Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 1]

Chương 4: Truy lùng phản tặc




Giang Nam.
Kể tiếp theo câu chuyện của người thanh niên nhiễm độc huyết. Chàng chính là kẻ đảm nhận chiếc ghế thứ ba trong hội phản Thanh, tam đương gia Trương Quốc Khải. Còn người nam nhân có diện mạo khôi ngô chính là thất đương gia Cửu Dương.
Tình trạng éo le của Trương Quốc Khải khiến cho Cửu Dương phân vân tột cùng. Cửu Dương thầm nghĩ “chất độc trên long bào của Khang Hi bí hiểm, phải giải thế nào đây?”
Vào canh ba, Trương Quốc Khải thổ huyết. Lần này, chàng thở không ra, tay chân co thắt. Cửu Dương và lão Tôn nhìn nhau, lòng đau xót khi biết chất độc đang hoành hành. Ngó ngang ngó dọc một hồi, tậm trạng của họ càng thêm bối rối.
Cửu Dương chắp tay sau lưng đứng im như pho tượng, không dám rời bệnh nhân nửa bước. Còn lão Tôn thì ngồi chống cằm chỗ chiếc bàn đặt giữa căn hầm. Thần sắc mệt mỏi, trí óc của ông suy nghĩ mông lung. Lúc nãy Cửu Dương báo tin bất lành. Ba vị đương gia tử nạn. Sư Thái cũng thọ thương. Cho nên nhân vật mà bang phái trông cậy trong giây phút này chính là thiếu đà chủ Tần Thiên Nhân. Lão Tôn mong mỏi làm sao cho Tần Thiên Nhân được sớm trở về Giang Nam để hội tụ cùng các thành viên bang hội.
Trời tờ mờ sáng. Ở trong mật hầm bên dưới từ đường, lão Tôn đứng cạnh giường của bệnh nhân. Ông đang chăm chú nhìn Cửu Dương dùng nội công đè nén chất độc bí hiểm giúp Trương Quốc Khải thì bỗng nghe tiếng gõ cộc cộc rồi giọng nói của Thiết Lâm vang lên:
- Thất đương gia!
Thiết Lâm là vị thủ lĩnh trong đám tú tài và cũng là thành viên bang hội. Cửu Dương nghe Thiết Lâm gọi nhưng vì đang vận nội công khắc chế chất độc thành thử không thể trả lời. Nếu chàng phân tâm thì nguyên khí chạy ngược vào thân, không chừng còn mang theo chất độc truyền vô cơ thể. Lão Tôn biết được đều oái âm đó. Ông thay thế Cửu Dương đi tìm hiểu.
Lão Tôn dò dẫm lên bật thềm, huơ tay bấm chốt. Ngay lập tức, cánh cửa hầm hé mở. Thiết Lâm nhìn thấy lão Tôn bước ra liền báo cáo:
- Lúc nãy khi tôi canh gác đã phát hiện tên quan tri huyện và đám quân binh trên đường đến đây.
Gương mặt của lão Tôn biến sắc. Không nói không rằng, ông phất tay ra hiệu. Thiết Lâm hiểu nhiệm vụ đã hết nên quay lưng bỏ trở ra ngoài. Khi Thiết Lâm đi rồi, lão Tôn đến chỗ hàng kệ gỗ, nơi có đặt pho tượng thờ quan Công. Ông xoay pho tượng quan Công qua bên phải một vòng rồi xoay trả về chỗ cũ. Cánh cửa hầm đóng lại. Cánh cửa này được ngụy trang như một bức tranh sơn đồ to lớn. Người ngoài nhìn thấy sẽ không thể phát hiện, trừ khi có kẻ gõ lên bức tranh, lắng nghe tiếng rỗng vang vọng thì họa may mới biết bên trong là căn cứ bí mật.
Phong bế mật hầm xong, lão Tôn rời khỏi từ đường. Nhưng trước khi bỏ đi hẳn, ông với tay khép cánh cửa và bấm ổ khóa chặt rồi ra ngoài cửa chính của Hắc Viện nghênh đón tên quan tri huyện cùng đám quân binh.
Lão Tôn đứng chờ sẵn bên trong cánh cửa chính của học đường Hắc Viện chẳng bao lâu thì nghe tiếng đập binh binh. Ông mở cửa, vờ ngạc nhiên:
- Lính đại ca sao lại giá lâm tệ xá?
