[Quyển 3] Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện - Tình Nhi Nữ

Chương 10.2: Hôn nhân đại sự (trung)




Chiều hôm đó Tế Độ về.  Chàng đi xuyên qua sảnh, băng qua khoảnh sân rộng dẫn đến hậu viên.  Tế Độ định vào phòng ngủ của chàng thay quan phục ra rồi trở ra sảnh dùng cơm nhưng vừa bước vào cổng hậu viên, chàng liền thấy A Lan và Mẫn Mẫn đang cầm kéo cắt trụi mấy bụi cúc trồng hai bên lối đi.  Trong khi A Lan cúi đầu chào chàng, Mẫn Mẫn nói trống không:  
- Đã về đấy ư?  
Mẫn Mẫn giẫm nát một đóa cúc, thêm lời:
- Kể từ hôm nay trong căn phủ này không được phép lưu giữ bất kỳ thứ gì liên quan đến nữ nhân kia, cũng không cho phép bất kỳ đứa a hoàn nào giúp chàng thay đồ.  Chàng có một tay không cài được nút áo thì gọi thiếp đến giúp chàng cài nút áo!
Tế Độ gật đầu, nhưng chàng không đi thay đồ nữa mà quẹo sang trái đi hướng thư phòng.  Tế Độ bước vào phòng sách, đến ngồi phía sau chồng tấu sớ đặt trên chiếc bàn kê cạnh cửa sổ, cầm cuộn giấy lên.
Nguyên cả nửa ngày Mẫn Mẫn được A Lan khuyên phải tập tánh dịu dàng.  Vả lại, Mẫn Mẫn cũng đã cùng A Lan tàn phá những bụi hoa Nữ Thần Y yêu thích, thêm vào đó, vừa rồi Mẫn Mẫn cũng chính mắt trông thấy cái gật đầu dễ dãi từ Tế Độ nên cơn giận của nàng giảm xuống.  Mẫn Mẫn bước vào phòng sách, đến gần Tế Độ, hỏi:
- Chàng đã ăn chiều chưa, để thiếp kêu A Lan đi dọn cơm chàng và thiếp cùng ăn?
Tế Độ lắc đầu:
- Cảm ơn nàng nhưng ta không đói.
- Không đói cũng phải ăn cho đúng giờ giấc chứ! - Mẫn Mẫn đứng đối diện Tế Độ, nói.
Tế Độ trải cuộn giấy lên bàn, lại lắc đầu:
- Không sao, ta đang bận lắm.  Ta phải viết tờ bẩm lên thái hoàng thái hậu về phúc thọ cao sau đó xem bản đình dụ của Ngạch Đồ nữa, xem còn sơ suất chỗ nào không, chép lại cho rõ rồi nhờ Lôi nhị thúc gửi đi.
Tế Độ nói rồi cũng không cả ngẩng đầu lên.  Chàng và Mẫn Mẫn cách nhau một cái bàn, A Lan đứng bên Mẫn Mẫn.  Tế Độ lên tiếng gọi Hiểu Quân vào giúp chàng mài mực.  Mẫn Mẫn liền nói Hiểu Quân đang ở chợ mua đồ.  Sau đó, Mẫn Mẫn biết Tế Độ sẽ gọi a hoàn vừa ý thứ nhì của chàng là Tiểu Tuyền bèn nói kể từ hôm nay đứa đầy tớ gái xuất hiện bên chàng chỉ có thể là A Lan.
Tế Độ nghe vậy nhấc bình nước nhỏ trên bàn lên, cho một ít nước vào nghiên mực, dùng tay không bị thương cứ thế mài mực liên tục.  A Lan ngỏ ý xin giúp nhưng chàng lắc đầu.  
Mẫn Mẫn trố mắt:
- Chuyện gì?  Người của thiếp sắp xếp bên chàng khiến chàng không vừa lòng à?  Chàng chỉ vừa lòng bọn con gái đến từ miền Nam hầu chàng thôi phải không vì con tiện nhân đó dân miền Nam?
