"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", câu nói này Đông Kha sớm nghe qua, hiện tại đã ít nhiều thấm thía. Trần Tĩnh Kỳ quả chẳng phải một đối thủ dễ chơi. Tuy nhiên, nếu chỉ có bấy nhiêu thì còn lâu mới áp chế được nàng. Hắn cần thể hiện nhiều hơn cơ.
"Hừm."
Quận chúa Đông Kha ngửa đầu uống rượu, uống xong lại đem vò rượu Miên Lý ấy ném qua cho Trần Tĩnh Kỳ, miệng đọc:
- Điểu nhập phong, thực tận trùng nhi hoá phượng.
(Chim vào trong gió, ăn hết sâu rồi hoá phượng.)
Đây là câu đối chiết tự, khá cao minh. "Điểu" nhập "phong", thực tận "trùng" nhi hoá "phượng". Chữ “Phong” (風) bỏ bộ “Trùng” (虫) thêm bộ “Điểu” (鳥) thì quả thành chữ “Phượng” (鳳). Chữ "Phong" nghĩa là gió, nhưng cũng có thể hiểu là văn phong hay phong hóa. Hàm ý vế đối ra là văn hóa nước Hạng lụn bại, cần được Đại Liêu quốc đem quân sang dẹp, bắt sâu bọ thì mới tốt lên (hóa Phượng), cũng ngầm nói rằng người đánh dẹp nước Hạng sẽ có cơ hội thành danh.
Vế đối ngập tràn ý tứ xâm lược, chẳng chút nể nang. Đông Kha đã chính thức thể hiện ra cái chí thôn tính thiên hạ của người Liêu.
Lý Uyên hiểu, Triệu Cơ hiểu, bá quan văn võ rất nhiều người hiểu. Trong lòng bọn họ đương nhiên là đang rất bất bình, thậm chí có người phẫn nộ, song vẫn chưa ai lên tiếng. Tất cả đều đang đợi xem phản ứng của Hạng đế Lý Uyên. Mà Lý Uyên thì vẫn như cũ nhìn xuống Trần Tĩnh Kỳ. Ánh mắt hắn như muốn bảo: "Đừng để ta thất vọng."
Trần Tĩnh Kỳ khẽ gật đầu, thái độ rất đỗi tự tin. Xen lẫn nghiêm trang, nếu để ý kỹ sẽ thấy khoé môi hắn còn có chút tiếu ý nhàn nhạt.
Trần Tĩnh Kỳ, hắn dường như hứng thú.
Bộ dáng hào sảng, hắn đưa vò rượu lên cao, uống ừng ực.
Khà...
Tiếp sau động tác ném trả vò rượu cho Đông Kha, hắn cao giọng đối lại:
- Nhân cư nham, dị khí thạch dĩ thành tiên.
(Người ở cạnh núi, đục bỏ đá để thành tiên.)
Câu đối lại này của Trần Tĩnh Kỳ cũng theo lối chiết tự: chữ “Nhân” (人) đứng bên cạnh chữ “Nham” (岩) nghĩa là núi cao, bỏ chữ “Thạch” (石) thành chữ “Tiên” (仙). Trần Tĩnh Kỳ đem “Tiên” đối với “Phượng”, ý nói dòng dõi người Hạng vốn dĩ cao quý, chỉ cần bỏ đi những thứ vô dụng (đục bỏ đá) thì sẽ đắc đạo thành Tiên. Tiên hay Phượng đều không phải ở phàm trần, hà cớ gì mà phải xâm phạm nhau?
Mọi người chăm chú lắng nghe, tới khi thấu hiểu thì đều phải gật đầu công nhận, âm thầm tán dương. Tài năng, sự cơ trí của Trần Tĩnh Kỳ thế gian đúng là khó ai qua được. Lý Uyên hết sức vừa ý, mà bên cạnh Hoàng hậu Triệu Cơ thì cũng không tiếc lời ngợi khen.
Nước Hạng thắng thế, Đông Hồ là thuộc quốc đương nhiên cũng bớt lo đi nhiều. Tâm tình phức tạp, có chăng các vị sứ thần Đại Trần. Nhất là Nguyễn Bá - kẻ cầm đầu.
Nguyễn Bá vốn dĩ là học trò tâm đắc nhất của Phạm Đăng Giai, thuở trước vẫn thường được Phạm Đăng Giai hết mực ngợi khen. Song, kể từ sau chuyến đi sứ bảy năm về trước, cách nhìn của Phạm Đăng Giai dành cho Nguyễn Bá hắn đã phần nào thay đổi. Người thầy này nói tài năng của Nguyễn Bá hắn khó mà so được với An vương Trần Tĩnh Kỳ - vị hoàng tử đang làm con tin ở Hạng. Mãi tới hôm nay, nhận định ấy vẫn không hề suy suyển, trái lại càng thêm vững chắc.
Nguyễn Bá càng nghe tin tức về Trần Tĩnh Kỳ, trong lòng lại càng bất mãn, không phục, cho là thầy mình đã quá đề cao, phóng đại, muốn trực tiếp gặp mặt một lần để xem thực hư chân giả. Trong lòng hắn vốn còn có ý nghĩ sẽ nhân đêm Nguyên Tiêu này mà hướng Trần Tĩnh Kỳ khiêu chiến, chẳng may là quận chúa Đông Kha đã làm điều đó trước.
