Ta Không Làm Thiếp

Chương 104: Thất Tịch (1)




Sau khi Thẩm Lan cùng Bùi Thận từ giã trong không khí không mấy vui vẻ, vài ngày sau cũng đến mùng bảy tháng bảy.
Sáng sớm, nhân lúc Triều Sinh chưa sang thư phòng để lên lớp, Thẩm Lan bưng chén sữa bò đưa cho nó, cười hỏi: “Hôm nay là Thất Tịch, Triều Sinh có muốn xin nghỉ một ngày không?”
Triều Sinh lắc đầu, hớp mấy ngụm hết sạch sữa rồi dùng mu bàn tay quệt miệng, nhảy xuống khỏi ghế hoa hồng, nói: “Thưa mẹ con đi học.” Nói xong nó chạy vèo ra khỏi phòng.
Thẩm Lan khẽ cau mày nhìn theo bóng nó, vẻ mặt sầu lo. Từ sau cái hôm Bùi Thận đến, Triều Sinh như gặp phải cơn k1ch thích nào đó, mỗi ngày từ lúc mở mắt thức dậy liền bắt đầu cần cù chăm chỉ học văn tập võ, không bỏ sót bên nào.
“Phu nhân đừng lo lắng quá.” Thu Diên khuyên nhủ: “Triều Sinh biết nỗ lực là chuyện tốt mà.”
Nỗ lực học tập đúng là tốt đấy, nhưng học đến độ ngược đãi bản thân thế này, nàng sao có thể không lo lắng cho được?
Nàng âu sầu nói: “Đêm nay là Thất Tịch, ta nhớ trong thành hình như có hội hoa đăng?”
Thu Diên gật đầu: “Tất nhiên là có chứ.”
Thẩm Lan cười cười: “Ta cũng không nhốt các em trong nhà làm gì. Tối nay cứ đi xem hội, rồi thả kim xin Chức Nữ ban cho đôi tay khéo thêu thùa may vá đi.” Nàng cũng sẽ dẫn Triều Sinh ra ngoài dạo chơi giải buồn một chút.
Thu Diên cũng chỉ đâu mười sáu, mười bảy tuổi, nghe vậy liền vô cùng hân hoan đáp lời.
Ánh dương dần buông, Triều Sinh vừa tan học ra cửa thư phòng liền thấy Lâm Bỉnh Trung đứng đó, cung kính nói: “Thưa tiểu công tử, Gia đang đứng chờ ngoài phủ.”
Triều Sinh liếc nhìn Lâm Bỉnh Trung, lắc đầu hỏi: “Chuyện gì?”
Lâm Bỉnh Trung thật thà đáp: “Gia nói hôm nay có hội Thất Tịch, muốn dẫn tiểu công tử ra ngoài dạo chơi.”
Triều Sinh lắc đầu: “Không đi.”
“Gia nói có vài việc muốn nói riêng với tiểu công tử.” Lâm Bỉnh Trung bổ sung thêm, “Là chuyện liên quan đến phu nhân.”
Triều Sinh cắn môi, trầm mặc trong chốc lát mới nói: “Lâm sư phụ dẫn đường đi.” Dứt lời, cậu nhóc quay sang nói với thư đồng: “Hổ Tử, đi báo cho mẹ ta rằng ta ra ngoài một chuyến, chốc nữa sẽ về.” Hổ Tử đáp lời rồi quay đi.
Thẩm Lan vừa nghe nói Lâm Bỉnh Trung dẫn Triều Sinh ra khỏi phủ, nàng liền biết chắc hẳn là Bùi Thận muốn gặp Triều Sinh.
Cảnh tượng Bùi Thận chọc tức Triều Sinh mấy hôm trước còn rõ mồn một trước mắt, Thẩm Lan đâu chịu yên tâm, dợm đứng dậy đuổi theo, lại thấy Lục Tử vội vàng tới báo: “Phu nhân, Lâm thị vệ nhờ ta gửi lời, nói là hắn dẫn tiểu công tử đi ra ngoài chơi.”