Tế Độ hơi khựng lại.  Hai chữ “tiện nhân” thoát ra từ miệng Mẫn Mẫn khiến trong lòng chàng bất giác nghe nhói đau.  Tế Độ khẽ chau mày, nói:
- Xin nàng đừng nhục mạ người khác, hơn nữa Hiểu Quân không phải đến từ Giang Nam.  
Mẫn Mẫn cười khẩy:
- Không gọi nó là tiện nhân vậy gọi bằng gì đây?  Hay để thiếp nghĩ thử coi, một đứa con gái qua đêm với hôn phu người ta sau đó không lấy một xu, lại không gặt hái được thân phận gì trong suốt ba năm, không gọi tiện nhân vậy gọi là “động nhân” được chăng?  Nó sở hữu ba cái động trên mình để nam nhân ai cũng có thể ra vào trong đó, những cuộc du ngoạn miễn phí, ai mà biết được ngoài chàng nó đã chung chạ với bao nhiêu người đàn ông rồi?  Nghe nói trong Thiên Địa Hội có bảy đương gia, có khi nó còn làm tình với cả bảy người rồi hoặc cùng lúc nữa cũng nên, để cho ba trong bảy gã đàn ông cùng lúc lấp đầy ba cái động trên mình nó.  Trong khi những tên còn lại chờ tới lượt luân phiên hoan lạc.  Nó còn đê hèn hơn bọn kĩ nữ trong hoa lầu nhiều vì bọn kĩ nữ buôn bán hẳn hòi!
Mẫn Mẫn nói tới đây ngưng một chút, quay sang A Lan, thêm lời:
- Thôi, em ra ngoài đi, Định Viễn đại tướng quân sẽ không ưng em hầu ngài đâu.  Em biết vì sao không?  Vì em không đủ lẳng lơ như con “động nhân,” ngoài đôi mắt ướt rượt lúng liếng đa tình ra nó còn sở hữu nốt ruồi son ở giữa nhũ hoa nữa, dâm đãng như vậy nam nhân nào mà nhịn được!
Tế Độ không có thói quen đôi co với bọn đàn bà con gái nên dù Mẫn Mẫn dùng những lời lẽ vô cùng khiếm nhã nói về Nữ Thần Y khiến chàng bi phẫn, chàng vẫn im lặng tiếp tục mài mực.  Một hồi sau, Tế Độ viết xong tờ bẩm và sửa lại bản nháp của Sách Ngạch Đồ, đặt tờ bẩm và bản nháp vào hai bì thư rồi lững thững bước ra khỏi phòng.  Mẫn Mẫn bám theo chàng ra tới cổng phủ Định Viễn hỏi chàng muốn đi đâu nhưng Tế Độ trầm ngâm leo lên cỗ xe không nói không rằng.
Mẫn Mẫn long mắt nhìn cỗ xe của Tế Độ xa dần.
Tối đó Tế Độ về, Mẫn Mẫn lại đeo theo chàng cáo buộc hồi chiều chàng đến tân giả khố.  Tế Độ trả lời rằng chàng đi tìm Sách Ngạch Đồ bàn chuyện công nhưng Mẫn Mẫn không tin.  Tế Độ im lặng trước những lời cáo buộc của Mẫn Mẫn.  Đương nhiên là chàng không đến tân giả khố, Tế Độ thừa biết thân phận của chàng bây giờ là gì, chàng là người đàn ông đã có gia đình hơn nữa chàng lo Mẫn Mẫn dùng danh phận vợ chính thức đi tìm Nữ Thần Y kiếm chuyện nên chàng không tới gần tân giả khố nửa bước.  
Tế Độ nhẫn nhịn có gần một canh giờ mà Mẫn Mẫn không để hai lỗ tai chàng yên nghỉ.  Thêm vào đó, Mẫn Mẫn không ngừng dùng những ngôn từ bẩn thỉu nói về Nữ Thần Y.  Tế Độ nghe riết đâm nóng gáy, nhưng chàng cũng không có thói quen ẩu đả với bọn đàn bà con gái lại nữa người này là thê tử của chàng mà một người chồng động tay động chân với vợ mình sẽ rất không hay.  Thế là, Tế Độ tránh cho bản thân bùng nổ bằng cách vào thư phòng nhốt mình xem tấu chương, trong phòng có một trường kỉ, chàng ngủ lại luôn trên trường kỉ.  Mẫn Mẫn đứng ngoài hành lang đập cửa ầm ĩ muốn chàng ra gặp nàng để tiếp tục đối chứng việc chàng có đến tân giả khố nhưng Tế Độ chốt hai cánh cửa.  Vậy là suốt cả đêm Mẫn Mẫn không chịu cho ai nghỉ ngơi, lớn tiếng tru tréo một hồi chuyển sang than thân trách phận làm cả phủ Định Viễn chó mèo chẳng yên.
