Thời trung học, Triệu Phùng Thanh là một thiếu nữ có vấn đề tiêu chuẩn.
Vốn đã không có thiên phú học hành, lại không chăm chỉ chịu khó, thành tích thi cử lần nào cũng là mấy thứ hạng chót.
Hồi cấp hai cô học ở một trường trung học bình thường. Lúc họp phụ huynh,
giáo viên nói với phụ huynh rằng, chỉ có những em học sinh xếp trong 50
thứ hạng đầu toàn khối thì mới có hy vọng vào trường cấp ba trọng điểm.
Đương nhiên, đây chắc chắn không có phần của Triệu Phùng Thanh.
Ba Triệu và Mẹ Triệu rất đau đầu với cô con gái này, nhưng lại ôm lấy cái
hy vọng mong con thành rồng. Hai người họ mời cho Triệu Phùng Thanh một
gia sư dạy kèm. Kết quả, chưa được một tuần lễ, gia sự đã bị chọc tức
đến bỏ đi. Lúc sắp đi, gia sư còn giận dữ mắng Triệu Phùng Thanh là bùn
loãng không trét được tường.
Triệu Phùng Thanh lắc lư cái đầu, chẳng cho là đúng.
Vì chuyện này, Ba Triệu hung dữ giáo huấn cho Triệu Phùng Thanh một tăng.
Triệu Phùng Thanh nghe tai trái, ra tai phải. Cô cho rằng cái chuyện học hành này, quan trọng nhất là phải có khiếu., mà cô thì hoàn toàn không có.
Cớ chi phải miễn cưỡng.
Năm lớp 9, cô ngồi cùng bàn với một bạn nữ có thành tích rất tốt, điểm số thi cử quả là được nâng lên. Nhưng mà,
là bởi vì quay cóp.
Vợ chồng Triệu thị lại nghĩ con gái đã biết tu tâm, sắp sửa nghiêm túc rồi. Thế nên hai người vui mừng lắm.
Kết quả, khi điểm số thi hết cấp hai được công bố, suýt chút thì khiến toàn thể Triệu gia phun ra một búng máu.
Ba Triệu tức giận vô cùng, nhưng vẫn tiêu một khoản lớn tiền trái
tuyến (1), tranh thủ cho Triệu Phùng Thanh một ghế ngồi trong trường cấp ba trọng điểm. Ông cảm thấy tinh thần học tập của trường phổ thông A
tương đối tốt, chắc hẳn có thể thay đổi tâm tính của con gái ông.
Nhưng ông đã bỏ sót một chuyện, nếu như ông có thể kiếm được một ghế trong
ngôi trường này, thì tất nhiên cũng có học sinh kém khác có thể mua
được.
Triệu Phùng Thanh không muốn đi học cấp ba, cô cảm thấy học trung cấp nghề là được, sớm ra xã hội kiếm tiền một chút, thực tế hơn
nhiều so với chuyện lãng phí tuổi thanh xuân trong trường học.
Triệu gia cố ép thì cô học. Thậm chí ngay cả ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại đều tham gia.
Dưới sức ép của hai đại gia tộc, cô làm theo ước nguyện của bọn họ, nhập học cấp ba.
Sau chuyện này, tâm lý nổi loạn của Triệu Phùng Thanh càng trở nên kinh
khủng. Cô nhuộm cái đầu năm sáu màu, tai trái xỏ sáu cái khuyên tai. Lúc nổi hứng, cô còn trang điểm đi học.
Hành vi này ở trường điểm như giẫm phải mìn vậy.
Thầy tổng giám thị mấy lần la mắng cô trong phòng làm việc, ngay trước mặt mọi người.
Cô nhếch khóe miệng, chẳng chút quan tâm.
Dần dà, tiếng xấu của cô truyền khắp, lúc nhắc đến cô, các thầy cô giáo đều lắc đầu.
Ba Triệu và Mẹ Triệu bận rộn làm ăn, thời gian quản giáo con gái không
nhiều. Khi nhận được lời phàn nàn từ giáo viên, hai người họ liền khuyên răn quở mắng Triệu Phùng Thanh.
Khuyên dạy xong, Triệu Phùng Thanh vẫn cứ như cũ.
Sau khi chia lớp năm 12, giáo viên chủ nhiệm mới không thích ứng được với
tác phong xấu của cô thiếu nữ hoang đường này, tức đến nỗi liền gọi cho
phụ huynh.
Ba Triệu vội vàng chạy đến, xách tai của Triệu Phùng
Thanh lên liền thét, “Con còn tạo phản hả!” Sau đó cười xòa xin lỗi giáo viên chủ nhiệm.
Thái độ của Triệu Phùng Thanh khinh khi ngạo mạn, hết ngó đông rồi lại nhìn tây.
