- Vào thời Xuân thu Chiến quốc có một vị công tử con nhà giàu tên là Ôn Như Xuân. Ngay từ nhỏ Như Xuân đã rất thích chơi đàn, đến khi lớn lên cũng có thể sáng tác và chơi đàn không tồi. Hắn thường xuyên khoe khoang tài nghệ của mình ở trước mặt người khác.
Một hôm, Ôn Như Xuân một mình đến Sơn Tây du ngoạn. Khi hắn đến trước một ngôi chùa thì chợt nhìn thấy một đạo sĩ đang nhắm mắt ngồi thiền. Bên cạnh đạo sĩ có một chiếc túi, miệng túi hé mở lộ ra một góc của cây đàn cổ.
Ôn Như Xuân rất lấy làm hiếu kỳ, tự hỏi mình: “Lão đạo sĩ này cũng biết chơi đàn ư?” Sau đó, hắn tiến lại gần hỏi lão đạo sĩ bằng vẻ trịch thượng: “Xin hỏi đạo trưởng biết chơi đàn chứ?”
Đạo sĩ hé mắt trả lời một cách rất khiêm nhường: “Cũng biết đôi chút! Tôi đang muốn tìm cao nhân bái sư học đàn đây.”
Ôn Như Xuân vừa nghe thấy đạo sĩ muốn tìm cao nhân bái sư, lập tức hứng thú trong lòng, muốn thể hiện tài nghệ cho đạo sĩ xem. Hắn nói một cách không khách sáo rằng: “Thế thì để tôi đàn cho ông xem.”
Vị đạo sĩ lấy cây đàn cổ từ trong túi ra đưa cho Ôn Như Xuân. Ôn Như Xuân lập tức ngồi khoanh chân dưới đất đánh đàn. Đầu tiên, hắn đánh tùy hứng một bài, đạo sĩ mỉm cười chẳng nói một lời. Ôn Như Xuân không thấy đạo sĩ khen mình một câu nên trong lòng có chút mất hứng.
Ôn Như Xuân bèn đem hết tài nghệ của mình ra chơi một bài khác, đạo sĩ vẫn lẳng lặng. Hắn bực quá nổi giận nói: “Tại sao ông chẳng nói năng gì vậy, có phải tôi chơi dở không vậy?"
Đạo sĩ nói: “Cũng được, nhưng không phải là bậc sư phụ để tôi bái sư!”
Lúc này Ôn Như Xuân đã không còn chút kiên nhẫn nào, không nén nổi cơn bực tức nói: “Ông chơi đàn giỏi, thế thì hãy để tôi mở rộng tầm mắt xem nào!”
Đạo sĩ vẫn giữ vẻ ôn nhu, chẳng nói chẳng rằng, cầm cây đàn, vuốt nhẹ vài cái, bắt đầu chơi. Tiếng đàn cầm vang lên, âm thanh như nước chảy réo rắt, như gió chiều hiu hiu. Ôn Như Xuân nghe ngất ngây say đắm, ngay cả cây cổ thụ cạnh chùa cũng đầy chim từ đâu bay đến đậu xuống.
Khúc nhạc hết đã lâu rồi, Ôn Như Xuân mới bừng tỉnh lại, biết rằng hôm nay đã gặp cao nhân, lập tức quỳ trước mặt đạo sĩ xin được bái sư.
Lê Ngọc Chân im lặng ngồi nghe, nghe xong mới mở lời:
- Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân. Cha, ý cha là đang ví ông quan lớn với vị đạo sĩ trong câu chuyện kia?
Ngoài ý muốn của Lê Ngọc Chân, phụ thân nàng lắc đầu:
- An vương không phải vị đạo sĩ, so với vị đạo sĩ trong câu chuyện thì ngài ấy còn khó lường hơn.
Lê Công Lượng nói tiếp:
- Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân. Cao nhân như vậy, quân tử cũng thế. "Quân tử chi tâm sự, thiên thanh nhật bạch, bất khả sử nhân bất tri; quân tử chi tài hoa, ngọc uẩn châu tàng, bất khả sử nhân dị tri” (tức là bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức, hành vi tư tưởng của họ phải như thanh thiên bạch nhật, quang minh lỗi lạc, không có hành vi ám muội nào cần phải giấu, còn tài nghệ và năng lực của họ phải như châu ngọc, không dễ dàng hiển lộ ra ngoài làm loá mắt người khác).