Liên tục những ngày sau đó buổi sáng Tế Độ rời phủ đi chầu triều, trưa ở lại sở quân cơ, chàng không trở về nhà cho đến trời tối khuya.  
Suốt hai tháng trời số lần Mẫn Mẫn gặp được Tế Độ có thể đếm trên đầu ngón tay, chàng như một hồn ma, đi đi về về trong lặng lẽ, cũng không nói năng thậm chí nhìn mặt Mẫn Mẫn khiến cho Mẫn Mẫn càng lúc càng thêm cay cú.  
Mà càng cay cú bao nhiêu Mẫn Mẫn càng đối đãi tệ hại với bọn người hầu kẻ hạ trong phủ Định Viễn bấy nhiêu. Tội nghiệp bọn nô tài của Tế Độ, từ sau khi Mẫn Mẫn đăng đường nhập thất một cách diễu võ dương oai bọn họ ai cũng rất cẩn thận, tuân theo những quy cũ trước mặt Mẫn Mẫn, không ai dám có một chút sai sót nhưng vẫn bị Mẫn Mẫn đánh đập mắng chửi.  
Lôi Kiến Minh thừa biết Mẫn Mẫn cay cú Tế Độ nên tìm cách trút giận lên đầu bọn đầy tớ nhưng ông không muốn tình cảm hai vợ chồng thêm sứt mẻ bèn giấu nhẹm mọi việc không nói với Tế Độ nửa lời.
Lôi Kiến Minh chỉ thở dài mỗi khi thấy bọn hạ nhân bị Mẫn Mẫn đánh đập vô cớ.
Nhất là bọn đầy tớ gái, trước khi Tế Độ ra khỏi nhà Mẫn Mẫn ngoài việc lạnh lùng châm biếm đối với họ ra cũng không có những hành động đặc biệt gì, chuyện đau khổ nhất là sau khi Tế Độ ra khỏi nhà, Mẫn Mẫn tìm đủ mọi cách bắt lỗi để phạt họ, cho rằng bọn họ quen được Tế Độ dung túng nên không ai tuân theo phép tắc.
Lúc trước trong phủ Định Viễn cuộc sống của bọn a hoàn vui vẻ dễ dãi bao nhiêu thì bây giờ trò chơi đá cầu đối với bọn họ trở thành một thứ tiêu khiển vô cùng xa xỉ.  Mỗi ngày, bọn a hoàn hoàn toàn trông vào tâm tình của Mẫn Mẫn mà sống, nếu như tâm tình của Mẫn Mẫn vui vẻ thì bọn họ chỉ bị mắng vài câu, có khi chỉ bị một câu:
- Cút đi!  Ðừng có ở đây làm ta nổi giận!
Là bọn họ mừng rỡ rời đi ngay.  Nếu hôm nào tâm tình của Mẫn Mẫn không được vui thì bọn họ coi như khốn nạn, luôn cả Trương Dũng, Triệu Phật Tiêu, Nhạc Thăng Long, Kiều Tam Thể, Chu Xương Tô và Ngụy Tượng Xu dăm bữa nửa tháng đến phủ Định Viễn viếng Tế Độ cũng bị họa lây.  Một điều khổ sở nhất là, tâm tình Mẫn Mẫn gần như không có lúc nào vui vẻ.  Nhưng khổ hơn ai hết vẫn là Tiểu Tuyền, vì Tiểu Tuyền là a hoàn hầu hạ Tế Độ thay đồ nên Tiểu Tuyền thường bị đày đọa rất thảm thương.  Thêm vào đó có một quãng thời gian Tiểu Tuyền sống ở Hàng Châu thành ra từ khi Mẫn Mẫn biết Tiểu Tuyền là đồng hương của Nữ Thần Y, Mẫn Mẫn đem lòng căm ghét Tiểu Tuyền cay đắng, căm ghét hơn bọn a hoàn khác trong phủ gấp ngàn lần.