Lão Tôn nói thật to để báo động học sinh. Ông còn dang tay vịn hờ cánh cửa, chặn lối vào, cố ý chần chừ trì nệ. Mục đích là câu giờ cho Cửu Dương cầm cự vết thương của Trương Quốc Khải. Lão Tôn sợ đám binh sĩ vô xét sẽ làm ồn khiến khí công của Cửu Dương rối loạn dẫn đến tẩu hỏa nhập ma.
Nghe lão Tôn hỏi, một gã thanh niên khinh khỉnh đáp lời, giọng nói ồ ề như vịt đực:
- Triều đình mới vừa ban chiếu chỉ, ra lệnh cho quan địa phương truy lùng đám thích khách ám sát hoàng thượng ở Tây Sơn. Tri huyện đại nhân hoài nghi đám thích khách đó lẩn vào thị trấn nên đích thân đi tra xét. Hiện giờ tất cả đường sá giới nghiêm.
Kẻ vừa tuyên bố hách xì xằng là tên bộ đầu. Hắn nói xong thì vung tay định xô lão Tôn. Ông biết không thể trì hoãn thêm nên tự nguyện tránh sang một bên nhường đường. Theo sau tên bộ đầu là đoàn quân Thanh, khoảng ba chục người. Bên ngoài Hắc Viện còn nhiều tên binh lính nữa nhưng chỉ đứng bao vây chứ không vào.
Ba mươi mốt người ăn bổng lộc của triều đình đang đứng chình ình chính giữa khoảnh sân rộng. Họ đưa mắt nhìn chung quanh. Rồi sáu mươi hai con mắt đó nhìn chằm chằm lão Tôn. Ông cũng run nhưng cố giữ nét mặt bình thản.
Giang Nam tri huyện thình lình bước vào, giơ ngón tay trỏ gãi chiếc cằm mọc râu tua tủa:
- Bổn quan thừa lệnh truy xét từng gia hộ, kể cả Hắc Viện này.
- Tiểu nhân tham kiến tri huyện lão gia - Lão Tôn cúi người thi lễ.
- Miễn đi.
- Đa tạ đại nhân.
Lão Tôn vừa cảm tạ ân xá vừa đắn đo trong đầu “ta không thể để bọn người này tìm ra căn hầm bí mật, càng không thể để bọn chúng làm ồn Cửu Dương. Nếu Cửu Dương bị phân tâm trong lúc liều thương thì nội công rối loạn.” Suy xét đến đó, lão Tôn đánh bạo lên tiếng:
- Bẩm đại nhân, xin cho tiểu nhân mạo phép hỏi là tại sao ngài lại hoài nghi đám thích khách lẩn vào thị trấn của chúng ta?
Tri huyện Giang Nam chưa trả lời thì tên bộ đầu đáp:
- Chúng tôi phát hiện cặp tuấn mã trong khu rừng hoang. Dưới móng của cặp tuấn mã có khắc dấu ấn, bọn chúng vốn là cống phẩm của người Hồi tộc ở vùng tự trị Tân Cương.
“Thì ra là vậy,” lão Tôn nhủ thầm. Chả là khi nhiệm vụ mưu sát Khang Hi thất bại thì Cửu Dương và Trương Quốc Khải cướp được hai con tuấn mã của đoàn quân thiết giáp. Hai người họ bỏ trốn, thoát ly về Giang Nam. Ngặt cái là những con tuấn mã đó đã được Phủ Doãn đại tướng quân ra lệnh cho thuộc hạ đóng dấu hẳn hòi nên cớ sự mới ra nông nổi này. Phủ Doãn đại tướng quân tinh khôn mưu mẹo, đã đoán trước sẽ có người ám sát ấu chúa nên tính toán đâu vào đó vẹn toàn. Lão Tôn bắt đầu cảm giác rét trong tim. Ông ráng kỳ kèo nài nỉ:
- Học viện là nơi yên tịnh, khẩn cầu đại nhân đừng làm kinh động học sinh.
Tri huyện Giang Nam chỉ mặt ông lão:
- Không cần biết thiên đường hay là Diêm Vương phủ. Khôn hồn thì tránh ra!
Rồi quan tri huyện quay sang đám tùy tùng:
- Bây đâu, truy lùng thích khách!
