Chỉ có điều đột nhiên Thôi Hướng nghe nói rằng tiếng nói trong Ủy ban nhân dân tỉnh lúc này đã có chút không đồng nhất. Thái độ của Mã Vạn Chính đối với việc điều chỉnh kết cấu sản xuất có chút dao động, từ việc ủng hộ mạnh mẽ lúc trước đã biến thành ủng hộ một cách cẩn thận, thậm chí trong một số trường hợp còn bộc lộ ra giọng điệu không quá vừa lòng. Mã Vạn Chính là Phó Chủ tịch thường trực của tỉnh, chẳng những có trọng lượng rất nặng trong bộ máy của Ủy ban, gần bằng với Phạm Duệ Hằng, mà ở trong hội nghị thường vụ cũng xếp vào loại rất uy tín. Nếu phe cánh của mình ở hội nghị thường vụ chiếm được sự hưởng ứng của Mã Vạn Chính thì thực lực sẽ tăng rất lớn, vô hình chung lúc này sẽ tạo ra một áp lực rất lớn cho Diệp Thạch Sinh và Phạm Duệ Hằng.
Thôi Hướng trải qua một thời gian suy nghĩ cặn kẽ, lại có thêm sự bày mưu tính kế của Mã Tiêu, Phó Tiên Phong nên rốt cuộc đã hạ quyết tâm đánh cược một lần, vì thế đã quyết định cho đăng bài ủng hộ quan điểm của Trình Hi Học trên tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến để tạo thế, chẳng những có thể gây ra một áp lực thật lớn cho Diệp Thạch Sinh mà còn có thể có được sự tán thưởng của bậc thượng tầng, vừa lại được Phó gia thưởng thức, cùng đó lại là hậu trường của Trình Hi Học liếc mắt xem trọng. Nếu đạt được những điều này thì y cũng thu hoạch được một mẻ nặng trịch, đáng giá để thử một lần.
Đương nhiên, Thôi Hướng còn có một tâm tư đó là y luôn cảm thấy Diệp Thạch Sinh ở trong thời khắc mấu chốt chưa chắc đã chịu được áp lực, với sự giáp công của tờ Tin tức hàng ngày Quốc gia và tỉnh Yến thì ông ta sẽ lựa chọn phương án thỏa hiệp. Nếu Diệp Thạch Sinh lùi bước, khi đó sự hợp tác của ông ta với Phạm Duệ Hằng sẽ thất bại, như vậy chẳng khác nào y đã đạt được một thắng lợi một cách toàn diện.
Mặc dù phải mạo hiểm một cuộc phiêu lưu trong chính trị, nhưng người trong chốn quan trường thì mỗi một thời khắc sinh hoạt trong chính trị đều phải phiêu lưu, làm sao có thể nhìn trước ngó sau được? Thôi Hướng tự nhận là người làm việc lớn, mà tất cả các thành tựu lớn lao nào cũng tất phải có các hành động và cử chỉ không tầm thường. Y nhớ tới không ít các lý lịch của các bậc cao tầng thì đều có những thời khắc phải hành động để ngăn cơn sóng dữ. Hiện giờ thì thế cục của tỉnh Yến đang như gió thổi mây phun, thượng tầng cũng có người muốn đảo loạn thế cục của tỉnh Yến lên, muốn tiêu diệt việc điều chỉnh kết cấu sản xuất của tỉnh Yến, sao lúc này y không mượn cơ hội châm lửa, thổi gió để đạt được mục đích cuối cùng của chính mình?
Chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất đối với tỉnh Yến là có lợi, trong lòng Thôi Hướng cũng biết rất rõ ràng, nhưng đối với y thì không đạt được ích lợi gì. Bởi vậy y cũng hiểu rõ ràng nguyên nhân vì sao thái độ của Mã Vạn Chính đột nhiên biến đổi sau thời điểm đàm phán giữa Hạ Tưởng và Tập đoàn Kodak thành công. Là bởi vì Tống Triêu Độ nổi bật quá mạnh, uy hiếp tới địa vị và uy vọng của ông ta. Mặc dù Thôi Hướng hiểu rằng Mã Vạn Chính cũng là người cạnh tranh nặng ký nhất cho sự đi lên ngai vàng Chủ tịch tỉnh. Nhưng lúc này giống như tam quốc hỗn chiến, y, Mã Vạn Chính và Tống Triêu Độ là ba người đang tranh nhau, đầu tiên là phải đánh một người rớt xuống đã. Vì thế, trước mắt hai người nên liên kết lại với nhau để đánh Tống Triêu Độ phải rớt ngựa, sau đó việc còn lại là bọn họ sẽ tiếp tục giải quyết lẫn nhau.