Một hôm Tiểu Tuyền pha một bồn nước ấm cho Mẫn Mẫn tắm, khi nước đã pha xong Tiểu Tuyền đến bên sập cúi mình nói:
- Nước đã pha xong xin mời cách cách…
Lời vừa nói ra Tiểu Tuyền biết ngay mình nói nhầm.  
Quả nhiên Mẫn Mẫn nghe Tiểu Tuyền gọi mình như vậy liền bật dậy quát:
- Cách cách?  Cách cách?  Nhà ngươi gọi ta là cách cách là ý gì đây?  Nói với ngươi biết bao nhiêu lần rồi ta là phu nhân, nhà ngươi gọi như thế là không muốn nhìn nhận địa vị tướng quân phu nhân của ta đúng không?
- Xin phu nhân tha tội! - Tiểu Tuyền méo xệch miệng lật đật xua tay nói – Nô tài không cố ý!  Chẳng qua nô tài quen miệng trong nhất thời không sửa lại được thôi xin phu nhân tha tội.
- Phì! – Mẫn Mẫn nhổ một bãi nước bọt lên giày Tiểu Tuyền – Nhà ngươi tưởng ngươi dáng vẻ xinh đẹp thì có thể quyến rũ đàn ông của người khác à?  Cái mạng đê tiện nhà ngươi chẳng qua cũng chỉ là một cô nhi!
Mẫn Mẫn vừa mắng vừa đưa tay lên đầu rút cây trâm cài tóc đâm túi bụi vào mình Tiểu Tuyền.  Tiểu Tuyền bị đâm chảy máu khắp người, một mặt la lên kinh hoàng, một mặt ôm đầu chạy trốn.  Mẫn Mẫn rượt theo Tiểu Tuyền quanh phòng, tự nàng cũng mệt nhọc thở hào hển, mồ hôi mồ kê chảy đầy trán đầy lưng.
Tiểu Tuyền chạy đến phía sau bồn nước, Mẫn Mẫn vẫn tiếp tục chửi bới:
- Cái thứ lăng loàn trắc nết nhà ngươi!  Suốt ngày chỉ lấy cái bộ mặt phóng đãng và bộ ngực trù phú đó của nhà ngươi đi quyến rũ đàn ông!
Ngực Tiểu Tuyền thuộc hàng khiêm nhượng nên nàng biết mấy lời xỉ vả này không phải dành cho nàng, nhưng sắc mặt Tiểu Tuyền vẫn trắng bệch, cố gắng chịu đựng, nhịn nhục tối đa.  
- Xin phu nhân cho nô tài cơ hội sửa đổi!  Xin hãy tha thứ cho nô tài!
Hai người cách nhau cái bồn nước nên Mẫn Mẫn không với tay túm Tiểu Tuyền được, cơn giận vì vậy nổ bùng thêm lên.  Mẫn Mẫn thuận tay cầm cái gáo múc nước trong bồn ném mạnh về phía Tiểu Tuyền.  Cũng may là Tiểu Tuyền hụp đầu xuống né thật nhanh, gàu nước tuy rằng không trúng được Tiểu Tuyền thế nhưng lại bay vút đến chiếc kỷ trà gần đó, va vào hai chiếc bình hoa thuộc loại đồ cổ để trên bàn, bể tan nát thành từng mảnh vụn.  Một loạt tiếng loảng xoảng vang lên thật to, nghe thật kinh hoàng.  A hoàn Tiểu Liên nghe tiếng động chạy vào, thấy hai cái bình hoa có in hình Tây Hồ và Thanh Tịnh tự Tế Độ rất thích, vội vàng bò lê bò càng dưới đất nhặt những mảnh vụn lên.  Mẫn Mẫn đương nhiên biết sự tích cặp bình này, nỗi bực tức trong lòng không những không hạ xuống lại càng bừng lên như pháo nổ, nàng tiến lên phía trước, giơ chân đạp Tiểu Liên một cái.