Thẩm Lan có một chớp mắt do dự, nghĩ bụng Bùi Thận là phụ thân của Triều Sinh, theo lý mà nói, nàng không nên mà cũng không thể ngăn cản cha con họ gặp nhau. Huống hồ Bùi Thận có lẽ không đến nỗi sẽ k1ch thích Triều Sinh lần nữa.
Nghĩ đến đây, Thẩm Lan ngừng bước, lại thêm Thu Diên cũng vừa hay tới bẩm lễ thả kim cầu Chức Nữ được khéo tay thêu thùa ở viện sau sắp sửa bắt đầu, muốn mời nàng đến để chủ trì. Thẩm Lan suy tư một phen, rồi quay người đi về phía viện sau.
Lúc này Triều Sinh vừa bước ra khỏi Thẩm trạch, thấy đầu hẻm có người đàn ông đầu đội ngọc quan, người mặc áo viên lĩnh lụa dệt hoa, eo đeo đai lưng quả vải bằng bạc đang đứng đó.
Triều Sinh hơi hé miệng, muốn hô thúc thúc rồi lại cảm thấy không đúng lắm. Nhưng bảo gọi cha thì lại không mở miệng thốt ra nổi, thế là nó đành im lặng bước tới trước mặt Bùi Thận, ngẩng đầu lên nói: “Ta tới rồi đây. Ngài muốn nói gì?”
Bùi Thận nhướng mày, nhủ bụng mình làm gì muốn nói gì đâu chứ. Triều Sinh rốt cuộc vẫn còn nhỏ, chỉ dăm ba câu đã bị y lừa ra ngoài.
Y cười khẽ, dùng một tay bế thốc Triều Sinh lên. Tầm nhìn của Triều Sinh đột ngột cao hơn, nó hoảng hốt, theo bản năng quàng lấy cổ Bùi Thận.
Chờ Triều Sinh hoàn hồn lại, nó tức đỏ cả mặt, lấy tay đẩy lồ ng ngực Bùi Thận ra, hai chân quẫy đạp lung tung không ngừng: “Ai cho ngài ôm ta! Thả ta xuống!”
Bùi Thận mặc kệ nó, từ tốn nói: “Hôm nay là Thất Tịch, mẹ con bận việc, cha dẫn con đi chơi.”
Bàn tay nhỏ của Triều Sinh nắm chặt vạt áo Bùi Thận, lại buông ra, xụ mặt nói: “Cha ta đã chết rồi.”
Bùi Thận sớm đoán được Triều Sinh hẳn sẽ có cảm giác mâu thuẫn, lại không ngờ nó không thích mình đến vậy. Thà rằng nhận nấm mồ rỗng làm cha cũng không muốn nhận y.
Chỉ là đây dù sao cũng là con của y và Thẩm Lan, Bùi Thận tóm lại vẫn có đủ kiên nhẫn, cứ thế ôm Triều Sinh ra ngoài: “Mấy ngày trước không phải ta đã nói với con ta là cha ruột của con rồi sao?”
Triều Sinh lạnh mặt không đáp, để tùy Bùi Thận ôm vào lòng.
Nếu Thẩm Lan ở đây, nàng nhất định sẽ biết dáng vẻ này của nó là do không biết nói gì. Nhận Bùi Thận làm cha thì không cam lòng. Không nhận thì lại chẳng ra sao cả. Cười giỡn vui đùa, nhõng nhẽo nũng nịu với Bùi Thận nó cũng không làm được, cuối cùng chỉ đành lạnh mặt mà đối diện.
Bùi Thận thấy nó không nói tiếng nào, coi như Triều Sinh đã đồng ý, bèn bế nó tiếp tục tiến về phiá trước.