Hiện tại thì điểm dựa chính duy nhất của Tống Triêu Độ là vào thành công trong điều chỉnh kết cấu sản xuất, cũng chính là thành tích của tổ lãnh đạo, chính là ủng hộ của Phạm Duệ Hằng và Diệp Thạch Sinh. Quan hệ giữa Tống Triêu Độ và Phạm Duệ Hằng càng ngày càng có xu thế bền chắc, không tốt để đánh vỡ, nhưng quan hệ giữa Diệp Thạch Sinh và Phạm Duệ Hằng thì chỉ là tạm thời hợp tác do có việc thực thi các chính sách trong việc điều chỉnh kết cấu sản xuất.
Xét cho đến cùng, chỉ cần chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất thất bại, chỉ cần có nhát đao chém đứt thành tích này, lúc đó chẳng những Tống Triêu Độ không còn chiến tích mà sự liên hợp giữa Tống Triêu Độ và Phạm Duệ Hằng cũng tan thành mây khói, hơn nữa sự chiếu cố của Phạm Duệ Hằng đối với Hạ Tưởng cũng sẽ tùy thời mà biến mất. Cái chính nữa là cơ sở hợp tác của Diệp Thạch Sinh và Phạm Duệ Hằng cũng mất đi. Tất cả những mối quan hệ này đều chỉ thẳng tới việc thi hành chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất.
Chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất là chướng ngại vật lớn nhất cản trở đại kế của Thôi Hướng.
Tuy rằng Thôi Hướng cũng hiểu được rằng thi hành chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh Yến là có lợi rất lớn, thậm chí có thể mang đến cho tỉnh Yến một diện mạo mới. Hơn nữa, y cũng tán thưởng tài năng của Hạ Tưởng, nhận định rằng Hạ Tưởng là một cán bộ làm việc thật sự, nhưng điểm tiếc nuối đó là vì quan điểm chính trị khác biệt. Cái chính là ưu tiên lợi ích của mình, vì tiền đồ của bản thân mà hy sinh tiền đồ của người khác thì cũng là việc rất bình thường, thậm chí hy sinh cả đại cục của tỉnh Yến thì cũng không phải nuối tiếc.
Trong trời đất bao la thì tiền đồ của con người là lớn nhất.
Thôi Hướng cũng cảm thấy có một tia do dự, cảm thấy có phải mình quá so đo giữa cái lợi và cái hại mà mạo hiểm đắc tội một cách nguy hiểm với Diệp Thạch Sinh, mạo hiểm hy sinh làm tổn thất đại cục tỉnh Yến? Có phải vì điều này mà y muốn giở các thủ đoạn ở phía sau lưng để làm cho đối thủ thất bại? Chẳng lẽ là vì cái lợi ích cá nhân của bản thân mình? Tuy nhiên, y lại nghĩ rằng đợi sau khi y lên đài rồi thì lúc đó y sẽ tiến hành chính sách mới này một cách dứt khoát, một cách hẳn hoi, từ y chủ đạo đẩy mạnh việc điều chỉnh kết cấu sản xuất, lúc đó việc triển khai công cuộc cải cách này chưa chắc đã kém hơn hiện tại, thậm chí còn tốt hơn nhiều.
Chính bởi sự an ủi và tự tin của mình mà Thôi Hướng quyết định đánh bạc một lần, chỉ cần ngăn trở việc thi hành điều chỉnh kết cấu sản xuất tại thời điểm này lại thì lúc đó thế cục của tỉnh Yến sẽ trở lại trạng thái chia năm xẻ bảy, lúc đó cực kỳ có lợi cho hắn đạt những thành công trong chỗ loạn lạc, thong dong an toàn để phát triển.
Sau khi thực thi sách lược tuyên truyền xong, Thôi Hướng và Mã Tiêu liền thảo luận kế sách ứng đối. Y đánh giá rằng Diệp Thạch Sinh sẽ có ba dạng phản ứng. Dạng phản ứng đầu tiên chính là thỏa hiệp, độ ủng hộ đối với tổ lãnh đạo sẽ giảm bớt, kìm hãm bớt bước tiến của việc điều chỉnh kết cấu sản xuất, ông ta sẽ quan sát một chút các phản ứng từ khắp nơi cùng với việc các phương tiện truyền thông lớn đối với bài viết của Trình Hi Học có nhiều người ủng hộ hơn hay phản đối hơn rồi lúc đó mới quyết định bước tiếp theo.