Có mấy giáo viên đang cúi đầu chấm bài. Bên cạnh giáo viên số học ở trong góc, có một nam sinh đang đứng.
Triệu Phùng Thanh chỉ nhìn thấy sườn mặt của hắn.
Ánh nắng bên ngoài xuyên qua cửa sổ chiếu vào, rơi trên mặt của hắn, khiến
cho góc cạnh sắc sảo ấy trở nên dịu dàng một cách mơ hồ. Cô còn nhìn
thấy lông mi thật dài cứ lay động theo từng cái chớp mắt của hắn, lay
động đến trái tim cô cũng có chút nhồn nhột.
Chàng trai đột nhiên xoay đầu qua, ánh mắt cùng cô chạm nhau.
Cô cười, đôi mắt đẹp tựa hồ ly xếch lên.
Mắt hắn ta chợt lạnh, xoay đầu đi chỗ khác.
Triệu Phùng Thanh vẫn cứ cười. Vào khoảnh khắc ấy, cô cảm thấy căn phòng làm
việc thường ngày cực kỳ đáng ghét này, cuối cùng cũng có một sự tồn tại
có chút tốt đẹp.
—-
Trước kia Triệu Phùng Thanh chơi với đám con trai quen rồi, không có cái kiểu gọi là rụt rè căng thẳng. Sau lần
gặp tình cờ ở phòng làm việc kia, cô liền đi hỏi thăm xung quanh cậu
trai kia là ai.
Đám bạn bè xấu của cô cả một đống, tin tức phản hồi rất nhanh chóng.
Cậu trai tên là Giang Tấn, là học sinh chuyển trường đến vào học kỳ này.
Nghe nói kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái hắn có chuyện không đi thi được,
cho nên giờ đi học lại, hiện tại ở lớp 12.2.
Triệu Phùng Thanh nhớ lúc trước khi cô nhìn thấy trên bảng thông báo còn từng mỉa mai, “Cứ
tưởng đặt cái tên bằng cái chữ chẳng ai biết là giỏi lắm chắc.”
Bây giờ cô có suy nghĩ khác biệt với hắn, thì cô phải đặc biệt đi tra từ điển.
Tấn (琎) [jīn], viên đá đẹp tựa ngọc.
Tướng mạo tuấn tú của hắn cũng thật phù hợp với cái tên này.
Trường phổ thông A cứ mỗi khi đến 10 giờ sáng thì sẽ có 20 phút tập thể dục.
Việc học hành của khối 12 nặng nề, khoảng thời gian ngắn ngủi này đều
chen chúc trong biển đề thi, cho nên trường học không cưỡng chế tỷ lệ có mặt của học sinh khối 12.
Mỗi lần đến khoảng giờ nghỉ này, Triệu Phùng Thanh liền kéo Tưởng Phù Lị đến lớp 12.2.
Triệu Phùng Thanh luôn có thể vừa liếc mắt đã nhìn thấy Giang Tấn. Mặc cho
hắn đang cúi đầu đọc sách, hay là đang nhàm chán quay bút, trong mắt cô, hình như chỉ chứa đươc mỗi hắn.
Giang Tấn là người khác phái đầu
tiên khiến cô bị cuốn hút. Tuy rằng cô cũng không rõ nguyên nhân. Nhưng
mà, tình yêu ấy, vốn chính là chẳng có lý do gì cả. Cô không biết cái
thoáng nhìn ở phòng làm việc kia sẽ khiến cho tương lai cô có gì thay
đổi không. Cô chỉ chắc chắn rằng, tâm tư của mình lúc này, hoàn toàn lạc đến bên mình Giang Tấn mất rồi.
Đối với mối tình đầu đơn phương này, Triệu Phùng Thanh thích nhiều rất nhiều lần hơn là ưu phiền.
Trong đám bạn ham ăn lười làm của cô, chẳng thiếu người có ý với cô, thế
nhưng cô chẳng ưng được người nào cả. Cô từng tếu táo với Tưởng Phù Lị
rằng, “Nếu như tao mãi không có cảm giác gì với người khác phái thì hai
đứa mình sống chung một đời nhé.”
Tưởng Phù Lị làm động tác nôn mửa, “Tao 100% thích trai nhé, mày FA đến già đi.”
Trường học đã ghi rõ quy định cấm tiệt yêu đương sớm, nhưng tình cảm nảy nở
mấy năm nay đâu phải ít ỏi gì. Thầy cô giáo quản được chuyện này thì
không thể lo được chuyện khác. Vả lại, dưới ngọn núi lớn mang tên thi
đại học này, thầy cô quan tâm nhất vẫn là những học sinh xuất sắc.
Học sinh kém như Triệu Phùng Thanh, thầy cô đã bỏ cuộc rồi.