Ngày hội Thất Tịch, đèn dầu rực rỡ khắp nơi, kéo thành dải sáng dài đến mười dặm. Lọt vào tầm mắt là du khách lui tới tấp nập như thoi đưa, hòa lẫn cùng tiếng rao ồn ào của những sạp hàng rong bày bán đủ thứ.
“Tượng đây —— tượng đất, tượng sáp, tượng gì cũng có!”
“Bánh tiếu yếp nhi, các món xảo thực mới ra lò đây! Thơm quá đi thôi ——” (2)
Tượng sáp nổi trên mặt nước đây! Có mẫu Ngưu Lang Chức Nữ, cả mẫu uyên ương tịnh đế nữa.”
Triều Sinh tựa vào lòng Bùi Thận, vốn định tiếp tục lạnh mặt, nhưng vừa nghe mùi thơm nức mũi của bánh trái mới ra lò, nó không kìm được mà hít hà mấy cái.
Bùi Thận buồn cười bảo: “Muốn ăn gì thì cứ nói.” Dứt lời, y liền mua cho nó một túi bánh xảo thực bảo nó cầm lấy mà ăn.
Triều Sinh không thèm tiền tài của y, định lắc đầu từ chối, ai ngờ bụng nó bỗng dưng kêu rột rột. Nó theo bản năng nhích lại gần Bùi Thận với hy vọng vóc dáng cao to của y có thể che bớt tiếng bụng kêu vang, khiến Bùi Thận không kìm được khẽ cười một tiếng.
Triều Sinh bực dọc mở gói giấy, lấy miếng bánh xảo thực nhét vào trong miệng.
Bánh chiên ngập dầu thơm ngào ngạt, thoảng vị ngọt nhẹ từ lúa mì. Triều Sinh tựa vào lòng Bùi Thận nhai bánh, lại chọn từ trong đó mấy miếng bánh nguyên vẹn, đẹp đẽ đưa cho Lâm Bỉnh Trung cùng Trần Tùng Mặc đi theo sau Bùi Thận.
“Mời Lâm sư phụ, Trần thúc thúc cùng ăn.”
Hai người bị hù nhảy dựng. Gia còn chưa được miếng nào, cả hai luôn miệng từ chối: “Thuộc hạ không dám”, “Tiểu công tử cứ ăn đi thôi.”
Bùi Thận biết tỏng Triều Sinh muốn xa lánh y. Nhưng con trai của mình thà đưa thức ăn cho thị vệ cũng không chịu cho mình, Bùi Thận rốt cuộc không vui vẻ nổi, mặt mũi sa sầm nói: “Con lo ăn phần mình đi.”
Y không hài lòng, Triều Sinh liền hân hoan trở lại, nó mỉm cười thong thả tiếp tục ăn bánh.
Dáng vẻ lúc này của nó cùng cái kiểu chuyên chọc giận y của Thẩm Lan chẳng có chút nào khác biệt. Vừa nghĩ đến Thẩm Lan, gương mặt Bùi Thận hơi giãn ra, y chỉ vào sạp hàng bên đường, hỏi: “Có thích không? Nếu thích thì mua cho con một chiếc.”
Triều Sinh nhìn qua thì thấy ra là một sạp bán rong nhỏ khéo léo dùng những sợi dây nhiều màu buộc những bông hoa thành hình một con cá đang bơi, sau đó đặt một ngọn nến lên trên, khi thắp nến lên trông rất đẹp đẽ và lạ mắt. Cũng dễ hiểu vì sao khách khứa chen chúc đứng túm tụm lại trước sạp hàng này.
Triều Sinh dù sao cũng chỉ là một đứa bé, rất là mê mẩn những thứ này. Nhưng nó không muốn Bùi Thận mua cho, tần ngần do dự hồi lâu, ngẩng lên đã thấy Bùi Thận sai người thanh toán tiền.
