Mặc dù Trần Tĩnh Kỳ đã sống ở Hạng đô được một năm, nhưng bình thường chẳng mấy khi đi bái phỏng các vị văn võ đại thần, hoàng thân quốc thích, thành thử ở đây có rất nhiều người còn chưa nhận thức được.
Trần Tĩnh Kỳ chắp tay, hướng Hạng đế và các phi tần hành lễ:
- Nhị thập tứ hoàng tử của Đại Trần, Trần Tĩnh Kỳ bái kiến Hoàng thượng, Hoàng hậu, chư vị nương nương! Chúc Hoàng thượng và Hoàng hậu vạn vạn tuế, chúc chư vị nương nương thiên thiên tuế!
Thân phận vừa được nói ra, lập tức có không ít người sửng sốt. Bọn họ chẳng thể ngờ người đã giúp Vũ vương Lý Long Tích hoạ bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ lại chính là vị Chất tử đến từ Trần quốc này.
Ngạc nhiên qua đi, Hoàng hậu Triệu Cơ nhẹ nhếch môi, có chút ý tứ nhìn Trần Tĩnh Kỳ.
Lời chào hỏi vừa rồi của Trần Tĩnh Kỳ hắn thực khiến nàng rất vừa ý. Nó đề cao địa vị của nàng, đồng thời hạ thấp Triệu Phi Yến, đem xếp chung với những phi tần khác, chỉ gọi "nương nương"; thêm nữa, Triệu Cơ nàng được hắn chúc "vạn tuế", trong khi Triệu Phi Yến kia thì chỉ được chúc "thiên tuế"...
Có người cao hứng tất có kẻ buồn bực. Tâm trạng của Triệu Phi Yến lúc này quả thực không tốt. Trước chuyện lễ vật, bây giờ lại đến vấn đề xưng hô chúc tụng... Trần Tĩnh Kỳ này rõ ràng muốn chống đối với mẹ con nàng.
Sắc diện của hai vị ái phi ái hậu, Hạng đế Lý Uyên chẳng mấy quan tâm, chỉ tập trung vào Trần Tĩnh Kỳ.
- Trần Tĩnh Kỳ... không nghĩ là ngươi.
Hạng đế vuốt nhẹ chòm râu, sắc diện chẳng biểu lộ nhiều điều. Qua một lúc thì hắn mới nhếch môi mỉm cười, hỏi:
- Thân mẫu của ngươi, ta nhớ không lầm thì chính là An quý phi?
- Hồi Hoàng thượng, quả đúng như vậy.
Trần Tĩnh Kỳ cung kính đáp.
Hạng đế lại nói:
- Mẫu phi của ngươi, vốn dĩ cũng là con dân Hạng quốc. Theo ta được biết thì ngoại tổ phụ của ngươi gốc ở đất Thượng, về sau mới di cư sang Trần.
Chuyện này Trần Tĩnh Kỳ cũng có biết. Mẫu phi của hắn đích xác là người nước Hạng, quê ở đất Thượng, mãi sau này khi ngoại tổ phụ của hắn vì để tiện cho việc làm ăn buôn bán nên mới đi sang Trần quốc sinh sống, dần tạo quan hệ, từ đó mẫu phi hắn mới tiến cung, được sủng ái, rồi... bị thất sủng, chết ở lãnh cung...
Trong lúc Trần Tĩnh Kỳ còn đang hồi tưởng thì bên cạnh Hạng đế, Hoàng hậu Triệu Cơ lên tiếng:
- Tĩnh Kỳ, giữa ta và ngươi tính ra cũng có chút duyên phận đấy.
Trần Tĩnh Kỳ hơi ngoài ý muốn, nhất thời chưa hiểu được hai chữ "duyên phận" kia có ý nghĩa ra sao.
Trông thấy hắn nghi hoặc, Hạng đế mới giải thích:
- Quê nhà của Hoàng hậu cũng là ở đất Thượng.