Tâm sự của Triệu Phùng Thanh đối với Giang Tấn chẳng phải là bí mật gì. Cô
rất thản nhiên, thích chính là thích. Hơn nữa cô còn chủ động đi theo
đuổi.
Ngoại trừ cái liếc mắt ngắn ngủi vào lần cô tặng quà đầu
tiên, sau đó Giang Tấn đều trực tiếp ném túi quà cho đám nam sinh ngồi
dãy trước và dãy sau mình.
Thế nên, mấy cậu nam sinh đó sôi nổi phân chia hết tấm lòng của Triệu Phùng Thanh.
Triệu Phùng Thanh tặng nào là đồ ăn vặt, mô hình chạy máy, bút máy đồng hồ
các loại. Thứ có ý nghĩa nhất, chính là một cái khăn quàng cổ. Do chính
tay cô đan.
Cô mua mấy quyển sách học trong hai tuần lễ, còn tốn
hết một tháng trời để đan. Lúc học thì kiểu dáng phong phú, lúc đan thật sự thì cô chỉ biết cách đan đơn giản nhất. Nhưng mà, tốt xấu gì thì
cũng ra dáng hình chữ nhật.
Lúc tặng quà là cuối hè.
Tưởng Phù Lị vỗ vỗ trán, “Tao vừa nhìn thấy cái khăn quàng đó thì lại càng thấy nóng thêm.”
“Đã bắt được đuôi của mùa hè rồi, mùa đông còn xa hay sao?” Triệu Phùng
Thanh cười. Thành phố này không có mùa thu, từ hạ sang đông chẳng qua
chỉ là chuyện trong một đêm. Giang Tấn thân người cao, cho nên cô đan
hết trọn hai cuộn len.
Chiếc khăn quàng đi về chốn nào, Giang Tấn không biết. Triệu Phùng Thanh cũng không biết.
Hai tháng sau, Tưởng Phù Lị nhìn thấy một nam sinh nào đó của khối 12 quấn
một chiếc khăn quàng cực dài, dài đến nỗi phải quấn lên mấy vòng. Tưởng
Phù Lị vô cùng kinh ngạc, “Tao tưởng chỉ có Triệu Phùng Thanh mới đan
cái khăn quàng dài ba mét, hóa ra còn có đứa quái dị khác làm thế cơ
đấy.”
—-
Nói đến chuyện theo đuổi Giang Tấn, có đến mấy người bạn nói muốn truyền thụ kinh nghiệm cho Triệu Phùng Thanh.
Thế nhưng Triệu Phùng Thanh từ chối hết. Cô cảm thấy chuyện yêu đương là
một chuyện thuần túy. Dùng tấm lòng để đối đãi mới là chính đạo.
Những người bạn đó nghe mà giống như là nhìn thấy ma vậy. Họ chỉ biết Triệu
Phùng Thanh là đồ cờ hó không tim không phổi, quả thật chưa từng thấy cô đối xử với ai để tâm đến vậy.
Ngoài ngạc nhiên, bọn họ không khỏi oán giận và ghen ghét với kẻ không biết mình có phúc là Giang Tấn.
Trong số những cậu trai này, có vài người đều từng mơ tưởng đến Triệu Phùng Thanh.
Tuy rằng tính cách cô kỳ lạ, nhưng ngoại hình lại vô cùng xinh đẹp. Đặc
biệt là đôi mắt hồ ly của cô, cực kỳ có sức quyến rũ. Đôi mắt chỉ tùy
tiện đảo một vòng, họ đều cảm thấy như linh hồn nhỏ bé đã bị câu đi mất
rồi.
Mấy thiếu niên nổi loạn này, trốn học, đi thi nộp giấy trắng, hút thuốc cộng thêm uống rượu, chỉ làm những chuyện như thế. Có một hai người kết giao khá thân với đám thanh niên xã hội, từng muốn lợi dụng
thủ đoạn phi pháp để xâm phạm Triệu Phùng Thanh.
Tuy rằng Triệu
Phùng Thanh cũng chơi bời, nhưng ý thức nguy cơ tương đối nhạy cảm, tìm
lý do từ chối hết lần này đến lần khác, trước nay chưa từng cho bọn
chúng cơ hội để ra tay.
Sau này, theo cùng tình cảm càng lún càng sâu của cô đối với Giang Tấn, cô cũng không thích chơi với đám cúp học nữa.
Tưởng Phù Lị rất kỳ quái. Ngay cả nhìn thẳng một lần Giang Tấn cũng chưa từng ném cho Triệu Phùng Thanh, thế nào mà Triệu Phùng Thanh vẫn có thể đơn
phương cuồng nhiệt như thế. Hơn nữa, đám học sinh giỏi làm gì để mắt tới đám lêu lổng các cô chứ.
Ngay cả trường học cũng đối xử với các cô khác với những học sinh khác.