Phản ứng thứ hai chính là sẽ làm việc một cách khiêm tốn, không tiếp tục tiến hành việc điều chỉnh kết cấu sản xuất nữa và sẽ không đưa bất cứ lời giải thích nào ra bên ngoài. Ai thích hiểu thế nào thì hiểu, hết thảy những việc có liên quan đến chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất sẽ tạm dừng triển khai, không đề cập công khai đến việc này nữa, từ từ rồi việc điều chỉnh kết cấu sản xuất trong công chúng sẽ nhạt nhòa dần, như vậy các thành viên của tổ lãnh đạo trở thành một đám người hữu danh vô thực, chỉ còn trên danh nghĩa. Loại phản ứng thứ ba đó là Diệp Thạch Sinh sẽ bị sức ép lớn, bị thế lực phía sau lưng Trình Hi Học dọa triệt hạ, lập tức tuyên bố tạm dừng chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất, các thành viên trong tổ lãnh đạo quay trở về các cương vị cũ của mình, giải tán tổ lãnh đạo…
Loại phản ứng thứ ba cũng là có xác suất thấp nhất, phản ứng đầu tiên là cao nhất, còn loại thứ hai thì cũng có khả năng cao. Thôi Hướng và Mã Tiêu liền định hình ra các loại phản ứng của Diệp Thạch Sinh rồi từ đó ấn định ra các cách ứng đối phân biệt để đối phó.
Mã Tiêu và Phó Tiên Phong cũng nhất trí cho rằng Diệp Thạch Sinh sẽ phải quan tâm đến mặt mũi của mình, chắc chắn sẽ áp dụng chính sách đứng ngoài quan sát rồi sau đó cố gắng làm nhạt đi chuyện này. Cuối cùng mấy người này đã định ra sách lược, đầu tiên phải làm cho Diệp Thạch Sinh yếu thế rồi sau đó mới báo cáo cho thượng tầng, tiếp đó lại chuyển đạt các động thái của thượng tầng cho Diệp Thạch Sinh, nói là thượng tầng đã đưa ra một quyết định khá mạnh, quyết định tạo nên một làn sóng tuyên truyền trong cả nước, nếu tỉnh Yến lúc này không có phản ứng tích cực thì sau này sẽ không có kết quả tốt. T.r.u.y.ệ.n.Y.Y.c.o.m
Ba người cùng chung nhất trí, cái chính là muốn lợi dụng một Diệp Thạch Sinh mù mờ thông tin phía trên để lừa một cách liên tục, khiến Diệp Thạch Sinh lùi bước và chuyển hướng sang ủng hộ bọn họ.
Chỉ có điều Thôi Hướng nghe nói Diệp Thạch Sinh mới tổ chức một cuộc họp hội ý nhưng lại không thông báo cho y, điều này làm cho lòng y có chút kinh hoàng, có một dự cảm không tốt. Chẳng lẽ là Diệp Thạch Sinh sẽ lựa chọn phản ứng thứ tư? Bởi vì trải qua cuộc thảo luận rất lâu thì bọn họ cũng đều đồng ý rằng với tính cách của Diệp Thạch Sinh thì tuyệt đối sẽ không có khả năng lựa chọn phản ứng thứ tư là sẽ thêm kiên định để thi hành việc điều chỉnh kết cấu sản xuất.
Loại khả năng thứ tư là do Phó Tiên Phong đề xuất nhưng Thôi Hướng và Mã Tiêu lại cùng nhất trí cho rằng không thể xảy ra.
Diệp Thạch Sinh cũng không phải là người mạnh mẽ quyết đoán, dứt khoát. Ông ta làm quan tại tỉnh Yến nhiều năm nên đã dưỡng thành thói quen bảo thủ. Bởi vì nguyên nhân là tỉnh Yến quá gần Bắc Kinh nên gần như toàn bộ cán bộ tỉnh Yến, không có ngoại lệ, tất cả đều chặt chẽ, cẩn thận, chăm chú quan sát hơi thở của Bắc Kinh. Nếu Bắc Kinh có một làn gió thổi làm cỏ lay thì tất cả đều xốc lại một thái độ hoàn toàn quan vọng. Cơ bản là chỉ cần quốc gia đưa chính sách gì ra sân khấu thì tỉnh đầu tiên nghiêm khắc chấp hành nhất định sẽ là tỉnh Yến.
Tỉnh Yến, thời cổ còn có tên là Trực Lệ, ý tứ của từ Trực Lệ này chính là lệ thuộc một cách trực tiếp vào Bắc Kinh. Thời triều Thanh, Tổng đốc Trực Lệ so với các Tổng đốc tỉnh khác đều cao hơn nửa cấp, vị trí cực kỳ trọng yếu. Hiện tại tuy rằng cấp bậc tỉnh Yến chỉ duy trì mức ngang bằng với tỉnh khác nhưng trong chính trị thì tỉnh Yến vẫn giữ vai trò trọng yếu, là tỉnh duy nhất ở vị trí cửa ngõ Thủ đô, là lá chắn cuối cùng của Thủ đô.
Trong các thành thị của cả nước thì thành phố Yến cũng là thành phố sát gần Bắc Kinh nhất.