Sau khi phất tay ra lệnh cho quân lính, tri huyện Giang Nam cầm đầu tiến vào căn phòng gần cửa ra vào. Cả đoàn hậu vệ bủa tứ tung. Bọn chúng xông vô khám xét kỹ lưỡng ngõ ngạch của học đường, phòng chứa thuốc, phòng chứa củi, thư viện, nhà trọ, nhà bếp lẫn nhà xí. Đủ thứ chỗ.
Hễ binh lính đi đến đâu là học sinh né đến đó. Hai bên không chào hỏi nhưng cũng không đụng chạm. Một mặt là do binh sĩ triều đình tỏ vẻ nể nang bởi trong đám tú tài mai này sẽ có kẻ đỗ đạt trạng nguyên nên binh lính không dại gì làm mất lòng. Mặt khác, những tên thư sinh toàn là kẻ trói gà chưa chặt thành ra tránh ấu đả được chừng nào thì hay chừng nấy. Hai bên giữ gìn bầu không khí hòa nhã, dĩ hòa vi quý.
Một khắc trôi đi, đám binh sĩ và quan tri huyện không xét được điều gì khả nghi nên quay trở lại tụ tập ngoài khoảnh sân lúc nãy. Tri huyện Giang Nam vẫn chưa chịu thôi, hắn cau mày suy ngẫm. Chợt, hắn nhớ ra điều gì nên xồng xộc đi đến từ đường, nơi thờ phụng bài vị của Mã Lương và cũng là nơi chứa bức họa sơn đồ, tức là cánh cửa của ngăn hầm bí mật. Cửu Dương và Trương Quốc Khải đang ở trong đó.
Lão Tôn chết khiếp. Ông tất tả rượt theo, miệng rối rít:
- Mã lão gia mới vừa nằm xuống, chưa được an giấc, cúi xin đại nhân nể tình ông ấy mà để bài vị được yên nghỉ. Đại nhân đừng đến đó.
Tri huyện Giang Nam chẳng thèm nghe lấy một lời. Hắn hừ giọng một cái rõ to, mặt hếch lên trời trịch thượng, còn đôi chân thì không ngừng tiến vào nơi cấm kỵ.
Ở phía sau cùng của Hắc Viện là một khu vườn êm ái có tường dây leo bao phủ. Khu vườn chưng bày tổng cộng bốn mươi chậu kiểng, bốn bộ bàn ghế đá và mỗi góc vườn trồng một cây thông. Từ đường nằm riêng lẻ một mình trong hậu viên này.
Từ đường vốn là một căn nhà thờ tổ tông được xây ngay chính giữa khu vườn. Từ đường có diện tích khấm khá, to gấp mười căn phòng trọ của các vị tú tài. Muốn đến trước cửa từ đường thì phải bước lên bậc tam cấp có lót nhiều viên sỏi trắng.
Tri huyện Giang Nam tới trước từ đường, thấy cánh cửa đóng kín mít, khóa chặt chẽ bèn khoanh hai tay lại bảo lão Tôn:
- Ngươi mở cửa ra mau.
Lão Tôn lắc đầu, khom mình lễ phép thưa:
- Bẩm đại nhân, chiếc chìa khóa của từ đường là do viện trưởng nắm giữ chứ không phải tiểu nhân.
Nghe lão Tôn nói vậy, tri huyện Giang Nam nhếch mép:
- Vậy thì ngươi đi gọi Tần Thiên Văn đến đây.
Tần Thiên Văn chính là tên họ của Cửu Dương. Chàng sử dụng cả hai danh tánh. Cửu Dương là danh hiệu mà thành viên bang hội đặt cho chàng. Cửu Dương là một nhân vật nòng cốt trong đội ngũ phản Thanh phục Minh. Cái danh tánh Cửu Dương này đang được giới giang hồ khâm phục, được bá tánh khắp nơi hâm mộ, và cũng vì là phản tặc nên chàng bị đám binh sĩ triều đình truy nã không ngừng. Còn Tần Thiên Văn là tên thật của chàng. Trừ những thành viên bang hội thì tất cả các vị bá tánh ở Giang Nam chỉ xem Tần Thiên Văn là viện trưởng của học đường Hắc Viện. Ngay cả đám binh sĩ cũng vậy. Họ không dẩy chút lòng nghi ngờ.