Như vậy cũng tốt, Nguyễn Bá hắn sẽ đứng bên ngoài quan sát, xem xem tài trí của vị An vương Trần Tĩnh Kỳ này cao được tới đâu, có thực xứng đáng với những lời tán dương của thầy hắn hay không.
Kết quả...
"Hừ, bất quá một chút cơ trí như vậy mà thôi, có thể nói lên được điều gì chứ..."
Nguyễn Bá vẫn cố tình phủ nhận, giữ thái độ hoài nghi. Cũng giống như quận chúa Đông Kha, hắn cần Trần Tĩnh Kỳ phải thể hiện nhiều hơn nữa thì mới tâm phục khẩu phục được.
- Tiếp rượu!
Quận chúa Đông Kha dù đã uống không ít rượu mạnh nhưng thần sắc lúc này vẫn tỉnh táo như thường. Mang theo thần tình cao ngạo ấy, nàng tiếp tục ra thêm một vế đối nữa:
- Thiên lý vi trùng, trùng thủy trùng sơn trùng nhật nguyệt.
(Nghìn dặm giống nhau, giống nước, giống núi, giống mặt trời và trăng.)
Câu này muốn nói Đại Hạng và Đại Liêu cách xa nghìn dặm mà núi sông đều giống nhau, cùng mặt trời, mặt trăng, nghĩa là chung một bầu trời. Như vậy vế đối ngầm khẳng định rằng nước Hạng cũng giống như là một phần của Đại Liêu, phải để cho người Liêu cai trị.
- Hừm. var _avlVar=_avlVar||[];_avlVar.push(["6f8adab64618480bb109e5dcefadecf7","[yo_page_url]","[width]","[height]"]);
Trần Tĩnh Kỳ nghe xong vế đối đưa ra, nhếch môi cười nhạt, ung dung mà đối lại rằng:
- Nhất nhân thành đại, đại quân đại quốc đại càn khôn.
(Một người cũng là lớn, vua lớn, nước lớn trời đất lớn.)
Cái hay của câu “Đại quân đại quốc đại càn khôn” là: không những đối chữ mà còn đối lại về hàm ý. Xét lãnh thổ hiện giờ, nước Hạng đúng là thua xa nước Liêu, nhưng so với Liêu thì căn cơ của Hạng vững chắc hơn rất nhiều. Phải biết hiện nay, đại đa số bậc tài danh Nho giáo, binh pháp cho đến Tam giáo cửu lưu đều đang cư ngụ ở Hạng, đem những thứ tinh túy nhất mà lưu giữ tại đây. Trong khi đó, Liêu quốc có được gì? Căn cơ mỏng manh, văn hoá yếu kém, làm sao bì được với Hạng?
Lại nói, kể cả trước hay sau khi Đại Liêu quốc được thành lập, trong những lần xung đột nơi biên giới, Hạng đã bao giờ thất thế trước các bộ tộc người Thát, trước đế quốc Đại Liêu? Ngược lại, chính sự kiêu dũng của tướng sĩ trấn thủ biên cương nước Hạng mới là điều khiến người Thát phải e ngại.
Bởi thế cho nên nói nước Hạng là “đại quốc”, chứa “đại càn khôn” quả chẳng ngoa một tí nào. Còn đế quốc Đại Liêu, trông thì lớn nhưng thực chất lại "nhỏ" vì không kế thừa đầy đủ tinh hoa của bậc tiền nhân để lại, căn cơ đất nước hãy còn quá mỏng manh, đời sống nhân dân chưa thể coi là yên ổn...
Quận chúa Đông Kha lặng lẽ siết tay, hít vào một ngụm lương khí. Nàng thực đã bắt đầu cảm thấy khó ưa cái gã Trần Tĩnh Kỳ này rồi. Những lời đáp trả của hắn, trước sau đều là đanh thép như vậy.
Nối tiếp mạch văn chương, nàng lại ngâm:
- Hải trung hàm thủy, thanh thiên bao nhật nguyệt tinh thần.
(Trong biển chứa nước, trời xanh bao bọc cả mặt trời mặt trăng và các vì sao.)
Ý của quận chúa Đông Kha là Đại Liêu hôm nay lớn rộng như biển thâu hết nước mọi nơi, cũng giống như bầu trời giữ mặt trời, mặt trăng và các vì sao, so sánh ra thì thấy nước Hạng quá nhỏ bé.
Trần Tĩnh Kỳ lập tức đối lại ngay:
- Thiên thượng phân kim, chỉ địa quát đông tây nam bắc.
(Trên trời chia hướng, chỉ đất bao gồm cả đông tây nam bắc.)
Ý của Trần Tĩnh Kỳ chính là muốn nói trên trời nhìn xuống thì đất ở đâu cũng to như nhau bất kể đông tây nam bắc. Hay nói cách khác, Đại Liêu không thể cho mình là lớn mà cậy thế ăn hiếp nước nhỏ được.