Bởi vậy, nhất cử nhất động của tỉnh Yến cũng đều được Bắc Kinh theo dõi. Trong lòng tất cả các cán bộ lớn nhỏ của tỉnh Yến đều giữ thái độ là phải bước đúng hướng đi của Bắc Kinh. Nhất là Diệp Thạch Sinh là Bí thư tỉnh ủy, sao dám không có sự lo lắng đề phòng đối với việc điểm danh phê bình của tờ Tin tức hàng ngày Quốc gia? Căn cứ và tính cách lúc trước của ông ta để suy tính, Phó Tiên Phong đưa ra giả thuyết là Diệp Thạch Sinh thẹn quá hóa thành giận, từ đó thêm kiên định ủng hộ điều chỉnh kết cấu sản xuất. Nhưng ý kiến này đã bị Thôi Hướng và Mã Tiêu đồng thanh phản đối, tỏ vẻ rằng không có khả năng như vậy.
Hơn nữa Thôi Hướng còn tìm cơ hội và đã một lần tiếp xúc nói chuyện với Mã Vạn Chính. Tuy rằng bọn họ nói chuyện không nhiều lắm nhưng Mã Vạn Chính cũng mơ hồ toát ra vẻ buồn lo với việc điều chỉnh kết cấu sản xuất, nói ra một cách hàm súc là vì tính cách của Diệp Thạch Sinh có chỗ thiếu hụt, không đủ để chống đỡ với quy mô thực hiện việc điều chỉnh kết cấu sản xuất. Hiện nay trên thượng tầng đã có thanh âm phản đối, có lẽ Diệp Thạch Sinh sẽ sinh ra suy nghĩ thoái lui.
Tuy nhiên, Mã Vạn Chính cũng tỏ vẻ bất mãn với cách thực hiện của Mã Tiêu, ám chỉ rằng sự kiện tờ báo Tin tức hàng ngày tỉnh Yến dù có thể làm cho Diệp Thạch Sinh co người lại. Mã Vạn Chính còn ám chỉ rằng Hạ Tưởng là một đồng chí tốt, tranh đấu thượng tầng chính trị thì dù như thế nào thì cũng không nên đề cập tới cậu ta, bất kể triển vọng của việc điều chỉnh kết cấu sản xuất như thế nào thì ông ta cũng không hy vọng có người nào lấy tiền đồ của Hạ Tưởng để múa bút. Nếu có người muốn chỉnh Hạ Tưởng thì dù như thế nào ông ta cũng là người đầu tiên không đồng ý.
Mặt ngoài thì Thôi Hướng không nói gì, nhưng trong lòng lại nghĩ rằng Mã Vạn Chính này đúng thật là người quân tử, chỉ nói về sự việc chứ không nên đề cập đến con người, mục đích chỉ nhằm vào việc điều chỉnh kết cấu sản xuất mà không nhằm vào con người Hạ Tưởng. Thôi Hướng cũng rất khó hiểu, bởi vì Hạ Tưởng đã đứng ở phía lập trường đối lập với Mã Vạn Chính, trợ giúp Tống Triêu Độ bước tiến lên ngai vàng Chủ tịch tỉnh, chẳng khác nào là đi ngược con đường với Mã Vạn Chính. Thế mà tại sao Mã Vạn Chính còn giữ gìn Hạ Tưởng đến như vậy? Thật sự Hạ Tưởng tốt đến vậy sao?
Hạ Tưởng dựa vào cái gì? Có điểm nào đáng giá mà khiến đường đường một Phó Chủ tịch thường trực tỉnh như Mã Vạn Chính lại tự miệng mình nói ra không được có người khác động chạm vào? Rốt cuộc Hạ Tưởng có chỗ dựa nào?
Thôi Hướng cũng không có cách nào khác bởi y cực kỳ hận Hạ Tưởng. Hạ Tưởng càng được mọi người giữ gìn thì lại càng là chướng ngại vật lớn nhất của y, bởi vì căn cơ Hạ Tưởng càng ổn định mà y lại càng cố hết sức để trù dập Hạ Tưởng, như vậy lại càng rơi vào tình thế dùng chân đá vào bức tường bằng thép vững chắc.
Phó Tiên Phong muốn lợi dụng việc Liên Nhược Hạm để sửa trị Hạ Tưởng nhưng hiện tại cũng chưa có tin tức gì xác thực. Bởi vì Liên Nhược Hạm ở nước ngoài nên chuyện của cô ta cũng khó biết rõ ràng, tỉ mỉ. Tuy nhiên, y cũng nghe nói Liên Nhược Hạm đã sinh cho Hạ Tưởng một đứa con, việc này đang trong bước xác minh là thật hay là giả. Nếu quả thật Liên Nhược Hạm sinh con thì có thể đây là sản phẩm của Hạ Tưởng, đến lúc đó chỉ cần đem sự tình của Liên Nhược Hạm báo cho bố cô ta, tiếp đó lại dùng con đường khác để việc này rơi vào trong tai của ông cụ Ngô gia. Nếu vậy thì Hạ Tưởng chắc chắn là phải chết không nghi ngờ gì nữa.