- Mi cũng chẳng khác gì con “động nhân” đó, thứ đồ hạ tiện!  Là thứ dâm ô!  Các ngươi không biết xấu hổ, tìm đủ mọi cách quyến rũ chồng ta!  Các ngươi đang độ tuổi hứng tình không kềm chế được đúng không?  Nếu như tất cả mọi người đều không thể kềm chế thì ngày mai ta sẽ đuổi việc hết tất cả các người!
Tiểu Liên cuống quýt, quỳ gối dập đầu với Mẫn Mẫn:
- Phu nhân!  Phu nhân!  Nô tài còn cha mẹ ở quê, xin người đừng đuổi việc nô tài!
Mẫn Mẫn càng giận hơn nữa, nàng lại dùng sức đạp Tiểu Liên thêm một cú té lăn ra sàn.  Tiểu Liên nằm trên sàn nhà lắc đầu quầy quậy, nước mắt chảy đầy mặt.
Lôi Kiến Minh nghe tiếng khóc lóc thảm thiết chạy vào vội vàng khuyên can:
- Phu nhân bớt giận, đừng nên để giận đến mang bệnh thì không đáng đâu!
Mẫn Mẫn la lên bừng bừng:
- Ði đi!  Cả hai đứa chúng bây đi ra ngoài sân quỳ gối cho ta!
Thế là Tiểu Liên và Tiểu Tuyền cùng quỳ gối dưới cái lạnh thấu xương của những ngày cuối năm, không dám động đậy.  
Sau màn đại náo đã làm cho căn phòng ngủ đầy dấu tích hỗn loạn, đúng lúc này Tân Nguyên tới thăm Mẫn Mẫn.  Đáng lẽ Tân Nguyên ngồi chờ ở ngoài đại sảnh nhưng nghe tiếng cô bạn tri âm chửi bới bèn tự tiện vào hậu viên xem.  Tân Nguyên vào phòng ngủ của Mẫn Mẫn thấy tóc tai của người chị em thân thiết xổ tung, ánh mắt bơ phờ.  Lại nhìn thấy Tiểu Tuyền và Tiểu Liên nước mắt rơi lã chã đầy mặt, quỳ gối ngoài sân dưới cơn gió đông như sắp bị đóng đá đến nơi. Lồng ngực của Tân Nguyên cảm thấy như thể bị một tảng đá thật to đè lên.  Tân Nguyên đứng vịn vào cánh cửa phòng, hết nhìn Mẫn Mẫn lại nhìn sang Lôi Kiến Minh, Tiểu Tuyền và Tiểu Liên.  
Chỉ tới khi Tân Nguyên lên tiếng mới khuyên giải được Mẫn Mẫn.
Lúc này Mẫn Mẫn mới chịu dịu lại:
- Nể tình Tân Nguyên bọn chúng bây cút đi cho khuất mắt ta!
Tiểu Tuyền và Tiểu Liên cùng dìu nhau đứng dậy, tròng mắt hai người con gái vẫn còn đong đầy lệ.  Hai người vội vàng cúi mình với Tân Nguyên và Mẫn Mẫn, sau đó không nói một tiếng nào, cùng nhau đi thẳng.  Lôi Kiến Minh cũng chào Mẫn Mẫn và Tân Nguyên rồi bước theo Tiểu Liên và Tiểu Tuyền, kêu lên:
- Hai a đầu!
Tiểu Liên và Tiểu Tuyền vội vàng đứng dừng lại, quay đầu nhìn Lôi Kiến Minh, ánh mắt khẩn cầu.  Lôi Kiến Minh cất tiếng một cách chân thành:
- Hôm nay hai người khỏi cần phải làm gì nữa, về phòng nghỉ ngơi đi.
Đoạn ông lão lấy tiền đưa cho Tiểu Tuyền:
- A đầu, ngươi cầm tiền này đi coi đại phu, thật khổ cho ngươi.  Khi tướng quân về ta sẽ nói với ngài chuyển ngươi sang lầu Vọng Yến phục vụ ở đó, ngươi không cần hầu hạ tướng quân nữa tránh bị phu nhân đánh đập đến mình mẩy đầy thương tích.