Lúc này, Cửu Dương đang liều thương thành thử lão Tôn đâu thể đi kêu đến gặp quan tri huyện được. Ông đành bịa cớ từ chối:
- Viện trưởng đã đến Tô Châu để xem văn án, có lẽ sáng mai mới…
Lão Tôn chưa nói xong thì tri huyện Giang Nam tặc lưỡi tỏ vẻ bực mình. Rồi hắn hất đầu ra hiệu cho một tên quân binh dùm đao chém đứt ổ khóa. Lão Tôn thót bụng. Ông chưa kịp cản thì tiếng chang chát vang lên bên tai. Ông bất lực đứng im như trời trồng, đôi mắt già nua nhìn thanh đao nện xuống. Trong khi lão Tôn than thầm thì tri huyện Giang Nam hấp háy cặp mắt hí:
- Bổn quan chỉ làm theo lệnh mà thôi. Mã Lương ở trên trời ắc hiểu, chắc không nỡ trách ta. Hơn nữa, nếu xét không thấy phản tặc thì ta sẽ thắp cây nhan tạ lỗi. Ngươi đừng quá lo.
Lão Tôn rủa tơi bời trong ruột. Ông không muốn lo cũng không được. Bên dưới từ đường là mật hầm. Ông mím chặt đôi môi, cố nặn óc nhưng mãi vẫn không tìm ra kế để cản chân họ lại.
Sau nhát chém thứ mười, ổ khóa gãy rụm. Tên lính Thanh co chân đạp một cú khiến hai cánh cửa mở tung. Tri huyện Giang Nam xông vào trước tiên, rồi đến mấy chục tên đầu trâu mặt ngựa. Từ đường bình thường vắng vẻ, nay thoáng mắt đã chật cứng toàn người và người.
Đập vào mắt họ lại không phải thích khách mà là bài vị của Mã Lương. Tấm bài vị đứng trang nghiêm trên bàn gỗ quý. Chiếc bàn được đặt ngay chính giữa căn phòng. Hương án còn đang nghi ngút khói. Phía đằng sau chiếc bàn, chỗ cuối căn phòng là hai hàng kệ gỗ được đóng sát lên vách. Trên hàng kệ cao nhất có đặt ba pho tượng của quan Công, Lưu Bị và Trương Phi. Pho tượng quan Công là then chốt dùng để mở cửa căn hầm. Hàng kệ thấp hơn chứa một trăm lẻ tám bài vị của các bậc anh hùng Lương Sơn Bạc. Bên phải và bên trái của hàng kệ là hai bức tranh sơn thủy to đùng. Cả hai bức tranh đều là bản đồ nước non, tên núi sông biển hồ đều có đủ, từng chi tiết được ai đó kẽ một cách rành mạch. Một trong hai bức tranh sơn thủy là cánh cửa mật hầm.
Tri huyện Giang Nam và đám quân binh dợm chân định đi chung quanh từ đường xem xét thì nghe tiếng ho khùng khục. Tiếng ho vang lên từ căn phòng trọ bên ngoài khu vườn, rồi thêm tiếng rên rỉ đau đớn. Quan tri huyện trố mắt dòm đám thuộc hạ:
- Tiếng gì thế?
Đám thuộc hạ nhìn lão Tôn ra ý hỏi nhưng ông đứng nín thinh. Ông hơi bất ngờ và cũng cùng chung tâm trạng như họ, chẳng biết tiếng rên rỉ nghe rởn tóc gáy đó là tiếng của ai. Tri huyện đại nhân thấy lão Tôn im ru bà rù thì sinh nghi. Hắn tưởng có thích khách trốn đâu trong căn phòng trọ bên ngoài khu vườn nên bỏ đi, chẳng thèm tra xét từ đường nữa.
Té ra căn phòng trọ đó cũng không chứa chấp thích khách nốt. Lúc tri huyện đại nhân, lão Tôn và bọn quân binh xô cửa bước vào thì phát hiện một thiếu nữ hình dáng mảnh mai đang tắm rửa trong chậu nước hoa. Nàng bị che khuất bởi tấm bình phong nên họ chỉ ngó thấy đôi vai gầy. Nàng quay đầu liếc những kẻ lạ mặt rồi thét lên kinh hoàng.
- Cả gan cho ngươi dám để nữ nhân cư trú tại đây. Người đâu! Mau niêm phong nơi này, chờ bổn quan tra xét!