Chỉ mong đứa bé đó đúng là con của Hạ Tưởng, thậm chí Thôi Hướng đang âm thầm chờ mong. Nghe ý tứ từ Phó Tiên Phong thì ngoại trừ sức mạnh của ông cụ Ngô gia không phải bàn đến nữa, ngay ba của Liên Nhược Hạm là Ngô Tài Dương cũng là người rất có tính cách, hơn nữa là người có thủ đoạn cực cao. Ông ta đang là quan to nhất của một tỉnh, sao có thể lại dễ dàng tha thứ cho việc con gái mình không danh không phận đi theo Hạ Tưởng? Lại còn sinh cho Hạ Tưởng một đứa con? Ông ta không giận tím mặt thì mới là lạ.
Thôi Hướng làm đủ các công tác chuẩn bị trước, vì thế lúc này mới tràn đầy tin tưởng đi đến gặp Diệp Thạch Sinh. Y thật không ngờ mình vừa gặp mặt Diệp Thạch Sinh đã bị Diệp Thạch Sinh chỉ tay mắng thư ký xối xả.
Ông ta mặt ngoài thì mắng Ma Thu làm việc không tốt, nhưng ẩn ý thì đang mắng y và Mã Tiêu làm sự tình trên báo Tin tức hàng ngày tỉnh Yến ở sau lưng ông ta.
Thôi Hướng cũng nghĩ tới việc mở miệng giải thích sự kiện trên tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến, nhưng thấy Tiền Cẩm Tùng đang có mặt ở đây nên lời nói ra đến cổ lại phải cố nuốt vào. Y nói:
- Cẩm Tùng đang ở đây à? Có việc báo cáo Bí thư Diệp hay sao?
Tiền Cẩm Tùng liền nghe ra ngay ý tứ của Thôi Hướng, việc có mặt của ông ta ở đây không tiện cho việc báo cáo công tác của Phó Bí thư Thôi với Bí thư Diệp. Vì thế, ông ta liền gật khẽ đầu với Thôi Hướng rồi nói với Diệp Thạch Sinh:
- Bí thư Diệp, tôi về trước đây.
Diệp Thạch Sinh đang suy nghĩ nên cũng không nói ra lời, chỉ gật gật cái đầu. Lúc Tiền Cẩm Tùng đi đến trước cửa thì bỗng nhiên Diệp Thạch Sinh lại nói ra một câu:
- Cẩm Tùng, nghe nói khách sạn Sâm Lâm Cư ở công viên Rừng Rậm rất được, cũng vừa lúc tối nay tôi không có việc. Nếu cậu rảnh thì tối nay ngồi chung một lúc, thế nào?
Tiền Cẩm Tùng hơi sửng sốt rồi như minh bạch cái gì đó, lập tức cười nói:
- Nếu Bí thư Diệp có nhã hứng thì không thành vấn đề, nhất định tôi sẽ hầu tiếp. Để tôi đi sắp xếp việc này.
Sắc mặt của Thôi Hướng hơi biến đổi, trong bụng hiểu được ngụ ý của Diệp Thạch Sinh. Thứ nhất là nói cho y biết quan hệ giữa ông ta và Tiền Cẩm Tùng là không tồi, thứ hai là ám chỉ rằng ông ta muốn đi tới Sâm Lâm Cư ở công viên Rừng Rậm để ăn cơm. Mà công viên Rừng Rậm là sản nghiệp của Tập đoàn Viễn Cảnh và Tập đoàn này thì ai cũng biết là có quan hệ với Hạ Tưởng. Lời nói của lãnh đạo đúng là làm cho những người khác phải liên tưởng rất phong phú, càng phải hình dung để lý giải càng rõ ý đồ của lãnh đạo càng tốt.
Tâm trạng của Thôi Hướng từ từ trầm xuống, dự cảm của y cho thấy cuộc nói chuyện ngày hôm nay với Diệp Thạch Sinh có lẽ là sẽ rất phức tạp.
Quả nhiên, Tiền Cẩm Tùng vừa đi khỏi thì Diệp Thạch Sinh liền đưa ngay tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến đưa trước mặt Thôi Hướng, giọng điệu cực kỳ khó chịu nói:
- Phó Bí thư Thôi, có chuyện gì xảy ra với Mã Tiêu vậy? Cậu ta làm Trưởng ban Tuyên giáo có vẻ là rất tự do tự tại, có còn tính tổ chức và kỷ luật nữa không?