Tới lúc này thì Trần Tĩnh Kỳ đã hiểu. Xuất thân của Triệu Cơ, Trần Tĩnh Kỳ hắn không phải không biết, chỉ là vừa rồi chưa có liên tưởng.
- Tĩnh Kỳ, bức Tứ Linh Hoá Phúc Đồ này của ngươi thật sự rất bất phàm, chẳng hay thầy dạy là ai?
Triệu Cơ hỏi.
- Hồi Hoàng hậu, thuở nhỏ Tĩnh Kỳ có được học với đại sư Tôn Phúc Lân.
- Tôn Phúc Lân?
Triệu Cơ nghi hoặc. Danh tự này nàng thực sự chả có tí ấn tượng nào, chứng tỏ Tôn Phúc Lân kia cũng không phải kẻ tài ba lỗi lạc gì.
Sau Hoàng hậu Triệu Cơ, Hạng đế Lý Uyên có hướng Trần Tĩnh Kỳ hỏi thêm mấy câu, cuối cùng hạ lệnh ban thưởng rồi cho phép hắn và Lý Long Tích lui xuống, từ đầu đến cuối nét mặt đều luôn giữ được vẻ ổn trọng điềm nhiên, suy nghĩ trong lòng khó ai có thể đoán được.
Nối tiếp Lý Long Tích và Lý Long Thành, các vị hoàng thân quốc thích, văn võ đại thần lần lượt tiến lên dâng tặng lễ vật cho Hạng đế. Lúc tới phiên sứ thần Đại Trần là Phạm Đăng Giai dâng lễ, khoảnh khắc ngang qua bàn Lý Long Tích, hắn không nhịn được phải liếc nhìn Trần Tĩnh Kỳ, nét mặt có mấy phần phức tạp.
Buổi tiệc tiếp tục diễn ra; các tiết mục ca múa, tuồng kịch lần lượt được những ca cơ, kép hát tài giỏi nhất kinh thành phối hợp trình diễn. Khi tiếng nhạc cuối cùng kết thúc thì cũng là lúc cuộc thi so đấu văn chương bắt đầu. Phụ trách ra đề là Nguyễn Chánh, Trần Thừa Ân, Cao Văn Đạt - ba vị Đại học sĩ đương nhiệm của triều đình Hạng quốc.
Theo những vế đối được ba người bọn họ lần lượt viết ra, bầu không khí bên trong đại điện cũng dần trở nên căng thẳng; tính tới hiện tại, những tiếng nói cười đã gần như im bặt, tất cả đều tập trung vào cuộc so đấu.
Đại khái có thể chia làm bốn phe: Vũ vương Lý Long Tích, Cửu vương Lý Long Thành, sứ thần Đại Trần và sứ thần Đông Hồ.
Không ngoài mong đợi, những học giả đứng đây ai nấy đều là một bụng kinh thi, cơ trí cực kỳ linh hoạt; chẳng những thế, bút tích của bọn họ còn rất cao thâm, mỗi một chữ hạ xuống đều toát ra thần vận, hàm ẩn khí thế. Nhất là chữ của Hứa Bỉ, câu đối của hắn rất được người tán thưởng. Nhưng là, trong lòng Hứa Bỉ không chút vui mừng. Bởi vì ở đây có một người còn đạt đến trình độ thư pháp, hội hoạ cao hơn hắn.
Viết xong câu đối thứ ba, Hứa Bỉ lại một lần nữa nhìn về chỗ bàn Lý Long Tích, dừng trên gương mặt Trần Tĩnh Kỳ. Hắn rất muốn được tận mắt nhìn thấy vị Chất tử đến từ Trần quốc này hạ bút. Thú thực là mãi cho tới tận bây giờ hắn vẫn chưa thể tiếp nhận được mình lại bại dưới tay của một thiếu niên tuổi đời bất quá mới có mười bảy.
Mười bảy tuổi, so với Viên Hi thậm chí còn nhỏ hơn. Trần Tĩnh Kỳ hắn rốt cuộc là làm sao luyện được bút tích đến cảnh giới siêu phàm thoát tục ấy?