Bùi Thận dúi một chiếc đèn cá chép được xếp từ hoa nhài vào tay Triều Sinh.
Triều Sinh tò mò quơ quơ chiếc đèn, cậu nhóc chưa bao giờ được thấy một chiếc đèn làm từ hoa thật cả.
“Đây là cây hoa nhài, giống này có nguồn gốc từ Ba Tư. Tiết Thất Tịch có vùng Quảng Châu thịnh chơi hoa nhài.” Bùi Thận giảng giải, “Chắc có lẽ người bán có gốc gác từ Quảng Châu, bán ở đây nên thấy mới mẻ.”
Triều Sinh ồ một tiếng, lén lút nhìn y, rồi chỉ vào thau sứ trên sạp hàng bên cạnh, hỏi: “Đó là cái gì?”
Bùi Thận nhìn sang, cười nói: “Đó là trồng cây. Trong thau này đang ngâm những hạt lúa, hạt đậu, ngâm đ ến khi nẩy mầm thì dùng chỉ màu buộc lên, ngụ ý cầu con cái.”
Thấy Triều Sinh tò mò dò đầu ra xem xét, Bùi Thận liền bế nó lại gần hơn để xem cho rõ.
Bùi Thận đã đi từ nam chí bắc, tinh thông đủ chuyện trên đời, y mỉm cười nói: “Thực ra phong tục tổ chức Thất Tịch ở các nơi cũng không giống nhau đâu. Ví như Quảng Châu phơi quần áo, phơi sách vở, làm nước thánh, treo đèn từ hoa nhài. Trong Kinh đô lại chuộng mặc bổ tử có thêu ảnh chiếc cầu Ô Thước, còn có hội khắc dưa nữa. Ở Phúc Kiến thì người ta sẽ bái sao Ngưu Langsao Chức Nữ.”
Triều Sinh không cam lòng nhưng cũng phải thừa nhận, người này biết nhiều như vậy, cũng coi như là học sâu hiểu rộng. Nó không khỏi tò mò hỏi: “Những nơi này ngài đều đã đến rồi ư?’
Bùi Thận cười cười: “Đa phần đều từng đi rồi.”
Triều Sinh ngạc nhiên không ngớt, không kìm nổi thốt lên trầm trồ. Ngay sau đó nó liền hối hận, bởi trước đó nó vốn quyết tâm không tỏ ra hòa nhã với Bùi Thận, nhưng lúc này đã bị y công phá thành công.
Bùi Thận giả vờ không thấy bộ dạng khó xử của nó, tiếp tục bế nó tới trước vừa đi vừa chơi.
Đằng trước vừa xem hai người đàn ông tung hứng ổ khóa bằng đá nặng phải năm, sáu mươi cân qua lại với nhau, lại thấy có người xiếc bằng cách lăn một cây đinh ba sáng loáng từ vai xuống cẳng chân rồi vòng ngược lên lại. Triều Sinh nhìn mà tim chực trồi lên cổ họng, sợ cây đinh ba sẽ chọc phải mình.
“Hay lắm! Tay cầm cờ kia, mau nhào lộn đi.”
“Đằng trước có người đang biểu diễn xếp chồng La Hán trên cái tạ bằng đá, nhanh qua đó xem đi.”
“Ôi ôi, bên chỗ xiếc bàn kia ơi! Cái bàn sắp đổ! Đổ xuống rồi!” (4)
Thì ra là có một người xiếc ảo thuật chồng hơn mười chiếc bàn lên nhau, rồi nhào lộn bò từng tầng lên trên đỉnh.
Triều Sinh ngẩng đầu, rạo rực muốn chen vào đám người, chợt nghe cạnh bên vang lên tiếng hạc kêu réo rắt lanh lảnh, khiến đám đông du khách lại chen chúc tràn về phía ấy.
Triều Sinh bồn chồn vỗ vỗ bả vai Bùi Thận, Bùi Thận từ tốn nói: “Đó là xiếc tiếng bụng giả thanh.” Nói rồi lại tiếp tục bế cậu nhóc đi tới.