Thôi Hướng bị khí thế của Diệp Thạch Sinh nhất thời đè xuống, không tự chủ được trong lòng trở nên sợ sệt. Y nghĩ thầm rằng quả nhiên ở lâu trên địa vị cao nên khí chất rất thay đổi, một khi phát tác lên thì đúng là tràn ra một sự uy nghiêm vô hình. Y vội vàng với vẻ mặt ngưng trọng nói:
- Là do tôi sai, Bí thư Diệp, tôi xin kiểm điểm với ngài, đây vốn là công tác của tôi có sai lầm. Thực ra đồng chí Mã Tiêu cũng đã gặp tôi để thảo luận việc này, cũng bởi vì Ban Tuyên giáo Trung ương và thủ trưởng Trung ương thông qua những con đường khác nhau để tỏ vẻ sự chú ý đối với việc điều chỉnh kết cấu sản xuất tỉnh Yến, dường như đối với việc các phương tiện truyền thông ra mặt ủng hộ cho việc điều chỉnh kết cấu sản xuất thì cấp trên rất bất mãn. Bọn họ cho rằng chân lý càng phân tích sẽ càng tỏ tường, vì thế chúng ta nên lấy Trung ương làm chuẩn. Ngay cả Tin tức hàng ngày Quốc gia cũng đã đăng bài viết của học giả Trình Hi Học, hơn nữa thành viên của tổ lãnh đạo tỉnh Yến là Hạ Tưởng cũng đã phát biểu bằng một bài viết phản bác lại trên tờ Thanh niên. Trong khi đó các phương tiện truyền thông của tỉnh Yến mà lại không có chút động tĩnh nào thì cũng không thể chấp nhận được. Ý kiến của đồng chí Mã Tiêu là hiện tại công việc điều chỉnh kết cấu sản xuất đã đạt được một số thành công, tuy nhiên chúng ta lại rất gần với Bắc Kinh nên một khi thủ trưởng đã tỏ vẻ chú ý thì các phát triển truyền thông của tỉnh Yến chúng ta không tổ chức cuộc thảo luận thì cũng không được, với lại cần phải tỏ vẻ nhất trí cao độ với Trung ương thì mới tốt.
Diệp Thạch Sinh mặt mày lạnh tanh nghe Thôi Hướng giải thích, chậm rãi hút một hơi thuốc, ánh mắt nheo lại, tỏ vẻ đầy vững chắc với bộ dạng đầy tự tin.
Thôi Hướng giật mình, từ biểu hiện của Diệp Thạch Sinh mà xem ra thì vừa rồi mình nâng độ quan trọng lên đến tầm Thủ trưởng Trung ương và tờ Tin tức hàng ngày Quốc gia mà hiển nhiên không gây sự xúc động nào cho ông ta cả.
- Lúc ấy tôi và đồng chí Mã Tiêu thương lượng với nhau, chúng tôi đã bàn rằng việc này trước hết phải báo cáo với Bí thư Diệp. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc với ngài nhưng không được, hơn nữa bài viết đăng trên báo Tin tức hàng ngày Quốc gia cũng đã làm cho nhiều tỉnh đồng thanh hưởng ứng.
Lời nói của Thôi Hướng còn chưa dứt thì đã bị Diệp Thạch Sinh cắt ngang giữa chừng.
Diệp Thạch Sinh thả ra hơi khói thuốc, trong ánh mắt toát ra một sự uy nghiêm bình thản:
- Liên hệ không được tôi? Xem ra công tác của Ma Thu gần đây rất hay phạm lỗi, tôi có nên đổi một thư ký khác hay không vậy?
Thôi Hướng không nghĩ tới việc Diệp Thạch Sinh cố tình chọc vào sơ hở của chính mình, một câu mình nói ra lại thành tội của Ma Thu. Tuy rằng Ma Thu đối nhân xử thế đối với mình không tốt lắm, nhưng y là người mà Diệp Thạch Sinh tín nhiệm nhất. Mình nói ra câu này ông ta lại quy tội về Ma Thu, sau này Ma Thu không tính toán hận thù với mình thì không phải là người nữa.
- Thật ra việc này cũng không liên quan đến thư ký Ma, có thể là điện thoại của tôi có vấn đề.
Thôi Hướng bất đắc dĩ phải tự vả vào miệng mình, y tiếp tục nói:
- Chủ yếu là lúc đó tình thế cấp bách, thủ trưởng Trung ương đã có lời, Tin tức hàng ngày của Quốc gia cũng đã đăng, lại còn có các tờ báo khác cũng lục đục đăng những bài trình bày quan điểm của mình đối việc điều chỉnh kết cấu sản xuất. Nếu tỉnh Yến chậm chân thì hậu quả không thể nào lường nổi. Thứ nhất là sức ép từ làn sóng thủy triều tạo ra bởi truyền thông của Quốc gia, thứ hai là sức ép của làn sóng trên ác phương tiện truyền thông của các tỉnh, mà tỉnh Yến lại là tỉnh sát bên cạnh Thủ đô, lại đang ở trong giai đoạn thi hành chính sách điều chỉnh kết cấu sản xuất một cách mạnh mẽ, nếu không có bài báo đăng lên ủng hộ quan điểm của Trung ương thì chắc chắn tỉnh ta sẽ trở thành tỉnh đứng mũi chịu sào cho các tỉnh khác.