Khối 12 tổng cộng chia làm 7 lớp. Năm lớp đầu có bầu không khí rất nghiêm
khắc, các thầy cô lúc nào cũng lấy tiền đồ đại học tươi đẹp để khích lệ
học sinh.
Còn hai lớp cuối, đều tập hợp đám học sinh đi cửa sau và mua ghế ngồi. Vào tiết vui đùa ầm ĩ là chuyện thường. Thậm chí một hôm
lên lớp, lưu manh Đại Hồ trực tiếp cự cãi với giáo viên, làm cho cô giáo mới tốt nghiệp tức đến phát khóc.
Lúc đó Triệu Phùng Thanh đang
tô vẽ điểm số trên bài thi, lúc ngẩng đầu lên nhìn thấy gương mặt khóc
lóc của cô giáo trẻ, cô quay đầu lại nói với Tưởng Phù Lị, “Hôm nay
không thể tan học sớm rồi.”
Tưởng Phù Lị nghiêng người lên bàn trước, dẩu môi, “Ngủ ngáy to như thế, sợ cô giáo không nghe thấy chắc.”
Cuối cùng cô giáo tức đến chạy ra khỏi lớp học, kêu thầy tổng giám thị tới.
Kết quả, cả lớp nghe giáo huấn đến bảy giờ tối.
Phụ huynh của Đại Hồ cũng đến. Cha của Đại Hồ ngoài cười nhưng trong không cười, xin lỗi, sau đó liên tục xem đồng hồ.
Sau khi chú ý thấy động tác của ông ta, Triệu Phùng Thanh cười khinh khỉnh một tiếng.
Cha của Đại Hồ không ở lại lâu, ông nói còn có một buổi xã giao, bữa sau sẽ đến tạ lỗi.
Nghe thế, thầy tổng giám thị không vừa lòng, nhưng mà đối với phụ huynh chỉ có thể nhã nhặn.
Lúc Triệu Phùng Thanh và Tưởng Phù Lị ra khỏi cổng trường thì đã là bảy giờ rưỡi.
Mấy cậu nam sinh ở phía sau gào thét, “Này, Thanh Nhi, đi uống rượu không?”
“Này cái gì mà này.” Tưởng Phù Lị quay đầu lại, “Bị thầy nghe thấy thì tha hồ ma nghe giáo huấn.”
Đám nam sinh đùa cợt, “Chị Lị là vai vế gì chứ, còn sợ chút giáo huấn này sao.”
Triệu Phùng Thanh vắt tay lên vai Tưởng Phù Lị, cười lớn tiếng, “Hai đứa tôi
nghe thầy giảng đến lỗ tai đóng kén rồi, tối nay phải về sớm nghỉ ngơi.”
“Đáng tiếc thế. Ai chẳng biết chỉ cần tìm Thanh Nhi đi giúp đỡ, quản lý quán bar nhất định sẽ giảm giá chứ.”
“Không phải thế sao, quản lý quán bar muốn cua Thanh Nhi của chúng ta mà.”
“Vô vị.” Tưởng Phù Lị kéo Triệu Phùng Thanh, tiếp tục đi về phía trước,
“Chẳng trách mày đối với Giang Tấn vừa gặp đã yêu. Xung quanh chúng ta
toàn là mấy đứa bại hoại.”
Triệu Phùng Thanh nhớ đến khuôn mặt của Giang Tấn, đuôi mắt xếch lên, “Hai từ cuối cùng của mày bao quát cả tao với mày luôn đó.”
“Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Đợi khi mày câu được Giang Tấn rồi, nhớ dạy tao làm sao nâng cao thành tích nhé.”
“Tưởng Phù Lị.”
“Cái gì?”
“Mày cũng biết dùng tục ngữ nữa cơ à, mà còn là hai vế cơ đấy.” (2)
Tưởng Phù Lị hất tay của Triệu Phùng Thanh ra, “Cái thứ cờ hó nhà mày!”
.
(1) Tiền trái tuyến (VN) = Phí chọn trường (TQ) [择校费]: đơn giản chính là, khi học sinh học hết cấp thấp lên cấp cao hơn thì
cục giáo dục quy định học sinh thuộc khu vực nào (quận huyện nào) khi sẽ học ở khu vực ấy thì không tốn bất kỳ khoản phí nào (học đúng tuyến),
còn muốn học ở khu vực khác thì phải đóng 1 khoản phí chọn trường nhất
định. Đồng thời học sinh chuyển trường cũng phải đóng phí chọn trường. – Theo baidu.
(2) Câu bạn Tưởng Phù Lị nói là: cận chu giả xích, cận mặc giả hắc (gần son thì đỏ gần mực thì đen), và trong
nguyên tác thì bạn Phùng Thanh bảo đây là hai câu thành ngữ chứ không
phải tục ngữ nhé.