Xem xong xiếc giả thanh rồi, mấy người lại đi ngang qua một sạp diễn kịch chim chóc muông thú. Nhưng biển người đông nghịt, dõi mắt nhìn đâu cũng chỉ toàn là người, Triều Sinh cố rướn cổ thật dài nhìn vào trong. Bùi Thận thấy vậy liền nhấc nó lên, bảo nó ngồi trên vai y.
Tầm nhìn của Triều Sinh bỗng chốc trở nên cao vút. Cậu nhóc ngơ ngác cúi đầu nhìn Bùi Thận, lặng im một lúc mới ngẩng lên nhìn vào sạp kịch.
Bùi Thận vóc dáng cao to, Triều Sinh ngồi trên vai y, chỉ cần nhìn qua là có thể thấy rõ mồn một khung cảnh con chim sẻ thông đầu đen đang bái lạy, bên cạnh còn có đàn kiến nghe tiếng trống mà xông ra đánh nhau.
Triều Sinh nhập tâm xem một lúc lâu, sau đó lại được Bùi Thận cõng tiếp về phía trước.
Nó ngồi trên vai Bùi Thận, tay nắm áo quần của y, đi xem nào là múa rối, ngói hoa, tháp mai rùa…… Triều Sinh xem đến hoa cả mắt.
Đợi đến khi hội đèn lồng đã tan, Bùi Thận bấy giờ mới bế Triều Sinh xuống, chậm rãi bước trở về nhà, cười hỏi: “Có muốn đi đốt pháo hoa không?”
Triều Sinh sửng sốt tựa vào lòng Bùi Thận, duỗi hai tay ôm lấy cổ y, hồi lâu sau mới gật gật đầu.
Bùi Thận cười cười, vừa đi vừa tung nó lên cao, Triều Sinh cuối cùng không nhịn được bật cười ha ha.
Mà Thẩm Lan lúc này thì đang ở viện sau chủ trì hội cầu Chức Nữ.
Trong nhà tính từ nha hoàn đến bà vú, tổng cộng hơn mười người. Mọi người nô nức khuân bàn vác ghế, bên trên bày ra bánh trái xảo thực các loại, bày thêm cả trái cây cùng những món điểm tâm đủ màu sắc rực rỡ.
Còn có mấy chục cái kim chín lỗ, kim bảy lỗ, kim một lỗ, kim đầu nhỏ cùng với chỉ thêu đủ màu cũng được bày ra bàn.
Mọi người đứng trước bàn đợi một lúc, chờ đêm tối hẳn, đèn dầu trong nhà cũng đều tắt hết, chỉ còn ánh trăng nhàn nhạt rọi xuống sân đình.
Thẩm Lan nhìn ánh trăng, rồi quay sang nhìn hơn mười bà vú trước mặt, cười nói: “Các vị đã chuẩn bị sẵn sàng rồi chứ?”
“Rồi rồi.”
“Phu nhân bắt đầu đi thôi.”
Nhóm bà vú trong đình cười rộ lên. Có vài người hồi hộp tay chảy đầy mồ hôi, chưa gì đã vội thò tay muốn cầm lấy kim, chỉ trên bàn.
Thẩm Lan thỉnh thoảng mới sắm vai trọng tài, nàng giơ cao dùi trống, mỉm cười gõ vào chiếc trống nhỏ bên cạnh.
“Tùng” một tiếng, đám đàn bà con gái lanh tay lẹ mắt nắm kim lên, kéo sợi chỉ bắt đầu xâu xuyên qua lỗ kim, những người khéo tay thậm chí có thể làm đủ các loại màu chỉ.