- Thủ trưởng Trung ương? Là thủ trưởng nào vậy? Đây là ông ta lấy danh nghĩa cá nhân hay là lấy danh nghĩa khác?
Diệp Thạch Sinh đem điếu thuốc dúi vào cái gạt tàn thuốc lá, vẻ mặt như cười như không nhìn Thôi Hướng.
Vốn Thôi Hướng nghĩ rằng chỉ cần nhắc một cách hàm hồ là thủ trưởng Trung ương thì lập trường của Diệp Thạch Sinh sẽ trở nên mềm xuống, sẽ không cố tình truy vấn đề này nữa. Không nghĩ tới việc ông ta chẳng những không toát ra ý kính sợ mà còn muốn truy vấn ra tên của vị thủ trưởng này. Thôi Hướng không khỏi nghĩ thầm trong đầu rằng Diệp Thạch Sinh khi nào thì trở nên tính cách như vậy? Không phải chứ, từ trước đến nay ông ta là vị Bí thư Tỉnh ủy nghe lời Bắc Kinh nhất cơ mà?
Thôi Hướng nhất thời do dự, cân nhắc có nên nói ra hậu trường của Phó gia và người đứng phía sau Trình Hi Học ra hay không? Nhưng lúc này Diệp Thạch Sinh đúng lúc di dời đề tài đi:
- Nếu việc đã xảy ra thì truy cứu lại trách nhiệm cũng không giải quyết được gì cả, như vậy lại sẽ càng thêm căng thẳng.
Trong lòng Thôi Hướng vui vẻ, Diệp Thạch Sinh đã mềm dịu xuống. Quả nhiên vào thời khắc mấu chốt ông ta cũng không dám động vào, xem ra sự kiện tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến sẽ kết thúc ở đây. Việc này có thể lớn cũng có thể nhỏ, chỉ cần Diệp Thạch Sinh không tỏ vẻ gì thì sẽ tạo ra nhận thức chung trong Tỉnh ủy rằng Bí thư Diệp tuy là nhân vật số một nhưng không khống chế được lĩnh vực tuyên truyền, không nắm giữ được đại cục. Nếu như vậy, từ nay những người dựa vào Phó Bí thư như y sẽ tăng lên rất nhiều.
Ai cũng đều muốn tìm một chỗ dựa vững chắc có đủ sức mạnh. Làm thế nào để lập uy trong Tỉnh ủy? Đó chính là các sự kiện tích lũy ở bên trong, ai tỏ vẻ được độ phân nặng hơn thì người đó sẽ thu hút được nhiều người hơn.
- Nếu tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến đã có bài viết phát biểu sự hoài nghi đối với việc điều chỉnh kết cấu sản xuất thì chắc chắn cũng phải có những tiếng nói tán thành. Tôi, Duệ Hằng, Mai Thái Bình và Cẩm Tùng vừa mở một cuộc họp hội ý, xác định thêm chút về trọng điểm sau này trong công tác của tổ lãnh đạo. Chúng tôi quyết định để đồng chí Cát Sơn kiêm nhiệm vị trí Phó tổ trưởng tổ lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền của tổ lãnh đạo. Trong phương diện tuyên truyền thì đúng thật tổ lãnh đạo rất còn khuyết thiếu. Đồng chí Cát Sơn có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vì thế cậu ta rất phù hợp để ứng đối với các mặt xung kích trong vấn đề báo chí.
Diệp Thạch Sinh nói đầy khí phách, cánh tay vung lên, sử dụng một bộ dạng khí thế ngất trời làm cho Thôi Hướng trở nên hết hồn.
Thôi Hướng lúc này mới hiểu được không phải là Diệp Thạch Sinh bỏ qua chuyện cũ trên tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến, mà là đặt một cách nhẹ nhàng sự kiện cũ này sang một bên, tiếp đó tung ra các hành động của ông ta, ý tứ là chỉ cần Thôi Hướng phản đối thì ông ta sẽ nhắc lại sự kiện này, xem đây chính là một điều kiện giao dịch.
Diệp Thạch Sinh muốn tổ chức lực lượng phản bác lại bài viết vừa rồi, muốn noi theo gương hành động của Hạ Tưởng và Cốc Nho, muốn tại tỉnh Yến cũng phải mở một cuộc chiến tuyên truyền. Từ lúc nào thì Diệp Thạch Sinh trở nên thông minh và có đủ dũng khí đến như vậy? Ông ta không sợ nếu cuộc chiến tuyên truyền này thất bại thì cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến danh vọng và quyền uy của ông ta hay sao? Do từ đâu mà Diệp Thạch Sinh trở nên tự tin như vậy?
Trong lòng Thôi Hướng nghi hoặc, không khỏi có chút chần chừ, rơi vào trạng thái hoang mang.