Tri huyện đại nhân ra lệnh cho đám binh lính nhưng cặp mắt của hắn không rời khỏi thiếu nữ. Nàng huơ tay vớ chiếc áo lụa hồng nằm vắt vẻo trên tấm bình phong, khoác vội vào rồi đứng dậy bước ra khỏi chậu nước.
Thiếu nữ đi đến quỳ dưới chân đại nhân. Chậc! Mọi người lặng đi vì dung nhan tiều tụy. Trên gương mặt của nàng đầy ắp những chấm đỏ, hai quầng mắt thâm đen, đôi môi tím ngắt trông ớn xương sống, không giống người. Tri huyện đại nhân thối lui một bước.
Nàng thiếu nữ khấu đầu:
- Đây là lỗi của tiểu nữ. Xin đại nhân tha thứ.
Đoạn, nàng kín đáo nháy mắt với lão Tôn. Ông bắt được tính hiệu nên quỳ mọp xuống:
- Bẩm đại nhân, cháu gái của tiểu nhân vừa từ dưới quê lên. Mùa màng thất thủ, lụt lội triền miên, không nơi nương tựa bèn đến ở tạm vài hôm.
Tri huyện đại nhân động lòng trắc ẩn. Hắn hỏi thiếu nữ:
- Phụ thân của ngươi đâu?
Nàng vừa khóc vừa than:
- Tiểu nữ mồ côi cha từ nhỏ. Vài hôm trước, ngôi làng của tiểu nữ bị bão tàn phá nên tiểu nữ cùng mẫu thân lên đường đến đây tìm cựu cựu. Mẫu thân ở được vài hôm thì phát giác đã nhiễm bệnh đậu mùa và ôn dịch, vừa mới qua đời. Tiểu nữ không may cũng bị truyền lan. Vì không muốn lây kẻ khác nên tiểu nữ giam mình trong căn phòng này.
Nghe nói tới bệnh truyền nhiễm, quan tri huyện vội vàng lánh xa. Nàng thiếu nữ bỗng dưng bụm miệng ho khùng khục rồi ngất xỉu. Lão Tôn khoái chí vì có cớ la lên:
- Lão Thiên hỡi lão Thiên! Có ai thương dùm, đưa cháu tôi đến gặp lang y?
Có cho vàng đám quân Thanh cũng không dám rớ tới nàng chứ đừng nói là đưa nàng đến gặp lang y. Họ ngỡ nàng trở bệnh mà chết bèn hè nhau bỏ chạy thục mạng, thoát khỏi căn phòng, vọt luôn ra cửa chính của Hắc Viện. Vì quá hấp tấp nên có kẻ đụng sầm tên quan tri huyện khiến hắn té nhào nhưng không ai to gan trở vào bên trong căn phòng dìu hắn đứng dậy. Tri huyện đại nhân tức muốn nổ đom đóm mắt, liền dùng bàn tay đập lên sàn nhà nghe bép một tiếng:
- Bọn cẩu nô tài! Trả lương chúng bây, nay có chuyện lại mặc kệ bổn quan!
Nhưng không ai còn ở đó. Lời chửi rủa rơi tõm vào không trung. Tri huyện đại nhân nhìn quanh quất rồi vội vã cáo từ. Đuổi theo phía sau là tiếng nức nở giả vờ của lão Tôn.
Sau khi bọn quân Thanh và tên quan tri huyện cút khỏi, bỏ đi hết trơn hết trọi không còn một mống, lão Tôn dìu nàng thiếu nữ đứng lên. Ông khẽ bảo:
- Bọn chúng đi rồi, bát đương gia không cần đóng kịch nữa.
- Ông thấy thuật dịch dung của tôi thế nào?- Thiếu nữ nhướng mắt.
Nàng vừa hỏi vừa tháo chiếc mặt nạ, trao tay lão Tôn. Ông cầm chiếc mặt nạ có chấm đỏ tùm lum lên sát mắt xem xét. Đã đời, ông vui sướng cười khà:
- Thuật dịch dung của bát đương gia rất tốt.
Nàng cũng cười:
- Có tốt bằng Nữ Thần Y không?
Lão Tôn gật đầu:
- Tài tình hệt Nữ Thần Y.
Thiếu nữ lại nở thêm nụ cười hãnh diện, cái lúm đồng tiền xuất hiện trên má bên trái. Rồi nàng kéo tay lão Tôn. Cả hai bước ra khỏi căn phòng để đến từ đường hội ngộ với Cửu Dương và Trương Quốc Khải.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.