Thẩm Lan lần nào xem cũng phải trầm trồ kinh ngạc. Không gian tối om thế này, hầu như có thể coi là nhắm mắt xỏ chỉ, vậy mà họ vẫn làm được. Từ đấy có thể chứng tỏ tay nghề thêu thùa của họ là vô cùng thành thạo.
Chờ phần xâu kim dưới ánh trăng kết thúc, Thẩm Lan phát phần thưởng đâu ra đấy xong, lại cùng mọi người bưng thau đồng thả nhện vào, chờ tới sáng mai để xem mạng nhện giăng dày hay mỏng. Cuối cùng mọi người chia nhau bánh trái rồi mới hân hoan mạnh ai nấy ra ngoài xem hội hoa đăng.
Thẩm Lan hoàn thành công tác tổ chức đại hội liên hoan cho công nhân viên chức xong, đang định sửa soạn ra ngoài tìm Triều Sinh, lại bỗng nhiên nghe bên ngoài vang lên tiếng bùm bùm bùm.
Thẩm Lan quay người nhìn lại, thấy trong bóng đêm đen kịt, từng chùm ánh sáng bay vút lên trời cao.
“Là pháo hoa!” Thu Diên nhìn lên màn trời, hào hứng nói: “Phu nhân mau nhìn kìa, gần đây có người đang đốt pháo hoa!”
“Chúng ta ra ngoài xem đi! Ở ngoài rộng hơn!” Có tiểu nha hoàn chạy vội ra ngoài. Vậy là Thu Diên và Xuân Quyên cũng kéo Thẩm Lan cùng ra theo.
Thẩm Lan vừa bước ra liền sửng sốt. Ngay mảnh đất trống ở đầu hẻm là một giá pháo hoa cao đến một trượng đứng đó, cạnh bên có hơn mười hộp chứa pháo.
Mà người đang đốt pháo chính là Bùi Thận cùng Triều Sinh.
“Mẹ ơi! Mẹ nhìn kìa! Nhìn kìa!!” Triều Sinh đứng từ nơi xa, nhảy cẫng lên vẫy tay về phía nàng.
Trên bầu trời đêm, đầu tiên là những khóm thủy tiên vàng thoảng hương ngào ngạt, nụ hoa như chờ thời khắc đẹp nhất để được bung nở. Tiếp đến lại là cảnh ong vàng chui ra khỏi tổ, tìm hoa lấy mật. Những tia sáng như những ngôi sao lớn nhỏ trên trời, lại ngỡ như có ai đang đưa tay vén tấm rèm châu.
Lại có chim thiên đường, tháp trường minh, mưa hoa…… Pháo hoa đủ loại kiểu dáng lần lượt rực sáng trời đêm.
Thẩm Lan ngơ ngẩn đứng trong hẻm, nhìn Bùi Thận mỉm cười dịu dàng như gió xuân tháng ba, bế Triều Sinh từ xa tiến lại gần nàng.
Phía sau y là khoảng trời mây bàng bạc, trăng sao xa xăm, pháo hoa đầy trời nở bừng lên cao vút, rồi lả tả rơi xuống như mưa.
Chú thích:
1 Thất Tịch: hay còn gọi tiết Khất Xảo ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch, gắn liền với câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, được xem như ngày Lễ tình nhân của Trung Quốc
2 Món bánh đặc trưng trong ngày lễ Thất Tịch của Trung Quốc, còn các món xảo thực bao gồm sủi cảo, mì sợi, hoành thánh …
3 Nguyên văn Thủy thượng phù, là món đồ thủ công thường được bày bán vào dịp Thất Tịch
4 Nguyên văn Mạt táp kỹ, trò xiếc được ghi chép lại trong tiểu thuyết “Đảo cơ nhàn bình”. Chồng lần lượt 13 chiếc bàn lên nhau, người thực hiện sẽ nhào lộn lên đến tầng trên cùng, sau đó móc chân vào chân bàn sao cho đầu chúc ngược xuống, sau đó tiếp đất từ từ bằng hai tay.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.