Tiểu Tuyền nghe nói được sang lầu Vọng Yến sống với Hiểu Quân, mừng rỡ cám ơn Lôi Kiến Minh, vừa vâng dạ không ngớt vừa đưa tay lau lệ.  Trong lòng Tiểu Tuyền cứ tiếc rẻ tại làm sao tướng quân phu nhân lại không phải là cô gái đã giải vây cho bọn nàng xinh đẹp như hoa, lại dịu dàng hiểu tình đạt lí làm sao, hoặc Hà Tử Lăng tài sắc hơn người, hay bất kỳ người tình cũ nào Tế Độ từng đem về phủ mà lại là… Thiết Phiến công chúa thế này!  Tiểu Tuyền nghĩ đến Hà Tử Lăng, chợt nhớ đến lời của Tiểu Liên.  Tiểu Liên bảo rằng Hà Tử Lăng biết trước không ai có thể tránh được cơn bão mang tên Mẫn Mẫn nên một ngày trước khi Tế Độ thành thân với Mẫn Mẫn, Hà Tử Lăng đã từ giã chàng rồi rời kinh thành, đi làm giám định viên đồ cổ cho một tiệm đồ cổ ở Hà Bắc rồi.  
Chỉ còn lại Phi Nhi không phải a hoàn của Tế Độ là không có chỗ để đi, nhưng thực sự thì Phi Nhi cũng không muốn rời đi.  Phi Nhi may mắn có lý do chính đáng có thể tránh mặt Mẫn Mẫn.  Bấy giờ Phi Nhi có công việc hẳn hòi nên nàng ở suốt trong Bách Tuấn Viên.  Phi Nhi là người thuần dưỡng ngựa ở trường đua ngựa Bách Tuấn Viên.  Từ sáng đến chiều Phi Nhi giúp Trương Dũng thuần dưỡng hãn huyết mã cho triều đình, chỉ đến tối mới về ngủ trong căn lầu của nàng.
Nhắc lại mùa xuân năm ngoái Tế Độ đem một khu trang viên nằm biệt lập trong phủ Định Viễn sửa sang lại cho Phi Nhi ở, vì chàng không giúp được Phi Nhi tìm ra em gái nên tặng Phi Nhi khu trang viên để an ủi.  Tế Độ đặt cho khu trang viên này một cái tên, gọi là lầu Vọng Yến để tưởng nhớ Phi Yến.  Dĩ nhiên, Phi Nhi vui vẻ bằng lòng mặc dù Phi Yến vẫn còn sống lù lù trong thành.  Lầu Vọng Yến vừa được sửa sang xong là Phi Nhi dọn vào ở ngay.  Tế Độ vô cùng chu đáo, phái thêm hai cô a hoàn đến hầu Phi Nhi.  
Lầu Vọng Yến gồm hai tầng lầu, với ngói vàng, cửa đỏ, các mái hiên được uốn cong lên như đôi cánh hạc.  Phi Nhi nuôi chim yến các loại ngoài lan can, thường ngày vào mỗi buổi sáng Phi Nhi rất thích đứng ngoài lan can lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn cảnh trời mây bao la bát ngát.  Từ trên lầu, Phi Nhi cũng có thể trông thấy Tây Hoa môn, mỗi ngày sau giờ bãi triều Tế Độ đều rời cung bằng cánh cổng phía Tây.  Cỗ xe của chàng hiện ra ở chân trời xa xa, Phi Nhi cảm thấy quen với hình ảnh ấy.  Nàng chờ cho cỗ xe ngựa với tấm rèm vải xanh nước biển dừng trước cổng phủ Định Viễn, chàng bước xuống đất ngẩng lên nở một nụ cười thân thiện với nàng.  Đương nhiên những ngày tháng đó là những ngày tháng chưa có sự xuất hiện của Thiết Phiến công chúa mang sóng gió đến cho mọi người trong căn phủ vốn dĩ rất bình yên và thoải mái này.
(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.