- "Tâm địa quang minh, tài hoa uẩn tàng", đó là phép tắc làm người, đối nhân xử thế của bậc chính nhân quân tử; kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn trái lại, “tâm địa ám muội, tài hoa phô trương”. Mà vị An vương này... “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kì sở an”, ta đều đã chiếu theo mà làm, song rốt cuộc trong lòng vẫn là mông lung mê muội.
- An vương không phải kẻ tiểu nhân, song nếu bảo chính nhân quân tử... e cũng chẳng hợp. Vị điện hạ này, căn bản không thể dùng chuẩn mực để đánh giá.
Nói tới đây, hắn quay sang nhìn con gái:
- Ngọc Chân, một người khó lường như An vương, thật sự không thích hợp để cho con gửi gắm. Huống hồ... vị điện hạ này vị tất đã thực tâm yêu thích con...
- Aiz... Cha à, hôm nay cha làm sao vậy chứ? Con có nói yêu thích ông quan lớn bao giờ đâu mà cha cứ nhắc chuyện cưới xin...
Lê Ngọc Chân tỏ ra là mình không quan tâm, nói.
- Cha yên tâm đi, con gái sẽ ở bên chăm sóc cho cha cả đời. Chồng con gì chứ? Ai quy định con gái lớn thì phải lấy chồng sinh con?
- Được rồi, cha mau đi nghỉ trưa đi. Bây giờ con phải ra đồng.
Lê Công Lượng dõi mắt trông theo bóng lưng con mình, lại thở dài một hơi.
- Thành bại thịnh suy, hết thảy vận mệnh đều đã an bài. Nếu là phúc thì không phải hoạ, là hoạ thì dù cố tránh cũng tránh không thoát.
...
Trên con đường dẫn ra đồng ruộng, đương độ xế chiều, một con lừa có bộ lông đen tuyền đang chậm rãi bước đi. Ngồi trên lưng lừa không ai khác, chính là Trần Tĩnh Kỳ.
Hôm nay, giống như thường lệ, hắn ăn mặc rất giản dị, vải vóc trên người đều thuộc hàng thứ phẩm, chiếc nón đang đội cũng đã rách một vài nơi. Nếu không tinh ý xem kỹ, dám cá sẽ chẳng ai nghĩ đây lại là một con người có thân phận, xuất thân quyền quý.
Đi thêm một lúc, Trần Tĩnh Kỳ cho lừa dừng hẳn bên vệ đường. Ở trước mặt hắn, cách chưa đầy năm bước, một thiếu nữ đang cặm cụi cầm liềm cắt cỏ, động tác thoăn thoắt, rõ ràng rất thạo. Bên cạnh nàng, một cái bao dùng đựng cỏ cũng đang được để sẵn.
Sự xuất hiện của Trần Tĩnh Kỳ, Lê Ngọc Chân dĩ nhiên sớm đã nhận ra, dù vậy, nàng chả buồn liếc mắt ngó xem, tiếp tục công việc của mình. Cha nàng không thích nàng thân cận với ông quan lớn a.
Thái độ thờ ơ lạnh nhạt kia của nàng, Trần Tĩnh Kỳ thấy rõ, song chẳng chút buồn lòng. Lê Ngọc Chân nàng không muốn chú ý đến hắn, vậy thì hắn sẽ tìm cách khiến cho nàng phải chú ý.
Trông cảnh, ngó người, hắn mở miệng ngâm:
"Chứ cô kia cắt cỏ một mình, cho ta mà cắt với, chung tình chung tình là ta. Cô còn cắt nữa hay thôi, cho ta mà cắt với, làm đôi làm đôi vợ chồng..."
Câu hát trêu ghẹo quả nhiên có tác dụng tức thì, Lê Ngọc Chân rốt cuộc đã phải ngẩng đầu nhìn lên. Nàng hát đối lại ngay:
"Thiếp cảm ơn quan lớn có lòng, thiếp đây mà hổng dám đèo bồng đèo bồng làm chi. Cỏ này hổng thích thì cắt đi, lấy chồng mà hổng thích... biết cắt cái gì đây ông quan lớn ơi..."
Thời điểm câu hát vừa dứt cũng là khi ánh mắt Lê Ngọc Chân chiếu thẳng vào vùng hạ thân của Trần Tĩnh Kỳ, còn cái liềm trong tay thì lướt qua đám cỏ, đem chúng cắt phăng.
Nhìn đám cỏ bị nàng cắt phăng đi như vậy, Trần Tĩnh Kỳ chợt thấy phía dưới quần như có làn gió lạnh thổi qua, khiến hắn bất giác rùng mình.
"Cô gái này đúng là không dễ bị ăn hiếp a."
Trần Tĩnh Kỳ cảm thán, hôm đó đành phải lặng lẽ ra về.