Diệp Thạch Sinh cũng không chờ y suy nghĩ đủ, ông ta còn nói:
- Đồng chí Cát Sơn đến tổ lãnh đạo, đây chỉ là việc điều động cán bộ nội bộ, không phải vấn đề gì to tát, xem như đã quyết định. Còn có một việc tôi cũng muốn trưng cầu ý kiến của cậu một chút. Tôi, Duệ Hằng, Thái Bình và Cẩm Tùng đều nhất trí cho rằng đồng chí Phong Lợi không phù hợp để đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo, sau khi qua quá trình nghiên cứu thì chúng tôi đã quyết định để đồng chí này đảm nhiệm vị trí Cục trưởng Cục Cán bộ kỳ cựu tỉnh ủy.
Vốn Thôi Hướng vẫn đang đứng nói chuyện, đột nhiên nghe được lời này của Diệp Thạch Sinh thì lập tức kinh hoàng, không ngờ đứng không vững nữa, ngồi phịch xuống cái ghế sô pha ở phía sau.
Rốt cuộc Diệp Thạch Sinh gặp cảnh Thôi Hướng không thể trấn tĩnh được nữa phải thể hiện ra sự kinh hoàng trước mặt mình thì không khỏi ngấm ngầm đắc ý, ông ta khẽ mỉm cười nói:
- Nói cả buổi rồi mà tôi mới phát hiện ra Phó Bí thư Thôi vẫn đang đứng, sao cậu lại khách khí đến như vậy?
Thôi Hướng ngồi trên ghế sô pha nhưng nhịp tim trong lồng ngực đập trong lòng không ngừng nhảy lên nhảy xuống. Thủ đoạn Diệp Thạch Sinh thật tốt, đầu tiên là loại bỏ y ra rồi họp hội ý, trong cuộc hội ý này quyết định ra hai việc đại sự, cả hai việc này đều nhằm thẳng đến sự kiện tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến. Đầu tiên là Cát Sơn kiêm nhiệm Phó Tổ trưởng tổ lãnh đạo, đây rõ ràng là muốn chiếm lĩnh trận địa truyền thông, đoạt lấy quyền lên tiếng. Thứ hai là đem Phong Lợi từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ra chém, hiển nhiên là nhằm trả thù Mã Tiêu, tiếp tới rồi sẽ bố trí người thân cận của ông ta vào trong Ban Tuyên giáo.
Hay cho một thủ đoạn di hoa tiếp mộc.
Chỉ trong chốc lát Thôi Hướng cảm giác được mồ hôi phía sau lưng mình ướt đẫm.
Tuy nhiên, trong nháy mắt y tỉnh táo trở lại, suy nghĩ một lát rồi nói:
- Đồng chí Phong Lợi cũng đã công tác một thời gian dài ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đột nhiên lại điều đồng chí ấy về Cục Cán bộ kỳ cựu tỉnh ủy, về mặt tình hay lý thì cũng không dễ để giải thích cho đồng chí ấy. Tôi sợ rằng đồng chí Phong Lợi sẽ có cảm nhận không tốt, nếu vậy thì không bằng chúng ta hoãn việc đó lại rồi từ từ tính sau?
Thôi Hướng lập tức đưa ra kế hoãn binh.
- Vốn ý tứ của tôi chính là cảm thấy đồng chí Phong Lợi có tài năng, vì vậy đồng chí ấy cũng nên đảm trọng trách một phương. Qua quá trình hội ý, tất cả các đồng chí khác đều cho rằng đồng chí Phong Lợi có cái nhìn đại cục, luôn luôn phục tùng quyết định của tổ chức, chính vì thế đã đưa ra quyết định trên. Việc này cũng phải trưng cầu ý kiến của cậu một chút, nếu cậu cũng đồng ý thì xem như chúng ta thông báo tại hội nghị thường vụ là được, còn nếu không thì để thảo luận tại hội nghị thường vụ vậy.
Diệp Thạch Sinh thản nhiên nói, ánh mắt lơ đãng nhìn ra phía ngoài cửa sổ.
- Vừa lúc tôi cũng có một vấn đề về điều chỉnh tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến, hiện tại thì suy nghĩ này cũng chưa kỹ càng lắm. Nếu trên hội nghị thường vụ thảo luận vấn đề về đồng chí Phong Lợi thì có lẽ tôi cũng sẽ đưa ra một số đề nghị về tờ báo Tin tức hàng ngày tỉnh Yến, như vậy cũng tốt để hội nghị thường vụ thảo luận luôn.
Lời nói có vẻ nhẹ nhàng, nhìn như không có gì nhưng trên thực tế là nói rõ với Thôi Hướng rằng, nếu mày đồng ý thì tất cả mọi việc dàn xếp xong, sự kiện tờ Tin tức hàng ngày tỉnh Yến xem như bỏ qua một bên. Nếu mày phản đối thì cũng tốt thôi, cả hai chuyện này sẽ cùng được thảo luận trên hội nghị thường vụ.
Thôi Hướng không có biện pháp nào để đối phó lại.