửu Dương) nhập môn thì các chiêu thức khóa kín mới dần
dần hiện hình.
Cả hai huynh đệ thành công giác ngộ hết tất cả bảy mươi hai đường thế
nhưng mỗi người một ưu điểm. Tần Thiên Nhân là một chuyên gia đòn tay,
còn Tần Thiên Văn thì tinh vi cước pháp.
Khi đại trù trì Giác Viễn Lâm viên tịch thì thiếu đà chủ và Gia Các tái lai liền trở thành song hùng võ lâm cao thủ duy nhất biết được sự tổng hợp
và cách xuất chiêu quyền cước bảy mươi hai thế công phu. Nhưng song song với bộ pháp, Tần Thiên Nhân đã dùng các chiêu thức học được để phối hợp và sáng lập ra bộ quyền công độc nhất vô nhị Thiên Thủ Thiên Nhãn
Quyền.
Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền gồm chín chiêu thức, bát tuyệt quyền công và một tuyệt kỹ độc bộ thiên hạ.
Tám chiêu đó là:
Tứ Môn Hổ Quyền
Vũ Bạt Phong Quyền
Thiên Loan Đài Quyền
Thần Xà Hùng Quyền
Ha Kim Chung Quyền
Thương Lôi Mã Quyền
Giao Long Khắc Quyền
và Bình Song Hạc Quyền.
Còn chiêu thứ chín, tức chiêu thức cuối cùng là tuyệt kỹ của bộ Thiên Thủ
Thiên Nhãn Quyền. Kỹ xảo Thiên Thủ Chuẩn Đề Quyền mà giang hồ quen gọi
tắt là Chuẩn Đề Quyền rất hiếm khi xuất hiện. Tần Thiên Nhân chờ đợi đến tình huống thập tử nhất sinh mới quyết định ra tay.
(Còn tiếp)
Mời các bạn trở lại xem trận ác đấu giữa Nam hiệp thần quyền và Bắc quan đại nhân.