Thật ra không riêng gì Hứa Bỉ, các vị hoàng thân quốc thích, văn võ đại thần đứng đây cũng có rất nhiều người cảm thấy hoài nghi, muốn xác minh. Khổ nỗi, bọn họ chờ mãi, đợi mãi mà vẫn chưa thấy Trần Tĩnh Kỳ đi ra cầm bút. Suốt từ nãy giờ, toàn bộ câu đối đều chỉ do Đinh Nguyên, Lưu Cảnh - hai học giả khác của Vũ vương phủ - phụ trách phô bày, mà nét chữ của hai người này... vẫn là kém xa Hứa Bỉ.
- Các vị học giả quả nhiên là tài năng hơn người, chỉ trong một thời gian ngắn liền có thể đối được hoàn chỉnh những vế đối đề ra. Ta có lời khen tặng.
Ngồi trên ghế cao, Hạng đế vuốt râu cười nói.
- Bản thân ta cũng là kẻ yêu thích văn chương thi phú, nay đang lúc cao hứng, ta muốn đích thân ra ba câu đối. Các ngươi nếu ai đối được, đối nhanh nhất, đối hay nhất, ta tất trọng thưởng.
Nói rồi Hạng đế đứng lên, bước ra giữa sảnh đường, cầm cây bút đã được chấm mực do Cao Văn Đạt mới đưa qua, viết:
"Trấp niên sử hứa thân báo quốc, hà dĩ gia vi, hà gia phi gia, diệc hà gia thị gia, gia quốc mộng trung, khổ tối khổ, quốc phá gia vong cừu thượng tại."
(Hai mươi năm đem thân báo nước, nào kể chi nhà, nhà nào là nhà, nhà nào không phải nhà, trong mộng nước nhà, khổ là khổ, nước mất nhà tan, thù vẫn đó.)
Hạng đế nhìn câu đối của mình vừa mới được treo lên, nét mặt hài lòng:
- Các vị học giả, có thể bắt đầu đối.
Lời Hạng đế vừa dứt chưa được bao lâu thì từ phía dưới, một giọng khàn khàn liền cất lên:
- Nhất phiến tâm tuẫn nghĩa quyên sinh, dục đắc tử sở, dục tử bất tử, vị dục tử cánh tử, tử sinh độ ngoại, bi hề bi, sinh hùng tử liệt chí nan mai.
(Một tấm lòng vì nghĩa quên mình, muốn tìm chỗ chết, muốn chết không chết, không muốn chết lại chết, ngoài vòng sống chết, sống hùng chết liệt, chí khôn vùi.)
Tất cả mọi ánh mắt lập tức hướng về nơi phát ra thanh âm. Thì ra chủ nhân câu đối chính là Phạm Đăng Giai - sứ thần của Đại Trần quốc.
Bên trên, Hạng đế khẽ gật đầu khen hay, rồi bảo Phạm Đăng Giai lên viết câu đối vừa đọc ra giấy, cho người treo lên.
Bởi do tiêu chí đã được Hạng đế thay đổi, yêu cầu phải là nhanh nhất, hay nhất nên sau câu đối của Phạm Đăng Giai, những vị học giả khác cũng thôi không suy nghĩ nữa. Câu đối kia đã là nhanh nhất, lại đối rất chỉnh, căn bản chẳng cần phải cạnh tranh.
p/s: Sắp Tết, Tà phải lo chuẩn bị nhiều thứ nên không có thời gian viết, từ mai mỗi ngày 1 chương thôi nha mọi người, qua Tết Tà lên lại ngày 2-3 chương. Cảm ơn mọi người đã ủng hộ Tà.
(Cảm ơn
[email protected] tặng 1k đậu
BswaggerT đề cử 4 Nguyệt phiếu
[email protected] đề cử 2 Nguyệt phiếu
tusongquy đề cử 1 Nguyệt phiếu)